Paris và Đà Lạt có gì lạ không em?


Hôm qua đọc bài của ông KHiêm Đổ về người Hồi Giáo lấy được 4 vợ khiến mình nhớ đến mấy người hồi giáo quen. Ở Paris khi xưa, có ông thần người phi châu, mướn phòng ô sin, bên cạnh phòng mình nên hay đụng chạm vào buổi sáng khi đi vệ sinh. Ông ta đi làm nên có sắm được một cái máy truyền hình nên lâu lâu có đá banh, ông ta hú mình qua phòng xem.


Để giải thích cho những ai chưa bao giờ sinh sống tại Pháp. Thời Napoleon đệ III, có ông baron nam tước tên Haussmann, được giao phó kiến thiết Paris lại.


Khi xưa, nhà cửa Paris rất lộn xộn, đường phố ngoằn ngoèo như cái làng, không có cống rãnh gì cả. Nước thì chỉ có máy phông tên hay giếng. Lúc cách mạng 1789 nổi lên, quân của vua, lúc đó chưa có cảnh sát cơ động. Lính rượt bắt các người dân biểu tình thì họ trốn trong các khu xóm nên ngày sau lại ra đường làm baricade rồi dẫn đến phá ngục Bastille, đưa vua Louis 16 và bà vợ Marie Antoinette, thích chăn dê, vắt sữa để thợ vẽ tạo dáng, toả nắng, lên máy chém. 


Người pháp đặt tên máy chém, tên ông bác sĩ tên Joseph Ignace Guillotin nên người Pháp gọi máy chém là “la guillotine” dù ông này không phải là người sáng chế ra cái máy giết người nhanh nhưng đã đề nghị sử dụng máy này để nói lên tình yêu thương của cách mạng, đã biến mọi tử tù đều bình đẳng, không như xưa kia, thời quân chủ, chết phải theo giai cấp.

Các chung cư ở Paris được xây cất từ thời Napoleon đệ tam, sử dụng cái mái nhà do kiến trúc sư Mansard thiết kế, gồm 2 mái, giúp sử dụng được lầu chót. Mỗi cửa sổ là một căn phòng ô sin. Mái góc 60 độ nên trong phòng bị vướng khúc này nên chả làm gì được, hạn chế không gian lại. Mình hân hạnh sống trong căn phòng ô sin được 8 năm khi đi học tại Paris.

Ông Guillotin, bác sĩ nhưng sau này lái vào chính trị. Ông ta đề xuất 1 kiến nghị Cách Mạng nên khoan dung, không muốn tử tội phải chịu nhiều đau đớn khi bị hành hình nên dự thảo một đạo luật và được quốc hội biểu quyết. Sau khi cách mạng thành công lật đỗ chế độ quân chủ thì các người khởi xướng cuộc cách mạng bị thanh trừng mà người Pháp gọi thời đại này “La terreur”. Nhớ khi xưa, học lịch sử tây với ông tây. Ông ta say sưa, phun nước bọt vào mặt mình khi nói về Robespierre, Danton,.. cách mạng tháng 7, 14 juillet mà người Việt khi xưa ở Đà Lạt hay kêu lễ cặt-to hui-dê khiến mình chới với, phải nghe đi nghe lại đến khi học lịch sử cách mạng pháp mới giác ngộ cách mạng là quatorze juillet. Tương tự đường Duy Tân khi xưa, họ gọi đường ma-ri-xanh-phúc. Đến khi qua tây mình mới vỡ lẽ là đường Maréchal Foch. Chán Mớ Đời 


Thậm chí tác giả bài La Marseillaise, được sử dụng trong cuộc tranh đấu lật đỗ chế độ quân chủ, Rouge de Lisle, cũng được máy chém này liếc cổ. Không nghe ông ta trước khi bị chém đầu hát Allons enfants de La Patrie, le Jour de gloire est arrivé. Do đó mình thấy ông Văn Cao bị đì, thì thấy ông ta còn may mắn hơn ông tây, làm bài hát mà người Pháp phải hát khi chào cờ cũng như mình khi xưa còn bé học Yersin, chào cờ tam tài rồi đến chào cờ Việt Nam Cộng Hoà.


Thời đại quân chủ, các tử tội được chém đầu bằng nhiều cách; giới quý tộc thì được đao phủ thủ chém đầu bằng cái kiếm, thường dân thì bằng cái búa, còn tử tội chống phá nhà vua, thế lực thù địch thì bị phanh thây. Còn ai chống phá nhà thờ thì bị thiêu đốt, ăn cắp thì treo cổ, làm tiền giả thì bị quăng vào chảo lò làm pot-au-feu. Kinh


Có một ông bác sĩ khác tên Antoine Louise với tinh thần lương y như từ mẫu, không muốn tử tội bị đau đớn lìa đầu, khi bị chém nên sáng chế ra cái máy chém. Khởi đầu ông ta thử chém mấy con cừu vì người Pháp thích ăn đầu cừu và người đầu tiên hân hạnh mở hàng cái máy chém của ông ta sáng chế tên Nicolas Jacques Pelletier, 1 tên ăn cắp đồ của cách mạng vào ngày 25 tháng tư năm 1792. Dân ăn cắp tại xứ đạo Hồi là bị chém tay, khỏi ăn cắp nữa. Xong om còn dân tây khi xưa, là chém cổ luôn.

Máy chém do ông bác sĩ André Louise sáng chế nhưng lại được thiên hạ đặt tên theo bác sĩ Guillotin vì ông ta ra đạo luật, giúp tử tù bị hành quyết nhẹ nhàng êm ái. Ở tây mình chưa bao giờ gặp ai mang tên guillotin cả. Chắc tuyệt tự vì nghe đến cái tên là cha con hết dám lấy, cứ sờ sờ đến cái cổ.

Khi máy chém này được sử dụng thì nhà báo kêu là máy guillotine, lấy tên của ông Guillotin, vì máy là giống cái nên họ thêm “e” vào. Xong om. Cứ tưởng tượng khi cách mạng nổi lên, họ đem người ra chém. Tên đao phủ đâu có thì giờ như tên đao phủ của ông nGuyễn Tuân, mài đao đêm trước cho bén, rồi phun rượu vớ vẩn. Cách mạng xử tử trên 30,000 người ở Paris. Đao mòn, chặt đầu chưa đứt, phải làm thêm vài nhát hay đao phủ phải xin lỗi tử tù, đợi tao đi mài đao, rồi quay lại chém tiếp. Chán Mớ Đời 


Ông Guillotin phản đối cũng như ông Louise kêu tui sáng chế cái máy, sao không dặt tên tui, để lấy bằng sáng chế, mỗi lần sử dụng được tiền huê hồng. Ông bác sĩ này kêu ân hận nhất đời ông ta là đề xuất kiến nghị dùng máy chém khiến nhà văn Victor Hugo kêu: « Il y a des hommes malheureux. Christophe Colomb ne peut attacher son nom à sa découverte ; Guillotin ne peut détacher le sien de son invention. »


Đang viết tới đâu rồi. À nam tước Georges-Eugène Haussmann. Mình kể chuyện nhưng có cái bệnh hay chú thích, rồi quên đang viết cái gì. Đâu phải ai cũng ở Pháp nên phải chú thích như chuyển ngữ cho bạn bè chưa bao giờ sang tây hiểu 1 tị. Ông thần này mới cho phá bỏ nhà cửa, các khu xập xệ trong Paris, và xây các đại lộ, mà ngày nay có một đại lộ mang tên vị nam tước này. Nếu mình không lầm, có đại lộ mang tên ông nam tước này gần nhà hát Opera. Ông ta chỉ cho phép xây 6 tầng lầu thôi, nghĩa là 7 tầng vì tầng trệt người Pháp gọi là Rez-de-chausée và mái nhà. Lý do các đại lộ là để khi có người dân nổi loạn thì lính có thể đem cà nông ra đặt bắn cho quên hết nhục hình. Từ đó hết có vụ nổi loạn ở Paris đến năm 1968. Thời đó chưa có xe hơi, chỉ có xe ngựa, thả kít đầy đường, đầy phố Paris như sau này toàn là kít chó.


Có một ông kiến trúc sư tên Mansard, đột phá tư duy biến cái mái nhà thêm một tầng nữa, và thêm cái cửa sổ nhỏ nên người Pháp gọi là “mansarde”. Thay vì bỏ không gian trống, nay các tay đầu tư có thêm một tầng. Họ chia ra thành các phòng nhỏ, bán cho các chủ nhân mấy tầng dưới để họ cho người giúp việc ở trên lầu. Từ đó mới có từ ngữ “chambre de Bonne”, mình tạm dịch là phòng ô-sin, bản quyền của Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen.


Sau này, thời mình học ở Paris, các gia đình pháp đa số không có ô-sin. Chỉ có gia đình nào giàu có thì mướn ô-sin rẻ từ Tây Ban Nha hay Bồ Đao nha, nghèo nên chạy qua Pháp làm việc như mấy người việt mình ngày nay sang Đài Loan, Hàn quốc,… mình có bà hàng xóm làm ô sin từ Tây Ban Nha đến. Một hôm thấy mình giặt quần áo trong mùa đông, lạnh buốt tay chân nên thương tình kêu để tao đem xuống nhà chủ dùng máy giặt dùm. Đời mình có nhiều người giúp đỡ lắm. Quý nhân không. Nếu không chắc không tốt nghiệp được.


Không có ô sin thì họ cho sinh viên nghèo mướn như mình hay ông thần hàng xóm, công nhân ở. Mỗi căn phòng độ 2 mét chiều ngang và 3 mét chiều dọc, xem như chưa tới 6 mét vuông, lại kẹt cái cửa sổ và mái nhà nghiên 60độ nên rất nhỏ. Chỉ đủ kê một cái giường đơn và một cái bàn, không có lò sưởi gì cả, không có lavabo. Ai nói trời mùa đông lạnh, nướng cục gạch bỏ vào chăn là hơi khiêm tốn vì không có lò sưởi thì sao nướng cục gạch. Phải ở mấy tầng dưới của dân giàu mới có lò sưởi, đốt than.

Hình đăng trên bài của ông Khiêm Đổ, thế kỷ trước, người ta đốt lò sưởi bằng than đá. Cầu thang này rộng chớ cầu thang của phòng ô-sin là đi phía sau, hình xoắn ốc, bề ngang chỉ có 60 phân. Mỗi ngày mình đi lên ít nhất 2 lần. Sáng 6 giờ sáng dậy, chạy bộ ở Bois de Boulogne vì ở gần Jardin d' acclimatation, métro Sablons. Nay kể lại thì phải công nhận đẹp thật nhất là mùa thu, lá vàng rơi bay bay khi chạy bộ hay mùa đông tuyết rơi. Cuối tuần thì ở lại đá banh với tây. Ước chi được trở lại một lần.


Cái phòng đựng quần áo của đồng chí gái ngày nay còn to hơn cái phòng ô-sin của mình khi xưa. Muốn đi vệ sinh thì phải bò ra hành lang, có một phòng vệ sinh gồm có cái cầu tiêu như ở Việt Nam, ngồi chồm hổm và một cái vòi nước để lấy nước nấu ăn, tắm gội hay giặt áo quần. Cuối tuần, đại học đóng cửa nên không có tiệm ăn, mình mua gạo về nấu cơm với cái lò ga cắm trại. Khui hộp cá mòi và xịt nước mắm.


Ông hàng xóm mình hay đụng nhau ở nhà vệ sinh nên trở thành quen. Mỗi lần buổi sáng ông ta đi vệ sinh trước thì gõ cửa phòng mình 3 cái để báo hiệu là đã đi trinh sát mặt trận xong xuôi, mình có thể thả bom. Mình bận áo manteau chạy ra cho lẹ vì sợ mấy người ở cùng dẫy vào cắm dùi ở trong. Tương tự khi mình đi trước thì gõ cửa ông ta. Paris có gì lạ không em? Với mình, Paris là cái lạnh buốt giá, sáng bận áo quần ấm, ngồi chồm hổm, lạnh quá Tào tháo trốn mất tiêu. Kinh


Đến tháng 8 ông ta đi về xứ, nghỉ hè 1 tháng rồi vác sang bà vợ với 3 đứa con. Thế là chính phủ pháp cho họ một căn hộ miễn phí ở Saint Denis. Lâu lâu ông ta hú mình một tiếng có sinh nhật con cháu gì đó. Cứ hai năm ông ta về xứ, vác thêm một bà vợ bé sang, ở chung, lại được chính phủ Pháp cho một căn nhà to đùng để chứa 3 bà vợ và mấy đứa con. Trước khi rời Paris, mình nhớ ông ta thỉnh 3 bà vợ bé từ quê hương sang, con lên đến 7, 8 mạng gì đó. Theo Koran, thì người đàn ông có thể cưới 4 bà vợ, với điều kiện là lo cho vợ được hết, để tránh nạn người đàn ông làm ma-cô, lấy vợ nhiều về, bắt vợ đi làm nuôi mình. Đây chính phủ pháp nuôi nên cứ cưới và đẻ vô tư.


Vợ ông ta không phải đi làm vì Chirac cho mỗi đứa con bao nhiêu không nhớ nữa. Có lần mình hỏi làm sao mà quán xuyến được mấy bà cũng một lúc. Ông ta nói, mấy bà ghen con vợ cuối thôi. Chính phủ pháp cho tiền thì ông về xứ lấy vợ tiếp, cấy tạo nòi giống cho tây. Họ lại muốn bảo vệ văn hoá của người di dân nên cho phép đem mấy vợ. Dạo ấy chính phủ pháp biết là sẽ có vấn nạn dân số trong tương lai nên khuyến khích người Pháp đẻ thêm con và được cấp dưỡng thêm và tiền thưởng. Dân da trắng thì không đẻ, còn dân di dân thì đẻ như gà công nghệ. Nay Ý Đại Lợi được xem là 50 năm nữa là tuyệt giống nhưng họ cương quyết không chịu cho nhập cư người da màu, vì không muốn biến xứ họ thành một xứ pháp thứ 2.


Nhớ có lần mình trở lại thăm mấy người bạn ở Munster, có phô mát nổi tiếng cực thối của pháp, thì khám phá ra các cô đầm ở tỉnh nhỏ này đều lấy hay có bồ công nhân đến từ phi châu. Lý do là trai làng hay tỉnh nhỏ bỏ ra Paris lập nghiệp, các cô con gái thì bố mẹ ngại nên ở làng thì đâu có thằng tây nào, chỉ có mấy ông thợ di dân từ phi châu sang. Về âu châu thấy đường phố Paris, khác với thời mình ở. Gặp người da màu nhiều hơn là tây da trắng, tương tự ở Anh quốc cũng vậy. Thủ tướng xứ này là người gốc Ấn Độ là biết tình hình ra sao.


Vòng vo đa thê ở xứ tây mới đến câu chuyện mình muốn kể. Chán Mớ Đời à chuyện đa thê của người Hồi Giáo và người Việt.


Ở Việt Nam, trong xóm mình, có 2 ông lấy hai bà vợ sống chung. Trên đường Thi Sách có một gia đình người Huế, ông chồng thấp thấp mà có đến hai vợ. Cứ lâu lâu, bà Lớn bà Nhỏ choảng nhau vì ông chồng không nộp thóc đúng kỳ hạn. Con của hai bà nhảy ra bênh mẹ nên mình mới hiểu tình yêu như nắng, khiến hai bà nóng quá la hét một góc trời. Thường thì ăn cơm tối xong thì mới có màn đối choại, ai lên giường ông chồng vì không muốn hát đừng xa em đêm nay cả. Sau này ông ta đi công tác ở Nha Trang, vác một cô bé, 18 tuổi, nhỏ tuổi hơn con ông ta về, với một cái bầu. Bà Hai dọn về Sàigòn với mấy đứa con. Xóm hết nghe Hán Sở tranh hùng nữa.


Ông kia người bắc, lấy bà vợ không chịu sinh con đẻ cái nên kêu cô em mình lên giường với chồng. Cô em thì tuổi gà, thuộc dòng dõi Âu Cơ, đẻ như gà công nghệ, 1 loạt 4 người con gái khiến hai chị em lo lắng. May thay có một quý tử ra đời rồi đến cô con gái út hơn mình 2 tuổi. Gia đình xum huề ở Nha Trang, hai chị em đóng một cái giường hoàng đế để tối tối ngủ 1 chồng hai vợ. Tưởng vui vẻ đến bạc đầu theo chủ nghĩa “tình chị con em”. Mấy người con gọi bà vợ đầu là Mẹ, còn bà em là Đẻ vì sinh ra họ.


Ai ngờ bà Ngô Đình NHu lên, ra đạo luật cấm 2 vợ thế là cô em khăn gói lên Đà Lạt với mấy người con, còn ông chồng, công chức sợ bị xếp trên kêu hủ hoá, hai vợ, ở lại Nhà Trang. Lâu lâu mình thấy hai vợ chồng lên Đà Lạt thăm con. Bà chị gầy hơn, cũng răng đen như cô hàng xén của Hoàng Cầm.

Hình chôm trên mạng, hai chị em hàng xóm thì răng đen như cô hàng xén của HOÀNG CẦM

Mình có nhiều kỷ niệm với gia đình này. Lý do là họ ở lâu nhất trong xóm. Lúc còn bé, cô con gái thứ 2 sinh con, bà mẹ cứ đem cái cốc. Sang nhà mình buổi sáng, kêu thằng cu đâu, ra đây cho bà bảo. Mình sáng ngủ dậy, bận quần xẻ nên vạch chim kê vào cái cốc rồi như được cài đặt Bluetooth, nước tự động rót vào cốc. Khi gần đầy, bà kêu xì tốp. Mình phải chạy ra vườn tưới u-rê cho mấy liếp rau. Bà ta nhìn ngọn suối nguồn tuổi trẻ của mình, cẩn thận không làm nhỏ giọt ra ngoài, ân cần đem về cho cô con gái ở cử uống nghe nói rất tốt. Cứ mỗi lần cô con gái sinh con là mình phải cung cấp nước tiểu mấy tháng trời. Sau đó thì cô con gái kế tiếp lấy chồng. chưa sinh con nhưng mình lúc đó bắt đầu lớn, chim chóc bắt đầu có lông măng. Thiên hạ hết kêu mình vạch quần ra, mở Robinet nữa.


Sau Mậu Thân, mình đi học Thái Cực Đạo ở Lasan Adran thì quen một tên ở đường Thi Sách, xóm đối diện nhà trung tá Tốn. Tên Lê Công Hùng, học dưới mình một năm hay hai. Đi học thì bố nó chở mình, nó và đón luôn. Lý do ông ta làm trong Trung Tâm Thẩm Vấn ở đường BÁ Đa Lộc. Có hôm tới sớm, ông ta dẫn mình và tên HÙng này vào Trung Tâm Thẩm Vấn như để cảnh báo trước. Nếu sau này nghe lời nằm vùng thì sẽ bị đưa vào đây. Ông bố dắt mình đi xem mấy ca sô, bổng thấy một tên trong xóm, hơn mình đâu 4 tuổi, khi xưa hay bắn bi với nhau, học trường Trần Hưng Đạo, bổng biến mất, ngồi trong đó. Kinh


Tên HÙng này hay đến nhà mình chơi và ở lại ăn cơm. Hắn to con nên ăn khoẻ lắm. Ăn hết cơm mấy đứa em mình nên chúng không ưa tên này lắm. Mình ăn thịt chó hai lần tại nhà tên này. Một lần đi xin con chó của ông Ưng Quyền cho hắn, tưởng hắn nuôi ai ngờ, một hôm nó kêu mình lên nhà ăn cơm. Thường ngày mình ở lại ăn nhà nó chỉ có cơm và bắp xú Đà Lạt luộc. Hôm đó, thấy rau mồng tơi, đủ trò hoá ra thịt chó 7 món. Ăn vào 3 ngày sau, xỉa tăm, ngửi vẫn còn thơm. Kể từ đó, mình chạy xe là bị chó rượt ngoài đường. 50 năm sau, về Việt Nam, đi Quảng Bình, mượn xe gắn máy của thiên hạ, vừa chạy ra khỏi khách sạn là chó dí rượt theo mình, phải đưa hai cái chân lên trời như xưa.


Một hôm rủ hắn leo trần nhà vì mình khám phá ra giữa nhà có cái nắp đậy plafond. Mình hay leo lên trên đó rồi lần mò sang các nhà hàng xóm. Hắn nghe thám hiểm các ổ chuột thì nhất trí. Hai thằng bò lên trần nhà. Rồi khom khom bò qua nhà ông người Huế, cháu của ông Hà Thúc NHơn rồi đến nhà bà hay kêu mình tiếp tế nước tiểu cho con gái khi ở cử. Có dịp mình kể chuyện về cháu ông Hà Thúc Nhơn, có cô vợ dạy vẽ ở trường Việt Anh. Từ đó bò qua nhà ông Tước, mình có gặp hai người con của gia đình này trong chuyến đi Việt Nam vừa qua nên kể cho họ về lịch sử nơi họ ở khi xưa. Mấy chị em là fan cứng của mình.

Mái nhà thì dốc độ 30% nên chỉ đi được ở giữa, và mỗi nhà đều có cái nắp để leo lên trần nhà. Mình nói thằng HÙng cẩn thận, phải đi trên mấy cái kèo, không được đi trên trần nhà. Nó kêu yên chí, bò theo sau. Khi đến nhà ông Tước, thì có bức tường chấn, chỉ có cái lỗ nhỏ để chui qua. Mình gầy nên chui qua lọt còn thằng HÙng thì béo to nên không qua. Loay hoay làm sao nó làm cục gạch rớt xuống trần nhà nghe cái rầm to đùng như Việt Cộng pháo kích. Hai thằng run như Lưu Bị thấy sấm sét. Ở dưới nhà có tiếng chị hàng xóm kêu Tèo ngủ đi. Cô chị la thằng em út, tưởng nó không ngủ nên phá chơi.


Mình sợ quá, quay đầu, ra hiệu thằng hÙng đi về. Nó quay lại, mất cảnh giác đạp ngay cái nắp trần nhà của bà xin nước tiểu của mình.


Mình chỉ thấy nó lọt qua khung nắp trần nhà, phía dưới là bàn thờ gia đình này. Sau đó thấy nó rơi xuống đất rồi những tiếng leng keng của Lư, tách, bàn thờ, chuối bông đổ xuống kêu ầm ầm. Mình chỉ thấy qua khung tròn của cái nắp, cô con gái thứ 3 đang nằm trên giường với chồng, mặt xanh như đít nhái. Sau này, cô ta qua nhà kể là tưởng Việt Cộng núp trên trần nhà, nhảy xuống bắt ông chồng là trung uý. Kinh


Mình sợ quá dọt về nhà. Lâu quá không thấy thằng hÙng trở lại nhà mình, lại nghe tiếng bà hàng xóm réo ngoài sân nên mò mò sang nhà hàng xóm, làm bộ mặt ngây thơ vô số tội. Mình thấy bà hàng xóm đang xỉ vả thằng đồng môn. Nó gặp mình chỉ hỏi “tao ăn cơm chưa?” Như tên em út của anh em Dalton trong truyện Lucky Luke khiến mình càng lo sợ. Hồn vía nó bay trên mây, chưa hoàn hồn. Mặt nó như người từ cung trăng xuống, chưa hoàn hồn vì cái té trên trời xuống. Nó đi theo mình về. Tối đó, bà hàng xóm qua nhà mình mắng vốn.


Khi gặp lại mấy chị em hàng xóm, mình muốn kể chuyện này cho cô chị nghe, để giải thích sự việc chị ta la hàm oan cho cậu em út nhưng không may chị đó đã qua đời. Chán Mớ Đời 


Nay kể lại chuyện này như một lời tạ lỗi, đã làm chị ta nghi oan cho cậu em.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn