Kim đồng hồ chạy ngược hay chạy xuôi

 Hồi nhỏ, khi ông tây bà đầm dạy xem đồng hồ, và giờ giấc,.. mình thắc mắc tại sao kim đồng hồ đi từ trái, vòng vòng qua phải mà sao không từ phải qua trái nên hỏi bà đầm, không nhớ bà này tên gì chỉ nhớ khi xem hình chụp cả lớp năm đó với bà ta. Bà ta chỉ nhìn mình rồi không nói gì còn mấy tên ngồi gần nhìn mình như bò đội nón, hỏi sao mình ngu thế. Mình thì có cái máu phản động, ai nói gì mình cũng không tin, hay hỏi trớt quớt. Nếu không được giải thích cặn kẽ thì mình không tin dù người đó là ông tây bà đầm. Ngày nay cũng hay cãi với đồng chí gái vô vàn kính yêu vì cô nàng tự cho sông có cạn núi có mòn nhưng đồng chí vợ luôn luôn đúng.

Thắc mắc này cứ theo mình đến giờ vì mình nghĩ người Do Thái viết tiếng Hebrew từ phải sang trái, tương tự người Tàu cũng vậy. Xe chạy bên trái bên phải thì mình hiểu vì khi xưa, người ta đi quen bên trái, cởi ngựa, chạy xe cũng vậy. Lý do là người ta thuận tay phải, đeo kiếm nên phải đi bên trái để có gì thì dễ rút kiếm bằng tay phải. Kiến trúc sư thiết kế các cầu thang tròn khi xưa, cũng đi lên từ bên trái, để gia chủ ở trên có thể thuận tay phải, cầm kiếm chống đỡ kẻ gian. Từ đó phụ nữ nắm tay chồng been trái để lên cầu thang tròn cho dễ vì các bực thang to rộng hơn phía bên trái.

Khi ông tây bà đầm dạy xem giờ thì nói chiều kim đồng hồ trong khi mình hỏi tại sao không đi ngược lại
Mình hỏi ông tây bà đầm lý do sao không đọc ngược lại thì không được trả lời trong khi mấy tên học chung kêu mình ngu, hỏi vớ vẩn 

Sau này, ông Napoleon bé người, đứng xem duyệt binh, quân sĩ xa quá nên đổi bên nên từ đó người Pháp chạy xe bên phải còn người Anh quốc vẫn tiếp tục như xưa. Ngày nay, các thuộc địa cũ của người Anh vẫn tiếp tục chạy xe bên trái. Hôm mình đi Tanzania, thấy xe chạy bên trái. Trong khi các thuộc địa của Tây thì chạy xe bên phải. Chán om

Đồng hồ cát mà người tây phương sử dụng trước khi chế đồng hồ quay. Cứ hết cát thì họ xoay lại

Lớn lớn một chút thì được giải thích là đồng hồ được khám phá ra bởi người tây phương nằm trên vùng Bắc bán cầu do đó các số của đồng hồ được viết theo chiều xuôi đồng hồ. Mình cứ tin như sấm đến khi đi viếng Nam Bán cầu năm nay như Peru, Tanzania, Ai Cập thì xét lại không đúng. Nếu thuyết này đúng thì ở Nam Bán Cầu kim đồng hồ sẽ đi ngược chiều kim đồng hồ tương tự khi dội nước bồn cầu. Cứ đi xuống phía nam bán cầu thì khi dội nước bồn cầu hay bồn tắm thì nước chảy ngược chiều với Bắc bán cầu. Lần đầu tiên mình chứng kiến vụ này cứ kéo cần dội hoài như con nít ngày xưa. Chán Mớ Đời 

Học địa lý khi xưa, các con sông ở Bắc bán cầu đều chảy từ phía Bắc xuống, khi đến Ai Cập thì thấy con sông Nile dài nhất phi châu chảy từ phía nam lên miền Bắc, khiến mình như bò đội nón. Cho thấy người tây phương dạy mình chỉ đúng một chiều, theo quan điểm của họ. Trước khi người tây phương phát minh ra cái đồng hồ vào thế kỷ 14 thì người ta dùng đồng hồ cát từ thế kỷ thứ 8 trước tây lịch.

Đồng hồ đèn cầy được dùng để xem giờ kiểu người Việt dùng cây hương để đo thời gian nhưng chắc không chính xác lắm vì tuỳ theo cái tim, khí hậu đủ trò,

Qua Âu châu mình mới thấy mấy cái sundial mà khi xưa người tây Phương sử dụng để biết giờ giấc. Họ cắm cây đinh ở giữa cái vòng tròn rồi khi mặt trời mọc di chuyển từ từ để chỉ định giờ giấc. Không biết lúc đó họ đã nghĩ tới là mùa đông thì mặt trời ở xa,… Khi mặt trời mọc phía đông rồi di chuyển qua phía nam rồi qua phía tây. Loạn não. Đi chơi lại khám phá nhiều thứ khiến mình điên đầu. Không đi thì buồn vì không có gì lạ ở nhà. Mùa đông thì thương mặt trời bị mây che, không biết có bóng rọi cây kim để cho biết giờ giấc hay không.

Đi viếng Budapest, trên lâu đài mình có thấy mấy sundial kiểu này

Dùng đồng hồ này cũng lộn xộn vì phải định hướng cho đúng và tuỳ theo địa phương, đặt đúng chỗ mới đúng nếu không thì bù trớt. Nếu giải thích theo khoa học thì trái đất xoay từ Đông sang Tây nhưng nếu chúng ta xem từ Bắc bán cầu thì quả địa cầu xoay ngược kim đồng hồ. Trong khi đó nếu chúng ta đứng ở phía Nam bán cầu thì chạy theo kim đồng hồ. Mình có kể vụ 2 điểm gần nhất là đường thẳng nhưng trên thực tế, thì khác hẳn. Rất lộn não.

Họ cũng dùng nến, đèn cầy để tính giờ giấc. Đồng hồ được người tây phương sáng chế nên họ tự đặt cách đồng hồ chạy. Tương tự như người Anh quốc dùng thành phố Greenwich để làm cái mốc chính của giờ giấc trên thế giới. Các quốc gia ở á châu, hay lục địa khác vẫn phải theo người tây phương. Hiện giờ Âu châu chìm trong bão tuyết nhưng miền nam bán cầu như Úc Đại Lợi, A Căn Đình là mùa hè, các con chiên reo mừng đón lễ giáng sinh trong cái nóng khủng khiếp nhưng vẫn hát đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời. Chán Mớ Đời 

Để các sundial hoạt động đúng thì vào trưa, khi mặt trời đứng bóng thì cây kim phải chỉ về hướng Bắc và từ đó họ phát minh ra đồng hồ cũng theo hình thể đó. Trong khi đó ở phía nam bán cầu thì trưa thì sundial phải chỉ về hướng Nam và đồng hồ trên nguyên tắc phải quay ngược. Nhưng không ai giải thích ở đường xích đạo Equador. Hy vọng năm 2023, mình sẽ có dịp đi viếng xứ này với Galapagos.

10 ngày nữa mình đi Nam Mỹ, Chí lợi và A Căn Đình nên những thắc mắc vớ vẩn ngày xưa lại trôi dạt về nên mò mò tin tức để hiểu thêm chút. Chợt ngộ ra mấy tên học chung khi xưa rất đúng khi kêu mình ngu vì đến giờ vẫn chưa giác ngộ cách mạng, chưa hiểu, giải thích được tại sao mấy quốc gia khác phải theo giờ giấc của Tây phương vì địa dư khác biệt so với khoa học. Chán Mớ Đời 

Bác nào có cách giải thích rõ ràng thì cho em biết để giải ngu một tí. Cảm ơn trước.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn