Cứ đến giáng sinh là thấy thiên hạ mua sô-cô-la tặng bạn bè hay người thân khiến mình nhớ đến cây cà rem của tiệm bán nước đá Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Dạo ấy, Đà Lạt có hại tiệm bán kem, Việt Hưng ở đường Thành Thái và Thuỷ Tinh. Việt Hưng chuyên bán kem ly còn Thuỷ Tinh thì bán nước đá nhiều hơn. Thấy từng khối độ nữa thước, chiều ngang độ15 phân. Khi nào nhà có khách thì hay chạy qua bên tiệm này để mua, bỏ trong bịch nylon rồi chạy cho nhanh về nhà nếu không lại tan hết. Về nhà thì lấy con dao bầu, trở cái lưng dao ra chặt từng mảnh nhỏ, bỏ vào cái thau.
Thường dân Đà Lạt ghé ngồi ở Việt hưng để ăn kem ly, nơi sân nhìn xuống đường Lê Đại Hành, có mấy cái dù quảng cáo bia và kem đánh răng Perlon. Hình như họ có kem cây nhưng mình không nhớ vì có ghé ăn của họ 1, 2 lần hồi nhỏ đi với người lớn. Dân Đà Lạt cần nước đá thì chạy lại tiệm Thuỷ Tinh mua về nhà hay mấy tiệm hay quán bán nước đá, đều mua tại đây. Như ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt, bên hông rạp Ngọc Hiệp hay tiệm bán sinh tố của bà Tàu, phía bên kia hông rạp, nơi có đường hẻm phía sau rạp Ngọc Hiệp.
Tiệm Thuỷ Tinh bán cà rem cây nhiều hơn như kem đậu đen, đậu đỏ nhưng mình mê nhất là cà rem Eskimo. Họ có một cái khuôn có thể làm đâu 8 hay 12 cây kem một lúc, cứ bỏ chè đậu đỏ hay đậu xanh vào rồi cắm cây que làm bằng tre, bỏ vô ngăn đá. Khi đông thì lấy ra, bỏ vào mấy thùng nhôm, lót foam bên trong. Họ khuấy sô-cô-la rồi ịn cây kem vào để bọc vỏ kem bằng một lớp sô-cô-la. Gói giấy bạc lại để giữ kem cho lâu tan.
Ở đường Hai Bà Trưng, thường có ông bán cà rem, đeo cái bình to hơn cái thùng thiết nước mắm, làm bằng nhôm, phía trong có lót foam, để giữ lạnh lâu hơn. Cứ trưa trưa, sau ăn cơm là thấy ông ta đi ngang xóm, lắc lắc cái chuông, rao cà rem đây.
Mình và mấy đứa trong xóm chạy theo như đàn chó rượn đực hay ngửi mùi cứt. Lâu lâu có người hỏi mua, cả đám cứ đứng nhìn vào cái thùng đựng cà rem nhưng không thấy gì. Thấy mấy đứa mua, cầm cây kem mút mút khiến mình nuốt nước miếng thèm thuồng nghe ực ực. Sướng gì đâu khi được ăn chực.
Lâu lâu có tiền chạy theo ông bán cà rem, mua cà rem nhất là Tết có tiền lì xì, tha hồ ăn cà rem sô-cô-la Eskimo. Ông bán cà rem, đặt cái thùng xuống, dỡ cái nắp đậy ra, mở cái bọc ny-lông rồi thò tay vào lấy. Lúc đó mới thấy ông ta chia hai ngăn, bên cà rem đậu đỏ và bên cà rem Eskimo. Lấy một cây đưa cho mình sau đó, bóc giấy bạc, bọc cà rem ra, từ từ lộ ra màu sô-cô-la. Cắn phần dưới trước để khi tan, không rớt xuống đất. Sau này ra hải ngoại, mình cứ tưởng người Eskimo giống như kem, ai ngờ họ thuộc giống da vàng. Chán Mớ Đời
Nhắc tới kem đậu đỏ thì nhớ đến bà Tân Gầy, mẹ của thằng Đôn, ở xóm mình. Xóm mình, có hai ông tên Tân; một gầy và một ù nên trong xóm gọi để dễ phân biệt. Khi nhà này mua được cái tủ lạnh nhỏ, cở sinh viên để trong phòng cư xá. Dạo ấy, mình vào nhà này thấy cái tủ lạnh, thấy họ sang trọng, văn minh quá độ. Bà Tân ghét mình vì hay đập lộn với con bà, hay lên nhà mắng vốn với bà cụ mình nhưng khi mình gõ cửa mua chè thì bà ta nhìn mình với nụ cười tỏa nắng.
Nhờ cái tủ lạnh, bà Tân bán cho con nít trong xóm chè đậu đỏ. Bà nấu chè xong thì bỏ vào mấy cái bịch nylon nhỏ, cột dây thung lại, bỏ vào ngăn đá. Có tiền, mình hay chạy xuống nhà này mua. Cầm cái bịch nylon, cắn một lỗ rồi cứ mút mút từ đó. Phê không thể tả. Về Đà Lạt, mình có ghé lại thăm bác gái. Sau này, nghe cô con gái út nói nằm luôn, không nhớ ai nên không vào nhà thăm. Nghe bác ấy qua đời. Độ 10 năm về trước, khi mình về Đà Lạt thì có bác Hoà gái, và Bác Tân gái thuộc dân trước 75 còn sống sót ở xóm mình và cô Kim, vợ anh Bình, Lê Minh Sớm.
Hôm trước, có cô con gái tên Hương của bác Hoà liên lạc. Trong xóm mình dạo ấy có bác Hoà bán bột chiên và bác Tân gầy bán chè đá cho con nít lối xóm. Mình vác búa đi đóng thùng gỗ ở nhà ông Lào, có tiền lại bị hai bà hàng xóm vớt hết tiền. May sau này, mở được trương mục ở Đông phương Ngân Hàng nên mới có tiền dư, đến khi đi Tây, rút ra lên đến 40,000 đồng, gấp 2 tiền lương ông cụ.
Hôm trước, có cô nào, kêu là cháu ông Lào, hỏi thăm mình. Nghe nói, bác Mai, bố thằng Banh, về lại Đà Lạt ở. Chắc lớn tuổi nên con cháu đưa về Đà Lạt để dễ săn sóc. Tháng 2 năm 2023, mình sẽ ghé Đà Lạt có 2 đêm sau khi leo Sơn Đoòng. Nhiều người hứa sẽ nấu bún bò, đỗ cho ăn bánh căn nhưng không biết có ăn được của họ không. Chị cứ hứa nhưng chị đừng nấu. Chán Mớ Đời
Trở lại vụ sô-cô-la. Sô-cô-la được làm bằng hạt cacao, màu trắng và màu nâu. Sang tây mình mới khám phá ra có sô-cô-la màu trắng. Khi xưa, cứ tưởng màu nâu. Sô cô la Thụy sĩ nổi tiếng nhưng có lẻ xứ Bỉ rất nổi tiếng về sô-cô-la. Đi Bỉ chơi, về phải mua sô-cô-la cho bạn bè. Mình chỉ thích sô-cô-la của thiên hạ mời ăn vì có mùi hương khói còn mua về ăn thì thấy hơi hơi tiếc tiếc tiền.
Người Bỉ nổi tiếng về praline, loại đậu,…được bọc sô-cô-la phía ngoài hay rượu mạnh phía trong. Đi Bỉ ăn sô-cô-la và khoai tây chiên là hai món nổi tiếng của xứ này.
Dạo ấy, nhà mình ăn sáng kiểu bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Mỗi đứa có ly sữa ông thọ pha nước sôi, và nữa ổ bánh mì Ngã Ba Chùa. Mỗi sáng, có ông bán bánh mì, đi ngang nhà với hai bao tải, đựng bánh mì, giữ cho nóng. Ông ta lấy mối ở tiệm bánh mì gần ngã ba chùa, gần tiệm Sơn Hà. Mấy anh em sáng dậy là vào bàn, lấy bánh mì, bẻ ra chấm với sữa. Sau này, mấy đứa em xin phần của mình để ra chơi ăn. Mình đành nhịn đói đi học, đến 11 giờ là bụng cồn cào nhưng có điểm lạ là học tân tiến hơn xưa. Sau này, mới khám phá ra nhịn đói giúp nhớ dai.
Công ty Nestle qua Việt Nam rất sớmDạo ấy, mỗi lần mẹ mình trúng mánh thì mua lon Ovaltine về để con cái uống. Sáng mỗi người nữa ổ bánh mì, và ly sữa nóng. Sang thì bỏ một muỗng Ovaltine vào khuấy uống. Anh em Việt Nam hay cành nanh nhau vì từ bé ăn uống đã lộn xộn, dành nhau. Ổ bánh mì được cắt ra làm hai. Ai cũng muốn thủ phần lớn nhất nên từ từ khi lớn lên, có sự ganh đua giữa anh em. Chán Mớ Đời
Thời chiến tranh, lính Mỹ sang nên có vụ mua đồ hộp Mỹ, mẹ mình hay mua Ovaltine, về cho con uống nên anh em dành nhau, khuấy uống. Hình như Mỹ gọi là cocoa. Uống sao thấy hạnh phúc cực đỉnh. Mình nhớ có lần, ông cụ dẫn vào nhà thăm một người bạn khi xưa, cùng đơn vị, làm cho sở Mỹ. Nhà ông ta ở xóm Địa Dư, gần Grand Lycee, đối diện nhà ông Toản, dạy kèm mình hè. Vào nhà thấy cái tủ lạnh to đùng, ông ta mở ra như cái hang của tên cướp Alibaba. Toàn là đồ quốc cấm ở nhà mình. Nào là sữa tươi, nào là phô mát,… ông ta rót cho mình ly sữa tươi. Mình nhấp nhấp từ từ để tận hưởng cái hương vị uống sữa tươi lần đầu tiên trong đời. Ngon hơn sữa Ông Thọ.
Có dì Nghĩa, cháu bà Sáu Còm, có cái sạp bán đồ hộp Mỹ, cạnh cái bồn nước công cộng ở dưới chợ. Chồng dì là cảnh sát, ở khu giếng ông Ba Tây trên đường Thi Sách. Mỗi lần ra chợ, mình cứ đi ngang dang hàng của dì để ngắm nghía, định hướng mấy lon đồ hộp, được xếp chồng lên nhau như trái apricot, bưởi, hay mấy cái lon có bánh biscuit, có sô-cô-la hay peanut butter… sang Mỹ mình thích nhất là ăn peanut butter, đậu phụng mà họ ép ra, quét với bánh mì ăn cực đỉnh.
Khi qua tây mình mới ăn được sô-cô-la lần đầu tiên trong đời. Giáng sinh được gia đình tây mời đến nhà ăn và được họ cho ăn bánh sô-cô-la và kẹo. Ngon kể gì. Đúng là bờ thừa sữa cặn của thực dân đế quốc. Gia đình ông tây có thời đi lính viên chinh qua Việt Nam nên sau 75, ông ta thấy làn sóng tỵ nạn Việt Nam nên hỏi hội cựu chiến binh pháp, có ai độc thân, không gia đình vào mùa giáng sinh, ông ta mời lại ăn giáng sinh cùng với gia đình ông ta.
Bà cụ mua sữa Guigoz cho 10 đứa con uống, nghèo luôn.Sau này, có gia đình, để giữ truyền thống của gia đình tây mình quen, mình hay mời bạn con mình có gia đình ở xa hay cặp vợ chồng bác quen, đi hỏi vợ cho mình đến nhà ăn giáng sinh, Tết vì con họ đi học xa. Hôm qua, mình được cử gửi tiền cho mấy người việt sinh sống tại Ukraine, có thể mua máy phát điện từ Ba Lan đem qua Ukraine để sống tạm qua ngày, đợi chiến tranh chấm dứt trong mùa đông giá băng ở xứ lạ quê người.
Sô-cô-la được ông Kha Luân Bố đem từ Mỹ châu về nhưng lúc đầu không ai biết ăn, nhất là đắng đến khi mấy tu sĩ sáng chế, bỏ đường thêm thì trở nên món ăn khói khẩu của giới quý tộc. Nên nhớ khi xưa, đường là một loại xa xỉ phẩm tại Âu châu cũng như mấy loại gia vị được nhập cảng từ Ấn Độ, Ba Tư. Bà hoàng hậu Marie Antoinette thích sô cô la đến khi lên đoạn đầu đài.
Dạo mình ở Thuỵ Sĩ, có kiếm Ovaltine để uống thì được biết ông Georg Wander, người Thuỵ Sĩ, chiết xuất ra mạch nha để bán đến đời con trai tên Albert, khuếch trương thương hiệu và chế nhiều loại sản phẩm để bán trong các tiệm thuốc tây để chữa trị bệnh họ, cúm,…
Sau này ông Albert tìm cách chế một loại thuốc trị bá bệnh, giúp bệnh nhân hưng phấn. Ông ta trộn mạch nha với sữa, trứng và cocoa và đến năm 1903, ông ta chế được sản phẩm gọi Ovomaltine, Ovo là trứng, Maltine thuộc về mạch nha. Từ từ sản phẩm này được bán trên các quốc gia dưới nhãn hiệu Ovaltine. Đến thế chiến 2, quân đội Hoa Kỳ dùng loại này để cho binh sĩ họ uống để bảo đảm sức khoẻ để chiến đấu. Kiểu ngày nay người ta cho người già uống sữa Ensure.
Sau này, công ty này được bán cho Anh quốc khiến người Thuỵ Sĩ không vui vì mất đi một danh hiệu quốc gia. Xứ này nuôi bò vắt sữa nhiều nên mấy loại sữa bột như Guigoz, Ovaltine,..ra lò rất nhiều. Cái hay là họ quảng cáo đủ thứ khiến chúng ta lầm tưởng, mua ào ào, giúp họ làm giàu. Họ bỏ chút cocoa còn thì pha đủ thức trò, nhất là đường khiến người ta ghiền. Sau này chính phủ Mỹ cấm vài chất dùng để làm ovaltine nên ngày nay không còn hương vị như hồi xưa.
Do khí hậu Âu châu không trồng được loại cacao, các đế quốc Âu châu, đem qua các thuộc địa họ để trồng, nhằm cung cấp cho mẫu quốc dùng. Đa số là ở phi châu. Hai nước trồng nhiều nhất cacao là Côte d’Ivoire và Ghana. Hiện nay, Côte d’Ivoire sản xuất 30% cocoa của thế giới. Vấn đề ngày nay là các nông dân ở mấy xứ này khai thác, phá rừng để trồng cocoa. Các nông dân phá rừng kiểu khi xưa, ông ngoại mình bỏ Huế vào Bảo Lộc, phá rừng trồng trà, thành lập đồn điền trà Nguyễn Đăng.
Vấn đề là phá rừng mà họ không lãnh tiền nhiều vì chỉ nhận có 5% giá thị trường. Mình trồng bơ bán chỉ nhận được 30% của giá thị trường, đã rên trong khi nông dân phi châu chỉ lấy có 5%. Còn bao nhiêu vào túi các công ty như Nestle, Lindt của Thuỵ Sĩ và môi giới. Người ta phá rừng để trồng cây Cocoa nhưng chất lượng không tốt vì tuỳ môi trường, đất đai nữa. Trước đây, người ta trồng hữu cơ nay thì bỏ phân bón cho đầy để được nhiều số lượng nên phẩm chất cũng bớt.
Vấn nạn tương tự với cà phê, được bồi thêm hoá chất và thuốc diệt sâu, thế là mọi người tiêu thụ, sẽ mang bệnh đủ thứ bệnh trong tương lai.
Ngày nay, cả thế giới tiêu thụ sô cô la rất nhiều. Hoa Kỳ tiêu thụ hàng năm 2.8 tỷ cân anh. Tháng 4 vừa rồi mình đi Peru, thấy họ bán cocoa và cà phê đầy. Xứ này trồng rất nhiều, tương tự Equador, Mexico, Nigeria, Cameroon,…
Chỉ có á châu là chưa bị ghiền sô-cô-la, có lẻ vì ngọt nhưng các công ty tây phương và Hoa Kỳ đang tìm cách bắt dân á châu ăn loại này để họ làm giàu. Khi mình ở Thuỵ Sĩ, có theo học khóa hậu đại học do công ty Nestle tài trợ tại trường Bách Khoa Lausanne. Họ nói đến Nam Dương, và mời một kinh tế gia xứ này đến nói chuyện. Ông này nói là xứ ông ta nuôi bò lấy sữa. Hóa ra sữa tươi Hoà Lan mà mình uống khi xưa ở Đà Lạt được cung cấp từ Nam Dương, cựu thuộc địa của Hoà Lan.
Loại sô-cô-la này được gọi là praline, nổi tiếng bên Bỉ, có nhân ở trong và rượu mạnh. Tối qua nhà mình có khách đến, có một hộp praline này nhưng ít ai ăn.Việt Nam trồng cà phê rất nhiều nhưng không có tiếng trên thế giới về chất lượng, tương tự gạo Việt Nam có rất nhiều thạch tín và thuốc trừ sâu. Về Đà Lạt, thấy họ phá bỏ các cây mận Trại Hầm nổi tiếng ngày xưa để trồng cà phê. Vấn đề là người Việt mình không đa dạng hoá, chí chú tâm vào một loại canh nông như cà phê hay trà mà quên đi cacao rất bổ dưỡng và đắt hơn cà phê. Nam Dương nay thành công, trở thành nước xuất cảng nhiều về cacao ở A châu.
Ở Hoa Kỳ, công ty sô-cô-la lớn nhất là Hershey Co đang bị kiện ra toà vì không cảnh báo người tiêu dùng về sự hiện diện của chất chì và cadmium trong các thỏi sô-cô-la đen do họ sản xuất. Các công ty khác như Lindt, Ghirardelli cũng lâm vào tình trạng này. Mấy loại này được trộn chung để giữ màu không phai,…
Các báo cáo của người tiêu dùng cho biết là số lượng chất chì và cadmium quá cao so với lượng cho phép. Nếu hấp thụ nhiều cadmium sẽ bị ung thư phổi trong khi có chất chì thì con nít sẽ bị giảm thiểu năng, lớn chậm. Thế lại ngọng. Ngày nay, ăn cái gì cũng đưa đến cái chết. Chán Mớ Đời
Á châu nay đã có Nam dương trồng cacao. người Tàu vẫn chưa quen sô-cô-la vì ngọt nhưng mấy anh ấn độ thì thích. Tây phương tìm cách xâm nhập thị trường Trung Cộng và ấn độ, 3 tỷ người.(Còn tiếp)
Nguyễn Hoàng Sơn