Giấc mơ hưởng già tại Hoa Kỳ


Sau đệ nhị thế chiến, có một hiện tượng xẩy ra tại Hoa Kỳ, là sinh sản gia tăng vô tiền khoáng hậu. Người ta lý giải là lính từ mặt trận trở về, lập gia đình mau chóng nên sinh sản nhiều. Có đến 73 triệu người Mỹ được sinh ra trong vòng 18 năm, từ năm 1946 đến năm 1964, xem như một thế hệ và họ đặt tên cho thế hệ này là baby boomers. Việt Nam cũng lâm vào tình trạng này, sau 75, dân số gia tăng rất nhiều. Từ 36 triệu cả hai miền lên đến gần 100 triệu ngày nay. May là họ ra quy luật trai hay gái chỉ hai mà thôi. Cứ tưởng tượng sinh con như trước 75, 6-10 người mỗi gia đình là chết. Đến năm 2030, xem như 5.5 năm nữa tất cả thế hệ baby boomers này đều đạt trên 65 tuổi. Tuổi được hưởng quy chế an sinh xã hội và rút tiền từ quỹ hưu trí. Họ sẽ về hưu để hưởng những tháng năm hạnh phúc của hoàng hôn đời người. 


Thế hệ baby boomers được xem là thế hệ thành công nhất của Hoa Kỳ hơn các thế hệ đi trước. Họ là hình ảnh của giấc mơ Hoa Kỳ mà thế kỷ 20 được thế giới mong ước. 67% người Mỹ sở hữu nhà và gần như ai cũng có xe cộ. Một công nhân đi làm, sở hữu một căn nhà và một chiếc xe hơi. Các công nhân ở pháp chỉ đi làm bằng xe buýt hay métro ở chung cư gọi là HLM (habitations à loyer modéré), không mong ước ngày nào đó được sở hữu một căn nhà dù là nhà Phoenix. Dạo mình ở bên Tây, các gia đình lao động mình quen đều mướn chung cư ở, cả năm chỉ lo tính đi nghỉ hè ở đâu trong khi ở Hoa Kỳ thì thiên hạ ít đi nghỉ hè hay ngắn hạn, toàn là để tiền mua nhà, mua xe.

Vấn đề là khi hưu trí thì chỉ có một thiểu số có đủ tiền trong trường mục ngân hàng và vốn sở hữu nhà đất của họ, giá trị ròng của họ gia tăng trong khi đa số sẽ phải đối diện với một tương lai vô định về tài chính.


Nếu chúng ta chỉ trông mong vào tiền an sinh xã hội không thôi, không có tiền hưu trí của các quỹ khác thì sẽ được xem là người nghèo tại Hoa Kỳ. Xem hình dưới



https://www.travelandleisure.com/spain-best-international-retirement-country-for-americans-8661573


Đọc tài liệu thì cho biết có 3 điểm chính về tài chính mà đa số baby boomers cần để ý khi lớn tuổi. 


1. Tiền tiết kiệm cho hưu trí không đủ

Baby boomers sinh từ năm 1946 đến 1964, năm nay 2024 đã vào tuổi 60 đến 78 tuổi. Trên nguyên tắc họ phải có một số tiền lớn để trang trải chi phí những ngày hưu trí của họ. Một số đã hưu trí và một số sắp sửa về hưu. Thật ra họ là thế hệ đầu tiên tại Hoa Kỳ gặp phải trường hợp này mà chính phủ không dự đoán được. Khi mình sang Hoa Kỳ, họ hay nói là cần có trong quỹ hưu trí 1 triệu đô La nhưng ngày nay với lạm phát họ kêu cần ít nhất 2 triệu nếu nhà đã trả xong nợ. Chán Mớ Đời. Đào đâu ra 2 triệu.

Vào đầu thế kỷ 20, người Mỹ qua đời trung bình ở tuổi 61.5 và luật hưu trí là vào năm 65 tuổi nên trước đây, thường người Mỹ chết 3.5 năm trước khi về hưu, nhận được tấm chi phiếu hưu trí đầu tiên. Thế kỷ 21, y khoa tân tiến đã giúp người Mỹ sống lâu hơn trung bình trên 20 năm. Do đó đưa đến vấn nạn tiền hưu trí cho 20 năm sau khi ngưng làm việc, nhất là chi phí cho bệnh tật vì càng lớn tuổi càng nhiều bệnh. Đó là ác mộng khi về hưu nếu mình bị bệnh hoạn, không có tiền hưu trí nhiều.

Theo công ty Vanguard thì trung bình số tiền trong các chương trình hưu trí như (401(k), 403(b) của lứa tuổi từ 55 đến 64, trước khi về hưu vào năm 2022 là $207,874. Cho những người lớn tuổi hơn 65 thì khá hơn một tị $232,710, độ $25,000 hơn. Nhưng nếu tính trung bình người Mỹ thì chỉ có $71,168 cho lứa tuổi 55 đến 65 và $70,620 cho người Mỹ từ độ tuổi 65 trở lên. Lý do là có nhiều người Mỹ có tiền hưu trí rất cao nên khi cộng chung chia cho tổng thể thì khác. Điển hình Roth-Ira của ông Mitch Romney lên đến mấy chục triệu đô La. Ông này buồn đời ra tranh cử tổng thống, nên báo chí khui ra Roth Ira của ông ta, được phép bỏ vào mỗi năm khi xưa có $2,000 mà ông t nhồi lên đến 25 triệu, theo cách mua option các công ty sắp phá sản rồi bán lại cho thiên hạ nên lời, khiến sở thuế đang duyệt xét các tưởng mục này.

Cứ dùng số cao nhất như một trương mục có $232,710 như kể trên thì sẽ cho phép mỗi năm được tiêu dùng là $9,308.40 ($775.70/ tháng) vì khi về hưu và sống thêm 20 năm. Đó là họ dựa theo bỏ tiền với tiền lời 4% và lạm phát. Còn nếu không có lời thì càng ít hơn.

Mình nhớ khi đi làm thầu khoán. Lâu lâu có người Việt đến nhà nhờ mình làm cái hợp đồng xây sửa nhà của họ để họ lấy tiền từ quỹ hưu trí ra nhưng không dùng để xây nhà mà tiêu xài. Chắc đánh bài. 

Nếu cộng thêm tiền an sinh xã hội trung bình của người Mỹ là $1,907/ tháng hay $22,884/ năm thì trung bình về hưu có $32,000 ($2,666.67/ tháng) để tiêu dùng hàng năm. Không đủ để trang trải các chi phí cho cuộc sống sung túc khi về già, thậm chí khó mà trả các chi phí thông thường. Lên mạng nay cứ thấy họ quảng cáo về hưu ở các xứ khác rẻ hơn. 


2. Các thay đổi của an sinh xã hội

Các thay đổi từ khi thành lập hệ thống an sinh xã hội đã khiến cho người Mỹ hưu trí gặp thêm nhiều khó khăn về tài chính. Cho những người sinh trước năm 1960 thì có thể lãnh tiền toàn an sinh xã hội vào năm 65 tuổi. Ai sinh sau năm 1960 thì phải đợi đến năm 67 tuổi mới được lãnh toàn phần.  Mình lấy trước 65 tuổi nên chỉ được 70% số tiền nếu đợi đến 65 tuổi. Lý do là về hưu trước đồng chí gái “chồng nuôi vợ như biển hồ lai láng, vợ nuôi chồng chửi từ sáng đến chiều.”


Có nghĩa là chúng ta phải đợi lâu hơn để lãnh tiền của mình hay lãnh sớm ít hơn như mình có 70%.

Cái mất dạy là trước năm 1984, tiền lãnh an sinh xã hội không bị chính phủ liên bang đánh thuế. Ngày nay thì tiền an sinh xã hội bị đánh thuế (50% tiền an sinh xã hội cộng các lợi tức khác như quỹ hưu trí rút ra) quá $25,000/ năm cho cá nhân và $32,000 cho vợ chồng khai chung. Ông Reagan ký sắc luật này và nhất là các người nhận pension, không được lãnh an sinh xã hội như ông Larry làm cho chính phủ, chỉ được lãnh pension, còn an sinh xã hội thì không nên ông ta chửi quá cở thợ mộc vì mất $2,500/ tháng.

Lúc đầu chỉ có 10% người Mỹ bị đánh thuế nhưng dần dần ngày nay là 50% người Mỹ bị đánh thuế theo trang nhà của senior citizens league. Có thể trong tương lai, hết tiền họ đánh thuế 100%. Một nghiên cứu của social security administration vào năm 2015, cho rằng người Mỹ về hưu, mất tiền họ cần vì chính phủ đánh thuế lợi tức. Chán Mớ Đời 

Họ cho biết là vào năm 2035 nghĩa là 10 năm nữa thì người Mỹ về hưu chỉ nhận được 80% số tiền có thể nhận. Do đó chính phủ kêu mấy tên cố vấn tài Chánh rêu rao là đợi thêm vài năm nữa thì lãnh được nhiều tiền, 80% số tiền mình được phép nhận, còn lấy sớm chắc 50%. Quốc hội thì không đại biểu nào dám đụng tới vụ này vì sẽ thất cử khi nói rõ. Mấy vụ này đâu ai biết hay để ý đến khi mình về hưu mới quan tâm đến thì trễ rồi. Có lẻ chúng ta nên theo dõi vụ này và yêu cầu các đại biểu của địa hạt mình thông các đạo luật có lợi cho người hưu trí thay vì chửi nhau vì ủng hộ ông Biden hay Trump. Ông nào lên cũng vậy, chả khác gì cả, giúp bọn nhà giàu tỷ Phú kiếm thêm tiền. Dạo này họ khui ra ông toà tối cao pháp viện, đi chơi hay săn bắn đều được tỷ Phú bao trọn gói.


3. Nợ chồng chất.

Vấn nạn là baby boomers vẫn tiếp tục mắc nợ khi về hưu khiến làm cạn nguồn tài chính của họ nhận được khi về hưu đã kém cỏi. Bao nhiêu người về hưu đã trả hết nợ nhà nợ xe, hình ảnh của giấc mơ Hoa Kỳ. Trung bình người Mỹ đổi nhà theo chu kỳ 7 năm, nên lại tiếp tục mượn nợ nên khi về hưu, chưa trả hết tiền nợ ngân hàng để mua nhà. Ngoài ra xe cộ phải thay vì cũ nên lại phải mua xe mới với cái nợ thêm 5 năm. Chúng ta nợ nhiều hơn các thế hệ trước. Lý do là thế hệ bố mẹ, muốn mua cái gì đó thì tiết kiệm còn thế hệ chúng ta có ngân hàng cho vay hay thẻ tín dụng cứ xài hôm nay đi làm trả tối thiểu và nợ chồng chất không biết đường nào ra. Đó là chưa kể đến các thuế nhà đất gia tăng hàng năm, thuế xe lưu hành này nọ.

Mình rất ngạc nhiên khi thấy Nhật Bản có tỷ lệ nợ với GDP nhiều nhất thế giới. Hóa ra vì dân số của họ bị lão hoá nên phải in tiền để trang trải các chi phí cho người già.

Năm 1980, độ 38% người Mỹ trên 65 tuổi có chút nợ nần. Năm 2012 thì lên đến 64.8%. Ai buồn đời như mình xem cái link. 

Center for Retirement Research.

Theo nghiên cứu của National Council on Aging thì năm 2020, có 4 triệu người Mỹ trên 65 tuổi có những khoản nợ về y phí chưa trả. Nay nghe nói có ai muốn ra đạo luật cấm bỏ nợ y phí vào credit report để giúp chúng ta có thể mượn tiền thêm. Không giải quyết gì cả ngoài trừ xù nợ y phí, sẽ khiến bảo hiểm gia tăng rồi khi mình chết thì các y phí sẽ theo lãi lên cao ngất. Cho thấy ở Hoa Kỳ, chỉ có 2 loại người Mỹ sướng là nghèo vô sản thì được chính phủ lo cho hết, và 2 là người giàu có thì không bận tâm, còn thịt 3 chỉ, nửa mỡ nữa nạt như mình là mệt.

Nợ sẽ khiến cuộc sống khó khăn hơn, chúng ta sẽ đối diện với những quyết định như sửa chửa nhà cửa, xe cộ, bớt uống thuốc hay ăn uống ít lại này nọ. 

Baby boomers đang đối diện các vấn đề này, cần thay đổi để bảo đảm và giữ cuộc sống hưu trí tốt đẹp hơn. Bán nhà, dọn đến nơi nào rẻ hơn và lựa chọn chương trình Medicare nào vừa túi tiền của mình. Cần nhất là không bị đau ốm. Chịu khó tập thể dục. Đông Phương Hội có mở lớp hướng dẫn dưỡng sinh miễn phí nhưng chả thấy ai đến tập ngoại trừ những người tập lâu năm. 

Ai còn khỏe thì chịu khó cày thêm và để dành tiền sẽ nhận được an sinh xã hội nhiều hơn (80% số tiền mình có thể nhận được) và (401k) khá hơn còn không thì buông bỏ hết. Trên thực tế thì người Việt tỵ nạn tương đối ai cũng để dành tiền cho những ngày hưu trí chỉ có thế hệ con cháu của mình là hơi mệt. Khó có thể mua nhà, nợ học đại học chồng chất. Vật giá leo thang nên không biết bao giờ có tiền để mua nhà. Cũng có nhiều người hy sinh đời bố củng cố đời con, lấy tiền trong quỹ hưu trí để trả tiền con ăn học đại học. Chưa chắc sau này, chúng sẽ có khả năng nuôi mình khi về già. Đó là vấn nạn hay ác mộng hưu trí tại Hoa Kỳ ngày nay.


Qua thái Lan hay phi luật Tân ở thì tương đối sẽ có cuộc sống khả quan hơn. Đi mấy xứ này thấy mấy ông Mỹ già có vợ hay Bồ chi đó còn rất trẻ. Mướn căn hộ ở rồi đưa cho cô Bồ một ít tiền lo chăm sóc hàng tháng. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn