Gặp lại bạn hàng xóm Đà Lạt

 Tuần rồi mình đi học bổ túc văn hoá tại Puerto Rico, trên đường về ghé lại Houston để thăm 2 người bạn học xưa tại Đà Lạt. Một chị bạn đã gặp lại mấy năm trước tại Cali và một anh bạn hàng xóm đã mất tin tức từ 50 năm qua, từ khi anh ta bị đôn quân sau mùa hè đỏ lửa. Anh ta nói đúng 50 năm vì anh ta đi lính vào tháng 11 năm 1972.

Gặp nhau lại khá cảm động, cả hai đều già, không thơ ngây như thời đánh đáo, bắn bi. Anh ta vẫn áo quần bảnh bao như xưa, đầu tóc chải láng cóng. Mình nhớ anh chàng khi xưa lúc nào cũng áo quần ủi thẳng li, tóc tai chải bờ răng tinh. Mình thì vẫn cốt cách nông dân làm vườn của Đà Lạt xưa. Xem hình mới khám phá bận áo ngược, nông dân vẫn lòi nông dân. 

Mình cố ý tìm anh chàng này từ khi tham gia dân cư mạng nhưng không ra vì không biết tên Mỹ hay tên ta. May mắn gặp một anh chàng khác ở trong xóm xưa Thi Sách, nay ở Gia-nã-đại, bà con với anh bạn, cho số điện thoại. Hai thằng nói chuyện mệt thở, kể về thời con nít trong xóm. Hồi nhỏ anh ta học mẫu giáo với anh Bình trong xóm, con ông Khoa.

Có lần đồng chí gái hỏi mình sao không có bạn học cũ. Mình nói khi xưa, có đi học đâu mà có bạn. Ai ngờ từ khi tìm lại Hùng Con Cua, lòi ra cả đám Yersin khi xưa rồi Văn Học.

Gặp lại Huỳnh Kim Sang sau 50 năm. Cho ăn mệt thở, đồ ăn Huế của Houston.

Kể chuyện thời tiểu học, bắn bi, đánh đáo, lớn lên thì đánh bóng bàn. Anh ta kêu mình đánh tiêu rờ ve khiến anh ta sợ. Dạo ấy trong xóm, không ai đánh lại mình nhưng ra khỏi xóm thì mình không đánh lại ai cả. Thua Nguyễn Minh Dũng hoài. Chán Mớ Đời 

Nay mình mới được giải thích lý do tại sao xóm mình có nhiều người học võ, thường được dân Đà Lạt gọi là băng Thái Cực Đạo vì đa số học môn này như anh NGọc, Đức,… . Anh đầu của Sang là người đầu tiên học võ trong xóm, sau này làm võ sư. Hình như học ông thầy Thiếu lâm trên đường Ngô Quyền mà anh chàng học chung với mình ở Yersin tên Trử có theo học. Anh ta không muốn mình theo học nên dấu, cứ đi học về là ghé nhà mình xin nước uống dù mình nhờ anh ta giới thiệu. Chán Mớ Đời 

Anh ta kể lại đoạn đường từ khi rời mái nhà trường đi quân dịch. Vào được không quân, họ cho đi học rà mìn để thanh tra xung quanh phi trường Tân Sơn Nhất. Chỗ anh ta đóng quân là viện bảo tàng tội ác Mỹ ngụy ngày nay. Mới vào quân đội, gặp bạn học cũ bị thương khi đi Thuỷ Quân Lục Chiến, khiến anh ta hoảng tiều.

Sau 75, đi làm thợ hồ, lơ xe đò để sống qua ngày rồi được móc nối đi vượt biển với ông anh. Sang Hoa Kỳ, đi làm để nuôi mấy người em bên Việt Nam. Đến năm 40 tuổi thì mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Về Việt Nam lần đầu được em út, hàng xóm giới thiệu mấy cô nhưng tình yêu chưa đủ lớn nên hơi ngần ngại.

Còn hai ngày về lại Hoa Kỳ thì mới nhớ đến một người bạn, giới thiệu một cô cháu ở Cai Lậy nên bò xuống thăm. Vào nhà thấy chỉ có chiếc chiếu trải dưới đất. Ăn cơm cả nhà chỉ có 1 cái chén và 3 chiếc đũa. Có lẻ bề trên sắp xếp nên anh ta mở lòng. Anh ta nói thẳng là Việt Nam để kiếm vợ, mới gặp nhau thì không thể nói tình yêu nhưng nếu cô nàng cho anh ta một cơ hội đả thông tư tưởng trong những giờ phút còn lại tại Việt Nam.

Cô nàng nhất trí thế là cả nhà anh ta mời đi ăn cơm như đi họp chi bộ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vì có nhiều người xía vào ở tiệm ăn. Anh ta mời thêm em gái hậu phương Cai Lậy, một lần nữa đi ăn hôm sau tại cư xá Thanh Đa, uống nước dừa,… cô nàng thua anh ta đến 2 thập niên. Thế là anh đưa cho tiền để về chuẩn bị cổ làm đám hỏi cấp tốc trước khi lên đường về Mỹ.

Gặp lại 2 người bạn Đà Lạt xưa. Bận áo ngược Chán Mớ Đời 

Nhà trai không có bao nhiêu nên mời cả xóm ở Cai Lậy, vui vẻ rồi chia tay hẹn ngày trở lại để làm đám cưới. Đến giáng sinh, không báo cho nhà biết, anh ta bay về, sợ tên nào rủ cô nàng đi lễ mừng CHúa sinh ra đời. Ở Hoa Kỳ, nhờ văn phòng di trú làm hồ sơ bảo lãnh, họ bảo phải viết thư cho hôn thê cho nhiều để bổ túc hồ sơ. Anh ta kêu ở đây có dịch vụ viết thư cho hôn thê không, khiến mấy người ở văn phòng la quá trời.

Mình hỏi khi xưa, thấy anh chàng viết thư tình nhờ mình đưa cho mấy cô trong lớp mà kêu nhát gái. Khi xưa, mới sang Văn Học, mình phục anh chàng này với một anh chàng khác tên Hiệp 11A. Viết thư cho mấy cô rồi nhờ mình, làm bưu điện bất đắt dĩ đưa qua đưa lại với mấy cô nàng trong lớp.

1 năm sau thì bảo lãnh vợ sang được, sinh cho 2 đứa con nên phải đi cày thêm để nuôi con ăn học. Vợ học nghề làm tóc, hai vợ chồng dành dụm mua được 5 căn nhà cho thuê. Anh ta kể khi xưa, để dành tiền để giúp mấy người em ở Việt Nam, mua xe để chạy xe hàng nhưng thất bại. Ngày xưa, nhà anh ta có xe hàng, hay chở vật triệu xây cất cho mấy giáo xứ. Nhà anh ta hay đi lễ và sinh hoạt đoàn Hùng Tâm Dũng Chí ở nhà thờ cạnh nhà thương Đà Lạt. Bố đỡ đầu là bác Lê Công Oai, bố Lê Công HÙng, nhà ở đường Thi Sách, đối diện nhà trung tá Tốn. Đi lên một tí thì đến xóm nhà của Cao Quốc Tuấn.

Tiểu bang Texas nổi tiếng về bbq và thịt bò nướng. Vợ chồng chị bạn dẫn mình đi ăn bbq. Họ đưa cho cái rỗ to đùng để đựng thức ăn. Ăn xong chắc hết dám ăn thịt nướng cho mấy tháng quá.

Vợ chồng chị bạn chở mình đi thăm biển gần Houston, sau đó cho đi ăn bbq Texas. Xứ cao bồi này được tiếng là cái gì họ làm cũng to. Chai tương ớt còn to hơn chai nước mắm Việt Nam. Khi mua đồ ăn, họ đưa cho cái rỗ lớn bằng nhựa, đựng thức ăn, đem về bàn. Ăn thở không ra vì nhiều quá.

Mấy ngày đến Houston, trời mưa khiến mình nhớ đến Đà Lạt da diết. Sáng thức dậy nhìn trời mưa, tìm lại cảm giác ngày xưa còn bé ở Đà Lạt, cũng nhìn mưa suốt mùa mưa. Khiến mình chỉ muốn trốn khỏi không gian Đà Lạt xưa. Lại gặp bạn Đà Lạt xưa, tha hồ kể về Đà Lạt xưa. Có chút gì đó hạnh phúc đầy cảm động. Lại được chủ nhà cho ăn đậu phộng húng liều nên lại nhớ đến ông bận áo vét trắng, bán đậu phụng húng liều, ở trong xóm ngay dốc Ngã Ba Chùa.

Không biết chừng nào gặp lại nhưng mình rất mừng gặp lại một người bạn hàng xóm, học chung được vài tháng ở Văn Học. Anh ta có một người em bà con ở trong xóm, nay đã qua đời. Mình nhớ anh chàng này có nói với mình là anh bạn có gửi thư từ trại lính cho mình nhưng anh ta quên và quăng xọc rác. Chán Mớ Đời 

Mình có cho điện thoại một người bạn thân khác tại Đà Lạt và anh chàng có nói chuyện được lâu lắm. Anh chàng này rất dễ thương, mình về Đà Lạt, anh ta nghỉ làm, chở mình đi chơi trong suốt thời gian ở Đà Lạt. Ngoài ra, mình có đưa số điện thoại cho cô em của anh bạn, để liên lạc với một cô bạn học Văn Học khi xưa rất thân.

Về già, gặp lại bạn học xưa rất quý. Mừng là vẫn còn sống sót sau 75 ly tán. Vấn đề là ở xa quá, khó gặp nhau đều. Chỉ hy vọng có ngày gặp lại tại Cali hay Texas.

Đi ta bà, học bổ túc văn hoá cả 10 ngày mới về lại với vợ nhà. Vợ kêu chuẩn bị lên đường nữa. Đúng là năm đi ta bà.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn