Đường Phan đình Phùng xưa

 Hôm nay, ngồi xem lại một vài tấm ảnh Đà Lạt, thấy mấy tấm chụp trước Mậu Thân, hình ảnh một khúc đường của Phan Đình Phùng từ đầu đường, ngã ba Duy Tân đến cầu Cẩm Đô. Khúc này mình ít quen ai và ít khi đi ngang, ngoài trừ đến tiệm thuốc bắc của ông Huỳnh Ôn nên tải lên đây cho các bác xem. Biết đâu lại có bác nào ở khu vực này, cho biết thêm tin tức về Đà Lạt thời xưa.

Đây là đầu đường Phan Đình Phùng, ngay ngã Ba Duy Tân. Nhà 2 tầng bên trái gồm có phòng mạch của bác sĩ Phạm Trọng Lương ở trên và nhà bảo sanh Trương Thị Lập ở dưới, nơi cô em kế mình được sinh ra tại đây. Đi tới chút nữa là nhà của Nguyễn Minh Dũng, học Adran, đánh bóng bàn. Nghe anh chàng kể là nay vẫn tiếp tục đánh bóng bàn ở Bolsa. Mình có nói chuyện vài lần nhưng không có duyên để gặp lại. Cứ mỗi lần hẹn, cuối cùng anh chàng bị bận gì đó. Kế nhà hai Bác Nguyễn Đình Thừa là nhà cậu Đằng, hình như Lê Minh Đằng, bà con với mẹ mình, hay chạy chiếc xe Lambretta hai bánh, hướng đạo Lâm Viên. Mình không biết bà con ra răn, chỉ nhớ lâu lâu, cậu chạy xe lên nhà mình, thăm bà cụ. Hình như mình có gặp lại con trai của cậu một lần ở Bolsa.
Kế bên cạnh nhà cậu Đằng, là tiệm bán than bên tay trái. Thấy mấy bao tải đựng than. Mỗi tháng, ông chủ chở bằng xe Renault đến nhà mình 1 bao tải lớn than. Sáng sớm, mình có nhiệm vụ, chặt than ra từng miếng nhỏ, lấy ngo, chẻ nhỏ rồi chụm cái lò than, khi nào cháy hồng thì đem vào nhà nếu không thì khói um nhà. Để nấu nước sôi pha trà cho ông bà cụ, và mấy người em uống sữa sáng trước khi đi học. 
Lò than nấu khi xưa. Mẹ mình bán khá nhiều, 1 tháng độ 20 cái lò này.
Lò dầu hôi thay thế lò than, nhẹ hơn, không có khói

Sau này, khi lò dầu hôi được CHợ Lớn sản xuất thì thiên hạ hết xài bếp than, mẹ mình khi xưa bán bếp than làm bằng đất sét nhưng từ từ phải chuyển qua bán lò dầu hôi. Lúc đó mới thấy, kỹ nghệ mới sẽ sinh ra công việc làm khác nhưng lại loại bỏ một số nghề cũ. Đốt than thì người ta cần ngo. Ngo Đà Lạt là do người Thượng ở trong Cam Ly, kiếm trong rừng đem ra chợ bán, đổi lấy gạo muối. Khi người ta xài dầu hôi thì nghề làm than cũng tịt ngòi cũng như mấy bà Thượng hết đem ngo ra bán ngoài chợ.
.
Đây là khúc gần trường học của người Tàu Tân Sanh. Hình này chụp thời xe gắn máy Nhật Bản chưa qua, thấy tiệm sửa xe Ischia và Goebels nên đoán trước năm Mậu Thân. Phía tay phải mình chỉ biết nhà của anh Paul, đá banh, sau bị Việt Cộng gài lựu đạn nơi xe chết ngay bãi đậu xe của nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, bầu đội đá banh Đà Lạt. Sau khi ông Thanh chết thì đội banh mới nhờ ông cụ mình là ông bầu. Anh Paul có hai cô em gái học Văn Học, một cô tên Ngọ và Dậu. Cô Ngọ , khi xưa vào lớp hay bị chúng chọc, hát em tan trường về, trường tan em về. Cô Dậu nay ở Đức quốc.
Nhà số 28 sau 75, đoán là năm 1991 do ông nhật Kuro chụp. Năm 1992 mình về Đà Lạt, te tua như vậy, nhìn không ra.

Khúc này có tiệm thuốc bắc của ôgn Huỳnh Ôn, đẹp trai, hay bận áo Par-dessus, đội mũ phớt Borsalino, đi khám bệnh. Mỗi lần mẹ mình ở cử hay mang thai là uống thuốc tể của ông ta. Mình đen vì khi có mang minh, mẹ mình uống thuốc tể Huỳnh Ôn. Sau này, bà vợ lớn sinh được một cô con gái, nên cưới chị Bảy về sinh con trai cho ông ta.
Đây là khúc đi qua trường Tân Sanh. Chiếc xe mì này hình như có dạo hay đi vào buổi chiều ở đường Hai Bà Trưng. Người con trai lớn hơn mình một vài tuổi, đi trước, lấy cái đồ gõ cóc óc, kêu mì đây. Có lẻ vì vậy mà người ta kêu “mì gõ”, đi ngoài đường, đẩy suốt đường, và gõ thay vì kêu mỏi mồm. Sau Mậu Thân thì hết thấy họ đẩy xe đi, có lẻ vì giới nghiêm hay mất an ninh. Cuối tấm ảnh là khu nhà bà Giáo Trình, cho vay tiền, có con dốc đi lên từ đường Phan Đình Phùng, đối diện khách sạn Cẩm Đô mà dân Đà Lạt hay gọi Dốc Nhà Làng. Không hiểu lý do, ai biết thì cho em xin. Từ nhà mình ra chợ, phải đi qua con đường này và leo dốc Nhà Làng. Đi ngang nhà ông Giáo Trình, hay gặp nên phải chào bà. Chỗ này có ông cống chảy từ trên Mình Mạng xuống nên đen xịt và thối nhất là về mùa nắng.
Nhà hàng và khách sạn Cẩm Đô, ở ngay ngã ba Phan Đình Phùng và cầu Cẩm Đô, trước kia còn được gọi cầu Ông Cửu Huyền. Nhà hàng này của anh ông bà Thiên An Đường (tiệm thuốc bắc Con Cua). Sau này qua Pháp, mình có ghé thăm vài lần, được ăn lại món mì hoành thánh Cẩm Đô. Dân Đà Lạt khi xưa, mới qua Pháp thì mình có ghé thăm ở trại tạm cư là gia đình tiệm thuốc tây Mình Tâm, bạn của mẹ mình khi ở tù thời tây và nhà hàng Cẩm Đô. 
Hình này cho thấy bên phải là ba căn nhà mới được xây cất trước khi mình đi Tây của tiệm chụp hình Mỹ Dung, của ông bà Đoàn và người thứ 3 không nhớ tên. Hình như của tiệm thuốc tây Minh Tâm. Có lần bò vào đây nghe mấy ông thần Yersin tập hát. Chỉ nhớ Trình chơi trống, em anh chàng Chương, con ông bà Đoàn, khi xưa học chung với mình, du học ở Hoa Kỳ. Nay là rể của cô chú Phấn, bạn của mẹ mình.
Đây là khúc tiệm thuốc Bắc Ngô Như Khương. Cái quán bán báo này thì mình nhớ nhiều. Mình hay bị sai ra đây mua báo cho ông cụ. Họ có bán kẹo cao su thơm như múi mít. Nhai nhai rồi thổi cái bong bóng thật to. Mấy đứa em thấy thèm xin, lấy từ mồm ra, đày nước miếng cho chúng nhai ké rồi anh em thay phiên nhau nhai kẹo cao su. 

Nhà hai tầng phía cuối là dãy nhà của nhà Đinh Anh quốc, học chung khi xưa. Ông nội của anh chàng này là xếp của ông cụ khi đi lính Ngự Lâm Quân cho ông Bảo Đại. Khi xưa, ông cụ mình hay dẫn mình đến đây gặp vị chỉ huy cũ. Nhà Anh quốc ở lầu trên, ở dưới thì cho người ta mướn làm tiệm hớt tóc Như ý. Trước tiệm Ngô Như Khương, có xe mì, sau này dời về bên hông của khách sạn Cẩm Đô, rất nổi tiếng. Mỗi lần đau, mình hay đến ăn mì có hẹ nên hết đau.

Thôi ngưng ở đây. Hôm nào buồn đời, mở thêm mấy tấm ảnh khác rồi kể tiếp. Xộn gom

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn