Tại sao người da màu phải lên tiếng?

 Hôm qua, ghé nhà người bạn dùng cơm với vài thân hữu. Trong buổi cơm, câu chuyện khởi đầu từ bầu cử năm nay rồi chuyển qua công ăn việc làm. Có chị bạn kể bị bà xếp da trắng đì quá, phải lấy hè ở nhà. Một anh bạn kêu da đen không làm việc, nên da trắng bắt da vàng cày chết bỏ vì dân da vàng, bị ảnh hưởng của nho-giáo nên vâng lời, đi cày nên họ thích mướn da vàng, dể bảo, dể sai.

 

Thấy truyền thông chiếu các hình ảnh dân mỹ đốt phá tiệm ăn, phố xá rồi mấy tên chính trị gia nhảy lên chửi bới đủ trò. Vào năm 1968, ở Âu châu khởi đầu các cuộc biểu tình mà sau này người ta gọi là cách mạng văn hoá 1968. Sinh viên học sinh xuống đường, nạy đá lót đường để chọi cảnh sát dã chiến. Cuối cùng tổng thống De Gaulle phải lên truyền hình hứa sẽ thay đổi giáo dục, lao động,…mới trở lại đời sống bình thường.

 

Tại sao người Mỹ biểu tình, đật phá? Chế độ nô-lệ đã được xoá bỏ từ 150 năm qua. Phong trào Quyền Dân Sự (Civil Rights) đã xong từ 60 năm qua. Sự phân biệt chủng tộc đã được xem là bất hợp pháp, có thể đi tù. Thậm chí chúng ta có một ông tổng thống lai da đen đến 2 nhiệm kỳ. Tại sao người Mỹ vẫn tức giận xuống đường đập phá?

 

Năm nay, có thống kê Census 2020 cho biết. Người ta so sánh tình trạng giữa 2 gia đình trung lưu người Mỹ, 1 đen và 1 trắng. Ngày nay, trung bình một gia đình người da đen chỉ có 60% lợi tức của gia đình da trắng và có 1/10 tài sản của người da trắng. Trên nguyên tắc là 60% tài sản vì lợi tức bằng 60%.

 

Tài sản có thể giúp con cháu vào đại học, giúp tạo dựng cơ sở thương mại, giúp gia đình vượt qua các khó khăn kinh tế như mất việc, ly dị hay bệnh tật.

 

Điểm lạ là có rất nhiều người da đen giàu có; ca sĩ, cầu thủ thể thao chiếm 75% cầu thủ bóng rổ, bóng bầu dục tại Hoa Kỳ, bà Oprah, bác sĩ Ben Carson,…. Đó là thiểu số nhưng thực tế tài sản người da đen chỉ bằng 1/10 tài sản của người da trắng. Người ta đặt câu hỏi và nếu biết câu trả lời thì không ngạc nhiên vì sao người da màu, nổi loạn xuống đường đốt phá. Phải đốt phá như năm 1968, để chính phủ phải thay đổi.

 

Sau cuộc nội chiến, chính phủ bỏ luật sở hữu nô lệ nhưng có đến 9 tiểu bang ra luật “vagrancy laws” -không có công ăn việc làm là phạm tội, luật này chỉ áp dụng cho người đàn ông da đen. Thật ra thì luật này được ra đời và áp dụng cho tất cả mọi người từ lâu để tránh các nạn du thủ du thực, đi lang bang, phá làng phá xóm, làm điếm, nhưng sau cuộc nội chiến thì được áp dụng nhiều nhất vào cộng đồng da đen. Cảnh sát bắt những người da đen nô lệ mới được chủ thả tự do để biến họ tiếp tục làm những đơn vị lao động rẻ mạc dưới danh xưng khác “Leased convicts”.

 

8 trong 9 tiểu bang cho phép các tù nhân da đen, vừa bị bắt vì không có công ăn việc làm, được mướn bởi các chủ nông trại, với lương bèo. Mới được tự do, thoát đời nô lệ thì người da trắng ra luật còng đầu, đem vô nông trại lại. Đời sống còn tệ hơn trước vì không phải nô lệ của chủ nông trại nên họ chả màn. Thằng nào chết, ốm đau thì trả lại cho nhà tù, lấy thằng khác. Chán Mớ Đời 

 

Đầu thế kỷ 20, các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ bắt buộc sự phân biệt chủng tộc mà người ta gọi luật “Jim Crow “ , không cho phép người da đen có mặt trong các trường học, nhà thờ, chung cư, công sở, khách sạn, tiệm ăn, nhà thương, nhà tù,..tương tự chế độ kỳ thị Apartheid tại Nam Phi. Mình có kể ông võ sĩ Johnson giỏi nhưng không được phép đấu, tranh chức vô địch vì người da trắng sợ người da đen thắng. Thậm chí ông này bị bắt bỏ tù vì đi chơi với mấy cô gái da trắng.

 

Võ sĩ Mohammed Ali, kể trên đài truyền hình Ái-nhỉ-lan: sau khi đoạt giải vô địch thế vận hội, đánh bại các võ sĩ của Liên-sô, kẻ thù của tư bản. Về nước, ông ta đeo tấm huy chương đi vào tiệm ăn, thì được kêu: “tại đây không tiếp người da đen”. Nên từ đó ông ta theo đạo Hồi Giáo và đổi tên vì chúa kêu tất cả đều bình đẳng mà người da màu không được vào thờ phụng chúa trong nhà thờ da trắng.

 

Năm 1896, tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán luật “Jim Crow” là hợp hiến và kéo dài đến 1954 mới bị loại bỏ sau vụ kiện Brown vs. Board of Education. Năm 1956, 101 đại biểu trong tổng số 128 đại biểu miền nam, đã ký tên vào Hiến Chương Miền Nam (Southern Manifesto), kêu gọi giữ luật “Jim Crow”. Có 5 tiểu bang ra đời thêm gần 50 kiểu luật Jim Crow sau 1954.

 

Xin mở ngoặc là dạo ấy miền Nam Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ, Tổ chức da trắng độc tôn “Ku Klux Klan” được thành lập bởi đảng dân chủ Hoa Kỳ. Xin nhắc lại tổng thống Lincohn thuộc đảng Cộng Hoà, xoá bỏ chế độ nô lệ sau cuộc nội chiến đẫm máu. 

 

Hôm nào, mình rảnh sẽ kể lý do đảng Dân Chủ trở thành Đảng Cộng Hoà và ngược lại. Khi xưa, học thầy Hồ Thanh Tâm về lịch sử Hoa Kỳ, nghe nói đến vụ này, mình như bò đội nón. Sau này qua mỹ, phải mất thời gian lâu mới hiểu được vụ này.

 

Các trường học toàn da trắng, thường được gọi là “segregation academies” mọc như nấm ở miền nam Hoa Kỳ, có rất nhiều trường theo đạo Tin Lành. Thánh kinh cho rằng mọi người đều là con chúa cả nhưng thằng da đen không được vào nhà thờ thằng da trắng. Mình có quen một tên gốc Đài-Loan, kể khi di cư qua Hoa Kỳ, ở tiểu bang miền năm, bị kỳ thị, mỹ trắng đánh tơi bời hoa lá, sau này chịu không nổi, 18 tuổi là bỏ chạy mất dép.

 

Da vàng thì có luật cấm da vàng di dân, người Tàu đến Hoa Kỳ làm việc trong các công trường xây dựng đường xe hoả, không được đem vợ con sang, bị kỳ thị, đủ trò. Chỉ mới được xoá bỏ trong thời đệ nhị thế chiến khi Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, ngã theo khối của Mỹ để đánh Nhật Bản. Cho nên người Việt ở Hoa Kỳ, không nên tự xưng mình là thuộc giai cấp bằng người da trắng, mà sĩ vã người da đen hay xì.

 

Sau cuộc nội chiến, quân đội miền bắc phải ở lại miền nam để bảo vệ các người nô lệ mới được thả. Khi cuộc bầu cử 1876, ứng cử Dân Chủ ở miền nam dẫn đầu các phiếu phổ thông như bà Clinton. Có 14 lá phiếu cử tri đoàn còn chưa thống nhất để bỏ phiếu cho ai. Hai đảng mới họp kín và đồng ý cho quân đội miền bắc rút về, và họ để ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hoà Rutherford Hayes đắc cử. Qua vụ này, mình nghĩ vụ Bush - Gore và Trump - Clinton, chắc cũng có những vụ thương lượng kín trước khi công bố ai đắc cử. Trump thì chắc không vì ông ta được đa số cử tri đoàn nhưng Bush con và ông Gore thì có.

 

Ông Nixon ra ứng cử năm 1968 và đắc cử với chiêu bài “law and order” vì 81% người Mỹ cho rằng cộng sản phá hoại và người da đen khởi đầu vụ đốt phá như ngày nay nhóm chống phát-xít Antifa, với phong trào BLM. Có lẻ vì vậy, dạo này không thấy biểu tình, xuống đường đốt phá nữa vì sẽ giúp ông Trump đắc cử nhanh.

 


Trở lại vụ tài sản của người Mỹ. Tài sản của một gia đình trung lưu da đen bằng 1/10 tài sản của một gia đình trung lưu da trắng. Tại sao sự kiện này xảy ra? Sự chuyển giao tài sản qua các thế hệ. Từ 1930 đến năm 1960, các chính sách của liên bang, khuyến khích các gia đình da trắng sở hữu nhà cửa và không phổ biến chương trình khuyến khích người da đen sở hữu nhà cửa. 

 

1934: Federal Housing Administration tạo dựng một hệ thống để chỉ định những khu vực dân cư nào an ninh để cho vay tiền và được chính phủ bảo kê; những khu vực của cộng đồng da đen được xem là quá rủi ro, và được đánh dấu bằng mực đỏ thường được gọi là “redlining”. Thậm chí các chuyên gia địa ốc bị cấm, không được bán nhà cho người da đen trong khu mỹ trắng và có thể bị rút bằng hành nghề nếu vi phạm.

 

Có vụ ông mỹ trắng nào mướn nhà rồi cho 1 gia đình mỹ đen mướn lại. Dân da trắng bò đến đốt nhà.

 


Mình nhớ dạo mới sang Cali, đi kiếm nhà ở vùng Bôn-sa, có vài khu giá nhà cao toàn là da trắng. Không có một gia đình nào là da màu cả. Sau này người Việt bò vào, khiến mỹ trắng bỏ chạy mất dép luôn. Nay có thể xem là 98% là người Việt ở.

 

Sau đệ nhị thế chiến, các khu vực dân cư mới được xây dựng khắp nước mỹ nhưng chỉ bán cho người Mỹ da trắng. Điển hình là năm 1948, 40% các khu dân cư mới ở ngoại ô đều có sắc lệnh (covenants), cấm người da đen mua. Xem như người da đen không được mua nhà ở khu người da trắng và mua không được ở khu vực da đen vì chính phủ không bảo kê nên không ngân hàng nào cho vay cả.

 


Sau đệ nhị thế chiến, các lính mỹ trở về trong tiếng khải hoàn. Chính phủ Hoa Kỳ có ra đạo luật thường được gọi ”GI Bill”, giúp các cựu chiến binh mua nhà cửa nhưng các cựu chiến binh người da đen, không được gì cả, chỉ biết đứng nhìn. 

 

Người ta thấy trên 67,000 nợ của cựu chiến binh ở hai tiểu bang New York và New Jersey, chỉ có 100 người da màu mượn được nợ qua chương trình GI này. 1/670

 

Đó là miền bắc Hoa Kỳ, được xem là anh hùng giải phóng nô lệ người da đen còn miền nam, năm 1947, có 3,200 nợ cho cựu chiến binh da trắng nhưng chỉ có 2 cái nợ cho vay cựu chiến binh da đen để mua nhà. 1/1600

 

Kết cuộc, các gia đình người Mỹ da trắng có thể mua nhà không cần tiền đặt cọc, chính phủ cho vay 100%, có thể tạo dựng vốn tài sản sở hữu nhà cửa vì nhà cửa lên giá, giúp họ tạo dựng tài sản để hưu trí, chuyển tài sản cho thế hệ con cháu họ và giúp con học đại học. Còn cựu chiến binh da màu thì không được hưởng quyền này.

 

Mình may mắn sang Hoa Kỳ vào thời điểm đã thay đổi 1 tí. Mua được căn nhà đầu tiên là cũng nhờ văn hoá gia đình Việt Nam, anh vợ cho mượn thêm tiền để bỏ vào tiền đặt cọc cho đủ 20% để mượn được 80% số tiền kia ở ngân hàng. Dạo đó giá nhà là $180,000. Ngày nay lên đến $700,000. Nhờ vậy mới tạo dựng được số vốn, mua thêm nhà, sau này về hưu có thể dùng tiền thuê nhà để có cuộc sống hưu trí thoải mái hơn. Rồi mai kia chuyển cho con cháu, chúng sẽ nhồi thêm hoặc phá hết. Đó là chuyện đời sau.

 

Mình có giúp 2 người mướn nhà và 2 người thợ mua được nhà cho họ với chương trình “người mua nhà lần đầu tiên” (first time Buyer), chỉ đặt cọc có 3%. Mình không biết đến mấy chương trình này lúc mới sang Hoa Kỳ. Sau này, mới mò mò ra mấy chương trình khả dĩ giúp người mua nhà lần đầu tiên mà không có tiền đặt cọc nhiều.

 

Người Mỹ da trắng đánh trận về nước, được chính phủ cho vay tiền lời 100%, cho mượn tiền để học đại học còn người da đen chỉ biết đứng nhìn. Những năm 1990, nhà Cali xuống, mấy người đi mua nhà cho thuê, lựa các nhà của cựu chiến binh để mua vì tiền lời rẻ. Do đó, người da trắng muốn con đi lính một thời gian, để học chương trình đại học, có bằng cấp rồi sau 10 năm giải ngủ, mua được nhà với tiền lời rẻ,…

 

Có một sử gia cho rằng  “no greater instrument for widening an already huge racial gap in postwar America than the GI Bill.” Khi 1 thiểu số người sống trong một quốc gia hô hào ngọn đuốc sáng dân chủ nhưng lại có chính sách kỳ thị. Tương tự ở Việt Nam, chế độ lý lịch đã loại biết bao nhiêu người, cấm học đại học. Một chị bạn nói: “mình thù Việt Cộng ghê! Mình muốn học lên cao nhưng Việt Cộng vào, đang học đại học, họ kêu cổ ra cửa, đuổi về đi kinh tế mới.”

 

Rồi đến các thập niên 1970, tổng thống Nixon ra lệnh bài trừ ma tuý, được gọi là  “War on Drugs lại khiến các khu vực dân cư người da màu càng bị lộn xộn, không được phát triển vì có nhiều nguy cơ cho việc đầu tư nên sì-ke ma tuý nổi lên để kiếm sống. Mình có vài căn nhà ở khu không được an toàn lắm. Phải cho mướn trước khi người thuê nhà dọn ra, và canh sao khi họ dọn ra thì người thuê mới dọn vô vì nhà trống, chúng đến ăn cắp bình nước nóng, máy điều hoà không khí nên sau này phải gắn trên mái nhà thì không thằng nào dám leo lên.

 

Ông Trump cho ra chương trình Zone of Opportunities, nhằm tái phát triển các khu dân cư nghèo nhưng chưa biết ra sao. Nếu ông ta thắng kỳ này thì chính phủ sẽ bơm tiền vào để phát triển, tái thiết lại. Người da màu lại bị đuổi chạy mất dép ra ngoại ô.

 

Vào những thập niên 1970, 25 năm sau đệ nhị thế chiến, đa số người da đen không có bằng cấp đại học và lớn lên trong giai đoạn trường học bị cách biệt. Người việt mình ở vùng Bôn-sa lại ghi danh cho con mình học ở những học khu tốt như Huntington Beach hay Fountain Valley vì đa số là da trắng, gia đình trung lưu của mỹ trong khi các học sinh da đen học tại những trường học, bị phân biệt chủng tộc thì khó mà có nền giáo dục tốt.

 

Hậu bán thế kỷ 20, các hãng sở kỹ nghệ dọn về các ngoại ô như vùng Irvine Spectrum của Quận Cam hay vùng Norwalk của quận Los Angeles. Người da đen gặp khó khăn dọn về các nơi gần công sở vì 28% không có xe hơi. Nhân viên của các công ty ở Irvine, đều ở rất xa thậm chí ở Riverside, San Bernardino,… và họ phải di chuyển 2, 3 tiếng đồng hồ.

 

Hậu quả là năm 1970, 70% người da đen có công việc lao động tay chân, đến năm 1987 thì chỉ còn 28%. Thất nghiệp gia tăng cùng với sì-ke, ma tuý và tội ác. Tương tự ngày nay, các vùng nông thôn da trắng bị thất nghiệp và nạn ma tuý mà mỗi lần bầu cử, thiên hạ nói đến rồi quên lãng sau đó như tiểu bang Maine, Ohio.

 

Ngày nay, các nhà tù mọc lên như nấm, ngân sách nhà tù gia tăng $19 tỷ đôla, trong khi ngân sách về gia cư giảm 17 tỷ đôla.

 

Người Mỹ da trắng và da đen sử dụng ma tuý như nhau nhưng người da đen bị bắt ở tù nhiều gấp 6 lần người da trắng.

 

Đầu óc lùng bùng qua những gì mình nghe tối qua do chính thân hữu nói về thời sự. Mình có cảm tưởng chúng ta bị truyền thông của người da trắng tạo dựng một khái niệm, mình là ngang cơ với người da trắng nên chỉ trích người da màu.

 

Mình may mắn đến bờ tự do, được nước này chào đón, cho một cơ hội để tái tạo lại cuộc đời. Nay khá khá thì nên giúp các người kém may mắn cũng là người thiểu số. Không nên hùa theo truyền thông da trắng để chỉ trích này nọ hay hoan hô ứng cử viên này, chửi ứng cử viên kia.

 

Lý do là họ không cần đến mình vì lá phiếu người Việt quá ít. Chúng ta phải có người đại diện cộng đồng trong bộ máy chính quyền. 


Nhớ vụ ông bác sĩ người Mỹ gốc Việt, bị lôi kéo xuống máy bay. Hãng máy bay biết là á đông lúc nào cũng ngoan ngoãn, nên chọn người á đông để xuống máy bay. Ông này giàu có nên không muốn xuống và bị an ninh lôi cổ xuống như con heo.


Dạo mới sang Cali, mình hay bò đến những hội họp của người Mễ để xem họ sinh hoạt ra sao. Có một ông Mễ, chủ tịch hội đoàn thương mại của người Mễ, nói với mình: bọn Việt Nam mày, khi cần thì bò lại, năn nỉ tụi tao lên tiếng, còn khi tụi tao cần thì bọn mày chạy theo da trắng. Chán Mớ Đời 

 

Nhs