Đà Lạt, Petit Paris

 Đà Lạt, Petit Paris 
Trước khi đi Việt Nam, có anh quen trên mạng, gốc Đà Lạt gửi cho mình một bờ lốc hay trang nhà về thời Tây, trong đó có một bài nói về Đà Lạt mà họ gọi là Petit Paris. Nói cho ngay mình sinh sống tại Paris đúng 8 năm nhưng không thấy có nét gì Đà Lạt tương tự như Paris nên nghĩ thiên hạ ở Việt Nam, chưa bao giờ đến Paris nên cứ phán bú xua la mua. Nếu nói Đà Lạt có chút gì như Lausanne bên Thuỵ Sĩ ki mình đi dạy ở đại học bách khoa tại thành phố này thì hơi giống nhưng hồ Leman to đùng.

Như chúng ta biết là người Pháp xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng cho binh sĩ và các công chức và dân của họ thay vì chở về Pháp quốc bằng tàu thuỷ, mất thòi gian và tốn kém. Ngoài ra họ cần quảng cáo để các người Pháp hay từ Âu châu lên đây nghỉ dưỡng. Do đó họ phải viết bài giới thiệu về Đà Lạt. Có lẻ vì vậy mà họ gọi Đà Lạt là Petit Paris để câu du khách. Sau đây mình tóm tắt lại bài viết mang tựa đề Trải nghiệm mùa đông tại Đà Lạt, Đông-Dương (passez l’hiver à Dalat, Indochine). 

Article parue le 12 septembre 1955 par l'Agence Publia-Asia 
Toutes Publicités - Presse - Cinéma - Affiches - Calendrier - Vitrines - Créateur de "7 jours à Saïgon et des Planimètres de Saïgon -Cholon
Editeur de l'annuaire officiel des P.T.T. 
61/b rue Pierre Tél : 21.481 Saïgon
Tấm quảng cáo trải nghiệm mùa đông tại Đà Lạt, tiểu Paris 

Tấm quảng cáo đề Đà Lạt cách Paris độ 7 ngày máy bay của hãng hàng không Air France, 22 ngày tàu thủy cách Hải cảng Marseille, 5 tiếng đồng hồ bằng ô tô từ Sàigòn hay 1 đêm ngủ xe lửa couchette từ Sàigòn. Cái này thì mình đoán là xe lửa chạy từ Sàigòn ra Phan Rang sau đó chuyển qua đèo Song Pha lên Đà Lạt. 

Họ quảng cáo đến viếng thăm các người dân bản địa cùng như các môn thể thao như bơi lội, quần vợt, cưỡi ngựa, chèo thuyền, đánh cù,… và săn bắn như săn cọp, trâu, voi,… không quên nhắc đến khách sạn Palace và Du Parc với 120 phòng có phòng tắm riêng. Đặc biệt là có pension từ 65 đến 90 quan một ngày. Chắc kiểu Homestay ngày nay, ở nhà thiên hạ vừa được nuôi ăn cho những ai không đủ tiền để trả khách sạn xịn như Palace hay đông du khách.
Khi xưa lên Đà Lạt chạy xe này, đoán là đèo Prenn
Đây là một căn nhà ở cite Decoux, xây để bán rẻ hay cho thuê. Mình có kể vụ này rồi.

Sau này người Pháp có xây cất một khu vực nhà để cho thuê mà họ gọi là cité Decoux. Các căn nhà cho các gia đình có con cái lên Đà Lạt nghỉ hè, mướn ở đây cho rẻ vì 3 tháng hè. Khu này nằm gần trường học Trần Hưng Đạo sau này, cạnh hồ Vạn Kiếp. Hình như sau này khu vực này dành cho công chức hay giáo sư trường ở. Mình có đến nhà anh bạn có ông anh là giáo sư trường Trần Hưng Đạo.



Đây là phần lộ trình từ Sàigòn đến Định Quán mất 110 km. Có lẻ vì vậy mà khi xưa, mỗi lần dân Đà Lạt đi xe đò về Sàigòn, thường dừng lại tại Định Quán. Hơi mờ, ai tò mò thì thu nhỏ lại.
Lộ trình từ Định Quán đến Đà Lạt.

Bài viết cho biết khi rời khỏi Sàigòn, có thể lấy đại lộ Albert qua Dakao, chạy độ 30 km đến Biên Hoà theo quốc lộ 20. Chạy qua cầu Bình Lợi trên sông Sàigòn và chiếc cầu ở Biên Hoà vì đường một chiều sẽ giảm tốc độ di chuyển. Sau khi rời Biên Hoà sẽ chạy qua các vườn trồng cao su, những làng người tỵ nạn từ miền Bắc, mình đoán chắc khu vực Hố Nai, và họ khuyến cáo không nên chạy qua các khu vực này vì con nít chơi ngoài đường. Mình nghe kể khi xưa, dân Hố Nai rất dữ dằn. Họ cho biết đi đêm thì nên cẩn thận vì có nhiều xe be chở cây trên đường này không mở đèn phía sau xe.

Tại Định quán có những tảng đá kỳ dị lơ lửng chèo veo. Rồi đến một đoạn đường xình lầy khi vào mùa mưa. Sau đó sẽ lên đèo Bảo Lộc độ 10 cây số.
Quảng cáo tiệm ăn giữa đường Sàigòn-Đà Lạt 


Sau khi rời Blao thì sẽ thấy các đồn điền trà và cà phê trong đó có đồn điền của ông ngoại mình, sau này bà vợ sau và cô con gái nuôi đánh bài cúng hết gia tài. Có những thác nước nhưng đường đi đầy đỉa vào mùa mưa rồi đến Djiring, nơi linh mục Jean Cassaigne với trại cùi do ông ta sáng lập. Cách quốc lộ 20, độ 7 cây số là thác Pôngur và thác Gougah cách quốc lộ 300 thước. Mình không biết sau 75, Hà Nội có xây dựng các trại cùi hay không.

Liên Khương là phi trường được sử dụng nhiều nhất trong thời chiến để đi chuyển từ Đà Lạt -Sàigòn. Sau đó thì du khách sẽ lên đèo Prenn trước khi đến Đà Lạt.
.
Quảng cáo hàng không Việt Nam khi xưa



Có bác nào lớn tuổi hơn em, còn nhớ chỗ này là chỗ nào thì cho em xin. Có thể Cầu Đất.


Bà đầm này chắc cũng bỏ của chạy lấy người sau này khi Việt Cộng đóng ở Núi Voi

Đà Lạt cách 50 cây số, vậy độ Phi Nôm.

Chợ Đà Lạt cũ trước khi họ xây chợ Mới năm 1963.

Khi quảng cáo về du lịch Đà Lạt được in ra thì mình chưa ra đời nhưng nói chung thì 19 năm sau khi mình đi Tây thì chặng đường Sàigòn-Đà Lạt cũng ít thay đổi. Xe đò Minh Trung ngừng tại định Quán cho bà con đi vệ sinh và ăn uống. Xe chạy qua Hố Nai thì tài xế lái chậm lại, rồi thấy vườn cao su, đến sông Đồng Nai, Biên Hoà, xa lộ Biên Hoà rồi đến Hàng Xanh. 

Đọc bài này thì giúp mình đi về miền quá khứ vì ngày nay đi đường này thì chả thấy gì cả ngoài nhà và nhà xây san sát bên quốc lộ. Ngày nay, con cháu mình đi đường này thì không còn nhìn thấy những gì khi xưa mình đã đi qua. Bánh xe lịch sử đã nghiền nát ký ức một thời. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn