Bệnh viện Chợ Rẫy trước 30/04/75


Hôm nay nói chuyện với anh bạn học xưa ở Đà Lạt, anh ta hỏi về bệnh viện Chợ Rẫy ở Sàigòn khi xưa. Mình nói không sống tại Sàigòn nên không rành lắm. Lý do anh ta hỏi vì nghe Việt Nam nói là bệnh viện này là số một ở Đông Nam Á trước 75, người dân Tân Gia Ba giàu có, phải sang Sàigòn để chữa bệnh ở bệnh viện này nên mình tò mò kiếm tài liệu đọc. Được xem là điểm nhấn của Việt Nam Cộng Hoà. Nói chung thì tài liệu rất hiếm. Mình mò của Tây cũng không ra nhiều. Còn Nhật ngữ thì chịu. Có bác nào biết Nhật ngữ tìm dùm tài liệu vì Nhật Bản viện trợ xây dựng bệnh viện này vào thập niên 70 trước khi Việt Nam Cộng Hoà cáo chung.

Bệnh viện Chợ Rẫy thời Tây mới sang, trước khi được Nhật Bản viện trợ xây dựng to đùng như ngày nay 

Tình cờ thấy trên YouTube một video quay cảnh công trường bệnh viện Chợ rẫy đang được xây cất nên tò mò xem thì thấy vào thời ấy người Nhật đã giúp người Việt, thiết kế và thi công khá cao so với những gì mình thấy ở Đà Lạt. Xem đường dẫn

https://youtu.be/tM-40vrVPgs?si=iQEg2EaqzIYkHSAO


Thật ra bệnh viện Chợ Rẫy được xây vào năm 1900 bởi mấy ông Tây thực dân, nhằm để chữa bệnh cho dân họ và một thiểu số người Tàu giàu có ở Chợ Lớn. Vào thời điểm đó, dưới thời kỳ thuộc địa, mang tên gọi ban đầu là Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện Thị xã Chợ Lớn). Đây là một trong những cơ sở y tế đầu tiên được người Pháp thành lập tại Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử bệnh viện trước khi có các đợt mở rộng và phát triển sau này. Sau này họ có cho xây bệnh viện Đà Lạt, nơi nghỉ dưỡng của người Pháp mà thời ông Diệm được gọi bệnh viện Phương Lan. Và nhà nghỉ dưỡng ở gần hồ Xuân Hương. Sau khi xây xong bệnh viện Phương Lan thì họ đổi thành nhà tù mà dân Đà Lạt xưa gọi là Nhà Lao. Mẹ mình bị nhốt ở đây 6 tháng khi bị Tây bắt, cho đi tàu thuỷ và tàu bay khi khảo cung. Sau được người dượng, ông Võ Quang Tiềm bảo lãnh mới được tha.


Đây là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất, chỉ xếp sau Nhà Thương Đồn Đất (Bệnh viện Grall, tiền thân là bệnh viện Quân y Pháp thành lập năm 1861), Nhà Thương Chợ Quán (1862), Viện Pasteur Sài Gòn (1891), Viện Pasteur Nha Trang (1895). Mình nhớ có quen một bác sĩ Tây, cậu của tên bạn, khi xưa đi cooperant (thay vì đi quân dịch) sang Việt Nam làm việc 2 năm tại bệnh viện Grall. Họ nhớ thời ở Việt Nam nên rất yêu mến Việt Nam.

Bưu thiếp nhà thương CHợ Rẫy thời Tây 

Theo tài liệu ít ỏi cho một cơ sở to lớn nhất Việt Nam, chắc họ đốt hết sau 75, thì được biết khuôn viên của nhà thương này là 50,000 m2, với kiến trúc thuộc địa 2 tầng tại địa điểm khi xưa là chợ của người Hoa, gọi là Chợ Rẫy. Khu đất này vào thời xa xưa không có người ở, là nơi người dân trong vùng làm rẫy trồng hoa màu. Sau đó người Minh Hương tới ở chung với người Việt, làm ăn buôn bán, lập tại nơi đây một cái chợ, quen gọi Chợ Rẫy. Đây là nơi nông dân ở các vùng xung quanh đem nông sản tới bán, rồi mua nhu yếu phẩm về dùng. Đến cuối thế kỷ 19 thì khu chợ này được giải tỏa để xây bệnh viện cho khu vực Chợ Lớn, đặt tên chính thức Hôpital Municipal de Cholon, tuy nhiên người Việt vẫn quen gọi là nhà thương Chợ Rẫy, dựa theo tên của khu chợ cũ. Từ đó người dân quen gọi nhà thương Chợ Rẫy. Thật ra, bệnh viện này được đổi tên nhiều lần:

Hình chụp năm 1919

Năm 1919 mang tên Hôpital Indigène de Cochinchine (Nam Kỳ). Thời điểm đó, số người bệnh nội trú trung bình một ngày 2.500 người, người khám bệnh trung bình 3.500 người một ngày.


Bệnh viện Chợ Rẫy ngoài chức năng là cơ sở điều trị, còn là trường sở của Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hoà. Chợ Rẫy là bệnh viện thực tập các môn nội khoa, ngoại khoa, tai-mũi-họng, nhãn khoa cùng là nơi giảng dạy môn cơ thể học.


Tấm ảnh này chắc xưa lắm vì còn xe kéo
Góc nhìn xéo của hình trên, cơ sở chính của bệnh viện

Thời Việt Nam Cộng Hoà 
Khuôn viên bệnh viện chắc thời Tây vì trông rất sạch sẽ chưa thấy đậu xe tùm lum 
Vào năm 1920-1929, được gọi là Hôpital Indigène. Đến thời Việt Nam Cộng Hoà mới có làm thêm cổng an ninh ở ngoài đường 

Năm 1923, chuyên khoa sản trực thuộc bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên mảnh đất 19,123m² đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh), đất do gia tộc Hui Bon Hoa hiến tặng mà người Sàigòn hay gọi Chú Hoả. Ông tên thật là Huỳnh Văn Hoa (黃文華[1]), hay còn gọi là Hui Bon Hoa theo tiếng Phúc Kiến, vốn người làng Văn Tang, thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến. Bảo Sanh Viện này sau đó tách riêng, gọi là Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương), sau đó thành Maternité George Béchamps, lười đi tìm tên mấy ông Tây xưa, người thường gọi là “Nhà sanh Chú Hỏa”. Chú Hoả tên Tây là Jean-Baptiste theo thiên chúa giáo. Nghe kể là sau 75, họ gọi xưởng đẻ. Còn các người sinh gọi là sản xuất con nít.


Năm 1938: đổi tên thành Hôpital Lalung Bonnaire. Mình mò tên này thì được biết là tên của bác sĩ Tây Jean-Baptiste Lalung-Bonnaire, rất giỏi về giải phẫu và có viết sách, làm việc tại nhà thương này. Có dạo ông ta nằm trong hội đồng Sàigòn. Có một ông y tá người việt tên Nguyễn Văn Khai có viết cuốn sách về nghề y tá ở Việt Nam, và được bác sĩ Lalung-Bonnaire viết lời tựa nằm trong thư viện quốc gia của Pháp. Sau này chắc về nước nên họ nhớ ơn ông ta nên đặt tên ông cho nhà thương.

Năm 1945: đổi tên thành Hôpital 415. Sau đó, tách thành hai phòng khám Hàm Nghi và Nam Việt. Từ năm 1948 tới nay, bảo sanh viện mang tên của thái hậu Từ Dụ (người nam gọi Từ Dũ), Từ Dụ thái hậu (慈裕太后).. Sau 75 gọi là xưởng đẻ Từ Dũ. 

Từ năm 1957, dưới đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, hai phòng khám trên sáp nhập lại thành bệnh viện Chợ Rẫy cho đến ngày nay. 


Vào năm 1971, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho chính quyền VNCH để tái xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy trên diện tích 53.000 m² cùng với trang thiết bị hiện đại, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á. Công trình được hoàn thành vào tháng 6 năm 1974 với tòa nhà 11 tầng. Có nguồn tin cho rằng Nhật Bản xây mới bịnh viện Chợ Rẫy năm 1971 là để bồi thường chiến tranh vì thời gian chiếm đóng Việt Nam từ 1940 đến 1945. Việc bồi thường này tuân theo Hiệp định Hòa bình tại San Francisco tháng 9/1951 mà Nhật Bản ký với 49 quốc gia sau khi thất bại ở thế chiến II, trong số 49 quốc gia đó có Quốc gia Việt Nam của quốc trưởng bảo Đại, lúc này thuộc liên hiệp Pháp. Tuy nhiên, việc bồi thường này chỉ bao gồm việc xây nhà máy thủy điện Đa Nhim ở đèo Sống-Pha vào năm 1959, còn việc xây mới bệnh viện Chợ Rẫy là Nhật bản viện trợ không hoàn lại. Không biết họ có viện trợ gì không cho Hà Nội vào thời gian đó hay xù luôn.


Hình chụp năm 1938, mình đoán là phần xây mới vào năm đó vì kiến trúc khác hơn, có hành lang và mái nhà kiểu khác so với tấm ảnh lúc mới xây đầu tiên 

Mình tìm kiếm xem ai là kiến trúc sư nhưng không có tin tức cụ thể và chính thức ghi nhận tên của kiến trúc sư hay cá nhân nào đã thiết kế Bệnh viện Chợ Rẫy, cả trong giai đoạn ban đầu do người Pháp xây dựng (năm 1900) lẫn giai đoạn tái thiết với sự viện trợ của Nhật Bản (1971-1974). Mình không biết tiếng Nhật nên không mò trên mạng bằng Nhật ngữ. Mò tiếng Tây thì cũng ngọng. Theo tấm ảnh cũ của bệnh viện thì mình đoán một ông công chức, kỹ sư Tây nào là thợ vẽ rồi vẽ xây thôi vì bệnh viện cũng nhỏ, gọi clinique, trung tâm y tế thì đúng hơn. Hai tầng không lớn lắm, to hơn biệt thự một chút, chắc có độ 10 phòng. Có thể mỗi lần người Pháp đổi tên là mỗi lần được xây thêm vì 5 mẫu đất, đâu có thể xây năm 1900. Lúc đó người Pháp chưa qua Việt Nam nhiều.


Trong giai đoạn thuộc địa, các công trình lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy thường được thực hiện bởi các kỹ sư và kiến trúc sư thuộc chính quyền thực dân Pháp, nhưng tài liệu lịch sử không nêu rõ một cái tên cụ thể. Tương tự, khi Nhật Bản viện trợ tái xây dựng vào những năm 1970, dự án này được xem là một nỗ lực hợp tác giữa hai chính phủ, và thông tin về kiến trúc sư chủ trì không được công bố rộng rãi hoặc lưu giữ chi tiết trong các nguồn tư liệu phổ biến. Có thể sau 75, họ đốt hết. Nhìn các toà nhà của bệnh viện thì mình biết có nhiều kiến trúc sư thiết kế theo năm tháng vì có khác nhau, ngoại trừ khi Nhật Bản xây viện trợ cho. Bác nào có tài liệu thì cho em xin để bổ túc.


Việc xây dựng bệnh viện nằm trong chính sách rộng lớn hơn của Pháp nhằm phát triển các cơ sở y tế tại các thuộc địa của họ. Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã thiết lập các trung tâm y tế như Viện Pasteur ở Sài Gòn (1891) và Nha Trang (1895) qua bác sĩ Yersin. Bệnh viện Chợ Rẫy ra đời để bổ sung vào mạng lưới này vào năm 1900. Nó được xây dựng trên một khu đất rộng hơn 50.000 m², nơi trước đó là một khu chợ (gọi là “chợ Rẫy” trong tiếng Việt, từ đó có tên gọi hiện tại). Khu chợ này đã bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho công trình mới.


Kiến trúc ban đầu mang phong cách điển hình của các công trình thuộc địa: thực dụng, với các tòa nhà được thiết kế để đáp ứng nhu cầu y tế căn bản, đồng thời phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm của miền Nam Việt Nam. Người Pháp đã huy động các kỹ sư và công nhân địa phương dưới sự giám sát của các quản lý để thực hiện dự án. Tuy nhiên, các tài liệu không ghi nhận chi tiết về chi phí, thời gian xây dựng chính xác hay tên của những người trực tiếp phụ trách thiết kế.


Khi mới thành lập, bệnh viện chủ yếu phục vụ người Pháp định cư và tầng lớp tinh hoa địa phương, mặc dù cũng tiếp nhận bệnh nhân Việt Nam và người Hoa từ Chợ Lớn. Dân nghèo thì đi mấy ông Lang. Nó được trang bị để điều trị các bệnh phổ biến thời bấy giờ, đặc biệt là các bệnh liên quan đến khí hậu nhiệt đới như sốt rét hay nhiễm trùng. Dịch vụ còn thô sơ so với tiêu chuẩn hiện đại, nhưng là một bước tiến lớn cho khu vực vốn chủ yếu dựa vào y học cổ truyền. Đây là vấn nạn của người Pháp thực dân vì không hạp với khí hậu nhiệt đới nên bị bệnh, phải chuyên chở về pháp điều trị hay bên Nhật Bản. Do đó họ mới xây dựng Đà Lạt thành trung tâm nghỉ dưỡng, để giúp phục hồi các nhân viên và lính của họ thay vì chở về pháp bằng tàu mất thời gian. Mình có kể trong những bài về lý do người Pháp thành lập Đà Lạt.

Bệnh viện do Nhật Bản viện trợ tái thiết năm 1974, được xem là bệnh viện tốt nhất vùng Đông Nam Á. Nghe kể các người giàu có ở Tân Gia Ba hay Thái Lan bay qua Việt Nam để được điều trị tại bệnh viện này.

Sự viện trợ của chính phủ Nhật Bản đối với Bệnh viện Chợ Rẫy xẩy ra từ năm 1971 đến 1974, trong khuôn khổ dự án tái xây dựng và hiện đại hóa cơ sở này, khi đó thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dưới đây là những chi tiết đã biết về sự hỗ trợ này:

Sau nhiều thập kỷ sử dụng kể từ khi được người Pháp xây dựng vào năm 1900, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở nên xuống cấp và không còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của dân chúng, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam. Người dân bỏ miền quê vào Sàigòn sinh sống nên quá tải. Sau Mậu Thân, cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn, thanh niên bị đi đôn quân nên người bị thương rất nhiều. Hình như có bệnh viện quân đội mang tên Tổng Y Viện Cộng Hoà thì phải. Mình không ở phải dân Sàigòn nên chịu. Chỉ nhớ mại mại qua báo chí dạo đó. Bác nào buồn đời xem video này. Nghe phải khóc do ông Nam Ròm đăng tải.


https://youtu.be/t4F-pJvj2KQ?si=u_D3PezBc9EhZC8Q


Năm 1971, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam Cộng hòa, dưới dạng bồi thường chiến tranh, để tài trợ việc tái xây dựng toàn diện bệnh viện. Sáng kiến này nằm trong chính sách hỗ trợ phát triển của Nhật Bản và củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á sau Thế chiến thứ hai. Nhật Bản cũng có viện trợ thành lập đập Đa Nhim gần Đà Lạt để tạo ra điện cho tỉnh Tuyên Đức.


Mục tiêu là biến Chợ Rẫy thành một trung tâm y tế hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó. Dự án cũng nhằm trang bị cho bệnh viện các thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng chăm sóc, đặc biệt trong một đất nước đang bị tàn phá bởi chiến tranh.

  • Diện tích và cơ sở hạ tầng: Bệnh viện được xây dựng lại trên diện tích 53.000 m². Tòa nhà chính mới, hoàn thành vào tháng 6 năm 1974, cao 11 tầng, là một công trình ấn tượng vào thời đó, được thiết kế để phục vụ số lượng lớn bệnh nhân và các dịch vụ y tế. Khởi công vào năm 1971 mà 3 năm sau đã hoàn tất.
  • Trang thiết bị: Nhật Bản cung cấp các công nghệ y tế tiên tiến, bao gồm thiết bị chẩn đoán, dụng cụ phẫu thuật và hệ thống quản lý bệnh viện hiện đại. Điều này giúp Chợ Rẫy trở thành trung tâm tham chiếu cho các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu. Chắc cũng phải huấn luyện bác sĩ, y tá để sử dụng các thiết bị tối tân này.
  • Thời gian: Công trình bắt đầu vào năm 1971 và hoàn thành vào tháng 6 năm 1974, kéo dài khoảng ba năm. Giai đoạn này trùng với những năm cuối của chiến tranh Việt Nam, trước khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975.
  • Chi phí: Dù số tiền chính xác của viện trợ Nhật Bản không được công bố rộng rãi, đó là một khoản tài trợ lớn, phản ánh quy mô của dự án và cam kết của Nhật Bản trong việc hỗ trợ miền Nam Việt Nam, một đồng minh trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Mình đoán vì để trả nợ chiến tranh khi quân đội Nhật Bản đóng chiếm Việt Nam nên có lẻ vì vậy họ không công bố. Nếu công bố thiên hạ kêu ít quá, lại đòi thêm.

Hỗ trợ sau đó (1993-1995)

Sau khi Việt Nam Cộng Hoà tan hàng vào năm 1975 và bệnh viện được chính quyền xã hội chủ nghĩa tiếp quản, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Chợ Rẫy vào những năm 1990. Từ năm 1993 đến 1995, một khoản viện trợ không hoàn lại mới được cung cấp để hiện đại hóa thêm các cơ sở. Giai đoạn này cho phép cập nhật thiết bị và cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có, tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng trong thời kỳ hậu chiến.


Nhờ sự hỗ trợ này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển mình từ một cơ sở thuộc địa cũ kỹ thành một trung tâm y tế hàng đầu. Vào năm 1974, nó được xem là một trong những bệnh viện lớn nhất và được trang bị tốt nhất Đông Nam Á, với sức chứa khoảng 1.000 giường vào thời điểm đó (nay đã tăng lên hơn 2.000 giường). Sự chuyển đổi này mang lại tác động lâu dài, khiến Chợ Rẫy trở thành trụ cột của hệ thống y tế Việt Nam Cộng Hoà, vừa là trung tâm chăm sóc vừa là bệnh viện giảng dạy liên kết với Đại học Y Dược Sàigòn.

Ngày nay bệnh viện này vẫn được xem là lớn nhất Việt Nam, nhưng đọc tin tức về du khách ngoại quốc thì họ rên lắm, không đúng tiêu chuẩn quốc tế. Họ sang Việt Nam, vào bệnh viện đợi chờ quá lâu lắc thêm kém vệ sinh. Ở Hà Nội, mình có đi thăm ông chú họ ở bệnh viện gì đó, thấy thiên hạ nằm la liệt, ngoài cổng thì người nhà đứng đợi đủ trò để vào thăm bới cơm.


Tương tự chợ Đà Lạt được xây cất xong vào năm 1962, được xem là ngôi chợ đẹp và to lớn của vùng Đông Nam Á. Kiến trúc sư là Nguyễn Duy Đức. Theo mình hiểu thì vào thời sau 1954, khi đất nước chia đôi, một số kiến trúc sư di cư vào Nam, cũng với kiến trúc sư miền nam tạo dựng nên một thế hệ kiến trúc sư trẻ, thiết kế nhiều công trình sau 1954 rất đẹp. Hình như có ông Mỹ nào muốn nghiên cứu về kiến trúc Việt Nam trước 75. Tại Đà Lạt họ đã thiết kế Chợ Mới Đà Lạt, khu Hoà Bình, Giáo Hoàng Học Viện, trường Võ BỊ Quốc Gia, viện đại học Đà Lạt, trung tâm nguyên tử lực,…


Có dạo một kiến trúc sư trẻ ở Sàigòn có liên lạc mình, hỏi thêm về các kiến trúc sư người Việt ở hải ngoại. Mình chỉ gặp kiến trúc sư Võ Công Toàn ở Rabat, Ma-rốc. Ông này gốc Việt nhưng thiết kế mấy nhà thờ hồi giáo và lăng của vua Mohammed. Mình suýt ở lại Rabat làm việc cho ông ta nhưng trả rẻ quá nên mình về lại Pháp rồi qua Thuỵ Sĩ làm việc. Ở Paris thì mình có làm việc cho ông kiến trúc sư Lê Văn Kim. Sau khi tố tnghieejp, ông ta qua Hoa Kỳ thực tập với công ty danh tiếng Skiddmore không nhứo hết tên thường được viết tắc S.O.M, lấy bà vợ người Mỹ rồi dắt về Paris. Ngoài ra mình có quen ông Nguyễn Trọng Kha, chú của một người bạn. ông này thì học xong về Việt Nam rồi vượt biển qua pHáp lại, đi làm cho thiên hạ nên không có thiết kế đồ án gì có dấu ấn cả. Ông Kha có làm phụ giảng cho môn kiến trúc nhiệt đới, nhờ sinh tại Việt Nam và làm việc tại Việt Nam nhiều năm. Ít sinh viên theo học. (Còn tiếp)


Ghi chú: hình mình lấy trên internet, có tải về vài tấm của 5 Ròm, Chuyenxua.net, tài liệu thì trên wikipedia và thư viện quốc gia của Pháp và Amazon qua mấy cuốn sách được bày bán.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét