Vợ là Bồ tát?

 Mình kể chuyện về con cái ngày nay thì có nhiều người còm; cho biết là tuỳ vào sự giáo dục của gia đình, văn hoá người Việt đem sang Hoa Kỳ,… Trên thực tế khá phức tạp hơn như anh bạn sang đây còn bé năm 1975, cho rằng bố mẹ không thay đổi, hoà nhập vào đời sống Mỹ, làm khổ con cháu. 

Làm vườn thì được biết một cây nhỏ mà ra trái thì người làm vườn phải ngắt đi các trái nhỏ vì nếu cây có trái sớm, các chất dinh dưỡng không nuôi rể, khiến rể không mạnh. Sau này ra trái rất ít như đứa trẻ ra đời sớm, phải lo toan mọi bề sớm, không có sự giúp đỡ của bố mẹ, sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Tệ hơn là một cô gái trẻ, chẳng may có bầu, sinh con, phải đi làm nuôi con, người tình chuồng mất tiêu, không được sự giúp đỡ của gia đình hay chính phủ sẽ khó có một tương lai khá. Xã hội ngày nay, có rất nhiều trường hợp người mẹ đơn côi.

Gia đình bớt bền chặt, người ta dựa vào, hay phó mặc chính phủ  nuôi nấng dạy dỗ con cái theo chế độ xã hội chủ nghĩa, khiến các rể cây của gia đình không được mạnh. Mất dần cá biệt của mỗi gia đình, mọi người đều suy nghĩ gần giống nhau, không có tư duy độc lập vì đều được hướng dẫn, dạy dỗ cùng một chương trình của chính phủ.

 

Văn hoá Việt Nam xưa, có con để có người lo cho mình khi về già theo định nghĩa kinh tế thị trường; đầu tư vào con để sau này, chúng sẽ lo cho mình khi hưu trí. Trong khi ở Hoa Kỳ, trong cuộc sống bố mẹ chỉ nuôi con rồi khi hưu trí thì họ vẫn sống riêng, tôn trọng tự do lẫn nhau. Nếu có khả năng thì họ có thể làm căn nhà nhỏ phía sau để cho bố mẹ ở, tự nấu ăn, sống biệt lập nhưng họ vẫn có thể chăm sóc bố mẹ.

 

Con gái mình ra trường, nói hy vọng một ngày nào đó rất gần, sẽ được độc lập về tài chánh, không cần sự trợ giúp của bố mẹ. Thằng con cũng nói hiện nay chưa thể ra riêng vì lương bổng thấp vì mới ra trường nhưng may mắn là hai đứa con biết tiết kiệm, bỏ tiền vào các Roth-IRA, đầu tư cho tương lai, khá hơn mình dạo mới ra trường. Cứ đi ăn tiệm với bạn bè, thử các tiệm ăn ở Paris, Luân Đôn, New York, đi đây đi đó chơi nên cuối cùng sạch hết tiền lương.

 

Theo nhà Phật thì 3 loại con: ưu sinh, tuỳ sinh và liệt sinh.

 

Nếu may mắn thì gặp được con dạng Uy Sinh hay Tuỳ Sinh còn không may thì gặp con thuộc dạng “Liệt sinh” như mình là ngọng. Nhiều người không may, sinh con tật nguyền phải lo cho chúng đến mãn đời, có thể xem đó là nợ. Còn người may mắn thì sinh ra con, loại “uy sinh” biết thương cha thương mẹ, lo học rồi ra đời thành công, khiến cha mẹ hãnh diện. Ở Hoa Kỳ, con bị bệnh thì chính phủ lo. 


Mình biết có chị kia, sinh con không may bị bệnh khờ khờ, chị ta không chịu nuôi, muốn chính phủ lo nhưng ông chồng đã ly dị, phải xin toà án, cho phép đem con về nuôi, lo cho nó từng ngày. Chị ta có quyền giữ con nhưng lại bỏ con bị bệnh vào bệnh viện cho chính phủ nuôi. Mình đoán là bị luật sư vẽ đường vì người mẹ nào không thương con.

 

Có người kêu người Việt sang đây, mang theo văn hoá của người mình. Người Mỹ tương tự, con họ cũng gây cho họ nhiều phiền não; hút sì-ke, không chịu học, phá làng phá xóm, ăn dầm ở dề với họ thôi. Cho nên không thể nào phán tại văn hoá việt hay gì cả. Đất lành thì chim đậu. Đất tốt thì cây lên tốt, đất xấu thì khó mà tươi tốt.

 

Một đứa trẻ sinh sống trong một khu nghèo, cha mẹ đi làm cả ngày thì khó mà có thời gian dạy dỗ con cái, chơi với hàng xóm mà gặp loại du côn thì sớm muộn cũng vào tù.

 

Bà Betty, bán cho mình nhà kể; khi bà dọn về khu này thì có tên hàng xóm dụ dỗ con bà hút sì-ke. Thằng lớn sau này ngưng, còn thằng út thì vẫn nghiện, cứ đi cai nghiện hoài. Cuối cùng mượn tiền ai cấn vào căn hộ mà mình đang tính mua, bị bạn bè, cướp tiền đem qua Mễ giết, quăn xác bên đó.

 

Có một ông Mỹ, kêu có 2 thằng con, học cùng trường nhưng một thằng thì ra luật sư còn thằng ra vào trung tâm cai nghiện. Ông ta nói học cùng trường nhưng khác bạn, có thể đưa đến đáp án về cuộc đời sai lạc.

 

Do đó, sinh con ra mà chân tay lành lặn, không bị tật là một diễm phúc, sau này nó chịu khó học hành là nhờ cái Đức của ông bà. Không nên kêu vì văn hoá văn gừng gì cả. Xứ nào cũng có những loại con như vậy.

 

Ông Bill Gates và ông Steve Jobs là con nuôi. Có lẻ thời hai ông này sinh ra, chưa có luật cho phép phá thai nên người mẹ phải giữ cái thai rồi khi sinh ra, cho thiên hạ nuôi. Hai ông này theo mình thuộc loại con uy sinh, được cha mẹ nuôi rồi dựa vào đó mà tạo dựng sự nghiệp, giúp thay đổi thế kỷ 20.

 

Mình có gặp một chị, từng phá thai nhiều lần, nay cái vong đi theo thằng con phá nên nhờ thầy cúng đủ trò mới hết. Đọc trên báo Việt Nam, có cô nào kêu là đã từng phá thai 17 lần, nay có chồng, sinh con không được, bị chồng ruồng bỏ.

 

Người không có con thấy đời trống vắng vì thật sự, đi chơi, nghỉ hè, ăn tiệm sang,..rồi cũng chán. Có con thì chúng ta có thể nuôi nấng, tạo dựng một tương lai như tròn một cái cây, và mong xinh tốt, cho nhiều quả ngọt sau này.

 

Đồng chí gái có cô bạn, nghỉ làm về hưu, xung phong nuôi cháu và cưng cháu lắm. Nghe chị ta kể, săn sóc cháu rất hạnh phúc, cho nên con chưa chắc là nợ. Nếu không may, con cháu lớn lên không như mình mong muốn thì người ta gọi là cái nợ (con liệt sinh), còn nếu gặp con ưu sinh thì mình cảm thấy hạnh phúc. Có anh bạn kể cái khổ nhất trên đời là thấy con mình khổ, nó không thành công sẽ làm mình đau đớn.

 

Con mình có nên người hay không là nhờ vào người vợ. Với sức chịu đựng, tình thương dành cho chồng con, để xây dựng mái ấm gia đình. Hôm trước thằng con mình nói; sống với bố rất khó vì tính tình của bố. Do đó khi có vấn đề gì, con mình chỉ tỉ tê với mẹ, còn học hành hay công ăn việc làm thì chúng hỏi mình.

 

Mình hưởng cái tính nóng nảy của ông cụ, may thay đồng chí gái rất nhẹ nhàng, chịu khó nhượng nhịn mình như bà cụ mình khi xưa với ông cụ. Nếu nói theo nhà Phật thì người vợ, người mẹ là một vị Bồ-tát tại gia. Chúng ta chịu khói nhìn lại một tí thì cảm nhận ngay.

 

Mình có thể ví đàn ông như một khúc gỗ hay đá, rồi người vợ, làm công việc của một nhà điêu khắc. Mỗi ngày, đẽo đục 1 tí để lâu ngày sẽ tạo dựng bức tượng. Có va chạm trong cuộc sống vợ chồng nhưng đồng chí gái rất nhẹ nhàng, ít khi lên tiếng, hay cất cao giọng rồi từ từ giải bày, chỉ cho mình cái sai, cái trái của mình. Kiểu đồng chí gái làm sáng lòng sáng dạ cho mình, giúp mình bớt cái “Tôi”.

 

Mình có hai ông bạn người Mỹ, không vợ con, rất giàu nhưng họ lại cô đơn vì về nhà trống trải, không có mái ấm gia đình nên tối nào, cũng phải bò đi vào các chỗ nhảy đầm hay các quán rượu để tìm bạn. Ít ai chịu sống trong cô đơn ngoại trừ các triết gia hay nhà tu.

 

Hôm trước, có mấy người bạn đến nhà dùng cơm chiều. Mình hỏi một chị bạn, nghe nói mới bị đụng xe, có sao không. Chị ta kêu đụng nhẹ, có tên nào lái mô tô đụng vào xe. Mình nói mừng cho chị thì anh chồng nhảy vào; kêu cô vợ khai không đúng, nay sợ bị có lỗi,….

 

Mình nói anh nên xem ở một góc độ tích cực hơn thì tốt. Anh nên mừng là chị nhà không bị thương vì tai nạn xẩy ra có thể bị nằm Coma, hay qua đời hoặc bị tật nguyền cả đời. Anh phải hầu, chăm sóc vợ anh đến mãn đời là khốn nạn hơn.

 

Hôm qua, mình chở đồng chí gái đi thử máu, giữa đường mụ vợ kêu không biết bỏ tờ giấy giới thiệu của bác sĩ ở đâu. Mình lái xe về nhà không một tiếng hằn học, cuối cùng mụ vợ tìm ra trong ví. Trên đường đi đến chỗ thử máu, đồng chí gái hỏi sao không thấy anh cau có, la lối, mất bình tỉnh như mọi lần. Mình chỉ biết cười vì không muốn gây thêm khẩu nghiệp.

 


Chán Mớ Đời

Nhs