Little Sàigòn 0706 20

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đều bị chi phối với tiền bạc. Một là chúng ta có thể kiểm soát được tiền bạc, hai là chúng ta bị tiền bạc chi phối. Muốn kiểm soát tiền bạc thì chúng ta cần hiểu biết về tài chánh còn nếu không chịu khó thì sẽ bị kiểm soát bởi tiền bạc.

 

Nói như một bác quen khi xưa, sang Hoa Kỳ năm 1975 chỉ đi làm đâu có 1 năm. Bác ta nói đừng có bán rẻ cuộc đời mình, làm công cho thiên hạ. Bác này có tiền bạc ở Việt Nam khi xưa nên có mua nhà ở Hongkong, bên Tây, Tây ban nha, trước 75… sang Hoa Kỳ thì có một số vốn ở thuỵ sĩ, đầu tư vào thị trường chứng khoán kiểu như Microsoft, Apple khi mới thành lập nên mỗi năm hai vợ chồng đi chơi đến 4 lần, khắp thế giới.

 

Trên báo chí đăng tải các người nổi tiếng, như tài tử điện ảnh, ca nhạc sĩ, cầu thủ đá banh,…giàu có, lương cao nhưng vài năm sau khi giải nghệ là họ khai phá sản như trường hợp võ sĩ Mike Tyson, thượng đài lãnh được 300,000,000.00 , Greta Garbo, Dennis Rodman của đội Lakers …

 

Các lý do chính là họ: 

 

  • Quyết định sai khi đầu tư
  • Tiêu xài quá nhiều
  • không hiểu biết về tài chánh.
  • Lấy nhầm người vợ phung phí

 

Khi có tiền thì sẽ có các kênh kênh bu tới đông như quân Nguyên. Các chuyên gia về đầu tư, tài chánh, luật sư, địa ốc, bảo hiểm ùa đến để chia sẻ một phần lợi tức cho họ. Thường thường họ dụ đầu tư vào những dự án cà bơ phất phơ, khá nguy hiểm rồi bay hết tiền.

 

Nghe kể ca sĩ Michael Jackson khi còn sống, mỗi lần đến Las Vegas là chi tiêu mỗi đêm trên $150,000 cho đám tuỳ tùng. Đến nổi sau này phải khai phá sản. Tài tử Nicholas Cage cũng khai phá sản.

 

Mình có quen 2 ông bác sĩ mà ngày xưa mình rất nể vì lợi tức của họ lên đến 1 triệu đô hàng năm, ở nhà cao cửa rộng, choáng ngợp. Vợ chồng mỗi người 2, 3 chiếc xe nhưng khi về hưu thì vợ bỏ, bạn bè thương tình, tặng cho chiếc xe cũ, mướn một căn hộ ở tạm.

 

Mình có xem một phim tài liệu phỏng vấn các cầu thủ Hoa Kỳ như Dennis Rodman, Mike Tyson,…đều khai phá sản vì bị đám kênh kênh bu lại rỉa hết tiền rồi bay mất.

 

Theo mình thì họ không hiểu gì về tài chánh cho dù họ có học cao lên bác sĩ, tiến sĩ nhưng không để ý đến trau dồi thêm về tài chánh khiến họ te tua khi về già. Ai may mắn thì gặp một bà vợ chịu khó, quản lý nhà cửa, đầu tư đúng còn không thì ngọng.

 

Nếu cha mẹ không hiểu về tài chánh thì làm sao dạy con. Đó là vấn đề quan trọng thêm người Việt hay kêu cha mẹ sinh con trời sinh tánh.

 

Cái nguy hiểm của xã hội Hoa Kỳ ngày nay là họ làm áp lực để một sinh viên phải mượn tiền rất nhiều để học đại học. Mình có thằng cháu, ra trường nhà sĩ, nợ đâu gần nữa triệu đô la. Người ta nói kệ chịu khó mượn tiền rồi sau này ra trường đi làm lương cao, trả lại nhưng về mặt y đức thì có vấn đề.

 

Một anh bạn có con mới đậu luật sư, nợ gần $300,000 mà chính phủ chỉ cho khấu trừ thuế đâu $3,000/ năm.

 

Theo mình, cần phải giải thích cho con là :

 

1/Đừng bao giờ mắc nợ cả. 

Có nợ thì chịu khó trả hết cho mau. Dạy cho chúng biết luật 72. Nghĩa là lấy 72 chia cho tiền lời sẽ biết bao nhiêu năm số tiền sẽ nhân lên gấp đôi. Thí dụ: mượn thẻ tín dụng với tiền lời là 24%. Lấy 72 chia cho 24 thành 3 năm thì số tiền nợ thẻ tín dụng tăng gấp đôi. Nợ $10,000, 3 năm sau lên $20,000.

 

2/Đừng tiêu xài quá phung phí, 

để dành 10% lợi tức của mình cho hưu trí.

 

3/Tiền còn dư thì đầu tư để gà đẻ trứng vàng. Sau này khi có nhiều trứng và gà thì mình có thể ăn trứng và gà chớ đừng có giết vội con gà đẻ trứng vàng.

 

Khi đã có đủ tiền để chi xài mà không cần đi làm chúng ta có thể bỏ thời gian để du lịch, học hành thêm hay làm chuyện mình thích thay vì phải làm nô lệ cho đồng tiền.

 

Mình có quen một bà người đức, sang Hoa Kỳ năm 19 tuổi, giúp việc cho bà dì rồi từ từ bà ta làm ăn, nay có lợi tức hàng tháng $60,000/ tháng nên 84 tuổi vẫn vào đại học để nghiên cứu về thi ca thế kỷ 18 của Đức quốc.

 

Lịch sử đang tăng tốc mà nếu chúng ta không để ý thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ bị te tua. Thế hệ mình thì họ dạy, học hành cho tốt, kiếm được một công việc tốt, ráng cày cho chủ làm giàu rồi khi về hưu, chủ sẽ lo cho mình đến mãn đời.

 

Ngày nay, gần tuổi về hưu công ty họ đuổi hết để khỏi phải trả hưu trí. Mấy tiền quỹ hưu trí 401(k) phải đợi 5 năm mới hoàn toàn về mình thì bay mất tiêu.

 

Con cháu mình đi làm bán thời gian nên phải cày 2, 3 job mà lại không có bảo hiểm y tế, hưu trí, những quyền lợi mà thế hệ mình nhận được. Lịch sử đang sang trang mà chúng ta để con cháu mắc nợ đại học đến $500,000,…

 

Nếu ngành y tế Hoa Kỳ được xã hội chủ nghĩa hoá thì con em chúng ta ngọng vì lương nhà nước như bên âu châu mà nợ thì ngập đầu. Do đó cần phải suy nghĩ chính chắn trước khi đi học đại học.

 

Nếu được làm lại, mình sẽ cho con học như sau:

  • Ở trung học, nên cho con học thêm các tín chỉ ở đại học cộng đồng thay vì lao đầu vào học các lớp AP ở trường khó khăn, mất ngủ.
  • Học 2 năm đại học cộng đồng với các tín chỉ học ở trung học thì sẽ giúp con em chúng ta bớt được 6, 9 tháng học hành ở đại học, có thì giờ đi làm bán thời gian, kiếm chút tiền xài.
  • Năm thứ 3 sẽ chuyển trường vào các trường địa học danh tiếng nếu muốn còn không thì trường làng. Đi làm thêm ở các công ty dù không được lương.
  • Ra trường dễ kiếm việc hơn sẽ không mất thời gian lo âu, nộp đơn mà chả thằng Mỹ nào mướn vì không có kinh nghiệm.

 

Đừng có nghe bọn con buôn bằng cấp, kêu phải học đại học danh tiếng này nọ để lao đầu vào mượn nợ học rồi ra trường ôm cái bằng cao siêu nhưng không kiếm được việc. Chán Mớ Đời

 

Mình sẽ khuyên con cháu không nên mua nhà để ở. Mướn căn hộ ở cho thoải mái về tiền bạc rồi dư tiền thì bỏ vào mutual funds đầu tư cho quỹ hưu trí và quỹ để dành. Mua nhà cho thuê thì có lợi về khấu hao, thuế má,…còn nhà mua để ở thì không có lợi vì tiền thuê nhà rẻ hơn nhất là nay với thuế vụ mới, chúng ta sẽ không được khấu trừ tiền mượn ngân hàng.

 

Ta thấy chính phủ khuyến khích mướn căn hộ, và khuyến khích xây các chung cư nhiều hơn là nhà riêng. Có lẻ vì vậy mà luật thuế mới không cho khấu hao nhà cửa. Chán Mớ Đời 

 

Điều quan trọng nhất mà ông bà khi xưa truyền lại:

Lấy vợ lấy chồng phải cẩn thận chọn lựa vì khi ly hôn thì xem như mất hết, phải làm lại từ đầu.

 

Nhs