Chúng ta đang sống thời Phục Hưng 2.0


Hồi nhỏ học lịch sử với ông Tây bà đầm cứ nghe nói về thời đại “La Renaissance” khiến mình đã ngu lâu lại càng dốt bền vững. Mình học chữ “naissance” vì làm giấy tờ hay điền có chữ date de naissance; ngày sinh còn “Re” thường là làm lại, tái lập, nên lờ mờ “sinh lại hay sống lại” là sao. Nhớ mình và thằng bạn chạy vào đường Yagut, vô nhà của đám Mỹ giảng đạo tin lành để học nghe và nói tiếng Mỹ. Đến khi họ kêu CHúa Jesus chết rồi 3 ngày sau, “sống lại” khiến mình và thằng bạn nhìn nhau ú ớ, chim cò gì chạy tán loạn, bỏ chạy luôn không dám đi học tiếng Mỹ nữa. Đó là lý do mình dốt anh văn. Cho thấy mình dốt có căn bản từ bé nói như Việt Cộng cơ bản mình là ngu lâu dốt bền. Sau này đi thăm tên bạn du học ở Ottawa, câu chuyện đầu tiên mà nó nhớ là chuyện hai thằng đi nghe giảng đạo. Lý do là vợ nó mới trở về đạo Tin Lành nên rất sùng tín lắm. Nó chỉ biết lắc đầu, kêu Chán Mớ Đời 

Bạch tuyết ngày nay cho hợp với DEI. Mình thấy rất hay. Nếu khi xưa còn bé mình học bạch tuyết và 7 chú cao với hình này thì hình ảnh Bạch Tuyết sẽ là da đen thay vì da trắng. Gọi là Hắc Tuyết.

Đến khi đi viếng Firenze lần đầu tiên, học lịch sử về nghệ thuật thời Phục Hưng với Michelangelo, Botticelli, Leonardo da Vinci thì mới khám phá ra không phải chỉ có nghệ thuật mà thời kỳ này được phát sinh vì xã hội đã trải qua một thời kỳ, hội đủ nhiều yếu tố liên quan đến xã hội, tôn giáo, kỹ thuật, di cư và bệnh dịch nhất là tự do sáng tạo. Nhờ đó tạo ra sự bùng nổ về một cuộc cách mạng đa dạng, tạo dựng một nền văn hoá, nghệ thuật rất cao so với thời trung cổ. Không như ngày nay chúng ta thấy biểu ngữ đề cương quyết xây dựng hay nghị quyết này nọ. 


Nhìn kỹ lại thì chúng ta đang sống trong hoàn cảnh tương tự như thời Phục Hưng. Có rất nhiều yếu tố giúp cấu tạo một sự bùng nổ mới về văn hoá, nghệ thuật cũng như kỹ thuật,.. có thể lịch sử sau này sẽ xem ngày nay là thời kỳ Phục Hưng thứ 2 của nhân loại.

Khi xưa đọc báo Tuổi Hoa, mượn của mấy cô hàng xóm ngày xưa, mới biết đến La Joconde mà khi vào bảo tàng viện Louvres lần đầu tiên ở Paris mình phải bò lại đây xem.


Dạo đó Âu châu đang trải qua bệnh dịch hạch, tàn sát đâu phân nữa dân số Âu châu qua đời. Tương tự ngày nay dân số Âu châu cũng như các quốc gia khác đang giảm dần. Điển hình là Đức quốc, Trung Cộng và Nhật Bản, Nam Hàn. Nói chung các nước đều gặp vấn nạn này. Người ta xem Nhật Bản ngày nay có đến 52% là người già, còn Trung Cộng thì 25 năm nữa thì dân số sẽ mất 50%. Chúng ta vừa trải qua vụ COVID khiến thiên hạ muốn điên tuy chết không nhiều như trước đây. Nói chung là ngày nay chúng ta có yếu tố là dân số giảm nhiều mà 50 năm nữa sẽ giảm 50% như bệnh Dịch Hạch đã giúp dân số âu châu đi về thiên quốc.


Còn về tôn giáo thì thời trung cổ giáo hội thánh rất bảo thủ, ai có tư tưởng không theo lề phải thì được xem là dị giáo, buồn buồn họ cho lên dàn thiêu như Galileo,… Ngày nay, ở Âu châu tương tự người dân không còn tin theo đường lối của Vatican khiến nhà thờ mất con chiên rất nhiều nên gặp khó khăn tài chánh để bảo quản tài sản của nhà thờ, nên có nhiều nơi được cho thuê hay bán để làm siêu thị, vũ trường đủ trò. Nhà thờ được cai quản bởi các linh mục từ các nước nghèo được cử sang vì Âu châu không còn người trẻ đi tu. Nói chung chúng ta đang gặp phải một vấn nạn lớn về niềm tin tâm linh. Ở Hoa Kỳ, mình thấy nhiều người xưng tụng Chúa nhưng vẫn làm chuyện bậy bạ nhất là mấy người có chức có quyền.


Lý do là thẩm quyền đạo đức của nhà thờ đã không còn được tôn trọng hay tuân theo. Họ tuyên bố “Dieu est mort”. Trước kia nhà thờ và giới quý tộc địa chủ, ăn thông với nhau để cai trị đám tá điền nông dân như mình. Năm 1492, chỉ cần vài năm buôn bán với ngoại quốc giúp giàu có, tạo dựng một giai cấp mới, họ gọi trưởng giả qua tên gia đình Borghese (bourgeois) và họ mơ đến một thế giới mới không có thẩm quyền đức tin nào như thượng đế của nhà thờ trên họ. Lý do họ đi xa buôn bán và gặp gỡ các người theo hồi giáo hay có niềm tin khác và các xứ này giàu có. Sự giao thoa với các nền văn hoá khác nhau giúp họ có tin thần khách quan, sự khoan dung, không cứng nhắc như những người chưa bao giờ rời xa thành phố hay làng của họ.


 Theo đó họ trở về con đường dẫn chúng ta về lại những tâm trí nguyên thuỷ sơ khai, như bảo vệ môi trường mà năm ngoái về Paris mình mới nhận ra khi thấy thiên hạ nói chuyện là không đi máy bay, xe hơi, chỉ đi xe lửa hay xe đạp để bảo vệ môi trường rồi đến chủ nghĩa tập thể như thời ăn lông ở lổ, người ta đi săn bắn rồi chia xẻ thịt và trái cây với nhau trong bầy đàn, như phong trào Hippie và cuối cùng là chủ nghĩa toàn cầu như hôm nay. Nghe nói các người hồi giáo ở Anh quốc muốn thành lập luật sharia vì có đến 8 thành phố có tỉnh trưởng là người hồi giáo. Ai còn theo thiên chúa giáo thì sẽ lên tiếng nhưng ngày nay người Anh quốc thờ ơ với nhà thờ. Họ mất niềm tin ở nhà thờ họ theo một niềm tin mới, bảo vệ môi trường với thánh nữ Greta. Một mặt họ tham gia cuộc thánh chiến bảo vệ môi trường. Xe cô em mình ở Paris bị thiên hạ đâm lũng bánh xe và rẹt sơn với chìa khoá vì họ cho rằng xe to, sử dụng xăng nhớt nhiều làm ô nhiễm môi trường.

Tuần này thấy video chiếu mấy nhóm bảo về môi trường ở tiểu bang Nevada, đem đồ đạt ra đường, chận xe lưu thông bị một chiếc xe cảnh sát tới ủi văng tùm lùm. Cho nên họ dựa theo đó đốt phá xe điện Tesla không phải thù ghét Musk mà có vấn đề sâu xa hơn. Truyền thông cho rằng vì họ ghét và các nhóm chính trị lợi dụng để kết nối cộng đồng. 


Chúng ta đang sống vào thời đại cáo chung của nhà thờ được xây dựng từ 20 thế kỷ qua. Và người ta hy vọng sẽ có một trật tự mới để xoá những sai lầm đã qua. Mình đi viếng Georgia, Uzbekistan thấy họ trùng tu lại các thánh đường hồi giáo và thiên chúa giáo nhưng sau 50 năm cai trị của Liên Xô thì dường như chỉ để thu hút du khách chớ mình vào nhà thờ hay mosque cũng ít thấy con chiên cầu nguyện. Chế độ cộng sản đã tiêu diệt niềm tin về tâm linh cả 2 thế hệ nên không ai còn nhớ đến đi lễ nhà thờ. Còn ở Ý Đại Lợi, mình vào một nhà thờ khá lớn ở Torino, lễ chi có 7 người già gần đất xa trời, họ xụ xụ dự. Già hưu trí nên không có tiền nhiều để cúng dường.


Họ cho rằng sự tách biệt vật chất và tâm linh trong thiên chúa giáo giúp khoa học tân đại xuất hiện chớ không phải ông Newton, nằm dưới gốc cây táo bị trái táo rụng xuống u đầu, đột phá tư duy khai phá ra vật lý. Và đã thay đổi thế giới nhanh chóng qua cuộc cách mạng kỹ nghệ, tạo dựng các đế quốc khi họ đi tìm tài nguyên để sản xuất tương tự ngày nay chúng ta nghe nói đến Trung Cộng đã tìm ra đất quý chi đó rồi mấy ông Tây mới kêu đã tìm ra mõ Hydrogen rồi Hoa Kỳ tìm cách thâu tóm Groenland để chuẩn bị cho cuộc cách mạng điện tử, Ây-Ai. Các chủ thuyết như Darwin, khoa học đã trở thành một tôn giáo mới để người dân tuân theo.


Dạo ấy khi người hồi giáo xâm chiếm các nước như Hy Lạp và một số khác ở Âu châu để sáp nhập vào đế chế Ottoman, khiến người dân bỏ quê hương của họ ra đi, chạy qua tỵ nạn vùng Tây Âu, điển hình các người tỵ nạn từ Hy Lạp, chạy qua Ý Đại Lợi ngày nay, với tư tưởng hy-lạp đã giúp khai sáng nền văn minh Âu châu lên đến cực đỉnh. Hoa Kỳ là hợp chủng quốc, thâu tóm các tư tưởng và chất xám trên thế giới. 

Tương tự triều đình Tây Ban Nha cũng trục xuất những người theo do thái giáo và hồi giáo khiến thế giới điên đảo, tỵ nạn khắp nơi chạy loạn xà cừ. Họ đến Ý Đại Lợi mang theo của cải cũng như văn hoá của họ khiến sự giao thoa của những nền văn hoá đã giúp trao đổi trí tuệ. Như chúng ta đã đọc hồi ký của Marco Polo về những chuyến hành trình của ông ta về phương đông.

Ngày nay, chúng ta thấy dân tình bị chiến tranh, hay nghèo đói nên bỏ chạy, tìm cách xâm nhập vào các nước Âu châu cũng như Hoa Kỳ để tìm kiếm công ăn việc làm, có thể nuôi gia đình, vô hình trung nuôi chính phủ của nước họ vì gửi tiền lương về giúp gia đình. Do đó các chính phủ nước nghèo khuyến khích người dân ra đi, tạo thêm điều kiện để xuất khẩu lao động quốc tế. Đó là chuyện kinh tế, đói thì phải lết đến nơi có ăn. Tuần trước mình đọc tin tức có ông người Ấn Độ di dân lậu vào Hoa Kỳ, cuộc hành trình trải dài suốt gần 6 tháng trời rồi bị bắt, tống cổ về nước, mất toi $45,000. 


Người ta cho rằng thời phục hưng là một cuộc cách mạng đã làm đảo lộn các trật tự xã hội, về cách nhìn của người dân thời đó. Có người cho rằng, không phải cách mạng, cách miết mà một giai cấp mới được nẩy lên để quản lý đất nước điển hình là các thương gia, chủ ngân hàng. Họ tạo ra đồng tiền giấy, tương tự ngày nay chúng ta thấy xuất hiện Crypto. Mình về Việt Nam, thấy một điều là từ nông thôn đến thị thành, người dân chuyển tài khoản qua điện thoại rất nhiều thay vì trả tiền mặt như trước đây. Chỉ có mình trơ trơ đưa tiền mặt. Họ hỏi mình chuyển tài khoản hay tiền tươi. Đi ăn cũng thấy chuyển tài khoản thay vì cà thẻ hay ApplePay như ở Hoa Kỳ. Xem ra Hoa Kỳ đang đi sau Trung Cộng và nước á châu. Vấn đề là buôn bán thế giới đều dùng Mỹ kim, nên Hoa Kỳ phải cẩn thận vì mất quyền lợi này. Do đó tương lai một loại crypto sẽ được sử dụng và Hoa Kỳ vẫn cố giữ trách nhiệm kiểm soát tài chính thế giới.

Ngồi uống cà phê ở Sàigòn với anh bạn quen trên mạng, người đã thành lập bờ lốc cho mình. Quan sát các người lái xe Grab, đỗ xe lại khu chung cư ở trên. Người ta đi xuống lấy đồ hay giao đồ cho mấy người chạy xe Grab rất nhiều. Lúc đó mới hiểu thêm về kinh tế hoạt động ở Việt Nam. Chúng ta đang sống trong một thời đặc biệt. Vài trăm năm sau, người ta nhìn lại kêu là một thời Phục Hưng. Vì mọi thứ cổ truyền đều được thay đổi hay dần dần thay thế. Mặt bằng ở Việt Nam, đóng cửa rất nhiều. Anh bán thức ăn, chỉ cần nhà bếp, có thể nấu ở nhà ngoài sân rồi khách hàng, đặt đồ rồi kêu xe Grab lại chở đi giao đồ rồi chuyển tài khoản. Khỏi tốn tiền mướn mặt bằng. Cho thấy chúng ta đang sống ở thời đại khá lý thú vì cuộc sống đang thay đổi từng ngày, từng giờ.


Dưới sự chỉ đạo thiên chúa giáo, sự thật và kiến thức được giải bầy rất chậm song song với xã hội phát triển rất chậm để giúp sự cân bằng. Thời ấy ít ai được đi học, chỉ có con nhà giàu, vua chúa mới được đi học. Còn dân chúng thì chỉ đợi ngày đi lễ cuối tuần để được ông linh mục giảng một câu trong thánh kinh. Khi mình viếng thăm UZbekistan thì thấy nhiều trường học hồi giáo khi xưa MAtras, huấn luyện các Iman như các linh mục để gửi họ về quê hương để dạy dỗ con chiên về những lời dạy của Allah trong Koran. Rất chậm cho nền giáo dục công chúng. Học 20 năm như ông Tú Xương khi xưa mới đổ tú tài. 


Ngày nay với AI giáo dục cần thay đổi nên chính phủ Hoa Kỳ bỏ bộ giáo dục. Giáo dục quần chúng cần phải thay đổi để hòa nhịp với cuộc cách mạng AI. Có ông thần nào bị bác đơn ghi danh vào 17 đại học Hoa Kỳ, lại được công ty Google mướn với cấp bật như Tiến sĩ. Có vài người được ông Musk chọn vào DOGE còn tuổi vị thành niên. Họ tự học nhiều hơn là được thầy cô giảng dạy.


Giáo dục hiện nay được thiết lập từ thời Bismark, để đào tạo các người làm quản lý hay kỹ thuật viên cho các công ty sản xuất tương tự trước thời Phục Hưng, người ta chỉ dạy đọc thánh kinh, đến khi các ông Hy Lạp chạy tỵ nạn sang người ta mới khám phá ra các ông thần khi xưa như Plato, Socrates này nọ rồi lại có máy in của Guttenberg nên họ dịch ra và in ấn. Đại học giảng dạy thêm về nhân văn, nghệ thuật,… do đó tương lai giáo dục cần phải được thay đổi nếu không Hoa Kỳ sẽ bị chậm chân. Mỗi năm Trung Cộng có 3,000,000 tốt nghiệp đại học trong khi Hoa Kỳ có 3, 000,000 nam sinh không tốt nghiệp trung học. Chúng ta không cần nói nhiều, đủ hiểu ai sẽ thắng trong cuộc cách mạng AI. Có anh bạn kể có cô con gái học Harvard ra về Mỹ thuật gì đó, Google mướn $300,000/ năm, cho thấy người ta cần sáng kiến còn viết phần mềm thì AI có thể làm nhanh hơn.


Mình nói với thằng con là giáo dục ngày nay mà con vừa học đã lỗi thời, không giúp con trong cuộc thay đổi xã hội và công nghệ thông tin quá nhanh chóng. Các công ty sẽ chuyển từ nhân viên qua independent Contractor , có dịp em sẽ kể vụ này rất quan trọng. Mình rất mừng là thằng con chịu theo mình học nghề.


Ngày nay chúng ta thấy tại Âu châu, sự mất niềm tin qua các nhà thờ, con người xoay qua tìm cách tự chữa lành, thậm chí còn gia nhập các bộ lạc chữa lành trên mạng. Điển hình người ta tin theo cô bé Greta 16 tuổi, là phải bảo vệ môi trường. Mình thấy video, thiên hạ đi ra rừng ôm gốc cây này nọ, kêu là chữa lành. Thật ra ngày nay con người có vấn đề về tâm bệnh. Đời sống tiêu thụ chủ nghĩa, uống CoCa cola do tư bản chủ trương khiến con người đòi hỏi, mua sắm những gì không cần thiết, tình yêu gia đạo lộn xộn, chuyển giới, đồng tính so với thời bố mẹ mình. Cho nên không hiểu sau này con cháu mình sẽ ra sao vì khá phức tạp. Người tin tưởng vào thiên chúa giáo sẽ tìm cách bài bác người hồi giáo hay không cùng tín ngưỡng. Không khéo tam giáo như Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo sẽ choảng nhau lại như xưa nhân danh gì đó.


Khi ông Guttenberg phát minh ra cái máy in, đã giúp phổ biến những tư tưởng phản động của ông Martin Luther, lập ra phong trào cải cách Cơ đốc Giáo. Chẳng bù lại, ngày nay, chúng ta tha hồ gú gồ hay là hỏi AI là xong. Cứ tưởng tượng ông Guttenberg sống lại, thấy người ta đánh chữ trên điện thoại hay máy điện toán rồi nhấn nút in cái rụp thay vì xếp chữ như thời ông ta mới sáng lập máy in.

Mò mò lại lịch sử Âu Châu vào những năm 1300, chúng ta thấy sự rạn nứt của quyền lực nhà thờ, cho ta thấy sự chia rẽ nội bộ và sự lũng đoạn về chính trị, khiến người ta đặt lại vấn đề Nhà Thờ có phải chỉ là trung tâm độc nhất của sự thật.


Họ cho rằng sự suy đồi của cơ đốc giáo hay Tây phương khi người Tây phương nhìn mọi việc qua chủ nghĩa hậu hiện đại. Thời mình sang Pháp, lúc phong trào thiết kế kiến trúc, xã hội hậu hiện đại lên cao trào với Ricardo Bofill tại Pháp, Tây Ban Nha, tại Hoa Kỳ tiên phong với RObert Venturi, Helmut Jahn, Richard Moore, Michel Graves, Philip Johnson, Frank Gehry,… ngày nay thì bị ảnh hưởng của Deconstruction của Jacques Derida. Lại càng rối hơn. Nay nhìn lại mới hiểu chặng đường mình đi qua.


Vấn đề là giai đoạn Phục Hưng rất ngắn ngủi. Nó tạo ra những đế quốc mới, câu hỏi ngày nay của các sử gia, cho rằng có một thời đại Phục Hưng mới ở thế kỷ 21, sau 5 thế kỷ. Mình đọc đâu đó thế giới cứ 500 năm là có sự thay đổi. Nếu có thì chúng ta có tham gia theo làn sóng này hay bị bỏ rơi phía sau. Chúng ta không quên là Trung Cộng cũng sẽ có vai trò lớn trong cuộc phục hưng này. Mỗi năm họ có 3 triệu cử nhân tốt nghiệp chưa nói đến 300,000 sinh viên tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác. Đi Úc Châu và Tân Tây Lan, thấy du học sinh Trung Cộng đông như quân Nguyên. Hay ông thần Ấn Độ, mỗi năm cũng có 1.5 triệu kỹ sư. Biết đâu, một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ có Greenland gia nhập hợp chủng quốc hay Gia-nã-đại. Tinh thần ái quốc dân tộc sẽ thay đổi vì quyền lợi.


Khi xưa học lịch sử về nghệ thuật và kiến trúc Tây phương thì mình chỉ nghe nhưng vì không học về kinh tế thời đấy nên không nối kết được mọi việc. Qua nhiều thế kỷ, Âu châu rất bình thường hay kém hơn nếu so với Trung Hoa, Ấn Độ cũng thời. Người Tây phương từ từ xây các nhà thờ kiểu gothic, cai thiện một chút kỹ thuật về xây cất với những cái arch giúp chống đỡ sức nặng. Họ cho dịch thuật sách từ La-tinh, Hy Lạp và cải tiến kỹ thuật canh nông.


Đến thế kỷ 14 thì bệnh dịch hạch giết phân nữa dân số Âu châu khiến hệ thống Âu châu bị bắt buộc phải làm lại. Bổng nhiên, người lao động bổng khó kiếm vì chết phân nữa. Nông dân như mình đòi thêm lương, địa chủ suy yếu. Quyền lực được chuyển từ giới quý tộc sang giai cấp thương buôn. Các con buôn tạo dựng cái máy kinh tế để tạo nên sự Phục Hưng.

Hồi mình còn sinh viên thì chỉ thấy toàn tranh ảnh của thánh này thánh nọ vì nghệ sĩ được nhà thờ và giai cấp quý tộc đặt hàng. Đến khi các con buôn có tiền mới đặt hàng các nghệ nhân Ý Đại Lợi như MIchelangelo mất 3 năm mới tạc xong bức tượng David. Vì con buôn nên họ đặt hàng các tiêu đề khác với nhà thờ toàn là thánh, do đó chúng ta mới thấy hình ảnh khoả thân của Vệ nữ của Sandro Botticelli. Các hoạ sĩ sử dụng ánh sáng khác với màu tối om của tranh nhà thờ đặt hàng.

Ngày nay, chúng ta thấy một giai cấp khác đang thành hình. Có ông thần nào mua trái chuối giá bao nhiêu triệu đô-la rồi lột vỏ ăn như tàu.

Năm 1453, thành Constantinople bị hạ, khiến các học giả Hy Lạp bỏ chạy qua Âu châu. Họ đem theo tin tức, sự hiểu biết, sách cổ được chuyển vào Âu châu lại. Ý tưởng hay chỉ được biết đến nếu được người ta đọc, và lúc ấy ông Guttenberg đã phát minh ra cái máy in khiến giúp tin tức, thông tin di chuyển nhanh hơn với cách giảng dạy của nhà thờ trước đây. Tóm lại người Âu châu đi từ kịch bản đến truyền thông đại chúng. Ngày nay, chúng ta thấy tin tức có thể tìm khắp nơi, vấn đề là có khá nhiều fake news nên phải thanh lọc. Nhưng làm sao để thanh lọc. Internet là máy in của Guttenberg khi xưa.


Các con đường thương mại được mở rộng thêm. Các thành phố như Firenze, Venezia, Genoa giàu có nhờ buôn bán với thế giới hồi giáo. Họ không những trao đổi hàng hoá mà còn trao đổi về tư tưởng nên mới học được toán học, cũng như kế toán do người hồi giáo thành lập.


Ngoài ra nhà thờ tuy đang kiểm soát giáo dân nhưng một khủng hoảng tinh thần đang diễn ra cũng giúp vào việc tư duy của người dân dạo ấy. Họ đặt câu hỏi nếu người ta không chỉ là những người phạm lỗi như nhà thờ nói mà họ cũng là những người sáng tạo? Từ đó chủ nghĩa nhân bản ra đời. Hôm đi viếng Slovenia, mình có ghé nhà của ông giáo mục gốc Ý, Pietro Paulo Vergerio được xem là một trong những người đưa ra chủ nghĩa nhân bản. Tư tưởng này không phản bác tôn giáo mà nói về con người, thiên -nhân. Họ khuyến khích học hỏi thêm về lịch sử, nghệ thuật, triết học, thay vì chỉ học về thánh kinh. Và từ đó mọi vật thay đổi một cách kỳ lạ. Nền văn minh Tây phương bước qua một trang sử mới.

Michelangelo tạc bức tượng David, Leonardo vẽ người Vitruvius. Họ không chỉ làm những gì đẹp mà định nghĩa lại con người là gì. Thay vì như nhà thờ kêu là con người là những kẻ có tội, phải sám hối này nọ. Mới sinh ra đời phải tốn tiền làm lễ rữa tội. Nay chúng ta thấy Venus ở truồng, David ở truồng thay vì mấy ông thánh bay lêu bêu, đe doạ địa ngục này nọ. Càng cúng dường để lên thiên đàng sớm. Xây nhà thờ to đùng như Vatican.


Sự việc này không chỉ là một sự thay đổi văn hoá mà là một sự nhận thức luận. Người ta bắt đầu tin rằng sự thật có thể đến bằng sự quan sát, đặt câu hỏi, tìm kiếm và là tư duy cá nhân chớ không đến từ nhà cầm quyền. Đó là tư duy phản động so với những giáo điều của Giáo Hội. Tương tự ngày nay, các hệ thống cũ đang dần dần bị loại bỏ. Các hệ thống mới đang dân chủ hoá quyền lực. 


Đọc sách về thời Inquisition của nhà thờ thì thất kinh vì trong thời Liên Xô, họ cũng áp dụng tương tự chế độ này. Anh không tin vào xã hội chủ nghĩa là anh bị bệnh tâm thần, phải cho anh vào trại cải tạo, nếu không cải tạo được thì cho vào bệnh viện tâm thần. Chỉ có chúa là đấng toàn năng, hay Đảng Cộng sản quang vinh. Tương tự ngày nay, anh bỏ phiếu cho bà Kamala, vậy anh là cộng sản, chị bỏ phiếu cho Trump, chị là Phát xít. Trong khi đó chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít đều xuất thân từ một nơi. Chỉ khác nhau là một bên hô hào xây dựng thế giới đại đồng và một bên là quốc gia của mình trên hết.


Những người lưu trữ dữ liệu khách tiêu dùng. Amazon trở thành tỷ Phú khi không sản xuất một sản phẩm nào cả. Uber trở thành một công ty xe taxi mà không sở hữu chủ một chiếc xe, AirBnB đứng đầu ngành khách sạn nhưng không sở hữu một nhà nghỉ nào. Facebook chỉ làm một nơi thiên hạ có thể lên chửi bới, càng chửi bới nhau Facebook càng làm giàu.  Xã hội hiện nay đang đào tạo một giai cấp giàu có mới, sở hữu dữ liệu thiên hạ để có thể bán quảng cáo, an ninh,…


Thế kỷ 21 tạo ra một giai cấp mới dùng trí tuệ của họ để làm giàu. Họ mới quảng cáo một người máy làm đầu bếp giá $5,000 sẽ nấu ăn cho chúng ta hàng ngày rồi sẽ đến một người hầu, giặt áo quần, dọn dẹp. Hy vọng có ngày nào, họ sẽ làm ra một ông nông dân để mình mua, chăm sóc 24/24 cái vườn bơ của mình. Vấn đề là con người chúng ta sẽ làm gì trong đó. Chắc chắn là không dính liệu đến AI. Chúng ta sẽ là thừa mứa, thuộc về giai cấp vô dụng. DEI sẽ hết còn ăn khách vì máy móc, robot sẽ làm hết cho chúng ta. Không có kỳ thị chủng tộc, đàn ông đàn bà hay chuyển giới tính. Vậy chỉ còn ngồi chửi nhau cho qua ngày. Còn 4 năm để nghe thiên hạ bênh ông Trump và người ghét ông ta chửi nhau. Chán Mớ Đời 

Bác nào có tin tức về AI, hay gì hay giúp em họ thêm một tí. Thấy nhiều thứ quá mà không biết đụng cái nào.


Cửa sổ của sự phục hưng ở thế kỷ 21 này sẽ thay đổi các thể chế mà chúng ta thấy hiện nay vì đang gặp các bế tắc. Chúng ta đã thấy xã hội chủ nghĩa không thành công đem lại no ấm cho người dân. Chủ nghĩa tư bản cũng không đem lại sự thịnh vượng cho người dân, ngoại trừ giai cấp lãnh đạo. Vấn đề là ở tuổi 7 bó mình phải làm gì? Mình mò mò AI, hỏi tạo hình ảnh đồng chí gái. AI gửi cho mình tấm ảnh này. Chán Mớ Đời 



Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét