Những nguy cơ khi sống lâu tại Hoa Kỳ

 Dạo mình mới sang Hoa Kỳ, thấy mấy người đồng nghiệp lớn tuổi lo ngại về quỹ hưu trí. Họ nói đến ERISA và luật Revenue Act, thành lập 401(k) đã thay đổi các quỹ hưu trí của công ty tư nhân nên người Mỹ lo ngại về hưu trí. Các công ty có quỹ hưu trí cho các nhân viên đã về hưu khiến họ phải phá sản như Sears, các công ty sản xuất xe hơi như GM, Ford,..đã không có tiền bạc để phát triển các loại xe mới, mất địa vị thương trường trên thế giới so với xe Nhật Bản và Nam Hàn.

Mình nghĩ làm việc vài năm ở Hoa Kỳ rồi trở về Âu châu nên không để ý lắm. Hàng năm, có mấy đại diện công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí, đến công ty để thuyết trình, mình ngồi nghe, chỉ biết ngáp, không hiểu gì cả. Không ngờ cuộc đời sắp xếp mình định cư luôn tại Hoa Kỳ đến nay. Nay đồng chí gái nghỉ hưu sớm nên chú ý đến tiền bạc để hai vợ chồng có thể sinh sống đến khi theo ông bà.

Đa số người Mỹ thuộc thế hệ trước mình, đi làm cả đời cho công ty rồi khi hưu trí thì được công ty trả hưu trí nhất là bảo hiểm sức khoẻ nên khi mấy luật kể trên, được áp dụng vào thế hệ mình thì bở ngỡ. Lý do là tại trường học, người ta không dạy về tài chánh, đầu tư nên khi ra đời không ai được trang bị hành trang về kiến thức tài chánh, kinh tế để tự lo cho khi mình về hưu.

Nên nhớ giáo dục hiện tại bắt nguồn từ thời cách mạng kỹ nghệ, họ dạy chúng ta trở nên những người công nhân ngoan ngoãn, tận tuỵ cả đời cho công ty, một kẻ nô lệ của thế kỷ 19, 20. Công ty nói mình ráng chăm chỉ làm việc để khi hưu trí họ sẽ nuôi nấng mình. Hưu trí khi xưa là 65 tuổi, mà đa số người Mỹ chết trước 63.5 tuổi.

Ngày nay chỉ có những người nào làm cho chính phủ thì khi hưu trí được nhận tất cả những ưu tiên của người hưu trí còn những ai làm cho tư nhân là ngọng. Chúng ta là những người đi làm đóng thuế để nuôi họ. Giác ngộ cách mạng hơi bị trễ. Có phong trào tìm cách huỷ bỏ vụ hưu trí này nhưng cũng khó vì các đại biểu không muốn mất quyền lợi của họ.

Người ta cho biết 90% người Mỹ không có tiền để dành trên $5,000. Dù là hưu trí và tiết kiệm. Lý do là không được giảng dạy tại trường học nên khi đi làm nghe đến tài chánh là ngáp như mình.

Đa số dựa vào số tiền an sinh xã hội mà mình đã đóng 7.3% khi đi làm, đến khi hưu trí thì sống bám vào dù họ nới chỉ là lợi tức phụ. Vấn đề là khi chính phủ Hoa Kỳ thành lập quỹ an sinh xã hội, người Mỹ trung bình chết vào lúc 63.5 tuổi. Nghĩa là họ chết 18 tháng trước khi nhận được tấm ngân phiếu đầu tiên. Nếu họ không có con cái, vợ hay chồng thì chính phủ lấy luôn. Người vợ may mắn sống lâu hơn thì nhận được số tiền an sinh xã hội của người chồng đến khi qua đời còn không thì chính phủ không phải trả. Người Mỹ già rất được các cô gái trẻ ở các nước khác yêu chuộng vì cứ bắt ông chồng già trả bài qua đêm thì sẽ theo ông bà, họ có thể lãnh tiền an sinh xã hội của người chồng quá cố đến khi chết.

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học và y khoa, người Mỹ sống trung bình đến 76 tuổi và phụ nữ thì trung bình đến 82 tuổi. Tương lai có nhiều bất trắc về sức khoẻ, thị trường chứng khoán lên xuống bất thường, chúng ta lo lắng về số tiền có thể sống thoải mái đến mãn đời. Điển hình năm 2008, các nhân viên của công ty ENRON bị trắng tay khi công ty này bị phá sản. Vừa bị sa thải vừa trắng tay về quỹ hưu trí. Do đó chúng ta không nên tin vào công ty của mình đi làm. Amazon hôm qua là công ty ai cũng muốn vào làm việc, nay thì họ sa thải như điên. Dạo này người ta đánh Twitter sa thải nhân viên để quần chúng quên các công ty khác cũng đang sa thải nhân viên nhiều. Kinh tế đang te tua, họ chỉ cố cầm cự đến hôm nay để hốt phiếu, sau đó thì như JUdith Piaf  hát Non, je ne regrette rien. Mới đi bầu xong, dù biết người mình bầu sẽ không trung cử.

Một trong những nguy cơ của thế hệ thường được gọi là Babyboomers là sống lâu hơn thế hệ trước. Theo thống kê thì năm 1950, người Mỹ sống trung bình đến 68.14 tuổi và năm 2021 là 76.1 tuổi. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết là nếu cặp vợ chồng nào sống đến 65 tuổi thì một trong hai người có khả năng sống đến tuổi 93 (có đến 25% có khả năng sống đến 98 tuổi). Nguy cơ lớn nhất trong trường hợp này là người hưu trí có thể xài hết tiền để dành của mình. Sống 30 năm sau khi về hưu nhất là sức khoẻ yếu đi, bệnh hoạn nhiều hơn.

Các chuyên viên tài chánh đề nghị là nên chia ngân sách của mình ra làm 3 giai đoạn, nhằm đáp ứng cần thiết cho hôm nay, giải đoạn trong 5 năm tới và những gì cần thiết trong tương lai trong suốt 30 năm tới.

Ngoài ra, họ đề nghị là không nên lấy tiền an sinh xã hội khi mới về hưu, nên đợi đến 70 tuổi thì lãnh thì sẽ nhận thêm 8% cho mỗi năm. Vấn đề là không ai biết được mình sẽ sống đến khi nào để lo toan tài chánh để tránh lạm phát, thuế và các chi phí về y tế. Mình thì 62 tuổi đã nhận tiền này nên rất ít. Trên thực tế thì nếu sống lâu thì lấy tiền sớm lợi hơn. Mình đã làm con toán về vụ này rồi.

Lạm phát là kẻ thù vô hình của người hưu trí. Từ 1914 lạm phát trung bình mỗi năm là 3.24% khiến đồng tiền cua mình mất giá, nhất là năm nay lên đến 8-9%. Họ đề nghị chúng ta mua trái phiếu của chính phủ (TIPS) và Series I Bonds vì có lần lên 9.62%. Vấn đề là chỉ cho phép mua tối đa là $10,000 và hai vợ chồng là $20,000.

Nguy cơ thứ 2 là đóng thuế. Luật năm 2017 dưới thời ông Trump đã giảm thuế cho những người có lợi tức cao xuống 37% nhưng sẽ được xoá bỏ vào năm 2026. Người hưu trí và còn làm việc vẫn phải bị đánh thuế vào tiền hưu trí, tiền lời ngân hàng, municipal bond, và tiền rút ra từ quỹ hưu trí như 401(k), IRA và tiền an sinh xã hội, có thể bị đánh thuế nếu lợi tức cao.

Năm 2022, cá nhân từ $25,000-$34,000 hay cặp vợ chồng từ $32,000-$44,000, 50% tiền an sinh xã hội có thể bị đánh thuế. Nếu nhiều hơn thì có thể số tiền 85% an sinh xã hội sẽ bị đánh thuế. Mấy tên cố vấn tài chánh thường nói là khi về hưu, chúng ta đóng thuế ít lại vì không đi làm. Vấn đề là hai vợ chồng có thể sống tại Cali với lợi tức $44,000/ năm. Tiền nhà, tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền bú xua la mua. Chán Mớ Đời 

Đó chưa kể một loại thuế khác là phải đóng Medicare Part B premium, rẻ nhất là $170.10 và cao nhất là $578.30 cho mỗi tháng. Điển hình một người có MAGI (modified adjusted gross income) là $150,000 và năm 2020, họ phải đống Medicare Part B là $340.20 cho mỗi tháng, và năm 2023 sẽ xem MAGI của năm 2021. Cho nên ở xứ tư bản dẫy chết này thì phải nghèo cùng đinh hay giàu cực đỉnh thì mới sống yên vui tự tại. Nghèo thì chính phủ bao hết còn giàu thì trả $500/ tháng là vui vẻ. Mình có anh bạn bác sĩ về hưu sớm, trả hơn $2,000/ tháng tiền bảo hiểm sức khoẻ cho hai vợ chồng. Vợ mình trả obamacare, đợi đến 65 tuổi. Kinh

Do đó người ta khuyên là chúng ta nên chuyển từ từ 401(k) hay ỈRA qua Roth để trong tương lai, khi rút tiền từ quỹ Roth sẽ không bị đánh thuế. Nên thành lập HSA (health Savings Account) để trả tiền cho Medicare Part B sau này. Mỗi năm như 2022, được bỏ vào $3,650 cho mỗi người, hai vợ chồng có thể bỏ vào $7,300 nếu trên $55 tuổi thì thêm $1,000. Nên dùng Self-directed HSA. Cuối tuần này mình đi Puerto Rico để học thêm có cách nào sử dụng quỹ này để đầu tư thêm, sau này cần trả tiền nhà thương,… mình rất tiếc quỹ học vấn của con mình đã xài hết khi con vào đại học, thay vì giữ để chuyển qua cháu của mình. Ngu thì chịu. Tưởng tượng khi cháu nội hay ngoại đến tuổi học đại học có mấy chục triệu là vui rồi. Mình đóng bố mất 2 trương mục này đến khi gặp ông luật sư CPA chửi mới giác ngộ cách mạng.

Vẫn biết người tính không bằng trời tính nhưng thà tính trước để đỡ lo lắng, ngủ yên mộng mị đêm dài. Rồi chuyện gì đến sẽ đến, không tiếc nuối.

Nguy cơ về y phí khi về hưu trí. Người ta ước tính một cặp vợ chồng về hưu vào tuổi 65 vào năm 2022, cần $315,000 tiền để dành sau khi bị đánh thuế để trả chi phí các dịch vụ y tế trong tương lai. Về già thì bệnh tật đau nhiều, trả bảo hiểm Part B, tiền thuốc, đi bác sĩ phải đóng thêm (co-pay), bảo hiểm và những lặt vặt khác. Mình nói chuyện với nhiều người quen Mỹ, họ kể là mỗi tháng trả thêm tiền thuốc men là $600/ tháng hay $7,200/ năm sau khi đánh thuế xem như $10,000/ năm. Do đó chúng ta phải cẩn thận, nghĩ đến các chi tiêu về y tế. Có ông Mỹ quen, kể là có người em ở Ecuador, nên thuốc men gì nhờ ông em mua gửi qua Mỹ, rẻ bội phần.

Nguy cơ khác là về Long Term Care khi đến tuổi bận tả lại, đầu óc trả nhớ về không. Theo tin tức cho biết thì năm 2021 tiền ở trong các viện dưỡng lão, trung bình là $54,000 còn ở nhà thì $61,776 và một phòng riêng trong một viện dưỡng lão lên đến $149,947 và họ cho biết vào năm 2051 thì sẽ lên đến $230,347. Đó là ước tính năm ngoái nhưng năm nay lạm phát lên 9%. Tiếp tục như vậy sẽ lên một triệu một năm. Kinh hoàng.

Mấy cố vấn tài chánh khuyên mua bảo hiểm long term care, vấn đề là rất đắt và họ chỉ trả tối đa là 7 năm. Mình chết trước thì họ lời còn sống lâu hơn 7 năm vào viện dưỡng lão thì mình ngọng. Nói chung thì mình có tính gì đi nữa, vẫn không biết được ngày mai, ngày nào là ngày cuối cùng trên đời.

Chúng ta nên làm HSA để về già có thể trả tiền Medicare Part B, thuốc than. Tiền bỏ vào HSA được khấu trừ thuế. Chuyển dần 401(k) hay Ira qua Roth Ira để khi về già rút tiền ra không bị đánh thuế. Nên thành lập các trương mục Self-directed thay vì trương mục thường thì mình không có khả năng đầu tư vào những ngành khác thay vì chỉ có cổ phiếu và trái phiếu. Khi thành lập HSA, họ cho mình cái thẻ nên khi đi khám sức khoẻ, những gì cần phải trả thêm thì sử dụng thẻ này để thanh toán, không bị đánh thuế.

Các cố vấn tài chánh cứ dụ mình đổi 401(k) qua Annuity để họ ăn hoa hồng nhiều. Do đó nên tránh vụ này. Mình có kể vụ này rồi, ai tò mò thì kiếm trên bờ lốc của mình.

Từ khi mình có medicare, bác sĩ và nhà thương hay dược sĩ cứ gọi mình tới tấp, bảo đi khám đủ trò. Mình kêu là đã khám định kỳ rồi. Gặp bác sĩ thì họ kêu uống thuốc đủ trò. Hỏi một anh bạn bác sĩ thì được biết mỗi năm, mình có độ $8,000 của Medicare nên nhà thương và bác sĩ muốn triệt tiêu số tiền $8,000 của chính phủ nên gọi và doạ đủ trò.

Ai vào bị doạ sợ quá uống thuốc hay đi khám đủ trò rồi dính phải thuốc là coi như cả đời phải mua thuốc uống đủ trò. Mình đã kể rồi. Chán Mớ Đời 

Có mấy người ở Việt Nam, ngạc nhiên về những gì mình kể vì họ nghĩ Hoa Kỳ là thiên đường. Thiên đường cho những người vô sản. Ai di dân sang đây, không tiền bạc thì nhà nước lo hết. Về già, có người đến nhà tắm rữa, giặt áo quần, đi chợ cho mấy tiếng trong tuần. Hay chở đi bác sĩ,… còn ai mà làm việc, có chút tài sản thì đóng thuế để nuôi mấy người vô sản.

Do đó ở Hoa Kỳ, chỉ có hai loại người là sướng: vo sản và tư bản còn những ai trung lưu thì bị chính phủ đè lưng ra mà đánh thuế. Xong om

Lương y như Kế Mẫu 

Nguyễn Hoàng Sơn 

(opens in .

(opens .