Đi bộ và triết học

Từ ngày mua cái vườn, khiến mình phải đi bộ khá nhiều. Mỗi lần lên vườn là đi bộ. Cây bơ không trồng được ở đất bằng vì nước đọng lại sẽ làm chết rễ, do đó ở miền nam Cali, các vườn bơ đều được trồng ở các vùng đồi núi. Mỗi lần lên vườn là leo đồi trung bình là 6 dậm, giúp sức khoẻ mình khá hơn, sức chịu đựng thêm. Có lẻ điều khiến mình ngạc nhiên là đầu óc mình bắt đầu suy nghĩ khá nhiều, cảm nhận được sự trong suốt về một vấn đề nào đó. 

 


Trong thời gian cách giãn xã hội vừa qua, mình không đọc tin tức, mỗi ngày chạy lên vườn, thay thế hệ thống nước tưới, tỉa bỏ các nhánh cây chết,… hôm trước gặp lại mấy người bạn ăn uống khiến mình ngạc nhiên, vì ảnh hưởng của đại dịch của họ khác với mình rất nhiều.

 

Mình lên vườn có một mình nên giữa đất trời bao lao, chỉ có chim sóc, nhím, rắn và coyote khiến mình trở nên đơn độc trong không gian, dung dịch của thế giới xa lạ với thành thị.

 

Có lẻ không có ai để đối thoại nên mình độc thoại, có cơ hội nhìn lại mình, không “rong rêu” như ông Trịnh Công Sơn mà nhận thức cái sai, cái đúng về những gì mình đã làm.

 

Theo giáo sư Frederic Gros của trường SciencesPo, cho biết cô đơn là một khía cạnh quan trọng cho tư tưởng sáng tạo. Trong đời sống thường nhật, chúng ta bị tràn ngập bởi các thông tin, khiến các giác quan của chúng ta bị kích thích liên tục 18 tiếng mỗi ngày. Do đó sự cô đơn làm diệu tâm trí của chúng ta rất quan trọng. Đi bộ cho phép chúng ta có cơ hội để suy nghĩ, tư duy về những ý nghĩ khác mà không ngại bị thiên hạ chỉ trích, khi mới nghe khởi niệm ban đầu của chúng ta.

 

Các tư tưởng gia như Thoreau, Rimbaud, Rousseau, Nietzche đều đi bộ để suy nghĩ, suy diễn về một ý tưởng nào đó. Thậm chí ông Immanuel Kant được người dân trong thành phố, gọi là cái đồng hồ Koenigsberg vì ông ta rất đúng giờ. Chỉ 2 lần trong đời ông ta là không đi đúng con đường thường nhật khi cách mạng tại Pháp quốc xuất phát.

 

Đi bộ không phải là một môn thể thao như ở thế vận hội, mà các vận động viên đi nhanh như vịt, èo ẹo tới trước. Thể thao phải theo các luật lệ, kích thước, học tập các tư thế và cách di chuyển, dần dần dẫn đến tài năng. 

 

Thể thao phải tập luyện sự chịu đựng, cố gắng, kỹ luật thậm chí còn ganh tị hay ghét đối thủ vì chỉ có chiến thắng mới mang ý nghĩa của vinh quang, bồi đắp cho những nổ lực luyện tập từ trước đến nay.

 

Tự do xuất hiện khi chúng ta đi bộ, dù là một cuộc tản bộ ngắn: vứt bỏ các quan tâm, quên đi việc kinh doanh, buồn lo trong một thời gian. Khi chúng ta đi nghỉ hè, thăm viếng một nơi nào đó, chúng ta đã rời bỏ, tự giải phóng khỏi các ràng buộc của không gian công việc, thoát khỏi sự thống trị của thói quen. Đi bộ mới có thể giải phóng chúng ta khỏi những ảo tưởng về những điều mà chúng ta cho rằng rất cần thiết trong đời sống thường nhật hay cả cuộc đời.

 

Đi bộ giúp chúng ta tìm lại chính mình, thoát khỏi ý tưởng tìm lại bản sắc, sự cám dỗ để trở thành ai đó, có tên trong lịch sử hay được báo chí nói đến.

 

Mình nhớ hồi đầu năm, có đi leo núi với vợ đến “chiếc cầu vô định” ở Cali. Ngừng xe, rồi phải đi bộ 13.5 dậm, vượt suối mấy lần, phải cởi giầy 8 lần để lội quá suối lạnh buốt để đến chiếc cầu được xây trước khi con đường dẫn đến bị huỷ bỏ. Tuy mệt đừ nhưng mình thấy phong cảnh rất lạ, quên hết mọi chuyện để hoà vào thiên nhiên, hạnh phúc dâng trào khó tả.

 

Khi viết “Le voyageur et son ombre”, Nietzsche đi bộ rất nhiều, nhiều khi đến 8 tiếng mỗi ngày. Lâu lâu ông ta dừng lại để ghi trong cuốn sổ tay nhiều điều suy nghĩ khi đang đi bộ. Tư duy khi đi bộ, đi bộ khi tư duy. 

 

Mình thì ngược lại, đi bộ, vai đeo cái bị, tay xách cái thùng đồ nghề, tay cầm cái xẻng, leo đồi, mắt nhìn chung quanh xem có chỗ nào nước bị hư hỏng, mắt quan sát xem có rắn chuông, tai lắng nghe mèo rừng cho nên chả có suy nghĩ gì cả. Giúp các giác quan của mình hồi phục, làm việc lại vì trong đời sống ở đô thị, mình quên sử dụng chúng như xưa ở Đàlạt.

 

Ông Nietzsche đi bộ để làm việc trong khi ông Kant thì để trốn chạy khỏi công việc. Đó là sự khác biệt giữa nông dân và triết gia. Chán Mớ Đời 

 

Các hoạt động tư duy với đi bộ đều có mẫu số chung: người ta nói đến còn đường tư duy, những khởi đầu của ý tưởng và các con đường nhỏ thiền định, mời gọi con người suy nghiệm lại. Các ý tưởng không thể so sánh vì mỗi phạm trù rất đặc thù.

 

Các ý tưởng về toán học, làm tính, trực giác khoa học khiến chúng ta phải sử dụng vận tốc, lèo lái, tránh,..như khi chúng ta phải giải một bài toán hình học hay đại số. Ngược lại triết học có thể nói không cần đến sự vận hành, di chuyển nhanh chóng. Sự chuyển mình của ý tưởng trong triết học được thành hình từ từ.

 

Muốn tư duy, người ta cần xa lánh chỗ đông người. Tư tưởng cần sự yên tỉnh, quan sát mọi vật từng cái một, xoay quanh vấn đề, rồi trở lại tìm về những bước cũ. Khi người ta đi quá nhanh thì có thể bỏ xót một góc độ quan sát nào đó về vấn đề đang suy nghiệm. 

 

Ông Nietzche có viết: « Je me répète intérieurement une vérité, toujours, parce que la répéter, c’est comme lui donner une seconde jambe : alors, elle peut se mettre en marche et suivre son chemin. »

 

Sự lập lại nội tại mà Platon gọi cuộc đối thoại thầm lặng của linh hồn. Sự thật trong triết học không phải là một đáp số mà chúng ta chỉ cần tìm ra 1 lần, và để cất dấu trong đầu.

 

Các sự thật của triết học được lập lại để sống, giúp cải tiến tư duy trên con đường tư duy và cuộc sống trong tương lai. (còn tiếp).

 

Nhs