4 năm đại học, một đời trả nợ

Sau đệ nhị thế chiến, các cựu quân nhân trở về từ chiến trường, chính phủ Hoa Kỳ ra đạo luật G.I. Bill, giúp cựu quân nhân, được mượn tiền đi học đại học, tạo dựng cuộc sống mới, có tương lai nhiều hơn. Nhờ học phí rẻ nên cựu quân nhân đi học thêm và tạo dựng giấc mơ Hoa Kỳ. Có bằng đại học, họ được lương cao, có cuộc sống khá hơn cha mẹ họ. Từ đó hình ảnh học đại học để thoát nghèo, vươn lên giai cấp trung lưu được sinh sôi nẩy nở trong xã hội Hoa Kỳ. Mình nghe mấy người Mỹ vào tuổi bố mẹ mình kể rằng lúc họ còn trẻ, nhà bố mẹ họ không có cầu tiêu trong nhà, phải đi ra ngoài và múc nước giếng để dùng,…

Hình ảnh giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) được phổ biến khắp thế giới trong cuộc chiến ý thức hệ với khối cộng sản. 1 gia đình mỹ sỡ hữu một căn nhà, một chiếc xe, tủ lạnh, máy truyền hình, điện thoại gắn trong nhà. Lái xe đi ăn hamburger ở MAcDonalds,…
Giấc mơ Hoa Kỳ và cuộc sống trong ác mộng Hoa Kỳ 

Từ tiểu học, học sinh đã được cấy vào đầu về giấc mơ Hoa Kỳ, theo đuổi mộng ước của mình Follow your Dream, để rồi sau khi tốt nghiệp đại học, chạm đụng thực tế. Bằng đại học được gọi là “bằng thừa”, phải kiếm việc làm vớ vẩn và trả nợ tiền đại học. Lúc đó mới gọi là Ác Mộng Hoa Kỳ.

Học hết trung học, người ta không hỏi đi học tiếp lên đại học hay không mà hỏi đại học nào, xem như học đại học là chuyện tất nhiên. Không ai nghĩ đến thay vì học chữ, học sinh có thể chọn một cái nghề để học, kiếm cơm sau này thay vì học chữ. Ở Âu châu, nếu không lầm, xong trung học đệ nhất cấp, thi trung học rớt thì chọn nghề, có trường lớp của chính phủ dạy ra làm thợ tiện, thợ ống nước,… ai học giỏi thì học tiếp lên đại học. Ở Hoa Kỳ, không có chương trình này, khiến giới trẻ không thích học chữ, chán nản, mất 3 năm học trung học đệ nhị cấp rồi không vô đại học. Mình có xem một chương trình đức ngữ, họ nói đến vấn đề này nên ở Đức có những trường huấn nghệ. Đà Lạt khi xưa, có trường dạy nghề này, gọi Lasan Kỹ Thuật.

Có sự ganh đua ở trường, để xem ai được nhận vào đại học danh tiếng, nên con cái từ bé đã phải theo chế độ học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, chơi các môn ngoại khoá như thể thao, đàn địch, tham gia công tác xã hội. Không phải vì sự đam mê của mình mà để lấy điểm, nộp vào đại học. Tạo dần thói quen con nít ở Hoa Kỳ làm gì cũng với mục đích, không phải vì cái tâm hay sự yêu thích của mình. Đi giúp đỡ người nghèo vô gia cư là để lấy điểm để vào đại học. Nhất là những ai theo các ngành y khoa, nha khoa…. Rất giả tạo.

Như mình đã kể, tổng thống Obama ký sắc luật; chính phủ liên bang cho mượn tiền học đại học khiến các đại học nổi tiếng hưởng được nhiều lợi lộc hơn và tăng giá học phí vì họ không sợ bị xù nợ. Cựu sinh viên có xù thì chính phủ vẫn trả cho họ và nhiều hơn. Hàng năm mỗi trường nhận đâu 10,000 tân sinh viên mà có đến 40,000 đến 50,000 đơn xin vào trường.


Cái mất dạy là họ nhận khá nhiều sinh viên cho các môn vớ vẩn còn nhận sinh viên học kỹ sư thì rất ít, xem như lấy tiền của sinh viên được nhận vào các môn văn khoa, xã hội để trả tiền cho mấy tên học kỹ sư.


Các sinh viên không được dạy về tài chánh cũng như bố mẹ, ham muốn cho con mình được vào trường đại học danh tiếng nên gồng mình để trả nợ. Miễn sao là có thể đội cái mũ hay bận cái áo, cho mọi người biết con tôi học trường này trường nọ. Họ lại quên là khi người ta biết con mình học trường này trường nọ là cho mình ngu, tốn tiền. Còn khoe có học bổng, tưởng được nhà trường cho $5,000 học bổng, nhưng họ lấy $50,000 như bớt 10% giá hữu nghị. Mình gặp nhiều người quen, cứ kêu con tôi được học bổng, quên nói có mấy trăm hay mấy ngàn, so với 5, 6 chục ngàn phải đóng mỗi năm.


Năm 2019, tờ Business Insider và công ty Morning Consult làm một cuộc thăm dò. Họ hỏi 4,400 người Mỹ có nợ đại học từ tuổi 22 đến 37. Cuộc thăm dò cho biết 44% cho biết tiền đóng đại học không đem lại lợi nhuận như họ mong muốn, phí tiền. 53% cho rằng xứng đáng. Những người nào còn đang trả nợ thì càng te tua so với những ai đã thanh toán xong nợ đại học.


Theo giáo sư Richard Vedder, đại học Ohio, tiền bạc và thời gian đầu tư cho văn bằng đại học, giảm bớt giá trị so với trước đây. Lý do là lệ phí gia tăng, quá tốn kém so với lương bổng khi ra trường. Điển hình 4 năm đại học đóng $80,000/ năm, 4 năm là $320,000. Nếu không đi học, dùng số tiền đó để cho vay 12%/ năm thì mỗi tháng được $3,200, thuế ít hơn là đi làm, mỗi năm được $38,400, tương đương với số lương ra trường với ngành vớ vẩn.


Mình có người cháu, học không thông suốt lắm, không học đại học đi làm rồi mở một công ty bán cái đồ lượm kít chó, nhập cảng từ Trung Cộng. Người Mỹ nuôi trên 70 triệu con chó, mỗi ngày phải dẫn chó ra ngoài để đại tiện 2 lần. Họ lười cúi xuống bốt kít chó để bỏ vào thùng rác nên họ nghĩ ra cái đồ lượm kít chó. Thằng cháu cứ mua về bán. Sau có người mua giá 9 triệu đô. Nó mua một căn nhà 1.8 triệu. Nay 30 tuổi thất nghiệp, đi lòng vòng chơi. Đang nghiên cứu xem có cái gì hay để mua bán lại. Cô chị và chồng cũng mua bán trên mạng, mới bán công ty nghe nói đâu 27 triệu. Mua nhà cho thuê. Nay 40 tuổi thất nghiệp cứ đi chơi khắp thế giới. Trong khi mấy người bạn của mình học chết bỏ, ra trường nha sĩ, y sĩ than không đi đâu được vì phải mướn người mà mướn người thì xem là lỗ vốn. Chán Mớ Đời 


Nếu bỏ $80,000 mỗi năm mua được một căn nhà, giá $500,000, cho thuê được $3,100/ tháng. Làm tính ra sao. Mỗi tháng đóng $2,216.91, thêm thuế địa trạch và bảo hiểm là $600/ tháng. Tổng cộng là $2,816/ tháng. Sau 4 năm nhà lên $700,000 là ngon đơ.

Giấc mơ Hoa Kỳ được xây dựng trên tự do và cơ hội. Ngày nay, nợ nần đã phá vỡ tự do và hạn chế cơ hội. Sinh viên tốt nghiệp ngày nay kiếm việc không ra, lại mang nợ đầy đầu. Họ phải cạnh tranh với khắp thế giới. Làm sao một kỹ sư mới tốt nghiệp, có thể cạnh với lương một kỹ sư ở Trung Cộng hay Ấn Độ. Công ty mỹ chỉ mướn một số kỹ sư ở Hoa Kỳ, còn bao nhiêu việc chính, họ mướn kỹ sư ở Ấn Độ, về hành chánh thì chỉ cần nhất điện thoại lên gọi Phi Luật tân, rẻ.


Federal Reserve Bank của New yOrk có làm nghiên cứu thì khám phá ra từ 2009 đến 2017, thời gian ông Obama làm tổng thống, nợ đại học của sinh viên gia tăng gấp đôi, nhờ luật của ông ta ký. Số lượng người Mỹ vào tuổi 27-30 làm chủ căn nhà suy giảm rất trầm trọng, giảm 35%. Hoa Kỳ trở thành một nước như ở Âu Châu, chỉ đi mướn nhà giúp chủ nhà giàu thêm, đời này qua đời sau.


Federal Reserve Bank kết luận là nếu không bị mắc nợ đại học, sẽ có thêm 360,000 người Mỹ sở hữu chủ một căn nhà. Thế hệ con cháu mình sẽ khó mua được nhà vì giá nhà lên như điên và ngày nay, ở Cali, người ta xây chung cư cho thuê nhiều hơn.


Năm 2017, sinh viên nợ đại học lên đến 1.4 ức đô la và 4 năm sau lên đến 1.6 ức đô la. Có cặp vợ chồng quen, chồng là nha sĩ, vợ là dược sĩ, kêu tụi em có một căn nhà khác nhưng không được ở. Họ muốn nói đến cái nợ đại học của họ, mượn tiền để đi học, nay phải đi làm còng lưng ra trả trong vòng 30 năm như mua một căn nhà. Cái mất dậy là tiền trả nợ đại học chỉ được khấu trừ thuế có $3,000/ năm.


Ai mà chậm trễ hay thiếu nợ chưa trả được thì sẽ gặp nhiều vấn đề như bị rút bằng lái xe, hay bằng thành nghề. NEw York Times có Loan tin 8,700 trường hợp bị rút bằng vì không trả tiền nợ đại học như trường hợp một cô y tá ở Nashville bị bệnh, không đi làm được nên không đóng tiền trả nợ đại học, bị rút bằng hành nghề y tá. Thế là ngọng. Không có bằng thì làm sao đi xin việc.


Người Mỹ trẻ đi học đại học để có một tương lai sáng sủa hơn nhưng nợ nần đã che khuất nẻo tương lai của họ. Có chị bạn chuyên giúp thiên hạ mượn nợ ngân hàng cho khách hàng, kể một luật sư mới ra trường muốn mua một căn nhà nhưng có cái nợ đại học gần $300,000 nên ngân hàng từ chối. Mình có thằng cháu ra trường nha khoa với cái nợ $500,000. Vợ là y tá nhưng chưa mua được nhà.


Ông Biden ra tranh cử với khẩu hiệu xoá nợ cho sinh viên khiến mình nhớ đến trường hợp bà Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ ra tranh cử tổng thống cũng lên tiếng xoá nợ cho sinh viên. Chương trình của bà ta là xoá $50,000 tiền nợ đại học cho những gia đình nào có lợi tức dưới $100,000 trong khi ông Sanders thì xoá nợ hết, bất chấp lợi tức. Hoan hô chủ nghĩa cộng sản. Chỉ cho ai theo cộng sản đi học, còn thì đi cuốc đất.


Khi đang tranh cử ở Iowa, bà Warren được một cử tri đến hỏi. Con gái tôi mới xong đại học. Tôi để dành tiền để trả học phí cho con gái tôi. nay nếu bà cho xoá nợ vậy tôi có được hoàn tiền lại không. Bà Warren nói không. Ông ta nói, vậy bà chỉ xoá nợ cho những người không tiết kiệm còn những người chân chính, lương thiện như tôi thì ăn cám. Bà thượng nghị sĩ không có câu trả lời cho ông cử tri này. Hoan hô thế giới đại đồng. Người tiết kiệm đóng thuế nuôi người tiêu xài. Chán Mớ Đời 


Năm 2021, đảng dân chủ làm áp lực để ông BIden ký sắc lệnh xoá nợ cho mọi sinh viên, ngay cả ông Schumer chủ tịch thượng viện nhưng bà Pelosi, chủ tịch hạ viện lên tiếng là ông ông Biden không có quyền. May là bà này chống lại áp lực nếu không thiên hạ tha hồ mượn tiền đi học rồi không trả. Rồi họ mượn đủ thứ, bầu cho đại biểu quốc hội làm luật xù nợ hết và Hoa Kỳ trở thành phá sản.


Giá cả của nền giáo dục đại học quá cao. Các đại học tìm cách chiêu dụ sinh viên bằng cách xây đủ thứ trò. Thậm chí qua vụ Covid, sinh viên phải học ở nhà, phải đóng tiền đủ thứ cho đại học dù không được sử dụng như hồ bơi,… trong khi mấy người bỏ đại học như ông Bill Gates, Steve Jobs lại trở thành tỷ phú.


Năm 2020 đại học Temple Fox School of Business and Management bị phạt $700,000 vì đưa tin tức giả để giúp được lên hạng trong U.S. News World Report. Hàng năm, phụ huynh rất quan tâm và đọc bản báo cáo này để chọn đại học cho con mình.


Mình nghĩ nếu làm lại thì có lẽ mình sẽ cho mấy đứa con về Pháp học đại học. Các đại học có các lớp bằng anh ngữ cho các dân khác trong Liên Hiệp Âu Châu. Bên tây học không phải đóng tiền. Nghe anh bạn ở Ý Đại Lợi kêu có người cháu sang du học. Năm đầu thì đóng năm sau thì chính phủ Ý Đại Lợi cho học bổng luôn, không như thời anh ta đi học, chả được một xu. Mình thì may mắn được học bổng của chính phủ Pháp nên qua cầu được.


Vấn đề là học bên tây chỉ cho rớt một năm. Rớt thêm một năm là ra cửa. Mình có hai đứa cháu đều được nhận vào đại học Pennsylvania. Mình chúc mừng vợ chồng cô em nhưng thương cô em sẽ phải cày 2 job để củng cố đời con vì không được học bổng gì cả. Con mình được nhận vào trường danh tiếng là mình rầu. Nói học hai năm đại học cộng đồng, rồi xin vào trường lại nhưng chúng đâu chịu. Chán Mớ Đời 


Mình thì thấy học thầy không bằng tự học. Những gì mình học ở trường chả giúp gì mình cả, chỉ những kiến thức mà mình tự học sau này mới giúp mình thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn