Mùa xuân vắng mẹ

Tết này là tết thứ 49, mình đón xuân vắng mẹ. Tự hứa sang năm đúng 50 năm rồi về ăn Tết với gia đình. Mình nhớ mãi cái Tết đầu tiên xa nhà, một mình trong căn phòng ô sin, lạnh giá ở Paris. Lúc đầu mình tính ăn Tết xong rồi đi tây, vì đã trễ niên học nhưng ông cụ mình bảo đi ngay vì tình hình chiến sự, Việt Nam Cộng Hoà vừa mất tỉnh Phước Long, sợ đôn quân, cấm không được xuất ngoại. Hỏi ra mình là tên đầu tiên của niên khoá 73-74 rời Việt Nam, mấy ngày sau là HCC . Coi như ăn Tết cuối cùng ở Việt Nam là năm 1973, rất nhiều kỷ-niệm.

Mình đến Tây mấy tuần trước Tết 75, nếu không lầm là năm Con Mèo. Ma mới nên không quen ai người Việt cả nên đêm giao thừa, chỉ biết thu mình trong căn phòng nhỏ, thì thầm bài hát khi xưa, mỗi lần Tết về là nghe đài radio, phát thanh “Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân, bài ruột của ca sĩ Duy Khánh: "con biết bây giờ mẹ chờ em trông, khi thấy hoa đào..." mình không thấy hoa đào chỉ thấy bông tuyết rơi như nước mắt của người con xa xứ lần đầu.


Mẹ mình tại Kyoto, Nhật Bản năm 2019
Khi xưa hàng năm cứ đến Tết, ông cụ mua băng nhạc Trường Sơn của ông Duy Khánh, nghe rỉ rả trước và mấy ngày Tết. Những bài hát như Đêm Đông, Chiều Mưa Biên Giới nhất là Xuân Này Con Không Về, mình có nghe như nước đổ đầu vịt, không để ý nhưng trong đêm Giao Thừa xa xứ đầu tiên thì lòng mình bồi hồi, những lời của những bài hát này bổng như dòng sông ký ức cuộn chảy từ tâm khảm kéo về. Lúc đó mới hiểu tâm sự của ông cụ, xa quê vắng mẹ nên cứ nghe Duy Khánh hát đi hát lại. Ông cụ, dạo ấy xa vắng mẹ đã trên 25 năm, từ ngày du kích bao vây nhà để giết người không theo họ. Trốn thoát đêm đó, vào nam. Thêm sau 75 đi tù 15 năm, tổng cộng là 40 năm xa quê, mới có cơ hội gặp lại bà nội vài tháng trước khi bà qua đời.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không (mình thấy bài thơ này trên tường của một tiệm ăn Việt Nam tại Budapest nên chép lại)

Bổng nhiên mình thèm được nhìn lại một giây phút thôi, một tít tắt được chìm đắm, lặn ngụp trong dung dịch không gian của mái ấm gia đình mà trước đây vài tuần, mình không để ý. Khao khát được nghe các em tranh dành, gây gổ dọa về mét anh Sơn....

Nhưng có lẻ mình thèm nhất được gặp lại mẹ dù trong giây phút. Mình tiếc sao cả đời mình chưa từng ôm mẹ, để nói con thương mẹ như bài thơ "Bông Hồng Cài Áo" của ông Thích Nhất Hạnh. Khi rời Đà Lạt, mình không nhớ có ôm mẹ hay không. Hay như bạn của ông Đổ Trung Quân, the thẻ ngày xưa, chào mẹ ta đi, mẹ ta thì khóc ta đi thì cười,… 

Mình, như bao thằng con trai mới lớn, muốn làm macho để rồi đây trong căn phòng lạnh lẻo tại Paris, chỉ biết tiếc, thèm thuồng, ước gì gặp lại mẹ, sẽ không muốn làm đàn ông, chỉ muốn ôm mẹ như ngày còn bé, đợi mẹ đi chợ về, mua quà, bánh kẹo cho. Hay khóc một dòng sông nhớ cha nhớ mẹ, nhớ em,…


Mẹ và hoa Anh-đào tại Đông Kinh 2019
Ngày xưa, cứ Tết đến, lính hay công chức, sinh viên xa nhà cũng đều nói về quê ăn Tết nhưng có lẻ họ vội vã về quê, để gặp lại mẹ hơn là ăn tết. Hồi nhỏ hay nghe mấy anh lính kêu hoặc xâm trên tay câu: "xa quê hương nhớ mẹ hiền" thì không hiểu nhưng ngày đầu tiên đặt chân xuống Paris thì mình mới ngộ câu này.

Khi nghe đến cụm từ "quê cha đất tổ", con người thấy cái gì cao xa vời vợi nhưng khi nghe đến cụm từ "quê mẹ", lòng người bổng trầm ấm lại, đầy cảm xúc như vòng tay êm ấm ngày nào được mẹ bế trên tay với giòng sữa từ khi lọt lòng mẹ, vẫn theo ta mãi đến cuối cuộc đời.

Hôm mồng một, chở vợ ra thăm mộ ông bà ngoại, thấy fong cảnh nghĩa địa tưng bừng, bao nhiêu chậu hoa, cây đào với fong bì lì xì được cắm bên các mộ phần, có người đem pháo ra đốt cho người thân. Mình cắm hương cho ông bà ngoại rồi cắm cho các mộ xung quanh, không có thân nhân ra thăm mộ trong khi vợ, ngồi thẩn thờ trước mộ song thân. Thương vợ mồ côi khi xuân đã về nhưng lòng vợ trơ trọi vì vắng mẹ cha. Mình chỉ biết lặng yên bên cạnh trong khi vợ đang chơi vơi lội ngược về giòng sông của ký ức.

Sau đó ra biển, hai vợ chồng đi một vòng rồi ghé lại Phước Lộc Thọ, chúc tết mấy người quen bán hàng. Xem thiên hạ đốt pháo, múa lân khiến mình nhớ đến tết Mậu Thân, năm cuối cùng được ngửi mùi pháo vì sau đó bị cấm. Ghé chùa thắp hương cho mấy người dì của vợ và ông bà ngoại. Thấy thiên hạ xì xụp lạy, bái xin xăm. Nếu được cái xăm xấu thì vái nữa, xin tiếp cho đến khi được quẻ tốt. Do đó ở Mỹ, cái gì cũng tốt, xấu thì bỏ đi làm lại. Một văn hoá đầy ắp tư duy tích cực, nhờ vậy họ mới tiến xa, không sợ hãi trước tương lai mù mờ. Từ từ chùa chỉ in các quẻ xâm tốt để câu like các Phật tử, được xem là chùa này linh lắm, xin gì được nấy.

Đi ăn sinh nhật cô em. Có chị bạn kêu sẽ lên thăm bà cụ trước khi đi Mỹ thăm cháu nội. Đời vui khi có bạn học cũ đến thăm mẹ mình, mỗi khi lên Đà Lạt.

Có lẻ trời phật, thượng đế đã ban tặng cho con người một người mẹ như một mùa xuân bí ẩn, khi không còn, sự côi quạnh và tiếc nuối sẽ đeo dai đẳng đến tận cuối đời như nhắc lại những khắc khoải của giấc mơ trong đêm thâu của loài người. Khi còn bà ngoại, mỗi lần Tết đến vợ mình như trẻ lại, như con nít, tung tăng, đưa mẹ đi chợ tết, đi chùa. Nay mất mẹ rồi, Tết đến nhưng vợ mình cảm thấy lạc loài, thẩn thờ trong 3 ngày tết.

Hôm qua, gọi bà cụ chúc Tết, tiền Tết thì đã gửi cho bà cụ trước rồi để bà cụ lo Tết, ngoài quê, trong nhà, nội ngoại, chạp mộ,... Mình chỉ nhớ khi xưa, bà cụ trước Tết là gửi tiền cho ôn mệ ngoại, ngoài làng để họ hàng chạp mộ rồi tại Đà Lạt, người cùng làng, họp nhau đi tảo mộ trước Tết trên mả thánh, sau đó kéo nhau về ăn bún bò ở nhà chú Thành, lái xe Lambretta trên Số 4.

Ngày nay mình ở xa nên chỉ biết gửi tiền cho bà cụ lo cho tròn bổn phận. Thằng con đi học xa, cũng tranh thủ về nhà 24 tiếng đồng hồ để cúng tổ tiên, gọi điện thoại chúc Tết ông bà nội ở Việt Nam. Hy vọng hai đứa con vẫn tiếp tục giữ truyền thống này lâu dài.

Hôm nay, cúng ông bà, đốt nén hương với lòng trầm ngâm, nhìn tấm ảnh của ông cụ, nói lên sự gian khổ của một đời người, bị đày đoạ 15 năm trong lao tù cộng sản. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân, đẹp nhất nơi quê người vì mẹ là mùa xuân, nắng ấm theo chúng ta đến cuối con đường đời.

Có khi nào em thật lòng mong ước
Phép nhiệm màu cho sống lại thời xưa
Rồi nhè nhẹ êm êm em khẻ bước
Giữa quê hương thương biết mấy cho vừa
Có khi nào em mong mùa nắng cháy
Giữa Paris em nhớ đến Đà Lạt
Những lúc ngắm dòng sông Seine cuộn chảy
Có khi nào em nhớ hồ Xuân Hương ( văn đoàn Lam Sơn)

Tết năm nay, mình vẫn ăn Tết xa nhà. Ăn Tết với mấy đứa cháu và con xong thì bay qua Florida, đi tứ xứ đầu năm. Khi có con có gia đình bé nhỏ thì phải chịu. Hy vọng sang năm về quê rồi ăn tết ở Đà Lạt sau 50 năm vắng bóng.


Nguyễn Hoàng Sơn 


 

"Đường" vào Thiên Thai

Tuần trước có anh bạn đi thử nghiệm thường niên, gửi kết quả máu cho biết mỡ béo cao nên phải uống thuốc, một cô bạn bồi thêm là uống mỗi ngày cả chục loại thuốc mà cả đời mình chưa bao giờ nghe đến rồi cuối cùng một anh khác bồi thêm là không uống thuốc gì cả nhưng có thể chết bất cứ lúc nào làm mình chới với, lo cho họ. Người xưa hay nói bệnh vào từ miệng (bệnh tòng khẩu nhập), người ta bị bệnh vì thức ăn bồi dưỡng chớ không phải khơi khơi bị bệnh.
Trong cuốn phim The Sugar Film của Damon Gameau, người Úc Đại Lợi thực hiện. Ông này thử trong vòng 60 ngày, theo chế độ ăn uống với trung bình 40 muỗng đường mỗi ngày, để xem những thay đổi dưới sự giám sát của bác sĩ và dinh dưỡng viên. Kết quả cho thấy sau 60 ngày, mỗi ngày bồi dưỡng 2,300 calories như mọi ngày trước cuộc thử nghiệm nhưng với lượng đường tương đương 40 muỗng thì ông ta lên đến 7.5 kí lô và cái bụng phì to hơn 7 cm.
Cách đây mấy năm, có một ông mỹ, ăn ngày 3 bữa ở tiệm MacDonald thì kết quả cũng te tua. Mấy đứa con mình xem xong phim này "supersize me" thì chúng hết dám đòi đi ăn Mac Donald và chỉ ăn ở những chỗ bán burger cao cấp.

Cha con đối thoại

Hôm trước lên San Jose, gặp anh bạn có con gái học Berkeley, một trường đại học nổi tiếng, có khuynh hướng rất cấp tiến, thiên tả. Ngồi nói chuyện thì anh ta rên là con gái vào học năm thứ 1 mà đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi môi trường đại học này và bố con của anh ta hay tranh luận.
Anh ta kể là con gái sau 2 tháng học đại học, xem anh như một tên tài phiệt, ích kỷ, chỉ muốn giữ tiền riêng cho mình thay vì đóng thuế thêm, để chính phủ chia sẻ với các dân nghèo, công nhân bị chủ bóc lột, bắt làm giờ phụ trội, không có thì giờ hay tiền bạc để đi nghỉ hè như gia đình của anh ta. Nhiều khi gặp bạn bè, cô ta mắc cở vì có một người cha ích kỷ, bảo thủ, không có tính vị tha đối với người kém may mắn hơn mình.
Trong lúc tranh luận, cô con gái hỏi bố tại sao không chịu trả lương cho nhân công nhiều hơn như để chia sẻ tiền bạc của cải, giúp xã hội tiến bộ và nhân bản hơn, không có sự phân biệt giàu nghèo. Cô ta muốn mọi người đều được hưởng bảo hiểm sức khoẻ của Obamacare. Cô ta khen các xã hội cấp tiến như Bắc âu,..., dù chưa bao giờ đặt chân đến. Sang đó thì dân đi làm, đóng thuế chết bỏ để nuôi một thiểu số ăn không ngồi rồi, lo chuyện bao đồng.
Ông bố hỏi cô con gái học hành ra sao thì cô con gái cho biết được toàn điểm A, GPA 4.0 và than là phải học ngày đêm, không có thì giờ đi chơi với bạn trai,... Ông bố hỏi cô bạn thân Cathy dạo này ra sao thì được biết là cô bạn rất nổi tiéng trong campus, được mời tham dự các hội họp, Party, nhảy đầm nhiều, uống rượu dù chưa đến tuổi, lại hút thuốc, có thể đã hút sì ke. Nhiều khi đi chơi về khuya nên sáng hôm sau bỏ học, rồi mượn notes của con gái, chỉ được GPA 2.0.

Gia đình và bạo lực

Có dạo ngồi nói chuyện với mấy người bạn thì khám phá mấy tên này đều được vợ nấu cho ăn hàng ngày, lâu lâu còn bày đặt giận hờn, lẩy không thèm ăn khiến mình chới với vì 25 năm qua đồng chí gái ít khi nấu ăn. Mới lấy nhau thì mình nấu khi có bạn đến chơi. Nay thì cứ đặt ngoài tiệm là xong om. Đồng chí gái đi làm về trể nên mình phải nấu cho con ăn, đồng chí gái ăn ké.
Xét lại thì mấy tên này lấy vợ từ Việt Nam nên văn hoá gia đình vẫn bám theo họ, vợ nấu ăn và hầu chồng. Mình thì lang bạt kỳ hồ trời Âu trời Mỹ đến 18 năm sau mới lập gia đình cho nên quên tư tưởng Gia Trưởng của một thời.
Dạo còn ở Việt Nam thì mình đánh mấy người em mệt thở. Ông cụ mình bợp tai mình nên bắt chước, bợp tai lại mấy người em điển hình cho bạo lực gia đình. Cứ bô bô quyền huynh thế phụ, bợp tai hay sai vặt em út như đầy tớ.
Rằm này giỗ ông cụ mình, tính về Đà Lạt nhưng đồng chí gái đau dây dưa lừng khừng, mấy đứa con thì đi học xa nên không dám đi. Mình tổ chức làm giỗ ông cụ ngày mai vì chủ nhật, mấy đứa con đi học xa có thể về dự. Con bé kêu cuối tuần này đã ghi danh đi viếng mấy khách sạn ở Las Vegas với trường để nghiên cứu cách hoạt động cho môn học. Mấy tiếng sau thấy nó nhắn tin là đã hủy bỏ chuyến đi, về dự đám giỗ đầu của ông nội.

Sinh nhật cuối cùng

Hắn bần thần sau một chuyến bay dài từ Sàigòn đến Los Angeles, mắt nhắm mắt mở cứ trố ra khi thấy fi trường ở xứ đế quốc đang dãy chết, to lớn hoành tráng hơn fi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. Hắn bị què trong một tai nạn giao thông nên đi đứng khó khăn, chống gậy vừa đẩy xe chở vali thì có tên mỹ trắng bận đồng phục của nhân viên fi trường đến kêu hắn ngồi vào xe lăn, đẩy hắn ra khỏi phòng cách ly nơi anh hắn đang đợi. Chẳng bù lại ở Việt Nam, người khuyết tật đã mua vé máy bay, có thân nhân đẫy xe lăn nhưng họ không cho lên máy bay vì xe lăn choáng chỗ.
Ông anh hắn di tản năm 75 khi ông Dương Văn Minh kêu gọi quân đội VNCH buông súng đầu hàng trong khi hắn thì đang phơi nắng ở quân trường rồi thiên hạ bỏ chạy nên hắn cũng lò mò chạy về quê. Sau bao lần tìm cách vượt biên không thành, hắn đành làm tàm tạm, kiếm sống qua ngày. Nay về hưu, ông anh mời sang mỹ chơi vài tháng thăm cháu vì từ 40 năm qua gia đình ông anh không về Việt Nam vì không thích Việt Cộng.
Anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi sau bao nhiêu năm xa cách. Ông anh nay đã có cháu nội cháu ngoại, mấy đứa cháu khi xưa, hắn hay bồng bế nay lại bế bồng con cháu trong khi hắn vẫn ôm chủ nghĩa độc thân. Thật ra thì hoàn cảnh đưa đẩy hắn vào con đường ở giá.
Sau 75, hắn tìm cách vượt biển mấy lần, bị bể rồi ở tù hoài nên không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Sau này được ông anh bảo lãnh sang Hoa Kỳ nên hắn càng ngại ngần không dám lộn xộn chuyện vợ con vì sợ trục trặc giấy tờ lại không được đi định cư tại mỹ. Năm này qua tháng nọ cứ bị toà đại sứ mỹ kêu bổ túc hồ sơ riết hắn chán đời nên rút đơn xin đi định cư tại Hoa Kỳ thì được chiếu khán du lịch xứ mỹ một năm trời.
Cuối tuần đó họp mặt gia đình ông anh với đám con cháu chắc của ông anh. Mấy đứa con của ông anh thì bập bẹ tiếng Việt còn mấy đứa cháu thì mù tịt về tiếng Việt nhưng được là chúng ăn phở, húp nước mắm chuyên nghiệp.
Ăn xong, ông anh đem tập album hình ảnh gia đình khi xưa ra cho hắn xem. Cuốn album mà ông ta đem theo được khi di tản. Ông kể; gọi điện về nhà kêu bà vợ chuẩn bị lên đường, một tiếng sau sẽ về, đón vợ con chạy ra fi trường Tân Sơn Nhất thì ông chở gia đình và gia đình một đồng đội bay sang Thái Lan. Khi hạ cánh fi trường Utapao, Thái Lan thì ông ta bị tước súng và hỏi bà vợ đưa cho bộ quần áo dân sự để thay bộ đồ bay thì khám phá ra bà vợ chỉ đem theo cuốn album gia đình và mấy cuốn sách dạy nấu ăn của bà Quốc Việt khiến ông anh nổi khùng đòi quăn xọt rác nhưng bà vợ không chịu.
Bà vợ kể khi nghe điện thoại nên quýnh quá không biết đem theo cái gì, thấy trên kệ có mấy cuốn sách và album hình gia đình nên bỏ vào thêm mấy lon sữa và tả cho mấy đứa con là đầy cái xách tay. Nhưng được cái là nhờ mấy cuốn sách dạy nấu ăn của bà Quốc Việt đã giúp gia đình ông anh khởi nghiệp tại Hoa Kỳ.
Số là khi được nhà thờ mỹ bảo trợ gia đình ông anh sang định cư được các gia đình thuộc nhà thờ giúp đỡ, kiếm công ăn việc làm rồi tìm trường học, nơi giữ trẻ cho hai vợ chồng. Để đáp lại lòng tốt của những người mỹ trong nhà thờ, cuối tuần họ mời những gia đình này đến nhà ăn cơm Việt Nam do bà vợ nấu. Người Mỹ nghe đến chiến tranh Việt Nam nhưng chưa bao giờ nếm đồ ăn Việt Nam nên họ thích lắm.
Có người quen ông Pierre Pépin, một đầu bếp Tây ở New York, mách về những bửa cơm do một gia đình tỵ nạn Việt Nam mời ăn. Ông này tìm đến nhà và nhờ bà vợ nấu cho ăn mấy món việt thì thích quá. Ông ta đề nghị bà ta viết một cuốn sách về nấu ăn Việt Nam, ông ta sẽ cho người viết chung. Khi họ xuất bản cuốn sách bằng anh ngữ, bà vợ phải đi theo nhà xuất bản để bán sách và nấu ăn tại các nơi. Sống khách sạn mệt mõi lại nhớ chồng con nên bà bán tác quyền lấy $60,000 đôla, về mở tiệm ăn Việt Nam. Dần dần mua đứt khu phố, con cái ra phụ tiệm ăn rồi học hành đến nơi đến chốn, nay hai vợ chồng tính sang lại tiệm ăn về hưu.
Đang xem lại những hình ảnh gia đình xưa bổng hắn thấy một tấm hình chụp chung với một cô gái khiến hắn nhói tim vì đã lâu, gần 40 năm, không còn gặp lại bóng dáng ấy. Ông anh hỏi mày còn nhớ con Lan với cái Răng Khểnh và cái má đồng tiền chấm phẩy. Ai chớ cô Lan thì sao hắn quên, bà vợ chêm vào. Hắn chợt nhớ và nói khi xưa tụi em có hứa với nhau là sinh nhật 60 tuổi của Lan thì dù ở đâu, tụi em sẽ cố gắng gặp nhau lại. Hắn lại nói tiếp thứ 7 tới là sinh nhật của Lan. Bà chị dâu bảo thế giới mênh mông thì biết đâu mà tìm.
Thằng cháu bổng nhiên nói sao không gú gồ hay phây búc khiến hắn như bò đội nón với những cụm từ ngoại quốc xa lạ. Thằng cháu kêu chú ngồi đợi rồi nó chạy lấy cái máy mà hắn hay thấy trên truyền hình, mấy ông đại biểu quốc hội sử dụng chơi bài khi đi họp. Thằng cháu hỏi tên Hoàng Thị Lan, 60 tuổi, sinh quán Đà Lạt. Thằng cháu đánh xẹt xẹt rồi hỏi hắn, chú xem mấy bà này. Hắn nhìn trên màn ảnh nhiều người có tên Lan, nhiều người trẻ hơn bổng hắn chỉ một tấm ảnh ngờ ngợ, chắc là đây. Bà chị dâu nhảy vào kêu đích thị. Nay già nhưng vẫn còn nét ngày xưa nhất là cái lúm đồng tiền chấm phẩy vẫn còn đấy.
Đọc thêm thông tin thì được biết là bạn bè sẽ tổ chức sinh nhật cho cô nàng vào cuối tuần tới tại San Jose, có thông báo địa chỉ nhà hàng. Bà chị Dâu nói thế là chú phải lên San Jose tuần tới. Thằng cháu nói sẽ chở chú lên San Jose, tìm lại đôi mắt người xưa. Chú cháu mình đi trưa thứ 6, sau khi cháu tan sở sớm, ghé lại đón chú, lên đó mướn khách sạn ở rồi chú ghé lại tiệm ăn, tặng quà bú xua la mua,…
Hắn vẫn còn chưa quen giờ giấc ở mỹ này nên đêm tối vẫn cứ trằn trọc, nghĩ tới giây phút gặp lại cô bé Răng Khểnh với cái đồng tiền chấm phẩy. Hắn không biết cô nàng nay đã thành bà ngoại bà nội, không biết có còn nhớ đến hắn không vì đã trên 40 năm, từ khi cô nàng theo gia đình về Sàigòn vào năm 73. Từ dạo ấy hắn chấm điểm các cô gái trong lớp hay ở thị xã Đà Lạt, so sánh qua dáng người của Răng Khểnh và hắn không bao giờ tìm được một người đẹp, nết na, thuỳ mị hơn Lan. Bổng nhiên nay ở xứ mỹ, trong vài phút trên máy điện toán, hắn đã nhìn lại được hình ảnh của cô gái 40 năm về trước. 40 năm qua hắn có dò hỏi tìm tông tích gia đình của Răng Khểnh tại Việt Nam nhưng chịu nay với đế quốc dãy chết thì vài phút đã lòi ra hình ảnh. Hiện đại hiện đại thật.
Thằng cháu chở hắn vào nhà hàng, thấy lát đát một đám đông, nên đoán là nhóm bạn tổ chức sinh nhật cho Răng Khểnh của hắn. Hai chú cháu lấy bàn ăn rồi hắn cố nhìn sang các bàn phía trước, đang cười đùa vui vẻ để tìm đôi mắt người xưa. Rồi chương trình nhạc hát cho nhau nghe bắt đầu nên thằng cháu ghi danh ông chú để hát tặng cô Răng Khểnh.
Hắn lên sân khấu, run rẩy vì đứng trước đám đông thêm đôi mắt người xưa. Anh chàng onemanband bắt đầu dạo nhac…. Rồi như có một luồng sức mạnh từ đâu thổi về, hắn bổng cất tiếng, bài hát của Nguyễn Trung Cang mà ngày xưa, cô bé Răng Khểnh với cái núm đồng tiền chấm phẩy, hay hát mỗi lần hai đứa đi chơi ở Sân Cù, đi trong mưa phùn của Đà Lạt.
Như mưa ngày nào thắm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau
Hắn bổng thấy Răng Khểnh từ từ bước lên sân khấu rồi cầm micro hát tiếp
Khi mặt trời vắng bóng
Khi lời nguyền khuất lấp
Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong
Như giọt buồn nước mắt
Mưa ngại ngùng héo hắt
Thương người về buốt giá trên đường xa
Bao là tình thắm thiết
Cho giờ này nuối tiếc
Thương nhiều rồi cũng cách xa mà thôi
Mưa từng ngày thiết tha
Mưa bàng hoàng xót xa
Còn mưa mãi giữa bơ vơ đắm trong mơ
Tiếng nhạc vừa dứt thì hắn và Răng Khểnh nhìn nhau như bác sĩ Zhivago và Lara sau bao nhiêu xa cách như thầm hỏi đang mơ lẫn ngạc nhiên. Cuối cùng Răng Khểnh cảm ơn hắn đã đến dự sinh nhật và nhớ đến lời hẹn 40 năm về trước. Răng Khểnh giới thiệu hắn cho người thân và các người bạn. Răng Khểnh đã có gia đình nhưng ông chồng chết sớm, có 4 người con và 10 cháu nội và ngoại. Răng Khểnh cho hắn biết, bị bệnh ung thư vào giai đoạn cuối, nên bạn bè tổ chức sinh nhật hoành tráng như hôm nay nhưng vui nhất là được gặp lại hắn ở những giây phút cuối đời.

Hắn nói để hắn ở lại Sân Jose để săn sóc Răng Khểnh trong lúc trị bệnh. Hắn không cho Răng Khểnh phấn son vì son môi đều có chất chì và các hoá chất khác mà nhiều chính phủ ở âu châu đã cấm sử dụng. Chính phủ rất ngại học sinh bị chất chì nên khi cho thuê nhà hay bán nhà, người ta đều cảnh báo trước vì sơn trước năm 1978, đều được pha chất chì để giữ nước sơn cho bóng đẹp lâu ngày. Trong khi Trung Cộng tiếp tục pha chất chì vào sơn để ơn đồ chơi cho con nít và bán qua Hoa Kỳ.

Mỗi ngày hắn đến nhà Răng Khểnh sớm để đưa đi bộ trong rừng hay ra biển để hóng gió biển rất tốt và tập nội công Hồng Gia để thêm nội lực. Hắn bồi dưỡng cô nàng toàn sinh tố C vì khi ở tù, hắn ở chung trại với một ông bác sĩ nhảy dù và được ông ta giải thích sự hiệu nghiệm của sinh tố C nên khi đi lao động đều tình cách kiếm các loại rau quả đầy sinh tố c để tiêu diệt các tế bào xấu. 3 tháng sau, cô bé Răng Khểnh đi khám nghiệm lại thì bác sĩ rất ngạc nhiên vì khối bướu đã biến mất.
Hắn nhìn qua cửa sổ máy bay, xa xa tiểu bang Cali từ từ nhạt nhoà trong cơn mưa đầu mùa, nơi Răng Khểnh của hắn đã ở lại. Hắn rất mãn nguyện là đã được sống những ngày cuối cùng ở Hoa Kỳ bên cô bé Răng Khểnh với má núm đồng tiền chấm phẩy. Hắn bổng nhiên bật khóc, xa xa tiếng hát của Răng Khểnh:
Như mưa ngày nào thắm ướt vai anh
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương anh ngày nào khóc ướt môi mềm
Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau
Nguyễn Hoàng Sơn 

Xong om

Dubai

Bài này mình viết lâu rồi nhưng 3 tuần nữa thì đại gia đình mình sẽ có họp mặt toàn bộ 3 thế hệ tại đây. Bà cụ và gia đình mấy người em từ Việt Nam, Pháp và Mỹ sẽ hội tụ về đây trong 1 tuần lễ nên tải lại về đây.
Có một nước mà mình muốn thăm viếng trong tương lai ở Trung Đông là Dubai. Xứ này được xem là Tân gia Ba của Trung Đông, nhỏ bé nhưng phát triển rất nhanh trong thời gian kỹ lục và kiểu mẩu có thể áp dụng phát triển cho các xứ theo Hồi Giáo. Xứ này có ít dầu lửa nhưng có một hải cảng to lớn, 90% dân số sinh sống tại đây là người ngoại quốc.
Nói chung thì vùng này khi xưa thuộc Abu Dabi, hải tặc đầy mà trong mấy phim xi nê hay kể về các chợ nô lệ, họ bán các hàng khủng, hàng hiếm là phụ nữ âu châu, tóc vàng, mắt xanh như trong một phim James Bond với cô đào Kim Bassinger. Rồi khi Anh quốc đến chiếm đóng, bảo hộ thì ông Sheikh của xứ này thuyết phục được Anh quốc tạo dựng một hải cảng và từ từ khuếch trương lên thành hải cảng to lớn nhất vùng, giúp xứ này được phát triển không nhờ vào dầu hoả.
Dạo mình mới sang Pháp, có đọc mấy cuốn sách của giáo sư kinh tế John Kenneth Galbraith, Gia Nã Đại, nói về tương lai xã hội sẽ từ giã công nghệ, và người ta làm việc nhiều trong mậu dịch. Trường hợp của Dubai, cho thấy sự tiên tri của kinh tế gia này rất chính xác. Xứ này ít trồng trọt hay có những nhà máy nhả khói chọc trời nhưng họ lại có toà nhà cao nhất thế giới, có thành phố nhân tạo trên biển, khách sạn đẹp ….
Trước đây thì vùng này có kỹ nghệ nuôi buôn hạt trai nhưng khi khủng hoảng kinh tế vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước đã khiến nhà cầm quyền nghĩ đến phương thức khác để phát triển xứ này. Họ chú trọng vào việc sử dụng hải cảng của họ để nhập và xuất cảng. Họ nhập miễn thuế và xuất cảng lại cho thị trường khác. Nói như người Việt mình là mượn đầu heo nấu cháo, họ có hải cảng to lớn nên tiện lợi cho thuyền bè ghé lại, khi tàu cập bến thì họ biết loại hàng gì, kiếm khách hàng rồi bán lại. Hàng được giao từ tàu A sang tàu B và họ được lời, người bán A và người mua B thích vì họ không phải đóng thuế vì hải cảng nằm trong vùng đặc trưng kinh tế, miễn thuế. Sau này Đặng Tiểu Bình bắt chước thành lập những đặc khu kinh tế ở ven biển mà Việt Nam, gần đây lăm le muốn bắt chước nhưng quá muộn.
Cứ tưởng tượng dùng hải cảng Đà Nẵng làm vùng đặc trưng kinh tế, miễn thuế thì khu vực này sẽ giàu có thay vì phá nát các bãi biển cho du khách tàu tới ị, xả rác,…
Hải cảng Dubai lớn nhất trung đông và kinh tế của xứ này dựa theo hải cảng này do đó nông nghiệp, kỹ nghệ không được phát triển lắm. Người ta nói phi thương bất phú nên người dân xứ này cứ chú tâm vào buôn bán giúp xứ họ giàu có.
Xứ này có vấn đề lãnh thổ với xứ Abu Dhabi nên có đánh nhau khi xưa khiến Anh quốc phải nhảy vào làm trọng tài đưa đến sự thành lập United Arab Emirates, một liên minh Á Rập gồm 7 xứ như Abu Dhabi, Dubai, Ajman, Fujairah, Ras Al-Khaimah, Sharjah và Umm ak-Quwain. Mỗi xứ đều do các vua lãnh đạo và thành lập một Hội Đồng Liên Bang để thông qua các tranh chấp,… mọi việc hành chánh thì giao cho Abu Dhabi quản lý mấy xứ khác nhưng về buôn bán thì Dubai tự lo và quyết định.
Năm 1966, Dubai tìm thấy dầu lửa nên không bị áp lực của các xứ lân cận nhưng ông vua xứ này tuyên bố là cái may là tìm được dầu hoả nhưng không may là các túi dầu lửa không nhiều nên cần phải phát triển các ngành khác để không bị lệ thuộc vào sản xuất dầu hoả, giúp họ có quyền phủ quyết như Abu Dhabi trong UAE.

Sau cuộc chiến vùng vịnh, các nước dời bản doanh hay đặt văn phòng đại diện ở xứ này như ở Hương Cảng ở Á Châu, đồng minh với Tây Phương. Họ xây dựng khu kinh tế Jebel Ali, miễn thuế,…nên tiền bạc đổ vào xứ này. Dubai ngày nay là một Hương Cảng thứ 2. 90% GDP của họ là từ ngành du lịch, hảng hàng không Emirates của họ rất nổi tiếng trên thế giới. Con gái mình viếng thăm Việt Nam với đám bạn cho hay là ở phi trường, bạn ngoại quốc của nó hay du khách khác bị hành ở hải quan về chiếu khán. Nó thì không sao vì mình đã xin chiếu khán 5 năm, thêm hải quan muốn bòn tiền du khách với chiếu khán nên Việt Nam không thu hút du khách nhiều dù rẻ hơn Thái Lan và Nam Dương. Cho thấy Việt Nam mình không có hôn lắm. Chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến du khách trở lại.
Sau khi một ông người Úc, làm về ngành du lịch, viết một bài báo nói lên “sự không ngoan” của các toà đại sứ Việt Nam trên thế giới thích cấp chiếu khán vì được $65 thì du khách nghe đến phải gửi sổ thông hành cho VC, đóng tiền thì họ không muốn đi, quay qua đi các nước vùng lân cận dù đắt hơn du lịch Việt Nam. Việt Nam lời được $65 nhưng lại mất $500 vì mỗi du khách, ngoài tiền khách sạn, họ chi trung bình $100/ ngày. Mất $65 tiền chiếu khán nhưng lời được $500 thì cái nào tốt hơn. Hà Nội đã cho phép du khách thăm viếng dứoi 15 ngày không phải xin chiếu khán nhưng thủ tục lộn xộn ở phi trường khiến dân tình, du khách ngoại quốc nản và quảng cáo không công cho bạn bè là đừng đi Việt Nam nhất là Hà Nội, thủ đô van vật của Việt Nam, hiện nay đứng đầu trên thế giới về móc túi.
Tân Gia Ba được như ngày nay là nhờ ông Lý Quang Diệu, cũng đấu tranh dành độc lập, rồi Mã Lai không chịu nhận nên tự túc tự cường, giúp dân họ giàu nhất đông nam á. Dubai cũng nhờ ông Sheihk, có chút tư duy, đã hướng dẫn con đường phát triển đất nước khiến người tây phương nể phục không khinh chê như các vương quốc á rập khác dù có dầu hoả.
Một con sư tử có thể hướng dẫn đàn bò đi xa nhưng con bò thì không thể hướng dẫn đàn sư tử đi xa được. Đồng chí gái là sư tử còn mình là con cừu. He he he
Hôm nào đi viếng sẽ kể nhiều hơn. Mình tính đi vào tháng 2 vừa qua vì có đấu xảo quốc tế EXPO 2020 nhưng loay hoay mới gom được gia đình đến đây được. Lý do mấy cháu đi học nên chỉ đi được vào dịp hè.
Xong om.
Nguyễn Hoàng Sơn 

Hành trình tâm linh

Các sử gia cho rằng tôn giáo là một phương tiện nhằm bảo vệ trật tự xã hội, giúp tổ chức, cộng tác giữa những người xa lạ trên thế giới, có cùng những nguyện vọng hướng thượng về tâm linh. Càng ngày khoảng cách giữa tôn giáo và khoa học được thu hẹp thì cái hố ngăn cách niềm tin và tâm linh tính càng được nới rộng. Tôn giáo là sự thỏa thuận giao dịch trong khi tâm linh tính là một hành trình về mặt tri thức.
Tôn giáo giải thích rõ ràng sự hoàn thành của thế giới, cho chúng ta những đồng thuận được định nghĩa khá rõ ràng. Thượng đế hiện hữu. Thượng đế bảo chúng ta phải hành xử, cư xử theo những quy luật nhất định. Nếu chúng ta vâng lời thượng đế thì sẽ được lên thiên đàng. Nếu chúng ta không vâng lời thì sẽ bị thiêu đốt dưới địa ngục. Sự giải thích các điều luật một cách minh bạch giúp xã hội tạo dựng dựa trên những căn bản và giá trị chung để giúp chỉnh đốn hành vi và đạo đức con người.
Trong phim 10 điều răn, khi ông Moise đem đám dân Do Thái về miền đất hứa, thoát đời nô lệ. Sau khi tránh được quân đội của Pharaon đuổi rượt theo thì các người nô lệ bắt đầu vui chơi, thác loạn không nghe lời ông moise khiến ông ta phải lên núi. Mất mấy ngày để đẻo khắc 10 điều răn, đem xuống núi, kêu do chúa ban khiến đám nô lệ sợ, phải phục tòng, và theo các luật lệ của Chúa răn dạy.
Có một nhân vật mà hồi nhỏ mấy ông tây bà đầm hay kể là Jeanne D’Arc, được xem là thánh của tây đầm. Nghe kể cô này được thiên chúa hiện ra, bảo đi tòng quân giúp vua, đánh quân Anh Quốc rồi bị bắt, đưa lên dàn hoả nên mình cảm thấy ngu ngu ngớ ngớ. Sau này qua Tây, mình có xem hai phim nói về cuộc đời của bà thánh này.

Ga Đàlạt

Nhớ hồi nhỏ, đi đâu với ông cụ hình như xuống Trại Mát hay Cầu Đất thăm ai đó thì mình có thấy chiếc xe lửa, nhả khói như trong phim cao bồi, nghe tút tút phê không thể tả nhưng cả đời chưa bao giờ đi xe lửa tại Việt Nam.
Sau Mậu Thân, hình như không còn những chuyến xe lửa nữa vì an ninh hay Việt Cộng phá hoại đường rầy nên người ta dùng ga xe lửa Đàlạt làm trụ sở của hàng không Việt Nam. Mình đi tây cũng từ nhà ga này. Đến nhà ga, ghi danh, xét vé, cân hành lý rồi xe ca chở xuống phi trường Liên Khương hay Liên Khàng rồi bay về Sàigòn. Đó là lần đầu tiên trong đời mình đi máy bay.
Hồi học trung học, có tiền thì mình hay chạy lại ga xe lửa để ăn phở Phi Thuyền. Có xe bán phở mang tên Phi Thuyền, ngay đầu đường Nguyễn Trãi, chỗ xe đò Chi Lăng đậu lại, lấy khách hay thả khách xuống.
Qua Thuỵ Sĩ làm việc thì mùa đông hay đi trượt tuyết với đám bạn. Dân Thuỵ Sĩ cứ vác đồ trượt tuyết đến ga xe lửa, chở đến chân núi rồi leo lên ghế chở lên đỉnh. Chiều thì lấy xe lửa về thì mình mới thắc mắc làm sao xe lửa leo núi được vì dốc khá cao thêm tuyết đóng băng. Hỏi vòng vòng mấy tên kỹ sư trong hãng thì chúng cho biết là xe lửa chạy có răng cưa ( à la crémaillère).

Truyện cổ tích Việt Nam

"Con không thích Cinderella Việt Nam!" đó là lời con gái mình khi nghe mình kể chuyện Tấm Cám, phiên bản Cô Bé Lọ Lem bằng tiếng Việt. Mình hỏi con bé lý do thì nó nói "Cinderella Việt Nam quá ác, giết em mình."
Câu nói ấy khiến mình suy nghĩ về những chuyện cổ tích khi xưa đọc trong mấy cuốn sách viết cho tuổi thơ. Đọc sách thì đón nhận nhưng không bao giờ suy nghĩ tương tự đi học, thầy cô nói cái gì thì chấp nhận những lời vàng lá ngọc của thầy cô là tuyệt đối. Khác với con nít ở Hoa Kỳ, có tư duy, nói lên những gì chúng suy nghĩ dù có thể sai nhưng trong lớp, đám đông chấp nhận sự khác biệt. Từ dạo ấy mình hết dám đọc truyện cổ tích Việt Nam cho con dù mới mua một đống sách nhi đồng, cổ tích Việt Nam.
Lấy chuyện dân gian Tấm Cám của người Việt, mình đoán là khi xưa, mấy ông Tây bà Đầm sang Việt Nam dạy cho học sinh người Việt rồi mấy người này thêm mắm thêm muối vào cho hợp khẩu vị của người mình tương tự, ở Hoa Kỳ người Việt ướp hành tỏi, nước mắm,...vào thịt bò Beefsteak cho hợp khẩu vị của mình.
Người tây phương cũng nhận ra mẹ ghẻ con chồng, sự ganh tị giữa anh chị em nên người ta đưa ra truyện cổ tích này để dạy trẻ em từ thủa bé; phải đúng giờ nếu không sẽ có những chuyện không may sẽ xẩy ra như Cô bé Lọ Lem đã mê say nhảy đến quên lời dặn của bà tiên là phải về trước 12 giờ đêm nhưng khi hoàng tử đã tìm ra người mang chiếc hài thì tác giả ngưng tại đây, mong chúc hoàng tử và công chúa có nhiều con và hạnh phúc đến 100 tuổi.

Chú Tư Gà

Đà Lạt có 2 nhân vật tuy mình không quen nhưng đã gây ấn tượng nhiều đó là ông 5 Ngựa và chú Tư Gà. Ông 5 ngựa hay bận đồ đen làm trọng tài đá banh, hay cởi ngựa lang thang trên đường Thi Sách, nghe kể là sau 75 vẫn làm trọng tài nhưng bán độ nên hay bị bà con thua độ đánh mệt thở. Ông tên 5 Ngựa chắc vì ông ta nuôi ngựa.
Chú Tư Gà thì chuyên nuôi, đá gà độ, không biết làm nghề gì, nhà ở xóm trên đường Thi Sách. Chú Tư GÀ người nam, nghe nói quê ở Bà Rịa rồi lang bạc kỳ hồ sao lọt lên Đà Lạt, lấy vợ. Có người nói chú thua độ nên bỏ quê đi trốn con nợ. Chú chuyên nuôi gà chọi để đá rồi bán kiếm tiền sống cũng khá vì bán gà đá giỏi với giá một con 2 lượng vàng.
Chú gửi người ở quê chú mua gà gửi lên Đà Lạt bằng xe đò Minh Trung rồi nuôi gây giống. Gà nòi nở ra độ 2 tháng trở lên là chú nuôi riêng trong mấy cái chuồng, không cho đạp mái để nó sung. Mình hay tò mò ghé nhà chú thấy chú nói lẩm bẩm trong miệng với mấy con gà. Chú cho gà ăn thóc. Chú ngâm thóc độ nữa tiếng rồi mới cho ăn, sau này lớn lên mới hiểu lý do. Gà được 2,3 tháng thì bắt đầu tập gáy, lúc đầu chúng gáy còn lựng khựng kêu oéc oéc sau độ 2 tuần thì bắt đầu quạt cánh như thể bơm hơi để gáy o ó o, nghe phê lắm.
Gá gáy là lúc chú lựa con nào bán, con nào giữ vì theo chú gà chiến hay Chiến Kê là qua tiếng gáy. Chú nói Thần Kê gáy từ 7,8 tiếng trở đi vì gà thường của nhà mình chỉ gáy ò ó o o trong khi gà nòi ở nhà chú gáy Ò ó o o o o o, tiếng nho nhỏ là tiếng giật như ca sĩ ngân. Gà mà gáy 5 tiếng Ò Ó O O O là gà có tài còn gà gáy 3 tiếng là gà cà chớn, vợ chú đem ra chợ bán ngay.
Chú có con gà chọi không cao lắm nhưng đá đâu là thắng đó, sau này có người từ Sàigòn lên mua khá đắt. Chú bảo là gà này gáy đúng giờ, có đòn độc, chú kêu là Quý tướng. Chú kêu là nó gáy mà có tiếng rít ngắn song phụ, tam phụ sau đó là thuộc loại Linh Kê.
Cái giống gà lạ lắm, một con gáy vừa xong là con khác cũng quạt cánh vỗ ào ào rồi gáy nên mình hay chơi khăm, đi ngang nhà nào nuôi gà là cứ giả bộ gà gáy thế là cả xóm vang tiếng gà. Cứ thấy chú Tư Gà ngóng nghe gà gáy rồi kêu con này được con kia bể tiếng,… mình không hiểu tại sao gà lại phải quạt quạt vỗ cánh trước khi gáy, bác nào biết lý do thì cho em biết nguyên do. Nó làm như bơm, lấy hơi vô phổi để gáy cho dài. Mình nghe thiên hạ hay nói "gà ghét nhau tiếng gáy" nhưng có lẻ qua tiếng gáy gà biết con nào hơn cựa mình nên im, còn con gà nào mà chiến đấu thường gáy lại để chấm dứt cuộc thi gáy.
Gà độ 4 tháng trở lên thì chú bắt đầu bắt ếch cho gà ăn, tẩm bổ có chất đạm vì thịt bò dạo ấy đắt nên sau trời mưa là thấy chú đi vòng vòng với cái vợt để bắt cóc nhái cho gà ăn, tẩm bổ trước khi cho đá dợt nghề. Đặc biệt là chú nhốt riêng trong chuồng, không cho gà mái tới gần. Trước khi đá độ thì cho ăn cơm vì thóc thì lâu tiêu, khó đá. Nghe nói chú hay ôm gà đi đá ở Dốc Nhà Bò, có trường đá gà nhưng chưa bao giờ bò đến. Hình như dạo ấy chính quyền cấm đá gà hay sao nên chỉ có những tay quen mới biết chỗ trường gà.
Chú nói là chủ trường gà ăn 5 phân còn tên tắm gà thì ăn 10 phân khi thắng, chú lãnh 85%. Nghe kể là tên tắm gà như hai anh chàng ở khán đài khi võ sĩ Minh Cảnh lên đài đấu ở Thao trường, lấy khăn quạt quạt cho mát, lấy cái ly nốc nước rồi phun vào mặt võ sĩ, một tên thì bóp tay bóp cẳng, massage. Tên tắm gà này phải có tay nghề, tắm gà ra sao để nó lâm trận, đá hăn nên tên nào giỏi là lấy tiền nhiều.
Gà đá độ xong thì kiệt sức, chú phải lót rơm cho gà nằm dưỡng thương, cho ăn cơm ấm uống nước để lấy lại sức nếu không là gà bị thương, bị ỉa chảy rồi chết. Nhiều con đá về thấy tội lắm, máu me đầy người. Mình nhớ có dạo tụi trong xóm, bắt gà mình đá với gà thằng Độ, gà thằng Độ là gà chọi cao còn gà mình thì loại gà thường. Đá xong con gà mình cù rủ vài ngày sau là chết.
Khi gà đá được vài độ cũng được tắm cho mát rồi con nào đá chiến nhất thì chú bán 2 lượng còn số khác thì bắt đầu cho đạp mái. Dạo ấy còn nhỏ nên mình cũng không hiểu lắm chỉ nhớ là con gà trống mỗ đầu con gà mái rồi bay lên lưng, sau đó thì nhảy xuống đi vòng vòng, vỗ cánh o ó o. Nhiều khi thấy nó nằm bên cạnh con gà mái rất tình tứ. Lâu lâu thì thấy hai con gà mái đá nhau, chắc ghen tuông sao đó.
Mình nhớ nhất là gà mái khi đẻ trứng, chạy vòng vòng chuồng gà rồi khum khum, mặt mày phùng man trợ mắt rặn cho ra cái trứng. Cái lỗ đít gà nhỏ mà sao lại lòi ra được cái trứng to, sau này lấy vợ mới hiểu khi đưa vợ vượt cạn. Đẻ xong thì gà mái nhìn cái trứng rồi chạy vòng vòng kêu tục tác như khoe với bầy gà hay hãnh diện, thoải mái sau khi rặn trong khi mình thì đi nhặt cái trứng còn mềm mềm nóng hổi.
Lúc gà mái đang thời kỳ đẻ trứng thì mập mạp, ăn uống no nê nhưng khi nó ấp trứng thì ốm o, không ăn không uống, sợ trứng không được đủ ấm hư, khi nào oải lắm thì mới nhảy xuống chuồng ăn tí xíu, uống nước rồi nhảy lên chuồng ấp trứng tiếp. Sau này có vợ mới hiểu khi có bầu thì phải ăn mệt thở vì phải nuôi cái bào thai trong bụng, gà thì nuôi cái bọc trứng gà. Đẻ xong thì bơ phờ vì phải cho con bú nên ốm o lại. Luật thiên nhiên hay thật.
Mình nhớ mỗi lần gà ở nhà ấp là có mấy con mạc, đông như quân Nguyên, cắn mấy anh em nên khi gà ấp trứng là cấm mấy đứa em vào chuồng gà nhưng chúng cũng tò mò, mò ra xem nên bị cắn mệt thở. 19 ngày là trứng nở, sinh ra một bầy gà thì lúc đó con gà mái mẹ rất là dữ, lúc nào cũng canh con, đi đâu thì đàn con lúc nhúc đi theo sau, mỗ giun hay ăn thóc. Độ chừng 2 tuần sau thì gà con lớn tự lo như con mình nay lên đại học thì gà mái mới hết dẫn con đi ăn.
Sau 75 thì gia đình chú Tư Gà bị đuổi đi kinh tế mới rồi chịu khổ không nổi nên cả gia đình chú chạy về quê sinh sống.
Nhs