Tìm lại dấu chân Mễ Tây cơ


Đi chơi Mễ Tây cơ lần này sau 10 năm vắng bóng, như đi tìm lại dấu vết chân xưa. Kỳ này, không có hai đứa con theo nhưng bù lại có mấy người bạn của đồng chí gái đi chung. 

Vợ mình lên Seattle thăm mấy người bạn học Trưng Vương xưa, được giới thiệu làm quen với mấy người trên đó. Họ rủ đồng chí gái đi du thuyền. Mình thì không thích đi lại chỗ cũ, muốn khám phá cái mới, kỵ đi chơi mà được chờ thiên hạ. Đợi mụ vợ không là đã thấy mệt nay có thêm 7 bà nhưng vợ muốn đi chơi với bạn nên phải đi theo làm tiểu đồng. 

Trước ngày đi mình nghe nói có đến 11 người đi chung khiến mình thất kinh. Mình tưởng chỉ hai chị bạn đã gặp và một cặp vợ chồng đã đến nhà mình. Ai ngờ lại có thêm gần 1 tá. Trong đó có 3 thằng đàn ông già. Cuối cùng thì một cặp không đi được vì ông chồng bệnh. Còn lại 2 thằng và 7 bà. Cho thấy đến tuổi này, còn đi được thì chúng ta nên đi vì không ai biết trước ngày mai. Một ngày nào đó, lại kêu lực bất tòng tâm rồi tự xeo-phì. Chán Mớ Đời.

Mình lái xe xuống San Diego đậu gần bến tàu rồi đi xe buýt lên tàu. Đây là lần đầu tiên mình đi tàu du thuyền lớn như một thành phố mấy ngàn người. Cốt nông dân ngu ngu ra phố lần đầu tiên nên cứ ngóng nhìn đủ thứ. Chiếc tàu to kinh hoàng, có đến 12 tầng. Mình thích nhất là thiết kế của tiệm ăn chính, kiểu art deco. Giữa tàu có cái hồ bơi nhỏ và mấy cái spa. Điểm ngạc nhiên, thấy đa số du khách lớn tuổi nhưng nghĩ lại vào mùa này con nít đi học nên rẻ. Dân về hưu lợi dụng đi chơi. Có rất nhiều người đi một mình và đi xe lăn. 
Cabo San Lucas nơi mà du khách Mỹ đến đây hàng năm để câu cá biển. Nghe nói có câu đua, đoạt giải gì đó. Nơi này là giao thoa của hai luồng nước nam bắc Thái Bình Dương

Hai vợ chồng lên tàu đâu 12 giờ, đúng lúc ăn trưa, sau đó về phòng, đi vòng vòng cho biết chiếc tàu ra sao. Tàu khởi hành từ 5 giờ chiều, chạy hai ngày mới đến Cabo San Lucas, điểm dừng đầu tiên. Hải cảng nhỏ nên tàu cặp bến ở ngoài xa rồi họ cho mấy tàu cứu sinh, đưa hành khách vào bờ. Mình đếm độ 22 chiếc, được treo hai bên hông tầu để đưa hành khách vào bờ hay khi gặp cảnh như phim Titanic, không phải chèo, hay tặng áo cứu hộ cho cô con gái mới quen để chết trong cái lạnh băng giá.

Thuyền cứu sinh chạy bằng dầu, có cái ròng rọc đưa xuống nước rồi cho mọi người lên. Mình liên lạc với công ty để đặt mướn tàu đi ra cái mõm của thành phố này có mấy tảng đá to đùng ngoài biển, đặc biệt nhất là có cái arch nổi tiếng. 15 năm về trước gia đình mình có đến đây chụp hình rất đẹp. Ra tới nơi thương lượng rẻ hơn nhưng chỉ cho xuống tàu có mấy tiếng nên trả thêm $5/ người cho khoẻ nhất lại đi đông, thiên hạ chửi mình.

Tàu cứu sinh thả hành khách lên bờ, xem bản đồ thì phải đi vòng đến bên kia bến tàu mất 2 dậm. Lên tàu ra đến nơi chụp hình cho mấy bà xong thì về. Mấy bà xin đi shopping nên mình với anh bạn kêu đi về trước, hẹn gần chỗ lên thuyền cứu sinh để về cùng lúc. 

Hai thằng chả biết làm gì, trời nắng nên ghé vào tiệm cà phê uống nước đấu láo cho qua thời gian đợi chờ vợ nhà. Tháng 12 mà tại đây nóng như mùa hè ở Cali.

2 tiếng sau họ trở lại với mấy bà người Việt cũng đi chung tàu. Mình chợt nhận ra mấy bà mà hôm đầu tiên lên tàu. Đồng chí gái gọi mình xuống để xem tàu nhổ neo. Mình đi tìm không gặp, thấy mấy bà ngồi, có một bà hao hao giống vợ anh bạn nên chạy lại hỏi các chị có thấy vợ tôi đâu không. Họ nhìn mình như bò đội nón. Chán Mớ Đời 

Lên tàu thì họ khám an ninh rà máy. Đưa cái thẻ phòng ra để họ scan, hiện ra cái mặt mình trên màn ảnh thế là được qua, lên tàu. Khỏi phải đem theo sổ thông hành. Cái này mà dân ăn gian, đeo mặt nạ giống người đi xuống tàu rồi lên tàu với tấm thẻ là cũng hơi mệt.

Về phòng tắm rửa đến 7:30 thì xuống phòng ăn đã đặt trước. Có nhiều tiệm ăn nhưng chỉ có tiệm này thì lớn nhất, thức ăn thì theo thực đơn không như tiệm trên lầu có cửa sổ nhìn ra biển, ăn kiểu bao bụng. Mình ăn sáng rồi đợi tối ăn luôn. Không ăn trưa. Đồng chí gái thích ăn bao bụng vì có thể nhìn thấy thức ăn để lấy. Vợ mình không quen ăn thức ăn tây Mỹ nên khi nhìn thực đơn là ngọng. Cứ gọi mấy món gì mụ vợ không thích nên luôn bắt mình tiếp thu, dọn sạch phần ăn của mụ, rồi lấy thức ăn của mình.

Người Mỹ họ ăn uống lạ lắm, không như tây. Họ kêu rượu đỏ uống, lại gọi tôm hùm, cá đủ trò. Chán Mớ Đời mình thì gốc nông dân nên uống nước cho chắc ăn, không sợ bị tây hay bồi chửi phú quý học làm sang.

Đa số mấy tiệm ăn như cơm pháp, cơm ý thì phải đặt chỗ trước nhưng phải trả thêm tiền. Anh bạn nói là đi tàu chỉ thích ăn ở tiệm này chớ không muốn trả thêm tiền. Thật ra thì thực đơn được thay đổi mỗi tối tha hồ ăn thả dàn. Hôm đầu tiên mình thấy một chị đi chung kêu thịt bò steak phải trả thêm $20 nhưng hôm sau lại thấy món này không phải trả tiền thêm nên gọi ăn, khá ngon. Thêm dạo này, bổng nhiên không thích tìm tòi ăn uống nữa. Thấy cũng rứa. Nếu đi riêng với đồng chí gái thì mình sẽ ăn ở mấy tiệm tây và ý, đặc thù hơn là tiệm đông người này.

Ăn xong cả đám đi vòng vòng có những nơi trình diễn ca nhạc, chơi lô tô ghé vào hay sòng bài. Mấy người này thích hát nên kiếm một cái phòng nhỏ rồi kéo nhau vào, đem cái micro karaoke ra rồi mở YouTube karaoke thay phiên hát. Sau đó họ lên phòng ai hát tới khuya. Mình để đồng chí gái đi làm ca sĩ nghiệp dư rồi về phòng ngủ. 

Trong khi mình ăn thì tàu nhổ neo đi xuống miền nam Mễ Tây Cơ. Có thư để trước cửa phòng cho biết là đổi giờ vì múi giờ khác. Sáng hôm sau thì tàu đã cập bến Mazatlán. Ăn uống xong thì xuống bến. Mình gặp một chiếc xe taxi van chở được cả đám thương lượng được $180 cho một ngày. Kêu ông tài xế chở đi viếng chỗ làm rượu tequila cách thành phố 46 phút lái xe. Có kể riêng về vụ này. 

Viếng thăm nơi làm rượu thì họ cho uống thử tequila. Mình không uống nhưng thấy đồng chí gái và chị bạn uống 3 shot. Uống xong lên xe thấy chị bạn xỉn nên kêu xe đưa về tàu nghỉ ngơi. Mình tưởng đồng chí gái cũng xỉn ai ngờ cô nàng kêu đi ra phố. Xe chở ra phố để mấy bà đi mua sắm rồi về lại tàu. 
Bức tranh được hoàn thành bởi những chiếc xe nhỏ cho con nít rồi sơn lên

Lại ăn như điên. Anh phục vụ viên thích nhóm mình vì mình cho boa hậu. Cuối hải trình thì công ty chặt mỗi người đâu 18% cho tiền boa các người phục vụ trên tàu. Không biết là họ nhận bao nhiêu nên họ rất vui khi được mình cho thêm tiền. Ăn xong đi xem thiên hạ hát. Ca sĩ và ban nhạc hát những thể loại nhạc xưa vì du khách đa số là già. Mùa này chỉ có dân già rảnh đi chơi vì rẻ. Mùa hè thì giá đắt hơn. Mấy người kéo nhau về phòng ai để làm ca sĩ mình thì bò đi ngủ sớm. 

Hôm sau tàu ghé lại Puerta Vallarta , lại đổi thêm múi giờ theo giờ thủ đô Mexico. Ăn xong cả đám lại xuống tàu lên bờ. 

Có một chị muốn mọi người theo cô nàng nhưng lại không biết đường nên cả đám cứ đi theo cuối cùng vào ngã cụt. Rồi đổi ý đủ trò nên cuối cùng nhảy lên taxi ra phố. Anh bạn nổi khùng đòi về nên mình phải làm nghề Tôn Tẩn. Mấy bà đi mua sắm còn hai tên già ra malicon uống nước đợi đàn bà mua sắm. Phải công nhận malicon của thành phố này được thiết kế quá hay. Rất đẹp. Phải chi bến Ninh Kiều được thiết kế như đây chắc đẹp. 

Mấy bà mua sắm xong thì ghé ra tiệm nước lại kéo thêm một cặp từ Seattle. Mấy bà đói nên kêu nacho xong xuôi thì về. Mình và đồng chí gái đi bộ về khiến một chị và anh bạn đi theo còn mấy người kia kêu taxi về. Đi bộ cũng được trên 4 dậm đường. Mình nói có 2 dậm nên mấy người kia đi theo. Nói nhiều sợ đồng chí gái ngại. Rốt cuộc đi bộ xem như đi qua phố xá của họ luôn. Khá dễ thương. 15 năm không đến thành phố này, nay họ xây cất rất nhiều. 

Lại ăn tối mệt thở. Sau đó thì nhổ neo, lênh đênh trên biển đến hai ngày trở về San Diego. Chả biết làm gì cho qua ngày ngoài tập nội công. 

Đi du thuyền lớn lần đầu thì thấy cũng khá vui. Có anh bạn đi chung nói chuyện với nhau. Có cái hay là xuống bến tàu, đi chơi trong ngày rồi chiều về bến lên tàu cũng tiện, khỏi phải mang theo Vali, vào khách sạn. Cũng là cách đi du lịch khác với cách mình đi thường. Có điều là chỉ biết những thành phố dọc bờ biển, không đi những nơi xa được. Chỉ trải nghiệm được vài tiếng đồng hồ ở hải cảng này. Người ta khuyên là đi chơi xa, nên đi theo các vụ tổ chức viếng thành phố của công ty hàng hải. Lý do la nếu trễ thì họ đợi, tàu không nhổ neo còn đi tự túc thì xem như phải kiếm đường lên tàu sau này.

Anh bạn cho biết là các phục vụ viên trên tàu được công ty hàng Hải tuyển dụng rất kỹ lưỡng. Tiếng anh khá mới được tuyển chọn và được huấn luyện nên người Việt chưa lọt vào được. Người nam dương chiếm 60%, đến thái Lan, mã lai Phi luật Tân và ấn độ. Cứ như chế độ thực dân vẫn tiếp tục. Cũng dân xứ nghèo đi làm tôi mọi cho dân xứ giàu. Mấy phục vụ viên như mấy thầy thông thầy ký khi xưa, học được chút vốn tiếng pháp tiếng anh để đi làm thông ngôn hay thư ký cho thực dân. 

Cũng dân của các xứ độc tài tham nhũng phải rời bỏ quê hương đi xa kiếm ăn nuôi gia đình. Nhớ dạo viếng thăm Nam Dương, bạn mình nói là bao nhiêu kinh doanh đều nằm trong tay dòng họ của Tên độc tài Suharto. Phi luật Tân có đến 12% dân số đi làm culi khắp nơi cũng vì tên độc tài Marcos, rồi đến bà Aquino nay trở lại con trai Marcos. 

Ở Bolsa, có nhiều tiệm mát xa của người Tàu, toàn là người tàu sang đây làm việc một năm rồi về, để dành một số tiền mà cũng phải cúng cho đám đem qua khá bộn. Nên khi Tập thị kêu giấc mơ Trung Cộng là nghĩ đến mấy người tàu bỏ xứ đi kiếm tiền ở Hoa Kỳ hay Âu châu.

Nếu xét quan điểm của người đi làm cách mạng thì có thể đây là hình tượng của chế độ Tân thực dân. Mình và mấy người bạn ăn ké Hoa Kỳ. Đặc biệt là có một tên da trắng làm quản lý, coi ngó đám da vàng phục vụ du khách. Cứ như xưa, một tên Tây thực dân đầu xỏ, cai quản đám culi người Việt. Chỉ có tự nguyện đi làm vì lương bổng làm culi cho ngoại bang gấp 3 lần ở xứ họ. Mấy anh làm phòng cho mình, kêu khi họ gửi giấy tờ hỏi về họ thì cho điểm tố tốt nêu không lại mất việc.

Mình hỏi hai anh chàng dọn phòng thì họ cho biết không được phép nói lương bổng của họ nhưng cho biết gấp ba lần đi làm tại xứ họ. 

Mình mở điện thoại ra học bài câu tiếng nam dương để nói chuyện với mấy người phục vụ khiến họ cười thân thiện. 

Tối nay là bữa ăn cuối của nhóm. Sáng mai sẽ trở lại San Diego, lấy xe về bolsa. Đầu năm mới lại đi tàu ra Nam Cực. Sao thiên di lại chiếu vào cung mệnh. Lại lên đường như xưa. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn