Nước mắt nhà giàu


Hôm qua, có mấy người bạn rủ đi ăn cơm tiệm Việt, có chương trình hát cho nhau nghe. Lâu quá mình không ra Bolsa, luôn tiện đem mấy bình mật ong giao cho mấy người bạn. Có người đặt thêm 4 bình, để làm quà cho bạn bè. Họ dùng năm ngoái thấy ngon nên đặt thêm biếu người quen.


Hóa ra là nhà hàng khi xưa của hai vợ chồng người bạn. Họ may mắn bán được trước khi covid xẩy ra. Trước đó, chị bạn sáng đi làm, chạy xe lên Los Angeles. Chiều về lại chui đầu vào bếp phụ chồng, trang hoàng bàn tiệc sinh nhật... Bán xong anh chồng, buồn không biết làm gì, tính mua tiệm khác thì chị ta kêu, phải ký giấy ly dị trước khi mở tiệm ăn khác. Ghét ai, cứ xúi họ làm nhà hàng. May mắn thì có khách đông, có tiền, không có thì giờ dành cho gia đình, còn xui thì mất tất cả. Chán Mớ Đời bông. 


 Món ăn rất ngon. Mình đoán chủ di dân từ Việt Nam theo diện làm chủ tiệm ăn. Tối trong tuần nhưng cũng có đến gần nữa tiệm nên hát được vài bài. Đến cuối tuần xem như đợi đến phiên, hát được 1 bài rồi đi về. Có người chỉ đến kêu chai bia rồi lên hát vài bài như một anh tóc bạc hát “xin làm người tình cô đơn”. Anh bạn, cho biết ông này cắm dùi tại đây hàng ngày. Nói cho đúng thì rủ nhau ra đây ăn và hát rất tiện, thay vì làm tại nhà. Khỏi phải lo thức ăn thức uống, dọn dẹp. Hôm trước, có mấy người bạn đến chơi. Khách ra về, mình hát mãi là người đến sau, rữa chén bát mệt thở. Cứ ra đây kêu món gì ăn hay không cần ăn, uống chai bia rồi lên sân khấu rống mãi mãi làm người tình cô đơn. Chỉ có vấn đề là không được hát nhiều như ở nhà. Đồng chí gái cho biết hát xong ngủ khoẻ lắm, còn mình thì dọn rác, quét nhà, rữa bát. Sau đó ngủ rất khoẻ.


Mình không thích nghe nhạc Việt Nam lắm. Cứ rên rĩ, thất tình này nọ rồi rống ôi đàn bà, bớ đàn ông. Cô nào bỏ anh ta là may phước cho anh ta, tên nào bỏ em là số hên, không lấy thằng chồng ham nhậu, đánh bài. Không cảm ơn trời phật còn rống lên sự nuối tiếc, đau khổ, trách cứ kẻ phụ tình. Mình khi xưa bị mấy cô đá là mừng, Adieu sois heureuse! Thắp nén hương cho người tình, cầu mong cho cô ta hạnh phúc bên người yêu mới. Họ đã tìm được đối tượng tốt hơn mình thì phải chúc mừng họ. Nếu mình thương ai, mình chỉ muốn họ hạnh phúc tràn trề, họ so sánh mình với người kia thì cảm thấy đối tượng kia tốt hơn mình, có thể đem lại cho họ hạnh phúc hơn thì mình phải mừng cho họ. Đã tìm được đối tượng, chúc phúc cho họ. Chớ than van, hát rống lên kẻ phụ tình lại tạo khẩu nghiệp cho mình.


Chớ họ theo mình, con nhà thuần nông, làm vợ nông dân, gánh bơ đem bán là khốn nạn một đời. Cứ hỏi đồng chí gái để hiểu nổi buồn karaoke, lấy chồng nông dân, suốt ngày hát với sóc và coyote hay lắng nghe tiếng hát của rắn chuông. Đi ăn tiệc, bạn bè giới thiệu chồng là bác sĩ, vợ là nha sĩ này nọ, còn cô nàng thì lí nhí chồng em là nông dân. Thấy thương mụ vợ, một đời làm vợ, lấy chồng nghèo, không chức tước trong xã hội. Mấy cô khi xưa, bỏ mình cái rụp. Đồng chí gái thì có nợ với mình nên phải hát bài gánh chồng qua sông. Chán Mớ Đời

Ông tây kêu là không nhà, không xế, không tiền. Không giàu như người bạn Sébastien vừa hưởng gia tài nhưng anh yêu em rất nhiều. Cô bạn gái kêu nếu anh thương em thật sự, thì giới thiệu người Bạn Sébastien cho em. Mình nhất trí quan điểm của cô gái. Mấy cô mình quen khi xưa, bỏ đi lấy bác sĩ, nha sĩ, không muốn làm vợ tên bơ sĩ.
 

Có duyên để gặp nhau, không có phận thì xa nhau, đồng ca Capri c’est fini! Ngay ông Vũ Thành An, làm nhạc trách cứ người yêu, bỏ đi lấy chồng khác. Buồn đời, làm nhạc không tên, kiếm được một mớ tiền với mối tình phụ trước 75 rồi đi tù. 30 năm sau, gặp lại cố nhân, ông ta phải đổi lời là con đường em theo đó, Đúng đấy em ơi! Nếu cô bồ không đi lấy chồng, chưa chắc ông ta có chất liệu để sáng tác mấy bài hát không tên. Hay ngồi nhà giặt tả cho con, đấm lưng cho vợ.


Viết tới đây, nhớ chị hàng xóm hay sang nhà mình chơi, kêu mình bỏ bài hát của ông nhạc sĩ thất tình Vũ Thanh An. Nay chị ta đã qua đời rất sớm.


Ngồi nhai, đợi one man band đến, câu chuyện kéo sang vụ làm thiện nguyện tại Việt Nam. Mấy người bạn kể đi theo các phái đoàn về Việt Nam, dù có nhờ thứ trưởng bú xua la mua cũng không ăn thua. Phải cho chúng tiền mới được làm. Thằng con mình về Việt Nam cũng bị bắt làm giấy tờ, đóng lệ phí $50 để được giấp phép, làm việc tại Việt Nam 2 tuần. Về đó, họ cũng chả cho làm, phải làm chui. Sáng lên xe ca chạy xuống Long An làm việc trong đại học Việt Mỹ, nơi các hành lang. Chiều tối chạy về Sàigòn. Con cháu cán bộ cấp lớn ra trước, để được khám trước. Chán Mớ Đời 


Được cái, thằng con làm việc chung với một đối tượng của mình khi xưa. Người đã kêu mình sang Hoa Kỳ rồi sau 48 tiếng, đá giò lái cái rụp. Cô ta chắc chắn nhận ra thằng con vì giống mình như hai hạt nước. Thằng con gửi video sinh hoạt của nhóm y tế, cho hai vợ chồng xem các công tác xã hội, y tế của đoàn. Mình thấy bà nào trông quen quen. Mụ vợ kêu bà bồ anh ngày xưa chớ ai. Chán Mớ Đời . 


Trong mấy đối tượng một thời, chỉ có đối tượng Đà Lạt khi xưa, nhìn hình là mình nhận ra còn mấy người khác thì chịu. Chỉ có đồng chí gái là nhận ra mấy người này dù chỉ xem hình. Mình có một album mang tựa đề “người đi qua đời tôi”, đã giao cho đồng chí gái cất giữ từ khi lên xe bông về nhà vợ.


Bổng nhiên anh bạn kể về một người quen ở Việt Nam, cũng làm từ thiện. Đưa cho mình đọc một bài kể về gia đình họ.


Gia đình một bà đại gia ở Việt Nam. Sau 45, bố mẹ bị chôn sống trong cuộc cải cách ruộng đất ở Hà Đông. Rồi đưa quân vào Nam, đánh chiếm miền Nam, sợ bị Hoa Kỳ dội bom nên Hà Nội cho dân sơ tán lên các vùng an ninh hơn. Hà Nội gọi là sơ tán còn Việt Nam Cộng Hoà gọi tản cư. Mình được kể  giọng người Hà Nội ngày nay không còn âm hưởng của trước 1954 vì Hà Nội cho dân Hà Nội sơ tán lên các vùng quê. Giới trẻ bị ảnh hưởng giọng của các vùng quê nên khi về lại Hà Nội thì bị lai giọng hết. Ngày nay, khó mà tìm được giọng người Hà Nội xưa.


Bài viết kể một người, cha mẹ bị đấu tố và bị chôn sống như trong phim “Chúng Tôi Muốn Sống” của đạo diễn Vĩnh Noãn. Về làng xưa của bố mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi bố mẹ bị chôn sống, đưa ý định xây lại ngôi trường làng xưa, nơi chị ta đã từng đi học trước khi cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố dòng họ như ông bà nội mình bị đưa lên hàng phú nông. May là chưa bị giết.


Năm Ất Dậu, nạn đói ngoài Bắc, thấy một đứa trẻ mồ côi, đem về nuôi rồi đến khi cải cách ruộng đất, người con nuôi chỉ mặt, đấu tố ông bà nội mình, cường hào ác bá, địa chủ, đem tao về nuôi để làm đầy tớ. Suýt bị giết. Nhờ làng đạt chỉ tiêu đã giết bao nhiêu địa chủ rồi. Xem như ông bà nội mình chết đi sống lại.


Người em nghe cô chị nói về ngôi trường xưa mà chị ta đã bỏ tiền ra để xây lại, giúp trẻ em trong làng có nơi đi học đàng hoàng. Một hôm đi công tác, gần làng nên ghé lại viếng trường tiểu học của người chị đã bỏ tiền ra làm cho làng.


Các cán bộ bắt chị ta cam kết đóng 1 trăm triệu để xây ngôi trường và đổi tên trường từ Quyết Tâm lại tên cũ là trường cấp 1 “Sông Vệ.”


Người em cho biết khi sinh ra được 2 tháng thì gia đình sơ tán cho nên không có liên hệ gì với làng. Anh ta về làng nhưng cảm thấy xa lạ hơn làng Đa Sĩ, nơi gia đình anh ta sơ tán ở Hà Đông.

Tuy vậy, khi đi trên con đường vòng vèo qua những cái mả, lòng anh ta có chút gì yêu thương khó tả. Cảm xúc này mình đã trải nghiệm khi về quê nội lần đầu năm 1994. Chạy xe trên bờ đê, xình lầy, mang máng nhớ tới những gì ông cụ kể khi xưa, thả diều trên đê, hộ đê khi sông Đáy dâng… đẹp nhất khi thấy Chùa Thầy trong cơn mưa phùn. Nghe lòng say say. Quê nội tôi đây, vì trước đây quê nội trong tôi chỉ là văn chương, qua các bài thơ của Quang Dũng, hay Hoàng Cầm, ai về bên kia sông Đuống, cho ta gửi về tấm the đen… cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng. 


Anh ta reo lên “làng tôi đây! Cha mẹ tôi đây! Cuống nhau của tôi được chôn trong chỗ nào đây,..” anh ta chợt hiểu lý do tại sao chị anh ta, ngày nay là người thành đạt, đã bỏ ra trăm triệu để xây dựng lại. Mình cũng gửi tiền cho bà cụ để làm cổng cho làng sau khi viếng thăm quê nội lần đầu tiên. Anh ta lững thững đến trường, nếu không đi sơ tán, thì khi xưa anh ta đã học trường này. Con cái của anh ta cũng học trường này.


Suy nghĩ này, thầm thì bên tai mình và cô em, khi hai anh em viếng thăm quê. Nhìn em họ và vợ đi đổ bê tông, có cuộc đời ở làng khá chật vật. Thấy mấy người em phải đi Cửu vạn ở xứ người, để trả hiếu bố mẹ già ở quê. Cô em kêu may quá, du kích giết hụt ông cụ vì không theo Việt mInh. Họ bao vây nhà ông bà nội, đốt đuốc như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, kể qua bài Người Anh Vĩnh Bình. Ông cụ nhảy hàng rào hàng xóm, trốn thoát vào Nam. Nếu không hai anh em mình nay cũng đi làm ruộng, đổ bê tông như họ hàng. Chán Mớ Đời  ôi chao cảm động quá. Hai anh em ra mộ thắp hương cho ông bà và cảm ơn ông cụ đã trốn thoát nơi đây, giúp đời con cháu khá hơn. Hy sinh đời bố củng cố đời con. Ông cụ phải trả giá của ngày xưa bằng 15 năm trại cải tạo.


Anh ta đến nơi thì đúng lúc tan trường. Anh ta gặp một cô giáo đi sau các học sinh thì chào cô giáo. Cô giáo chào lại và tưởng anh ta là nhà báo về làng viết về ngôi trường mới được xây lại. Hăng hái trả lời.


Cô giáo cho biết: “cái bà bỏ tiền xây dựng cái trường này là dì ruột của cháu đấy. Bà ta tên Thắm, ở Sàigòn, nghe nói giàu lắm chú ơi nhưng mà… và nhúng vai rồi nói tiếp.


Bà ta bỏ trăm triệu ra mà sợ người ta ăn bớt vật liệu nên tự mình về quê tự xây trường. Gần 60 tuổi mà chạy xe máy ngược xuôi để kêu thợ thuyền, đi mua vật liệu… trong khi mấy cái mộ của dòng họ của cháu kia, xây cất sơ sài… cháu có một người anh chăn vịt, được đưa ra thành phố nhưng viện cớ là anh cháu nhậu nhẹt, say rượu,đuổi về thí cho triệu bạc. Giờ anh cháu chăn vịt lại hoàn chăn vịt. Chán Mớ Đời 


Còn cháu ? Người em hỏi.

Cháu thì bà xin cho vào trường sư phạm nhưng khi cháu tốt nghiệp thì bà ấy không chịu giúp, sợ mang tiếng. Bảo cháu về nông thôn mà rèn luyện.

Cuối cùng cô giáo nói: “nghe nói bà ta nay bệnh nặng đang nằm viện.. trời cũng có mắt nhỉ?”


Người em hỏi thế tiền bỏ ra xây trường thì cô giáo kêu là danh hão đấy mà. Người em chia tay cô giáo không dám nói đến thân thế của mình. Cậu ruột của cô ta. Mình về quê nội lần đầu tiên cũng chả biết ai là ai. Thiên hạ đến tự giới thiệu thì ghi nhận chớ không biết mô tê răng rứa chi cả. Sau này, về thường thì mới bắt đầu hiểu nhất là mình có nhờ người dịch và làm lại cái gia phả của dòng họ.


Về Sàigòn, anh ta vào bệnh viện thăm người chị, kể là có đi thăm ngôi trường do chị bỏ tiền và công ra xây. Đẹp lắm, mọi người trong làng ai cũng biết ơn chị.


Người chị quay đi, anh ta kịp thấy hai giọt nước mắt. Không biết chị ta tin người em hay đã biết những gì người ta kháo nhau ở làng. Những giọt nước mắt của chị là những giọt nước mắt hạnh phúc hay tủi hờn? Của lịch sử gia đình bị đấu tố, cha mẹ bị giết.


Khi xưa người Tàu, họ tru di tam tộc vì diệt cỏ phải diệt tận rễ. Các gia đình bị hàm oan, đâu tố, bị giết oan như cái cây bị chặt nhưng nhờ rễ to và mạnh nên từ từ đâm chồi mọc lại nhánh khác, cho trái quả ngon hơn xưa. Mình thấy rõ ràng ở vườn mình, chặt mấy cây to, để hai năm sau, cành mọc lại và cho trái rất to, khiến cô cháu không muốn bán vì thấy trái đẹp.


Bà đại gia về quê để làm từ thiện, xây dựng lại trường học cấp 1. Dù bố mẹ bị kết án và chôn sống, rễ của cây đại thụ vẫn tốt và vươn lên, con nhà đàng hoàng thì qua bao nhiêu bão tố, vẫn nở cái gốc rễ tốt, trở thành đại gia. Về già mình mới hiểu người xưa hay nói “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Con cháu của các người làm ác, hại người, khó có người đàng hoàng dám cho con lấy vì họ xem tông xem giống.


 Mình biết thằng con mình sẽ không bao giờ làm thiện nguyện tại Việt Nam nữa. Một lần nó sợ đến già. Nó về Việt Nam, tốn tiền mua vé máy bay để làm thiện nguyện, mong làm cái gì đó cho quê cha, đất tổ nhưng bị cán bộ và người Việt đối xử bất nhã, nó chỉ biết Chán Mớ Đời .


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn