Sự thành hình Khu Hoà Bình Đàlạt trước 1975

 Lâu lâu mình thấy trên mạng có người tải mấy tấm ảnh cũ của Đàlạt xưa nhưng lại chú thích không đúng về sự hình thành của Đàlạt nên hôm nay mình thử đưa lên vài tấm ảnh mình kiếm được trên mạng hay của những người không quen gửi riêng cho mình đến trên 700 tấm.

Hôm nay mình nói về sự hình thành của khu Hoà Bình Đàlạt. Khi người Pháp muốn xây dựng Đàlạt thành một trung tâm nghỉ mát cho giới công chức thuộc địa Đông Dương và muốn biến thành một thủ đô hành chánh của Đông Dương thì theo thiết kế của kiến trúc sư họ, các vùng trên đồi được dành cho người ngoại quốc còn vùng thấp, thung lũng thì dành cho người Việt và người thượng mà họ gọi là “indigènes “.

Hội trường Hoà Bình được xây cất lại thời tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi Chợ Mới được xây dựng.

Thậm chí hồ Xuân Hương ngày nay, họ cũng chia ra thành hai: hồ Lớn (Grand Lac) và hồ nhỏ (Petit Lac). Hồ Lớn dành cho người Pháp chơi thể thao và hồ nhỏ dành cho người địa phương.

Đây là bản đồ Hồ Lớn bên phải và Hồ Nhỏ bên trái, bên cạnh là các chợ và trung tâm thương mại của người Việt và người Thượng. Ta thấy từ cái đập Hồ Lớn chảy qua khu vực thấp của người Việt sinh sống, có cái hồ Nhỏ mà đề Rivière Cam Ly .
Tấm ảnh này thường thấy xuất hiện trên mạng của ai đó nói vè Đà Lạt. Lý do là ai đó chú thích là đường tại Đà Lạt, năm 1925. Mình nghĩ họ chú thích sai. Có lẻ tấm ảnh này thuộc trong các tấm ảnh ảnh của ông Cunhac, từng là thị trưởng Đà Lạt nên họ đề Đà Lạt. Có ai bàn trên mạng, nói tấm ảnh này thuộc thành phố Huế. Năm 1925, Đà Lạt chưa có người Việt lên ở và nếu có thì khu gần ấp Ánh Sáng sau này năm 1932 bị lụt cuốn trôi. Mình mất thì giờ để định vị khu vực này, so với các tấm ảnh trước 1935 thì không tìm đâu ra vì đường rất thẳng, không lên đồi, xuống dốc. Nhìn mái nhà thì chắc chắn không thuộc ngói làm nhà tại Đà Lạt. Huế có lẻ đúng hơn 
Đây là tấm ảnh chụp HỒ Lớn, lúc Thuỷ Tạ chưa được xây cất, ta thấy cái đập cũng là con đường như cầu Ông Đạo ngày nay chạy từ khách sạn Palace qua bên kia hồ ngay đường Đinh Tiên Hoàng.

Đến năm 1932, có một trận bão lụt lớn, đã làm vỡ cái đập HỒ Lớn, phá huỷ cái đập hình trên và nước cuốn đi khu phố người Việt, nghe nói có mấy người Việt bị chết.

Người Pháp mới dời khu chợ người Việt lên khu Hoà BÌnh ngày nay vì trên nguyên tắc, khu vực này dành cho người Pháp vì trên đồi, ta thấy dinh tỉnh trưởng, đã được xây cất phía sau lưng đường Phan BỘi Châu.



Đây là bản đồ khu Hoà Bình, khi chợ người Việt được dọn lên đây, mình có kể vụ này rồi, ai thích thì tìm trên blog của mình. Phần màu đỏ là đã xây xong rồi. Thật ra dãy phố bánh mì Vĩnh Chấn, chưa được xây. Xem mấy tấm ảnh cũ trước khi Chợ Cây (Chợ Gỗ) được xây cất. Chợ xổm chớ chưa có Chợ có mái lợp.
Ta thấy lúc đầu chỉ chợ Xổm, người bán ngồi giữa đường, thấy dãy phố xây bằng gạch của tiệm vàng Bùi Thị Hiếu sau này, dãy phố nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ hai tầng.
Hình này chụp từ dãy phố ông Đội Có, thấy chợ Đàlạt xưa, lúc mới được dời lên, có dãy phố Bùi Thị Hiếu, Parimode, Cà phê Tùng sau này. Phía dãy phố Vĩnh Chấn, chưa được nhà thầu Võ Đình Dung xây dựng. Chỉ thấy cái trạm biến điện. Sau này được chuyển vào cạnh Đoàn Thị Điểm.
Đây là chợ khi xưa, lúc dãy phố Bùi Thị Hiếu chưa được xây bằng gạch.

Dần dần người Việt di cư lên đây đông, người Pháp cần cu-li người Việt nên cho phép người Việt di cư đến đây nhưng phải có giấy phép. Họ nhờ ông Bảo Đại ký sắc lệnh biến thành Hoàng Triều Cương Thổ để giới hạn người Việt lên Đàlạt sinh sống, nhằm bảo về trung tâm nghỉ mát của người ngoại quốc.

Bản đồ của khu thương mại người Việt sau 1932. Mình có làm dấu với các mũi tên, địa điểm người chụp hình đứng để chụp dãy phố Bùi Thị Hiếu, Mekong hay Cà Phê Tùng.

Đây là bản vẽ của khu phố xưa lúc chưa làm Chợ Cây (Chợ Gỗ). Hình màu xanh có gạch ngang màu xanh là khu Hoà Bình ngày nay.

Đây là hình ảnh Chợ Cây (Chợ Gỗ) Đàlạt xưa đang được xây cất.

Đây là Chợ Gỗ nhìn từ phía trong, bên phải là hàng của mẹ mình khi xưa trước khi dọn xuống chợ mới. Lý do họ gọi là Chợ Cây vì cấu trúc bên trong được làm bằng cây, dạo ấy bên Tây mới bắt đầu sử dụng loại đà cong làm bằng ván được ép lại với nhau ra hình tròn.

Đây hàng trái cây, mình đang tìm hàng của Dì Ba, bạn của mẹ mình nhưng hình mờ quá. Ta thấy mấy ống thông hơi của mặt tiền.
Đây là hình ảnh năm 1940 khi chợ Gỗ được xây cất, chúng ta thấy mấy cái kiosque bên phải mà mẹ mình khi vào Đàlạt năm 1948, có kể lại.
Mình nghe nói Chợ Gỗ bị cháy nên chợ tạm thời dời ra đường Phan Bội Châu. Thời thị trưởng Trần Văn Phước mới nẩy ra ý định xây Chợ Mới và biến Chợ Gỗ thành khu Hoà bÌnh, có rạp xi-nê.
Chợ xây xong, do kiến trúc sư người Pháp tên Pineau thiết kế, thấy tương tự nhà thợ bên Tây, có cái tháp chuông, điểm nhấn cho Đàlạt, để người dân có thể định hướng. Bến xe đậu trước chợ. Ta thấy bên phải là một dãy phố được xây bằng đá ong như bên pháp.

Ta thấy người Pháp đã thiết kế dãy phố bên phải, hướng CHợ Mới, nhà hàng La Tulipe Rouge.

Toàn cảnh của Chợ Gỗ và dãy phố bên phải, 2 tầng, tạo dựng một trung tâm thành phố khá đặc biệt. Chỉ tiếc là họ đạp phá đi

Hình này chụp từ đường Maréchal Foch, sau này thời ông Diệm đổi thành đường Duy Tân, ngay tiệm Thế An Đường còn được gọi là tiệm con cua vì logo của tiệm là hai con cua. Ta thấy dãy phố bên kia che gió từ phía hồ Xuân Hương vào.
Không gian của Chợ Cây ngày đó, bên phải có dãy phố, có đường đi dưới cái vòm để che nắng mưa mà bên Pháp hay sử dụng, đặc biệt ở Paris có con đường Rivoli dài với những arcades này nhưng to lớn hơn.

Hình này cho thấy bên hông chợ, chụp từ tiệm chụp hình Hồng Châu. Mình đoán là do ông chủ tiệm này chụp từ trên lầu của nhà ông ta. Thấy chợ tràn ra ngoài.

Hình này cho thấy rõ hơn các vòm chỗ bộ hành đi qua, che nắng che mưa, rất tốt nhất là hướng Tây nên về chiều, nắng đập vào tiệm rất mạnh, mà ta thấy sau này dãy phố phía tiệm đồng hồ Tiến Đạt, phải treo các tấm tăng để che nắng.

Tấm không ảnh cho thấy dãy phố che gió phía photo Hồng Châu, lúc chợ Mới chưa được xây cất dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Ta thấy nhà ông Đội Có, sau này họ dời bến xe tước cửa Chợ Cây, ra đây,  mà chúng ta quen gọi bến xe Tùng Nghĩa, nhưng lúc đầu là có xe chạy Trại Hầm, Chi Lăng, trước cửa chợ.

Hình này chụp ngay địa điểm khách sạn Thuỷ Tiên cho thấy dãy phố bên kia, có căn phố 3 tầng cạnh photo Hòng Châu, sau này bị phá bỏ. Sẽ kể sau.

Khi thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế quốc trưởng Bảo Đại, đang cư ngụ tại Hương Cảng, và thành lập đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, thì lúc đó có một kiến trúc sư họ Ngô, từng học đại học kiến trúc ở Đàlạt, trường Grand Lycée, làm gia sư cho gia đình ông bà Võ Quang Tiềm, mẹ bà Tiềm và bà cố ngoại mình là chị em ruột.

Sau này, ông Tiềm gã một cô con gái cho kiến trúc sư Thụ, rồi cho du học tại Pháp, mua nhà để ở Issy Les Moulineaux, sau này qua Pháp, mình có gặp cậu Miên, và cậu Tri, con ông bà Tiềm tại đây. 

Đúng lúc ông Diệm lên thì Dượng Thụ đoạt giải Grand Prix de Rome, mà  người Pháp tổ chức hàng năm, để tuyển nhân tài. Khôi nguyên của giải này sẽ được gửi đi Ý Đại Lợi, ở Villa MEdici, 3 năm, được chính phủ pháp đài thọ ăn ở và họ sẽ nghiên cứu một đề tài nào đó do họ tự chọn. Giải này được bỏ sau cuộc cách mạng văn hóa 1968. Lúc mình học thì trường quốc gia mỹ thuật Paris có tổ chức một giải khác để thay thế nhưng ít ai tham dự vì chẳng có tiền. Làm cho vui thôi, có 4, 5 thí sinh tham dự, vì bố làm kiến trúc sư.
Dượng Thụ được cử điều chỉnh lại khu Hoà Bình. Mình thấy Dượng phá cái nhà 3 tầng, cạnh photo Hồng  Châu, rồi thiết kế cái cầu thang từ khu Hoà Bình vào chợ rất hay. Thêm cái cầu thang này không thẳng băng mà nối chéo phải cái đồn cảnh sát dưới chợ.
Phía bên đường Lê Đại Hành thì dượng thiết kế một cầu thang to lớn nhưng nếu dượng thiết kế cầu thang này như cầu thang của công trường Tây BAn Nha (piazza espagna) ở thủ đô la mã thì quá đẹp. Có lẻ hết tiền.
Dượng phá dãy phố có vòm để thay vào đó các kiosque như khi xưa lúc chưa đi du học.

Căn phố 3 tầng cạnh photo Hồng Cháu bị phá bỏ để thành lập cái cầu thang đưa vào chợ. Mình thấy cầu thang này được thiết kế rất mới lạ và đẹp. Chỉ tiếc là dượng cho phá bỏ dãy phố vòm ở khúc này để thay thế bằng các kiosque mà thời tây đã làm, như kiosque bán đồ lưu niệm Hoàng Lan. Chán Mớ Đời 

Không ảnh cho thấy rõ, Chợ Mới được kết nối với khu Hoà Bình bằng hai cầu thang. Cầu thang lớn cạnh vũ trường La Tulipe Rouge và chiếc cầu kết nối từ cầu thang ngay photo Hồng Châu đi vào chợ. Mình chỉ tiếc là đã phá bỏ dãy phố vòm nối tiếp dãy photo Hồng Châu, thay vào đó vào mấy cái quán liệu xiêu Chán Mớ Đời .

Vườn hoa ngay chợ bị ông thầu khoán Nguyễn Đình Chiểu, người thầu xây chợ mới Đàlạt, xin đất làm khách sạn Mộng Đẹp, phá nát không gian ý tưởng của dượng Thụ. Ngày nay thì càng te tua hơn nữa.

Cùng lúc thiết kế đô thị, dượng Thụ cho giải toả bến xe trước khu Hoà BÌnh ngày nay, đưa bến xe Sàigòn Đàlạt xuống ngay ấp Ánh Sáng, thị trưởng cấp cho ông chủ nhà hàng Chic Shanghai đất để mở cây xăng Caltex, ngoài ra có bến xe vùng lân cận như Tùng Nghĩa, Trại Hầm thì ở phía sau dãy phố của ông Đội Có. Còn bến xe đò Chi Lăng mà người lớn hay gọi Saint Benoît thì được đưa xuống Chợ Mới, vì dân tình đi chợ nhiều để tránh xe cộ nhiều ở khu Hoà BÌnh. Hình trên là bến xe đò Tùng Nghĩa,…
(Còn tiếp)
Dài quá để hôm nào rảnh thì kể tiếp vì mình có cả 1,000 bức ảnh về Đàlạt.
Nguyễn Hoàng Sơn 


Thử nghiệm chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải

 Mình viết bài này sau bài chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải nhưng lại tải lên sớm hơn. Để mình sẽ tải lên bài kia ngày mai.

Năm 2008, người ta có thử nghiệm chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải tại nước Do Thái trong vòng 2 năm trời, để xem kết quả của chế độ dinh dưỡng. Cuộc thử nghiệm này do các giáo sư quốc tế tham gia như ông Meir Stampfer, giáo sư khoa dịch tễ học của đại học Harvard.

Họ chọn 322 người tương đối béo phì, trung niên, đa số là đàn ông và cho họ theo 3 chế độ dinh dưỡng:

1/ low Carbohydrate (ít tinh bột), mà giới trẻ ngày nay ưa chuộng

2/ low fat (ít chất béo) và

3/ chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải (Mediterranean Diet)

Họ nấu ăn ở căng-tin để cho mấy người này ăn và quan sát.

Sau 2 năm trời thử nghiệm thì họ khám phá ra nhóm người theo chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải, ít có cơ nguy bị bệnh tim so với nhóm theo chế độ ít chất béo. So với nhóm ít chất béo thì nhóm Địa Trung Hải có ít Triglyceride hơn, có nhiều HDL và ít LDL, ít số lượng chất đạm C-reactive (tín hiệu bị bệnh cấp tính nhiều) và ít insulin (dấu hiệu bệnh tiểu đường), và số người này giảm cân trung bình độ 10 cân anh so với nhóm ít chất béo chỉ có 7 cân anh.

Thấy họ đề dầu ăn là thấy ớn lạnh vì dầu thực vật không tốt. Cái này do các công ty thực phẩm đề ra chớ trên thực tế thì không phải vậy.

Ông giáo sư Stampfer cho biết nếu khởi đầu giảm cân thì nên theo chế độ Địa Trung Hải thay vì chế độ ít chất béo. Ông này cũng không thích quảng bá kết quả của nhóm thứ 3, nhóm theo chế độ dinh dưỡng ít tinh bột, hơi nhiều chất béo. Lý do là họ xuống 12 cân anh, tim của họ tốt, nhất là Triglyceride rất thấp và HDL cao hơn 2 nhóm kia.

Do đó cuộc thí nghiệm này không đưa lại kết quả như họ mong muốn nên không được quảng bá trên báo chí. Kết quả đi ngược lại những gì chúng ta học từ trước đây là chất béo gây bệnh tim mạch.

Năm 2013, ở Tây BAn Nha có thử nghiệm chế độ Địa Trung Hải. Họ chọn 7,447 đàn ông và phụ nữ tuổi từ 55-80, được chia thành 3 nhóm. 2 nhóm đầu theo chế độ Địa Trung HẢi và nhóm thứ 2 dc cho ăn thêm đậu phụng, hạnh nhân, óc heo và nhóm thứ 3 thì họ cho ăn thêm dầu Olive.

Sau 5 năm thì có 109 người trong nhóm đầu bị đột quỵ, chết vì tim mạch so với 96 người trong nhóm ăn thêm dầu Olive, và nhóm ăn dầu olive thêm đậu phụng chỉ có 83 người bị. Thế là báo chí đăng tin chế độ Địa Trung Hải có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch và từ đó thiên hạ ùn ùn ăn theo lối này.

Mình có thử ăn theo 3 chế độ thì kết quả chả đi đến đâu cả, vì ít thời gian nhưng từ dạo mình bớt ăn tinh bột (cơm, bánh mì, pasta ) thì thấy giảm cân, ăn thêm chất béo, và theo chế độ Intermittent Fasting thì xuống 20 cân từ hai năm. Nay thì mình chơi một ngày một bữa (One Meal a Day OMAD), bớt lo ăn uống để có thì giờ đọc sách, xem phim tài liệu. Chỉ có khi nào mình đi leo núi thì phải ăn buổi sáng để khỏi bị vọt bẻ. Xong om.

Ngày nay, người ta đặt lại câu hỏi về thử nghiệm của ông Ancel Keys như trường hợp ở Hy Lạp và Crete. Ông ta chỉ đến đó 3 lần và chọn một ít người sở tại tại đây, và có 33 người được được đo đạt do đó các kết quả rất phiến diện vì dạo ấy có đến 8.3 triệu người Hy Lạp và 438,000 người dân tại đảo Crete.

Dạo mình đi Hy Lạp và Crete thì mình thích ăn xà lách của họ (greek salad) vì có phô mát dê, cà chua, dầu olive,.. trong bản công bố của ông Keys, không thấy nói về sữa, thịt cừu, dê mà người Hy Lạp ăn hay uống nhiều hơn là sữa bò, ít thịt gà. Công bố của ông Keys không đúng sự thật.

Thịt gà được ông Keys khuyến khích thật ra không có sinh tố B12 và B6 như thịt cừu và các chất dinh dưỡng khác như Selenium. Thianine, riboflavin, và chất sắt.

Mỗi tuần mình phải chạy ra Bolsa để ăn một đĩa lòng gan để có mấy chất này, khỏi cần ăn cháo vì tinh bột. Phải đi ăn thịt cừu ở các tiệm ăn ả rập.

Người ta khám phá ra các nông dân đảo Crete, tiêu  thụ 54% chất béo bão hoà và bệnh tim mạch rất thấp. Ngoài ra người ta nhận thấy người Tây BAn Nha ăn thịt bò nhiều hơn, ít uống rượu, và dùng dầu olive nhiều hơn, khiến người dân ở đây khoẻ mạnh hơn xưa nhiều. Từ năm 1960 đến 1990, người tây ban nha tiêu thụ ít đường và tinh bột lại thì tỷ lệ bệnh tim mạch cũng giảm theo.

Vấn đề là chúng ta có nên theo chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải? Lý do là ăn theo chế độ này thì phải theo văn hoá của vùng này. Mình nhớ khi đi HY Lạp và Crete 1 tháng thì được mời ăn ở nhà dân địa phương. Họ ăn rất chậm, đời sống không như ở Hoa Kỳ, ăn lẹ lẹ. Được cái là Hoa Kỳ là hợp chủng quốc nên có nhiều sắc dân nên mình cứ nhớ ngày xưa sống bên Ý Đại Lợi, Pháp quốc, Đức quốc, Anh Quốc đi xứ này xứ nọ nên hay kiếm mấy tiệm ăn các xứ này để nhớ lại, hồi tưởng về một thời vui tính.

Nói chung mình ăn hằm bà lằn, đủ thứ trong tuần, khác với đồng chí gái cứ đồ ăn việt. Mấy đứa con thì quen ăn đủ thứ các thức ăn ở Hoa Kỳ như ấn độ, Mễ, trung đông,… có lẻ chúng ta nên tìm cách ăn, thức ăn hợp với mình nhất là có đủ chất bổ. Mình nhớ mẹ vợ mình khi xưa, mỗi bữa com là có món canh rau, món thịt kho, và một món xào rau cải,…sống đến 94 tuổi.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải

Mình viết bài này trước bài thử nghiệm nhưng quên tải lên.

 Thập niên gần đây, người ta nói đến chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải (meditarrenean Diet), quán ăn ở Cali thêm vào thực đơn các món đề Địa Trung Hải đủ thứ trò, hàng quán Địa Trung Hải mọc lên như nấm. Lý do là Sardinia (Ý Đại Lợi), Hy Lạp, Crete nằm trong vùng xanh (Blue zone) nơi họ xem là người ta thọ rất lâu.

Họ điều nghiên chế độ dinh dưỡng của người ở vùng này đủ trò. Họ quy ra ăn xà lách nhiều và dầu Olive nên quảng cáo bán dầu olive đủ trò,…

Nếu xét cho kỷ thì người ta nhận thấy đảo Okinawa của Nhật Bản, được xếp vào vùng xanh nhưng do quân đội mỹ chiếm đóng nên người dân sở tại bị ảnh hưởng và bắt đầu ăn theo chế độ người Mỹ thì cũng béo phì như điên, bệnh tiểu đường gia tăng,..

Các nước thuộc vùng xanh, nay ăn uống nhiều hơn vì giàu có hơn nên ăn nhiều calories, chất béo nên cũng bị bệnh béo phì hết. Thế hệ bố mẹ họ khi xưa, đất nước chưa phát triển nên ăn ngày 2, 3 bữa, nay thêm mấy bữa nhỏ nên bị béo phì.

Lò mò mình kiếm tài liệu đọc thêm thì thất kinh.

Khởi đầu là do bà giáo sư đại học y khoa ở Athens, Hy Lạp. Khi thực tập tại bệnh viện, bà ta khuyên các bệnh nhân ăn dầu thực vật vì WHO theo dấu chân của AHA (hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ) khuyến cáo. Một hôm có một bệnh nhân nghèo nói, bác sĩ nói tôi ăn dầu thực vật nhưng tôi quen ăn dầu olive. Một loại dầu mà người Hy Lạp ăn, cái gì cũng thêm vào như người Việt với nước mắm.

Nhưng Hoa Kỳ là nước tiên tiến, kêu gọi ăn dầu thực vật như đậu nành, bắp,…và kêu loại dầu bão hoà là không tốt nên các nông dân bắt đầu chặt mấy cây Olive để trồng các loại thực vật để ép dầu. Vụ này khiến bà ta suy nghĩ vì cả mấy ngàn năm qua, người Hy Lạp đều sống với dầu olive, nên tự đặt câu hỏi về dầu Olive.

Được biết khi bà ta còn trẻ, người Hy Lạp được xem là giống dân thọ thứ hai sau người Đan MẠch và bắt đầu nghiên cứu, thì gặp hồ sơ của 7 nước của ông Ancel Keys. Hồ sơ nghiên cứu người dân Hy Lạp và Crete. Ở đây, ông ta gặp những người mạnh khoẻ vô cùng khiến các nghiên cứu gia xem Crete là nơi thiên đường vì người dân rất khoẻ mạnh. Mình có ghé đây 1 tuần lễ, chạy xe vòng đảo này.

Chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải nhờ hồ sơ của ông Keys và nghiên cứu của bà giáo sư Trichopoulos vì muốn bảo vệ văn hoá cổ truyền Hy Lạp , không muốn người ta đốn cây olive giúp thế giới phát triển và giới thiệu chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải nhất là nước Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Hai nước này xuất cảng dầu Olive nhiều nhất thế giới ngày nay.

Thời La MÃ, đuối thời Ceasar Adriano, người gốc Tây Ban Nha, dầu Olive của xứ này được ưa chuộng nhất đế chế. Họ dùng làm xà bông, như kem da mặt ngày nay,…

Bên Ý Đại Lợi, có bà Anna Ferro-Luzzi cũng nghiên cứu về dầu Olive tương tự bà giáo sư Hy Lạp. Bà ta nghiên cứu về  bệnh tim mạch. Sau đó lại tham khảo là các nước vùng Địa Trung Hải như Pháp quốc và Tây Ban Nha, tiêu thụ gấp đôi số lượng khoai tây hơn người dân Hy Lạp và Ý Đại Lợi. Do đó chúng ta có thể gọi chung là chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải? Có lẻ vì vậy mà hồ sơ của ông Ancel Keys, loại bỏ các nghiên cứu về người Pháp, và người Tây Ban Nha thậm chí người Ý Đại Lợi miền bắc vì giáp giới với Pháp quốc.

Từ đó sự nghiên cứu của hai phụ nữ này đã phổ biến chế độ dinh dưỡng Địa TRung Hải toàn thế giới, các quốc gia này lại bỏ tiền ra để giúp các nghiên cứu gia như tổ chức đại hội thảo, nghiên cứu,… ngoài ra UNESCO lại phán văn hoá của quốc tế, cần phải bảo giữ.


Vấn đề là dầu olive là chất béo bão hoà, ngược với các đường lối dinh dưỡng của Hoa Kỳ và các nước tây phương lúc ấy, khuyến khích người ta dùng dầu ăn thực vật mà mình đã kể rồi.

Trong giới nghiên cứu về thực phẩm, ai cũng biết nghiên cứu của nhóm ông Ancel Keys có nhiều cái sai và được chọn lọc nên không thể áp dụng được cho mọi người, nhưng không ai dám lên tiếng phản bác lại cây đại thụ của ngành dinh dưỡng Hoa Kỳ.

Đến khi có hai người Mỹ khác là ông Greg Drescher, sáng lập viên của nhóm Oldways Preservation and Exchange ở Cambridge, Hoa Kỳ và ông Walter C. Willett, giáo sư đại học y tế cộng đồng của Harvard lên tiếng. Hai người này sang Hy Lạp và gặp bà Trichopoulo, được mời đi ăn cơm Hy LẠp, rất ngon và được bà này giải thích thêm về dinh dưỡng Địa Trung Hải.

Vấn đề là dạo ấy ông Dean Ornish là vua dinh dưỡng tại Hoa Kỳ, theo tiêu chuẩn ít chất béo mà ông Steve Jobs ăn uống theo phương pháp này, lại càng khiến các trí thức Hoa Kỳ theo rất đông (phương pháp này khiến cơ thể thiếu nhiều chất dinh dưỡng như sinh tố A, B được hấp thụ qua chất béo khiến gây bệnh ung thư mà mình đã có kể rồi). Hai người này nghiên cứu với các vị khác và được WHO ủng hộ. Họ lại trừ các nước thuộc vùng Địa TRung HẢi như Pháp quốc, Tây BAn Nha, Bồ Đào Nhà và ngay cả bắc Ý Đại Lợi, chỉ chú trọng vào Hy lẠp và miền nam Ý Đại Lợi.

Từ từ họ dựa vào cái kim tự tháp dinh dưỡng Hoa Kỳ và chuyển đổi một ít, thêm dầu ăn olive vào năm 1993. Sau bao nhiêu hội thảo được các chính phủ Hy Lạp và Ý Đại Lợi bảo trợ. Oldways kết hợp với International Olive Oil Council (IOOC), do Liên Hiệp Quốc thành lập nhằm mục đích kiểm soát chất lượng của dầu Olive và bắt đầu tiếp thị cho chế độ dinh dưỡng Địa TRung Hải hay đúng hơn là Nam Ý Đại Lợi và Hy Lạp. Các công ty hiệp hội dầu Olive đổ tiền vào cho mấy nghiên cứu này.

Công thức hoá học của dầu thực vật không có thẳng như dầu bão hoà Olive (hình dứoi)

Họ cho biết là các nước sản xuất dầu olive bỏ ra trên $215 triệu đôla để quảng cáo dầu Olive. USDA và AHA bỏ ra 3 thập niên để kêu gọi người Mỹ ăn ít chất béo, nhiều ngủ cốc, nay đành phải thêm dầu olive. Dù chưa đánh đổ được thuyết ăn ít chất béo, nhưng người Mỹ bắt đầu ăn dầu Olive, chất béo bão hoà và đến nay thì chế độ dinh dưỡng Keto tràn ngập thị trường. Họ đi từ không ăn chất béo đến ăn chất béo như điên và không ngủ cốc, rau cải. Chán Mớ Đời 

Vậy dầu Olive giúp chúng ta sống thọ hơn? (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Boston có gì lạ không em

Lâu lâu bổng nhớ những chuyện tình toả nắng của một thời nên ghi lại để khỏi quên.  

Dạo còn ở Việt Nam, mình mê bản nhạc “Paris có gì lạ không em” của ông Ngô Thuỵ Miên phổ thơ ông Nguyên Sa, du học tại Pháp, phải về nước vì chuyện gia đình, làm thơ cho người yêu tên Nga, cũng du học sinh, bạn của cô giáo dạy Việt Văn mình. Bài hát khiến mình ấp ủ mộng đi Tây để xem Paris ra sao. Thời đó mộng ước chỉ đi tây, chả có mong gì khác. Giấc mơ bình thường.

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Mà thật, sương mù Paris trên dòng sông Seine quá tuyệt vời. Mình nhớ mỗi sáng đi học, lấy tàu điện ngầm từ Neuilly sur Seine xuống đường Rivoli, băng ngang qua viện bảo tàng Louvre, rồi chiếc cầu nghệ thuật, Nghệ Kiều (passerelle des arts) để đến trường, nhìn sương mù và ánh mặt trời đang lố dạng từ phía Notre Dame de Paris hiện ra trên Cầu Mới (pont Neuf). Quá đẹp. Về thăm Paris nhiều lần nhưng mình không có dịp đi lại đây vào buổi sáng. Hy vọng lần sau.

Chỉ có điều là mình không phát hiện người tình hay người bạn đời tại Paris mà ở Boston, Hoa Kỳ. Boston Không có dòng sống Seine, lại có dòng sông Charles, sương mù thì mình không biết nhưng đã để lại cho mình nhiều kỷ niệm của một thời.

Năm 1986, đang làm việc tại Anh Quốc, mình đi hè sang Hoa Kỳ để xem xứ Cờ Hoa ra sao vì các kiến trúc sư của Hoa Kỳ rất nổi danh vào thời đó. Bao nhiêu toà nhà to cao, với kiến trúc đương đại đầy ấn tượng đều được xây cất tại Hoa Kỳ. Điểm đầu tiên là New York, rồi ghé thăm gia đình thầy Chử Bá Anh tại Virginia rồi từ đó viếng Chicago cũng có một trường phái kiến trúc nổi tiếng khác, sau đó qua Saint Louis thăm cô bạn Mỹ, sinh viên kiến trúc, quen ở Paris, và có đi chơi chung ở Hy Lạp, Ý Đại Lợi và Anh Quốc. Sau đó mới bò qua Cali, thăm Chử Nhị Anh, San Francisco thăm Đổ Quý Dân rồi ghé lại Boston, trạm chót trước khi qua Gia-nã-đại để gặp lại Nguyên, bạn học cũ.

Mình ghé lại Boston, thăm anh bạn học cũ Chử Tam Anh, đang làm luận án tiến sỹ ở M.I.T. Ban ngày mình đi viếng thành phố Boston và các viện bảo tàng, chiều về thì anh bạn mới ngủ dậy vì học đêm ngủ ngày. Hôm đầu tiên, anh ta rủ mình đi ăn lại mời thêm một cô sinh viên Harvard, gốc Việt, con gái của giáo sư H. Cô này xinh, Bắc kỳ. Anh ta kê khai lý lịch cô này đủ trò nhưng mình thấy mệt quá vì ở Anh Quốc, xa xôi.

Hôm sau, mình viếng thăm thư viện tổng thống John Kennedy do kiến trúc sư I.M. Pei thiết kế, không ngờ sau này mình lại làm việc cho ông ta tại New York. Tối đó, anh bạn rủ một cô sinh viên nha khoa của đại học Boston đi ăn. Ông thần này nghiên cứu tử vi, viết phần mềm tử vi nên bao nhiêu sinh viên vùng này, nhất là mấy cô đều tìm đến xin thầy tử vi điện toán một quẻ. Bao nhiêu cô xinh đẹp trong vùng, tình duyên  gia đạo đều nằm trong máy điện toán của anh bạn.

Gặp cô này, người Nam, cô nàng tuy đeo kính cận nhưng rất xinh, có má núm đồng tiền. Tối đó chỉ có mình và cô ta nói chuyện còn “ông Mai” chỉ ngồi ăn. Chả biết nói chuyện gì nhưng nói rất nhiều đến khi Tam Anh kêu phải về. Có lẻ lần đầu tiên, mình nói nhiều khi gặp một cô gái lạ. Mình nói 3 ngày nữa sẽ trở lại Boston, có gặp lại nhau được không. Cô nàng nhất trí. Tam Anh kêu sẽ không có mặt vì về thăm nhà. Không sao, gặp được người đẹp là vui không cần tên này đi theo. Mình hẹn đi ăn cơm sau khi bay từ Ottawa về.

Sáng hôm sau, mình bay sang Ottawa thăm gia đình tên bạn học cũ ở Đàlạt. Gặp lại hắn thì vui nhưng đầu óc mình cứ nhớ tới cô bé cận thị ở Boston. 3 ngày sau, mình bay về phi trường Logan, lấy taxi đến ký túc xá của cô nàng. Bấm chuông, không ai mở cửa. Gọi điện thoại thì đường dây bị cắt. Kinh

Tính bỏ về, chắc lại bị cô gái xù. Mình thử lần cuối, gọi cho tổng đài, kêu là mình từ pháp sang, đang ở phi trường, gọi không được nhà người quen. Mới mấy hôm trước thì gọi được, sao hôm nay lại bị cắt. Tổng đài cho biết là cuối năm học, ký túc xá đóng cửa, không có tổng đài nên gọi vào không được. Bà ở tổng đài, nói đừng rời máy, họ sẽ gọi cho cô nàng.

A-Nô! Thế là nghe lại được giọng cô nàng. Cô nàng kêu sẽ xuống ngay. Sau đó mới giải thích quên vụ ký túc xá đóng cửa. 2 ngày nữa thì cô nàng bay về Cali, nhưng điện thoại hay gì đều bị cắt. Đang ngồi buồn vì không biết có gặp lại SƠn Đen hay không. Như Thuý Kiều gặp Kim Trọng, tự hỏi “người đâu gặp gỡ làm chi, 100 năm biết có duyên gì hay không”.

Hôm đó cô nàng đeo Contact lenses nên xinh nức nở. Sau này cô nàng thú thật là hôm đó rớt mất đâu một Contact lense, chỉ đeo có một con. Cô nàng kêu taxi đi đâu đó ăn, mình chả nhớ quán gì, chỉ nhớ là mừng hết lớn. Hôm sau, mình bay về New York rồi bay về Luân Đôn đi làm.

Vấn đề là khi về lại Luân Đôn, đầu óc mình quay cuồng, đi ngoài đường cũng nhớ nhớ rồi cười cười một mình. Lúc đó mình mới hiểu là bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời. Mình hỏi bà thầy dạy anh ngữ mình thì bà ta gọi coup de foudre . Chán Mớ Đời . Say nắng như ngày xưa còn ở Đàlạt, bị đối tượng hớp hồn nhưng kỳ này có phần nặng hơn.

Ông Đức Huy có làm bản nhạc khi rời Paris để lại con tim, mình cũng để lại con tim khi rời Boston, nhớ người ở lại.

Đang tìm cách mượn thời gian để quên như những cô gái mình gặp trước đây khi đi du lịch hay làm việc các nước khác thì bổng nhiên một buổi sáng đâu 4, 5 giờ sáng, tiếng điện thoại reo. Mò dậy, thì bên đầu kia đường dây là tiếng cô nàng. Kinh

Mình mê cái núm đồng tiền và hai con mắt cận. Kinh

Mình nghe cô nàng nói là sẽ bay về Berkeley để học thêm lớp gì vào mùa hè, chưa biết ở đâu nên chưa có điện thoại hay địa chỉ nên xem như là Adieu Jolie Candy. Nay bổng nhiên nhận được điện thoại, rồi cô nàng kêu nhớ mình quá nên gọi. Cô nàng kêu chưa bao giờ bị lâm vào trường hợp này, Bồ bịch rất nhiều,…nhưng đây là lần đầu bị quay cuồng. Kinh

Mình cũng rên là như điên khùng bú xua la mua. Thế là cuộc tình viễn liên khởi đầu, cuối tháng trả tiền điện thoại viễn liên quốc tế mệt thở, đến nổi British Telecom, gọi hỏi mình có phải chính mình gọi số bên mỹ hay không. Cuối hè, cô nàng nói sẽ bay sang thăm mình trước khi nhập học. Dạo ấy, bà Thatcher đang phá vỡ các công ty của chính phủ, tư nhân hoá các công ty này bằng cách bán các cổ phần, mình lúc đầu tính để dành tiền mua nhưng cuộc tình viễn liên khiến mình bay hết tiền.

Nói chưa đủ mình tranh thủ viết thư, sau này lên xe bông mình quăng sọc rác hết, chỉ để lại vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Nói chung là cuộc sống mình chỉ đi làm, về ăn rồi viết thư, đọc thư rồi trả lời điện thoại. Nhờ cô nàng mà mình mới bắt đầu kiếm sách việt ngữ đọc, đưa mình về cội nguồn. Từ khi sang tây, xem như mình không đọc sách báo việt ngữ. Hết học tiếng tây, tiếng anh, lại học tiếng Ý Đại Lợi, tiếng Đức, tiếng Tây ban nha. Mình vào thư viện, mượn sách Hoài Thanh nói về thi ca Việt Nam, bao nhiêu sách của nhóm tự lực văn đoàn là ngốn hết, tìm ý để viết thư cho người tình hàm thụ. Chán Mớ Đời 

Mẹ tên bạn tây, kêu mình ghé Vauville chơi với cô nàng, bà ta cho mượn nhà ở ngay bờ biển, nơi mình có đến vài lần khi còn sinh viên. Thế là khi cô nàng sang Luân Đôn, thì mình xin phép nghỉ vài ngày, lấy thuyền sang Cherbourg, hải cảng nổi tiếng ở vùng Normandie, có cuốn phim nổi tiếng “ Les parapluies de Cherbourg” do Catherine Deneuve đẹp kinh hoàng.

Tại đây, thằng Mathias, em cô cậu với tên bạn của mình, ra đón rồi chở về nhà, đưa chìa khoá, chỉ cách mở sưởi, gas,… đến trưa và chiều thì nó ghé lại đón, chở qua nhà mẹ nó ăn cơm, khỏi nấu. Mình may mắn quen được đại gia đình này khi còn sinh viên, chơi rất thân với cả toàn gia đình. Mẹ thằng Mathias, là em gái mẹ tên bạn. Mình quen mẹ của bà này, hay đi vẽ với bà ta. Lần cuối mình về Paris chơi thì người bạn tây của mình bị mất trí nhớ khi chưa đến 6 bó. Cho thấy cuộc đời rất lạ.

Rồi một tuần trôi qua, lại phải bò về Luân Đôn và Boston. Rồi cuộc tình viễn liên, đến Thanksgiving thì cô nàng lại bay sang chơi ít ngày. Lúc này mình mới khám phá ra lý lịch, nhân thân nhân thích trích dọc trích ngang của cô nàng khiến mình thất kinh. 

Cô nàng kể về chuyện tình với một anh chàng mình quen, do bạn bè giới thiệu khi qua Mỹ. Cô nàng và anh chàng có bà con chi đó xa, thích nhau nhưng bố mẹ cô nàng không chịu, muốn cô nàng lấy bác sỹ.

Anh chàng này tốt nghiệp đại học MIT ra, theo học y khoa để thỏa mãn yêu cầu của nhà gái, để được quản lý đời cô này nhưng thấy lâu quá, bố mẹ cô nàng kêu lấy bác sĩ ra trường cho rồi. Thế là cô nàng làm đám hỏi với một bác sĩ Cali, con trai của một ông đại tá nằm vùng, sau bị giết. Gia đình ông này được Việt Nam Cộng Hoà cho di dân sang Hoa Kỳ trước 75. Cô nàng xin cho học xong rồi mới làm đám cưới. Tưởng thuận buồm xuôi gió, ai ngờ lại gặp Sơn đen. Cô nàng kêu không thương ông bác sỹ mà làm đám hỏi. Ông bác sĩ này sau này lấy một cô hàng xóm của mình ở Đàlạt. Chán Mớ Đời 

Giáng sinh năm đó, mình bay sang Cali mấy ngày để gặp bố mẹ cô nàng. Gặp họ mới khám phá ra khó có thể đăng ký nhập hộ khẩu gia đình này. Họ thuộc một giai cấp khác, nhân sinh quan khác, mình thì gốc bần cố nông. Anh bạn kêu mi thật gan nhưng mà phải vào hang cọp mới bắt được cọp con. Cô nàng tuổi Dần. Từ đó mình bắt đầu mất lập trường cách mạng, không tin tưởng vào mối tình Trương Chi Mỵ Nương đương đại, phải bố trí tư tưởng cho một ngày bị xù. Lý do cô nàng kể đã xù rất nhiều anh chàng thậm chí bác sĩ. Chán Mớ Đời 

Phật Đản năm đó cô nàng bay sang Luân Đôn dự lễ này với mình. Cô nàng biết mình thích con gái bận áo dài nên đem sang bận khi đi tham dự lễ ở chùa. Hôm đưa ra phi trường, cô nàng kêu kiếm chỗ nào kín đáo để mi mình. Mình vừa ôm người đẹp vừa lấy cái chân đạp lên Vali cô nàng, sợ tên nào chôm mất. Phản xạ của thời giang hồ khắp âu châu.

Lễ Phật Đản năm đó, mình được cử lên hát chi đó không nhớ nữa.

Đó là lần cuối mình gặp cô nàng, ở phi trường vang vãng bản nhạc “Adieu Jolie Candy! … xem như có duyên nhưng không có nợ, để lại cho mình khá nhiều kỷ niệm đẹp. Sau đó, mình nhận được cú điện thoại của ông bố, cấm mình không được liên lạc với cô nàng. Thế là cuốn phim “chuyện tình viễn liên” bị cúp cái rụp như bao cuộc tình toả nắng chiều mưa. Tắt điện, đi ngủ. Xong om

Sau này, mình có quen một cô sinh viên nha khoa khác. Cô nàng đem về nhà, giới thiệu. Mẹ cô nàng chỉ mặt kêu “anh nà người nương, anh bỏ dạo, phải trở về đạo” khiến mình chới với, kêu nhà cháu 10 đời nay, không ai theo đạo cả nên chưa bao giờ bỏ đạo. Cô nàng lại dẫn mình vào nhà thờ, rồi thỏ thẻ xưng tội, kêu em có làm đám hỏi với một tên khác trước khi gặp sơn đen. Thế là mình chạy biến luôn. 1 lần tởn đến già. Sau này gặp mấy cô học nha hay y khoa là chạy dài.

Sau này mình sang New York làm cho kiến trúc sư I.M. Pei, người thiết kế viện bảo tàng mới Louvre. Một  anh bạn, cũng đang làm luận án tiến sỹ ở M.I.T. , kêu lên đây chơi, muốn giới thiệu một cô cực xinh. Mình nghe lời, bay lên thì phát hiện ra mối tình hữu nghị sông liền sông, núi liền núi của đồng chí gái. Thế là mình nhất trí dọn về Cali. Khi mối tình hữu nghị đã chín muồi, yêu nhau theo chân lý, mến nhau qua lập trường thì hai đứa ra city hall đăng ký quản lý đời nhau, nhập chung hộ khẩu cho đến ngày nay.

Xét ra Boston là nơi mình có duyên gặp người tình và người bạn đời, cũng đều do sinh viên M.I.T., mai mối. May mắn bị cô nàng sinh viên nha khoa xù nên mới gặp được đồng chí gái. Có lần con gái mình hỏi “what is your best deal?” Mình trả lời lấy mẹ con. Đồng chí gái rất can cường, kiên định, bạn bè nói đừng lấy thằng nghèo nhưng cô nàng cương quyết không nghe ai, chỉ nghe con tim mình và 30 năm sau, mấy người khuyên đồng chí gái đừng lấy mình lại kêu, con đó hên, lấy được thằng chồng biết chăm lo gia đình, không nhậu nhẹt, hút xách.

Lúc chuẩn bị đám cưới, một cô phụ dâu nói là biết chuyện mình và người đẹp Boston. Bố cô phụ dâu là bác sĩ nên chắc nghe nói phong phanh chi đó khiến mình thất kinh vì mình ở xa mà Bolsa vẫn biết. Chán Mớ Đời 

Mình nghiệm lập gia đình với một người bạn đời, một người luôn luôn đi bên cạnh mình dù có gặp nhiều thử thách, gian nan, nhưng vẫn có ý chí đi lên và chịu khó. Khi tình yêu đủ lớn, vợ chồng nào cũng vượt qua khỏi các thử thách, thay vì vác chiếu ra toà. Cuộc đời như cuộc chạy đua đường trường Marathon, cái đích là mấy chục năm sau chớ không phải ngày hôm nay. Hôm qua, mình leo lên đỉnh núi cao thứ hai của vùng Los Angeles, ý nghĩ đầu tiên là tiếc, không có đồng chí gái bên cạnh để ngắm cảnh đẹp hùng vĩ. 

Mình thấy có nhiều cặp lấy nhau, môn đăng hộ đối, thấy có vẻ hạnh phúc, có tất cả, địa vị, tiền bạc,… khi về già thì thấy họ mất hết, ly dị nhau, đủ trò. Một vị bác sĩ lợi tức cả triệu đô mỗi năm, về già chả còn gì cả hay bác sĩ trẻ, kê toa thuốc an thần nhiều quá bị rút bằng đi tù,… họ lấy nhau có lẻ vì tình yêu nhưng cũng có thể một phần vì bằng cấp, lương bổng, nên một khi lương bổng hết thì cũng xù nhau luôn.

Cách đây đâu 3 năm, thằng con mình đi theo phái đoàn y tế về Việt Nam. Họ gửi cho cái video, các thiện nguyện viên nói cảm tưởng của họ trong chuyến đi thì mình thấy có một bà nha sỹ nào trông quen, hỏi đồng chí gái thì được trả lời là “thì bà Bồ cũ anh đó”, khiến mình thất kinh. Cô nàng nay phát tướng với thời gian. Chán Mớ Đời 

Mình gửi video cho anh bạn bác sỹ, người tình chung, cặp với cô nàng khi xưa, mấy năm trước khi làm đám hỏi với ông bác sỹ. Cô vợ kêu cô nha sỹ dại, anh chồng bác sỹ vừa giàu, vừa giỏi, khiến cô nàng được hưởng, tương tự đồng chí gái. 

Nếu so sánh giữa cô nàng và cô vợ của anh bạn thì mình chọn vợ anh bạn vì cô này rất thông minh. Nay hai vợ chồng về hưu đã mấy năm nay, đi chơi mút mùa lệ thuỷ. Cô vợ, biết quán xuyến tài chánh nên khi 60 tuổi thì anh chàng đóng cửa phòng mạch về hưu.

Đồng chí gái có trí nhớ siêu việt. Có lần đi ăn cưới cháu tên bạn, người dẫn chương trình giới thiệu một ca sĩ, mình hỏi vợ, bà này sao trông quen quen. Đồng chí gái kêu thì bà bạn anh chớ ai. Bà ta đi hỏi vợ cho anh mà. Quên rồi à? Khi mình sang Cali, có đến nhà cô bạn học cũ Văn Học xưa này thăm. Ra về, người đẹp Boston kêu: “bạn anh mà sao giống bạn của má em quá xá”. Khi đi hỏi vợ, vợ chồng cô bạn học cũ có đi theo, cô bạn kêu: “ông đừng có giới thiệu tôi là mẹ ông nhé”. Chán Mớ Đời 

Đang viết đến đây thì đồng chí gái đi chợ về. Kêu bận cái áo này xem sao. Thấy thương mụ vợ chi lạ. Từ ngày lấy vợ, mình chả cần mua áo quần. Có vợ lo hết. Thấy vợ đẹp như mặt trời cách mạng. Mụ đang chuẩn bị cho bữa tiệc, kỷ niệm 29 năm khói lửa, nội chiến từng ngày. Kinh

Nguyễn Hoàng Sơn 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng

Nhà Sơn nghèo dang nắng SƠn đen 

Người đẹp Boston tại Luân Đôn.


Nên đi hay chạy bộ khi về già

 Lâu lâu, lại nghe ai đó quen, đánh quần vợt nói rồi nằm sân luôn. Mọi người kêu là ông đó chơi thể thao lắm mà sao bị đột quỵ. Chúng ta cứ nghĩ là chơi thể thao là mọi việc ổn. Đó là lời khuyên của bác sĩ khi thấy lượng Cholesterol cao nên kêu phải tập thể dục, hoạt động nhiều. Từ đó chúng ta có ý tưởng là hoạt động nhiều là khoẻ mạnh.

Đó là giả thuyết được cấy trong đầu người Mỹ từ thời ông Ancel Keys đưa ra giả thuyết chất béo gây nên bệnh tim, họ khuyến khích người dân tập thể dục, giảm ăn chất béo bú xua la mua. Kỹ nghệ về dinh dưỡng và tập thể dục phát triển nhanh chóng từ ngày cô đào Jane Fonda, dạy thiên hạ múa máy nhưng béo vẫn béo, mập vẫn tròn. Chán Mớ Đời 

Nay thì giả thuyết này đã được xem là sai nhưng không ai dám nói. Thí dụ: American Heart Association, được bảo kê bởi các công ty thực phẩm, khuyến khích, chỉ dẫn người mỹ về dinh dưỡng để khỏi bị bệnh tim, ăn tinh bột ngủ cốc, giảm chất béo, nay thì sai, họ đâu dám lên tiếng kêu là họ đã sai lầm từ 50 năm qua.

Đâu phải già bị nằm sân, lâu lâu cũng thấy tin một hay hai cầu thủ trẻ đang tập dợt rồi lăn đùng ra trên sân cỏ. Chết. Trường hợp cầu thủ Đan mạch Ẻriksen hôm qua đang chạy bổng nằm luôn, dù mới có 29 tuổi. Kiểu này là anh ta sẽ phải giải nghệ vì không có công ty bảo hiểm nào chịu bán bảo hiểm.

Chiếc xe mà cứ chạy ngày đêm và nhanh nữa thì sẽ sớm bị hư hại. Cơ thể mình cũng vậy, nếu bị xài quá tải thì mau hỏng nhất là về già, các mạch máu có thể bị nghẹt, máy không chảy về tim kịp, sẽ gây nhiều tai hại.

Khi xưa, mình ở các thành phố lớn nên phải lấy xe buýt hay xe điện ngầm để đi làm nên phải đi bộ khá nhiều, tính ra cũng mấy cây số mỗi ngày. Chỉ khi về sinh sống tại cali thì phải đi xe. Từ trong nhà là leo lên xe từ ga ra chạy đến sở rồi chỉ đi bộ từ bãi đậu xe đến văn phòng, không bao nhiêu. Do đó mới cần đi bộ mỗi ngày với vợ trong xóm, luôn tiện, thông tin cho nhau những công việc, về con cái,…

Xem các chương trình về thiên nhiên, thì tuyệt nhiên không thấy các động vật nào luyện tập thể thao để giải trí, ngoại trừ con người. Động vật vận động để sinh tồn, chỉ có con người là vận động nhiều sau khi ăn, tìm cách làm bớt béo. Những hoạt động làm tăng nhịp tim đột ngột thì không có lợi.

Trường hợp như mấy người đánh tennis, đang đứng thủ rồi khi trái banh được đối thủ đánh qua thì chạy cái ào, khiến tim đập mạnh lên rồi ngừng như chiếc xe đang rồ ga rồi chạy cái ào từ 0 cây số lên 90 cây số một giờ trong vòng mấy giây đồng hồ rồi thắng cái két. Lại rồ rồ rồi chạy cái ào, thắng cái két thì máy sẽ sớm bị hỏng, bánh xe mòn, thắng sẽ mòn hay hư,…

Nếu chúng ta xét về tim thì quả tim không bao giờ bị ung thư. Ung thư là loại bệnh do sự phân bào vô hạn. Quả tim sẽ không phân bào nữa sau khi được phát triển hoàn toàn, do đó người ta nói tạo hoá đã sinh ra trái tim để đập suốt đời tới hai tỷ lần (2,000,000,000). Nếu tim đập 50 lần/ phút thì nó sẽ ngừng đập khi chúng ta được 80 tuổi.

Do đó nếu chúng ta muốn sống thọ, khoẻ mạnh thì không nên khiến trái tim của mình đập nhanh, quá số lần này. Mình hay thấy các cầu thủ chết sớm. Năm ngoái trung phong Ý Đại Lợi Pablo Rossi, người hùng giúp Ý Đại Lợi vô địch thế giới đã qua đời khi mới 64, 65 tuổi. Mình có mấy anh bạn chơi thể thao nhiều lắm, như chạy Marathon, đạp xe đạp mấy chục dậm,…nhưng đều có vấn đề sức khoẻ, đau chân, đầu gối hay tim mạch,…  mình chỉ tập nội công Hồng Gia và Thái Cực Quyền thêm đi bộ là xong om.

Khi chúng ta chơi thể thao khi nhỏ thì nhịp tim đập thường ít hơn nhưng lớn lên thì khác, cho nên không nên lạm dụng trái tim. Người ta cho biết là cứ lấy số 180 - cho số tuổi của mình là biết nhịp độ tim đập an toàn. Lấy thí dụ mình năm nay 65 thì lấy 180 - 65 = 115. Hôm qua mình leo núi chạy theo đám trẻ nên nhịp tim lên đến 151 nên mình kêu chúng đi trước rồi mình đi chậm sau thì tốt hơn. 

Còn những ai mà không hoạt động thường xuyên thì nên dùng chỉ số 170 -65 = 105 là tốt. Mấy người chơi quần vợt là đang đứng thì nhịp tim 120 rồi bổng nhiên chạy cái ào, đưa hết sức bình sinh đánh cái rầm trái banh thì nhịp tim có thể lên 160, rồi chạy về 120 rồi dần dần mệt thì có thể lên 180 là nằm sân.

Mình có kể về đi bộ khi về già, nay xin giải thích thêm lý do. Khi vụ sóng thần Fukusima xẩy ra tại Nhật Bản, các nạn nhân sống trong xe, trong các nơi cư trú tạm thời thì người ta khám phá sau khi siêu âm các tĩnh mạch đùi của họ, kết quả cho thấy 50% bị chứng “huyết khối” (thrombosis), sự hình thành các cục máu trong mạch máu.

Lâu lâu lại nghe có người đi máy bay, ngồi lâu nên hay bị đột quỵ vì huyết khối chảy vào phổi nên người ta gọi là hội chứng hạng thường (Economic class syndrome) nên khi mình đưa mẹ mình về Việt Nam, phải mua vé thương gia vì sợ mẹ ngồi lâu sẽ bị lộn xộn. Đi máy bay, trên trời, mất trọng lực nhiều, lâu lâu mình đứng dậy ra hành lang tập vài cử động cho khoẻ chân tay.

Mình có cái đồng hồ báo cho mình biết khi ngồi xem truyền hình quá lâu, cần phải đứng dậy. Mình đọc sách, đều đứng hay viết vớ vẫn. Tránh ngồi nhiều vì hai cái bắp đùi là máy bơm phụ máu về tim. Trong cơ thể chúng ta, máu được vận chuyển đến các tế bào nhờ quả tim. Tim chỉ có nhiệm vụ gửi máu đi còn hai cái bắp đùi và cơ lưng có nhiệm vụ chuyển máu về tim. Do đó chúng ta chỉ cần đi bộ bình thường là khoẻ, không cần tập thể thao nào để chứng tỏ mình là một thể tháo gia.

Nơi leo núi hôm qua, tổng cộng lên xuống là 12.5 dậm

Có người lại kêu đi bộ lâu, không có thì giờ. Thật ra chúng ta chỉ cần đi bộ 3 phút cũng đủ nếu đi theo phương cách mà người Nhật Bản gọi là “Nagumo flow “. Hóp bụng vào và ưỡn ngực ra khi đi bộ, tay vung nhẹ nhàng, và bước đi dài nhất. Mình leo núi thì phải đeo cái túi đựng nước phía sau để giúp mình ưỡn ngực.

Hôm qua mình leo núi với đám trẻ, thấy chúng đi nhanh quá nên để chúng đi trước, ai ngờ, độ một dậm sau thì mình thấy chúng ngồi thở như trâu. Mục đích là đi 12.5 dậm, chớ không phải đến trước đến sau.

Lúc đầu đi ở giữa đoàn nên nhịp tim lên đến 153, sau mình để đám trẻ đi trước, lủi thủi theo sau để giảm nhịp tim

Cứ nhớ là mấy cơ bắp ở chân và cơ lưng là những máy bơm phụ, để đưa máu về tim mà nếu chúng ta cứ ngồi xem truyền hình hay đọc sách, làm việc thì không tốt. Nay họ có những cái bàn, có thể kéo cao lên để người ta làm việc đứng. Mình lấy cái khay ăn sáng trên giường để trên bàn, bỏ iPad lên trên để viết hay đọc tin tức. Nhất là tập Trạm Trang Công để giúp máu được đưa về tim tốt hơn. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Có người phản hồi: “ Cám ơn anh, đúng vậy em mê tennis, trên sân thì hăng tiết vịt banh nào cũng ráng chạy cho bằng được, nhiều lần chạy xong thấy như cái màn đen ụp xuống, sợ lắm nhưng cứ hay quên...” ( Anh Yeu “

Lý do chúng ta sợ chất béo

 Hồi còn độc thân vui tính, mình không để ý gì đến thức ăn, hay trường phái dinh dưỡng nào cả. Thích cái gì ăn cái nấy đến khi lấy vợ thì cuộc đời mình bước sang một trang sử mới. Mấy tháng đầu học tập làm người chồng nhân dân ưu tú mình cảm thấy hạnh phúc, tự hỏi sao ngu thế, không chịu lấy vợ sớm. Nói cho ngay thì cũng muốn lấy vợ nhưng không có ai chịu quản lý đời mình cả. Quen cô nào cô nấy là bị xù ngay khi gia đình khám phá ra mình là kiến trúc sư thay vì kỹ sư hay bác sỹ.

Lấy vợ sau 1 năm thì bạn bè hay quở; dạo này béo ra nhé, được vợ cưng đủ trò. Một hôm đồng chí gái kêu có bảo hiểm sức khoẻ nên được đi khám bệnh tổng quát miễn phí hàng năm nên mình bò đi bác sĩ gia đình. Ông này hỏi đủ trò rồi kêu phải đi lấy máu, nước tiểu bú xua là mua.

Đùng một cái ông ta kêu mình là cholesterol hơi cao, cần giảm cân và đưa cho mình cái chart về dinh dưỡng, bảo phải ăn mấy loại này. Nhìn vào bản chỉ dẫn thì mình thấy y chang những gì mình ăn hàng ngày, cơm, spaghetti, baguette,… nên ăn thêm vì ông ta kêu.

Mấy tháng sau đi khám lại thì số cholesterol lại cao hơn khi trước, bụng bắt đầu phát tướng khiến ông bác sĩ chửi, kêu sao không chịu tập thể dục. Mình kêu mỗi sáng đều vô Bally’s bơi một tiếng. Ông ta lắc đầu, lộ vẻ không tin, rồi đưa cái bảng chỉ dẫn, bảo phải ăn loại thực phẩm nầy, tránh ăn chất béo, thế là mình gần như ăn chay, kiêng cử thịt đủ trò, còn cơm, spaghetti, bánh mì thì ăn thả dàn theo bảng chỉ dẫn.

Năm sau đi khám lại, vẫn như cũ, không nhúc nhích lại có phần tăng thêm khiến mình muốn điên. Làm theo ông bác sĩ căn dặn, kiêng cử đủ thứ mà vẫn bị lên cân. Nói chung dạo ấy sợ béo lắm, lại ăn cơm bánh mì mút mùa theo lời căn dặn của bác sĩ.

Sau này đọc tài liệu thì mới hiểu là cách hướng dẫn dinh dưỡng của chính phủ do các công ty thực phẩm bảo trợ là sai. Người ta cứ đổ lỗi cho bệnh nhân là không kiên trì, nhưng khi biết được ăn spaghetti, cơm, bánh mì là những thứ giúp tạo ra chất đường đưa đến chất béo. Người ta chỉ trích sai các bệnh nhân béo phì hay bệnh tiểu đường. Khi họ chích thêm insulin vào người bị bệnh béo phì hay tiểu đường thì lại càng làm chất béo gia tăng. Chán Mớ Đời 

Tìm sách đọc về vụ người Mỹ sợ béo, ăn kiêng cử vì khi mình xem phim Woodstock, đâu thấy thanh niên thiếu nữ mỹ béo phì như ngày nay, ốm nhách nhách.

Ý niệm về chất béo không tốt cho sức khoẻ của chúng ta đã thâm nhập vào đầu óc người Mỹ theo ý thức cộng đồng chung. Như mọi sự tin tưởng về dinh dưỡng, chúng ta tin vào một định đề, giả thuyết được nêu ra bởi một hay nhiều nhà nghiên cứu khoa học, trước khi được có kết quả sau các khảo nghiệm, để xem giả thuyết được đưa có đúng hay sai.

Giả thuyết về chất béo bão hoà gây nên bệnh tim mạch, khởi đầu bởi ông Ancel Benjamin Keys vào những thập niên sau chiến tranh. Ông này nổi tiếng nhờ chế ra các K-ration cho binh sĩ mỹ ăn trong thời đệ nhị thế chiến. K là viết tắc của Keys.

Năm 1913, một nhà khoa học người nga tên Nikolas Anitschkow cho biết ông ta có thể làm các mạch máu của thỏ bị nghẹt bằng cách cho chúng ăn nhiều chất béo. Các nhà khoa học khác bắt chước thí nghiệm với bò, heo, ngựa,… nói chung đều là các loại động vật ăn cỏ. Xin nhắc lại động vật ăn cỏ hay ngủ cốc.

Ngược lại họ cho chó, một loại động vật ăn thịt như con người thì không thành công, lý do là chó thải ra các chất béo dư thừa. Chó được nuôi ở Hoa Kỳ chớ không phải ở Việt Nam vì ở Việt Nam, người ta cho chó ăn kít. Nếu so sánh các động vật thì chó thích nghi với loài người hơn vì chúng ta ăn thịt, nhưng không ai để ý đến việc này và hô hoán giả thuyết về chất béo làm nghẹt hệ thống tim mạch, chưa đúng hoàn toàn. Giả thuyết này dần dần được ưa chuộng và được tin tưởng như một giáo điều, mọi người bắt đầu theo chế độ dinh dưỡng không chất béo như một tôn giáo.

Nhớ dạo ở Luân đôn, cô bạn gái từ Boston, bay qua thăm. Cô nàng đổ trứng, lấy lòng trắng ra vì sợ chất béo khiến mình rụng rời tay chân. Hỏi ra mới biết người Mỹ rất lo ngại về chất béo, sợ ăn chất béo trong khi ở âu châu thì không có thịt mà ăn vì quá đắt. Nói tới thịt, dạo này thịt bò tăng 40% vì đậu nành, Ngô bắp lên giá từ năm nay đến 40%. Hôm qua đi ăn beefsteak thì giá bình thường $23.99 nay lên $32.99. Kinh

Ngày 23 tháng 9 năm 1955, tổng thống Eisenhower, bị đột quỵ lần đầu tiên, sau đó bị thêm vài lần nữa. Bác sĩ riêng của ông là Paul White, bay sang Denver để chăm sóc cho tổng thống, vị anh hùng đệ nhị thế chiến. Ông bác sĩ này có ảnh hưởng rộng lớn về bệnh tim mạch. Trong buổi họp báo, ông ta nói về bệnh tim mạch cần ngưng hút thuốc, bớt stress, nhất là bớt ăn saturated fat để giảm cholesterol.

Thế là nhân dân Hoa Kỳ ùn ùn tin lời ông này và bắt đầu ngưng ăn các chất dinh dưỡng có saturated fat. Thay vì ăn bơ, người ta dùng margarine, bắt đầu sử dụng dầu thực vật do công nghệ tạo ra thay vì bơ hay mỡ heo. Người ta quên ông Eisenhower hút 4 gói thuốc lá mỗi ngày.

Ông Ancel Keys hô hào là ông ta có nghiên cứu dinh dưỡng về 7 quốc gia và phán rằng lý do bị tim mạch là do chất béo bão hoà. Sau này, người ta khám phá ra ông ta có nghiên cứu đâu 22, 23 quốc gia nhưng chỉ chọn lọc những data nào cần cho thuyết của ông ta. Thế là quốc hội Hoa Kỳ nhất trí và đưa ra chương trình dinh dưỡng, bài trừ chất béo bão hoà.

Dạo ấy sau đệ nhị thế chiến, các quốc gia còn nghèo khổ, có đến 4 triệu người Ý Đại Lợi, bỏ nước ra đi, tìm miếng ăn, đến Hoa Kỳ, Pháp quốc, Bỉ quốc, hay Nam Mỹ. Do đó các nghiên cứu của ông Keys, được xem là không đúng lắm.

Vào thập niên 80, thượng nghị sỹ McGovern có ra điều trần trước quốc hội, đề ra chế độ dinh dưỡng cho toàn dân chúng Hoa Kỳ mà người ta hay gọi là Low Fat Diet, chế độ dinh dưỡng ít chất béo. Ông ta bị áp lực của các công ty thực phẩm nên tạo ra Kim tự tháp dinh dưỡng, khiến cả nước theo rồi các nước khác cũng bắt chước theo.


Khi thực phẩm bị lấy đi các chất béo thì đâu còn mùi vị, do đó các công ty thực phẩm mới thay thế chất béo bằng đường, nhất là đường hoá học.

Chúng ta sống trong một xã hội ngày nay khá phức tạp hơn xưa. Tất cả đều được chính trị hoá và tôn giáo hoá. Các nhóm thích ăn chay, tạo ra một tôn giáo mới, lobby các đại biểu tạo thành các luật, không cho người khác ăn thịt, bảo vệ thú vật. Nhóm ăn thịt thì tương tự cũng chửi bới nhóm ăn chay, ăn rau, ăn thô, kêu họ phá rừng bú xua la mua.

Nhóm ăn rau thì bảo bò được nuôi trong chuồng, gà được nuôi trong chuồng, phải bảo về quyền thú vật trong khi nhóm ăn thịt lại kêu, chúng mày phá rừng để trồng rau cải, bắp ngô để tạo ra nhiên liệu. Phải bảo vệ môi trường, bú xưa la mua.

Ngày nay, chúng ta không tin vào tôn giáo xưa nhưng lại có những tôn giáo mới ra đời, ăn chay, ăn thịt,… có dịp mình sẽ kể. Chán Mớ Đời 

Kết quả sau 40 năm, người Mỹ béo phì, 1/3 bị bệnh tiểu đường, làm giàu cho các công ty dược phẩm, và thực phẩm. Nghe nói phân nữa thành viên của USDA, đều do các cựu nhân viên của các công ty thực phẩm hay dược phẩm.

30 năm sau, các nghiên cứu cho thấy 1/2 người bị bệnh tim mạch có lượng cholesterol thấp hơn bình thường 220 mg/dL. Đàn ông từ 48 tuổi - 57 tuổi, có lượng cholesterol từ 183-222 mg/dL có nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn các người có cholesterol cao hơn từ 220-261 mg/dL. Cho thấy những gì chúng ta được học hay chỉ dẫn là không đúng.

Ngoài ra nghiên cứu Framingham cho thấy là nếu giảm 1% Cholesterol thì tỷ lệ gia tăng bị bệnh tim mạch là 11%. Vâng 11%. Nghiên cứu này bị lãng quên, hay bị các công ty thực phẩm dìm hàng. Chán Mớ Đời

Mình có kể người ta khám phá ra ai dùng statin do bác sĩ kê toa, chết sớm hơn những người có cholesterol cao. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc của mình. 

Bà phóng viên khoa học Nina Teichoz, tác giả cuốn “the big fat surprise “ có phỏng vấn một cựu đồng nghiệp với ông Keys, cho hay là chống lại ông này nên bị đì khá nhiều, không ngóc đầu lên được.

Năm 1948, hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, được công ty Procter & Gamble giúp quyên tiền được $1,740,000 theo hồi giá ngày nay thì $17 triệu đô. Được nổ tiếng và thiên hạ cho tiền sau đó, nay là mạnh nhất.

Nguy hiểm nhất là sự can thiệp của các công ty thực phẩm Hoa Kỳ như Proter & Gamble vào các hội y tế như American Heart Association, hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ. Hội này lúc đầu còn bé nhỏ, ít ai biết đến. Công ty này ủng hộ, quảng cáo khiến thiên hạ đóng góp tiền lên mấy triệu. Đùng một cái họ trở thành nổi tiếng và là con cờ cho công ty thực phẩm này.

Mình có kể về hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, cũng nhận tiền nhiều nhất của các công ty thực phẩm và dược phẩm, quảng cáo cho các công ty này.

Trong một thể chế dân chủ, mình xem phim hay đọc sách, tài liệu của mỗi bên. Bên nào thấy cũng có lý hết nhưng từ từ mình tự tìm cho mình một hướng đi vì cơ thể, nếp sống của mỗi cá nhân khác nhau. Mình thấy trung dung là tốt nhất. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Lòng biết ơn

 Sáng nay, đi họp với hội Toastmasters từ 7:00 - 8:30 sáng. Người có nhiệm vụ dẫn chương trình, chọn chủ đề “Gratitude”, lòng biết ơn. Bà ta cho biết bác sỹ kêu tim mạch bà ta bị rối loạn nên lỡ có chuyện gì thì phải gọi 911, để xe cứu thương đến chở vào nhà thương. Tin này khiến các hội viên chới với.

Mình được lãnh trách nhiệm làm Jokesmaster, nên sau phần chào quốc kỳ, tuyên thệ với lá cờ Hoa Kỳ thì người dẫn chương trình kêu mình lên bục để kể chuyện tếu lâm, giúp không khí vui vẻ lên trước khi vào họp chính thức.

Sau đó thì tới phiên một hội viên đọc diễn văn 4-6 phút rồi đến phần Tabletopics. Phần này thì mọi người đều phải tham gia, người có trách nhiệm đặt câu hỏi, dựa theo chủ đề của buổi họp, điển hình là “lòng biết ơn”. Họ nêu câu hỏi rồi mới gọi tên người lên bục. Người được kêu lên bục chỉ có 2 phút để trả lời mà không được chêm những từ thừa như “but, ờ, you know, and,…”. Nói chung là khi tìm ý để trả lời, chúng ta có khuynh hướng hay chêm những từ thừa. Do đó, có một người lãnh trách nhiệm theo dõi, nếu trả lời viên nói những từ thừa thải thì họ sẽ bấm chuông, để nhắc hội viên.

Thay vì chêm những từ thừa thải, họ dạy hội viên cứ ngưng, im lặng để tìm từ và ý để phát biểu. Khi ngưng nói thì sẽ làm mọi người để ý, lắng nghe hơn. Thêm cách lên giọng, nhấn mạnh ở điểm nào. Ngoài ra phải dùng một từ hôm ấy “appreciate”, ai không dùng thì bị loại.

Bà dẫn chương trình, kêu là các hội viên như một gia đình của bà ta, quen biết từ mấy năm nay, do đó bà ta muốn tỏ lòng biết ơn từng người. Đến phiên mình, bà ta nói là biết ơn mình đã đóng góp, giúp bà ta hiểu thêm về văn hoá việt, ngoài ra bà ta kêu mình là thông minh khiến mình thất kinh. Lần đầu tiên, có phụ nữ khen mình là thông minh khiến mình nức nở.

Lý do là từ bé đến lớn ở Việt Nam, ai cũng kêu mình là ngu. Bố mình kêu mình ngu như bò, lên trường, thầy cô, bạn bè đều xem mình thuộc thành phần ngu lâu dốt bền vững và kiên định ngu. Đi kiếm vợ cũng bị đá lên đá xuống vì mấy cô kêu mình ngu, không chịu học y khoa. Thậm chí đến ngày nay, người Việt vẫn xem mình là ngu, người ngoại quốc thì ngược lại. Cuối cùng bà ta kêu mình rất vui tính vì đa số các diễn văn của mình đều tếu.

Người Topicmaster, hỏi người nào đã thay đổi cuộc đời của bạn mà bạn biết ơn rồi kêu tên mình. Mình lên bục mà đầu óc trống rỗng chưa biết nói gì, bổng nhiên hình ảnh thầy Lưu Văn Nguyên hiện về trước mắt mình. Mình kể về những lời khuyên của thầy Nguyên. Lời thầy Nguyên đã thay đổi cuộc đời của mình. Nếu không đi du học thì có lẻ cuộc đời mình chắc không khá vì lý lịch gia đình phản động. Có thể ở tù như ông cụ mình 15 năm.

Ông chủ tịch hội nói lần sau đến phiên mình đọc diễn văn từ 5-7 phút thì ông ta hy vọng mình sẽ triển khai hơn về lòng biết ơn của mình đối với thầy Nguyên. Mình may mắn gặp lại người thầy đáng kính sau 40 năm.

Dạo ấy, tuy thi đậu bằng trung học pháp B.E.P.C nhưng mình thấy chán đời khi thấy những tên mình quen trong xóm hay tập võ với mình như Sỹ, trong hẻm đối diện rạp Ngọc Hiệp, anh bà con của Nguyễn Đình Tài, đi nhảy dù rồi chết. Thằng Nhân, con bà Hành trên xóm Thi Sách, học sinh Văn Học hay đánh bóng bàn với mình, đi lính chết trận ở Cai-Lậy. Anh Thống, đậu thủ khoa trường Võ Bị, ở ngay dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện ra trận chết,… học hay không học cũng chết, sẽ ra đi chẳng mong ngày về.

Qua Văn Học, chơi với Huỳnh Kim Sang, Nguyễn Anh Tuấn được vài tháng thì bị mấy tên này bị đôn quân sau mùa hè Đỏ Lửa, không biết ngày nào về. Mình mới gặp lại Huỳnh Kim Sang tại Houston tháng vừa qua sau 50 năm không gặp còn Nguyễn Anh Tuấn, có gặp lại nhưng hắn không nhớ mình.

Dạo ấy có bài hát của ông Phạm Duy sáng tác, “anh trở về dang dỡ đời em,…”. Một hôm, Ngô Văn Thuỷ rủ mình đến nhà thầy Nguyên chơi. Anh chàng này có điểm lạ, hay rủ mình đến thăm mấy ông thầy như thầy Hồ Thanh Tâm, Đan Đình Soạn, Lý Công Thuận, Lưu Văn Nguyên, Hứa Hoành,..để bồi dưỡng thêm kiến thức và được khai sáng thêm về tương lai nên học gì, mượn sách đọc và làm gì. Mình có gặp lại thầy Hứa Hoành sau 15 năm, thầy Hồ Thanh Tâm sau 43 năm, thầy Nguyên sau 40 năm, thầy An thì cũng 40 năm.

Hôm đến nhà thầy Nguyên, ngồi nói chuyện, thầy Nguyên kêu “luật người cày có ruộng”, Việt Cộng chúng chiếm đất nên phe ta, cứ mua của địa chủ rồi đem cho nông dân để họ về theo phía Cộng Hoà. Thầy có thời đi lính, rồi giải ngủ nên thầy không khuyến khích học trò đi lính. Thầy khen ông tướng Nguyễn Khoa Nam, đánh giặc rất giỏi chỉ tội là sát quân. Thầy bảo mình nên ráng học để xin đi du học. Đừng phí cuộc đời.

Lời khuyên của thầy Nguyên đã gieo vào đầu mình một hạt mầm, một lối thoát khỏi cuộc chiến tranh bế tắc. Từ đó mình chịu khó học hành đàng hoàng lại, không đánh bi-da nữa. Chỉ tập võ buổi sáng, rồi học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm.

Sau khi đậu tú tài, mình có nhờ thầy viết lá thư giới thiệu cho đại học bên pháp. 40 năm sau mình trở lại Đàlạt, may mắn, được gặp lại thầy. Đến thăm thầy mà thấy thương vì thầy bị bệnh, ngồi không được. Chỉ ngồi một lát rồi phải nằm. Thầy vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ đến lá thư thầy đã viết cho đại học ở Lille, giới thiệu mình theo học ngành kỹ sư dệt. Có lẻ thầy là người thầy duy nhất nhận ra mình sau 40 năm trong số hàng ngàn học sinh khi xưa.

Đây là hình mình gặp lại thầy sau 40 năm và cũng là lần cuối. Năm sau mình trở lại thì thầy qua đời, mình có đi đám thầy. Nguyễn Đình Tài và Nguyễn Đắc Hớn.

Vào nhà thầy, thấy phòng khách nơi mình đến thăm thầy ngày xưa, sao thấy nhỏ bé quá. Thầy nói thương PMC hơn con trai ruột của thầy. PMC là học trò cũ, có học chung với mình một năm. Mỗi tháng, anh chàng rủ mấy người bạn học xưa với thầy, đi thăm thầy luôn tiện bồi dưỡng cho thầy chút ít để sinh sống qua ngày. Đó là hình ảnh đẹp của học trò được giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, vẫn đi thăm thầy cô sau mấy chục năm. Đẹp hơn hình ảnh ông Jean Carnot về thăm thầy cũ ở bên tây mà mình học giáo khoa thư khi xưa.

Năm sau mình trở lại Đàlạt để thăm bố mình bị bệnh. Trước khi lên máy bay, thì được tin thầy qua đời, may thay khi mình về đến Đàlạt, kịp đi thăm viếng, và đưa đám thầy đến nghĩa trang Du Sinh. Cuộc đời thầy cũng buồn, Việt Cộng vào thì bị đi cải tạo dù đã giải ngủ trước 75, ở nhà vợ đi lấy chồng khác để nuôi con. Hôm đám tang của thầy, có thấy sự hiện diện của cô, tuy đứng xa. 

Trong cuộc đời, mình có rất nhiều ân nhân. Có người cho mượn sách đọc, người cho một bữa ăn, người tặng cho cái áo cũ hay khuyên một điều nào đó,…đã giúp thay đổi cuộc đời mình. Kể ra thì không hết nhưng mình vẫn ghi khắc trong tâm khảm. Khi nghe thầy Nguyên động viên, khuyến khích mình đi du học, giúp cho mình thấy một con đường khác thay vì lối cụt của cuộc chiến tranh trên quê hương.

Lời khuyên của thầy Nguyên như một thiên sứ đã giúp mình tìm ra hướng đi cho tương lai, thay đổi định mệnh cuộc đời của mình. Nay nhìn lại mình nghĩ thầy Nguyên có thể vui, đã thay đổi đời một học trò. Mình cũng không phụ công thầy đã dạy mình cũng khôgn quên anh bạn học cũ đã rủ mình đến nhà thầy chơi khi xưa.

Nguyễn Hoàng Sơn 



Dầu thực vật là thuốc độc?

 Nhớ hồi nhỏ, mình hay thấy bà Hai hàng xóm, nấu ăn với dầu đậu phụng, bà hay kêu mình tránh ra xa để bà ta khử dầu chi đó, rồi nghe xèo xèo. Nấu xong thì bà ta chắt dầu vào cái hủ như cái siêu thuốc bắc để xài lại khi chiên cá hay kho thịt.

Mình nghe ông bác sĩ chuyên khoa mỗ tim, nói là mỗi tuần ông ta ăn 1 lít dầu olive, nhưng lại nói không nên dùng dầu olive để nấu ăn, sẽ mất sự hiệu nghiệm nên thắc mắc đến khi mình đọc công thức hoá học về dầu ăn thì mới thất kinh.


Nhất là công thức hoá học của các dầu ăn “thực vật” khác khiến mình thất kinh, nhớ lại ăn cơm tàu dầu mỡ.

Tháng trước mình có kể đi dã ngoại với bạn đồng chí gái ở Palo Verde, có ghé thăm nơi người Mỹ quan sát cá voi theo mùa lên xuống Alaska. Vào trung tâm này thì mới khám phá ra cuộc di cư về miền viễn tây, xây dựng hệ thống đường rầy xe lửa, đã khiến cá voi bị tuyệt chủng vì người Mỹ giết cá voi, dùng mỡ cá voi để giúp xe lửa chạy. Ngoài ra họ còn tàn sát mấy triệu con bò rừng khiến người da đỏ bị diệt chủng vì sống nhờ bò rừng. Họ cứ đi theo đàn bò rừng để sống nên dần dần lên phía bắc gần biên giới Gia NÃ Đại.

Sau này người ta khám phá ra dầu lửa nên mới chuyển sang sử dụng loại này. Nay thì trồng Ngô bắp nhiều quá, họ sử dụng để làm nhiên liệu Ethanol để chạy xe hay pha chế các thực phẩm. Họ quảng cáo là nhiên liệu xanh. Họ phá rừng để trồng Ngô bắp, đậu để tạo ra Ethanol, rồi kêu nhiên liệu xanh. Chán Mớ Đời 

Ông Steve Jobs chết, khiến người ta đặt nghi vấn về chế độ dinh dưỡng của ông ta. Họ khám phá ra ông ta nghe lời bác sĩ Dean Ornish , nổi tiếng về cách dinh dưỡng của ông ta. Ngày nay giới trí thức thần tượng hoá chế độ dinh dưỡng này, ăn ít chất béo,… có dịp mình sẽ kể vụ này. Có dạo mình cũng ăn theo loại này nhưng béo vẫn hoàn béo, nay chuyển qua chế độ dinh dưỡng khác thì xuống 20 cân từ hai năm nay.

Ngày nay người ta khám phá ra là ăn theo chế độ dinh dưỡng của ông này, gần như ăn chay thì khả năng bị bệnh ung thư lên khá cao.

Hôm qua, gặp tên mỹ quen ở hội Lions Club, hắn nghe lời mình cải thiện các dinh dưỡng nên từ một năm nay, hắn từ 286 cân xuống 218 cân. Hoa Kỳ là một nước tư bản nên họ ráo riết quảng cáo sản phẩm của họ. Thuê những nhà khoa học viết bài hay tuyên bố này nọ để bán sản phẩm của họ. Mình nghe theo là ngọng. Phải tìm tài liệu ngoài luồng để đọc.

Người ta khám phá ra chất béo bảo hoà là chất béo tốt nhất, giúp gia tăng HDL, Cholesterol tốt. Thay vì uống rượu đỏ, tập thể dục để tăng HDL, người ta có thể ăn trứng và bơ, sẽ giúp gia tăng lượng HDL. Mình khám phá ra lá gan tự tạo ra đến 80% chất béo hàng ngày để cơ thể sử dụng, 20% còn lại là do thực phẩm được đưa vào miệng. Do đó nên ăn các chất dinh dưỡng không tạo ra nhiều chất béo như đường, và tinh bột. Trái cây đã có sẵn đường rồi.

Mình có kể trong mấy bài trước, chất béo sẽ tụ lại nhiều nhất ở cái bụng của đàn ông và cái mông của phụ nữ.

 Các công ty dược phẩm, quảng cáo là ăn dầu cá để giúp gia tăng lượng HDL. Dầu cá thường được thấy dưới lớp da, nơi lớp mỡ để giúp cơ thể cá chống lại cái lạnh. Chả biết họ bỏ cái gì trong chất bổ sung mà nói là dầu cá vì rất đắt. Tốt nhất là mua cá về ăn. Đồng chí gái hay mua mấy cái lườn cá hồi ở chợ Việt Nam, đem về nấu ăn rất tốt, nhiều dầu cá lại rẻ nữa. Khi ăn cá, phần bổ nhất là dứoi làn da của cá, đầy mỡ để chống lại cái lạnh.

Cái nghịch lý là họ rêu rao kêu chúng ta ăn dầu cá, bổ sung giúp thông tim mạch nhưng lại kêu là không nên ăn chất béo làm nghẹt tim mạch. Ngày nay, người ta khám phá ra ăn chất béo lại tốt cho cơ thể, làm giảm béo, gia tăng HDL,… mình đang viết về vụ này, hôm nào xong sẽ đưa lên.

Cho thấy chúng ta lâu nay, sống với kiến thức do các công ty thực phẩm đưa ra, quảng cáo,…nói chung chúng ta bị lừa, sẽ kể sau.

Người ta khám phá chất béo bảo hoà rất ổn định, khi phản ứng với oxygen , nghĩa là khi chất béo này được nung nóng lên, không tạo ra các chất độc do bị oxy hoá, như các loại dầu thực vật, thường được gọi là polyunsaturated, không biết tiếng Việt gọi là gì. Chán Mớ Đời . Loại chất béo này có thể phản ứng với độ nóng cao nhất. Đại loại chất béo tốt là loại để ở nhiệt độ trong nhà thì đặc lại như bơ, mỡ heo, dầu dừa còn loại không tốt thì lõng như dầu đậu nành, bắp,…

Trên thực tế dầu olive được bán ở siêu thị. Họ gọi là extra virgin nhưng đa số đều pha chế hết. Ở gần vườn mình có tiệm bán bán dầu olive, trồng ở Temecula, họ ép nguyên chất bán rất đắt, 1 lít độ $30. Mình có mấy người quen có cây olive mà họ không xài nên mùa thu này mình sẽ xin về để ép lạnh để sử dụng.

Do đó người ta phải làm cứng lại dầu thực vật để giúp cho loại dầu này ổn định. Loại dầu do công ty thực phẩm Crisco khởi đầu từ năm 1911. Họ quảng cáo khiến người ta ghê tởm mỡ heo, bơ mà người Mỹ  người Tây phương dùng từ bao nhiêu thế hệ, có thể nói từ mấy ngàn năm qua.

Chúng ta thấy công thức hoá học của hai loại dầu ăn. Loại saturated thì ổn định còn loại dầu ăn thực vật thì lộn xộn nên các công ty thực phẩm phải làm cứng lại. Họ sẽ làm cứng dầu ăn thực vật hình dưới cứng lại như hình trên.

Khởi đầu họ dùng dầu hạt bông gòn để ép ra, rồi đến các đậu khác ép ra lấy dầu. Năm 2007, người ta bắt đầu cấm sử dụng các acid béo chuyển hoá.

Dầu olive mà người ta nói dân chúng ở vùng biển Địa Trung Hải hay sử dụng từ mấy ngàn năm qua, là một loại monosaturated fat, khi bị nung nóng lên thì các hậu quả về việc bị oxy hoá không tồi tệ như các dầu thực vật. Dầu này rất tốt nếu ăn mà không đốt nóng như trộn với sà lách. Lúc này mình mới hiểu vì sao ông bác sĩ chơi một lít dầu olive mỗi tuần, và khuyên không nên dùng để chiên xào vì sẽ mất sự ổn định khi bị oxy hoá.

Hôm trước đi ăn tiệm Ba-tây với mấy đứa con, chúng thích ăn chichimurri làm với dầu olive và ra cần, ớt. Cắt thịt bò xong nhúng vào dầu ăn này, ngon cực.

Ngày nay, người ta bắt đầu sử dụng lại các chất mỡ béo của heo để nấu ăn như trước thế kỷ 20. Ngoài ra họ vẫn dùng dầu dừa như người á châu hay dùng vì không bị oxy hoá khi được đun nóng. Mình nghe nói Việt Nam mới cho sấy khô dừa nước mà mình có dịp ăn một lần khi viếng Cần Giờ. Đợi khi nào đến Hoa Kỳ sẽ mua uống thử.


Các loại dầu thực vật được cấu tạo, phải qua một quá trình gọi là hydrogenation để loại bỏ các mùi hôi, tẩy để lột bỏ các màu xám, làm đông hoá để giúp ổn định, rồi pha thêm màu và các sinh tố,… tương tự Trung Cộng chiếm lĩnh về trồng và sản xuất tỏi, họ bán trong các hủ, đã được lột sẵn và tẩy trắng thêm thuốc bảo quản, ăn vô thì lâu ngày có vấn đề vì không biết họ sử dụng loại hoá học nào. Chịu khó mua loại trồng ở Cali, bốc vỏ cho chắc ăn dù họ đã sử dụng khá nhiều hoá học khi trồng nhưng được cái còn cái vỏ để bảo vệ bên trong.

Công nghệ hoá các dầu thực vật hầu làm cứng chất dầu. Rất nhiêu Khê.

Thế kỷ trước, các công ty thực phẩm Hoa Kỳ, nhập cảng các loại dầu dừa, đa số từ Mã LAi Á, để sử dụng trong việc chế biến thực phẩm của họ. Hiệp hội đậu nành Hoa Kỳ (American Soybean Association) lo ngại loại dầu nhập cảng này sẽ khiến họ phá sản nên mới ra một chương trình, rêu rao là các loại dầu này sẽ giết người tiêu dùng.

Hiệp hội dầu đậu nành Hoa Kỳ, in và phát các thông tin ngụy tạo để người tiêu dùng ngưng sử dụng dầu dừa nhập cảng từ á châu
Vào thập niên 90, các loại dầu dừa của miền nhiệt đới bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường Hoa Kỳ. Ngày nay thì người Mỹ bắt đầu sử dụng lại vì đọc tin tức ngoài luồng do các khoa học gia, bác sĩ có lương tâm lên tiếng.

Các công ty thực phẩm lobby các loại saturated fat để giảm giá thành và giúp họ làm giàu hơn trên sức khoẻ của người tiêu dùng. Tư bản vô đạo đức.

Ta thấy hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ do Procter & Gamble hổ trợ, khuyến khích người Mỹ dùng dầu thực vật để chống lại bệnh tim mạch.

Ngày nay các thí nghiệm, nghiên cứu từ các đại học danh tiếng như HArvard, Cambridge, Berkeley cho thấy chất béo không phải là nguyên nhân của bệnh tim mạch. Chán Mớ Đời 

Vấn đề là phải mất 600 ngày để thải các chất độc từ dầu ăn mà chúng ta đã ngốn nghiến từ mấy thập niên qua. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Rượu, trà và cà phê

 Mình không uống cà phê, ngoại trừ khi lái xe đường xa để khỏi bị buồn ngủ, trà thì có uống từ bé ở Đàlạt, còn rượu thì không. Mình để ý khi uống trà buổi sáng khi mới thức dậy thì sau đó hay bị đi cầu. Sau này đọc tài liệu thì hiểu như sau.

Trà và cà phê đều có chứa một chất gọi là caffeine, thuộc nhóm ancaloit gồm có những chất như nicotine, cocaine, morphin,… có tác dụng gây kích thích hoặc ức chế các hoạt động của hệ thần kinh.

Dây thần kinh ở dạ dầy rất nhạy cảm khi chúng ta đói, khi chúng ta uống cà phê, kích thích dạ dày thì có hiện tượng buồn nôn, đi cầu. Theo mình hiểu phụ nữ mang thai hay bị buồn nôn là vì thức ăn đưa vào miệng có độc tố, cơ thể sợ ảnh hưởng đến bào thai nên ói ra.

Tò mò đọc thêm thì mới hiểu thêm về thiên nhiên. Cây cà phê sinh ra caffeine để tự bảo vệ, chống lại các côn trùng ăn trụi lá. Chất này làm các động vật cảm thấy buồn nôn khi ăn lá cây cà phê khi đói. Do đó tốt nhất là uống cà phê sau khi ăn no, để kích thích hệ thần kinh, sẽ giúp cảm giác bớt buồn ngủ.

Nay có loại cà phê đã lọc chất caffeine, không có tác dụng gì, bác nào có tài liệu về vụ này thì cho em xin. Em đoán rất độc vì bị pha chế đủ trò.


Khi uống trà thì lại có chất tanine, được chiết từ vỏ cây, có công dụng biến tính chất đạm, thay đổi cấu trúc của chất đạm. Tương tự cà phê , cây chè tạo ra chất này để bảo vệ các động vật ăn lá của chúng, do đó bác sĩ hay khuyên chúng ta không nên uống trà để qua đêm vì chất tanine sẽ ra nhiều. Tanine sẽ gây rối hệ tiêu hoá của côn trùng khiến chúng không ăn lá chè được.

Mình nhớ có lần, một anh bạn xin cho 2 cây mát mát (chanh dây), đêm về trồng lấy quả cho đồng chí gái ăn. Qua ngày hôm sau, sên ăn sạch lá hết. Sau này anh ta xin lại cho hai cây, mình trồng trong chậu, nay lên cao nhưng thấy có hoa nhưng không thấy đậu trái. Ai biết mánh trồng cây mát mát, chỉ dùm em. Xin đa tạ trước.

Mình có xem một phim tài liệu về cây cỏ trong thiên nhiên, như côn trùng bò đến ăn lá thì cây hay lá sẽ gây ra một loại âm thanh hay làn sóng nào đó, khiến chim bay lại để ăn mấy con sâu, côn trùng,…

Tương tự, vỏ chuối xanh cũng có rất nhiều chất tanine này để chống lại các côn trùng. Khi quả chín dần thì chất tanine sẽ bớt dần đến khi màu vàng thì ăn tuyệt.

Đi ăn cơm tàu thường họ cho mình uống trà nhất là trà Ô Long để tránh rối loạn tiêu hoá khi ăn nhiều dầu mỡ. Mình đang viết về dầu mỡ chiên ở các tiệm ăn tàu.

Có loại trà rất tốt là ngưu bang, mà người nhật gọi goko, burdock hay thấy trong các siêu thị đại hàn và nhật. Có dạo người Việt hay uống canh dưỡng sinh, mua loại này để nấu uống với cà rốt, cải và nấm.

Đặc biệt ở trà này là có chất saponin, giúp trung hoà các chất béo, tăng cường tiêu hoá, hấp thụ chất đạm, tinh bột, nhất là loại các cholesterol thừa ra khỏi cơ thể. Mình có thằng cháu bị dị ứng khi đi leo núi Yosemite với mình, nên nói nó uống trà này để trị. Trung bình mất độ 2 năm và cũng nên ăn mật ong của hoa cali trong vùng nó ở và phấn hoa.

Ngoài ra loại trà này còn có chất Polyphenol, thường có trong rượu đỏ, giúp tăng cường sức khoẻ. Người ta hay nói đến nghịch lý Pháp quốc, vì họ ăn rất nhiều chất béo nhưng ít bị bệnh tim mạch, họ giải thích là vì người Pháp hay uống rượu vang. Họ khám phá ra chất resveratrol, một loại Polyphenol có trong vỏ nho để làm rượu đỏ. Chất này là một loại chống oxy hoá cho cơ thể. Thật ra chúng ta có thể mua loại bổ sung này để uống thay vì uống rượu. Phải uống bao nhiêu chai rượu mới đủ đô chất này. Thật ra không phải chất béo làm béo phì mà vì ăn đường và tinh bột. Thật ra người Pháp cũng bị tim mạch bú xua la mua vì ăn theo kiểu người Mỹ, tinh bột và dường nhiều,…

Các công ty bán rượu dựa vào khám phá này để quảng cáo bán rượu đỏ nhưng chúng ta nên nhớ là ngày nay, đa số các terroir của pháp được Trung Cộng mua lại. Họ sử dụng các thuốc trừ sâu rất nhiều. Mình có xem phim tài liệu về trồng nho ở pháp. Có một ông tây kêu là không muốn con của ông ta theo nghề này nữa vì thuốc sát trùng được sử dụng mù mịt, ngay chính ông ta phải đeo mặt nạ bú xua la mua. Hôm trước mình có dặn đồng chí gái là không nên ăn nho vì có rất nhiều thuốc trừ sâu. Đại loại trái cây ngày nay vỏ dính chất sát trùng. Có nhiều chất bị cấm tại Hoa Kỳ và Âu Châu nhưng các nước khác như Trung Cộng, châu mỹ la tinh, nhập trái cây vào Hoa Kỳ, vẫn sử dụng các loại thuốc sát trùng này.

Người nhật khám phá ra chết vì bị nhiễm độc lâu năm khi ăn trái cả vỏ như nho. Hình như mình có kể rồi vụ này trong mấy bài trước.


Polyphenol của củ ngưu bang có hoạt tính chống oxy hoá cao nhất, ít bị phân huỷ trong đất hơn các loại táo nho khi chôn xuống đất. Chất này không gây nghiện như rượu, nên tha hồ uống mà rẻ nữa.

Uống rượu đem lại nguồn vui. Hôm kia mình được mời ăn ở nhà người bạn, có một số bạn lâu ngày không gặp từ đại dịch đến nay. Mấy ông xúm lại uống bia rồi đến rượu mạnh, ngay cả mấy bà cũng làm chai bia cho đời vui hơn khi gặp lại thân hữu.

Theo nghiên cứu thì được biết lượng tiêu thụ cồn, liều mạnh nhất trong đời người là 500kg còn phụ nữ là 250kg. Nếu chúng ta uống một chai rượu đỏ, nồng độ 12% và dung tích là 720ml, tương ứng với 31.5kg trong một năm. Cho thấy đàn ông uống rượu trong khoảng 4-6 năm là đạt “liều mạnh nhất”.

Có nhiều người hay uống chút rượu trước khi đi ngủ. Việc này theo thời gian sẽ làm cho chúng ta nghiện rượu nhất là khi uống rượu, sẽ làm tỏa nhiệt khiến chúng ta khát nước, nên uống nước nhiều thì tối phải thức giấc để tiểu, cản trở giấc ngủ của chúng ta.

Nếu có uống rượu thì nên mua loại đắt tiền mà uống vì bảo đảm chất lượng, còn loại rẻ, nhất là ở Việt Nam, mình thấy bạn bè pha đủ trò, không biết nguồn gốc của rượu ra sao. Nhớ dạo còn sinh viên, có đi thắm một cô bạn ở vùng Alsace, tỉnh Munster, nơi có phô mát nổi tiếng thối nhất. Ông bố cô ta tự làm rượu mạnh Schapps, dùng toàn là trái cây của vườn ông ta.

Tóm lại, khi xưa mình hay uống trà nhưng nay bớt lại, còn cà phê thì chỉ khi nào lái xe đường xa thì mới làm một ly để tỉnh ngủ, còn rượu thì vẫn không. Cuối tuần, hay họp mặt bạn bè, mình không đối ẩm được với mấy anh bạn nhưng ăn ngon. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ý TRUNG NHÂN

 Nhớ dạo mới sang trường việt, mình ngơ ngơ ngáo ngáo vì đám học chung dùng những từ khá lạ so với trình độ tiếng Việt của mình. Ngồi cùng dãy bàn, có thằng Nhuận, người Nam, bố nó làm gì trong trường Võ Bị, đại loại thuộc cấp tá. Giờ ra chơi, mình ma mới như nó, không quen thân với đám học chung nên không bò đi vòng vòng nên hay ngồi nói chuyện với nhau. Lên lớp 12 thì nó đi đâu mất tiêu, không gặp lại.

Có lần mình hỏi nó về 1 cô học chung có xinh hay không, hắn trả lời “theo thiển ý của tui thì cô ta rất xinh”. Nghe hắn trả lời khiến mình như bò đội nón vì hắn dùng từ gì như trong truyện Kiếm hiệp, mình đọc Kim Dung trên báo Sóng Thần hàng ngày nhưng rất vất vả vì không hiểu hết. 

Hắn kể là có học Hán văn được 3 năm khi mới lên trung học đệ nhất cấp khiến mình ngưỡng mộ nó quá xá. Một đệ tử của Khổng Phu Tử,… mình hỏi hắn biết thuyết âm dương chi đó mà ông Kim Dung hay kể trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Như gãi đúng chỗ ngứa, hắn nói liên tu ti khiến mình càng bội phục đám học trường việt, quá giỏi, không biết chừng nào mình mới theo kịp chúng. Học trường tây tốn tiền hơn trường việt mà sao chúng lại giỏi hơn nhóm trường tây. Chán Mớ Đời 

Trong lớp có thằng Trí, nay chết rồi, mình có gặp lại hắn ở nhà hắn ở Phan Đình Phùng trước khi hắn qua đời. Tên này có cái tật, không biết ăn cái gì ở nhà, hột mít hay đậu mà vào lớp hắn cứ đánh rấm như pháo đài B52 thả bom ở Hà Nội. Cứ ra chơi, là thấy hắn rầm rầm rồi cả đám ngồi cạnh hắn phía sau la hét, chửi bới. Tên này to con nên không ai dám đụng nhưng ra đường thì có lần, đám nào đòi rạch mặt, may có Nguyễn đình Tài, nhảy vào đánh đám kia chạy có cờ. Nó có cái hay là có thể kiểm soát, thả hơi như trống, mà Hùng Con Cua hay nói là rouler khi nó biểu diễn màn đánh đủ thứ trống, phiên la nghe khá lạ.

Mỗi lần như vậy là tên Nhuận kêu thằng Trí trung tiện, bất lịch sự khiến mình như ngỗng ị, không hiểu gì cả, đành hỏi nó giải thích. Tên này kêu “trung tiện” 中便 là đánh rấm, còn “tiểu tiện” chữ hán là 小便 , có nghĩa đi tiểu và “đại tiện” 大便 là đi ị. Mình gật gù, ghi chép mấy cụm từ chữ Hán mới học được từ tên này vào sổ tay.

Một hôm, thằng Nhuận kêu thằng Chương thuộc dạng tiểu nhân, không nên chơi với nó khiến mình nhớ là đọc truyện kiếm hiệp Thuỷ Hử, mấy tên cướp hay kêu đại nhân và tiểu nhân nên nhờ nó giải thích. Nó kêu  là tiểu nhân là người có lòng dạ nhỏ mọn 小人,nó kêu khác với đại nhân 大人 người có địa vị cao, đạo Đức.

Mình hỏi không phải là người to lớn hay nhỏ bé. Nó kêu không. Mình hỏi vậy người đi tiểu thì gọi tiểu tiện nhân, người địt thì gọi trung tiện nhân và người đi cầu thì gọi đại tiện nhân khiến mặt nó như ngỗng ị, không trả lời.

Viết tới đây thì đồng chí gái đi tới bàn mình, hỏi đang viết chi rứa, mình giải thích là viết về tên học chung khi xưa, dạy anh tiếng tàu. Mụ vợ hỏi dạy ra răn, mình nói là đi tiểu thì gọi là tiểu tiện, đi cầu gọi là đại tiện, còn đánh rắm gọi là trung tiện. Rứa ôn không biết hà. Mình nói khi xưa học chương trình tây, đâu biết gì.


Mình kể là có hỏi thằng Nhuận, người đi tiểu có phải là tiểu tiện nhân, người đi cầu thì gọi là đại tiện nhân hay không thì hắn không trả lời được vì đầu óc anh khá phản động, nói xấu cách mạng. Mụ vợ hỏi thế người đánh rắm thì ôn gọi ra răn. Mình nói là “ý trung nhân” vì hay đánh rắm như vợ. Chán Mớ Đời 

Chúc các bác một ngày vui.

Nguyễn Hoàng Sơn