Nghèo là một cái tội?

Cách đây 4 năm có một ứng cử viên tổng thống, gốc tàu, tên Andrew Yang, với chương trình Universal Income, nghĩa là mỗi tháng chính phủ trả tiền tối thiểu cho người Mỹ để họ có thể có một cuộc sống tương đối đỡ hơn nhưng bị các giới truyền thông đánh xập nên rút lui. Lúc đầu mình cũng thấy chương trình của ông ta viễn vông, kiếm phiếu, xu nịnh cử tri nhưng gần đây thấy vấn nạn, người Mỹ như ở Philadelphia, San Francisco, chạy vào các tiệm lớn hôi của mà cảnh sát đứng nhìn. 

Tò mò mình đọc một cuốn sách của một ông người Hoà Lan nói về vấn đề cho mỗi người công dân tiền tối thiểu hàng tháng lại giúp chính phủ bớt tốn tiền, xã hội lành mạnh hơn thay vì trộm cướp xẩy ra. Đây không phải lần đầu tiên người ta nói đến vấn đề này mà trước đây người ta đã thực hiện các thử nghiệm rồi và có kết quả khả quan như về y tế, giảm xuống đến 8.5%,…

Giai cấp thống trị đều sợ những người muốn thay đổi dưới bất cứ chế độ nào. Ở nhà mụ vợ bằng mọi cách ngăn trừ mọi khả kháng của mình


Ra phố, chúng ta thường thấy các người vô gia cư. Việc đầu tiên là chúng ta ngại tránh xa họ, thứ hai chúng ta đánh giá họ là những người rượu chè chích hút hay xa hơn là không có ý chí. Ít ai hỏi lý do tại sao họ đã lấy những quyết định không tốt khiến cuộc đời của họ đi xuống như hôm nay. Có lần người ta phỏng vấn một thanh niên gốc việt, vô gia cư tại Bolsa, được anh ta cho biết, có công ăn việc làm rồi mất việc, bị tai nạn. Sau kiếm việc lại không được rồi gia đình từ bỏ nên ra đường đứng.

Ông bán kẹo kéo đã dạy mình bài học từ bé là không bao giờ mua đồ khi trong túi không có tiền 


Nhớ hồi nhỏ, học tư ông giáo Kim, cạnh khách sạn Mimosa, đường Phan Đình pHùng, có một ông bán kẹo kéo. Cứ ra chơi là thấy ông ta đến mời mọc, kêu không có tiền thì ông ta cho bán chịu. Khi mình có tiền trả thì ông ta kéo kẹo dầy, có đậu phụng ở trong còn khi bán chịu, ông ta kéo dài thiệt dài, mỏng le bán. Cho thấy nếu bán chịu, ông ta bán nhỏ, lỡ mình không trả thì ông ta xí cô hồn, còn mình thì thấy nhỏ thiệt nhưng không dám nói vì ăn được kẹo là vui. Khi nghèo, không có tiền chúng ta lấy quyết định không khôn lắm để rồi khiến mình nghèo hoài.


Vấn đề khi ăn kẹo kéo thì hạnh phúc tràn trề, những ngày sau đó không có tiền để trả thì bị ông ta dí đòi mình phải trốn. Lúc đó mình hiểu cái nhục trốn nợ như thế nào nên sau này hết dám ăn chịu ai nữa. Không ăn chịu thì mình làm cách khác để có tiền. Nhớ có lần học tư với chị tên Huy Hà học chung lớp, nhà ở đường Duy Tân. Mình thèm có tiền đi ăn hàng, đánh bi da nên nghỉ học luôn, cứ lấy tiền của bà cụ đưa đi trả tiền học, đi chơi bi da hay ăn hàng. Xui cái là chị ta đi chợ gặp mẹ mình nên bị đòn mệt thở. Kết luận là nghèo thì học dốt lại dốt hơn vì lấy tiền trả học tư để ăn chơi. Khi không có tiền người ta hay lấy quyết định ngu ngu như mình.


 Có chị bạn làm việc xã hội tại Việt Nam kể, có nhiều người cha, chở con gái qua biên giới Cao Miên, bán cho thiên hạ 1 hay 200 đô la. Chắc ông bố đánh bạc nên cần tiền trả nợ, bán con làm Thúy kiều thời đại.


Nhớ có lần, mới sang Hoa Kỳ làm việc, mình hỏi 1 ông mỹ, làm thế nào để thành công trên xứ này. Ông ta hỏi muốn bao nhiêu tiền là mình xem như thành công. Mình nói đại $100,000. Ông ta hỏi mình lương bao nhiêu hiện nay, mình nói $40,000. Ông ta giải thích mày là trung bình của 5 người mày thân nhất. Nếu mày muốn làm 100,000/ năm thì phải tìm những người làm 100,000 hay hơn để học hỏi họ, họ có bạn khác với giai cấp của mày, họ đọc sách khác với những sách mày đọc. Họ suy nghĩ khác với mày. Không tin mày xem những tên bạn thân của mày đều làm tiền ngang ngửa với lương của mày. Ông ta lại đưa cái vấn nạn là rất khó thoát khỏi môi trường của mày hiện tại vì mày không muốn bỏ bạn quên bè, chúng như mấy con cua kéo mày lại. 

Như đoán sự ngố của mình, ông ta nói lần sau mày đi chợ, đến chỗ họ bán cua sống, mày sẽ thấy họ bỏ mấy con cua bò trong mấy cái chậu lớn, nhưng không con nào chui ra khỏi mấy cái chậu. Lý do là con nào muốn thoát ra khỏi chậu thì có con khác lấy càng kéo lại. Quả nhiên mình đi chợ việt với vợ ở Bolsa, đến chỗ bán cua cá thì y chang như ông ta nói về mấy con cua. Sau này mình nổi hứng, đọc quảng cáo Seminar làm giàu, mua nhà trên đất mỹ, có gọi mấy anh bạn thân, rủ đi học chung vì được 10% khuyến mải nhưng ai nấy đều từ chối. Kêu mày mới sang mỹ không biết gì, sẽ bị chúng dụ. Mình vẫn còn liên lạc với mấy người bạn này qua điện thoại, lâu lâu hỏi thăm tình hình chớ ít gặp. Họ cáo bận khi mời họ đến nhà ăn cơm như xưa.


Theo thống kê thì người nghèo mượn tiền nhiều hơn, ít tiết kiệm, họ hút nhiều hơn, tập thể dục ít hơn, uống rượu nhiều hơn và ăn uống dinh dưỡng không được chuẩn lắm. Làm sao ăn uống điều độ khi một cái hamburger giá $0.99 trong khi 1 cân xà lách giá $3.99. Không có tiền, họ không có chọn lựa.


Người ta cho rằng lý do họ nghèo là vì không biết quản lý tài chánh, tiền bạc. Nhưng nếu mở các lớp về tài chánh, người nghèo ít ai tham dự. Anh có tiền thì mới nói đến tiết kiệm đầu tư còn tháng nào cũng thiếu hụt thì tiền đâu mà mua cổ phiếu. Như nói chuyện cõi trên.


Bà cựu thủ tướng Anh quốc Margaret Thatcher, định nghĩa nghèo khó là  “personality defect.” (khiếm khuyết về nhân cách). Trên thế giới, người ta đều cho rằng, muốn thoát nghèo thì con người phải tự thoát thân khỏi môi trường, nơi mình sinh ra như ông bIll Gates từng tuyên bố: “anh sinh ra trong hoàn cảnh nghèo, không phải lỗi của anh nhưng chết trong trong sự nghèo hèn là lỗi tại anh”. Hay trong phim The Slumplord  Millionaire. Do đó họ đưa ra các chương trình xã hội, học đường, bắt buộc giới trẻ phải đi học miễn phí đến năm 18 tuổi vì họ nghĩ khi có bằng cấp tối thiểu hay thậm chí đại học sẽ giúp chúng ta có một tương lai sáng sủa hơn. Có nhiều người có bằng cấp nhưng vẫn vô gia cư, nghèo khó.

Bà Thatcher cho rằng nghèo là sự khiếm khuyết nhân cách. Bà này không phải quý tộc nhưng bố là người làm bánh mì thì phải.

Năm 2013, có 2 vị giáo sư Princeton và Harvard tên Eldar Shafir, và Sendhil Mullainathan, phát hành một nghiên cứu về cái nghèo. Họ nói theo quan điểm của một kinh tế gia, lý do của nghèo khó là sự khan hiếm. Đối với các nhà kinh tế, mọi thứ đều xoay quanh sự khan hiếm. Sự khan hiếm ảnh hưởng đến tâm trí của bạn. Mọi người hành xử khác nhau khi họ nhận thấy một thứ gì đó khan hiếm. Mình bị chiêu dụ bởi ông bán kẹo kéo trong khi mấy tên bạn học chung thì không có tiền nhưng chúng không ăn chịu. Có lẻ bố mẹ chúng dạy khác. 


Cho dù là quá ít thời gian, tiền bạc, tình bạn, thức ăn - tất cả đều góp phần tạo nên “tâm lý khan hiếm”. Những người trải qua cảm giác khan hiếm rất giỏi quản lý các vấn đề ngắn hạn của họ. Người nghèo có một khả năng đáng kinh ngạc – trong ngắn hạn – để kiếm sống, giống như cách mà các tổng giám đốc làm việc quá sức có thể đạt được để chốt được một thương vụ. Như mình lấy tiền của bà cụ trả tiền học tư để đi ăn và đánh bi da, thà học ngu còn hơn là thiếu tiền ăn hàng như chúng bạn. Sau này lớn lớn một chút, mấy đứa em xin bánh mì, phần ăn sáng của mình thì mình đều cho chúng chia nhau. Mình không muốn em mình trải qua tình trạng đói, bạn bè có đồ ăn, rồi phải đi ăn chịu. Đi học bụng đói nhưng rồi quen nên không thèm thức ăn khi ra chơi, không thèm đồ ăn vặt.


Tuy vậy, tâm lý khan hiếm khiến chúng ta chỉ tập trung vào hiện tại, những gì cần được giải quyết ngay tức khắc, buổi họp sắp tới hay các biên lai tiền điện nước, bảo hiểm cần được trả trước thời hạn ngày mai. Chúng ta không nghĩ đến viễn kiến tương lai như câu chuyện hai người thợ cưa. Một người cứ cưa cả ngày, còn người kia thì lâu lâu, ngưng cưa để mài lưỡi cưa. Cuối ngày thì người luôn mài lưỡi cưa, cưa được nhiều gỗ hơn người cứ lo cưa. 

Mình không nghĩ người mẹ này khiếm khuyết nhân cách. Nói lên sự hy sinh của người mẹ.

Lấy thí dụ một máy điện toán chạy cùng một lúc 10 chương trình, sẽ chạy chậm lại và cuối cùng có thể bị đứng hình luôn. Máy điện toán không phải loại xấu nhưng vì phải chạy nhiều thứ cùng một lúc như người nghèo phải lo toan mọi việc trong cùng một lúc. Gia đình đón tiếp hai vợ chồng mình tại Los MOchis, họ có người giúp việc, 2 người bảo vệ và một người gác dan nên họ không phải lo giặt quần áo, nấu ăn, dọn nhà, cắt cỏ, tưới cây cỏ,…như những người không có tiền. Do đó họ có thời gian để lo cho con, đầu tư cho tương lai.


Những câu hỏi như "tối ăn gì?" Hay "Làm cách nào để có thể trả tiền nhà cuối tháng?" Rất quan trọng trong cuộc sống, từng giây phút của người nghèo mà 2 ông Shafir và Mullainathan gọi là “Băng thông tinh thần,” Họ viết: “Nếu bạn muốn hiểu người nghèo, hãy tưởng tượng tâm trí của bạn ở nơi khác”. “Việc tự chủ giống như một thử thách. Bạn bị phân tâm và dễ bị bối rối. Và điều này xảy ra hàng ngày.” Đây là lý do tại sao sự khan hiếm – dù là về thời gian hay tiền bạc – đều dẫn đến những quyết định thiếu khôn ngoan. Trong lớp mình cứ nghĩ đến ông bán kẹo kéo sẽ đòi nợ khi bước ra khỏi lớp thì khó mà chú tâm đến nghe ông thầy giảng bài.


Hai ông này làm thử nghiệm về trí thông minh thì kết quả cho biết, người nghèo kém 13-14 điểm IQ. Người ta làm thử nghiệm về con nít. Ở tuổi 2-5 tuổi thì 90% con nít có thể được xem là thiên tài như 5 năm sau đi học thì còn lại 50%, lên đến trung học thì chỉ còn độ 1%.


Họ nghiên cứu hai địa điểm bên Ấn Độ, Vilupuram và Tiruvannamalai, nơi vùng quê trồng mía. Tại đây nông dân lãnh 60% lợi nhuận của năm ngay sau khi gặt hái Mía, nghĩa là 1 phần trong năm của họ rủng rỉnh tiền bạc và một phần đói. Cái này mình nhận ra vì vào tháng 4,5,6 mỗi năm đến mùa hái bơ thì thấy có tiền rồi đến tháng 12 là hết. Nhưng phải đợi thêm mấy tháng nữa mà tiền nước trả mệt thở, tiền thợ,…lo lắng đầy vơi.


Nhớ khi xưa ở Đà Lạt, các nhà làm vườn trồng rau, đâu có tiền nên họ phải bán trước mùa hái rau cải cho các chủ thầu như vợ ông Marcel ở đường Phan Đình Phùng, thường là giá hời vì họ cần mua phân bón, chuẩn bị cây con cho vụ tới. Tới ngày, bà Marcel cho người đến hái xú rồi quăn lên xe hàng chở về Sàigòn hay Nha Trang bán. Vào tháng 12 trở đi là tháng cần bón phân mà phân rất đắt nhưng lúc đó thì tiền cạn. Mình mới thấm tinh thần của người làm vườn khi xưa tại Đà Lạt. Vườn nhà mình trong Suối Tía thì không bị vụ này vì bà cụ buôn bán nên có đồng vô đồng ra, có thể trả tiền phân bón trước. Tương tự ngày nay, mình có thể châm chước mua phân bón trả lương thợ từ cuối năm đến khi hái trái bơ. 


Ở Hoa Kỳ có chương trình mua bảo hiểm do chính phủ hổ trợ. Mình mua bảo hiểm cho vườn, nếu mùa không gạt hái như trung bình 10 năm qua thì công ty bảo hiểm sẽ cho người xuống vườn mình để thẩm định và đền bù sự thiếu hụt. Họ đền cho 75%. Nếu không gặp năm thất mùa là nông dân như mình ngọng. Điển hình hôm nay ở Cali có gió Santa Ana rất mạnh, chắc chắn một số trái sẽ rụng mà mỗi năm có nhiều trận gió kiểu này trái rụng nhiều sẽ bị lỗ.


Câu hỏi là có cách nào để thay đổi vấn nạn. Người ta có thể cho sinh viên tiền học bổng để giúp đỡ họ tốt nghiệp, hy vọng kiếm được công ăn việc, thay đổi cuộc đời họ và hy vọng cả dòng họ. Phụ giúp người nghèo tiền mướn nhà.

Nghèo lũng đít Chán Mớ Đời 

Như trường hợp máy điện toán, chạy chậm hay bị ngưng. Chúng ta có thể, clean disk hay gì đi nữa cũng trở lại tình trạng như cũ. Có người cho rằng thay vì clean disk, chúng ta nên mua thêm memory để gắn thêm vào máy điện toán, sẽ giúp chạy nhanh hơn và ít bị trục trặc. Hay đúng hơn là tặng tiền tươi cho người nghèo. Họ tính là mỗi năm chính phủ Hoa Kỳ tốn độ 175 tỷ đô la để xoá đói giảm nghèo. Vì nếu người Mỹ sống trong tâm trạng nghèo đói thì càng tốn nhiều hơn. Nội tiền mua súng đạn tiếp tế cho Ukraine và do thái là đủ nuôi dân mỹ cả năm.


Điển hình là $500 tỷ mỗi năm. Trẻ em lớn lên trong nghèo đói sẽ mất 2 năm học vấn, làm việc ít giờ hơn 450 tiếng cho mỗi năm, và có gấp 3 lần bị bệnh hơn trẻ em sinh trong gia đình trung lưu. Đầu tư vào giáo dục ít đem lại kết quả. Họ thử nghiệm dạy 201 người nghèo về chi thu tài chánh, quản lý gắt gao tiền bạc cũng không đưa đến kết quả tích cực như dạy họ bơi nhưng rồi thả họ bơi trong bão tố.


Do đó các chính trị gia như ông Andrew Yang đưa ra chương trình Universal Income để câu phiếu. Làm sao chúng ta có thể thuyết phục người Mỹ là nên tặng tiền tươi cho người nghèo khi đa số kêu mình đi làm mệt thở, đóng thuế trong khi mấy người ít lợi tức, được chính phủ trả 75% tiền thuê nhà, được welfare, được foods stamps,… còn người giàu có thì lo sợ chính phủ đánh thuế họ để cho người nghèo. Hồn ai nấy giữ và cuộc đời vẫn tiếp tục nhiều khác biệt. 


Chưa nói đến hoàn cảnh người Mỹ không bận tâm về cơm áo sẽ nổi loạn, xuống đường đòi hỏi đủ trò như thập niên 60 của thế kỷ trước khi Hoa Kỳ là ngọn đuốc cách mạng, giấc mơ của mọi người dân trên thế giới. Chúng ta thấy thanh niên sung sướng không lo ngại kéo nhau đến Woodstock, xuống đường đòi hỏi quyền dân sự, quyền phụ nữ. Tốt nhất là cứ để họ nghèo te tua, lo cho ngày mai. Không bạo động khiến giới cai trị lo sợ.


Trên thực tế, chương trình này đã được áp dụng từ thế kỷ trước tại thành phố Dauphin, Gia-nã-đại. Hôm nào rãnh mình sẽ kể thêm (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn