Hội Thoại Little Sàigòn Tivi về “dạy con về tài chánh”

Hôm qua, một đệ tử về đầu tư địa ốc, gọi mời đi ăn cơm để học nghề thì có chị làm chương trình Money Smart của đài truyền hình LITTLE Sàigòn gọi, mời nói chuyện về đề tài: “dạy tài chánh cho con” khiến mình thất kinh.

 

Lý do là 90% người Mỹ đều không rành về tài chánh dù họ có bằng tiến sĩ, bác sĩ,… không biết thì làm sao dạy cho con cháu. 70% ly dị tại Hoa Kỳ đều đổ vỡ từ vấn đề tài chánh. Vợ chồng không biết quản lý tài chánh thì làm sao có thể dạy cho con cháu. Nếu ai biết dạy cho con nhưng chưa chắc con sẽ nghe mình vì chúng nghĩ thông minh hơn bố mẹ chúng.


Hội thoại phần 1 (video)


 https://youtu.be/zvXIsz7UDK4


Trong đời sống thường nhật, chúng ta bỏ rất nhiều thì giờ chú ý đến những vấn đề khác, và ít khi chú ý đến tài chánh, tạo dựng một lỗ hổng lớn để các chuyên viên tài chánh “lang băm” khó khăn hoá vấn đề để giúp họ làm giàu.


Hội thoại phần 2 (video)


https://youtu.be/DrZAOjL9vDQ

 

Các sản phẩm của Wall Street đều do các tay tài chánh thành lập để khiến thiên hạ tối mù, cuối cùng đưa tiền cho họ để đầu tư giúp các tên tài phiệt giàu có hơn.

 

Mình có mua tài liệu về đầu tư thì cứ 2, 3 tháng họ lại ra chương trình này, rồi chương trình kia. Hôm nay họ kêu không nên đầu tư vào Bitcoin rồi mai, họ lại ra chương trình về Bitcoin. Họ khơi dậy Lòng tham của chúng ta, sử dụng các cụm từ rất mù mờ khiến cha con hoảng lên, đóng tiền cho họ, để họ đầu tư, kiếm huê hồng. Vài tháng sau, lại kêu bán để họ kiếm huê hồng rồi mua cái khác, giúp họ giàu có còn tiền mình thì bay theo mây khói. Chán Mớ Đời 

 

Mình có thể nói về kinh nghiệm cá nhân với con của mình vì “cha mẹ sinh con, trời sinh tánh” nên khó áp dụng đại trà cho mọi người. Thậm chí con trong nhà mỗi đứa mỗi khác nhau.

 

Mình đi du học năm 18 tuổi, tự nuôi mình từ khi rời Việt Nam nên lúc nào cũng phải hà tiện, để dành tiền để khi gặp chuyện thì còn xoay sở được, lỡ thất nghiệp hay đau ốm, không có cha mẹ bên cạnh thì phải tự lo. 

 

Người Mỹ thường nói có 2 loại giáo dục: 

1/  giáo dục phổ thông học chữ, kiếm cái bằng để kiếm cơm. 

2/  giáo dục tài chánh, giúp đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền. Vấn đề là giáo dục tài chánh ít khi được dạy trong chương trình phổ thông. Do dó chúng ta phải tự tìm tòi học lấy.

 

Giáo dục phổ thông thì người Việt rất rành, bắt con cháu học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, đậu lấy cái bằng cao thiệt cao, đi làm công cho thiên hạ. Còn về tài chánh thì không biết gì hết. 

 

Đời sống xoay quanh vấn đề tài chánh nhưng chúng ta ít hiểu biết đưa đến vấp phải những lỗi lầm, có thể đưa chúng ta đến nợ nần chồng chất. 

 

Một người làm một năm $50,000, để dành được $5,000 vẫn giàu hơn một người làm $500,000 mà xài $550,000 một năm. Trên thực tế người ta cứ nghĩ người lái xe Mercedes, ở nhà to như cái đình là giàu có.


Trong cuốn “the millionaire next door” , Thomas Stanley cho biết khi ông ta mời các triệu phú ăn cơm để phỏng vấn thì khám phá ra đa số các triệu phú không ăn ở tiệm sang. Ông ta tưởng triệu phú ăn ở tiệm ăn sang trọng nên mời đến đó. Thấy họ lấn cấn về thực đơn, không biết sử dụng các muỗng nĩa bằng bạc đủ loại. Có người chỉ kêu một cái hamburger bình thường hay uống bia thay vì kêu các loại rượu đỏ đắc tiền.


Cũng cùng tác giả, giáo sư Stanley có viết cuốn “the Millionaire mind ” khá hay. Ai rảnh nên đọc vì mình nghe thiên hạ nói, muốn làm $500,000/ năm thì làm bạn với những người có lợi tức $500,000 vì họ đọc sách, quen những bạn bè khác với người làm được $50,000/ năm. Tương tự người làm 1 triệu có tư duy khác với người làm nữa triệu.

 

Nhiều người lâm vào tình trạng nợ nần dù lợi tức cao vì không hiểu nguyên lý của tài chánh. Mình biết một ông bác sĩ, lợi tức hàng năm gần $400,000 nhưng cứ nợ đủ loại. Lý do là ông ta không hiểu về tài chánh. Ông ta tưởng làm $400,000/ năm là có thể xài $400,000, quên rằng phải đóng thuế gần 50% nên không thể tiêu quá $200,000. 1 ông bác sĩ khác lợi tức lên đến 1 triệu nhưng về già, bạn bè mua cho cái xe cũ, ở thuê căn hộ nhỏ.

 

Mình hỏi sao không làm một pháp nhân như công ty để có thể trừ bớt tiền thuế bằng cách bỏ vào 401(k), IRA,…nhưng ông ta nhờ một người khai thuế, học lấy cái bằng như mình ở công ty HR & Block, thay vì mướn CPA. Mấy người làm thuế bình thường đâu có rành về thuế của Corporation, nói với ông ta là như nhau, để khỏi mất khách hàng.

 

Đi học về tài chánh, người ta dạy là không ai quản lý tốt nhất về tài sản của mình bằng chính mình. Do đó chúng ta cần phải học hỏi thêm về tài chánh, thuế vụ.

 

Mình quen nhiều người học chưa hết lớp 11, mà lợi tức mỗi tháng là $300,000 trong khi nhiều người học chết bỏ, có bằng bác sĩ, tiến sĩ,.. làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, lợi tức một năm vẫn chưa bằng 1 tháng lợi tức của ông ít học chữ.

 

Ông rich Dad của mình hay ông Mic, học hành chưa hết trung học nhưng có tài sản khá lớn, một ông thì thâu tiền thuê nhà, thuê Mobile home park $300,000/ tháng, ông kia thì $90,000/ tháng hay bà Inge thì $80,000/ tháng. Tiền nhiều không biết làm gì, mỗi năm mua thêm một căn nhà cho thuê Để khấu hao lợi tức. Cái vui là chồng cũ của bà ta, được bà ta nuôi ăn học đến tiến sĩ, rồi chạy theo cô thư ký, về già, mướn một căn hộ nhỏ ở, xin tiền con cái. Chán Mớ Đời 

 

Hôm thứ 6 vừa rồi, đi ăn sáng với ông Larry tại tiệm Denny’s, ông ta than là có $500,000 không biết làm gì, chỉ đợi nhà xuống, chạy ra mua thêm vài căn nhà. Ông này 84 tuổi. Một tên khác bạn của ông này mình quen cũng rên là có $3,000,000 trong ngân hàng mà không cho ai vay được với tiền lời hắn muốn 12% nên bị trầm cảm. Chán Mớ Đời 

 

Giáo dục phổ thông được khởi đầu từ thời Bismark bên Đức quốc, để đào tạo các chuyên viên, nhân công cho các xưởng máy trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ. Trước kia, chỉ có nhà giàu mới cho con đi học để biết thêm về hội hoạ, tư duy, nghệ thuật. Chương trình học phổ thông, không có lớp dạy về tài chánh, vì sợ sẽ giúp nhân công, kỹ sư giác ngộ cánh mạng, đình công vì chủ làm nhiều tiền hơn họ.

 

Mình nhớ dạo làm việc ở Thuỵ Sỹ, có tên bạn làm chung sở, gốc người Hoà Lan. Mỗi lần lãnh lương là hắn trích ra một số tiền 10%, gửi cho công ty mua cổ phiếu thị trường chứng khoán trong khi mình chỉ biết đem tiền ra ngân hàng, bỏ vào quỹ tiết kiệm như khi còn ở Việt Nam.

 

Mình ngu lâu dốt sớm nhưng ngại sợ bị chửi là ngu nên không dám hỏi tên bạn còn tên bạn thì ngại giải thích cho mình, chỉ nhớ hắn rất ngạc nhiên khi thấy mình bỏ vào quỹ tiết kiệm. Tiền lời hiện nay chưa đến 1% trong khi ở các nước âu châu thì phải trả tiền cho ngân hàng để họ cho mình để dành tiền.

 

Sau này, mình gặp bố mẹ tên bạn ở Hoà Lan thì mới hiểu hắn học cách thức đầu tư, mua cổ phiếu từ bé khi cha mẹ nói chuyện về tài chánh, đầu tư, mua cổ phiếu trong khi mình ở Việt Nam chỉ biết đọc quảng cáo “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Con nít học tài chánh qua bố mẹ ở nhà.

 

Bà cụ mình buôn bán ngoại chợ, nên có tiền thì thu mua trữ hàng với giá hạ để bán khi giá lên như đường và gạo. Mình hay phụ mẹ đi giao gạo đường cho khách hàng nên có học chút xíu cách làm ăn của mẹ mình. Còn ông cụ mình thì nghĩ cách làm giàu nhanh nhất, theo chủ nghĩa lô đề và đánh bài nên tiền lương bay hết. May là sau này mình chọn nối gót con đường của mẹ thay vì bố mình. Chán Mớ Đời 

 

Dạo này con mình ra trường đi làm nên cha con hay nói chuyện. Mình khuyên nó vì lương bổng thấp, đóng thuế ít nên chịu khó bỏ vào các quỹ hưu trí như Roth_Ira, và hôm trước thằng con kêu nó bỏ vào quỹ hưu trí số tiền tối đa $6,000 . Chính phủ gửi cho nó $1,200, không xài và bỏ vào quỹ tiết kiệm.

 

Mình khuyên nó bỏ vào mutual funds của công ty VanGuard vì tiền chi phí đâu có 0.04% chớ ở mấy công ty tài chính khác lên đến 2, 3% là ngọng.

 

Nhớ dạo con còn học tiểu học, mình đi học về tài chánh thì họ có nói đến một cuốn sách chỉ con nít về tài chánh. Mua về cho 2 đứa con đọc. Đọc xong 2 anh em vẽ và viết truyện hoạt hình, rồi in bán trong trường. Một cuốn 1 đồng. Thằng anh viết câu truyện, con em vẽ rồi rồi in bán. Được một thời gian thì bà cô biết được nên cấm vì bị bố mẹ đám bạn học than phiền.

 

Sau đó mình làm một trương mục trên Yahoo về phần tài chính và cho chúng lựa các cổ phiếu rồi thử mua, để xem mỗi ngày ra sao, thị trường chứng khoán lên hay xuống. Đi gặp bà cô hàng năm, nghe kể con gái mình chỉ đám bạn RSI, cổ phiếu nào nên mua nên bán,… mẹ chúng cứ la mình đầu độc con nít về tiền bạc vì mỗi lần đi mua sắm, mẹ chúng kêu rẻ quá, có khuyến mãi thì chúng kêu mẹ phải tính là mẹ làm ra tiền, đóng thuế mới có số tiền này. Đại khái chúng kêu món hàng $49.99 thì mẹ phải làm việc $80, đóng thuế liên bang, tiểu bang, rồi an sinh xã hội,….

 

Mình giải thích lợi tức của một người làm thương mại và một người đi làm bình thường như mẹ chúng. Một bên xài xong  mới đóng thuế và một bên đóng thuế trước rồi mới xài. Người làm thương mại đóng thuế ít hơn và để dành được nhiều tiền hơn.

 

Càng học lên cao thì chương trình càng nặng. Đi bơi mỗi ngày 2 tiếng, bài tập, cuối tuần đi hướng đạo, học tiếng Việt,…nên không thì giờ học tập về tài chánh.

 

Nếu cho làm lại từ đầu thì mình sẽ bớt chú trọng về học và các chương trình ngoại khoá, để dành thì giờ để cha con bàn về tài chánh. Thật ra con mình cũng bị ảnh hưởng của mình, hạ tiện, chịu khó không xài tiền hoang phí. Nay đi làm thì mở trương mục hưu trí ROTH-IRA để dành mỗi năm $6,000. Đó là khởi đầu. Mình tính khi nào có ai kêu bán nhà thì mình sẽ mua cho con đứng tên chúng để chúng khấu hao tài sản, bớt đóng thuế. Chỉ có nhúng tay vô chàm thì chúng mới hiểu còn học mà không hành thì cũng bù trớt.

 

Con mình vào đại học năm thứ 1, các công ty tài chính gửi tấp nập thư về, quảng cáo, kêu làm thẻ tín dụng miễn phí, không tiền lời, mời gọi làm đơn để nhận thẻ tín dụng khiến mình thất kinh. May là mình có giải thích cho con trước, không nên làm, và có làm thẻ tín dụng qua công ty của mình để chúng sử dụng khi đi học đại học để mình có thể kiểm soát chi tiêu của chúng.

 

Mình có coi một phim tài liệu về vụ này. Họ kể sinh viên mới vào đại học là những món mồi ngon nhất của ngân hàng và các công ty thẻ tín dụng. Chân ướt chân ráo vào đại học, được thẻ tín dụng, xài trước rồi trả sau nên cứ xài đến khi cuối tháng không đủ tiền trả nên chỉ trả tối thiểu, tiền lời của sinh viên rất cao trên 20% cứ chồng chất theo lãi kép thế là sau 4 năm đại học, ôm cái nợ mượn tiền đi học thêm cái nợ tiền thẻ tín dụng là ngọng.

 

Nói về thẻ tín dụng thì sau 3 năm không trả thì người xài thẻ tín dụng có quyền không trả, không bị công ty thẻ tín dụng gọi hỏi thăm, hù doạ. Tuỳ tiểu bang, nên kiểm điểm lại tiểu bang của mấy bác.

 

Trong thế giới hôm nay, ngay con nít cũng hiểu được tầm quan trọng của tiền bạc từ bé. Cần nhất là phải hiểu có 2 vấn đề về tiền bạc: 

 

1/ mình điều khiển tiền bạc

Hay

2/ tiền bạc điều khiển mình

 

Các chuyên gia đầu tư muốn kiếm tiền, làm lợi cho họ nên phức tạp hoá tài chánh khiến chúng ta phải cần đến sự hiểu biết của họ.

 

Vào những năm 2006, 2007, 2008, các chuyên gia tài chánh bán các sản phẩm tài chánh mà chính họ cũng không hiểu, đưa đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Điển hình MERS (Mortgage Electronic Registration Systems, Inc) khiến thiên hạ điên đầu, không xiết nhà được vì phải kiếm đủ những người đã mua cổ phần của cái nợ. Chán Mớ Đời 

 


Ở xã hội tây phương, định nghĩa về không lo ngại về tài chánh đi đôi với hưu trí. Nghĩa là 65 tuổi nghĩ hưu không còn lo ngại đến lợi tức nhưng nếu chúng ta chịu khó ghé vào các tiệm ăn MacDonald’s hay siêu thị Walt-Mart vào ban đêm, sẽ thấy các người đã về hưu, làm việc để tránh hàng xóm biết tình trạng tài chánh của họ. Nếu có hỏi họ sẽ kêu đi làm cho vui vì ở nhà buồn và không có khả năng tài chánh để đi du lịch hay thăm con cháu.

 

Do đó, hưu trí hay độc lập về tài chánh không cần đến tuổi. Chúng ta có thể hưu trí ở tuổi 40, 50, 80, 90,… miễn sao, chúng ta không còn quan ngại về tiền bạc, có một nguồn cung cấp, suối nguồn tài chánh để trang trải nhu cầu cuộc sống của chúng ta. Chán Mớ Đời 


Tuần vừa rồi, nói chuyện với mấy đứa con thì thấy chúng đều thành lập một quỹ hưu trí Roth-IRA hết và cố gắng trả nợ mượn tiền học đại học cho mau. Đó là một điểm mừng thay vì đi làm có tiền, tha hồ mua sắm.

 

Nhs