Mình rất ngạc nhiên khi có nhiều người nhắn tin chúc mừng khi đã leo được lên đỉnh núi Kilimanjaro. Có nhiều người hỏi mình kinh nghiệm đã trải qua vì họ dự định leo núi này trong thời gian gần tới. Internet của khách sạn ở phi châu quá yếu nên mình không thể trả lời hết hay tải hình lên được vì wifi quá chậm.
Nay đang ngồi máy bay đến Istanbul, gặp đồng chí gái để đồng hành qua xứ Ai Cập và Jordan nên viết vài dòng cả không lại quên khi đi chơi với người tình 100 năm.
Mình gặp hai người mỹ, 1 bà gốc á châu ở San Francisco, 75 tuổi và một ông ở Florida 68 tuổi, đã leo lên được trên đỉnh. Cả hai đều nói là họ leo núi Meru trước đó 1 tuần, cách đỉnh Uluru, vài chục cây số để làm quen với cao độ và khí hậu. Do đó mình nghĩ nếu ai muốn thành công lên đỉnh Uluru thì nên đến sớm hơn một tuần để chuẩn bị lên đỉnh kilimanjaro. Leo núi này mất 4 ngày.
Thùng rác làm bằng nắp chai, 1 cách bảo vệ môi trườngPhân nữa của nhóm mình không lên được vì cơ thể không quen với khí hậu ở đây. Họ lại uống Diamox, gây phản ứng phụ khiến không ăn uống và ngủ ngáy gì được.
Ông mỹ đen trong nhóm thì to béo, cái bụng ít nhất là 40 cân nên khó mà leo lên cao. Ông ta cũng uống diamox, bị bón mấy ngày, ăn uống không được thêm ngủ ngáy cũng thua. Cô con gái thì dạng tiểu thư, sinh viên chụp hình, nên mấy ngày đầu đi chậm chậm chụp ảnh vớ vẩn rồi lên cao độ, than nhức đầu. Ăn uống cũng không bao nhiêu nên không có sức. Trên đường lên đỉnh độ 15 phút, khi ông bố đầu hàng, đi xuống thì cô ta cũng kêu thở không được nên phải cho thở bình oxy rồi một hướng dẫn viên đưa xuống.
Trên đường leo lên, mình thấy nhiều người được khiêng xuống, nôn ói, máu chảy đủ trò. Khá đông phụ nữ và người to béo.
Mình may mắn đi leo núi Saltankay Inca, 7 ngày tháng 4 vừa qua nên rút được kinh nghiệm. Phải ăn cho nhiều, nhất là tinh bột. Mình không ăn tinh bột trên đường đến Machu Picchu, khiến cơ thể hơi yếu. Không ăn cơm hay spaghetti, chỉ ăn thịt và rau nên cơ thể hơi yếu dù đốt chất béo trong người mình. Cần đem theo snack để ăn dọc đường. Công ty hướng dẫn mình lên núi, cho thức ăn không ngon nhưng mình phải chịu khó nuốt cơm và khoai tây chiên. Mình quên đem theo chà là. Chán Mớ Đời
Lên cao độ thì cơ thể khó chịu, may mình uống nước gừng nên đỡ dù có đi cầu nhiều lần. Trên đường lên đỉnh Kilimanjaro mình thấy giấy đi cầu bay khắp nơi. Thiên hạ chạy vào chỗ nào vắng người, sau tảng đá rồi tha hồ đại tiện. Mình có bị một lần nên luôn luôn đem theo cuộn giấy đi cầu trong ba lô. Lần sau có đi cắm trại, nên đem theo cái bình đi tiểu ban đêm mà nhà thương hay cho. Mình nghĩ cái bình đi tiểu tốt hơn. Nhớ năm nào leo núi Yosemite, mình bị gãy chân, đồng chí gái đưa cái bình để tối tiểu ở trong tiện hơn.
Ngoài ra thì mỗi đoàn đều có một cái lều nhỏ với cái bồn cầu di động, đi tiểu hay đại tiện ở đó, có người chuyên lo vụ. Sang thì mướn riêng cho mình một cái, phải trả thêm $200 và $30/ ngày để người đem lên và chăm sóc cho mình. Lúc đầu, mình và anh bạn tính mướn một cái nhưng sau biết chỉ có 6 người trong nhóm nên thôi.
Tại vùng này, có rất nhiều công ty đưa người lên đỉnh với giá khác biệt. Từ $1,500 lên đến $6,000 nên khó mà biết đâu là bến bờ. Mình đoán là $6,000 thì có thêm phòng tắm mỗi ngày. 8 ngày cắm trại leo núi, không có tắm, chỉ có thau nước nóng để rữa mặt vào sáng sớm và chiều khi về đến trại. Nói cho ngay lạnh quá nên chả muốn tắm rữa gì cả.
Ngoài đóng tiền $2,950 cho nguyên chuyến đi và khách sạn, họ mong đợi mình cho thêm tiền boa. Có lẻ lương căn bản rất ít nên sau khi lên đỉnh về thì phải họp nhau, để cho thêm. Họ đề nghị từ $275-$300 cho 27 người. Mọi người đều cho $300, xem như họ được thêm $1,800. Riêng mình, ngoài $300, cho thêm 27 người 1 ít, nhất là ông đánh giày, vác ba lô, làm lều cho mình, ông đem thau nước nóng cho mình rữa mặt khi chiều về và buổi sáng. Ông hướng dẫn viên dẫn mình lên đỉnh. Không có ông ta, quan sát điều kiện sức khỏe của mình để đi nhanh đi chậm thì khó leo lên đỉnh.
Ngoài ra, mình cho ba lô, găng tay, quần áo cho họ. Nói chung thì cuối tháng này là xem như họ hết việc vì mùa mưa đến, du khách không leo núi, nằm nhà ngắm mưa. Nói thật mình rất may mắn, chớ sinh ra tại nước này thì chỉ biết làm nghề này thôi. Đội thùng đồ đạt trên đầu, leo núi, không gậy, không có gì cả.
Ngoài ra, phải nói đến sự may mắn của thời tiết. 8 ngày lên đỉnh, mình chỉ bị dính mưa một ngày mà lúc đó đã về tới đất trại, chớ đang đi mà dính mưa là chết. Lạnh và đường trơn trợt.
Tối lên đỉnh trời trăng rằm nên tương đối có ánh sáng, dễ thấy đường để đi lên. Không mưa nên cũng mừng. Do đó, ai muốn leo lên đỉnh này thì nên chọn tháng nào không bị mưa mà đi, đỡ vất vả hơn.
Chuẩn bị, tập luyện kỹ lưỡng nhưng phải tuỳ theo sự may mắn nữa.
Điểm rất quan trọng là đem theo quần áo ấm. Từ dưới núi lên đỉnh phải trải qua nhiều khí hậu, từ nhiệt đới lên đến băng cực. Đêm cuối cùng lên đỉnh thì phải đem theo quần áo ấm loại thermo như đi trượt tuyết vì nếu không thì chịu không được. Mình bận 3 cái quần, áo 5 lớp loại ấm mà có lúc vẫn lạnh, chỉ khi mặt trời hồng cách mạng lên thì mới ấm lại. Đeo hai găng tay loại ấm. Lúc nóng thì lấy ra. Thà ấm còn hơn lạnh. Mang 3 vớ ấm nên tương đối không lạnh chân.
Mình may mắn trải qua được chớ không tài giỏi gì cả. Đi từ 12 giờ đêm mà xuống đến chỗ cắm trại lúc 7 giờ tối, có nghỉ trưa độ 2 tiếng, xem như lên xuống 15 tiếng đồng hồ.
Lúc đi xuống mới nguy hiểm vì quá mệt mà lại dốc cao. Mình bị ngã đến 2 lần, nay Mông vẫn còn ê.
Chắc hết muốn leo núi cao nữa, chỉ đi vừa vừa với đồng chí gái cho vui nhà vui cửa. Mỗi lần đi xa như vậy, đồng chí gái theo không nổi nên mất vui.
Nắng mưa Kilimanjaro sơn đen không sợ
Chỉ sợ về lều thiếu bóng đồng chí gái.
Chúc ai muốn lên đỉnh nhiều may mắn.
Hồi nãy đến phi trường Istanbul, đi kiếm đồng chí gái ở phòng đợi thương gia. Phi trường này lớn nên có hai cái lận. Đang đợi lên máy bay qua Ai Cập, đi chơi lấy sức lại.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn