Ở Ai Cập, chỉ gặp người bản xứ trong các công việc phục vụ du khách nhưng khi qua Jordan thì gặp rất nhiều người gốc Phi luật Tân, gốc Nam Dương, đa số từ Bali đến. Hồi hè đi Thổ Nhĩ Kỳ, gặp 2 người đến từ Bali, Nam Dương, hỏi thì họ cho biết là từ khi covid dính xứ họ thì không có du khách nên phải tìm đường cứu gia đình, nên lặn lội tha phương cầu thực tại xứ người.
Nói chung thì mấy nước mình đến đều bị dính covid khiến ngành du lịch chới với. Ở Dahab, sa mạc Sinai của Ai Cập, khu nghỉ dưỡng cho cả ngàn người mà chỉ loe hoe độ 60 du khách mà phải trả chi phí cho mấy trăm người làm. Ở xứ Jordan thì đỡ hơn vì các địa danh mình đến rất nổi tiếng trên thế giới như Petra, và Biển Chết. Tại đây lại gặp toàn phục vụ viên đến từ Nam Dương và Phi Luật Tân.
Xứ nghèo, dân đông, lãnh đạo tham nhũng nên phải tìm đường tha phương cầu thực, kiếm chút vốn về xứ làm ăn hay gửi tiền về cho nuôi cha mẹ hay xây nhà báo hiếu. Nhìn hoàn cảnh họ khiến mình cảm thấy may mắn. Mình cũng tha phương cầu thực, được học hành nên có công ăn việc làm tương đối khá hơn, lại được một quốc gia khác cưu mang, cho vào quốc tịch nên có chốn để trở về, để gọi là nhà.
Ở xứ Jordan này, dân số độ 12 triệu người mà có đến 4 triệu người tỵ nạn từ các cuộc chiến lân cận như Syria, Yemen, Iraq … chạy qua làm kinh tế xứ này càng khốn đốn. 40-50% giới trẻ ra trường bị thất nghiệp nên cuộc sống không biết tương lai ra sao. Dân tình nói thầm với mình là thích ông vua cha đã qua đời hơn ông vua hiện thời.
Dân Jordan đi tha phương cầu thực lên đến 600,000 với dân số có 6 triệu người chính gốc vì có đến 2 triệu người gốc Palestine đã sang xứ này vào những năm năm 1948, khi có cuộc chiến với người do thái. Lãnh đạo người Palestine kêu dân chúng bỏ đi qua ở tạm các trại tỵ nạn ở Lebanon, Jordan,…đợi họ đánh chiếm lại Palestine nhưng 80 năm sau, ngày trở lại quê hương xa vời. Lãnh đạo của họ, ăn tiền cứu giúp kháng chiến, sống xa hoa, bỏ mặc họ bị giết chết khá nhiều.
10% dân số xứ Jordan phải tìm đường tha phương cầu thực để gửi tiền về nuôi gia đình là con số khá cao. Cứ tưởng tượng Việt Nam có đến 10 triệu người tha phương cầu thực như Phi Luật Tân có đến 12 triệu người tha phương cầu thực với dân số là 112 triệu người. Mình nhớ mấy chục năm về trước, viếng Hương Cảng lần đầu tiên. Buổi chiều chủ nhật, ra gần bờ sông, thấy mấy người Phi Luật Tân xa xứ, gặp nhau tại đây để chia xẻ món ăn hay cho nhau đọc thư nhà.
Mình may mắn, tha phương cầu thực tại Hoa Kỳ nên cuộc đời khá hơn những người tha phương cầu thực khác tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Mình có gặp 2 người Việt tại Dubai, 1 nam 1 nữ, cũng bỏ Việt Nam ra đi để kiếm tiền, xây dựng tương lai tại Việt Nam. Một anh kể là có hùn vốn mở hai tiệm ăn tại Việt Nam, 1 chị thì cho biết lương bổng đây cao hơn nên qua đây làm việc, kiếm tiền, không biết có lấy chồng hay không. 80% dân số tại Dubai là người ngoại quốc tha phương cầu thực.
Đây là hình ảnh khiến mình hết muốn leo núi để lên căn cứ thứ 1 của núi Hymalaya. Ngay xứ họ mà phải gánh nặng như vậy để du khách ngoại quốc như mình lên núi, chụp hình tạo dáng.Cũng là người tỵ nạn nhưng mấy người Palestine, Yemen, Syria,.. phải sống trong các trại tỵ nạn, lây lất ở xứ Jordan này, cạnh biên giới để mong có ngày trở về quê cha đất tổ. Gần thủ đô Amman, thấy khu vực của người Palestine mà năm 1948, cha mẹ, ông bà họ đã bỏ xứ ra đi, đến đây sống lêu bêu trong các căn lều. Nay thì được chính phủ Amman cho phép, xây cất nhà cửa. Thế hệ thứ 3 đã sống xa xứ và có lẻ sẽ không có ngày trở về quê cha đất tổ.
Chạy xe trên quốc lộ, thấy bên kia biên giới là Do Thái, rất nhiều nơi xanh rì vì được khai thác trồng rau, trái cây. Bên Jordan thì chỉ là đá và cát của sa mạc. Có người kêu sao không bắt chước Do Thái để phát triển. Nói rất dễ. Con người không thích suy nghĩ nên họ hay phê phán. Đa số dân Jordan là gốc người Bedouin, du mục trong sa mạc nên tư duy khác, trong khi đó người do thái được viện trợ bởi Hoa Kỳ và người do thái trên thế giới, đầu tư.
Thứ nhất muốn phát triển xứ này phải tốn nhiều tiền. Xứ này không có dầu hoả nhiều như Saudi Arabia. Đất cằn cỗi. Thời tiết mình thấy nóng đâu 29, 30 độ C mà họ kêu là khí hậu tốt vì mùa hè lên đến 50 độ C ở nhiều nơi, nhất là vùng biển chết, nằm dưới mặt biển đến 400 mét.
người Việt tỵ nạn may mắn, được Hoa Kỳ và các nước khác cưu mang chớ cứ tưởng tượng, cả triệu người sống lây lất ở các trại tỵ nạn Pulau Bidong hay Phi Luật tân từ mấy chục năm qua.
Đúng là mình may mắn, chớ không tài giỏi gì cả. Xong om
Nguyễn Hoàng Sơn