Giấc mơ - ác mộng Hoa Kỳ


Mình sinh sống tại Pháp, Ý Đại Lợi, Thụy sĩ, Anh quốc trước khi định cư tại Hoa Kỳ. Phải công nhận xứ Mỹ là một nước có nhiều cơ hội. Mình may mắn được định cư tại đây. Đa số người ngoại quốc đều muốn nhập cư tại xứ này ngay cả người tàu, nga,…xem người Mỹ như kẻ thù.


Ông Henry Ford đột phá tư duy trả lương cao cho nhân công, để họ có thể mua xe và vay tiền của công ty khiến ông ta giàu to. Một nhân công hãng Ford đi làm, có thể nuôi vợ con, có nhà, có xe hơi. Đó là hình ảnh của người ngoại quốc mơ về giấc mộng Hoa Kỳ ở thế kỷ 20. Dân giàu nước mạnh.

Giấc mơ Hoa Kỳ là chúng ta xuất thân từ giai cấp nghèo khó nhưng nếu chúng ta chịu khó thì sẽ mua được nhà và chiếc xe và cho con chúng ta đi học đại học và hưu trí yên bình. Mình quen nhiều người từ bàn tay trắng khi đến Hoa Kỳ, tạo dựng một tài sản mà ở âu châu, khó có một người tỵ nạn, không rành tiếng địa phương, thực hiện được.


Sau đệ nhị thế chiến, chính phủ Hoa Kỳ có ra nhiều luật như G.I. bills để giúp các cựu quân nhân có thể đi học đại học và mua nhà. Học đại học gần như miễn phí, ra trường đi làm có lương cao lại được giúp mua nhà không cần tiền đặt cọc. Với thời gian, họ tạo dựng tài sản qua nhà cửa và bằng cấp. Đa số chỉ có người da trắng hưởng lợi còn dân da màu thì chưa đến 5% được hưởng các lợi ích của luật này. Do đó ngày nay người da trắng về lợi tức cao nhất.

Thành phố Hiroshima sau trái bom nguyên tử và ngày nay. Mình có ghé thăm cách đây 4 năm. Rất đẹp hình dưới

Ngày nay, một sinh viên ra trường, nợ độ $100,000 tối thiểu, trường nổi tiếng thì $200,000 chưa kể là học lên cao các ngành chuyên khoa. Viễn tưởng mua một căn nhà nhỏ ở Cali giá 1 triệu đô la là oải. Mình có thằng cháu ra trường nha sĩ, nợ $400,000. Có chị bạn dược sĩ và ông chồng nha sĩ, cho biết có một căn nhà mà không được ở dù phải trả tiền nợ hàng tháng. Họ muốn nói đến số nợ mượn 20 năm về trước khi đi học chuyên ngành tương đương với số nợ mua một căn nhà. Cái mất dạy là mỗi năm chỉ được khấu trừ thuế có $3,000 trên số tiền mượn đi học. Do đó cách tốt nhất là khi mua nhà mượn heloc trả tiền nợ mượn đi học hết, rồi trả tiền heloc để trừ thuế. 

Thành phố Detroit. Sau đệ nhị thế chiến là giấc mơ của mọi nhân công trên thế giới.
Detroit ngày nay, tan thương, chủ nhà phải đem máy cày đến cày nát mấy căn nhà của mình để khỏi phải bị đóng thuế dù tan hoang.
Ngày nay, Hoa Kỳ vẫn có nhiều người giàu có nhất nhì trên thế giới nhưng sự cách biệt giữa giàu nghèo, lương bổng chủ tớ quá chênh lệch số với 70 năm về trước đến nỗi cựu ngoại trưởng Tân Gia Ba cho rằng ngày nay chúng tôi không nhìn họ như kim chỉ nam nữa vì lợi tức cá nhân của người Tân gia ba ngày nay cao hơn người Mỹ trung bình. Mình thấy Trung Cộng đi theo con đường của Hoa Kỳ từ một quốc gia là trung tâm sản xuất của thế giới như sau đệ nhị thế chiến, nay đang biến thành trung tâm tài chánh của thế giới. Xem link về sự khác biệt lương bổng của tổng giám đốc và nhân viên thế kỷ trước và hiện nay tại Hoa Kỳ.


Trung Cộng được Hoa Kỳ và các nước âu châu giúp từ 30 năm qua, thực hiện trung tâm sản xuất hàng hoá của họ khiến gây hiểm hoạ về môi trường ô nhiễm. Nay Trung Cộng từ từ dùng tiền của họ để trở thành trung tâm tài chánh cho các nước trên thế giới. Họ cho vay với chương trình Vòng Đai và con đường mà mình đã mục thị khi đi viếng Georgia và Uzbekistan tháng vừa qua. Hay các nước khác như Ai Cập, Jordan, Tanzania. Trung Cộng và các xứ khác như Ấn Độ, Nga, muốn thành lập một hệ thống tiền tệ khác để không bị ảnh hưởng bởi mỹ kim. Trung Cộng bắt đầu chuyển các nhà máy sản xuất qua các nước lân cận, để giảm sự tàn phá môi trường. Điển hình là Việt Nam, Thái Lan, Cao Miên,…

Dạo này báo chí hay nói đến Trung Cộng sẽ sụp đỗ đủ trò nhưng có thể Hoa Kỳ sẽ banh ta lông trước. Các công ty mượn nợ thường phải tái tài trợ sau 7-10 năm. Trước đây, họ mượn tiền lời rẻ 4% tháng mà nếu tái tài trợ lại bây giời thì phải trả tiền lời gấp đôi. Do đó người ta đang lo cho sang năm khi các nợ thương mại sẽ phải tái tài trợ. Để tránh người dân lo ngại, họ gây chiến tranh tùm lum để định hướng dư luận. Mình thấy dạo này tiền bitcoin của mình lên lại, vàng lên như diều. Thiên hạ lo trữ vàng còn trái phiếu thì te tua. Mấy ông thần người Tàu bán trái phiếu mỹ như khuyến mải. Ngoại quốc không muốn mua trái phiếu của Hoa Kỳ nữa.
Lương bổng cách biệt tổng giám đốc công ty lớn và nhân viên 

Hoa Kỳ là một nền cộng hòa được xây dựng trên các giá trị và căn bản dân chủ. Nếu thi hành đúng luật dân chủ thì đa số người Mỹ sẽ lấy quyết định tổ chức xã hội theo đúng tinh thần dân chủ, đa số thắng thiểu số. Vậy người thiểu số không có tiếng nói. Điển hình ai theo Đảng cộng hòa ở Cali là xem như ngọng vì đa số bầu cho Đảng dân chủ. Họ không có tiếng nói trong các cuộc bầu cử phổ thông. Còn ai ở những tiểu bang đa số là cộng hoà, mà theo Đảng dân chủ thì cũng ngọng. Điểm này không hay vì người ta bất chấp tiếng nói của thiểu số, sẽ đưa đến việc căm thù, ganh ghét thay vì bắt tay để giúp xã hội tiên tiến.


Trong xã hội nào từ xưa đến nay, các người có quyền hành và tiền bạc điều rất sợ thiên hạ nhân danh đa số lấy tiền bạc và quyền lực của họ để chia cho người khác. Họ bằng mọi cách duy trì và bảo vệ quyền lực và tài sản của họ. 


Trong cuốn “wealth of nations” ông Adam Smith có nói tại Anh quốc, các tác giả chính cho các chương trình kiến quốc đều là những người có đặc quyền, chủ các kỹ nghệ và tài sản nhiều nhất. Ông ta gọi là chủ nhân loại (masters of mankind). Họ chỉ tiếp tục các chương trình làm lợi cho họ. Trong một xã hội như Liên Xô trước đây, giới cai trị đều muốn duy trì quyền lực của họ để hưởng các quyền lợi cho cá nhân và các đảng viên của họ. Họ bị tan rã khi không còn khả năng thuyết phục xây dựng thiên đàng xã hội chủ nghĩa nữa, cũng như cung cấp thức ăn cho người dân. Hình ảnh các người dân liên xô sắp hàng để mua bánh mì mà chúng ta thấy ngày nay vẫn còn hiện diện thường nhật ở Cuba.


Ông James Madison một trong những nhà lập quốc của Hoa Kỳ cho rằng hệ thống quyền lực chính trị của Hoa Kỳ, cần được thành lập trên nền tảng do các người giàu có thực thi vì họ có tinh thần trách nhiệm. Do đó Thượng viện Hoa Kỳ trước đây không có vụ bầu cử mà chọn lựa các tay giàu có của Hoa Kỳ và có nhiều quyền lực nhất. Ngày nay thì họ cho bầu cử vào thượng viện và để tránh các tiểu bang ít dân cư không có tiếng nói nên mỗi tiêu bang chỉ được bầu đại diện hai thượng nghị sĩ. Một tiểu bang ít dân nhất như Wisconsin cũng có quyền ngang ngữa với tiểu bang đông dân nhất như California. Chỉ có ở quốc hội thì tiểu bang Cali có đông dân biểu hơn nhất.


Dạo ấy ít ai đi học, đa số đều mù chữ nên có thể đúng. Chỉ có con cháu của địa chủ mới được đi học. Ông Madison cho rằng vì nếu dựa theo tinh thần dân chủ thì đám người nghèo hô hào nhau lại, chia nhau ruộng đất, cũng như nô lệ của mấy người nhà giàu như ông Madison, Jefferson, Washington,… các nhà lập quốc. Mấy người này khi đứng dậy hô hào chống lại nước Anh thì được gọi là quân khủng bố, khi thành công thì được gọi anh hùng dân tộc. Cứ xem vụ cải cách ruộng đất ở miệng Bắc hay sau 75, đánh tư sản tại miền nam. Họ nhân danh một giai cấp để cướp của cải người dân.


Nếu nhìn kỷ lịch sử Hoa Kỳ về thực thi nền dân chủ thì chỉ những năm 1960 tại Hoa Kỳ mới có thật sự những hoạt động dân chủ đúng nghĩa. Các người da đen xuống đường đòi quyền dân sự (civil rights) hay phụ nữ đòi nữ quyền. Nên nhớ phụ nữ tại Hoa Kỳ chỉ được đi bầu từ 100 năm nay. Chúng ta thấy cảnh sát dẹp biểu tính, người dân đình công bãi thị để đòi hỏi quyền của họ. Các công đoàn được thành lập để bảo vệ quyền lợi công nhân, có mức lương cao để sống với vật giá leo thang. 

Ông Luis Powell Jr. Đảng dân chủ lên tiếng thượng mại đang mất ảnh hưởng kiếm soát người Mỹ 

ông quan tòa tối cao pháp viện Luis Powell Jr., thuộc Đảng dân chủ nhưng do tổng thống Nixon bổ nhiệm, nổi tiếng với memorandum; ông ta cho là giai cấp thượng mại đang mất sự kiểm soát xã hội, cần phải có biện pháp chống lại nếu không làn sống dân chủ sẽ khó kiểm soát. Nhờ memorandum này mà phong trào cực hữu tại Hoa Kỳ lên cao. Giúp ông Reagan vào toà Bạch Ốc.


Các công ty thương mại, muốn bảo vệ quyền lợi của họ, bắt đầu nhập cuộc vào chính trị để bảo vệ quyền lợi của họ qua lobby các luật giúp họ kiếm thêm tiền và bảo vệ quyền lợi của họ thay vì các lá phiếu dân chủ của những giới trẻ độc lập và tự do. Họ cúng tiền bầu cử cho các đại biểu, tổng thống,… Muốn được bầu chức tổng thống phải có ít nhất là 1 tỷ đô la. Trong chuyến đi Mễ vừa qua, mình có dịp nói chuyện với ông thị trưởng thành phố Bellflower, muốn trúng cử thì cần những gì. Ông ta cho biết quen nhiều để được ủng hộ tài chánh và một chương trình hành động dễ thực thi. Anh không quen biết, không được ủng hộ thì tiền đâu để quảng cáo.


Ai có đủ tiền để ra ứng cử ngoại trừ được sự ủng hộ của các tài phiệt mà họ đâu phải cho không, sau khi đắc cử phải giúp họ lại như trường hợp công ty Solyndra, ông tổng giám đốc tặng quỹ ứng cử của ông Obama $500,000. Sau khi đắc cử, ông Obama đích thân ra lệnh cho vay công ty này $535 triệu đô la, ông tổng giám đốc bỏ túi $100 triệu rồi khai phá sản, nhân công bị sa thải, người Mỹ đóng thuế trả nợ dùm công ty này. Mình có xem một phim tài liệu nói về vụ này cho thấy chính trị gia dùng mỹ từ để người Mỹ đóng thuế cho sai lầm của họ. Tại sao Obama không nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi cho vay. Lý do là được $500,000 cho quỹ bầu cử.

 https://obamawhitehouse.archives.gov/the-press-office/vice-president-biden-announces-finalized-535-million-loan-guarantee-solyndra#:~:text=FREMONT%2C%20CA%20–%20Vice%20President%20Joe,that%20provide%20clean%2C%20renewable%20energy.


Nền thương mại của Hoa Kỳ từ sau đệ nhị thế chiến là trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới. Đệ nhị thế chiến đã phá tan các hệ thống sản xuất tại Âu châu cũng như Á châu nên ai nấy đều mua hàng hóa của Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ giàu có. Vấn đề là nền sản xuất bị công nhân, qua các công đoàn làm khó dễ ban quản trị. Nhớ dạo ở pháp cứ thấy đình công hoài. Đi làm hay đi học mà cứ Métro làm reo là cuốc bộ mệt thở. 


Hoa Kỳ để tránh vấn nạn này chuyển dần ngành sản xuất qua các nước nghèo khác và ngành ngân hàng càng ngày càng lên cao như giáo sư John Kenneth Galbraith đề cập trong cuốn sách ông ta mà mình đọc sách năm thứ nhất đại học. Điển hình là công ty general motor và General Electric trở thành một công ty tài Chánh cho vay tiền ăn lời. Cứ thấy thẻ tín dụng của mấy công ty này hay mua nhà mượn tiền cũng của họ. Chắc ai ở Hoa Kỳ đều nhớ GMAC. Họ lơ là việc sản xuất xe hơi vì cho vay khắp nơi kiếm được nhiều tiền hơn và không bị nhân công làm reo.


Các công đoàn của các hãng xe hơi đức như Benz Mercedes bị các công đoàn yêu cầu cho làm việc mỗi tuần 30 tiếng, đi hè được 60 ngày thì ban quan trị tuyến bố sẽ chuyển nhà máy qua Ba Lan, giá nhân công rẻ khiến công đoàn đức ngọng, đành bãi báo các yêu sách của mình.


Người ta đặt câu hỏi lý do nhà trường không dạy học sinh và sinh viên về tài chánh, cách quản trị tiền bạc của mình. Lý do là họ biết nếu người Mỹ hiểu gía trị tiền bạc, quản lý tài chánh thì sẽ không bán được các sản phẩm. Họ cứ thúc con nít từ bé xem mấy phim hoạt hoạ đã thấy hình ảnh tiêu thụ rồi.


Câu hỏi làm thế nào để ru ngủ giới lao động để tránh việc họ xuống đường. Biến nhân dân thành những người tiêu dùng bằng cách bán đồ rẻ được sản xuất tại các nước như Trung Cộng, Mễ Tây cơ,… học sinh trung học tan học là vào các Mall xem áo quần thời trang thay vì vào thư viện. Họ dạy con nít từ nhỏ trở thành những tín đồ thời trang tiêu thụ. Thấy quảng cáo kêu “I Want My MOney now”, rất mơ hồ, không hiểu tiền của họ từ đâu nếu họ không đi làm. 


Hoa Kỳ bổng chốc thay vì là nước sản xuất trở thành một nước tiêu thụ. Rẻ nên chúng ta mua sắm và ăn uống không đắn đo như trước. Hệ quả là chúng ta không có tiền để dành khi về già và béo phì vì ăn uống rẻ thả dàn. Đó chưa nói đến vấn nạn ma túy sì ke, nghiện thuốc giảm đau. Khi chúng ta là bệnh nhân thì còn thì giờ đâu mà nhận thức về xã hội và chính trị. 


Ngoài ra họ còn dùng thể thao như từ thời la mã để ru ngủ người dân. Qua Mễ thì thấy tối thứ 3, 4 là có đá banh quốc tế, thứ 6 là banh chuỳ, cuối tuần thì đá banh quốc nội. Thì giờ đâu mà nổi loạn, suy nghĩ về tương lai,.. Hoa Kỳ cũng tương tự tối thứ 3 là happy tacós rồi đến Bóng chuỳ, banh bầu dục,..

Người Mỹ tránh bị các công nhân đình công vì để con cháu họ Mao bốc lột sức lao động của nhân công xứ họ, chỉ cần rẻ là người Mỹ vui vẻ không phá làng phá xóm là vui. Mình đọc đâu đó, là công ty Apple thay đổi một thiết kế gì đó. Trong 1 tiếng đồng hồ, 3,000 nhân công người Tàu, chạy tới nhà máy để làm việc vào lúc 3 giờ sáng. Ở Hoa Kỳ, thì phải trả thêm tiền tăng ca. 50-100%


Ông Reagan đã giảm sức mạnh của các công đoàn như vụ các người kiểm soát không lưu đình công. Ông ta ra lệnh phải đi làm lại nếu không thì bị sa thải nên từ đó công đoàn mất đoàn viên rất nhiều không còn mạnh như trước để bảo vệ quyền lợi công nhân. Họ chuyển tiền ra ngoại quốc dễ như Adam Smith báo trước còn nhân công thì có ai đi ra ngoại quốc làm việc ngoài trừ vài kỹ sư của hãng gửi đi để quản trị. 


Nhân công bị thất nghiệp đưa đến mất nhà mất cửa. Các công ăn việc được chuyển qua Trung Cộng và các nước khác, sẽ mãi mãi không trở lại. Từ giấc mơ Hoa Kỳ trở thành ác mộng Hoa Kỳ. Khi ông trump rao giảng là đem các công ty mỹ ở ngoại quốc về Mỹ thật ra là để ra luật giúp các công ty đem tiền về Hoa Kỳ vì thuế ở Trung Cộng cao hơn tại Hoa Kỳ chớ đâu muốn đem hãng về sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhưng họ dùng ngôn từ khác để định hướng dư luận. Biden hay Trump đều có một công tác độc nhất là bảo vệ quyền lợi của giai cấp cai trị. Mình không cuồng Trump cũng như cuồng Biden. Mình chỉ cuồng mụ vợ khi mụ la, sai bảo đủ trò.


Nếu có sản xuất lại tại Hoa Kỳ thì họ sẽ tự động hoá, sẽ sử dụng robot để sản xuất. Còn nhân công thì giấc mơ tìm lại công ăn việc làm như đi tìm lá diêu bông. Người ta đòi $15/ giờ tối thiểu trả cho công nhân thì nay vào các tiệm ăn mà giới trẻ khi xưa bắt đầu học cách kiếm tiền đi làm nay vào mấy tiệm ăn như MacDonalds thì không còn thấy người đứng ở quầy hàng. Họ có cái máy để người ta tự mua tự trả tiền, thế là mất thêm công ăn việc làm cho giới lao động. Họ quen tiêu thụ mà nay không có công ăn việc làm thì đi chôm.


 Gần đây chúng ta thấy hình ảnh dân tình chạy vào các tiệm đập phá lấy đồ đi ra, cảnh sát chả làm gì. Thà để mấy công ty này mất hàng hoá còn hơn để dân chúng xuống đường đốt phá cả khu vực. Đó là sự lo sợ của nhóm tài phiệt. Các công ty bắt đầu đóng cửa các tiệm của họ như ở San Francisco. Dần dần thành phố này sẽ trở thành Detroit. Ở Phước Lộc Thọ, tháng trước có nghe nói chúng vào tiệm vàng cướp. Có ai nghe tin tức là đã bắt được thủ phạm? Da vàng thì họ đâu để ý. Da trắng thì họ may ra còn lo.


Vấn nạn của thế kỷ thứ 21 là những người ít bằng cấp, khó mà tìm được công ăn việc làm, từ từ trở thành một giai cấp vô dụng vì không sản xuất. Hôm qua, toà ở Ý Đại Lợi đã đồng ý truật xuất 2 người con ăn bám bà mẹ và chả làm gì cả dù đã trên 40 tuổi. 40 tuổi không tìm việc từ bao nhiêu năm nay thì chỉ có ôm bà mẹ để bám vào. Một ngày nào đó sẽ nổi khùng lên sẽ làm loạn như dạo gần đây ta thấy các tiệm ở San Francisco đóng cửa vì bị hôi của mà cảnh sát không làm gì.


Người ta chửi bới ông Nixon nhưng khi nhìn lại thì thời ông ta tuy ngắn ngủi nhưng có nhiều chương trình rất tốt cho xã hội như thành lập cơ quan EPA để bảo vệ môi trường, bảo vệ y tế và sự an toàn tại công sở khiến giới thương mại không ưa. Có lẻ vì vậy mà tống cổ ông ta ra khỏi chức vụ vì sau này Ông Clinton ngồi phê người để một cô sinh viên thổi kèn vẫn được bầu lại vì có lợi cho họ. 

Lần đầu sang Hoa Kỳ mình hoảng khi xem truyền hình, khác xa với truyền hình tại Âu châu. Họ quảng cáo quá nhiều, rất mơ hồ khiến người tiêu dùng không kịp suy nghĩ, cứ rút thẻ mua đồ không cần thiết lắm nhưng vì bạn bè có nên phải có và đâm mắc nợ. Khi mắc nợ thì chúng chỉ ta lo sợ mất việc như ông Greenspan đã nói trong một buổi tường trình tại quốc hội. Sự lo sợ mất việc khiến người Mỹ khó có thì giờ để bàn về xuống đường đòi tăng lương, bảo vệ nơi làm việc an toàn,… mình nhớ cách đây 20 năm, kinh tế te tua. Vợ mình lo sợ mất ngủ vì mỗi tháng là trong sở sa thải một đám, không biết tuần sau có đến phiên mình hay không. Làm tăng ca không lương cho chủ.


Nay càng nguy hiểm hơn là amazon bán dễ dàng, không cần phải ra tiệm, ngồi ở nhà nhấn nhấn, hàng hóa chở tới nhà nhiều thứ không cần nhưng lười đi trả. Một cách tốn tiền vô lý.


Bên Âu châu đa số các đại học là công nên không phải trả tiền nhưng ở Hoa Kỳ họ quảng cáo các trường đại học tư này nọ khiến người dân, mơ con mình trở thành giàu có nên mượn tiền để đi học. Ra trường mang nợ mấy trăm ngàn thì chỉ có đi làm kiếm tiền trả nợ, chặt chém khách hàng không nhượng tay dần dần xã hội mất đi tình đồng loại, bao bọc cho nhau. Khi anh tốt nghiệp với một số nợ đại học thì khó mà tiến thân xa vô hình trung chúng ta biến thành những nô lệ của thời đại. Chỉ đi làm trả nợ. 


Đọc báo ngoại quốc mới thấy tin ông Obama đoạt giải về marketing tiếp thị trong cuộc bầu cử tổng thống của ông ta. Ông ta chả có chương trình gì cả cứ mập mờ như các quảng cáo bán sản phẩm trên truyền hình về các xe hơi, kem đánh răng gì đó. Ông ta chỉ có slogan Yes we can! Có anh bạn làm bác sĩ kể là các bác sĩ rất thích chương trình Obama CARE vì mỗi tháng có tới khám hay không bác sĩ được bệnh nhân ghi danh với phòng mạch, được lãnh tiền. Những tin tức này phải đọc báo ngoại quốc thì mới thấy vì truyền thông tại Hoa Kỳ ít đưa tin loại này. Điểm hay nhất là mỗi tháng đi làm ai nấy đều phải trả 3.8% tiền lương của mình cho ObamaCare nhưng đa số ít ai biết. Truyền thông cũng không chỉ cho người Mỹ biết, họ dùng tên khác.


Nếu để ý trong thời gian làm tổng thống, ông Obama chưa bao giờ trả lời một câu hỏi của báo chí. Ông ta chỉ nhìn thẳng vào camera như theo cách ngưuofi ta dạy khi đọc diễn văn, Make eyes contact trả lời ngắn gọn “Look” rồi chuyển hướng nói đâu đâu. Ông ta học luật tại Harvard ra nên rất giỏi tránh né. Ông ta biết muốn tái đắc cử thì phải tiêu diệt Osama Bin Laden vì dạo ấy chỉ số thuận của ông ta xuống thấp. Hoa Kỳ là quốc gia mạnh trên thế giới nên các hãng thông tấn ngoại quốc đều có phóng viên của họ tại Hoa Kỳ do đó mà đi khắp nơi trên thế giới, chúng ta thấy dân tình bàn tán đến ông Trump, ông Biden,… hỏi 100 người Mỹ, chưa chắc có một người biết tổng thống của xứ Ai Cập hay thủ tướng Việt Nam tên gì.


Người Mỹ bị đánh thuế để cứu các ngân hàng có những chương trình cho vay nguy hiểm như đợt khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong một chế độ tư bản thì họ sẽ để các ngân hàng này xụp tiệm nhưng hiện nay Hoa Kỳ là xã hội chủ nghĩa cho các tay tài phiệt nên lấy tiền của người Mỹ để bail out cứu các ngân hàng sắp bọn phá sản vì cho vay bậy bạ. Bank of America , Citi Bank nay càng giàu mạnh hơn năm 2008. Nhờ tiền thuế của người Mỹ đóng để cứu mấy ngân hàng hàng này.


Anh đi làm mỗi tháng dư $100 bỏ vào ngân hàng với tiền lời 4%, ngân hàng nhờ có số tiền $100 của anh, theo luật có thể cho vay đến 10 -20 lần số tiền có trong ngân hàng, hay $1,000 thậm chí $2,000 với tiền lời 22%-24% theo tín dụng của họ và được chính phủ bảo kê. Nghĩa là là anh bỏ vào $100 thì cuối năm được trả $4 trong khi đó ngân hàng cho vay tiền lại như thẻ tín dụng 24% nếu anh trả không hết tháng qua. Bỏ túi tiền lời từ $240 đến $480.

Nhớ năm 2009, khủng hoảng tài chánh, có người kêu mình mua 4 căn nhà bị ngân hàng xiết. Chủ trước nợ ngân hàng đâu $300,000 nhưng mình mua có $99,000. Lý do là cựu bộ trưởng tài chính của ông Bush con, tên Paulson với nhóm của ông ta mua lại ngân hàng bị phá sản IndyMac với giá 70% với điều kiện là nếu họ bán các nhà cửa tịch thu dưới giá 70% sẽ được chính phủ bù lại nên khi mình trả $99k thì họ chấp nhận ngay. Họ được chính phủ bù tiền lại. 


Chỉ có người Mỹ phải đóng thuế để mấy tên này làm giàu. Cái mất dạy là họ làm cuốn phim tài liệu cho rằng ông Paulson là anh hùng (cho tài phiệt) đã giúp Hoa Kỳ trải qua cuộc khủng hoảng tài chánh. Mình mang ơn ông này vì khi mình đọc được tin tức về ông này thì kêu chuyên gia địa ốc kiếm nhà tịch thâu của ngân hàng Indymac để mua rồi trả rẻ như mấy căn nhà chỉ có $50,000, xây lại mất trên $400,000. Có xứ nào mua một căn nhà chỉ có $50,000 trong khi xây cất căn nhà mới là tốn tối thiểu $100,000 tiền giấy tờ đóng cho thành phố đủ trò.


Đi viếng Mễ Tây Cơ, mình ngạc nhiên khi thấy công ty Sears mở cửa và dân địa phương rất yêu thích. Lý do là ở Hoa Kỳ công ty này đã bị phá sản. Lý do khi xưa nhân viên đi làm cho hãng này hay những công ty khác tương tự, đã phá sản thì khi về hưu thì sẽ được chu cấp quỹ hưu trí và bảo hiểm y tế. Công ty không chịu nổi những chu cấp này cho cựu nhân viên nên khai phá sản. Do đó họ bãi bỏ chế độ hưu trí của công ty. Các đại biểu quốc hội được lobby bởi các công ty lớn để huỷ bỏ việc này. Bù lại họ ra chương trình 401k để giúp người Mỹ đi làm để dành tiền cho hưu trí. Đời sống tăng giá mà lương bổng không tăng thì tiền đâu mà để dành. Về già chỉ sống nhờ vào tiền an sinh xã hội. Lúc đó thì sợ bị cúp medicare, an sinh xã hội nên chính phủ nói gì thì nghe vậy theo tinh thần dân chủ tập trung.


3 công ty sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ dạo này đình công đủ trò, chưa phá sản. Trước đây thời ông Obama đã cứu rồi, không phải đóng thuế mà vẫn lỗ vì phải trả tiền hưu cho cựu nhân viên. Ngày nay, xe hơi Hoa Kỳ phải cạnh tranh biết bao nhiêu hãng, đâu như ngày xưa nên giá thành cao thì lỗ nhưng chưa phá sản vì đảng dân chủ cần phiếu của công đoàn. Nếu phá sản là coi như đi tây. Trong tương lai mình nghĩ, các công ty sẽ tự động hoá việc sản xuất, không nhờ đến nhiều nhân công. Hãng Ford đang tách riêng thành hai công ty : 1 là sản xuất xe điện và một xe chạy xăng, tìm cách để giảm bớt ảnh hưởng của công đoàn.


Khi mình muốn xây 150 căn hộ, việc đầu tiên là muốn xây bằng nhà tiền chế vì không bị bắt buộc mướn nhân viên của công đoàn. Vừa nhanh vừa nhẹ túi. Do đó với các luật lệ, chi phí xây cất tại Cali đắt hơn gấp 2, 3 các tiểu bang khác. Ông thống đốc Cali mới ký sắc luật là có thể trưng dụng đất đai của nhà thờ hay của tư nhân không sử dụng để xây nhà cho người vô gia cư. Nhà thờ không cho tiền tranh cử nên họ cứ đè nhà thờ ra lấy đất đai của nhà thờ, kêu bỏ không để xây cất các trung tâm cư trú cho người vô gia cư có thể người di dân bất hợp pháp. 


Ông BIden vừa đưa ra chương trình trưng dụng các khu thương mại để xây nhà ở. Đây là chương trình giúp bọn tỷ phú làm giàu. Chính phủ đưa ra chương trình như vậy, cho bọn giàu có mượn tiền để xây cất chớ dân đen nông dân như mình thì chúng có bao giờ xem xét đến đâu. Các chủ các thương xá vắng khách như chùa bà đanh, được chính phủ Biden cho vay tiền 1% để sửa chữa lại, xây cất các căn hộ sang trọng để họ bán kiếm tiền. Dân giàu có họ không muốn cho dân nghèo lao động mướn nhà của họ. Cho nên nhiều người viết cho mình, giải thích môn công dân giáo dục là phải đóng thuế để xây cất trường học đủ trò. 


Ông Warren Buffett cứ ca bài là thư ký của ông ta đóng thuế nhiều hơn ông. Chán Mớ Đời 

Có người giải thích cho mình là người Mỹ đóng thuế để xây đường xá, trường học,…khiến mình buồn cười. Trường học của con mình cần tiền để xây lớp mới có hệ thống wifi tốt cho học sinh. Chính phủ đâu có bỏ tiền ra đâu. Họ làm cái luật kêu gọi mua trái phiếu (bond) để xây cất thêm trường lớp rồi người dân địa phương đóng thuế để trả. Nếu chúng ta xét kỹ thì tiền thuế địa ốc mỗi năm theo Proposition 13 chỉ được lên tối đa 2% nhưng họ lại bỏ đủ loại lệ phí gì đó lên gần 3%. Mình đi họp về xa lộ miền nam Cali thì trong tương lai năm 2024, các làn xe Carpool ngày nay sẽ được thay thế bởi Fastrack để thu tiền người chạy xe. Chán Mớ Đời 

(Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn