Ai thích khai thuế?

 Mình nghĩ không một người Mỹ nào thích khai thuế, ngoại trừ những người ăn trợ cấp. Mình có quen một anh bạn, ăn trợ cấp từ ngày sang Hoa Kỳ đến nay. Anh ta là người đầu tiên mà mình biết, thích khai thuế, sốt sắng khai thuế sau khi nhận được giấy báo tổng cộng tiền trợ cấp nhận được của chính phủ trong năm.

 

Anh ta chạy ra bôn sa, tới văn phòng khai thuế để làm thuế. Người Mỹ ít lợi tức, thường được lãnh thêm tiền khi khai thuế lợi tức của mình hàng năm. Văn phòng khai thuế vớt của anh ta 1/3 số tiền lấy lại được nhưng anh ta vẫn vui tươi, vừa lòng khách đi. Nếu anh ta ra thư viện, lấy đơn miễn phí, đem về nhà ghi lại rồi nộp sẽ khỏi mất 1/3 số tiền lãnh được thêm của chính phủ.

 

Hàng năm, tại Hoa Kỳ ngày 15 tháng 4 là hạn chót để khai thuế cho năm vừa qua. Các văn phòng làm thuế, làm việc không ngưng, không ăn vì khách hàng ngồi đợi. Được cái là người Mỹ có thể làm đơn xin gia hạn để khai trễ. Mình thuộc dạng này vì lười làm sổ sách đến khi sử dụng thuần thục phần mềm Quickbook và Quicken. He he he

 

Năm đầu tiên mình sang Hoa Kỳ làm việc, đến ngày 15 tháng 4 thì đồng nghiệp hỏi mình đã khai thuế chưa khiến mình ngơ ngác vì nghĩ đã đóng thuế mỗi lần nhận lương như bên Âu châu khiến họ lo, kêu đã đóng thuế nhưng cuối năm vẫn phải khai, bắt mình về sớm, ghé vô văn phòng khai thuế H&R Block. Đi làm về, ghé vào văn phòng khai thuế gần nhà, ngồi đợi cả tiếng mới được gặp người khai thuế.

 

Mình đưa giấy tờ cho họ rồi ngồi đợi, xong họ bắt mình ký, rồi kêu đem ra bưu điện, mở cửa trễ hôm đó. Xong om?

 

Mấy tháng sau, mình nhận thư của sở thuế, kêu mình thiếu thuế, phạt mấy trăm đồng nên đành phải viết ngân phiếu, gửi cho sở thuế. Từ đó mình sợ dân khai thuế. Hoá ra đa số những người khai thuế cho mấy văn phòng khai thuế, đều làm nghề tay trái vì chỉ có mấy tháng một năm. Họ học khai thuế sơ sơ rồi làm thuế cho khách hàng bình thường với giá rẻ bèo, chủ hãng vớt hết.

 

Sau này, mình Chán Mớ Đời nên đi học khai thuế ở văn phòng H&R Block mất mấy tháng vào cuối tuần. Học xong thì thi lấy cái bằng làm thuế, kiếm tiền rồi ghi danh làm cho H&R BLOCK nhưng mình học cho biết nên không thi. Ông thầy dạy gọi điện thoại hỏi sao không thấy tên mày trong đám dự thi. Trình độ của người khai thuế không nhiều, chỉ làm được thuế cho người bình thường, chớ nếu khách hàng có nhà cửa, đầu tư thì ngọng.


Có lần mình hỏi một anh bác sĩ quen, lý do không thành lập một công ty thay vì khai lợi tức dưới tên cúng cơm của mình. Anh ta trả lời là tên làm thuế cho anh ta, kêu giống nhau. Mình đoán ông làm thuế này, không biết nhiều về thuế pháp nhân nên làm thuế cá nhân thay vì công ty. Sau này, anh bác sĩ bị sở thuế hỏi thăm thì ông thần làm thuế bỏ chạy, phải tìm người khác. Chán Mớ Đời 


Mình nghe kể các cá nhân làm thương mại dưới tên cúng cơm của mình có khả năng đến 70% bị sở thuế hỏi thăm còn làm thương mại dưới các pháp nhân thì chỉ có 2%. Luật thuế về pháp nhân khó hơn và sở thuế không đủ người có trình độ để khám xét thuế pháp nhân.


May là công ty Intuit cho ra đời phần mềm TurboTax giúp mình học nhiều về khai thuế. Cứ trả lời tuần tự những câu hỏi của phần mềm. Vấn đề là mất thời gian vì tất cả giấy tờ cả 12 tháng, phải bỏ vào phần mềm nên mình phải làm đơn xin gia hạn mỗi năm.


Mua sách về khai thuế địa ốc về đọc mỗi lần đồng chí gái thuyết pháp, dạy dỗ mình kêu phải quy y vợ thay vì quy y Phật , quy pháp , quy y tăng. Chán Mớ Đời 

 

Sau này, phải đi học sử dụng phần mềm Quickbook cho những người đầu tư về địa ốc. Mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm nên phải học đủ thầy. Thầy luật sư có, thầy CPA có, của công ty Quickbook có, bà làm thuế có nhưng cuối cùng thì mình cũng khắc phục được phần mềm này. Từ đó thì khoẻ hơn. Cứ cuối tuần là mình vô các chi phí, tiền thuê nhà,…trong phần mềm Quickbook. Cuối năm, mình chỉ gửi 1 Bản chép của mấy công ty cho bà làm thuế. Bà ta chỉ bỏ vào hồ sơ của mình, rồi xem lá thư của mình; giải thích năm nay có mua thêm nhà nào, bán đất, bỏ vào quỹ hưu trí bao nhiêu,…

 

Phần thuế cá nhân thì đợi W2 của đồng chí gái về thì gửi cho bà ta. 1 ngày sau là bà ta gửi thuế cho mình xem, mình coi lại xem có đúng không hay muốn bà ta khai cách khác,… rồi ký cho bà ta gửi qua mạng. Sau đó gửi trả cho bà ta tiền dịch vụ làm thuế cho mấy công ty và cá nhân. Con mình đi làm thì mình đưa cho chúng Turbo-Tax để chúng tự làm để học thêm về thuế vụ.

 

Bên Nhật Bản, hàng năm chính phủ gửi tấm bưu thiếp cho mỗi người dân, cho biết số tiền thuế mà họ phải đóng. Nếu thấy sai thì phải khai thuế nếu không thì lờ nó đi vì chính phủ đã lấy tiền khi chủ đã trả lương cho mình.

 

Có mấy quốc gia như Thuỵ Điễn, Phần Lan cũng có phần mềm của chính phủ để người dân tự khai thuế, rất hay. Ngày nay với phần mềm thì người Mỹ bình thường có thể khai thuế rất dễ dàng và miễn phí. Tại sao phải mua các phần mềm làm thuế?

 

Các công ty làm thuế kêu miễn phí nên thiên hạ hồ hởi lên mạng làm thuế nhưng đó là cách câu khách. Khi thấy có thể lấy về được tiền thì công ty đưa tấm ảnh to tổ bố; phải “upgrade”. Tổng thống Reagan có dự định, muốn giãn dị hoá cách khai thuế, chỉ một tờ giấy thôi, ông trump cũng tương tự nhưng kỹ nghệ khai thuế sẽ chết vì không ai đến nhờ họ khai thuế hay mua phần mềm Turbo Tax .

 

Các công ty này lobby rất nhiều nên bao nhiều nên bao nhiêu dự luật cải tổ về khai thuế đều bị bỏ sọt rác. Người Mỹ kêu gào dân chủ nhưng thật ra giới có tiền, lãnh đạo đất nước này bằng cách bơm tiền cho các đại biểu quốc hội tái tranh cử.

 

Điển hình ông Bill Gates dùng tiền của mình để làm nhiều việc xã hội. Ông ta thích chương trình Charter School mà mình đã có kể, ít bị chi phối bởi công đoàn giáo chức, giúp học sinh học tấn tới. Có dân biểu ra dự luật cho phép các trường Charter School nhưng qua các cuộc bầu cử địa phương và tiểu bang đều bị đánh rớt.

 

Cuối cùng ông ta đi vòng, cúng tiền cho dân biểu thì mới đạt được 50.69% và đạo luật này được thông qua. Tranh cử chỉ là trò hề, các đại biểu, tổng thống chỉ được đưa ra để diễn tuồng, chớ phía sau hậu trường, các tỷ phú muốn đưa ai lên thì đưa như trường hợp họ chọn ông Obama thay vì bà Clinton đại diện cho Đảng Dân Chủ năm 2008. Năm nay, ông Sanders đang thắng thế nên họ gạt qua bên, để ông Biden lên. Xong om

 

Thượng nghị sĩ tiểu bang Massachussetts, Elizabeth Warren có đề nghị một dự luật cho dân chúng khai thuế miễn phí với phần mềm của chính phủ, và có thông báo tài liệu mà kỹ nghệ khai thuế chống đối việc cải tổ cách khai thuế.

 

Tưởng tượng mỗi năm khai thuế chỉ tốn có 5 phút và miễn phí. Chúng ta lên trang nhà của thuế vụ, mở ra và chính phủ cho biết mình phải đóng thuế năm nay bao nhiêu. Nếu đồng ý thì nhấn nút chấp nhận, còn không thì phải bỏ tài liệu, thêm để chứng minh là sở thuế sai. Chấm dứt cuộc chạy đua nước rút mỗi khi tháng tư về. Đời vui vẻ lại. Các xứ như Đan MẠch, Thuỵ Điển và Tây Ban Nhà đã thực hiện. Nghe nói tiết kiệm cho người dân và chính trên 2 tỷ mỹ kim và 225 triệu tiếng đồng hồ hàng năm cho việc khai thuế.

 

Thế tại sao ý tưởng này không trở thành hiện thực tại Hoa Kỳ? Intuit chi tiêu hơn 11.5 triệu để lobby ở cấp liên bang, hơn cả Apple và Amazon , để chống lại việc chính phủ hoá việc khai thuế.

 

Người ta cho biết có hai dự luật năm 2017, 2011 cho việc khai thuế miễn phí đã bị quăn sọt rác bởi Intuit dúi tiền vào mồm của các đại biểu.

 

Cứ xem trung bình 25 triệu người Mỹ sử dụng phần mềm khai thuế TurboTax hàng năm, giúp công ty Intuit thu vào lợi nhuận trên 4.5 tỷ đô la. Có hai ông dân biểu, 1 cộng hoà và một dân chủ, đồng ra dự luật cải tổ cách khai thuế miễn phí. Intuit tặng mỗi ông $28,000 để lo tái ứng cử thế là dự luật ngọng.

 

Vụ khai thuế càng ngày càng nhức đầu, sẽ làm nhiều người mất ăn mất ngủ trước ngày 15 tháng 4 mỗi năm và sẽ kéo dài đến bao giờ có một biến động nào đó, hay giới dân chủ trẻ theo xã hội chủ nghĩa nắm chính quyền thì may ra mới được cải tổ nhưng tiền đô la sẽ làm hư hỏng các dân biểu trẻ đầy nhiệt huyết trong tương lai. Chán Mớ Đời

 

Nhs