Xa nhà mẹ nhớ

 Mình biết đến thi sĩ Nguyễn Bính qua bài “chân quê” khi sang Văn Học, gặp Huỳnh Kim Sang, ở gần xóm trên, chép bài thơ của ông này để gửi cho đối tượng của hắn. Hắn đưa mình đọc nhưng chả hiểu gì cả nhưng tên của ông thi sĩ này đi theo mình đến bên Tây.

 

Sau này đi tây và 30/04/75 đến, mất tin tức gia đình đến 3 năm nên dạo ấy mình lo ngại, tình cờ đọc được bài thơ của ông Nguyễn Bính gửi cho thầy mẹ, chắc ông làm trong thời gian đi kháng chiến chống pháp. Sau này mới biết ông ta mồ côi mẹ khi lên 13 tuổi nhưng ông vẫn ghi nhớ mẹ vào thơ của mình.

 

Ai về làng cũ hôm nay,

Thư này, đưa hộ cho thày mẹ tôi.

Con đi mười mấy năm trời

Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương:

 

Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương

Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!

Thày mẹ ơi, thày mẹ ơi,

Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư!

 

Con đi năm ấy tháng tư

Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba.

Con đi quạnh cửa, quạnh nhà

Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.

Cha giã gạo, mẹ thổi cơm

Có con, con vắng, ai làm thay cho?

Con dan díu nợ giang hồ

Một mai những tưởng cơ đồ là nên.

Ai ngờ ngày tháng lưu niên

Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh.

Lại mang ân ái vào mình

Cái yêu làm tội làm tình cái thân.

Bó tay như kẻ hàng thần

Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.

Mẹ cha thì nhớ thương mình

Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...

Ở thư này, thày mẹ ơi

Nhận cho con lấy vài lời kính thăm

Xin thày mẹ cứ yên tâm

Đừng thương nhớ, một vài năm con về.

Thày ơi, đừng chặt vườn chè

Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng...

Nhớ thương thày mẹ khôn cùng

Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con.

 

Mình đoán ai xa xứ, chắc đều có cùng nổi lòng như ông Nguyễn Bính qua bài thơ gửi cho bố mẹ ở Nam Định. Sau này, nhận được tin nhà, còn sống sót nhưng ông cụ mình bị đi tù 18 năm cải tạo nên càng te tua. Rồi nhạc sĩ Đức Huy cho ra dời bản nhạc “khóc một dòng sông” lại làm dân xa xứ khóc te tua.

 

Mình nhớ lần đầu tiên nhận thư nhà. Mình ghé lại nhà ông cậu bà con thăm thì bà mợ đầm đưa cho lá thư của ông cụ. Mình cầm lá thư mà run, mở ra đọc. Càng đọc càng khóc càng mếu máo. Sau này, mình gặp lại bà mợ đầm, bà hỏi có nhận thư nhà không thì mình trả lời lâu lâu. Bà mợ cứ nhắc về hình ảnh mình nhận thư nhà đầu tiên.

 

Nhận được lá thư đầu tiên, cho biết gia đình chuẩn bị di tản rồi Việt Cộng vào Sàigòn nên mất liên lạc với nhà đến 3 năm sau. Ông cậu bà con được phép về thăm Đàlạt thì mới cho mình biết tình hình bên nhà, và có nhận một lá thư của người dì bà con, nay ở Úc gửi cho biết gia đình mình bình thường, còn ông cậu thì cho biết ông cụ bị Việt Cộng lên án 18 năm tù.

 

Mình không biết tâm trạng của những bà mẹ có con xa xứ ra sao nhất là những người không nhận được thư hồi âm của con trong chuyến vượt biển. Mẹ vợ mình kể là khi đồng chí gái và mấy người anh chị đi vượt biển thì mẹ vợ mình lo sợ cho chuyến đi, đêm nào cũng tụng kinh để bớt lo, mong cho con đến bờ tự do. Lo sợ quá mà sau này bị ù tai.

 

Tuần vừa rồi, mình có 3 đứa cháu, xuống Sàigòn học đại học. Thấy 2 cô em lặng mất trên mạng, mọi ngày là thấy một cô phải lên mạng để xeo-phì, nay bổng biến mất, chỉ thấy một cô; kể nhớ con ra sao nên không biết tâm trạng mẹ mình ra sao khi mình đi tây, rồi biệt tông tích suốt 3 năm liền, đến 20 năm sau mới gặp lại. Mấy cô em có điện thoại, có FaceTime nên có thể nhắn tin hay nói chuyện với con hàng ngày.


Cứ tưởng tượng mẹ mình, đêm đêm nhớ đến thằng con ở trời Tây, không tin tức, không liên vì dạo ấy Hà Nội không cho thư từ gì cả. Sau này, có mấy người quen ở Hoa Kỳ, gửi thư qua Tây nhờ mình gửi lại cho gai đình họ ở Việt Nam.

 

Mấy đứa cháu thì chắc không biết bài thơ thi sĩ Nguyễn Bính viết cho bố mẹ khi xa nhà. Kỹ thuật thông tin ngày nay, đã làm cho không gian rất gần, không còn phải chờ đợi 2 tháng trời như mình để nhận thư hồi âm. Khi nhận thư hồi âm thì tin tức đã quá cũ. Dạo con mình đi học ở hongkong, và Ý Đại Lợi thì cách biệt không rõ lắm vì con gái gọi điện thoại thường xuyên, hỏi mình ý tưởng để làm bài tập. Nó học về kinh tế lại gọi ông bố nông dân để hỏi ý kiến. Chán Mớ Đời 

 

Mình không bao giờ hỏi mẹ mình có lo lắng về mình xa nhà trong thời gian mẹ nuôi mấy người em và thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo sau khi mình rời Việt Nam. Mình chỉ nhớ khi nhận thư nhà là kể lể đói khổ, cộng thêm tin tức của người vượt biển. Bao nhiêu tiền làm bồi cuối tuần, để dành gửi cho nhà, chỉ xài tiền học bổng của chính phủ Pháp.


Mỗi lần gặp mẹ, nghe mẹ kể về thời tem phiếu, đánh tư sản, thăm nuôi chồng, nuôi đàn con dại trong sự trả thù của kẻ thắng cuộc và đám chó sói CM30 trong xóm và ngoài chợ là mình hãi hùng.

 

Mẹ mình trải qua các chiến tranh máu lửa, thời Tây đổ bộ lại Việt Nam, đi theo kháng chiến, bị mật thám Tây bắt, tra khảo rồi cuộc chiến sau 1954, đất nước chia đôi. Không hiểu sao, mẹ mình chỉ kể nhiều về thời Việt Cộng vào Sàigòn. Có lẻ vì quá khổ, thời Tây thời Việt Nam Cộng Hoà tuy có chiến tranh nhưng người dân còn sống được. Nghe mẹ kể chuyện như kể lại bi kịch cuộc đời, của cá nhân mẹ, như nói thay cho cả hàng xóm, bạn bè,…và tổ quốc.

 

Khi mẹ kể chuyện thời hậu 75 thì như các làn sóng của bể khổ được trào ra để giải toả các uẩn ức của một thời. Ngược lại khi hỏi về thời chiến 45, rồi 54 thì mẹ lại vui vẻ kể những kỷ niệm tuy có chiến tranh đó nhưng không có sự đè nén, dồn ép của tâm lý của một người từng tham gia kháng chiến chống tây, để rồi bị đầy đọa vì lấy chồng ngụy quân ngụy quyền. Chán Mớ Đời



 

Nhs