Đi du thuyền lần đầu

 Cuộc đời quái lạ! Mình đi 10 ngày leo núi Kilimanjaro, không tắm rửa, ăn uống thiếu thốn. Sau đó lại đến thời thái lai, ăn như điên. Bay qua Ai Cập, viếng thăm miền nam sông Nile, rồi được lên du thuyền chạy từ miền nam xuôi về miền Bắc. Cứ ăn rồi ngủ, tàu cập bến thì lên bờ đi chơi, xem viếng đền thờ, đá với là đá trong cái nắng kinh hoàng khiến Sơn Đen Sơn đứng một mình cũng đen. Được cái là học lại lịch sử thời xưa, mấy ông tây bà đầm dạy về thời Ai Cập, Tiểu Á, Alexander đại đế,… học lịch sử mà không đi tham quan thì cũng chả hiểu gì cả ngoài trả bài như con vẹt. Thường đọc sách báo, khiến chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì đã đọc nhưng cần phải trải nghiệm mới hiểu được.


Mình nghe đến con sông Nile này khi xem phim 10 điều răn, khi đi làm ở Mantes La Julie. Có yul bruner và charlton Huston đóng. Nói về ông Moise sinh ra đời, khi có lệnh giết hết các trẻ sơ sinh gốc do thái, nên bà mẹ đem cái nôi ra bờ sông Nile thả trôi dòng. Sau này ông được chị của vua Rameses II lượm được nuôi trong hoàng cung. Lớn lên, ông khám phá ra là gốc dân DO Thái như thể Kiều Phong của Kim Dung, cuối cùng ông ta bỏ sự giàu sang, nhận mình là người do thái, dẫn dân Do Thái về lại quê cha đất tổ, trong khi Rameses II rượt theo để giết. May thay khi đến biển hồng hải mà mình đang ở thì nước hai dòng toả ra, giúp người nô lệ do thái, chạy thoát. Hình như trong thánh kinh có nói đến đoạn này. Lâu quá không nhớ nổi.

Dân do thái thoát chết thì bắt đầu làm loạn, quên lời nguyền, bắt đầu phóng túng, ăn chơi, thờ tà ma ngoại đạo khiến ông Moise phải bò lên núi, lấy MoisePhone, bắt chế độ 10 Gờ của Starlink, tải về 10 điều răn để chia sẻ cho mấy cái App 10 điều răn cho dân do thái. Từ đó dân do thái sùng đạo luôn đến giờ.

Không ngờ mấy chục năm sau, lại có cơ hội đi viếng thăm những nơi này và đi thuyền trên dòng sông Nile lịch sử này. Được xem là cái nôi của văn minh nhân loại. Có lẻ vì Huyền thoại này mà du khách đến từ Do Thái rất đông, ngay cả mấy ông Rabbi. Sáng nay mới gặp một ông rabbi. Để xem còn gặp lại, mình sẽ hỏi thêm cảm nghĩ của họ, khi về nơi tổ tiên họ đã từng làm nô lệ.

Tối qua, hoá ra họ ở bên cạnh phòng, nên ghé thăm hỏi khi thấy họ đang ngồi đánh cờ ngoài sân. Hỏi chút xíu thì khám phá ra họ người do thái đến từ Ukraine. Có anh chàng kể chết cả nhà, vợ con 7 người. Mình đưa hình và thư của ông Ukraine mà nhóm mình gửi tiền giúp. Anh chàng kêu ông này làm lớn ở Kiev khiến mình thất kinh. Hôm nay, gặp mấy cô trẻ đến từ DO Thái, hỏi có sợ hay không. Họ nói không. Chắc quen bom nổ súng bay ở xứ họ. Có lẻ sang năm mình làm một chuyến đi DO Thái.

Du thuyền có 3 tầng và tầng trên hết không có nóc nhà, chỉ có hồ bơi, vớ vẩn. Người âu châu thích lắm vì có dịp tắm nắng, mình thì đen đủ đô rồi nên không cần tắm nắng nữa. Bù lại thì ngủ và ăn. Đi Ai Cập thì an ninh xét nhiều, qua phi trường, bị xét nhiều lần. Phải lấy dây nịch ra, cái quần mình lỏng le, muốn tuột xuống nên tranh thủ ăn để bụng to lại. Ai muốn giảm cân, đi leo kilimanjaro, bảo đảm xuống tối thiểu 10 cân.

Tàu được chia làm hai, phần bên phải là phòng ăn, còn phần bên trái là chỗ ngủ hạng rẻ tiền mà anh hướng dẫn viên ngủ tại đó. Khách thường ngủ lầu trên, mình ở lầu 2, còn ai ở lầu ba thì hạng sang hơn, phòng to lớn hơn. Ăn sáng thì từ 6:30-9:30, trưa thì từ 12:30-2:30 còn chiều thì từ 7:30-9:30 tối. Nếu ở trên bờ thì tiền ăn sáng ở khách sạn nằm trong khoảng tiền mình đã trả còn trên du thuyền thì ăn ngày 3 bữa nên đi chơi thì độ 12 giờ trưa lại bò về tàu ăn rồi ngủ trưa rồi chiều bò dậy đi chơi tiếp đến 7-8 giờ tối về, ăn tiếp. Ra ngoài, nóng kinh hoàng nên đi chơi độ 2, 3 tiếng là phải bò về tàu. Nếu đi vào mùa đông, ít nóng như tháng 12 đến tháng 2 thì có thể đi cả ngày, khỏi ăn trưa.

Nghe ông người Thụy sỹ, ngồi cạnh bạn, nói là theo bạn bè của ông ta đi nhiều chuyến, cho biết thức ăn trên tàu Steinberger mà mình đi là ngon nhất. Đa số các du thuyền trên sông Nile đều do người âu châu thực hiện. Đi vào phòng ăn thì ở giữa là dãy hàng ăn tự chọn. Ngay chỗ bước vào là có ông Ai Cập, cầm con dao to đùng, đứng cắt thịt của món chính hôm đó. Khi thì roastbeef, khi thì thịt gà nướng, khi thì món cừu hay món bê. Món bê và món cừu ăn cực đỉnh. Theo sau là món ăn phụ như thịt gà, thịt bò, các, rồi đến cơm, kosherie của Ai Cập, khoai tây,… sau đó đến các món xà lách tự chọn, có olive,…

Đồng chí gái trên cầu vào thuyền

Cuối dãy là món tráng miệng, đủ loại bánh khiến mình rùng mình, không dám đụng. Phía bên kia thì có mấy món của Ai Cập như falafel, thịt nướng Ai Cập, bên cạnh thì có góc pasta. Trên du thuyền mình thấy có nhiều du khách đến từ Ý Đại Lợi nên có lẻ vì vậy họ làm thêm phần này. Dân Ý Đại Lợi, ăn cơm phải có spaghetti. Đến chỗ quầy đầy gia dụng muốn thêm vào đĩa spaghetti, rồi ông đầu bếp phụ, bỏ vào cái xoong, cho chút dầu, bỏ mấy thứ kia vào rồi bỏ spaghetti vào xào nấu một chút rồi trút ra đĩa cho mình. Mình phải bỏ thêm dầu olive vì thấy đầu bếp bỏ dầu ăn thường.

Điểm vui là 40 năm trước, mình đi Ma-rốc, có học chút ít tiếng Ma-rốc, nên xổ với người Ai Cập thì họ nhận ra ngay. Họ hỏi ông ở Ma-rốc vì tuy là ả rập nhưng Ai Cập và Ma-rốc nói khác nhau 1 tị. Dân Ma-rốc thuộc giống dân magreb hay berber còn người Ai Cập thì khác. Ngày mai mình sẽ đi chơi và viếng khu vực người Bedouin, giống dân sống trong sa mạc.

Đi vòng phía bên kia dãy đồ ăn là các món kiểu làm dưa muối của mình, tha hồ mà ăn mấy món olive, gia vị, dưa leo và cà chua. Cà chua đây tươi đỏ, không như ở cali, xanh hồng, hái từ mấy tháng trước và múc thêm phô mát làm bằng sữa dê. Đi thêm về lại chốn cũ thì bánh mì. Đủ loại từ tây sang tàu, mình thích bánh tiêu của người Ai Cập, không biết tên gì nhưng làm bằng lúa mì. Phía trong cũng rỗng như bánh tiêu nhưng không có dầu, họ bỏ lò nên phồng lên.

Ở xứ này, mùa này là mùa hạt lựu nên ăn đã. Trái ổi của họ tương tự loại ổi ở Mễ Tây Cơ, mềm mềm không như ổi xá lị của mình. Mình thích nhất là trái chà là của họ, loại tươi, ăn không ngọt lắm. Ăn thì không phải trả tiền vì đã trả trong giá tiền, uống nước hay rượu bia thì phải trả thêm. Được cái là phục viên viên nhanh tay. Mình vừa ăn xong là họ đến lấy đĩa dơ đem đi, trong khi mình đi lấy đồ ăn khác.

Lương căn bản của người Ai Cập chắc ít nên họ trong mong vào tiền boa của du khách. Họ thích du khách mỹ vì cho tiền boa hậu. Du khách âu châu thì ít nên khi nghe du khách mỹ là họ ào đến, giúp đỡ ngay. Công ty du lịch phái đủ người ra đón mình hay chở đi nên phải cho tiền boa nhiều người. Đến phi trường cũng vậy. Mình nói để mình đẩy Vali nhưng họ nhất định không chịu, đến khách sạn cũng vậy. Nhiều khi mình chưa kịp dọn đồ vào hành lý, đã thấy họ vào phòng lấy vali đem xuống lễ tân đợi. May mình đem theo tiền $1 khá nhiều nên cứ boa $2 là họ mừng lắm. Mấy ông tài xế thì boa $10, còn hướng dẫn viên thì nhiều hơn.

Để giải thích vụ đi theo công ty du lịch. Mình liên lạc với hai công ty du lịch, hỏi lên lịch trình cho hai vợ chồng, không muốn đi chung với người khác. Cuối cùng mình chọn một công ty rẻ hơn. Họ sắp đặt hết cho mình. Đến phi trường là có người ra đón, đưa qua an ninh, quan thuế rồi lại chuyển cho một ông khác với tài xế, chở về khách sạn hạng 5 sao. Ông này vào check-in cho mình. Hỏi có gặp lại không, nói không nên phải boa.

Công ty du lịch này mướn các hướng dẫn viên freelance khác, tương tự chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Đến mỗi thành phố thì họ có người freelance đến phi trường, lo thủ tục cho mình, về khách sạn,… tại Cairo thì họ có freelance chở mình đi viếng viện bảo tàng rồi kim tự tháp, sau đó bàn giao cho người đại diện công ty, đưa mình ra phi trường đi Aswan.

Đến phi trường Aswan thì có người đón về khách sạn. Hôm sau thì có người freelance đến đón rồi chở đi thăm viếng rồi theo mình lên tàu luôn. Anh ta đi theo suốt 3 ngày 3 đêm, để dẫn đi viếng mấy đền đài rồi đưa về tàu. Khi đến Luxor thì anh ta từ giả, xe đưa mình ra phi trường đi Dohad. Tại đây, lại có freelance khác đón mình. Và cứ như thế đến xứ Jordan.

Theo mình thì Thổ Nhĩ Kỳ, họ tổ chức rõ ràng hơn. Từ phi trường, chỉ cần tài xế đón, đây thì tài xế lẫn đại diện đến nên hơi mất thì giờ, và tiền boa. Thật ra có đại diện cũng tốt vì sự an ninh. Xe cứ bị chận xét hỏi hoài, có đại diện biết tiếng anh nên mình dễ thở hơn vì đa số tài xế, không rành anh ngữ. Cứ thấy đồn bóp chận lại, họ cho chó đi xem có bom hay không hay có máy ra bom dưới xe. Du khách âu châu không ngại lắm, du khách mỹ thì hơi ớn vì khủng bố hồi giáo.

 Trở lại vụ đi du thuyền. Đây là lần đầu tiên mình đi du thuyền, nhất là trên sông nên khá lạ. Tàu nhổ neo vào 2 giờ sáng khi mọi người đang an giấc rồi cập bến lúc 6 giờ để hành khách ăn sáng xong là lên bờ đi chơi. Phòng ốc được thiết kế khá gọn gàng.

Chiều 4 giờ thì có trà và cà phê trên sân thượng để mọi người gặp gỡ hàn huyên. Mình có lên một chút rồi chạy luôn. Chợt nhận ra mình đã già vì giới già nghỉ hưu đi du lịch đầy. Người chống gậy, người ngồi xe lăn. Chán Mớ Đời 

Mướn thuyền buồm của ông chủ, ở cách đáo 10 cây số. Lên bờ thì ông ta lấy xe gắn máy đi về. 

Tối kia mình mướn chiếc tàu buồm cổ điển mà hay thấy trong phim xi nê. Nhờ họ đưa qua sông. Lên đảo chuối. Ngồi ngắm lá buồm như ước mơ tuổi được chấp cánh theo chiếc buồm ra khơi để mấy chục năm, nhìn lại đời như đá lêu bêu ở các đền đài Ai Cập qua năm tháng. Có lẻ mình sẽ trở lại Ai Cập để nghiên cứu thêm về kiến trúc của xứ này. Rất đẹp. Có nhiều chỗ chưa đến được vì thời gian ít, như thành phố Alexandria, mang tên đại đế Alexander,… mất nhiều thì giờ để bay vòng vòng. Máy bay xứ này hay bị trễ nên họ tính thời gian bay là mất 1 ngày trời nên hơi phí. Điển hình bay từ Luxor về Cairo, rồi đợi 5, 6 tiếng đồng hồ để bay đi Dahab. Đến nơi vào gần 12 giờ đêm. còn tiếp 

Sơn đen sơn đứng một mình cũng đen

Nguyễn Hoàng Sơn