Hậu quả của sự đô hộ tốt hay xấu

 Hồi nhỏ, mình học chương trình pháp nên hơi bị lộn xộn đầu óc. Vào giờ sử địa, ông tây kêu tổ tiên chúng ta là người Gaulois (nos ancêtres sont des gaulois), khiến mình mơ đến một ngày nào đó, được đi tây, về thăm tổ tiên để ăn thịt heo rừng nướng như trong truyện hoạt hình Asterix. Đến giờ Việt văn, ông thầy Việt chửi bới tây thực dân, đô hộ khiến dân ta khổ đau, nô lệ đủ trò thêm 1,000 năm đô hộ giặc tàu nên mình không hiểu đâu là bến bờ và ngu luôn từ đó vì không biết tin ông thầy Tây bà Đầm hay tin ông thầy Việt. Ông thầy việt văn lại hay kể chuyện thời kháng chiến chống pháp nên mình hơi bị lộn xộn cái não. Mỗi lần ông tây hiệu trưởng vào lớp thì ông thầy việt văn, đứng nghiêm, một hai là oui monsieur nên mình cũng không hiểu chửi tây mà cứ sợ sợ bị tây đuổi việc.

Sau này, đậu tú tài thì bà rá vớ được cái học bổng đi tây. Qua tây, mình vẫn bị nhồi sọ bởi ông thầy việt văn nên cứ đinh ninh là tây đầm gian ác. Từ từ mình khám phá người Pháp không gian ác như mình đã được nhồi sọ khi xưa. Họ lại tử tế giúp đỡ mình, nếu không có sự giúp đỡ của họ, được học bổng, nhà ở, mình khó tốt nghiệp. Lâu lâu có gặp một tên tây thực dân, có thời sinh sống tại Việt Nam, mới khám phá ra khi xưa, dân tây sang Việt Nam, đa số ở quê, không công ăn việc làm, như dân ở đảo Corse, ít học nên khi qua Việt Nam, họ rất là đầu gấu, đối xử tàn bạo với người Việt.

Sau này có dịp sang làm việc tại Luân Đôn, thấy đồng nghiệp từ các xứ Tô Cách Lan, Ái Nhỉ Lan, bỏ quê hương, bò sang LUân Đôn làm việc vì xứ họ không có việc làm thì mình thắc mắc hỏi họ thì họ cũng đơ ra luôn. Họ lại chửi người Anh quốc, chiếm đóng quốc gia họ nhưng vì miếng ăn, lại bò sang Anh quốc. Mình đọc báo Anh quốc thì gọi Londonderry là thủ đô của xứ Bắc Ái Nhỉ Lan thì bị họ chửi, kêu Belfast. Kiểu gặp người miền nam kêu Sàigòn là thành phố Hochiminh. Chán Mớ Đời 

Kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền của người La Mã quá tuyệt vời. Mình có viếng chỗ này Segovia khi viếng thăm Tây Ban Nha lần đầu tiên

Chúng ta học lịch sử ở trường cho thấy các cuộc chinh chiến, chiếm đóng trong lịch sử đã giúp hình thành thế giới ngày nay. Các cuộc chinh phục đã thay đổi ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, kinh tế và đạo đức của mọi người trên thế giới. Hậu quả của những cuộc chinh phạt này, tạo ra một nền văn minh phương tây rộng lớn, có nhiều ảnh hưởng khắp Năm châu. Ngày nay, chính con cháu của những người đã bất chấp tính mạng, đi chinh phục thế giới, quay lại nguyền rủa, đấu tố tổ tiên họ. 

Điển hình khi xưa mình học lịch sử, người ta tôn vinh ông Kha Luân Bố, người đã tìm ra Mỹ châu. Nay thì con cháu họ, lên tiếng nguyền rủa, ghê tởm tổ tiên họ đã chinh phục và tàn sát, diệt chủng các bộ lạc bản địa. Nếu chúng ta sử dụng sự hiểu biết, tư duy ngày nay, để đánh giá tiền nhân thì khó vì xã hội được hình thành qua những năm tháng dài. Tư duy thay đổi theo kiến thức được thu nhận. Suy nghĩ của chúng ta ngày nay, hội nhập thế giới, khác với tư duy của thế hệ bố mẹ mình hay ông bà.

Nhìn lại Việt Nam trước khi người Pháp sang xâm chiếm, đại khái là do người Việt cai trị người Việt. Đọc  tài liệu của người Pháp, 50% người Việt tại Việt Nam nghiện thuốc phiện vì người Tàu, những người phản Thanh phục Minh, bán thuốc phiện tại Việt Nam để gây quỹ kháng chiến chống nhà Thanh. Những người mà người lớn hay khen gọi là “Hảo Hán”, người Hán tốt, đầu độc người Việt chúng ta. Tây thấy vậy, nhảy vào chiếm độc quyền, không cho người Tàu bán thuốc phiện và rượu để họ kiếm tiền thay vì anh ba tàu. Người Việt thì được mấy anh ba tàu cho nhai đi nhai lại tứ thư kinh ngủ nên vỗ ngực tự xưng là người quân tử như ông Tú Xương, không làm việc, để vợ đi buôn bán để nuôi ông ta ăn học 20 năm mới đậu bằng Tú Tài.

 Nhìn lại sau 80 năm đô hộ Việt Nam, người Pháp đã xây dựng quốc lộ số 1, đường rày xe lửa xuyên Việt mà đến ngày nay vẫn được sử dụng. Mình không biết ở các nơi khác nhưng chắc chắn là thành phố Đà Lạt, nơi mình sinh ra và lớn lên. Các cuộc xây dựng này gây nhiều cái chết như đường xe lửa Phan rang-Đà Lạt, nghe người Pháp nói lên đến trên 30,000 người Việt chết. Theo tài liệu của người Pháp thì người Thượng bỏ trốn qua Lào vì bị bắt đi lao công, chết vì sốt rét.

Họ đã đem lại điện nước trong các thành phố lớn, mà triều đình nhà nGuyễn, không tin, kêu khi quân, đòi chém đầu. Đồng ý người Pháp xây dựng để chuyên chở hàng hoá về mẫu quốc,..nhưng người Việt được hưởng cái văn minh mới, theo trào lưu, tiến bộ của thế giới.

Nhìn hình ảnh khi xưa, khi người Pháp mới sang, lính việt đi chân không, đâu có giầy dép gì. Nói chung thì sự chuyển giao công nghệ khá nhanh. Người âu châu tạo ra chữ quốc ngữ để giảng dạy thánh kinh nhưng bù vào đấy đã giúp tiếng Việt dễ học, bình dân học vụ nhanh chóng. Khi người Pháp đến Việt Nam, qua tài liệu của người Pháp, cho biết vào năm 1905, chưa tới 5% người Việt biết đọc chữ Hán, gọi là sơ sơ độ vài trăm chữ. Còn theo tài liệu của Hà Nội thì đến năm 1914, có đến 20% người Việt biết đọc. Mình đọc bài viết của ông tiến sĩ nào trên tạp chí quốc phòng toàn dân, lên án người Pháp ngu dân hoá dân an nam mít. Khi người Pháp sang Việt Nam, chỉ có 5% người Việt biết đọc chữ Hán và 10 năm sau con số lên 20%. Kinh

Trước khi người Pháp sang, triều đình Nguyễn cũng chỉ nhận một số người đậu ra làm quan. Người Pháp cũng chỉ đào tạo một số người ra làm việc cho họ. Đào tạo công chức tốn tiền, tốn thời gian. Sang tây mình thấy họ cũng chỉ nhận một số vào các trường lớn để đào tạo các công chức hay chuyên viên cho nền kỹ nghệ, kinh tế của họ. Sàigòn khi xưa, hàng năm thi tú tài cũng bị hạn chế, sau đó thi vào đại học cũng bị giới hạn như thi vào các trường kỹ sư Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh,… còn Văn Khoa thì tha hồ, ai rớt thì vaò đó học.

Các cuộc di dân chuyển giao kiến thức, kỹ thuật, kinh tế khắp thế giới, trong khi các cuộc chinh phạt thì để lại nhiều vai trò lịch sử khó đánh giá vì người bị đô hộ và người chiếm đóng không thống nhất về vai trò lịch sử của các cuộc chinh phạt này. Chúng ta hỏi một người da đỏ hay một người bản địa ở Nam Mỹ thì họ sẽ trả lời khác với một người da trắng từ âu châu sang. Tương tự hỏi một người Việt và người Pháp về sự đô hộ gần 1 thế kỷ. Người Việt chỉ thấy là đau thương như ông thầy dạy việt văn, còn người Pháp mà mình có gặp vài người ở Pháp, họ cho rằng đã giúp Việt Nam tiến bộ, khai hoá người Việt còn phôi thai. 

Trước khi người Pháp đến Việt Nam, những kẻ sĩ người Việt chỉ biết vua bảo chết thì chết, suốt đời phục vụ ông vua, đến khi người Pháp truyền cho các tư tưởng về căn bản quyền làm người, mới giúp kẻ sĩ người Việt hiểu về những căn bản con người và từ đó dấy lên phòng trào bài tây, đô hộ, đòi lại độc lập. Nếu người Pháp cứ cho tiếp tục giảng dạy chữ Hán như xưa thì có lẻ cục diện Việt Nam sẽ khác. Cứ đưa một ông vua bù nhìn rồi toàn dân cúi đầu sống chết với vua theo chỉ thị của người Pháp.

Mình mới đi Ai Cập về thì khám phá ra người Hy Lạp chinh phạt được xứ Ai Cập dưới thời đại đế Alexander nhưng kinh tế cũng như tri thức của họ thấp hơn người mà họ chinh phạt, chiếm đóng. Họ học hỏi về kiến trúc, y khoa,…từ người Ai Cập. Các nhà hiền triết danh tiếng, y sĩ của Hy Lạp mà thế giới tây phương ngưỡng mộ, kêu là cha đẻ của nền y khoa, triết học của họ đều sang Ai Cập để học từ người họ cai trị.

Được cái là họ không tàn phá nền văn hoá sở tại như mấy ông ả rập trung đông sau này, của kẻ thắng cuộc, tìm cách phá bỏ các di tích của chế độ cũ để viết lại lịch sử. Đi thuyền trên sông Nile, thấy những đền đài mà người Hy Lạp xây dựng mấy ngàn năm trước đây, bắt chước người Ai Cập từ đó tạo dựng một nền kiến trúc vĩ đại mà các di tích còn lưu lại đến ngày nay vẫn không đẹp bằng kiến trúc khi xưa của Ai Cập.

Người Pháp thành lập các nhóm chuyên gia đi khảo cứu văn hóa Việt Nam qua viện Viễn Đông Bác Cổ. Mình có bộ bản vẽ của ông Besacier, mua tại Paris khi xưa về Đình Bảng và các Chùa, Lăng Miếu của Việt Nam.

Sống tại Hoa Kỳ chúng ta cứ nghe truyền thông, chính trị gia da màu nhắc đến chế độ nô lệ vì có đến 12% người Mỹ là hậu duệ của những người nô lệ, bị bắt cóc từ phi châu đem sang đây để giúp canh tác, giúp Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ trở nên giàu có. Các chính trị gia da màu thường sử dụng chiêu bài này để câu phiếu và đổ lỗi các vấn nạn của người da màu là hệ quả của chương trình nô lệ tổ tiên họ. Mình có mấy người bạn da màu, rất thành công. Như cựu ngoại trưởng Condi Rice viết trong hồi ký là người da màu, bà ta phải cố gắng gấp 3 lần người da trắng. Nếu không làm việc cật lực hơn người da trắng thì khó đấu lại được họ.

Mình đang ở Puerto Rico, nói chuyện với vài người địa phương thì họ muốn thoát khỏi Hoa Kỳ, muốn độc lập nhưng khi hỏi sẽ không được Hoa Kỳ bảo trợ tiền bạc thì họ lại câm mồm. Nếu mình nhớ không lầm thì mấy năm trước có cuộc trưng cầu dân ý để dành độc lập từ Hoa Kỳ thì 80% dân trên đảo này chống. Nếu độc lập sẽ giống Cuba ngay. Đi đường thấy người lái xe như ở Hoa Kỳ, ngừng lại khi thấy mình băng qua đường, không như ở các xứ khác xung quanh vùng, chạy xe ẩu tả. Hôm qua, sau khi học, mình đi viếng lò nấu rượu Rum Bacardi, được thành lập bởi một người di dân từ Cuba khi Fidel Castro chiếm đóng. Nay họ có 3 chỗ chính sản xuất rượu Rum này, ngoài Puerto Rico, còn ở Mễ tây Cơ, Bahamas, Tây Ban Nha,.. dù Rum được xuất phát từ Cuba. Mình có mua vài chai về tặng bạn bè.

Người da đen thì sử dụng chiêu bài nô lệ để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng của họ, người do thái thì sử dụng cuộc tàn sát mà họ gọi là Holocaust để bảo vệ quyền lợi của họ. Ở New York mình có tham gia thiết kế viện bảo tàng Holocaust ở Hoa Thịnh Đốn, đến phi trường Dallas, hình ảnh đầu tiên là thấy quảng cáo viện bảo tàng Holocaust,… 

Tại Bolsa, có nhiều nhóm người Việt muốn xây dựng một viện bảo tàng thuyền nhân nhưng có nhiều nhóm nên không làm được cái gì ra hồn, để con cháu hãnh diện. Bầu cử vừa qua, thấy toàn là các ứng cử viên gốc việt tranh nhau ghế đại diện, thay vì rãi ra ở các khu lân cận để mỗi thành phố, khu vực có người Việt đại diện thay vì để da trắng hay Mễ thắng cử.

Trên thực tế thì tình trạng bắt nô lệ có mặt trên trái đất này từ xưa. Đọc thánh kinh chúng ta thấy ông Moise, gốc Do Thái, dẫn dắt người nô lệ Do Thái từ Ai Cập về vùng đất hứa. Ngay ông Socrates còn kêu nô lệ là đúng. Chỉ đến thế kỷ 20 thì quyền tự quyết của người dân mới được phổ biến rộng rãi sau cuộc cách mạng tại Pháp quốc, nêu lên sự bình đẳng, tự do và bác ái con người.

Đến thế chiến thứ 1, Anh quốc và các đồng minh đánh bại và giải thể các đế chế Ottoman và Áo-Hung, tạo dựng các quốc gia nhỏ. Quyền tự quyết có giá phải trả của nó. Quân đội của Hitler có thể đánh chiếm các tân quốc gia này, từng bị đô hộ hay được bảo vệ của đế chế Ottoman hay Áo-Hung trước thế chiến thứ 1. Khi đế chế Ottoman bị giải thể thì có 71 quốc gia mới được thành lập tương tự khi Liên Xô sụp đỗ thì có không biết bao nhiều quốc gia tuyên bố độc lập rồi anh Putin, vớt lại từ từ.

Khối NATO như một khối của đế chế Hoa Kỳ, do các nước Âu Châu quy về để tránh bị chiếm bởi anh Putin. Tuần vừa rồi, không quân Mỹ Oanh tạc và cho đổ bộ lực lượng tại Syria nhưng không hiểu lý do gì. Không nghe tuyền thông Âu châu hay Hoa Kỳ nói chỉ đọc trên báo Trung Đông.

Nay Ba Lan, Tiệp Khắc mới được thành lập sau thế chiến thứ 1, không có quân đội, hay mới thành lập, làm con mồi dễ dàng cho quân đội Hitler chiếm đóng. Khi xưa, học lịch sử thế chiến, mình không hiểu lý do các nước này bị Hitler xâm chiến quá nhanh. Thậm chí Paris bị Hitler đánh chiếm trong vòng 9 ngày dù đã xây LIgne de MAginot. Sau thế chiến thứ 2 thì bị hồng quân của bác Stalin nuốt.

Đức quốc là một quốc gia có văn hoá cao, đã sản xuất những vĩ nhân cho thế giới như Beethoven, Goethe, Brahms,…nên mình không hiểu tại sao một nền văn hoá cao cấp ở như vậy có thể đưa đến sự diệt chủng, tàn sát dã man trong thế chiến thứ 2. Theo mình đọc thì có đến 6 triệu người Do Thái bị giết. Một trong 3 người dạy mình, gốc Do Thái, cho biết là ông nội thoát khỏi Đức quốc nhưng không đem theo được của cải nên mua vé tàu hạng nhất cho sướng. Sau này, Thuỵ Sĩ kêu ông ta để trả lại tài sản bị cướp khi xưa. Mình có xem một phim tài liệu kể một bà gốc do Thái, gia đình có bức tranh của Klimt. Bà ta phải tranh đấu với viện bảo tàng áo quốc để đòi lại vì bức tranh của gia đình bà ta. Giá trị mấy trăm triệu đô la. Không biết có phải bức tranh bị mấy người trẻ tạt sơn tuần này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ thì hai nước Tiệp-Khắc được tách đôi trong hoà bình, ngược lại nước nam tư của đế chế Ottoman khi xưa thì chia năm xẻ 7, choảng nhau đến khi tây phương nhảy vào can thiệp vì thấy cuộc diệt chủng kinh hoàng của các hàng xóm với nhau như vụ chia đội Ấn Độ và Pakistan quá rùn rợn hay các vụ cáp duồn tại Cambuchia…

Câu hỏi mình hay đặt là Anh quốc từ một thuộc địa nhỏ bé của đế chế la mã, biệt lập trên một hải đảo nhỏ, vài thế kỷ sau trở thành một đế quốc mà họ tự hào cho rằng mặt trời không bao giờ lặn tại Anh quốc. Xét kỷ là nhờ sự giao thoa với nền văn minh La Hy mà Anh quốc trở thành một cường quốc dù ít dân và bị đô hộ. Người bị đô hộ không vui sướng chút nào nhưng bù lại họ học hỏi được từ người cai trị họ.

Khi quân la mã đến chiếm đóng đảo Anh quốc thì có những vụ kháng chiến của kẻ bị trị bùng dậy, chống lại kẻ chiếm đóng nhưng đều bị quân đội của la mã dẹp tan. La mã tổ chức rất chặc chẻ và kỹ thuật cao hơn nên mới đánh chiếm khắp nơi và bình định nhanh chóng.

Tường thành xây bằng gạch thời la mã

Trước cuộc xâm lăng của đế quốc la mã, nước Anh quốc chưa ra đời. Hòn đảo Anh quốc gồm 30 bộ lạc và họ đánh đấm nhau như mấy sứ quân thời trước nhà Đinh tại Việt Nam. Người ta gọi thời gian từ 96AD đến 180 là nền hòa bình la mã (pax romana). Nhờ hoà bình nên văn hoá la mã mới có dịp phát huy tại hòn đảo này mà sau này thủ tướng của đế quốc hùng mạnh nhất thời đó Winston Churchill phát biểu: “we owe London to Rome”. Người La mã đem kỹ thuật đến xứ này. Khác với các nước miền Nam Âu châu, người la mã sử dụng đất để nun gạch thay vì đá mà đến ngày nay người Anh quốc vẫn tiếp tục sử dụng kỹ thuật xây gạch đến mức cao cấp.

Sau này, các bộ lạc gốc Đức đánh chiếm, nhất là giống dân Angles và Saxon đến chiếm đóng, đuổi người Anh quốc qua đảo Wales. Một số người Anh quốc chạy qua Pháp mà nay được gọi vùng Bretagne. Sau này người từ Normandie xâm chiếm xứ này do đó hoàng gia Anh quốc và hoàng gia pháp có sự liên hệ nhau và đánh nhau sau này.

Người la mã chiếm đóng đầu thế kỷ thứ 1 và khi đế quốc la mã yếu dần, rút về thì quân đội của Angles và Saxon chiếm đóng Anh quốc, sau đó đến các quân đội Bắc Âu ở thế kỷ thứ 9 và quân đội Norman vào thế kỷ 11. Do đó người Anh quốc rất đa dạng, nhiều chủng tộc nhưng người ta hay dùng cụm từ Anglo-Saxon để chỉ người Anh quốc.

Đời sống của thế giới đã thay đổi hoàn toàn không còn như xưa từ khi người Anh quốc xây các đường rầy xe lửa. Nhớ năm 3ème, học về lịch sử cách mạng kỹ nghệ, trong cuốn anh văn, người Anh quốc sáng chế máy chạy bằng nước,.. Trước đây các thành phố đều được xây dựng cạnh các con sông lớn hay bờ biển vì di chuyển dễ dàng, giao thương. Nay người Anh quốc xây dựng đường rầy ở nước họ và các nước khác. Di chuyển vào nội địa rẻ hơn khiến các thành phố nội địa phát triển mau chóng nếu có hầm mỏ,…giúp cho ngành kỹ nghệ của họ phát triển nhanh và giàu có. Đường xe hoả cũng đã giúp Hoa Kỳ trở nên thịnh vượng, phát triển về miền viễn tây.

Trong thời gian cách mạng kỹ nghệ, nền văn minh Âu châu trở nên mạnh nhất thế giới về kinh tế và kỹ thuật. Anh quốc có thể chia sẻ kỹ thuật với các quốc gia Âu châu. Anh quốc trồi dậy và để lại dấu ấn, ảnh hưởng lớn cho Âu châu từ khi đế quốc la mã lụi tàn. Sau đó chịu sự cạnh tranh với các quốc gia khác trong vùng như Pháp quốc, hoà lan và Đức quốc,..vì các quốc gia này có dân số đông hơn Anh quốc. Ngày nay thì Anh quốc te tua vì nạn dân số kém. Các cộng đồng di dân khá đông. Mình về thăm Luân Đôn phải thất kinh vì đi ngoài đường thấy các chủng tộc từ Ấn Độ và Pakistan hay Trung Mỹ rất đông.


Có thể nói ảnh hưởng của văn hoá của Anh quốc rất sâu rộng trên thế giới hay Bắc Mỹ như Gia-nã-đại, Hoa Kỳ nói riêng. Các luật dân sự của các quốc gia này, đều dựa theo luật pháp của Anh quốc thậm chí đến các quốc gia từng bị đô hộ như ấn độ, Pakistan, hay các nước Phi Châu, Uc Đại Lợi, Tân Tây lan,… hôm nay mình phải đi thị thực chữ ký một tờ giấy cần để gửi về Cali cho một vụ mua nhà. Mình tưởng như ở Hoa Kỳ nên gọi một tiệm UPS gần khách sạn, mới khám phá ra luật dân sự sử dụng ở đảo này theo luật của Napoleon xưa kia, chỉ có luật sư mới có quyền thị thực chữ ký, tốn nhiều hơn. Chán Mớ Đời 


Song song với các cuộc chia sẻ văn hoá, các cuộc tàn sát đầm máu tàn bạo của các thực dân Anh quốc khi đánh chiếm các nước. Sự kỳ thị chủng tộc được áp dụng triệt để không những với các người da màu mà thậm chí đến các người da trắng ở các thuộc địa của họ như Ái NHỉ Lan, Tô Cách Lan,… cũng không thoát khỏi sự kỳ thị này, dân chúng vẫn căm thù người Anh quốc. Có anh bạn, gốc Ái Nhỉ Lan đem vợ con di dân sang Hoa Kỳ vì không muốn con anh ta lớn lên bị người Anh quốc khinh thường như anh ta đã từng trải nghiệm. Vấn đề là người ái nhỉ lan di cư, học từ kẻ đô hộ mình nên khi xưa, họ rất kỳ thị các người đến từ Ý Đại Lợi,…mà trong cuốn truyện Bố Già, có kể vụ mấy tên ái nhỉ lan hành hung cô gái gốc ý, ra toà được tha bổng nên phải nhờ đến Don Corleone ra tay, khệnh mấy tên ái nhỉ lan, quẹo tay què cẳng. Mình có xem phim tài liệu về cảnh sát Mỹ khi xưa đa số là Ái Nhỉ LAn tìm kiếm dân Ý Đại Lợi,…


Ngày nay, ta thấy các cuộc hôn nhân ngoại chủng rất nhiều, cho thấy sự kỳ thị chủng tộc đã bớt nhiều. Có cuốn phim của ông Sydney Poitier nói về vụ này, cô con gái dẫn về anh bạn trai gốc da đen, đã giúp người Mỹ có cái nhìn thoáng hơn.


Nhìn lại thì thấy người Anh quốc đã chia sẻ kỹ thuật, cách thức tổ chức kinh tế, luật lệ và anh ngữ trong đế chế của họ. Nhiều quốc gia không có chữ viết hay có nhiều phương ngữ nên anh ngữ đã giúp họ thống nhất. Nếu so sánh người Pháp và người Anh quốc thì có một điều khi họ rút lui thì các nước được bảo hộ bởi người Anh quốc ít đánh nhau hơn các nước bị pháp đô hộ. Nếu không kể các cuộc chinh phạt tàn ác của người Anh quốc thì có thể nói là sự đóng góp của họ cho thế giới rất lớn, sau đế chế lA MÃ. Hôm nào mình sẽ kể vụ người Pháp đô hộ người Việt là cái xui của nước mình. Nếu được người Anh quốc thì có lẻ Việt Nam sẽ không có cuộc chiến uỷ nhiệm từ 1954 đến 1975.


Chúng ta học lịch sử của kẻ bị trị nên chửi bới kẻ đô hộ mình nhưng ngày nay người ta chứng minh là đế quốc Anh được thành hình giàu có nhờ các cuộc cách mạng kỹ thuật của họ chớ các nước thuộc đế chế của họ đóng góp rất ít. Cá nhân hay các công ty tư nhân có thể làm tiền nhiều tại các thuộc địa nhưng mẫu quốc không hưởng lộc được nhiều, thậm chí cũng phải chi thêm. Tương tự ngày nay, các công ty Mỹ làm ra tiền nhiều tại các quốc gia khác nhưng Hoa Kỳ đâu có sơ múi gì cả vì họ không đóng thuế tại Hoa Kỳ, vì cơ sở làm ăn được thành lập tại các quốc gia không phải đóng thuế. Apple, Amazon làm biết bao nhiêu tiền hàng năm nhưng không đóng thuế tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác. Nay có lẻ bị thay đổi.


Đọc tài liệu tây về xây dựng Đà Lạt thì Pháp quốc tốn rất nhiều tiền để thành lập thành phố nghỉ dưỡng và thủ đô tương lai của Đông Dương của họ. Họ hết tiền, muốn bỏ nhưng may thay đệ nhất thế chiến xẩy ra khiến người Pháp ở đông Dương không về nước được khi nghỉ hè nên bò lên Đà Lạt và từ đó họ phải tiếp tục phát triển thêm nhưng được vài chục năm sau phải bỏ của chạy lấy người về pháp.


Có vấn đề đáng nhắc đến là người Anh quốc chiếm đóng các đất nước khác, các nước này học được cách sử dụng kỹ thuật mới để phát triển. Ngoài ra họ đã cho di chuyển các người dân sở tại đến các thuộc địa khác như người ấn độ đến Phi Châu, người Tàu đến mã Lai… hay người Tô Cách Lan, Ái NHỉ Lan đến, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Các cuộc di dân này giúp các nước phát triển nhanh và xoá đói giảm nghèo ở các nước như ấn độ,…


Vào thế kỷ 20, có đến 1 tỷ người nói anh ngữ, giúp họ có thể truyền đạt được vì phương ngữ của họ rất khó học và truyền đạt. Còn ngày nay, người không biết anh ngữ là được xem mù chữ.


Xem lịch sử thì chúng ta có thể ước mơ về tương lai. Điển hình xứ Hy Lạp và LA MÃ rất hiện đại, và mạnh về kinh tế và kỹ thuật so với Anh quốc, Bắc Âu nhưng 1 thời gian sau đế chế của họ tàn rụi vì nhiều lý do. Sau đó các nước bị trị, đô hộ lại vươn lên nhờ học hỏi ở những kẻ đô hộ mình về kỹ thuật, kinh tế,…


Vào thế kỷ 19, 3 quốc gia: Anh quốc, Hoa Kỳ, và Đức quốc sản xuất 2/3 tổng số hàng hoá sử dụng trên thế giới. Đến cuối thế kỷ 20 thì 17% dân số thế giới sản xuất hơn 80% hàng hoá thế giới. Do đó chúng ta có thể giải thích sự chênh lệch về sự bất bình đẳng về lợi tức trên thế giới. Thống kê cho biết là vào năm 1994, cộng đồng người Tàu hải ngoại với 34 triệu người tạo dựng tài sản tương đương với 1 tỷ người Tàu tại Trung Cộng. Mình nhớ khi ở Pháp, họ cho biết số bác sĩ gốc việt tại pHáp đông hơn số bác sĩ hành nghề tại Sàigòn.


Mình học lịch sử sơ sơ khi xưa, cho rằng các đế quốc chiếm đóng các nước khác, ăn cướp tài nguyên,… các sử gia vẽ chủ nghĩa đế quốc là cách chuyển giao tài sản từ một nước bị trị đến một nước đô hộ. Vấn đề là khi các đế chế tàn lụi thì theo nguyên tắc này thì các nước bị trị, đánh đuổi được thực dân sẽ giàu to lên vì của cải, tài nguyên cua họ không bị cướp nữa. Người ta lại thấy khi các nước này dành lại độc lập thì kinh tế te tua, dân chúng đói khổ hơn trước.


Người ta lý giải là người dân địa phương chưa đủ trình độ để quản lý nền kinh tế của thực dân bỏ lại. Cứ lấy thí dụ Nam Phi, Rhodesia,..khi người da trắng trao quyền hành lại là kinh tế sụp đỗ. Điển hình kinh tế Việt Nam sau 1975, te tua dù đã không còn tiếng súng. Thiên hạ thà chết ra đi để tìm đường sống. May sau này họ cho người ngoại quốc đầu tư mới giúp người Việt có công ăn việc làm. Các ông chủ đại hàn, tàu thay thế các ông tây bà đầm khi xưa. Thậm chí ông tây bà đầm còn đối xử người Việt tử tế hơn mấy anh ba tàu hay hàn quốc ngày nay. Nghe kể hiện nay, có đến 90,000 Hàn kiều tại Việt Nam và 90,000 Việt kiều tại Nam Hàn. Vấn đề là người Việt tại Nam Hàn, ở lậu, đi làm công cho người hàn những việc mà dân họ chê trong khi Hàn kiều tại Việt Nam là ông chủ các xí nghiệp tại Việt Nam. Khi xưa, Nam Hàn nghèo đến độ phải gửi lính sang Việt Nam đánh nhau để Mỹ trả tiền, giúp họ phát triển.


Ông John Stuart Mill giải thích lý do các quốc gia bị can qua làm tan nát nhưng sau đó họ vẫn xây dựng lại nền kinh tế của họ nhanh chóng. Điển hình Đức quốc và Nhật Bản sau 1945. Ông ta cho rằng điểm quan trọng là Vốn Văn Hoá (cultural capital). Nếu vốn con người không bị tàn phá thì sự đổ nát của chiến tranh sẽ được xây dựng lại.


Ông ta lại nói có “negative human capital” , không biết dịch ra sao qua việt ngữ, dưới dạng tiêu cực sẽ khống chế, cản trở những vốn văn hoá xây dựng lại sự đỗ nát. Việt Nam có chế độ lý lịch rất đánh ghi nhớ. Ông Đào Duy Từ, học giỏi nhưng vì con phường chèo, được xem là xướng ca vô loại nên không được đi thi. Bà mẹ hứa với ông cán bộ trong làng sẽ lấy ông ta với điều kiện, nhận ông con làm con nuôi, đổi họ. Ông Đào Duy Từ đậu cao nhưng bà mẹ dỡ chứng không chịu ái ân. Thế là cà cuống đau quá, đem tố giác thế là ông Từ bị CHúa Trịnh lột đai, đuổi về làm ruộng. Thế là ông này vượt biên xuống miền nam, phò chúa Nguyễn, giúp triều đình Nguyễn đứng vững đến 1945.


Sự hãnh diện về chủng tộc, phe phái, bản thể thường được xem là yếu tố chính để phát triển nhưng có những quốc gia chủng tộc giác ngộ cách mạng về sự thụt hậu của họ và mắc cỡ đã giúp họ thay đổi. 


Điển hình hòa xứ Tô Cách Lan, không bị người La MÃ chiếm đóng vì xa nên vẫn ở trạng thái không thay đổi, lạc hậu vì không có sự cọ sát với nền văn minh La Mã như Anh quốc. Đến khi họ bị người Anh quốc đô hộ thì mới khám phá ra sự tuột hậu của họ nên dân chúng tìm cách học hỏi từ người Anh quốc, giúp phát triển xứ này, chạy theo Anh quốc khiến đất nước họ sản xuất ra nhiều nhân tài vào thế kỷ 19.


Tương tự, 1 thế kỷ sau, Nhật Bản với chế độ bế môn toả cảng, cảm thấy thua kém người da trắng đã giúp xứ họ tiến nhanh đến nổi có thể thắng cả hải quân Nga Sô vào năm 1905 khiến người Việt tìm đường chạy qua Nhật Bản để học với chương trình Đông Du. Người Pháp đang đô hộ, dạy chúng ta thì không chịu, lại chạy qua bên anh Nhật Bản để học những gì họ học từ người da trắng. Chán Mớ Đời 


Trung Cộng mang mặc cảm bị người tây phương cai trị nên đã ra sức phát triển xứ họ từ 30 năm nay. (Còn tiếp)


Nguyễn Hoàng Sơn