Tại sao không nên trả hết nợ nhà?

 Trong buổi hội thoại về đề tài “nên hay không nên tái tài trợ căn nhà”, bác sĩ Tâm Nguyễn kể rằng bố mẹ ông ta, có suy nghĩ theo kiểu xưa của người Việt, không thích có nợ, muốn trả thêm để sớm hết nợ mượn từ ngân hàng.

Theo mình thì rất hay, có ý tưởng tiết kiệm, để trả nợ cho hết nợ càng mau càng tốt. Vấn đề là chúng ta sống tại Hoa Kỳ, một quốc gia có đến 70% tổng số các vụ tranh chấp, kiện tụng trên thế giới. Hàng năm có đến 20,000 luật sư ra trường nên chúng ta phải cẩn thận vì có thể bị thưa kiện. Người ta cho biết; người Mỹ sẽ bị thưa kiện ít ra 1 lần trong đời họ.

 

Chúng ta sang đây với 2 bàn tay trắng, làm lại cuộc đời, tích góp mua được căn nhà, mượn ngân hàng tiền để trả trong vòng 15, 30 năm rồi một hôm, xui xẻo đến có ai đi ngang nhà, vấp phải thang cấp, té đưa vào nhà thương. Họ không có bảo hiểm nên phải trả tiền y phí, họ thưa chủ nhà thế là mình bị mất trắng tài sản, để dành dụm từ mấy chục năm qua. Hết bị Việt Cộng cướp nay lại đến tư bản ác ôn cướp trắng tay.

 

Khi thằng con mình được 15 tuổi thì công ty bảo hiểm xe cộ tăng tiền bảo hiểm hàng năm lên gấp đôi. Mình ngạc nhiên hỏi thì họ cho biết con mình bắt đầu tập lái xe nên có cơ nguy bị đụng xe. Ai có con mới thi được cái bằng lái xe, đều lo ngại vì luật pháp không cho chở người khác nếu không có người nào lớn tuổi cùng đi trên xe. Chở bạn gái đi chơi, tối uống rượu, hút sì-ke rồi gây tai nạn chết người. Gần nhà mình có một cô gái học chung trường với con mình. Đi chơi với bạn trai, ông thần này dưới 18 tuổi lái xe, say rượu, lật xe, làm cô gái chết mà mấy năm sau, mình vẫn thấy bố mẹ đến đặt hoa nơi xẩy ra tai nạn. Nếu bố mẹ cô ấy đau khổ, có thể kiện tụng bố mẹ người bạn trai là mệt. Tang gia bại sản ngay.

 

Gần nhà mình có sân chơi bóng chuỳ mà người Mỹ rất say mê. Có lần đọc báo nghe đám con nít đang chơi bóng chuỳ, rồi đánh trái banh trúng mặt thằng bé. Bố mẹ thằng bé thưa bố mẹ thằng bé đánh trái banh trúng mặt hay những vụ ẩu đả giữa phụ huynh khi hai đội tuyển thi đấu rồi đưa nhau ra toà. Kinh

 

Do đó, người ta khuyến khích mua thêm bảo hiểm về trách nhiệm pháp lý (Liabilities insurance) để lỡ gặp trường hợp tai nạn như trên thì không bị tan gia bại sản.

 

Khi mình đi học về đầu tư thì các ông thầy đều dạy là không nên trả hết nợ nhà của mình. Lý do là nếu có trường hợp kiện tụng xảy ra thì người muốn kiện mình sẽ đi kiếm luật sư. Việc đầu tiên luật sư làm: kiếm xem tất cả tài sản của mình, để xem nếu kiện thì có lấy gì được không. Người ta nói kiện kẻ có tóc.

 

Nhớ dạo đi kiếm nhà mua. Có lần mình tìm ra một căn nhà bị bỏ hoang, tìm không ra địa chỉ người chủ nhà vì họ để địa chỉ chính là căn nhà ấy. Mình mới lên mạng, trả $2.75 thì trong vòng 30 giây, mạng cho biết tất cả địa chỉ, số điện thoại của chủ nhà và người thân, chồng cũ,…

 

Mình gọi ông chồng cũ thì ông ta cho số điện thoại của bà này để liên lạc. Có nhiều mạng mà mình chỉ trả tiền để tìm ra tông tích những người mướn nhà cũ, cái nguy hiểm là họ cũng biết tất cả tài sản của mình.

 

Nếu chỉ có một căn nhà mà số nợ quá nhiều thì luật sư kêu người muốn kiện mình, đặt cọc $5,000 hay $10,000 để bắt đầu cuộc kiện tụng. Số tiền này sẽ làm họ suy nghĩ trước khi kiện mình. Tương tự, trong các hợp đồng cho mướn nhà, chủ nhà luôn luôn để phần, trong trường hợp có kiện tụng thì mỗi bên tự trả luật sư phí của mình. Người mướn nhà khi nghe phải bỏ tiền đặt cọc thì suy nghĩ trước khi quyết định thưa chủ nhà.

 

Người ta dạy là ngoài cái nợ chính thì cần mượn thêm cái nợ phụ Heloc (home equity line Of Credit). Thông thường ngân hàng cho mình mượn 80% giá trị căn nhà, mình phải đặt cọc 20%. Sau khi mượn được nợ thì mình phải làm cái Heloc với trị giá 20% căn nhà. Mình chỉ cần có Heloc thôi, không cần phải rút tiền ra đến khi cần thiết. Đó là cách bảo vệ tài sản theo mình rất dễ dàng cho những ai ngu lâu dốt sớm như mình. Còn những triệu Phú thì họ có luật sư, hướng dẫn các chiến lược đứng tên các tài sản khó tìm ra.

 

Khi có tai nạn, luật sư của đối phương tìm ra căn nhà của mình sẽ tính toán. Nếu thắng, thì phải kêu toà cho bán căn nhà thì lấy không được bao nhiêu, sẽ hỏi người muốn kiện đặt cọc tiền trước.

 


Do đó, cứ 5 năm, giá trị căn nhà tăng thì nên tái tài trợ căn nhà lại, rồi subordinate cái Heloc. Tương tự với các nhà cho thuê, có nhiều nguy hiểm hơn với người thuê nhà.

 

Chúng ta bỏ nước ra đi để tạo dựng một cuộc đời mới trên đất Hoa Kỳ. Nhập gia tuỳ tục, chúng ta cần cập nhật hoá cách tổ chức, làm việc, sinh sống của người Mỹ cho hợp với luật pháp của nước sở tại thay vì cứ bám theo suy nghĩ, văn hoá “dĩ hoà vi quý” của người Việt. Nếu không chúng ta sẽ gặp những cái bất ngờ sẽ khiến bao nhiêu công sức làm ra bị những kẻ xấu cướp mất qua luật pháp. Chán Mớ Đời

 

Nhs