Sách điện tử đóng cửa thư viện tại Hoa Kỳ

 Trong thành phố của mình đang ở từ 20 năm qua, có 3 thư viện. 1 thư viện lớn và 2 thư viện vệ tinh nhỏ hơn để cho 140,000 dân cư sử dụng. Ngoài ra, Quận Cam có cho phép dân cư trong vùng mượn sách ở các thư viện trong Quận. Mình có thẻ thư viện của thành phố đang ở và thẻ thư viện của Quận Cam nên có thể mượn sách báo của các thư viện trong vùng. Ngoài ra, họ còn có xe thư viện di động, để đến những nơi dân cư không có xe, phương tiện đến thư viện để giới nghèo có thể mượn sách. Mình được biết là ngày nay, chúng ta có thể mượn sách điện tử ở khắp nơi trên Hoa Kỳ.

Dạo mấy đứa con còn bé, mỗi tuần đều dẫn chúng ra thư viện gần nhà để đọc sách hay mượn và trả sách. Lên trung học đệ nhất cấp, hè cho chúng xung phong giúp xếp sách trong thư viện. Có năm thư viện hết tiền, mình có tặng Mỹ kim cho thư viện để mua sách cho trẻ em đọc vào mùa hè. Chương trình mùa hè này khuyến khích con nít đọc sách thay vì chơi. Mấy đứa con mình đọc 5 cuốn sách thì được một phiếu ăn hamburger miễn phí do tiệm ăn In & Out tài trợ, và tiệm sách Barnes & Noble tặng một cuốn sách. Chỉ cần được quản thủ thư viện ký giấy mỗi lần mượn sách. Họ chỉ cho sách ế nhưng có sách là chúng mừng, muốn đọc thêm sách.

Dẫn con đi mượn sách nên mình cũng mượn sách để làm gương cho con, đến khi con lớn thì chúng mượn sách ở trường trong khi mình mượn sách điện tử từ thư viện, khỏi mất công bò lại thư viện, nhất là hạy quên, phải nộp phạt trễ. Lâu lắm rồi mình chưa trở lại thư viện. Tuần báo hay báo thường nhật, mình có thể đọc qua internet như The Economist, chỉ cần có cái App, rồi bỏ số thẻ thư viện của mình rồi tải về đọc. Đỡ tốn tiền mua như khi xưa.

Có internet mượn sách cũng đỡ. Chỉ cần bỏ tên mình rồi khi có sách, họ email cho mình biết để bò lại thư viện để làm thủ tục mượn sách. Dạo này đi chơi nhiều, mình đem theo sách để đọc vì ở ngoại quốc Internet không nhanh như ở Hoa Kỳ. Tìm lại cái thú khi xưa, ở Đà Lạt, trời mưa vào mùa hè, chỉ biết mướn sách của tiệm sách Minh Thu ở Phan Đình Phùng về đọc trên giường, lăn qua lăn lại để đọc, chỉ ngưng khi ăn cơm. Nhà mình đông anh em nên đến giờ ăn là phải chạy xuống nếu không thì hết cơm.

Hôm trước, đi trả sách, buồn đời, đứng nói chuyện với bà quản thủ thư viện vì bà ta kêu lâu quá không gặp mình, tưởng đã dọn nhà. Lý do bà ta nhớ là khi xưa mình có cho thư viện $2,000 để giúp chương trình đọc sách mùa hè. Họ mua thêm sách bằng tiếng Tây Ban Nha cho học sinh gốc la tinh đọc. Sách việt ngữ mình không xài nữa, cũng đem tặng thư viện.

Thư viện chính của thành phố mình đang ở. Mới được xây xong độ 10 năm

Nói chuyện với bà ta thì mình thất kinh, không ngờ Internet và sách điện tử đã thay đổi thư viện và cuộc sống của các nhà văn. Sách điện tử chỉ được phép cho mượn 26 lần trong khi sách mua thì có thể cho mượn hoài, đến 90-100 lần mới rách bìa, phải dán lại. Đưa đến tình trạng ngân quỹ thiếu hụt.

Các nhà văn không nổi tiếng lắm, viết sách thì cũng có người mua, thư viện mua về cho thiên hạ đọc nên cũng sống qua ngày. Nay mỗi năm thư viện chỉ có ngân sách là $400,000 để mua sách mà ai cũng muốn mượn sách điện tử thế là ngọng. Thư viện phải mua sách điện tử loại nổi tiếng, thế là nhà văn thường đói. Họ viết sách, tiểu thuyết bình dân học vụ người Mỹ đọc, cũng kiếm cơm qua ngày, nay thì không bán được cho thư viện thì ngọng.

Mình sống tại nhiều quốc gia thì công nhận người Mỹ đọc sách ít nhất. Ở Âu châu khi sinh nhật hay giáng sinh, bạn bè tặng nhau sách nên phải đọc nêu không lần sau gặp nhau lại, chúng hỏi là ngọng. Trong khi ở Hoa Kỳ thì tặng áo quần hay bánh kẹo khiến họ mập ra. Mình quen kiểu Tây nên hay mua sách tặng bạn bè khiến họ nhìn mình như bò đội nón. Chán Mớ Đời 

Có một nhà văn khởi đầu bán sách năm lên 50 tuổi và từ đó xuất bản được 13 cuốn sách, khỏi cần đi làm, chỉ viết tiểu thuyết là có cuộc sống thoải mái. Nay bà ta than là sách điện tử đã khiến tiền hoa hồng giảm rất nhiều.

Lý do là khi chúng ta mượn sách điện tử, độc giả không mua nhiều nên nhà xuất bản không trả tiền. Có anh bạn học cũ, bỏ công sức ra lựa những bài tiêu biểu nhất của mình, viết về Đà Lạt,…rồi làm thành cuốn sách mang tên Mực Tím Sơn Đen, rồi bỏ lên Amazon. Ai mua thì họ in ra rồi gửi đến. Nghe nói nhà xuất bản phải bán trên 1,000 cuốn thì anh bạn mới bắt đầu nhận hoa hồng. Mình biết vài người bạn học cũ của đồng chí gái, ở Việt Nam có gửi mua sách qua Amazon. Bán 1,000 cuốn chắc đến tết Ma-rốc quá.

Vấn đề ngày nay, thư viện cho mượn sách điện tử khoẻ hơn là sách in bằng giấy. Ít mất công bỏ lại chỗ cũ mà lại đến tay nhiều người đọc. Sự thay đổi sách điện tử rất quan trọng như khi ông Guttenberg chế ra máy in chữ. Có thể thay đổi cách sinh hoạt tri thức của chúng ta rất nhiều.

Khi chúng ta mua một cuốn sách thì theo luật bản quyền Copyright Act, chúng ta có thể cho thuê và bán tuỳ theo chúng ta thích. Có cuốn sách của một nhà đầu tư tại New York mà giới học nghề đầu tư địa ốc muốn mua, lên giá tới mấy ngàn đô la mà người bán không cần trả huê hồng cho tác giả hay nhà xuất bản. Mình có mượn ở đâu để đọc. 

Năm 2008, bà Oprah Winfrey, mời ông chủ Amazon lên chương trình của bà ta để chỉ cách đọc sách qua KIndle và từ đó mọi người đọc sách báo qua kIndle. Người Mỹ bắt đầu tập đọc sách qua sách điện tử và đã thay đổi cách chúng ta đọc và học từ đấy. Đi máy bay, thấy thiên hạ lấy kindle ra đọc khá nhiều. Đọc kindle, chúng ta có thể thay nét chữ, chữ to hơn, không như đọc sách in phải đeo kính đủ trò. Mình có iPad nên đọc qua IPad cũng ok.

Trung bình một cuốn sách in giấy có thể cho mượn từ 30-100 lần là te tua. Thư viện thường để bán hạ giá 1, hay 2 đô để tống khứ, đỡ tốn kệ sách. Trong khi sách điện tử thì không bị vấn nạn này, thiên hạ khỏi chặt cây để làm giấy, bảo vệ môi trường,…

Vấn đề là mua sách điện tử khá phức tạp. Để tránh người ta mua sách điện tử rồi xoay qua bán lại như sách in giấy, các nhà xuất bản khôn hơn, chỉ cho phép thư viện cho mượn 26 lần/ cuốn. Sau 26 lần thì cuốn sách điện tử sẽ biến trong danh mục của thư viện. Thư viện phải tốn $15-16 đô la để mua thêm. Ngân sách của thư viện nhỏ chỉ có $400,000/ năm, nay phải mua gấp 3 lần sách điện tử thay vì mua 1 lần sách in giấy.

Sách mới ra, độc giả đều hồ hởi đón đọc nhưng thư viện chỉ được quyền mua một cuốn sách điện tử trong vòng 8 tuần lễ đầu ra mắt sách. Do đó độc giả phải chờ rất lâu. Khi mình mượn sách giấy in thì chỉ tốn độ 2 tuần là có ngay còn sách điện tử thì đợi mấy tháng. Lý do là để tên ở thư viện thành phố và các thư viện khác của Quận Cam. Thế là ngọng. Dạo này mình mua sách điện tử để đọc nhanh hơn là mượn từ thư viện.

Các thư viện đang xin chữ ký để đòi hỏi các nhà xuất bản bỏ vụ 8 tuần lễ đưa đến tình trạng này, nhà xuất bản thích thư viện vì mua sách của họ, thư viện yêu thích các tác giả nhưng mọi người đều ghét Amazon. Chỉ ông thần này là làm tiền trên xương máu của tác giả, nhà xuất bản.

Có một cái App tên Libby mà mình sử dụng từ 10 năm nay để mượn sách thư viện, tải về, lên xe là mở sách để nghe hay mượn audio. Thời buổi này lười đọc sách thì bấm cái nút read là tự động điện thoại đọc sách cho mình nghe để khỏi buồn ngủ. Mình có thử viết một bài bằng đọc cho iPad nghe và viết lại. Hơi chậm một tí nên phải gõ.

Hôm qua, lái xe trên xa lộ, trời mưa, bổng phía bên tay trái có một chiếc xe thắng hay sao đó, quay vòng vòng trước xe mình. May quá chạy chậm và đã thấy nên hạ pedale nếu không thì chắc mệt.

Để khỏi đợi, độc giả có thể làm nhiều thẻ thư viện và cứ bỏ tên mỗi thẻ của thọ là không bao giờ phải đợi nhưng phải về hưu, có thì giờ để chuyển đổi trên máy điện toán. Mình ở Quận Cam nhưng có thể làm một thẻ thư viện ở New York, khắp nơi rồi cứ lên mạng ghi danh thì có thể mượn ngay. Vấn đề là mất dạy, không công bằng.

Lượng độc giả mượn sách đợi khắp nơi sẽ khiến nhà xuất bản không bán được sách, thư viện không cho mượn sách thì các quản thủ thư viện sẽ bị sa thải,…

Tương tự kỹ nghệ thâu băng nhạc để bán cũng lâm vào trường hợp này. Thiên hạ lên thư viện để mượn và nghe. Trước đây, mình hay mượn băng nhạc của thư viện để nghe trong xe với mấy đứa con để chúng làm quen với Schubert, Beethoven,… khi mình sang Pháp, chả biết gì hết khi nghe tây đầm học chung nói về âm nhạc hội hoạ nên khi có con phải cho chúng biết ngay từ bé để khỏi bị ngu ngu như bố chúng.

Trước đây mình thích mua sách điện tử vì rẻ nhưng nay thấy cũng đắt tương tự sách in nên mua sách in đọc cho đã. Hoá ra là các nhà xuất bản nghĩ là nếu bán sách điện tử rẻ thì họ không lời vì 45% sách của  nhà xuất bản MacMillan được bán cho thư viện. Thế là họ tăng giá lên vì thư viện chỉ có một ngân sách hạn định.

Tình trạng này đưa đến việc đóng cửa thư viện tại nhiều nơi. Có anh bạn kêu thư viện cua thành phố Yorba Linda đóng cửa, sau đó thì một tiệm ăn In&Out được mở như kiểu người Mỹ thích ăn hơn thích đọc. Chán Mớ Đời 

Có những tổ chức bắt đầu kêu gọi các đại biểu làm luật, bắt các nhà xuất bản bán rẻ sách điện tử cho thư viện. Hy vọng quốc hội sẽ can thiệp vụ này vì nếu không thư viện sẽ biến mất, sẽ giúp ngu dân trí người Mỹ. Hiện nay, người Mỹ đọc sách ít hơn người sinh sống tại âu châu. Thử tưởng tượng, người Mỹ mà đọc sách nhiều như người Âu châu, chắc xứ họ tiến xa hơn.

Theo thử nghiệm thì được biết người đọc sách sống lâu hơn người không đọc sách. Còn ai đọc bờ lốc của mực tím sơn đen thì chắc sẽ thọ rất lâu vì có nhiều người đọc cho biết là trên 80 tuổi. Có nhiều người như không ngủ vì mình mới tải một bài lên bờ lốc là đã thấy có người đọc. Bờ lốc https://www.muctimsonden.com/  là do hai anh chàng quen đọc bài mình viết nên bỏ công sức ra để chuyển tất cả những bài mình viết trước đây về bờ lốc để tìm kiếm cho dễ hơn trên facebook. Mình thì nông dân nên i tờ về thông tin công nghệ.

Tóm lại muốn sống lâu thì đọc bờ lốc của Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn