Học lịch sử thời bé

Hồi nhỏ học môn « histoire géographie » khiến mình hay sợ nhất là lúc vào Grand Lycée, là toát mồ hôi khi ông tây bà đầm giảng về lịch sử tây phương với những danh từ Asiemineure, babylone, mésopotamienne,.. khiến mình hoảng tiều, học không hiểu nên hay bị cấm túc vào chiều thứ 7. Mấy tên thường bị cấm túc với mình khi xưa, nay vẫn còn liên lạc được vài tên, lâu lâu điện thoại . Ngu tầm ngu dốt tầm dốt.

 

Sau này tưởng thoát học ba trò quái đản này thì khi sang tây lại phải học lịch sử về tây phương như thời đệ nhất cấp, khiến mình điên luôn. Cái khổ là càng học thì mình lại càng mê như càng ở với vợ thì càng ghiền được vợ chửi.

 

Khởi đầu năm 6 ème, ông tây bà đầm kêu 10,000 năm trước công nguyên là mình không biết đếm ra sao, dạo ấy chưa học số âm nên cứ loay hoay, rồi chỉ mấy cái chữ hay hình ảnh được khắc trong các tảng đá. Mấy đồ này lại nói đến sự tôn thờ mặt trời của các văn hoá cổ đại như ai-cập, Ấn Độ, babylon và hy-lạp hay các giống dân khác như Do Thái,…mà mình chả biết ở xứ nào.

 

Sau này học kiến trúc mới biết đến thành phố Babylon hay đọc Tora mới hiểu chút chút về giống dân Do Thái nhưng chỉ có cuốn “the richest man in Babylon” là khiến mình mê thôi. Cuốn này thì mỗi năm trong lúc vợ con treo đèn kết hoa cây giáng sinh thì mình đọc lại vì ngu lâu dốt bền.

 

Học sử địa Việt Nam với mấy ông thầy dạy việt văn thì nói về Âu Cơ đẻ 100 cái trứng như mấy con gà đẻ mỗi ngày rồi tục tác trong chuồng gà sau nhà thì mình còn tiếp thu được. Đây mấy ông Tây bà đầm nói chuyện cỏi trên nên mình đã ngu lại càng dốt bền vững.

 

Họ lại nói thêm là tôn giáo thờ phượng mặt trời đã xẩy ra từ xưa, khi các nông dân thời đồ đá đã nhận thức mặt trời và dãy ngân hà. Mình chả bao giờ để ý đến khí tượng khi đã an cư lập nghiệp tại miền nam Cali. Lý do là thời tiết ở đây là số 1 thế giới, chỉ tội ít mưa. Đến khi mua cái vườn thì mới hiểu câu đồng dao học từ bé:

 

"Lạy trời mưa xuống

  Lấy nước tôi uống

  Lấy ruộng tôi cày

  Lấy đầy bát cơm

  Lấy rơm đun bếp"

 

Mưa cho nước. Nước cho vườn. Vườn cho bơ. Bơ cho tiền. Tiền cho cơm. Cơm cho sự sống. Mình nhận được bao nhiêu là ân huệ. 

 

Người ta thờ thần mặt trời khắp nơi như giáo phái Mithra, các giáo phái ở á đông hay cuối thời đại la-mã, đều tôn vị thần cao nhất là Mặt Trời. Tương tự thần Helios của người hy-lạp là thần mặt trời, người Palestine thì có Palmyra,… mặt trời biểu hiệu cho quyền lực và đời sống.

 

Đối với thuỷ tổ loài người, mặt trời là một bí ẩn, ngày hiện đêm biến mất. Vào cuối thời đại La Mã, nhân vật Helios, hay Sol Invictus, chiếm một vai trò chính trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ chu vi đế quốc la mã đến các tỉnh ở phương đông ... Nói chung trong suốt thời kỳ la-hy (Greco-Roman), đặc biệt là trong thế kỷ đầu tiên của công nguyên, sự sùng bái  tôn thờ mặt trời vẫn tồn tại cho đến ngày nay. 

 

Trong lịch sử loài người có những địa điểm khá kỳ lạ mà mình học và xem hình, sau này có dịp đã đến viếng như Stonehenge ở Anh Quốc, Carnac ở Pháp quốc hay các đền thờ ở Mễ tây cơ hay Guatemala. Các nơi này đều được thiết kế theo hình thù thánh giá Zodiac, hình ảnh lâu đời trong lịch sử loài người, được các sử gia giải mã như phản ánh mặt trời đi qua 12 chòm sao trong suốt một năm, 12 tháng, 4 mùa. Họ sử dụng thuật ngữ Zodiac là chòm sao đã được nhân cách hoá với các động vật.

 

Không hiểu 12 con giáp trong tử vi, lịch của người á đông có lẻ cũng xuất xứ từ đây. Có lẻ họ cũng quán sát thiên văn với 12 chòm sao để tính ra ngày giờ năm tháng cho mỗi năm. Tương tự người ta cho hay người Tàu ngày nay, là do các người từ vùng Ai Cập khi xưa, di chuyển về vùng Trung Cộng ngày nay. Mình chưa rõ vụ này vì chỉ đọc được một vài chi tiết nhưng chưa được công nhận bởi các sử gia khác. 

 

Ông D.M. Murdock kể trong “Christ in Egypt: The Horus Jesus Connection“, zodiac đã xuất hiện ở vùng Mesopotamia cách đây hàng thiên niên kỷ. Nói cách khác, các nền văn minh sơ khai không chỉ theo dõi mặt trời và các vì sao, họ đã nhân cách hóa chúng bằng những huyền thoại, liên đới đến các di chuyển và mối quan hệ của chúng.

 

Ý nghĩa của nhiều huyền thoại có thể bắt nguồn từ một số nguồn gốc, trong đó nổi bật nhất là thờ phượng thiên nhiên và chiêm tinh học, theo đó, các vị thần và nữ thần đã nhân cách hóa các thế lực và thiên thể.

 

Các dân tộc cổ đại thừa nhận rằng các tôn giáo của họ, có niên đại hàng thế kỷ và thiên niên kỷ trước thời đại sống chung, liên lạc, buôn bán với nhau. Phần lớn dựa trên thiên văn học, với các vị thần của họ đại diện cho mặt trời, mặt trăng, ngôi sao và các hành tinh. Một trong những trọng tâm của họ là mặt trời ... và hình ảnh về mặt trời đã phát triển trong khoảng thời gian hàng ngàn năm, có thể là hàng chục ngàn hoặc hơn thế nữa.  

 

Chúng ta nhận thấy các tôn giáo thờ thiên văn và thờ thiên nhiên này trong các tác phẩm của các nhà sử học cổ đại như vậy đã dẫn đến những huyền thoại phức tạp, trong đó nó được nhân cách hóa như một vị thần ... như Herodotus, Berossus và Diodorus, cũng như trong Kinh thánh, và trong văn bản khải huyền của đạo Do Thái. 

 

Sử gia cho rằng ý nghĩa tôn thờ thiên nhiên và thiên văn thực sự của nhiều vị thần và nữ thần Hy Lạp năng lượng của nước được gọi là Oceanus ... nước uống được gọi là Achelous;  và Poséidon là nước biển tương tự sức mạnh của lửa là Hephaestus ... Ngoài ra, họ gọi Apollo là một sức mạnh thuộc về mặt trời hay 9 muses lo hát hò.

 

Người Hy-lạp đã phát minh ra truyện ngụ ngôn về mười hai lao công của Heracles [Hercules], như là biểu tượng của sự phân chia các dấu hiệu của cung hoàng đạo trên trời;  và họ tạo dựng hình ảnh Hercule với một khúc cây và một bộ da sư tử, một trong những dấu hiệu cho thấy sự di động của anh ta, và đại diện khác cho sức mạnh của anh ta trong dấu hiệu của cung hoàng đạo Zodiac “Leo”.

 

Asclepius là biểu tượng cho khả năng chữa lành của mặt trời... Nhưng sức mạnh mãnh liệt của chuyển động xoay tròn, nhờ đó làm chín các loại cây trồng, được gọi là Dionysus ... Và trong khi mặt trời xoay quanh các mùa vũ trụ, tạo ra thời gian và thủy triều, được gọi là Horus.

 

Quyền lực của mặt trời đối với nông nghiệp, phụ thuộc vào những món quà của sự giàu có (Plutus), biểu tượng là Sao Diêm Vương . Cerberus được đại diện với ba cái đầu, qua các vị trí của mặt trời trên trái đất là bình minh, trưa và hoàng hôn.


 

 Mặt trăng, được hình thành theo độ sáng, và được gọi là Apollo, đối với mặt trời, rằng Athena là mặt trăng: vì mặt trăng là biểu tượng của trí tuệ hay Hecate, biểu tượng cho các giai đoạn khác nhau của mặt trăng.

 

Nhớ dạo ấy, nghe ông tây bà đầm giải thích khiến mình như bò đội nón, chả hiểu gì cả. (Còn tiếp)

 

nhs