Toàn cầu hoá hay nô lệ văn hoá

 Năm nay, sao thiên di chiếu vào cung mệnh của mình nên đi ta bà hơi nhiều. Từ Peru đến Dubai rồi qua Thổ Nhĩ Kỳ, lên đỉnh Kilimanjaro xuống các Kim Tự Tháp ở Ai Cập và Biển chết của Jordan. Chưa kể mấy chuyến đi nội địa ở Bryce Canyon, Zion, Mammoth Lakes hay MOunt Whitney. Tuần tới lại lò mò sang Puerto Rico, rồi tháng 12 lại đi đâu bên Mễ Tây Cơ. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, còn sinh viên tại Pháp, hè thì mình mang ba lô đi chơi khắp âu châu bằng quá giang xe, xe buýt hay xe lửa. Nói chung dạo ấy ảnh hưởng văn hoá của Hoa Kỳ không thấy xuất hiện nhiều, ngoài thiên hạ bận quần bò khiến cô bạn mỹ nói về Hoa Kỳ sẽ mua cổ phiếu Levis. Nước coca thì có thấy nhưng dân địa phương cũng ít uống.

Ngày nay thì dân sở tại mang giày Nike, quần bò, đội cap New York, nghe nhạc Rap, nói chung áo quần hàng hiệu Mỹ nhiều. Chỉ có điện thoại di động thì của Trung Cộng, có lẻ IPhone đắt tiền so với đồng lương của họ. Nói chung đi trên phố mấy xứ này, mình không cảm thấy khác biệt với Hoa Kỳ. 

Ngày nay, đi mấy nước đều thấy thiên hạ uống coca cola đầy, ăn Pizza Domino, Pizza Hút, còn các tiệm MacDonalds, Burger King thì mọc đầy. Sự khác biệt giữa mấy tiệm này ở các xứ này và Hoa Kỳ là dân sở tại xem như nhà hàng xịn, rất trân trọng, tiệm ăn trang hoàng hoành tráng hơn bên mỹ. Ở Cali, gần nhà có mấy tiệm Pizza Hut hay Domino, nhỏ xíu. Người dân gọi điện thoại đặt thức ăn rồi 15 phút sau ghé lại lấy hay kêu họ mang tới nhà. Ngược lại ở các xứ mình thăm viếng thì trang hoàng đẹp như thể ở Hoa Kỳ, vào tiệm ăn sang trọng.

Cho thấy sự toàn cầu hoá, khiến người dân các nước trên thế giới ăn uống như người Mỹ vô hình trung văn hoá ẩm thực mỹ đã toàn cầu hoá thế giới. Nghe nói tiệm ăn MacDonalds ở Champs Elysees, đông khách nhất xứ pháp. Khi xưa, bộ trưởng văn hoá của pháp, ông Jacques Lang kêu gọi chống lại sự hãm hiếp của văn hoá tư bản đang dãy chết. Kêu gọi cấm không được sử dụng từ ngữ anh ngữ trong sách báo Pháp.

Ngày nay, cháu mình ở pháp làm nhạc, viết bằng tiếng anh. Chán Mớ Đời 

Tiệm ăn Burger King trên đại lộ chính ở Istanbul. Bên trong rất sang trọng, chỉ ghé vào xem rồi đi ra

Lâu lâu mình có nghe hội thoại các chương trình tại Việt Nam thì khám phá ra người Việt tại Việt Nam, đúng hơn giới tinh hoa của Việt Nam, sử dụng tiếng anh rất nhiều trong câu chuyện của họ, trong khi mình thì tìm cách học thêm ngữ vựng Việt Nam. Tương tự thế hệ đi trước mình khi xưa, theo tây học, nói chuyện toàn xổ tiếng tây. Moi và Toi ỏm cù tỏi như moi đi xe lửa moi leo lên đầu toi, moi đái trên đầu toi,…

Dưới thời Pháp thuộc, các giới trí thức Việt Nam bắt chước văn hoá của kẻ đô hộ mình, học nhảy đầm, đọc sách tây, muốn bắt chước sống như người Pháp. Ngày nay tương tự, người Việt cũng nhảy đầm như khẳng định mình thuộc thành phần trí thức, trưởng giả. Nói chung người Việt tại Bolsa, không có gì để tiêu khiển, giải trí vào cuối tuần. Người Mỹ thì họ đi nghe nhạc ở hý viện, xem Opera, xem kịch,…nhưng không hợp khẩu với người Việt tỵ nạn. Khi xưa ở Pháp, nhảy đầm thường dành cho ngừoi bình dân mà họ gọi Bal Populaire khi có lễ ăn mừng cách mạng, 14 juillet nhưng người Việt mình lại đôn lên thành một loại tiêu khiển của giới trưởng giả.

Trong sự bành trướng của văn hoá mỹ, các nước e ngại, nhất là các nước độc tài. Họ đang tìm cách chống lại sự bành trướng của nền văn hoá mỹ tại quốc gia của họ. Như trong phim “invasion of the Body Snatchers", các người hành tinh kiểm soát và chế ngự cơ thể và bộ óc của con người trên địa cầu.

Các trí thức cho rằng sự mỹ hoá dưới dạng một văn hoá đế quốc như dưới thời đại La Hy, mà các công ty như Sony, Seagram, Bertelsmann,.. tuy không phải là công ty Mỹ, vẫn tiếp tục quảng bá các hình thức văn hoá của Mỹ.

Mình mở đài truyền hình địa phương để xem, thấy toàn là phim của Hồ Ly Vọng sản xuất. Khi xưa, ở Việt Nam, mình thích xem phim tây hay mỹ còn phim Việt Nam thì ít, người lớn chê phim Việt Nam, đồ lô-can. Mình nhớ ở Ma-rốc thấy dân tình mê BAy Watch hay khi xưa ở Pháp, người Pháp mê phim bộ Charlies’ Angels, Dallas. Báo chí trong tuần cứ hỏi về JR hay cô đào Fawcett.

Ngược lại người ta nhận thấy sự mỹ hoá, giúp người dân bản địa có tinh thần khai phóng, yêu văn hoá, tinh thần chống bạo quyền của văn hoá mỹ, bắt nguồn từ thời nước mỹ vẫn còn là thuộc địa của đế chế Anh quốc. Họ cho biết vào những năm 1950 của thế kỷ trước, văn hoá mỹ đã gây ảnh hưởng lớn cho giới trẻ tại Tây Đức, Pháp quốc,…đã giúp dân chủ hoá chính trị nước họ sau thế chiến. 

Tổng thống De Gaulle, sau khi bị ám sát hụt bởi nhóm OAS, đã cầm quyền rất cứng rắn, bỏ tù hết mấy ông tướng tá hay ai chống ông ta, khiến giới trẻ nổi loạn mà ngày nay người Pháp hay gọi Mai 68. Giới trẻ tại Hoa Kỳ, chống lại chiến tranh Việt Nam, bạo loạn, đốt giấy gọi nhập ngủ hay trốn qua Gia-nã-đại, tương tự ngày nay thanh niên Nga chống lại lệnh động viên của Putin, một số bỏ chạy qua các nước lân cận. Tương tự giới trẻ tại Nam Hàn và Đài Loan hay các nước Nam Mỹ, nổi loạn biểu tình chống lại chính quyền quân phiệt, giúp được sự dân chủ hoá đất nước họ.

Các chương trình như Simpsons đã giúp củng cố nền văn hoá mỹ trên thế giới với tinh thần chống lại quyền lực của chính phủ. Họ có thể chế nhạo tổng thống hay bộ trưởng, dân biểu,…biểu tượng của quyền lực. Mỗi thứ 7, mình đều xem chương trình Saturday Night Live, họ chế diễu các chính trị gia, tổng thống, đủ trò.

Văn hoá là một vũ khí rất nguy hiểm cho các chính quyền độc tài. Mình nhớ có xem cuốn phim Lỗ Ma ni, nói về một cô thuyết minh các phim mỹ và tây phương được đem lậu vào xứ này trong thời gian cầm quyền của Ceauscescu. Người dân trả tiền để xem lén tại nhà ai trong chung cư. Khi người ta xem các phim cấm thì thấy trong các siêu thị của tư bản dãy chết, thực phẩm để đầy, nhà cửa to lớn, xe cộ nhiều nên họ bắt đầu đặt lại sự thật về tuyên truyền của chính phủ và mất niềm tin và lãnh đạo để sau này họ xử tử hai vợ chồng ông lãnh đạo.

Có một anh gốc Tiệp trong chuyến leo núi Kilimanjaro, kể là bố anh ta, có dịp đi sang tây Đức thì khám phá ra siêu thị đầy nhóc thực phẩm, không phải xếp hàng như ở Praha nên mất niềm tin vào đảng, dù ông ta là đảng viên trung thành từ mấy chục năm qua, luôn luôn phấn đấu để trở thành một đảng viên tốt của xã hội chủ nghĩa.

Trong quá khứ, văn hoá được biểu hiện qua giai cấp ưu tú và giàu sang. Sách vỡ rất đắt, chỉ dành cho các giới quý tộc. Họ gửi con họ vào đại học để ngẩm nghĩ về cuộc đời, học tiếng la tinh hay tiếng Hy Lạp,.. nông dân như mình thì muôn đời, không biết đọc.

Văn hoá đại chúng (popular culture) mà người ta thường nói hay nhạc đại chúng (pop Music) thể hiện một loại văn hoá, xoá bỏ từ từ sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Như phong trào Hippie được xuất phát tại Hoa Kỳ rồi lan tới các nơi trên thế giới, để nói lên giới trẻ chống lại sự sai khiến của nhà cầm quyền, tiêu biểu nhất là đại nhạc hội Woodstocks, tiểu bang New York. Họ kêu gọi không gây chiến tranh, yêu chuộng hoà bình. Trong ánh mắt của chính quyền mỹ hay các nước khác là sự nổi loạn, bất tuân quyền lực của họ là phản động. Như Mai 68, ở âu châu, tạo thành cách mạng văn hoá khiến tổng thống De Gaulle phải ra lệnh cải cách.

Chính quyền lúc nào cũng lo sợ sự bất tuân dân sự của quần chúng. Mình xem trên mạng đăng tải các cuộc biểu tình vì vật giá leo thang tại Đức quốc, Pháp quốc, Hoà Lan, Ý Đại Lợi,…thậm chí nhiều biểu tình chống ủng hộ Ukraine nhưng không được đài truyền hình chính truyền tải. Họ tìm mọi cách để loại trừ như ở Gia-nã-đại, các tài xế xe tải đình công gì đó, chính phủ khoá tài khoản, trương mục của họ trong ngân hàng thế là mấy ông này phải bỏ về.

Trong tương lai chính phủ sẽ không dùng tiền mặt mà chỉ cho sử dụng tiền trên mạng, để kiểm soát quần chúng. Nghe kể ở Trung Cộng, ai mà lộn xộn là không được mua vé xe, máy bay hay thực phẩm, khiến chúng ta sẽ không dám đối kháng lại bạo quyền. Ở tây phương chắc sẽ không như vậy nhưng họ vẫn có thể khoá tài khoản của mình là ngọng.

Cải cách văn hoá thì các sách cổ điển về thi ca không cần thiết nữa như khi mình học trung học, ông tây bà đầm bắt học thuộc lòng các bài thơ của Corneille, Racine, Moliere, dù chả ăn nhập gì đến đời sống cá nhân. Gặp các người trẻ ở mấy nước thăm viếng. Họ hỏi lý do mình muốn thăm viếng xứ họ, mình kể đọc thơ của Homer, nói về các xứ này khiến họ như bò đội nón, vì chưa bao giờ nghe đến thi hào Hy Lạp Homer. Họ chỉ biết Kim Kardashian hay Kay West,… Chán Mớ Đời 

Các tiểu thuyết trở thành văn chương của giới trung lưu, thậm chí các tiểu thuyết được đăng báo thành các feuilleton như Francoise Sagan hay Colette,… văn hoá được bình dân học vụ, quần chúng hoá. Đọc tiểu thuyết dễ hơn đọc Albert Camus. Ở phi trường, vào mấy tiệm sách, chỉ bán tiểu thuyết nhiều, còn sách về thương mại, lèo tèo vài cuốn.

Đầu thế kỷ 20, sự phát triển của văn hoá giải trí như xi nê, ca nhạc kịch, các công viên du chơi như Disneyland, nhạc được phổ biến qua các phương tiện truyền thông như radio và truyền hình, giúp thu hút thêm khán thính giả đến với văn hoá đại chúng, dần dần tạo ra một ngôn ngữ chung cho loài người trên thế giới. Ngày nay với internet, thế giới như được gần lại với nhau, không xa lạ, khác biệt.

Có thể nói văn hoá mỹ là hệ quả đầu tiên của cuộc cách mạng văn hoá đại chúng hiện nay trên thế giới. Hoa Kỳ là một xã hội đa chủng tộc nên gom đủ các chủng tộc trên thế giới và từ từ được mỹ hoá, đúng hơn là tạo dựng một văn hoá đa chủng tộc. Lấy thí dụ nhạc Rock, ảnh hưởng của nhạc người da đen, nhạc country của người Mỹ trắng, hay nhạc Mễ như bản nhạc La Bamba. Họ lấy giai điệu, một bài hát của người Mễ rồi biến tấu lại. Dù là tiếng Mễ nhưng người Mỹ vẫn thích.

Trước 75, có ban nhạc Phượng Hoàng làm nhạc lời việt với sự ảnh hưởng của nhạc Pop Hoa Kỳ hay nhạc sến mà nay người ta gọi nhạc Bolero, cũng bắt nguồn từ nhạc cải cách, ảnh hưởng của nhạc tây phương,…

Một người gốc da vàng được tiếp cận đến nhạc Jazz của người da đen hay một người da trắng có thể nghe nhạc Mariachi và uống Tequila của Mễ. Từ từ các văn hoá của nhiều cộng đồng được gom lại, tạo ra một văn hoá đa chủng tộc.

Có lẻ lý do đó mà văn hoá mỹ được bành trướng dễ dàng tại các nước Âu châu, á châu hay phi châu,…vì có ảnh hưởng bởi các chủng tộc khác nhau, di dân tại Hoa Kỳ.

Nếu chúng ta nhìn văn hoá mỹ được gom lại các nền văn hoá khác nhau của người di dân từ khắp thế giới theo sự phát triển của Hoa Kỳ. Các nước khác muốn phát triển cũng phải mượn các văn hoá khác để tạo ra cho chính mình một văn hoá mới. Phải có sự cọ sát, giao thoa giữa hai nền văn hoá mới tạo ra cái mới.

Điển hình, người Hy Lạp chinh phục, đô hộ người Ai Cập. Họ mạnh về quân sự nhưng về văn hoá thì không bằng người Ai Cập có nền văn minh khá cao, lâu đời hơn. Người Hy Lạp học hỏi nền văn minh của người Ai Cập, để tạo ra nền văn mình HY Lạp gây ảnh hưởng cho thế giới ngày nay. Họ vay mượn kiến trúc Ai Cập để tạo ra những đền thờ kiến trúc tuyệt mỹ mà 3,000 năm sau vẫn là tuyệt tác.

Đến người la mã vay mượn của người Hy Lạp với kỹ thuật của họ đã để lại cho nhân loại biết bao nhiêu công trình tuyệt mỹ. Người âu châu bắt chước người Hy Lạp và La mã để tạo ra các kiến trúc thời Phục Hưng,…và cứ như thế đến ngày nay.

Sự cọ sát các văn hoá đa chủng tại Hoa Kỳ đã kiến tạo ra một văn hoá đại chúng, gây ảnh hưởng trên toàn cầu từ 30 năm qua. Có lẻ các văn hoá tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ nhưng trên thực tế, các nền văn hoá trên thế giới đang tự biến hoá như văn hoá Mỹ mấy chục năm về trước.

Có lẻ lo sợ mất bản sắc hay bị văn hoá mỹ đô hộ nên có nhiều nước đang tìm cách ngăn cản, kiểm duyệt trên mạng. Nguy hiểm nhất là tinh thần bất phục tùng chính quyền mà chúng ta thấy qua Mùa Xuân Ả Rập. Hoa Kỳ còn nhiều quyền lợi nên chưa để các chính quyền thân mỹ rớt đài. Các nhà đầu tư tây phương lo âu nên không dám tiếp tục đầu tư nên Trung Cộng nhảy vào. Mình thấy đâu đâu đều có dấu vết của Trung Cộng như điện thoại Xaomi, xe hơi tàu xuất hiện trên đường phố Ai Cập và Jordan hay Tanzania. Biết đâu một ngày nào đó người Ai Cập sẽ hát nhạc tàu. Văn hoá họ sẽ biến thể vì ảnh hưởng văn hoá người Hán. Mình đọc ở đâu đó, cách đây mấy chục ngàn năm, một số dân từ Ai Cập, đã di dân về đến á châu , nay là Trung Cộng. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn