Tiên học phí hậu trả nợ

Có chị bạn kể bà chị hy sinh đời mẹ củng cố đời con, đi làm công nhân, lấy tiền hưu trí để trả tiền cho cô con gái học đại học. Nay cô ta lấy chồng mỹ trắng nên cảm thấy mắc cỡ vì mẹ mình nói tiếng anh bồi với gia đình chồng. Chán Mớ Đời 

Mình nghĩ chỉ có người á đông mới làm kiểu này, hy sinh đời bố củng cố đời con, hy vọng sau này, về già con cái sẽ nuôi mình. Đến khi đọc báo Wall Street Journal, khám phá người Mỹ, tương tự hy sinh đời bố củng cố đời con. Nhiều người lấy quỹ hưu trí của mình để trả tiền cho con đi học mà nay đã qua tuổi hưu trí vẫn tiếp tục đi làm những việc tay chân để tiếp tục trả nợ cho con hay nợ đại học của mình. Không nên làm như vậy ở xứ này. Như thể bán lúa giống để nuôi con học đại học. Con học xong thì mình hết lúa giống. Xong om.

Con họ học mấy ngành vớ vẩn tốn tiền, ra trường không kiếm việc được hay làm nghề vớ vẩn, lương không đủ sống thì sao có thể giúp họ trả nợ. Ở đời có hai cái đầu tư lớn nhất là đi học kiếm cái nghề và mua căn nhà làm tổ ấm. Thường chúng ta không hiểu rõ, nên cứ nghe bạn bè, trường học quảng cáo nên chạy theo. Học ra cử nhân, kiếm không được việc, chúng lại kêu học cao học lại tốn thêm tiền. Học cao học thì không nhận được tài trợ chính phủ. Ra trường các ngành như y khoa, nha khoa còn kiếm tiền được để trả nợ còn các ngành khác thì ngọng. Nha khoa hay bác sĩ mà không chuyên khoa thì lương cũng không cao. Học chuyên khoa thì lại thêm tiền. Thằng cháu mình ra nha chuyên khoa về nha khoa, nợ gần nữa triệu đô. Chán Mớ Đời 


Báo cho biết là người Mỹ, mượn tiền đi học đại học vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, sau 30 năm vẫn chưa trả hết. Theo công ty Trans Union, trung bình họ mượn $33,800/ người. Có đâu trên 40,000 người Mỹ, về hưu, tiền an sinh xã hội của họ bị khấu trừ bởi những cái nợ họ mượn để học đại học. Tưng bừng lãnh bằng, âm thầm trả nợ.

Khi con mình lên lãnh bằng đại học, mình chỉ nghĩ về cái nợ của chúng phải trả, không tự hào gì cả. Chúng không nghe mình. Thay vì học 2 năm đại học cộng đồng, mẹ chúng cứ kêu được nhận vào trường danh tiếng nên cho học luôn, phải mượn nợ thêm 2 năm. Được cái là chúng chỉ mượn 25% học phí, còn thì được chính phủ trả vì con nhà thuần nông.

Họ đơn cử một trường hợp, một giáo sư trung học suốt 32 năm trước khi hưu trí. Khi con gái được chấp nhận vào đại học tư danh tiếng, rất đắt tiền, hai vợ chồng mượn nợ Parents Plus Loans. Vài năm sau, người con trai cũng được chấp nhận vào trường đại học khác. Họ lại mượn thêm nợ để cho con đi học.


Nay hai vợ chồng ly dị nhưng đều mắc nợ chung hơn $136,000 nợ đại học của con. Phải trả $1,100/ tháng sau khi trừ thuế và bà vợ trả $800/ tháng. Nhà cửa về lâu, cần phải sửa chửa nên ông ta phải ngưng hưu trí để đi làm lại, hầu có tiền để trả nợ cho đến khi nào ông ta đúng 80 tuổi.


Hiện nay, theo Consumer BAnkrucy Project, tỷ lệ người Mỹ trên 65 tuổi, khai phá sản đang gia tăng. Người ta có thể xù nợ thẻ tín dụng, nợ xe,… nhưng nợ mượn học đại học thì không bao giờ được xù khi khai phá sản, tương tự tiền trợ cấp cho vợ con ly dị. Do đó nợ này luôn luôn như hình với bóng đến cả đời. Ở Hoa Kỳ, có hai điều không nên làm; ly dị và trả nợ đại học cho con. Đừng bao giờ để vợ hát: “anh còn nợ em 3 tháng tiền nhà, ba còn nợ con tiền child support, anh còn nợ em…”.


Tiền học phí đại học ngày nay gia tăng nhanh hơn lạm phát. Học đại học ngày nay quá đắt nên ai đi học, đa số phải mượn tiền nợ để đi học, nhất là khi đi học về chuyên khoa như y khoa, nha khoa, luật khoa là xem như ra trường nợ ít nhất $300,000. Có anh bạn kể cô con gái mới tốt nghiệp y sĩ, anh cho biết nuôi cô ta ăn học mất cả triệu đô, nay phải mua một phòng mạch cho cô con gái nữa. Mình nghe đến là lạnh người, may là mấy đứa con không muốn học lên cao. Con nhà thuần nông, không học cao nổi.


Họ tính nuôi một đứa con tại Hoa Kỳ tốn từ khi đứa bé ra đời xong trung học là độ $300,000. Vớt thêm cái đại học nữa là ngọng. 4 năm $80,000 = $320,000 thêm 3 năm chuyên khoa nữa là đúng 1 triệu, thêm tiền ăn ở bú xua la mua.


Có cách hay nhất khi con đi học đại học. Để con mình mượn nợ, thay vì mình lấy tiền hưu trí để trả tiền học phí cho con, mượn tiền hưu trí của mình, đặt cọc mua căn nhà gần trường đại học. Để con mình ở khi đi học, cho thuê các căn phòng khác để lấy tiền đóng tiền mượn ngân hàng. Khi con học xong, bán căn hộ hay nhà, lúc đó giá nhà lên cao, lấy tiền lời trả hết món nợ con mượn đi học. Mình không thực hiện được vụ này vì nhà cali quá cao. 


Khi thằng con vào UCSD thì đúng lúc có vợ chồng anh bạn, mua nhà cho con ở đi học, nay con học xong thì mình kêu bán cho mình. Họ quên là để thêm tên con của họ, sở hữu căn nhà thì sau khi ra trường, đứa con bán thì tiền lời sẽ được khấu trừ $250,000 nên không phải đóng thuế. Mình đề nghị mua với điều kiện họ cho vay lại. Họ không phải đóng thuế tiền lời. Mình mới mua một khu thương mại với gái 4.1 Triệu, chủ bán cho vay 3.2 triệu để khỏi phải đóng thuế.


Đồng chí gái nhảy vào kêu không buôn bán gì với bạn bè cả. Đây là mình giúp hai bên được lợi nhưng mụ vợ là lãnh đạo nên phải tuân theo. Thằng con học mấy năm phải share phòng nhỏ xíu, trả $1,500/ tháng. Năm ngoái, anh bạn kêu thằng con nay học y khoa xong về thực tập ở San Diego, muốn mua nhà mà đắt quá. Phải chi cách đây 10 năm, bán cho mình thì nay mình bán lại với giá hữu nghị. Chán Mớ Đời 


Con gái đòi học USC , trường học đắt tiền nhất Hoa Kỳ, đồng chí gái nhất trí với con gái, mình chạy kiếm nhà để mua ở gần trường. Hỏi ra nó chỉ học ở Hoa Kỳ có một năm còn 3 năm kia là đi Âu. Châu và á châu học. Thế là ngọng, không thực hiện được giấc mơ học đại học Hoa Kỳ, không phải trả tiền.


Có đạo luật mang tên Bankrupcy Abuse Prevention and Consumer Protection Act of 2005 (BAPCTA) được ra đời trước khi khủng hoảng tài chánh 2008. Các ngân hàng chuẩn bị trước, không muốn bị thiên hạ quỵt nợ nên lobby cho ra đời cái luật này. Các cơ quan cho vay tiền lobby các đại biểu quốc hội để cản trở mọi người xù nợ, mượn của họ và được ông Bush con ký. Khi tốt nghiệp, bắt đầu trả tiền nợ thì người Mỹ gửi tiền cho những công ty “Loan servicing” như Navient, FedLoan, Sally Made,.. các công ty này được trả tiền để lấy tiền của người mượn nợ nên chả để ý gì cả về hoàn cảnh của người mượn nợ. Họ chỉ muốn lấy tiền để làm tiền. 


Năm 2010, tổng thống Obama ký luật chính phủ liên bang, bảo kê các vụ mượn tiền để đi học. Đạo luật này giúp đại học tăng học phí vì họ biết chắc chắn sẽ được chính phủ trả, không như xưa. Tương tự ngân hàng cho vay nợ mua nhà rồi vài tháng sau bán cái nợ cho chính phủ. Các đại học tha hồ tăng giá học phí nhất là các sinh viên ngoại quốc xin vào học và trả học phí rất cao. Các đại học, không nhận hay hạn chế nhận sinh viên của tiểu bang để nhận sinh viên ngoại quốc hay ngoài tiểu bang vì có thể lấy thêm tiền tối thiểu $20,000/ năm.


Được biết mỗi năm có đến 270,000 sinh viên du học từ Ấn Độ, 300,000 từ Trung Cộng, chưa kể mấy nước khác. Mỗi sinh viên ngoại quốc đóng $80,000/ năm. Kỹ nghệ giáo dục của Hoa Kỳ rất lớn và họ quảng cáo kinh hoàng. Đến viếng trường, khi con mình được chấp nhận, họ mời gia đình ăn uống sang trọng khiến mình, nông dân như mình cảm thấy tốn tiền, còn con và vợ mình thì thích lắm. Có cặp vợ chồng bạn, con muốn đi học tiểu bang khác, đóng $80,000/ năm. Kinh


Mình khi xưa, học trường kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới, làm việc cho các công ty kiến trúc danh tiếng thế giới từ Âu châu sang Hoa Kỳ, rồi cũng làm nông dân nên nghĩ học trường nào, miễn có kiến thức 1 chút rồi đi làm nông dân. Khoẻ đời.

Sinh viên cũng như bố mẹ ít ai hiểu rõ về mượn tiền đi học nên cứ nhắm mắt ký đại vì đã được nhận vào trường. Mình muốn con mình học 2 năm đại học cộng đồng, sau đó xin chuyển trường vào đại học danh tiếng. Xem như tiết kiệm được 2 năm học phí vẫn được tốt nghiệp đại học danh tiếng. Vấn đề là khó nói chuyện hay bàn vụ này với đồng chí gái hay con. Con mình đi học 4 năm, 3 quốc gia, đi viếng 14 quốc gia. Chỉ biết móc túi trả tiền, chỉ biết khóc cho vơi đi những nợ nần, đời cha đấy, không cần dĩ vãng, chỉ cần trả nợ cho con.

Có một bà mỹ kể là về mặt tài chánh bà ta có thể về hưu thoải mái nhưng một người bạn, ly dị. Mất nhà mất việc, ông chồng không chu cấp, lại dính cái nợ đại học trên $150,000. Bà ta sống với bố mẹ. Nay bố mẹ phải vào viện dưỡng lão nên phải bán nhà. Bà ta không có chỗ nào để ở nên năn nỉ cho bà về ở chung.


Vào tuổi 60 mà vẫn còn nợ $150,000 đại học. Tại sao bỏ một số tiền đi học vớ vẩn. Nếu để học ngành về kỹ thuật hay y khoa, nha khoa thì còn hiểu vì có khả năng làm tiền nhiều sau này. Mình nói chuyện với hai vợ chồng nha sĩ và dược sĩ quen trước khi lấy vợ. Họ nói tụi em có một căn nhà mà không được ở. Họ muốn nói đến mấy cái nợ họ mượn để học dược khoa và nha khoa tương đương nợ một căn nhà tại Cali. Trả 30 năm. Mình có thằng cháu tốt nghiệp nha khoa, nợ gần nữa triệu đô la. Chán Mớ Đời 


Có cặp vợ chồng quen, con được vào trường ở Seattle, là người ngoài tiểu bang nên phải trả thêm $20,000, khiến tiền học lên $80,000/ năm. Nay phải mua một căn hộ để sang năm có thể kêu là người của tiểu bang để bớt $20,000 cho mỗi năm còn lại. Kinh


Số báo Wall Street Journal tháng 7, 2021, cho biết các sinh viên đại học Columbia ở New York, về điện ảnh, mắc nợ trung bình mỗi người $181,000. Ra trường phân nữa tốt nghiệp có lương bổng đâu $30,000. Có một sinh viên mắc nợ đến $360,000, được một việc làm ở HOllywood, với lương $50,000/ năm. Thợ mình làm tối thiểu $200/ ngày, nhân 20 xem như làm $4,000/ tháng hay $48,000/ năm. Còn thợ mộc chính thì $350/ ngày, xem như $70,000/ năm. Chả học hành gì cả.

Tại sao phải ghi danh học đại học để mắc nợ. Vì muốn chứng tỏ mình xuất thân đại học danh tiếng. Cái tiếng nó kèm với cái nợ, càng danh tiếng càng nợ nhiều. Mình có mấy người bạn tốt nghiệp đại học danh tiếng Hoa Kỳ nhưng đa số không thành đạt lắm, mắc nợ đủ trò.


Mấy người thành đạt mình quen đều học chưa xong trung học. Nhớ có tên quen, người Phi luật tân kể, đời sinh viên hắn chỉ có một ngày. Vào lớp đầu tiên, giáo sư kêu phải học hành chăm chỉ, vào lớp vì ông ta ghi danh, làm bài tập,… hắn hỏi nếu tôi theo lời giáo sư thì chừng nào mới được lãnh lương một triệu đồng một năm. Ông giáo sư ngọng. Ngay ông ta làm chưa đến $100,000/ năm dù có tiến sĩ, cách đây 30 năm rồi. Thế là hắn bỏ học đại học, và tự hào đã quyết định đúng. Lúc mình gặp hắn, độ 35 tuổi mà đã làm $300,000/ năm đi buôn bán, cách đây 25 năm.


Đa số sinh viên đâu biết gì về tài chánh nên cứ nhắm mắt ký giấy nợ, lòng tự hào được vào đại học. Học điện ảnh, ai cũng mơ trở thành đạo diễn danh tiếng nhưng một triệu người mới có một người như Francis Coppola. Mơ rất tốn tiền. Cái mất dậy là họ cứ rao rãi kêu “follow your Dream, live your nightmare”. Chán Mớ Đời 


(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn