Thở chậm sống lâu

Đồng chí gái có bệnh mất ngủ, sáng nào cũng rên là ngủ không đủ khiến mình thất kinh vì cô nàng ngáy như gọi đò trên sông Hương khiến nhiều hôm mình phải xuống nhà ngủ, sợ cô nàng kêu răn mà ngụ khôn đụ. Có dạo ai nói là cẩn thận, nếu không sẽ chết trong khi ngủ (sleep apnea). Trong đại gia đình cô nàng có hai người em họ, ngủ rồi chết luôn. Cô nàng lo sợ nên tìm kiếm bác sĩ để chữa trị. Có bà nha sĩ lấy $10,000 rồi ngủ cũng không được, tiền mất tật mang. Sau có bà nha sĩ nào có lương tâm, làm cái hàm đeo khi ngủ thì bớt ngáy, ngủ được nhiều hơn nhất là sau khi nghỉ hưu, không còn bị stress nhiều nên dạo này uống thuốc ngủ ít lại nên cũng mừng.


Buồn đời, mình đọc thêm tài liệu để tìm hiểu, xem chữa bệnh cho mụ vợ. Thường người ta khuyên là không nên sử dụng Internet 15 phút hay cả tiếng trước khi đi ngủ, đây mụ vợ cứ ôm điện thoại bên mình, nhắn tin hay tám với bạn đến khuya. Đầu óc cần một thời gian để lắng dịu để chìm vào giấc điệp. Trong khi đó mình tắt điện thoại sau 7 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Lý do là sợ người mướn nhà gọi, kêu nước bị nghẹt đủ trò.

Biển nam Cali. Mỗi tuần mình hay ra đây để tập thở.


Dạo này, Khoa hướng dẫn mình tập nội công Hồng Gia và Thái Cực Quyền kèm với hơi thở thì cảm nhận nhiều sự khác lạ. Điển hình sau vài phút thì có các luồng khí nóng chạy trong người như khi tập Trạm Trang Công, các luồng khí này không phát xuất hoàn toàn trong cơ thể nhưng rải rác có nhiều nơi nhất là ở các ngón tay. Khi thở thì không mở mồm, chỉ thở bằng mũi. Nói chung là thở bằng cơ hoành. Đi đứng đều giữ cái hơi nơi bụng. Khi di chuyển thì cảm nhận sự chuyển động ở đầu ngón tay, chỗ ấm chỗ bình thường, khó giải thích. Chỉ ghi nhận nhưng không tò mò lắm. Một thời gian sau sẽ biến mất khi đã quen như trước đây tập Trạm Trang Công.


Mình có xem một phim của một bác sĩ từ Ukraine. Ông ta giải thích trên bộ xương khi thở cần tạo ra không gian qua mở và đóng lại các xương ngực và lưng. Hoá ra tập nội công Hồng Gia là tập theo cách thở vì phải đứng theo hàm hung bạc bối giúp đóng mở các khớp xương và bộ xương tạo không gian để hít thở đầy hơn. Bây giờ mới hiểu sau khi tập nội công Hồng Gia, mình cảm thấy phấn chấn, khoẻ không mệt. Ngược lại tập Thái Cực Quyền, mình quên hàm hung bạc bối nên sau khi tập thì thấy đổ mồ hôi. Sáng nay, mình tập Thái Cực Quyền, ráng hàm hung bạc bối thì thấy khoẻ, không mệt, đổ mồ hôi như trước. Hoá ra người xưa kêu hàm hung bạc bối là để tạo không gian để hít thở nhiều hơn.


Theo cách giải thích của ông bác sĩ Ukraine thì tập nội công Hồng Gia kèm theo cách thở thì quá chuẩn. Nhìn lại quá trình mấy tháng qua tập theo cách Khoa hướng dẫn thì chợt nhận ra lý do thấy có sự tiến bộ.

https://youtu.be/faYdSCc3jII?si=C2nhQmO275UkcuyM


Đặc biệt khi Khoa chận tay lại khi mình kéo nội công hay ra đòn thì tay không nhúc nhích nếu không thở đúng còn nín thở thì quên ngày xưa đi diễm. Tương tự khi đối thủ nắm chặt cánh tay, cách giải thoát rất giản dị nhưng khó cưỡng được. Có hôm, Khoa kêu một anh bự con nắm 2 tay lấy cánh tay của mình. Mình chỉ cần căng bàn tay ra và chuyển động hơi thở cùng cánh tay thì anh ta không giữ kềm tay mình lại được dù anh ta bự con, khoẻ mạnh và trẻ hơn. Nếu không sử dụng hơi thở thì chắc chắn sẽ không thoát được lực kềm của anh ta. Cho thấy hơi thở rất quan trọng.


Thấy lạ mình kiếm tài liệu đọc. Có hai ông: một người Mỹ và một người Ái nHỉ lan viết sách. Thật ra có rất nhiều trên thị trường nhưng không biết đâu thật đâu giả vì họ cho thông tin trái ngược. Có nhiều cách thở, yoga, khí công đủ trò. Mình lựa 2 ông này vì trường hợp của họ khác biệt, không phải bác sĩ nhưng bị bệnh suyễn và ký giả về khoa học. Họ muốn tìm ra cách tự chữa bệnh nên đọc sách và các nghiên cứu từ xưa nhưng không ai chú ý. Có thể là các công ty dược phẩm không muốn bác sĩ biết đến để họ bán thuốc chữa bệnh suyễn và mất ngủ.

Họ cho biết thế kỷ trước, bệnh ho lao lan rộng thì họ nhận thấy 70% bệnh nhân, thở bằng mồm thay vì bằng mũi. Tương tự răng tốt là do thở bằng mũi hay về già cần thở bằng mũi để tạo thêm chất calcium cho xương. Toàn là những kết quả nghiên cứu của các đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Nhưng không được quần chúng biết đến. Có ông James Nestor, tự nguyện làm cobaye cho một nghiên cứu ở đại học Stanford. Có viết cuốn sách “breath” kể nhiều chuyện khám phá khoa học về cách thở nhưng không được giảng dạy cho sinh viên y khoa.


Họ cho biết thường chúng ta hít thở, không sử dụng hoàn toàn hai lá phổi. Chỉ sử dụng đâu 50% rồi khi về già thì ít lại hơn khiến lá phổi càng ngày càng teo lại khiến chúng ta phải thở dồn dập, tăng áp huyết. Cho thấy khi về già chúng ta cần tập thở để có thể sử dụng hai lá phổi nhiều hơn. Nếu không được thì tập thở cơ hoành để giúp hít oxy và đẩy thán khí.


Nhớ khi xưa có đọc đâu đó nói rằng khi bào thai lớn lên, thở trong bụng mẹ qua cuống nhau nối liền với người mẹ. Sau khi ra đời, cuống nhau bị cắt đi thì đứa bé vẫn tiếp tục thở qua cơ hoành và hai lá phổi. Từ từ lớn lên, chúng ta chỉ để ý hay thở bằng hai lá phổi nhất là khi đi học thầy cô dạy về hô hấp của cơ thể. Kết quả là quên cách thở qua cơ hoành. Nếu ai muốn kim dung hoá thì gọi thở đan điền.


Ngày nay, đời sống trong thành phố quá nhiều lo lắng, con người bị stress nhiều nên hơi thở của họ rất nhanh, dồn dập không sâu nên không sử dụng hoàn toàn lá phổi. Mình để ý mỗi lần đồng chí gái la thì tim mình đập mạnh và nhanh. Có thể lý giải lý do đàn ông chết sớm hơn phụ nữ vì bị vợ la nên thở nhanh, áp huyết cao nhanh. Thức ăn nhanh khiến người ta ít nhai lại, không tạo ra enzyme giúp tiêu hoá thức ăn nhất là cấu trúc của hàm răng bị thay đổi. Có dịp mình kể vụ niềng răng tại tây phương là sai nhưng các nghiên cứu này bị bỏ sọc rác vì lợi tức cho nha sĩ.


Vào những thập niên 1830, có một nhà nghiên cứu mỹ tên George Catlin ghi lại sau khi viếng thăm trên 50 cộng đồng, khác chủng tộc cũng như văn hoá, ngôn ngữ, thực phẩm tại Bắc mỹ và Nam Mỹ. Ông ta nhận thấy các giống dân đều cao ráo và có răng rất tốt và họ có đặc điểm chung là hít thở bằng mũi.

https://en.wikipedia.org/wiki/George_Catlin


Ông Catlin này thử nghiệm thở bằng lỗ mũi thay vì bằng miệng thì chữa được bệnh khó thở của ông ta. Ông ta có viết cuốn sách dưới nhan đề Breath of Life, kêu gọi độc giả ngậm miệng khi thở.


Theo mình hiểu, khi xưa học môn vạn vật của lớp 11 B là khi mình hít không khí vào thì các phân tử oxygen bám theo các tế bào máu đỏ, và được truyền đi trong cơ thể để được các tế bào sử dụng. Ngoài ra các phân tử oxygen này đổi trao các phân tử của khí carbon, đang chạy về các lá phổi để được thở ra ngoài. Chắc các bác còn nhớ vụ máu đỏ và máu xanh được vẽ trên cơ thể người. Khỏi nhắc lại. Dạo đó học là thấy nhức đầu nên không học bạn A.

Hôm trước, tập xong chạy ra biển đứng nhìn mưa trên biển rồi về. Mình hay chạy ra biển sau khi tập ở Bôn Sa để tập thêm cách thở.

Khí carbon không phải là đồ phế thải mà có chức năng rất quan trọng là phân tách oxygen từ các tế bào máu. Ngoài ra còn giúp làm giãn các mạch máu, giúp nới rộng ra để có thể mang theo nhiều máu trong cơ thể. Khỏi cần uống thuốc làm loãng máu. Mình có xem một phim tài liệu, thấy một bác sĩ phi luật tân, cho bệnh nhân ăn ớt, để giúp các mạch máu giãn nở thay vì uống thuốc làm loãng máu để tránh nghẹt tim. Ông ta giải thích là làm cho máu loãng không giúp giải quyết vấn đề vì chỉ tránh bị nghẹt tim, còn cho ăn ớt hay uống nước ớt thì giúp làm giãn nỡ các động mạch, giúp máu lưu thông, có thể kéo theo các chất làm đóng các mạch máu.


Đồng chí gái thuộc dòng các mệ nên ăn ớt nhiều ddi bác sĩ khám nghiệm máu thì không bị cholesterol cao nên mình tập ăn ớt giúp tống khứ các chất béo trong huyết quản. 


Khi chúng ta thở nhanh và mạnh, là lúc chúng ta tống tất cả các khí carbon ra ngoài khiến giảm tốc độ của máu lưu chuyển trong huyết quản. Đó là trường hợp khi chúng ta chơi thể thao hay bị lo sợ khiến đưa đến chóng mặt và đau đầu. Lý do thiếu dưỡng khí oxygen.


Khi chúng ta thở chậm lại thì khí carbon vẫn còn trong hệ thống hô hấp giúp cơ thể điều hoà tốt hơn. Cho thấy khí carbon rất cần cho cơ thể, hệ thống hô hấp của con người. Khoa có dặn mình là thở ra hít vào thì đừng để hết mà cần duy trì một ít tương tự khi chúng ta ngưng thở vì khi hít sâu quá hay thở ra hết là lúc đó lực trong người không di chuyển, xem như mất luôn ngay giây phút đó. Mình giao thủ với Khoa thì thấy đúng như vậy. Khi hít sâu quá hay khi thở ra hết thì lực bị nghẹn. Chỉ trong tích tắc đó là đối thủ có thể phản công là mình ngọng. Lúc nào cũng chừa một ít như hình ảnh âm dương, có chấm đen bên trắng và chấm trắng bên phần đen, mới giúp chuyển hoá được. Xem như là đừng chơi tới bến, vừa vừa giữ vốn.


Con người trung bình thở từ 12 đến 18 lần trong một phút thì trung bình sống độ 80 tuổi đến 100 tuổi. Chó thở từ 18 đến 25 lần trong một phút, với cái mồm há ra, thọ độ 10-12 năm trong khi con rùa thở 0.5-0.7 lần cho mỗi phút nhưng có thể kéo dài hơn, thọ trên 150 tuổi. Họ đưa đến kết luận, thở chậm sống lâu.


Họ cho biết các nghiên cứu của các đại học danh tiếng Hoa Kỳ như Harvard, Stanford, Penn, khuyến khích chúng ta nên hít vào 5.5 giây và 5.5 giây thở ra, xem như 5.5 lần trong một phút. 60 giây chia cho 11 lần (5.5. Hít vào và 5.5 thở ra). Rất khó để canh và đếm nhưng đại loại xung quanh con số này là được. Xem như phải thở chậm hơn phân nữa số lượng bình thường hay 1/3. Mình chỉ đếm 1, 2, 3, 4, 5 khi hít vào rồi thở ra thì đếm 5,4,3,2,1 rồi bắt đầu lại chu kỳ. Xem như mỗi chú kỳ là 10 giây đồng hồ. Xem như 6 chu kỳ nhưng cũng có thể là 5.5. Đại loại mình tập như vậy là đủ thấy hơi thở chậm lại rồi.


Khi tập nội công thì mỗi lần xả một ngón tay hay đóng lại là mình đếm tới 5 cho dễ theo dõi hơi thở. 


Mấy người tập chung hay hỏi mấy câu hỏi mình khiến mình như bò đội nón. Tại sao sáng tập vào lúc 5:30 giờ sáng, mình chỉ bận áo thung 3 lỗ trong khi họ bận mấy lớp áo vẫn lạnh. Tập xong thì mình đổ mồ hôi trong khi họ vẫn lạnh, có ấm người thêm một tí. Cái này mình ngọng vì cơ địa mỗi người khác nhau nên không thể trả lời được.


Mình chỉ nhớ là từ khi rời Việt Nam, trong suốt gần 40 năm, mùa đông mỗi năm là mình bị đau vì phổi yếu. Phải đi bác sĩ uống trụ sinh, thuốc ho đủ trò. Hồi bé, bác sĩ Sohier khám phổi mình thì cho biết bị nám phổi hay gì đó không nhớ. Mấy người hàng xóm nghe tin thì kêu mình cởi áo khi chơi với đám con nít trong xóm. Lý do là sợ rách áo hay làm dơ áo thì bị đòn nên tốt nhất là cởi ra làm Nùng Chí Cao, bận cà ra vát đít, chạy long nhong.

Từ khi mình tập tại Đông Phương Hội, có tập thêm môn Trạm Trang Công thì sau một năm thì hết bệnh vào mùa đông. Thân thể ấm lại khiến mụ vợ hay đạp mình ra khi mình xáng lại chỗ mụ nằm, kêu người chi mà nóng rứa. Mùa đông thì mụ bò lại ôm mình cho ấm người. Chán Mớ Đời  Mình nghĩ nhờ tập Trạm Trang Công nên giúp các hàn khí trong người thoát ra ngoài nên ít bị cảm mạo. Có lần, trước khi bước ra ngoài sân buổi sáng, lấy áo ấm bận xong, tính phủ cái hood lên đầu nhưng lười thì khi vừa bước ra khỏi cửa thì nghe rõ ràng cái “bạch” ngay cổ vai, thấy chỗ đó bị cứng lại ngay. Phải chạy vào nhà lấy dầu nóng xoa cho ấm lại khúc đó.


Mình hỏi Khoa thì anh chàng cười, kêu nay mình tập lâu năm nên bắt đầu cảm nhận mấy vụ này. Anh ta giải thích là bệnh tình lúc nào cũng bắt đầu từ cảm mạo khi các hàn khí xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ chân lông khiến mình bị khó chịu và lâu ngày sẽ thấm vào nội tạng. Mình nhớ khi xưa, mấy người lớn tuổi hay có chai dầu bác sĩ Tín hay Nhị Thiên đường để khi cảm thấy lộn xộn trong người thì xoa thở hít.


 Mỗi lần mụ vợ, cảm thấy long thể bất an là dựng cổ mình dậy vào nữa đêm, kêu cạo gió nên trong nhà lúc nào cũng có chai dầu nóng. Từ ngày mình học cạo gió từ Khoa, bị mụ vợ dựng cổ giữa đêm, kêu cạo gió hoài. Mình kêu đi tập Đông Phương Hội thì mụ kêu, tập gì ẹo ẹo, mụ thích tập zumba hơn. Chán Mớ Đời. Mình có viết một bài về cạo gió và dùng trợ cụ để cạo, ít nguy hiểm hơn thay vì dùng đồng tiền. Rút kinh nghiệm của em, các bác không nên học cách cạo gió vì ban đêm hay bị người bạn đời dựng cổ dậy, kêu cạo gió. Mất ngủ. Em học vì muốn chữa bệnh cho đồng chí gái.


Khi mình tập kéo nội công Hồng Gia và Thái Cực Quyền thì đi chậm để theo nhịp thở chậm như họ cho biết 5.5 lần trong 1 phút nhờ đó mà oxygen được chuyển đi trong huyết quản và khí carbon được thải ra ngoài chậm. Nay mình đang tập leo núi với cách thở này nhưng khá châm vì khi mệt là mồm hả ra như cá chép bị ông táo cởi bay về trời. Nay mình hiểu tập nội công Hồng Gia lý do phải hàm hung bạc bối vì hơi thở, được hít nhiều hơn khi các cơ gân, chuyển động và xiết hai bàn chân xuống đất.


Khi mụ vợ đeo cái hàm để ngủ thì khởi đầu mụ nhớ nên ngậm miệng nên ít nghe ngáy. Có ngáy nhưng nhỏ nay thì thấy ngáy hơi to lại, chưa bằng khi xưa nên mình xem mụ có há mồm hay không thì có. Đang gửi mua băng keo để dán nơi mồm trước khi đi ngủ cho mụ. Để xem có hiệu nghiệm hay không, sẽ thông báo sau. Mình thử hai hôm nay cái băng keo dán ở mồm. Dễ tháo ra vào buổi sáng, để hôm nay chỉ mụ vợ. Em gửi mua qua Amazon, họ có cả ngàn loại, được gọi là sleep tape. Mụ vợ không muốn đeo băng keo dán miệng. Chán Mớ Đời 


đề tài khá rộng nên em sẽ kể nhiều tập như lỗ mũi, cái đầu, răng cỏ đủ trò,… (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen  

Nguyễn Hoàng Sơn