Sinh nhật Mẹ 2020

 Hôm trước, nói chuyện với bà cụ ở Đàlạt, kể mới đi ăn sinh nhật bà bạn trong xóm với mấy cặp vợ chồng bạn ở Đàlạt khiến mình nhớ đến sinh nhật của mẹ. Mình không nhớ đã tham dự sinh-nhật của mẹ tại Việt Nam vì khi xưa trước 1975, không có màn tổ chức sinh nhật như tây, nhất nhà đông con. 

18 năm ở Đàlạt, mình chưa bao giờ đi ăn sinh nhật của ai cả, đám học chung có kể đi boum sinh nhật mấy ả trong lớp nhưng mình thì không bao giờ được mời tham dự. Mấy tên này đi dự về rồi kể, ôm mấy em Sì-lô, sì liếc gì đó khiến mình thèm thuồng. Sau này, qua tây có đi dự sinh nhật bạn học đủ trò nhưng chủ yếu là ăn vì thời sinh viên mình đói lắm. Ăn cơm Resto-U 7 ngày trên 7 ngày nên ớn lắm. Lâu lâu được ăn cơm tây chính thống là ngồi ăn mệt thở.


Trong xóm, theo mình biết chỉ có duy nhất nhà bà Duy tổ chức sinh nhật cho 2 cô con gái còn 4 thằng con trai thì chỉ đứng nhìn. Mỗi lần, nhà bà Duy có sinh nhật là xe hơi đậu đầy đường Hai Bà Trưng, khu Công Chánh, cơ hội để mình và mấy tên trong xóm, đứng nhìn, coi cọp, nhìn từ ngoài cửa sổ đám con nhà giàu sang trọng đến dự, vỗ tay hoan hô khi thổi đèn cầy, cắt bánh tây, khiến tụi này nhỏ nước dãi rồi bị bà Duy bắt gặp, đem chổi chà ra đuổi như ăn mày.

 

Sau này, mấy người em ở Đàlạt tổ chức sinh Nhật mỗi năm cho mẹ, chụp hình gửi cho mình xem. Có dạo mẹ sang Hoa Kỳ chơi thì trong nhà có tổ chức cắt bánh cho mẹ. Nghe mẹ kể được mời ăn sinh nhật mấy người bạn tại nhà hàng nên bàn với mấy cô em tổ chức sinh nhật cho mẹ.

 

Mình hỏi cô em thì cô nàng cho biết đang tính với mấy chị, tổ chức sinh nhật năm nay cho mẹ, mời bạn bè của bà cụ tham dự tại nhà hàng. Mấy người em ở Đàlạt, tổ chức sinh nhật lớn cho bà cụ năm nay, mời đến 50 người bạn. Bạn trong xóm và bạn ở đội dưỡng sinh và con cháu tổng cộng 64 người.

 

Mình nhớ có về Đàlạt dự hai lần kỷ niệm 40 năm và 60 năm đám cưới của ông bà cụ. Kỷ niệm 60 năm thì con cháu khắp nơi trên thế giới đều về tham dự rồi đâu 2 năm sau ông cụ qua đời.

 

Có lần thằng con nói với đồng chí gái là sống với bố không phải dễ khiến mình nhớ thời ở Đàlạt. Mình thuộc loại con liệt sinh nên hay làm trái ngược, không nghe lời ông cụ mình. Mình thấy ông cụ rất khó tính mà mẹ mình là người đứng giữa, can gián, xin tha cho con mỗi khi ông cụ khệnh mình.

 

Nhiều khi mình cũng có suy nghĩ như thằng con, không hiểu sao bà cụ lại có thể chịu đựng bố mình được. Sau này, đọc sách về Phật giáo thì mới thấy mẹ mình như một vị Bồ tát tại gia, mới có thể sống với ông cụ, tương tự ngày nay đồng chí gái phải tu hạnh nhiều lắm mới sống với mình được.


Ngoài chợ thì mình chưa bao giờ nghe mẹ mình cải lộn với ai cả. Có dì Huê, con ông bà Nguyễn Văn Ngạch, bán hàng bên cạnh, hay cành nanh, sau 75, thấy ông cụ mình đi trại cải tạo nên thưa kiện bà cụ mình, dành khách của dì. Thật ra, Đàlạt dạo ấy biết hoàn cảnh của mẹ mình nên kháo nhau là mua hàng thì nên đến hàng mẹ mình để giúp người vợ, có chồng học tập cải tạo. Nhờ đó mà buôn bán đủ sống nuôi con.

 

Hôm qua, nói chuyện với bà cụ. Mẹ mình kể sinh nhật vui lắm, mời bạn bè nhưng quên vài người nên sợ họ trách. Có lẻ mẹ sợ tốn tiền con cháu nên hạn chế danh sách. Mình nói lần sau, cứ mời hết, cả người ta trách cứ, có gì con trả tiền cho. Mấy người em mình chọn nhà hàng “Nhà Tôi”, đâu gần khu viện Pasteur Đàlạt, in thiệp mời để mẹ đi mời bạn già. Nghe kể có ăn món xôi Bồ câu.

 

Mẹ mình năm nay tuổi mụ là 88, lần đầu tiên được con cháu tổ chức sinh nhật xôm tụ, nghĩ lại thấy thương. Con cháu thì tổ chức sinh nhật linh đình, cho vợ cho chồng cùng với bạn bè còn mẹ già thì chỉ làm trong nhà như thể mẹ không có bạn, có bè, không cần được vui bên bạn hữu. Mẹ mình thì không bao giờ đòi hỏi con cháu.


Mẹ Cha thì nhớ thương mình

Mình đi thương nhớ người tình xa xôi (Nguyễn Bính)

 

Mình giật mình khi nhận hình từ Facebook của bạn mẹ mình, hình mẹ mình bận váy đầm. Lần đầu tiên trong đời mới thấy cảnh này. Hỏi ra mới biết mấy người bạn trong đội dưỡng sinh, mua tặng, bắt bà cụ 88 tuổi bận váy đầm lần đầu để chụp hình. 

 

Hình ảnh mẹ mình thời ở Đàlạt, sáng sớm, 7 giờ sáng, bận áo dài, đội nón lá, đi bộ, ôm cái bầu ra chợ, tối đi bộ về. Lâu lâu, trời mưa thì đi Lam về. Cứ sinh xong, ở cử 1 tháng xong thì đi buôn bán lại, lại dính bầu rồi tiếp tục mang bầu, đi chợ. Sau này, ông cụ mình được cấp công xa nên có chở về còn sáng thì vẫn đi bộ 2 cây số ra chợ. Có lẻ đi bộ quen, nhất là thời Việt Cộng vào nên mẹ mình ngày nay, sáng 5 giờ sáng là đi bộ lên nhà trung tá Tốn ngày xưa, tập dưỡng sinh rồi đi bộ, vòng vòng Đàlạt.

 

Lớn lên thì mình có được cho một chiếc xe gắn máy nên sáng và chiều mình đưa đón mẹ ra chợ. Sau 75, nghe mẹ kể là có bà nào quen, thấy mẹ mình đi chợ nên kêu ông chồng cũng đi chợ, chở bà cụ nhưng mẹ mình từ chối vì sợ tai tiếng, làm hại đến thanh danh các con sau này. 

 

Nhà có 7 cô con gái nên sợ mang tiếng, chồng đi cải tạo, ở nhà đi với người khác. Người đời chỉ thích lên án nhưng không bao giờ suy nghĩ cho nạn nhân của mình. Cho thấy mẹ mình có viễn kiến khi làm việc gì.

 

Ngồi nghe mẹ kể lại đoạn trường thăm nuôi ông cụ mình ở trại cải tạo suốt 15 năm mà thương. Không dám ăn, dám mặc để dành để bới cho chồng ở trại cải tạo. Ông cụ mình lại có tâm tốt nên khi vợ con gánh đồ thăm nuôi. Ông cụ ra đón rồi gánh vào, đưa cho các người không có gia đình thăm nuôi, chia nhau ăn mà sống đợi ngày mãn tù. Do đó, có nhiều người thương ông cụ mình, ra trại cải tạo, họ hay đến thăm ông cụ. Có người kể cho mình là không có ông cụ thì họ đã chết trong trại cải tạo nên nhớ ơn trong khi mấy người em mình thì rên, nhà không có ăn, phải nhịn để bới cho bố, để cho thiên hạ theo “tất cả cho trại cải tạo”.

 

Nhìn hình mẹ mình vui với thân hữu trong buổi sinh nhật khiến mình vui, được làm “người tài trợ” như em gái mình gọi. Thấy lạ lạ tai với từ ngữ hậu 75. Mình hứa với mẹ 2 năm nữa sẽ về Đàlạt, dự lễ thượng thọ 90 tuổi của mẹ khiến bà cụ vui. Xong om





 Có hình chị hàng xóm xưa tên Liễu, con ông Quán, đầu bên phải, cho mấy người hàng xóm xem còn mấy người kia thì chịu, không nhớ. Hình của đội Dưỡng sinh. Hình như có hình thầy Trịnh Mình Đức, dạy Pháp văn mình khi xưa như không rõ lắm nên không tải lên đây. Hôm nào có ảnh của người em, sẽ thay đổi.

NHS


Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này, đưa hộ cho thày mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương:

Thày đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thày mẹ ơi, thày mẹ ơi,
Tiếc công thày mẹ đẻ người con hư!

Con đi năm ấy tháng tư
Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa, quạnh nhà
Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.
Cha giã gạo, mẹ thổi cơm
Có con, con vắng, ai làm thay cho?
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ là nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh.
Lại mang ân ái vào mình
Cái yêu làm tội làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi...
Ở thư này, thày mẹ ơi
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
Xin thày mẹ cứ yên tâm
Đừng thương nhớ, một vài năm con về.
Thày ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng...
Nhớ thương thày mẹ khôn cùng
Lạy thày, lạy mẹ thấu lòng cho con.


Bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính