Cuộc chiến dơ bẩn

 Cả tháng nay không xem xi-nê, mới về nhà, bị jetlag, ngủ không được nên bò dậy xem phim Á Căn Đình về vụ kiện lịch sử sau khi quốc gia này dành lại nền dân chủ từ đám quân phiệt.

Sau khi Sàigòn thất thủ, nói chung 3 nước Đông Dương bị quân đội cộng sản chiếm đóng, Hoa Kỳ rất lo sợ các nước Nam Mỹ như Á Căn Đình, Chí Lợi,..sẽ ngã về phía Liên Xô nên Henry Kissinger, ủng hộ các nhóm quân đội của mấy xứ này, lật đổ các chính phủ dân chủ do dân bầu. Lần lượt các tướng lãnh lật đổ chính quyền Salvador Allende ở Chí lợi, Isabel Péron ở Á Căn Đình mà sau này có chương trình ca nhạc Broadway nổi tiếng Evita với bản nhạc nổi tiếng “don’t cry for me Argentina” mà mình có xem khi đi làm ở Luân Đôn.

Đầu thế kỷ 20, Á Căn Đình được xem là nước giàu có nhất tại Nam Mỹ với ngành canh nông của họ nhất là thịt bò nổi tiếng. Khi ông tướng Juan Péron lên ngôi, thành lập một chính quyền dân tuý xã hội chủ nghĩa thì biến kinh tế quốc gia này với lạm phát rất cao. Lên đến 297.5% khiến dân tình khóc như mưa. Các chương trình cải cách xã hội của họ khiến ngân sách quốc gia bị thâm thủng, các điền chủ mất quyền lợi nhiều nên ủng hộ quân đội cướp lấy chính quyền, tạo ra cuộc chiến dơ bẩn khiến đến nay có 30,000 người bị mất tích, không tìm ra thi thể.

Vợ chồng ông Juan Péron làm tổng thống Á Căn Đình đến 3 nhiệm kỳ. Bần cố nông thì yêu mến hai vợ chồng này. Lấy của địa chủ cho bần cố nông.

Sau 3 năm cầm quyền, số lượng vàng dự trữ của Á Căn Đình từ 1.1 tỷ đô la xuống còn $258 triệu đôla. Nên nhớ dạo ấy một ounce vàng có thể đổi tương đương $35.00 đến khi ông Nixon chơi cha thiên hạ dẹp vụ này vào năm 1971.

Ông tướng Péron làm tổng thống đến 3 nhiệm kỳ, kinh tế te tua khiến người dân chán ghét nên có một số được Liên Xô hổ trở, thành lập kháng chiến như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trước 1975 tại Việt Nam. Tình hình chính trị bất ổn thêm Hoa Kỳ lo sợ sau cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, sẽ khiến họ mất thêm ảnh hưởng miền nam Châu Mỹ.

Kissinger gặp các tướng Nam Mỹ và nói nhỏ sẽ ủng hộ nên mấy ông thần lật đổ mấy chính phủ dân cử như Allende và vợ ông Peron nắm quyền khi ông Peron qua đời. Nhớ dạo đó, ở Pháp nên thiên hạ chửi bới Hoa Kỳ, nhúng tay vào các cuộc lật đổ này.

Vấn đề là mấy ông tướng lên cầm quyền, cũng ngu dốt nên lạm phát còn lên cao hơn thời Peron. Để giải toả ấm ức của dân chúng, mấy ông tướng tổ chức được giải túc cầu thế giới tại Á Căn Đình, mua chuộc dữ dội, xem các trận đấu mà chán và cuối cùng Á Căn Đình thắng. Họ lại đem quân chiếm đóng đảo Falkland của Anh quốc nên bị bà Thatcher đem quân đánh te tua nên từ từ, Hoa Kỳ thấy chết nhiều rồi nên kêu họ nhường ngôi lại cho chính quyền dân cử.

Dạo ấy ở Paris, mình nghe nói đến các vụ bắt cóc, vi phạm nhân quyền của các chế độ quân phiệt. Mỗi tuần mấy bà mẹ có con bị bắt cóc, ra quãng trường tháng 5 (Plaza De Mayo), đi tuần hành, đòi tin tức của con họ. Giới cực hữu thì kêu đó là đám cộng sản, phải diệt trừ còn giới cực tả thì chửi, kêu phát xít đủ trò khiến mình chả hiểu gì cả. Nói chung rất lộn xộn vì dạo ấy có ông thần mang tên Carlos, khủng bố khét tiếng đã bắn chết mấy nhân viên phản gián của pháp, hay nhóm Andreas Baader của Tây Đức, nhóm Action Directe của Pháp, nhóm vệ binh đỏ của Ý Đại Lợi và Nhật Bản thêm nhóm Tháng 9 Đen của Palestine.

Cuốn phim mình xem nói về toà xử các quân nhân dính dáng đến sự diệt chủng, bắt cóc thường dân, tra tấn rồi làm biến mất trên 30,000 nạn nhân mà ngày nay không ai biết đã chết ra sao và được quăng xác ở đâu. Khi chính quyền dân cử Alfonsin được bầu lên. Ông ta ra lệnh, có lẻ để xoa dịu quần chúng Hoa Kỳ và tây phương, xét xử các vụ bắt cóc của quân đội và thủ tiêu.

Không ai dám lãnh nhiệm vụ này vì quân đội vẫn mạnh, sợ chết. Có ông công tố viên tên Strassera chấp nhận nhiệm vụ này, xét vụ “cuộc chiến dơ bẩn” của quân đội từ 1976-1983. Thấy mấy ông tướng kêu là không chấp nhận toà án dân sự.

Ông toà Strassera không muốn đảm nhận công việc này nhưng bà vợ kêu ông ta phải chấp nhận, để đem sự thật công bằng lẻ phải đến cho dân Á Căn Đình. Ông ta không có ai muốn làm cộng sự viên vì sợ nên cuối cùng có mấy người trẻ thuộc gia đình quyền thế và quân đội, chấp nhận tham gia, đóng góp, tìm tài liệu. Khi phỏng vấn họ, hỏi tại sao. Họ đều trả lời là muốn tìm hiểu về quá khứ của á căn đình.

Có ông Moreno Ocampo, cháu nội của tướng đầu tiên Á Căn Đình, được bổ nhiệm làm phụ tá và khuyên ông ta tìm những cộng sự viên trẻ vì họ không sợ. Có gia đình rồi con người bổng nhiên hèn như mình, nghe lời vợ, không dám cãi. Ông Ocampo phỏng vấn các luật sư trẻ hay sinh viên luật khoa, tạo dựng một tổ hợp làm việc hăng hái, đi tìm các chứng nhân của cuộc chiến dơ bẩn. Họ gom lại được một hồ sơ gồm 4,000 trang, có 709 hồ sơ và đến 8,000 chứng nhân.

Cuối cùng thì mấy ông tướng đều bị tuyên án chung thân, cho thấy dạo ấy Hoa Kỳ nới tay với các chính quyền dưới sự ảnh hưởng của họ, khuyến khích dân chủ hoá như các nước Nam Mỹ, Á Châu như Nam Hàn, Đài Loan, từng được các nhóm quân phiệt cầm quyền. Nhờ vậy mà các nước này phát triển nhanh như ngày nay. Nam HÀn đã được dân chủ hoá cũng như Đài Loan nên nước họ trở nên thịnh vượng, không có cảnh dân họ đi làm thuê ở các nước khác. Trong chiến tranh Việt Nam, lính Nam Hàn được đưa qua tham chiến tại Việt Nam để lãnh lương của Hoa Kỳ.

Xem phim kể về lịch sử hiện đại, mới hiểu thêm những gì đã xẩy ra. Dạo ấy truyền thông tuyên truyền nên tuỳ theo quan điểm chính trị, chúng ta cổ võ phe ta tương tự ngày nay trong cuộc chiến tại Ukraine.

Mình đi thăm viếng Phi châu và trung Đông mới về, thấy đâu đâu đều uống coca cola và Pépsi cola, ăn MacDonalds, BUrger King hay Pizza. Giới trẻ bận áo quần hiệu của Hoa Kỳ nên mới hiểu thêm lý do các nước của BRICS nay có thêm Saudi Arabia, muốn chống lại văn hoá của Tây phương hay đúng hơn Hoa Kỳ. Mình nhớ khi xưa, ông bộ trưởng văn hoá Pháp Jacques Lang, kêu tẩy chay văn hoá mỹ nhưng ngày nay thì xem như văn hoá mỹ đã chiếm hoàn toàn khắp nơi. Đâu đâu đều nói tiếng anh, bận quần Jean.

Đâu đâu cũng muốn đeo ví LV của tây, thời trang của Ý Đại Lợi, Hoa Kỳ. Mình thấy ở Ai Cập và Jordan, quảng cáo JUlia RObert về nước hoa của Pháp, đủ trò. Khi người tây phương áp dụng văn hoá của họ trên các nền văn hoá khác, vô hình trung biến các nước khác trở thành nô lệ cho họ, mua sắm các đồ sản xuất do họ sản xuất. Nguy hiểm nhất là văn hoá sở tại sẽ không phát triển mà bị tây phương hoá.

 Lý do đó mà các nước đông dân như ấn độ, Trung Cộng, Nga, Nam Phi, Ba Tây, có dân số tổng cộng trên phân nữa của dân số thế giới, muốn thoát ra khỏi vòng vây văn hoá và kinh tế của tây phương. Anh phải trồng và bán bao nhiêu tấn để mua một cái điện thoại thông minh hay cái ví Louis Vuiton, được sản xuất tại Trung Cộng hay Ấn Độ. Chán Mớ Đời 

Mình sống tại Hoa Kỳ nên ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ nhưng đặt trong vào trường hợp các nước khác thì mình phải hiểu lý do tại sao họ tìm cách chống lại tây phương và Hoa Kỳ.

Mình dự định viếng thăm xứ Á Căn Đình và CHí Lợi năm tới để hiểu thêm về lịch sử 2 nước này thay vì chỉ đọc sách báo tuyên truyền của hai bên. Tính leo núi của mấy xứ này nhưng để xem, có thể chỉ đi viếng vùng Patagonia thôi, vì núi cao nhất Á Căn Đình, nghe nói chỉ có 30% thành công leo lên được dù người có kinh nghiệm leo núi.

Nguyễn Hoàng Sơn