Tâm trí người triệu Phú

 Tâm trí người triệu phú

Hồi nhỏ, mình thấy người lớn trong gia đình cũng như hàng xóm thì ngạc nhiên. Mấy bà hàng xóm, vợ công chức ăn bận sang trọng, son phấn lâu lâu đến nhà mình sau cơm tối, to nhỏ chi với mẹ mình, khen mẹ mình đẹp sang trọng bú xua la mua, rồi mượn tiền. Có người xù nợ rồi dọn về Sàigòn nên mình thắc mắc người giàu có lại quỵt tiền người nghèo nhưng không biết hỏi ai. Lý do là hay bị ăn tát khi hỏi người lớn. Họ kêu mình ngu rồi tát cái bốp. Ngu mới hỏi chớ thông minh thì ai hỏi. Chán Mớ Đời

Người giàu có lấy áo cưới của vợ để chùi xe. Kinh

 Ngược lại, mẹ mình thì ăn bận lêu phêu, tưởng nghèo thì lại cho thiên hạ mượn tiền nên mình lại càng ngulâu dốt bền. Từ bé mình bắt đầu nghi ngờ người lớn. Mệ ngoại ở một thời gian với gia đình mình thì hay la mình về tội như không tắt đèn mỗi khi đi ra khỏi phòng, tốn điện này nọ. Cái buồn cười là sau này có con mình cũng la chúng khi không tắt đèn, mở nước khơi khơi hay tắm lâu này nọ. Trời nóng hay lạnh không vặn sưởi hay máy lạnh khiến con mình rên nhưng chịu, đành bắt chước Trường Vũ hát tôi sinh ra làm con nhà nghèo. Có lẻ mệ ngoại là người có ảnh hưởng rất nhiều cho tâm tính mình. 

Mình có một người bà con trước khi lấy chồng sống sang trọng. Dì phấn son, ăn bận rất cực sang. Sau này lấy chồng, con cái đầy đàn nên túng thiếu, cứ tháng nào cũng chạy qua nhà mình to nhỏ chi với mẹ mình rồi mượn tiền như mấy bà hàng xóm. Hỏi sao mượn tiền mẹ mình thay vì mấy người giàu có, dì nói khỏi mất công trả. Vấn đề là sau này con của dì cũng lâm vào tình trạng như dì, có người con sang nhà mình xỉn rồi la mẹ mình tại sao nhà dì nghèo. Câu hỏi này đi theo mình từ ngày ấy và cố tìm hiểu lý do cha mẹ nghèo khiến con cái cũng nghèo, có cách gì để bức phá ra khỏi vòng kim cô nghèo thay vì hát tôi sinh ra mang kiếp con nhà nghèo.


Trong xóm mình có một bà chồng chết nhưng chuyên cho vay nên con cái học trường Tây trường đầm mệt thở, tuyệt nhiên không bao giờ mình thấy nhà này kêu mấy bà bán hàng rong vào nhà, mua cho con họ ăn như một gia đình hàng xóm khác. Cứ ngày ngày là bà mẹ son phấn như Phùng Há, kêu mấy người bán hàng rong vào nhà ăn trong khi mấy đứa con nít trong xóm như mình đứng nhìn, nuốt nước miếng ừng ực. Sáng thì bún bò, chiều thì chè bú xua la mua. Sau ông chồng bị bắt vì bị tố tham nhũng. Mình thấy họ xây một căn nhà to đùng ở dưới Chi lăng rồi ông chồng bị tù trước 75 về tội ăn hối lộ. Ông ta làm ở phòng Kiều Lộ, cấp giấy phép lưu hành xe. 


Ngày ngày mình thấy bà cho vay xách cái giỏ, bận áo quần lênh bênh lắm, đi qua chợ nhỏ Ở đường Phan Đình PHùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên. Ngày nay vẫn thấy họ họp chợ tại đây. Thấy bà ta đi chợ tưởng mua thức ăn nhưng không. Thấy bà ta ngồi xuống trước mấy bà bán buôn hàng rong, đợi khách thưa một tí to nhỏ chi đó, thấy mấy bà này, móc túi đưa cho bà ta tiền. Bà ta bỏ vào túi rồi lấy kim băng gài lại cho chắc ăn. Lâu lâu mình lại thấy bà ta lang thang ngoài chợ Đà Lạt, cũng ghé thăm mấy bà bán buôn rồi họ đưa tiền, lại lấy kim băng gài lại. Buồn đời, mình hỏi mẹ mình thì được biết bà ta cho vay ăn tiền lời nên cứ đi chợ gặp mấy bà mượn tiền, lấy tiền lời mệt thở. 2 phân, xem như 24%/ năm. Mượn 1,000 đồng, mỗi tháng trả 20 đồng hay 240 đồng một năm, vốn vẫn giữ nguyên. Xem như 4 năm là bà ta lấy vốn lại, ăn cả đời không hết.


 Buồn đời, mình mở một trương mục tiết kiệm ở Đông Phương Ngân Hàng ở cạnh nhà hàng Nam Sơn. Bao nhiêu tiền lì xì hay mẹ mình cho khi đi giao hàng cho khách là mình bỏ vào đây. Đến khi đi tây thì có đến 30,000 đồng, đưa cho bà cụ. Dạo ấy mình là shipper của mẹ mình. Đi học về là chạy ra chợ đi giao  hàng. Mình sinh ra mang kiếp con nhà nghèo, con đông, lại con đầu nên bao nhiêu năm vẫn không giàu.

Đi tây thì mình quên vụ tiền nong. Thời sinh viên chỉ đi làm kiếm tiền để dành, bỏ trương mục tiết kiệm, chớ không tiêu xài gì cả. Sau này sang Thụy Sĩ làm việc, mình thấy anh bạn đồng nghiệp, mỗi tháng trích ra một số tiền lương rồi bỏ vào trương mục đầu tư, mua cổ phiếu trong khi mình thì quen tính bần cố nông nên bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm của ngân hàng cho thấy anh bạn quen cách để dành tiền của bố mẹ trong khi mình thì không biết cổ phiếu Mutual funds. Phải chi mình hỏi anh ta về vụ này thì có thể ngày nay giàu.


 Đến khi sang Hoa Kỳ thì vào mấy tiệm sách, thấy toàn là sách luyện tập kỷ năng khắp nơi. Muốn học cái gì cũng có. Nhất là về tài Chánh. Mình bắt đầu mua sách luyện tập kỷ năng để học thay vì sách báo nghệ thuật , lịch sử vớ vẩn như khi ở âu châu. Ở Hoa Kỳ tinh thần của người Mỹ khác với người dân ở Âu châu. Bên Tây tà tà còn bên Mỹ thì thi đua làm giàu, làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm . Lâu lâu về Âu châu thăm bạn bè, cứ như xem phim quay chậm.


Gần đây, mình đọc một cuốn sách về Tâm Trí người triệu phú (the Millionaire mind) thì thất kinh. Lý do là họ cho biết các triệu phú đều được tiền-lập-trình (pre-programmed) về tiền bạc trong khi các người bình thường cũng được tiền-lập-trình về lợi tức trung bình hay thấp từ gia đình khi còn nhỏ. Dạo này mình trả tiền cho Blinkist mỗi năm nên mỗi ngày đọc trung bình 4 cuốn sách do họ đã tóm tắt để khỏi mất công đọc hết. Sách nào hơi khó đọc thì chịu khó đọc để ghi lại. Mỗi cuốn sách họ tóm tắc cho đọc độ 15-20 phút. Mình thì có cái tật từ lâu, là mỗi ngày phải đọc tối thiểu 1 tiếng đồng hồ. Nên hay bị đồng chí gái chửi, cứ ôm sách hay iPad.

  

Các kinh nghiệm cũng như gương các người lớn thời thơ ấu đã hình thành những suy nghĩ, hành vi của chúng ta khi lớn lên, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi tức, cuộc sống sau này của chúng ta. Xem như chúng ta được dạy cách sử dụng tiền bạc từ bé qua cách tiêu xài của bố mẹ ông bà. Mình thì bị ảnh hưởng của bà cụ và mệ ngoại. Sau này sang Tây thì bị ảnh hưởng ông bà Cayla, chủ nhà cho mướn Phòng ô sin. Đầu tháng, ghé lại đưa tiền phòng thì ông bà mời ở lại ăn cơm. Hai vợ chồng ăn cơm xong thì ngồi đọc báo thấy vì xem truyền hình như đa số người Pháp. Mình chỉ mua máy truyền hình khi lấy vợ hay đúng hơn là khi có con.


Lối suy nghĩ của chúng ta được hình thành bởi những gì cha mẹ, ông bà dạy chúng ta về tiền bạc. Trí óc của chúng ta giống như những chiếc máy tính, nơi những chương trình quan trọng nhất được cài đặt trong thời thơ ấu. Từ từ được cập Nhật hóa theo thời gian. Những điều chúng ta nghe cha mẹ nhắc đi nhắc lại về tiền bạc khi còn nhỏ sẽ vĩnh viễn lưu lại trong tâm trí chúng ta, hình thành nên những ý tưởng sẽ quyết định cách chúng ta suy nghĩ về tiền bạc sau này trong cuộc sống.


Khi xưa, muốn mua cái gì, cần phải để dành tiền trong khi ngày nay, chỉ cần ra mua trả góp. Chưa trả hết nợ đã bỏ mua cái khác. Do đó chúng ta không có quan niệm về tiết kiệm, cái gì quan trọng để mua sắm. Cứ thích là mua, rồi đêm về nhà không thích cứ bỏ đó nhưng vẫn tiếp tục trả tiền mượn nợ. Một trong những lý do mà người Mỹ ly dị nhiều là vì tài Chánh. Người vợ hay người chồng tiêu xài quá, lại không có quan niệm về tài Chánh nên khi nợ ngập đầu là tu theo phái Đổ thừa cho nhau.


Dạo này thằng con vào nghề đi mua nhà cho thuê. Tuần này nó đi họp với một hội đầu tư thì gặp một bà có bằng hành nghề mua bán địa ốc. Bà ta kêu có căn nhà ở khu sang bán, và chủ cho vay lại. Họ mua cách đây 20 năm, giá đâu trên 300k, cho thuê nay về già bán giá 1.375 triệu, xem như lời 1 triệu đô, đóng thuế độ 500k nên rao bán và cho vay lại. Mình không hiểu sao hơn 6 tháng bán được. Nhà Sơn phết lại hết chỉ cần dọn vô ở. Mình nói nó làm offer, lúc đó nó mới thấy bố nó là thiên thần. Bà có bằng địa ốc, gửi sang cho nó giấy tờ để điền và ký. Mình thấy bà ta bắt nó ký giấy trả cho bà ta 3% huê hồng trong khi đó chủ bán đã trả 6% thì bà ta lấy thêm được 3%. Mình nói nó kêu bà ta bỏ vụ trả thêm 3% và giải thích ra đường, ai cũng muốn lấy tiền của mình càng nhiều càng tốt nhất là phụ nữ. Không biết mua được không nhưng cũng là dịp để nó học hỏi, rút kinh nghiệm.


Bố mẹ mình là hai thái cực. Mẹ mình thì không ăn xài, vì buôn bán nên có tiền là mua hàng để trữ bán còn ông cụ mình thì ăn xài, tứ đổ tường. Không có mẹ mình thì Chắc mấy anh em mình nay rất te tua. Mình Nhìn lại thì thấy mấy anh em của mình bị ảnh hưởng của bà cụ nhiều hơn nên không ai có cuộc sống chật vật. Nếu bị ảnh hưởng bởi ông cụ chắc tiêu xài mệt thở và đi mượn tiền như ông cụ khi xưa rồi thiên hạ đòi nợ mẹ mình. Nhà khi xưa bà cụ có mua đất rồi ông cụ đi tù về bán rẻ hết để cho mấy bà Bồ cũ, trả nợ tình xưa.


 Mình có hai chị bạn, bà mẹ hay kể chuyện đời xưa với mình. Bác ấy kể là khi xưa, ông ngoại cứ xem tuổi năm nào mà xui thì ông ngoại lấy tiền đi mua ruộng. Lý do là tiền sẽ ra trong năm nên thà mua ruộng thì sẽ giữ được của. Sau này không hiểu sao năm nào cũng thấy xui nên mình phải mua nhà vào đầu năm thì hết tiền nên cả năm không thấy tiền ra nữa. Đồng chí gái đi làm cuối năm được bonus thì lấy mua nhà khiến vợ chưa kịp tiêu xài. Mụ vợ dự định mua cái này cái nọ đến khi xem trương mục lại thì hết tiền. Chửi mình mệt thở.


Chồng nuôi vợ như biển hồ lai láng

Vợ nuôi chồng chửi từ sáng đến chiều


Lối suy nghĩ của chúng ta được hình thành bởi những gì cha mẹ dạy chúng ta về tiền bạc. Trí óc của chúng ta giống như những chiếc máy tính, nơi những chương trình quan trọng nhất được cài đặt trong thời thơ ấu. Những điều chúng ta nghe cha mẹ nhắc đi nhắc lại về tiền bạc khi còn nhỏ sẽ vĩnh viễn lưu lại trong tâm trí chúng ta, hình thành nên những ý tưởng mà cuối cùng sẽ quyết định cách chúng ta nghĩ về tiền bạc sau này trong cuộc sống. Nhìn lại thì thấy đúng vì những người con của những người mình quen khi xưa, về Đà Lạt thì thấy con của họ y chang họ. Người có tiền khi xưa thì con họ sống sung túc còn người ăn xài, chưng diện thì con họ cũng gặp khó khăn về tài chính.


Lớn lên chúng ta vô hình trung tái tạo cách thu nhập, lối sống của cha mẹ mình. Chúng ta xem tiền bạc và tài sản không chỉ dựa trên những gì chúng ta nghe cha mẹ nói về tiền bạc, mà còn dựa trên mô hình, cách cha mẹ chúng ta kiếm tiền và cách họ sử dụng tiền. Bố vợ mình khi xưa làm công chức nên đồng chí gái cũng không thích buôn bán, đi làm cho công ty nay cũng muốn con mình theo đi làm cho công ty trong khi mình bị ảnh hưởng bà cụ, thích buôn bán hơn làm công cho thiên hạ. Mình nói chuyện với con kêu chúng tìm cách mua nhà cho thuê, về nhà gặp mẹ chúng kể con ai làm cho hãng nào được bao nhiêu tiền. Rồi đóng thuế cũng hết. Chán Mớ Đời 

Điểm may mắn là chúng ta có thể thay đổi lập trình đã được cài đặt khi xưa, bắt chước bố mẹ. Chúng ta không cần Khổng Minh, thầy bói đổi số gì cả, chỉ cần thật lòng nhìn lại cách tiêu tiền và thay đổi lối suy nghĩ về tiền bạc sẽ giúp chúng ta cải thiện về tài chính. Nếu bố mẹ tiêu xài, túng thiếu và chúng ta học lối sống của Cha mẹ như mắc cờ, sợ người đời chê bai nên phải ăn sang mặc sướng cho bề ngoài,… nhưng chúng ta có thể thay đổi vận mệnh đời mình, không ai khó 3 đời, giàu 3 họ cả.


Điều tiên quyết để giúp chúng ta thay đổi tư duy về tiền bạc, giúp nâng cao về tài chính là phải nhận ra chúng ta đã học được cách tư duy, suy nghĩ của bố mẹ , đã khiến chúng ta không biết cách thức xài tiền. Chúng ta cần nhận ra những thói quen xấu, hành vi nào tốt  đã học từ cha mẹ. Khi đã nhìn nhận ra vấn đề thì chúng ta có thể cài lập trình khác để sửa đổi cái nhìn, lối sống. Điển hình khi xưa, ông bà mình hay nói “nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”. Nếu chúng ta hút thuốc, ăn nhậu thì việc đầu tiên là từ bỏ hút thuốc, uống rượu để không Phung phí tiền bạc vô ích. Ngoài ra còn đem lại bệnh tật cho chúng ta.


Mình nhớ có ông mỹ, kêu mình giúp ông ta thành lập quỹ giáo dục cho con gái ông ta. Ông ta muốn con gái sau này có tiền để học đại học, có cuộc sống khá hơn ông ta. Vấn đề là ông ta không có đủ tiền để dành $2000/ năm. Mình hỏi chịu khó để dành $3/ ngày, mỗi tháng $100 hay $1200/ năm nhưng ông ta lắc đầu. Mình bỏ vào máy điện toán chương trình để xem tiền bạc của ông ta tiêu xài ra sao thì khám phá ra mỗi ngày ông ta uống 12 lon bia hay $24/ ngày, mình hỏi ông ta bớt uống bia 3 lon/ ngày thì sẽ để dành $6/ ngày hay $180/ tháng. Ông ta suy nghĩ rồi đồng ý. Hai tháng sau, không thấy ông ta đóng tiền cho trương mục giáo dục của con gái, mình gọi hỏi thì ông ta không nhất Máy trả lời. 


Chúng ta cần phá vỡ khuôn mẫu học từ bé và học các nguyên tắc hướng dẫn mới học từ sách vỡ. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Chúng ta cần thay đổi qua thực hành, nhận thức sự sai lầm về tiêu xài và học cách tiết kiệm, chi tiêu một cách cẩn thận hơn. Những thói quen mới sẽ xoá bỏ các thói quen cũ từ bé và sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta. Thí dụ chúng ta mắc nợ thì việc đầu tiên phải trả nợ và không tiêu phí. Nhớ đi học về tài chính, ông thầy dạy là mỗi tháng phải tìm cách giảm tiêu xài $50 hay $600/ năm. Mình bỏ không mua dây cáp, rồi từ từ mấy cái lặt vặt khác như mỗi năm xem hỏi các công ty bảo hiểm nào rẻ hơn để đổi. Rốt cuộc con mình lớn lên không xem đài dây cáp, chỉ xem đài bắt từ ăng tênh ngoài trời. Đúng hơn thì chả xem truyền hình.


Trong cuốn sách tác giả cho biết muốn giàu có, chúng ta phải học cách nắm lấy số phận trong tay mình. Nếu muốn thành công về mặt tài chính, chúng ta phải thấm nhuần ý tưởng là người kiểm soát cuộc sống tài chính là chính chúng ta. Người giàu biết rằng họ đang cầm lái, trong khi những người yếu hơn về mặt tài chính luôn ngồi ở ghế sau, nhường quyền kiểm soát thu nhập của họ cho người khác. Chúng ta đi làm thì chủ chỉ trả tiền đủ để chúng ta không tìm việc khác, và chúng ta làm việc đủ để khỏi bị chủ đuổi. Không sử dụng hết các tiềm năng của mình, chỉ hạn hẹp thu gọn lại rồi đợi ngày về hưu. Nói như bác thay mặt ông bà cụ mình đi cưới vợ, đừng bán rẻ cuộc đời mình đi làm cho ai. Hai bác này sang Hoa Kỳ từ năm 75, chả đi làm gì cả. Họ sống nhờ vào đầu từ tiền bạc họ đem sang hay đã đem sang trước 75. Họ mua nhà ở Pháp, Tây Ban Nha và Hongkong trước 75, tiền gửi ra Thụy sĩ,… sau này về già thì về Việt Nam sống, có người chăm sóc. Chuyến đi Việt Nam vừa rồi, vợ chồng mình có ghé thăm, nay đâu trên 100 tuổi., hơi yếu rồi.


Điều đáng chú ý là những người vốn đã nghèo thường dành một số tiền lương của mình cho vé số với hy vọng gặp may mắn và trúng lớn. Ngược lại, người giàu không đánh bạc để làm giàu hay chờ đợi sự giàu có rơi vào tay họ. Theo thống kê, các người lãnh gia tài hay trúng số mà không có chút hiểu biết về tài chính thì từ 2-5 năm là số tiền được sẽ biến mất. 90% các cầu thủ đội banh nổi tiếng thì vài năm sau khi giải nghệ họ không còn gì. Ông bà cụ mình khi xưa hay mua số và đánh số đề, mong trúng để có tiền nuôi 10 đứa con.


Người nghèo thường tự nạn nhân hoá và đổ lỗi cho chính phủ, người chủ hay tình hình kinh tế. Nếu chúng ta không nhận ra rằng chúng ta là người quyết định sự thành công tài chính, kiến trúc sư của tương lai của mình thì tình hình sẽ không thay đổi. Chúng ta hãy tìm kiếm lý do dẫn đến thất bại của mình thay vì đổ lỗi cho người khác như bố mẹ mình không giàu này nọ. 


Thái độ mà chúng ta đã hành xử đối với tiền bạc đã được đánh vần trước mặt chúng ta một cách thường xuyên khi chúng ta còn trẻ. Nếu chúng ta muốn thay đổi, chúng ta phải tìm ra những nguyên tắc mới và tốt hơn về tiền bạc và tài sản và tạo thói quen mới. Khi xưa, có người nói với mình là muốn làm tiền nhiều hơn thì kiếm người làm tiền nhiều hơn mình mà chơi để học hỏi. Lý do là người làm 100k một năm có bạn và đọc sách khác với những người làm 200k một năm. Và người làm 1 triệu một năm giao du và đọc sách khác với người 500k một năm.


Tiết kiệm cũng là một phần của việc tích lũy tiền. Nó cũng rất quan trọng để giữ chi phí sinh hoạt của chúng ta ở mức tối thiểu. Nếu liên tục lãng phí thu nhập cao của mình bằng cách mua những chiếc xe hơi đắt tiền và quần áo thời trang, chúng ta sẽ không bao giờ giàu có. Chỉ những người nghĩ về dài hạn và sẵn sàng từ bỏ sự thỏa mãn ngay lập tức mới trở thành triệu phú. Điển hình người làm 50k một năm mà để dành được 10k mỗi năm đề đầu tư thì vẫn giàu hơn người làm 500k một năm lại tiêu Sài 600k mỗi năm.


Hồi nhỏ bà đầm dạy về chuyện ngụ ngôn con ve và con kiến của ông Lafontaine. Không hiểu sao câu chuyện này cứ ám ảnh mình Hoài đến khi đi Tây.


Hôm qua, chủ Nhật một ông thợ chạy vào vườn mình lấy bơ về cho vợ con bán. Mình dùng ông ta từ 16 năm qua, mỗi khi thay cửa sổ, kính cửa bị bể này nọ. Rất dễ thương. Lấy giá hữu nghị. Một hôm, anh ta dẫn Vợ đến nhà mình để mình giải thích vụ mua nhà cho thuê. Mình giải thích cho bà vợ bằng tiếng Mễ rồi tặng cho mấy cuốn sách và cassettes cũ dạy mình về mua nhà cho thuê. Nhờ mình giải thích nên sau này vợ chồng anh ta mua được căn nhà thay vì ở Mobile home.


Anh ta thường ghé vườn mình mua bơ về ăn. Năm nay anh ta hỏi ý kiến làm sao dạy mấy đứa con sử dụng tiền bạc. Mình nói mua bơ của mình rồi bán cho thiên hạ, kêu chúng bỏ vào bị rồi bán. Anh ta mua thử 2 thùng bơ về bán. Vài ngày sau, anh ta vui vẻ gọi hỏi có bơ không vì bán hết. Anh ta chạy lại vườn lấy thêm bơ. Anh ta kêu con cái lúc đầu ngại ngùng nay thấy bán được có tiền nên chúng hồ hởi thích bán bơ. Đó là khởi đầu. Mình rất vui khi giúp được ai cách làm ra tiền nhất là giúp con họ có cái nhìn khác về cuộc đời và tiền bạc. Anh ta nói là cứ bỏ vào bịch như mình dặn, rồi kêu con đứng bên cạnh tiệm bán bánh mì mỗi sáng. Người Mễ hay đi mua bánh mì buổi sáng, thấy bơ là chạy lại mua. Anh ta kêu độ 1 tiếng đồng hồ là hết. Nay phải chia con ra hai nơi và mua nhiều bơ hơn. 


Hôm qua anh ta chở vợ con vào vườn chơi và chào Tio Sony, bán bơ ai hỏi bơ ở đâu thì nói của vườn bác Sony. Anh ta cho mình một bịch sữa dê tươi, mới vắt từ dê nuôi ở nhà. Anh ta kêu thằng con khi xưa không chịu ăn uống, khó chịu, sau này cho uống sữa dê tươi thì ăn uống khỏe mạnh, vui vẻ. Lâu lâu chắc sẽ mua sữa dê tươi của anh ta uống. Không phải đun sôi gì cả.


Có điểm lạ là mua mật ong của mình để bán lại cho bạn bè. Anh ta lý giải là ăn mật ong của vườn mình thì giúp anh ta tìm lại suối nguồn tuổi trẻ. Bà vợ kêu anh ta mạnh bạo như khi xưa mới lấy nhau. Kinh


Mình không thử vụ này với đồng chí gái nhưng bác nào thích thì liên lạc với cháu mình để mua mật ong hữu cơ 100%. Ông nuôi ong có mật ong loại hoa dại Cali, giúp tránh bị dị ứng vào mùa Xuân. Xong om


Sáng nay, có một Mỹ ở hội Toastmasters kể là năm 2008, trước khủng hoảng kinh tế. Ông ta có 1 triệu đồng trong ngân hàng, ở căn nhà 15,000 bộ vuông rồi bổng chốc biến mất. Ông ta phải dọn ra ở trong căn phòng nhỏ nhoi. Có một hôm, ông ta lấy đúng ra kề nơi đầu để tự tử. Bổng hình ảnh mẹ ông ta hiện ra và ông ta bỏ ý định tự kết liễu cuộc đời mình. Bổng ông ta thấy cuốn sách Think and Grow Rich của ông Napoleon Hill viết cách đây rất lâu. Và từ đó làm lại cuộc đời của mình.


Mình thấy nhiều trường hợp như vậy. Khi trẻ mà giàu có sớm, người ta có khuynh hướng nghĩ mình là thông minh nên quên cảnh tỉnh, đầu tư sai lầm, không tính toán kỹ hay bị lừa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn