Giúp trí nhớ khi về già



Trong cuốn sách “why we remember”, giáo sư Charan Ranganath, đai học California Davis, một chuyên gia về khoa học trí nhớ từ 25 năm qua, có nói đến 4 điểm chính mà ông ta không bao giờ làm để giúp trí nhớ mình tốt. Ông ta cho biết là câu hỏi thường được người ta hỏi là “tôi càng già càng ngu hay sao?”. Lý do là chúng ta thường nhận thấy quên nhiều thứ quan trọng khi càng lớn tuổi. Nhất là ngày nay với các kỹ thuật truyền thông khiến con người bị tha hoá, không biết đâu là bến bờ.



Điểm sáng là ông ta cho biết chúng ta có thể phòng ngừa cái tật hay quên khi về già nếu có thể tránh 4 thói quen xấu khiến phá hủy bộ nhớ:


Multitasking quá độ 

Chúng ta nhờ phần trước trán (prefrontal cortex) để quan sát thế giới xung quanh chúng ta. Càng về già thì chức năng này càng suy giảm. Khi chúng ta làm nhiều thứ trong cùng một lúc sẽ khiến suy giảm chức năng quan sát môi trường xung quanh ta, cắt đi những nguồn năng lực giúp bộ nhớ chúng ta.


Có lẻ video khiến mình thay đổi cách sống là khi tiến sĩ Steven Covey nhờ một học viên xếp sao các cục đá to và cát vào trong một cái bình. Cách hữu hiệu nhất là bỏ các cục đá to vào trước và cát vào sau. https://youtu.be/VyL93MlR_I0?si=QEFQjA6Cw3iHd0qM


Chúng ta thường thấy ngày nay trong các tiệm ăn, cả gia đình hay bạn bè ngồi ăn nhưng mỗi người một cái điện thoại. Cho thấy chúng ta tuy gần nhưng cách xa. Mỗi lần đi ăn tiêm, mình bỏ điện thoại trong xe để có thể quan sát vợ con hay bạn bè, dù họ cầm điện thoại, chả thiết gì đến mình. Thật ra như vậy mình mới thấy được bức tranh sống, trực tuyến. Để luyện bộ nhớ của mình. Vợ con cứ bắt mình đọc kinh Internet thời đại trước khi ăn. Lấy điện thoại ra chụp hình để tải lên Facebook hay tik tok gì đó mới cho mình cầm đũa. Húp muỗng phở rồi mở điện thoại xem có ai nhấn like hay còm gì không. Ai kêu ngon quá, triệu like thì nhắn, lại đây ăn. Cực ngon. Có thể ăn với điện thoại có thể ngon với một cảm giác khác so với ông bà chúng ta, chỉ khổ là không nhai kỹ lưỡng, khó tiêu.



Nhiều khi thấy người quen trên mạng tải hình thức ăn, mình tưởng tượng nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy. Trông ngon lành nhưng biết đâu tại hiện trường, ông chồng hay bà vợ kêu mặn quá hay la chồng con ăn mau đi cho người ta dọn, cãi nhau mút chỉ vì vợ hay chồng cứ chụp hình hay xem điện thoại không ngó ngàng gì đến nhau.


Tác giả cho biết muốn giúp trí nhớ, chúng ta cần để chế độ Focus của điện thoại di động và lên thời khóa biểu các chương trình và công việc để không bị sao lãng hay quấy rầy bởi điện thoại. Trong điện thoại di động có chức năng Focus (tập trung), mình để chế độ này để khi lái xe không bị điện thoại quấy rầy, mất chăm chú lái xe, dễ gây ra tai nạn. Nhất là đồng chí gái gọi, hỏi những chuyện đâu đâu rồi cãi nhau trên điện thoại. 


Nên dành thời gian để thiền, mộng mơ, đi bộ hay làm những gì giúp chúng ta có thể tái tạo năng lượng. Nên nhớ đi dã ngoại nhưng đừng có chú ý đến chụp hình, rốt cuộc chả giúp gì cho trí nhớ, não bộ. Nói chung là Chánh Niệm khi làm việc thì mới cảm nghiệm mình đang sống. Chúng ta thường kêu thời gian qua mau. Lý do là multitasking nhiều nên không tập trung nên cuối ngày chả nhớ mình đã làm gì. Có chất lượng hay không, cảm thấy hụt hẫng. Tỏng lớp học của tiến sĩ Steven Covey, dạy làm lịch trình những gì phải thực hiện tỏng ngày. Đến khi tối, nhìn lại thì thấy mình đã thực hiện nhiều, giúp mình vui vẻ và ngủ yên.

Không để ý đến chất lượng của giấc ngủ khi về già 

Giờ giấc và chất lượng về việc ngủ ngáy thường suy giảm vì nhiều lý do. Như ảnh hưởng của thuốc uống, rượu và stress. Khi chúng ta ngủ thì não bộ chúng ta làm việc rất nhiều. Não bộ đào thải các metabolic waste mà chúng ta thu gom trong ngày. Trí nhớ cũng được kích hoạch và liên kết các sự kiện mà chúng ta kinh qua trong ngày. Nhớ khi xưa, trước khi đi ngủ, nghĩ về bài toán, hay công trình thì sáng thức giấc là tự nhiên tìm ra giải đáp.


Làm sao giúp trí nhớ: thiếu ngủ sẽ khiến não bộ trước trán bị lộn xộn dẫn đến không kết nối được các sự việc. Họ khuyên chúng ta nên tránh việc nhìn truyền hình, điện toán hay điện thoại, ăn quá no, uống cà phê và rượu mạnh trước khi đi ngủ. Nếu chúng ta ngáy khi ngủ thì nên tìm cách chữa trị và có thể ngủ  trưa để bù đắp lại.


Làm việc buồn chán đơn điệu

Chúng ta thường nhớ đến các dịp hay chuyện này nọ nhờ gắn kết với nhau các tin tức về sự việc đã xảy ra mà họ gọi là episode memory. Thường một sự việc nào đó khiến chúng ta nhớ đến địa điểm cũng như thời điểm như một bản nhạc mà chúng ta chưa bao giờ nghe lại từ khi rời trường. Hay ngửi mùi một món ăn nào đó có thể đưa ta về không gian và thời gian đó.


Điển hình hôm trước có anh bạn quen ở Đà Lạt tải lên tấm ảnh tô bún thang. Anh ta không nói nhưng mình biết anh ta nhớ về món ăn mà mẹ anh ta nấu khi xưa ở Đà Lạt. Vì mình ăn món này lần đầu tiên trong đời ở nhà anh ta. Mình có thể kể lại giây phút ấy, mẹ anh ta rán trứng ra sao, thái mỏng miếng chả ra sao,… tương tự xem hình bánh căn thì mình nhớ đến bà bán bánh căn trong chợ, ngay hàng thịt của chợ Đà Lạt khi xưa. Mình có thể tả mấy trang không hết, cách bà ta làm, mùi vị, ruồi nhặng bay lòng vòng,…


Nếu chúng ta cứ tà tà làm việc đơn điệu, một ngày như mọi ngày bình thường, không có những dao động đáng kể thì không có gì đáng nhớ cho mai sau. Biên độ hình Sin khác với đường thẳng. Muốn giúp bộ nhớ của mình thì chúng ta phải làm khác những việc đơn điệu thường ngày. Nếu cứ ngồi tại chỗ để đọc email hay lướt trên mạng thì khó tạo ra những gì giúp mình nhớ. Đọc nhiều quá rồi đâm ra chả nhớ gì cả. Nên đọc bờ lốc Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen sẽ giúp các bác nhớ nhiều hơn.


Phải thay đổi sinh hoạt thường Nhật, thay vì ngồi ăn trưa trong sở, đi bộ, đi xem xi nê, thay vì xem trên truyền hình, đi du lịch, làm gì đó khác thường với đời sống thường Nhật. Giúp biên độ cuộc sống và não bộ thay đổi. Xem xi nê mình nhớ rất nhiều về truyện phim nhưng ngược lại coi phim truyền hình thì ít nhớ lắm vì tại nhà, rất đơn điệu, không có gì đặc biệt.


Đọc cuốn này mình mới hiểu câu hỏi của anh bạn học xưa tại Đà Lạt. Anh ta là người thực hiện cuốn “Mực Tím Sơn Đen”. Anh ta đọc những gì mình kể về Đà Lạt, rồi tự đặt câu hỏi “học chung một lớp, cùng thầy, sống chung một thời tại Đà Lạt, tại sao tên Sơn này nhớ nhiều chuyện xưa còn anh ta không nhớ gì cả, ngay cả anh ta đánh đàn cho ban nhạc của lớp khi mình tổ chức văn nghệ bán chè kiếm tiền của lớp”.


Lý do anh ta sinh hoạt rất bình thường, đơn điệu của học sinh thời đó, nghĩa là học và học và học để đứng nhất trong lớp. Trong khi mình thì không học gì cả vì ngu không hiểu thầy cô giảng gì nên cứ ngồi nhìn ra cửa sổ, nghĩ mông lung. Hay nhìn xung quanh lớp xem thiên hạ học hay tán gẫu. Mình làm vườn, lái xe giao hàng của bà cụ cho khách hàng tại Đà Lạt nên có chứng kiến nhiều chuyện khi xưa. Nay mới kể chuyện đời xưa được.


Tác giả đưa ra một phương cách để luyện tập trí nhớ để đừng quên nhiều. 

Tác giả cho biết ông ta tìm cách để nhớ tên người mới gặp, nối kết với sự việc nào để dễ nhớ sau này. Cái này mình có học khi xưa trong cuốn Đắc Nhân Tâm và có kinh qua. Khi xưa, mấy cô trong trường hay lớp, mình có cái tật là hay đặt tên cúng cô mụ cho họ nên ngày nay khi nhắc đến họ là mình nhớ như “thuỷ dâm” là Trần Thị Thu tHuỷ, “người đẹp phao câu” là Trần Thị MAi Thanh, “đinh Đóng guốc ” là Đinh Anh quốc, Chị Sui là Phạm Thị Mai Anh,… học thêm một ngoại ngữ,…


Khi đi học, sau khi ăn cơm chung ở đại học xá, mấy đứa tây đầm học chung đi uống cà phê, mình không có tiền nên chả biết làm gì, lấy giá vẽ đi vòng bên dòng sông Seine vẽ nên ngày nay nhìn hình về Paris là mình nhớ ngay về những kỷ niệm một thời. Đi chơi mình cũng vẽ nên từ từ quen quan sát mọi vật xung quanh. Có ông thần nào tải bức ảnh chụp ở Paris lên mạng. Mình nhìn thấy cái vòi nước uống Wallace thì nhớ ngày đến lịch sử thành hình của vòi nước uống này vì khi xưa đi vẽ, đưa cho thầy giáo xem, ông ta giải thích sự việc. 


Năm ngoái mình có kể vụ chụp hình hay quay video khiến chúng ta không nhớ vì vài tháng sau, nhìn lại không nhớ đã chụp ở đâu. Chuyến đi vừa qua, ngồi trên tàu, không biết làm gì, đồng chí gái xem hình chụp trước đây rồi cứ hỏi mình chỗ này là chỗ nào. Lý do là chụp hình nhiều quá, không quan sát cảnh vật nên không ghi vào bộ nhớ của mụ vợ. Đi đâu mình chỉ quan sát xung quanh hay có sự việc gì mình chụp để nhớ khoảng khắc đó trong khi mụ vợ kêu chụp tá lá rồi mụ chả nhớ ở đâu. 


Đi chơi kỳ này, mình đem theo cây bút, có thể vẽ hay viết trên điện thoại nên vào viện bảo tàng, mình hay đứng vẽ lại mấy bức tranh mình thích, chỉ vẽ bố cục. Mụ vợ như ghen tương với mấy tấm tranh cứ réo mình chụp hình cho mụ. Chán Mớ Đời 

Có người cậu bà con gửi cho video đám cưới ở nhà có bố mẹ mình tham dự. Đây là hình ảnh bố mẹ mình giữ suốt 20 năm khi rời Đà Lạt đến khi về lại lần đầu tiên mới cập Nhật hóa hình ảnh sau này. Tương tự hình ảnh Đà Lạt khi xưa mình nhớ rất rõ, còn ngày nay về thì mình không thích đi đâu cả vì Chán Mớ Đời. Không muốn hình ảnh ngày nay xoá mờ Đà Lạt xưa trong trí nhớ. Theo cô em là độ thời Đổi Mới, ông cụ vừa trở về từ trại cải tạo. Đôi hạt Ngọc này không biết là đôi thật hay đã bị một bà bán hàng mượn đi ăn cưới rồi đổi xâu chuỗi khác.

Đi khắp thế gian không ai đẹp bằng vợ

Về nhà cãi vợ không ai bằng ta


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn