Giá trả cho nền độc lập

 Đi Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Tanzania, Ai Cập và Jordan giúp mình có thời gian, cơ hội nói chuyện với người bản xứ và đọc sách báo về các nước này nhất là các nước dành độc lập sau đệ nhị thế chiến. Có người từ Guyana tự hỏi tại sao quốc gia của họ tương đương với Dubai, có dầu hoả nhưng sau 50 năm độc lập, Dubai, từ một nền kinh tế không đến 3 tỷ mỹ kim, đã tạo dựng một nền kinh tế gần 500 tỷ đôla. 1% lợi tức dầu hoả đóng góp vào GDP, 20% do du lịch, ngoài ra nhờ các dịch vụ, buôn bán nhờ vào hải cảng rộng lớn của xứ này. Dubai được xem là một trong những quốc gia giầu có nhất trên thế giới.

Dubai thường được xem là một làng đánh cá tương tự Guyana, cũng có dầu hoả nhưng sau 50 năm dành độc lập, Dubai trở nên một quốc gia giàu có, trù phú còn Guyana thì te tua. Theo mình thì Dubai, có một ông vua, có đầu óc cấp tiến, muốn cải tiến đất nước nên dễ dãi về các luật Sharia của hồi giáo. Không có nhân công để phát triển đất nước nên họ nhập cảng khối lao động đến từ Ấn Độ, Pakistan, Phi Luật Tân,…thậm chí từ Việt Nam.

Sau đệ nhị thế chiến, các nước âu châu được Hoa Kỳ giúp đỡ qua chương trình Marshall, đã phải nhập cảng nhân công từ các thuộc địa cũ hay Thổ Nhĩ Kỳ như Đức quốc, để phát triển nền kinh tế hậu chiến của họ. Dubai đã phải sử dụng chế độ này, mới thành công. Ngày nay, 90% dân số ở Dubai là người ngoại quốc đến lao động, làm giàu cho xứ sở này.

Khi xưa ở Châu Mỹ, họ phải đem nô lệ từ phi châu đến để giúp kinh tế mấy thuộc địa mới này, nếu không thì châu Mỹ la tinh hay bắc Mỹ không được như ngày nay. Dubai cũng đem người đến làm việc, được cái là họ trả lương hậu hỉ nên thu hút được người tài mà không có đất dụng võ ở xứ họ.

Lịch sử có khuynh hướng lập lại. Nếu như phong trào cực hữu của pháp hay Đức quốc, nói chung ở âu châu lên mạnh. Khi họ nắm chính quyền thì có thể họ sẽ ra các đạo luật như đuổi cổ mấy người Pháp, gốc Việt Nam, ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ,…về xứ như thể vào những năm 1960, người Algerie, đuổi cổ những người sinh trưởng tại Algerie, về Pháp.

Dubai có trên 10 triệu người mà 90% là dân ngoại quốc, đến đây làm việc. Để rồi một vài thế hệ nữa, con cháu những người di dân, ăn vạ ở xứ này thì có biến động chính trị ngay. Trung Cộng đi mướn các khu vực ở các quốc gia bạn, đem người Tàu đến sinh sống, 100 năm sau, biểu họ trả lại đất, có khả thi hay không hay là có cuộc đẫm máu xẩy ra. Chúng ta thấy Hương Cảng ngày nay được Anh quốc trả lại cho Trung Cộng, người Hương Cảng tự xem họ độc lập, không dính dáng gì đến anh Trung Cộng. Trước khi Hoa Kỳ và các nước khác công nhận Trung Cộng là thành viên chính thức của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Người dân Hương Cảng đâu muốn phục tùng Trung Cộng. Xem video trên mạng, thấy người dân Hương Cảng, chửi bới, miệt thị dân từ Trung Cộng sang (Main land)

Họ cho rằng có hai điểm quan trọng của sự phát triển quốc gia: nền chính trị và hệ thống kinh tế. Đọc mấy bài viết của người Tàu từ Trung Cộng, viếng thăm Đài Loan. Họ tự hỏi cùng nói tiếng quan thoại nhưng sao xã hội Đài Loan khác xa với Trung Cộng. Người Đài Loan viếng thăm Trung Cộng thì chắc chắn không muốn trở thành người Hán của Trung Cộng.

Mình có anh bạn tàu, kể về thăm quê ở vùng nào đó trồng trà. Anh ta lên xe lửa cao tốc mà chính phủ Trung Cộng quảng bá, tuyên truyền, hiện đại hơn xe lửa Nhật Bản. 1 tiếng sau, bước ra hành lang, anh ta thấy khạc nhổ của người Tàu ở trên xe lửa đầy, không dám, bước đi nữa. Đi xe lửa thường, người ta mở cửa sổ để khạc ra ngoài, còn cầu tiêu thì khỏi nói. Họ đợi ở ngoài lâu quá nên tè luôn trước cửa. Kinh

Dubai có nền quân chủ chuyên chế trong khi Guyana theo chế độ Dân Chủ tập trung. Nền quân chủ bảo đảm một nền chính trị vững chắc, thuận tiện cho sự làm ăn, đầu tư trong khi Guyana thì nền chính trị lộn xộn, tham nhũng đầy nơi.

Ngày nay 90% dân số tại Dubai là người di dân. Như Hoa Kỳ khi mới được thành lập, họ mua nô lệ từ phi châu, để bảo đảm lực lượng lao động sản xuất cho họ. Nếu không có nô lệ đến từ Phi CHâu thì Hoa Kỳ khó có được sự thịnh vượng như ngày nay. 

Dubai khởi đầu bằng xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại. Sang Dubai thấy phi trường, xa lộ rộng lớn giúp dân chúng di chuyển nhanh chóng. Nội mấy nhà ga nhỏ của các xe điện trên không đủ thấy đẹp. Ông vua của xứ này biết là dầu hoả có đó nhưng sẽ có một ngày sẽ cạn hết nên ông ta dùng dầu hỏa để đầu tư, tạo dựng một nền kinh tế lâu dài, không dựa vào dầu hỏa như các nước lân cận.

Nới lỏng sự khắc khe của luật Sharia của hồi giáo, Dubai cho phép người dân, du khách có thể ăn bận theo tây phương,… khiến các nước láng giềng bị các luật Sharia giam lỏng, buồn chán, chạy qua Dubai để được tự do trong những ngày cuối tuần, mua sắm, ăn chơi. Họ làm ra tiền mà không có gì để giải trí và 5 lần cầu nguyện thường nhật. Dubai trở thành thiên đường của các người giàu có trong khu vực.

Hôm ở Dubai, đồng chí gái thấy mấy bà bản xứ đi trong thương xá, bận toàn đồ đen từ trên xuống dưới, trừ hai con mắt đi nhìn đường mà đi. Đồng chí gái kêu họ chỉ có thể khoe được cái ví LV. Khi ăn họ vén cái màn che mồm lên để bỏ thức ăn vào miệng.

Dubai bắt chước Lý Quang Diệu, đã biến Dubai thành một Tân Gia Ba của Trung Đông, giàu có. Covid đến nhưng quốc gia chỉ đóng cửa có 3 tháng sau đó thì mở cửa cho du khách đến. Nếu không sẽ có bạo loạn. Hình như họ cho dân về lại nước họ mấy tháng.

Sau khi dành lại độc lập từ người Anh quốc, Guyana vẫn tiếp tục kỹ nghệ đánh cá. Năm 2019, kỹ nghệ đánh cá và nuôi cá lên đến 16 tỷ đôla nhưng hôm nay chỉ còn 7.7 tỷ đô la, xuống 52%. Nếu so sánh GDP Guyana với Dubai thì một trời một vược sau 50 năm. Cho thấy chính trị và kinh tế đi đôi với nhau.

Các quốc gia á châu như Tân Gia Ba, Đài LOan và Nam Hàn, Nhật Bản, khởi đầu họ cần một nền chính trị vững chắc để có thể thực hiện các chương trình cải cách kinh tế. Nhất là Đài LOan và Nam Hàn, bị áp lực của Trung Cộng và Bắc Hàn. Do đó họ cần một chính quyền độc tài để thanh lọc các phần tử thân cộng. Sau đó khi nền kinh tế khá rồi, quốc gia có được một giai cấp giàu có thì họ mới nới lỏng nền chính trị và dân chủ hoá xã hội như ngày nay. 

Mình nghe người lớn kể chuyện, có lẻ mật vụ của thời ông Diệm, đàn áp hơn thời đệ nhị Cộng Hoà, khiến bao nhiêu nằm vùng len lỏi vào các cơ quan của chính quyền và quân đội miền nam. Việt Nam Cộng Hoà cho phép đối lập trong quốc hội còn mấy nước như Nam Hàn và Đài Loan, lúc đầu không có sự đối lập.

Có hai thí dụ khác là Ấn Độ và Nigeria, 2 cựu thuộc địa của đế chế Anh quốc. Ấn Độ (dạo ấy có thêm Pakistan và Bangladesh). Khi người anh xâm chiếm hai xứ này, họ đem theo tôn giáo, kỹ thuật, nền hành chính và ngôn ngữ. Người Ấn Độ từ chối chấp nhận trở về đạo của người Anh quốc, ngược lại họ tiếp nhận kỹ thuật và văn hoá của người Anh quốc.

Người Ấn độ bắt chước người Anh quốc uống trà, giúp mẫu quốc làm giàu. Mình có tên bạn gốc Ấn Độ, hắn chửi Anh quốc như gì. Người Ấn Độ học tiếng anh, học đánh Cricket với giấc mơ trở thành người Anh quốc, kẻ cai trị mình. Tương tự người Việt khi xưa, bắt chước kẻ cai trị mình xổ tiếng tây, bận đồ tây, hút thuốc lá tây, học nhảy đầm như đám thực dân cai trị mình. Như vậy, họ tự xem mình thuộc giới cai trị, trưởng giả. Họ muốn tây hoá, tẩy sạch hết căn bản của tố chất việt của họ để được như người da trắng, đô hộ họ. Đó là cái nguy hiểm vì khi đã mất cái bản sắc Việt thì chúng ta sẽ bị lộn xộn, khủng hoảng căn cước, khó có thể tìm được một lối đi cho chính mình, chỉ vay mượn ở ngoại bang. 

Người Nigeria không học kỹ thuật của người Anh quốc, họ lại theo đạo của thực dân truyền giáo, họ sử dụng anh ngữ như ngôn ngữ chính của hành chánh và xã hội. Họ tự bào chửa là có nhiều bộ tộc và phương ngữ, nghe nói đâu trên 300 loại. Người Ấn Độ có trên 2,000 phương ngữ. Anh ngữ được sử dụng khá nhiều vì nhiều bộ tộc không hiểu nhau. Xem phim Ấn Độ, thấy họ phụ đề đủ loại tiếng chính được sử dụng tại xứ này.

Người Anh quốc, trước khi rời bỏ Ấn Độ, đã tìm cách chia 5 xẻ 7 xứ này khiến Ấn Độ và Pakistan, Bangladesh luôn luôn trong tình trạng đối nghịch, khó phát triển hoàn toàn. Theo mình hiểu thì văn hoá ở Ấn Độ còn giữ các giai cấp nên khó phát triển một cách rõ rệt. Kiểu xét lý lịch. Mấy người Ấn Độ, sang Hoa Kỳ, rất thành công, làm lớn trong các công ty Google, Pepsi, …

Nếu chúng ta nhìn bản đồ phi châu, sẽ thấy người tây phương chia cắt một cách vô lý. Họ cứ chia các biên giới theo đường thẳng, bất chấp sự khác biệt văn hoá giữa các vùng. Mình đoán là người tây phương cố tình, để gây xáo trộn, giúp họ làm ngư ông hưởng lợi. Từ khi các nước tây phương bị bắt buộc trao trả nền độc lập, chúng ta thấy chiến tranh, lật đổ đủ trò giữa các nước, bộ lạc với nhau.

Ở Á Châu, ông Lý Quang Diệu đã biết gom góp lại các người khác chủng tộc sinh sống lâu ngày tại hòn đảo này. Người Mã Lai, người Ấn Độ, người Tàu,.. tạo dựng một thể chế khiến mọi giới đều đóng góp, không bị kỳ thị, giúp đất nước này phát triển nhanh. Họ dùng anh ngữ để thống nhất các giống dân với nhau.

Lịch sử cho thấy các nước dành được độc lập thường sử dụng các chương trình do quan thầy thực dân cũ hay theo Liên Xô. Chỉ có những chính quyền vì dân, ít tham nhũng, không bị tây phương bẩy nợ thì mới phát triển nhanh chóng còn thì te tua, mắc nợ ngoại bang, dân tình khốn đốn. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn