Gặp ông Hùm Xám Đà Lạt


Chuyến du hành trên biển 7 ngày ngày, ghé lại Bahamas, Mễ tây Cơ và Honduras chấm dứt, cập bến tại Florida. Hai vợ chồng đi viếng trung tâm không gian Kennedy gần hải cảng rồi chạy về Tampa.

Mình báo tin cho ông Hùm Xám Đà Lạt, trời mưa chắc phải mất 3 tiếng đồng hồ, mới chạy xuyên tiều bang Florida từ tây sang đông.

May quá, đi chơi 7 ngày, chỉ thấy mặt trời, vừa cập bến thì mưa bão ở đâu từ miền Nam kéo lại. Đời phải có duyên mới gặp nhau. Mình chỉ nghe đến thiếu tá Lê Xuân Phong, chỉ huy đại đội trinh sát 302 sau này được thành lập thành tiểu đoàn 204, mà trận đánh cuối cùng ở Di Linh, chiếm lại thành phố này với tổn thất rất nhiều để mở đường đi cho dân Đà Lạt di tản về Sàigòn trước khi bỏ ngỏ.

Mình có đọc một cuốn sách do nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam giới thiệu thì không ngờ tác giả lại nói đến đại đội 302 Đà Lạt Tuyên Đức xưa, và kêu tuy là cố vấn cho đại đội, nằm rừng với lực lượng 302 nhưng trên thực tế thì họ học rất nhiều cách đánh giặc của lính 302 nhất là vị chỉ huy trưởng của họ. Họ đặt biệt danh là “Hùm Xám Đà Lạt” (Grey Tiger of Đà Lạt). Mình có tóm tắt lại cuốn sách này thì có người quen giới thiệu với thiếu tá Phong. Lâu lâu anh ta gọi điện thoại hay nhiều khi mình thắc mắc về chuyện gì khi xưa tại Đà Lạt thì gọi hỏi nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Họ nói thiếu tá Phong có 3 huy chương bạc của quân đội Hoa Kỳ và 50 huy chương của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.


Nhiều khi nhớ về Đà Lạt, mình hay tò mò những chuyện khi xưa nên cần mấy người lớn tuổi để hỏi.

Nhân chuyến du hành này thì mình hy vọng gặp anh ta để hỏi thăm về Đà Lạt xưa, thời mình còn bé nên cũng không hiểu chuyện nhiều. Hai người đồng hương gặp nhau dưới cơn mưa bão như Đà Lạt khi xưa.

Mình đoán anh ta chắc đợi chờ từ sáng, khi thuyền cập bến vì khi xe vừa ngừng trước nhà là đã thấy anh ta mở cửa, chạy ra dưới cơn mưa như khóc cho hai kẻ mất quê hương, lạc loài trên đất khách quê người.


Mình hỏi về những đại gia mình biết tiếng khi xưa ở Đà Lạt, xem họ có kinh tài với Việt Cộng hay không. Vì khi xưa, các người làm ăn Đà Lạt, nhất là ai có xe hàng chở hàng hoá Sàigòn Đà Lạt đều phải đóng thuế cho Việt Cộng nếu không là bị phá hoại, đặt chất nổ như trường hợp cây xăng Ngã Ba Chùa. Sau này số người này ở lại Đà Lạt, được Việt Cộng phong chức là tư bản dân tộc lúc đầu, rồi từ từ dân ngoài bắc vào thì lấy hết tài sản của họ nên đa số bỏ chạy ra hải ngoại.

Nói cho cùng thì cũng khó kết án họ vì làm ăn thì phải ra khỏi Đà Lạt mà ở ngoài Đà Lạt thì gặp Việt Cộng. Do đó họ phải đóng thuế cho Việt Cộng. Giới cầm quyền Việt Nam Cộng Hoà biết nhưng phải để họ làm ăn vì nếu không thì dân Đà Lạt không có thực phẩm. Lâu lâu, ngoài chợ kêu đường bị tăng bo, rồi mất hết hàng hóa. Thật ra họ tiếp tế cho Việt Cộng như cô Ba Chỉ, Tiệm Bình Lợi. Cho thấy cuộc chiến khi xưa khá phức tạp. Khó mà áp dụng các phương cách, cắt đường tiếp tế cho Việt Cộng. Tại dân buôn bán miền nam làm giàu trong chiến tranh, mua bán cho Việt Cộng nuôi quân. Có một ông chạy xe hàng, quen bị Việt Nam Cộng Hoà bắt ở tù một thời gian.


Ông Hùm Xám xác nhận về mấy người mình biết khi xưa.


Anh ta kể một đại gia rất giàu có khi xưa nhờ chặt cây đốn rừng, bán gỗ cho ngoại quốc nên phải đóng thuế cho Việt Cộng nhưng không hiểu lý do gì Việt Cộng lại đốt xe máy cày của ông ta. Ông ta nhờ tỉnh trưởng Tuyên Đức cho lính bảo vệ khu vực làm ăn của ông ta, và sẽ trả mỗi người lính 10,000 đồng/ tháng, xem như được thêm 1 tháng lương. Ông tỉnh trưởng hỏi muốn lính nào, biệt động quân,.. thì ông này chỉ muốn lính 302. Thế là đại đội 302, theo ông Al Cornett kể là dạo đó có đến hơn 300 binh sĩ, khá nhiều cho lực lượng của một đại đội nên sau này họ bổ sung thêm quân số, được thăng lên cấp tiểu đoàn 204. Nếu mình không lầm chính đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, đã muốn giữ đại đội 302 và thành lập tiểu đoàn 204 của Tuyên Đức.


Anh Phong có tuyển một số lính đi tuần, bảo vệ khu vực làm ăn của đại gia này, mình xin dấu tên. Không hiểu lý do, ông này còn kêu là nếu giết được Việt Cộng thì ông ta thưởng thêm 30,000 đồng, 3 tháng lương của lính ngày xưa. Bằng chứng là phải nộp cho ông ta cái lỗ tai bên phải của Việt Cộng. Hoá ra chuyện này có thật. Khi xưa, mình có nghe kể vụ này; lính 302 cắt tai Việt Cộng xỏ từng xâu. Cho nên Việt Cộng oán thù lính 302 lắm. Nghe nói là lính 302 khi xưa đi tù ở trại Đại Bình, nơi ông cụ mình bị tù 15 năm.


Hoá ra anh Phong vượt ngục hai lần. Lần đầu đi bộ qua Lào, đói quá, dân Lào đi báo công an, đến bắt giải về Việt Nam. Mình có kể vụ này. Sau đó họ đưa anh về vùng Hà Tĩnh giam thì ông ta cũng vượt ngục một lần nữa. Phải đợi mưa xuống mới trốn vì Việt Cộng lười đi tuần. Anh ta lội qua sông Lam nhưng mưa vùng này thì nước dâng lên cao lắm. Mình viếng Sơn Đoòng ở Quảng Bình nên thấy mấy nhà nổi. Dân tình kể là mùa mưa nước dâng cao lắm. Anh cho biết leo lên đồi cao để nghỉ mệt, tránh lụt. Vấn đề là thú rừng cũng mò lên chỗ cao để tránh lụt. Dân quân trong vùng cũng mò lên chỗ cao để săn bắn thú rừng. Họ bắt gặp nhóm tù trốn trại nên bắt về đánh tơi bời hoa lá. Anh nói nghiệm lại thì cái số mình phải đi qua những giai đoạn đó. Ở tù cho đúng 11 năm rồi vượt biển. Anh ta có một người con vượt biển và mất tích.


Anh kể đến tướng vùng 2 là Nguyễn Văn Toàn, người Huế, thù anh lắm, tìm cách đổi anh đi chỗ khác. May là ông ta bị thuyên chuyển về vùng 3, và tướng Phạm Văn Phú về thay vùng 2. Theo mình hiểu thì khi xưa, mấy tướng lật đỗ nhau mệt thở nên sau này ông Thiệu lên, cần một số tướng trung thành với ông ta nên phải làm ngơ trước các vụ bê bối, làm ăn, tham nhũng nhưng cũng có nhiều tướng tài và trong sạch.


Số là có lần anh ta đi trinh sát ở vùng Lâm Đồng và Quảng Đức. Lính anh giả dạng Việt Cộng đi trinh sát thì bắt gặp một chiếc xe Jeep Việt Nam Cộng Hoà chạy trước sau đó có chiếc xe be rồi dừng lại nói chuyện với mấy ông Việt Cộng. Họ báo cáo thì anh ta đang ở xa, kêu cứ quan sát xem chuyện gì. Họ cho biết 1 tài xế và một thiếu tá tên Thông, cầm cái cặp đứng nói chuyện với mấy ông Việt Cộng. Cuối cùng lính anh bị lộ nên bắn chết mấy ông Việt Cộng, ông tài xế và thiếu tá Thông, tịch thu được cái cặp có 6,000 đô la. Họ chia với anh 1,000 đô la nên sau đó anh mua đất và làm nhà tại Đà Lạt. Sau 75, Việt Cộng kêu nhà này ông Hùm Xám lấy đô la của Việt Cộng nên họ lấy nhà của anh và cho đi tù ngoài bắc. Cho thấy nằm vùng biết rất rõ.


Hoá ra thiếu tá Thông là người được ông Toàn cử đi thương lượng với Việt Cộng để chặt cây bán làm giàu. Sợ lính 302 báo cáo nên họ bắn nhưng lính 302 nhanh tay hơn. Từ đó tướng Toàn thù anh. Ông ta gọi điện hỏi anh đang ở đâu để ông ta đáp trực thăng xuống gặp anh. Chắc để đòi lại số tiền giao cho Việt Cộng. Lính anh ta kêu đang đụng địch, ông ta kêu đáp 4 cây số phía sau nên cuối cùng phải cho ông ta đáp xuống. Ông vào căn cứ thì anh ở phía sau nhìn qua cái khe trong khi đàn em đang giải thích tình hình chiến sự cho tướng Toàn. Anh ta rất bực mình, nói nếu hôm đó anh ló mặt ra là bắn ông Toàn, đã buôn bán với địch mà còn hạch sách binh lính. May quá ông ta đợi không được nên bỏ về. Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng Tuyên Đức, nói với anh ta là ông ngửi được mùi này nên tìm cách cho anh ta đi đâu xa xa một tí như đi phép hay gì đó. Sau đó thì trở lại Đà Lạt.


Đúng lúc đó thì gặp bác sĩ quân y Đà Lạt, cho biết là phải mổ ruột thừa cho một anh lính 302 nào đó. Anh nói không hiểu sao lính của anh hay bị mổ ruột thừa nên anh ta hỏi anh mổ được không. Bác sĩ kêu được. Nên anh nhảy lên bàn mổ ruột thừa nhờ đó mà sau này ở tù Việt Cộng 11 năm, không bị lộn xộn. Mổ ruột thừa, nên được xem là dưỡng thương nên tướng Toàn không lùng kiếm anh ta nữa đến khi tướng Phạm Văn Phú về thay và năm 1975, hình như là người tướng đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà tự sát. Mình có gặp tướng Bigeard, ông ta nói khi nghe tin tướng Phú tự sát, ông ta khóc vì khi xưa, dưới quyền của ông tại Điện Biên Phủ. (Còn tiếp)


Mình có đọc trên mạng một bài của sĩ quan tuỳ viên ông tướng Toàn, tải về đây cho các bác xem.


https://phamtinanninh.com/?p=6278


Giờ đi chơi với vợ đã.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn