Giọt lệ người nuôi ong

Sáng nay, mình chạy lên thành phố Downey để viếng một công ty bán mật ong với ông nuôi ong trong vườn mình. Ông này, mới chở 180 tổ ong lên vùng trồng hạnh nhân của Cali, thủ đô thế giới hạnh nhân, sản xuất 80% hạnh nhân trên thế giới. Mỗi thùng được trả $195. May ông ta không lấy tiền mình vì nghe nói bơ ít tạo ra mật ong nên họ lấy tiền các chủ vườn bơ, $50/ tổ ong. Vườn mình thì có hoa quanh năm, mùa đông có hoa khuynh diệp, cây dừa,….nên ông ta không cần phải đến đem tổ ong đi nơi khác.

Ông nuôi ong không muốn chiết mật ong ra thùng nên nhờ người bạn của ông, cũng là dân nuôi ong từ đời cha đến đời con. Ông này thì lấy công $5/ bình. Họ đang tính mua máy để tự chiết ra bình cho nhanh.

Công ty này làm theo tiêu chuẩn y tế của Cali. Muốn vào phòng chiết mật ong thì bận đồ như phòng chống vi-rút corona nên không lo bị nhiễm trùng. Họ bỏ cái thùng tonneau mật ong vào cái phòng được trang bị máy điện toán, làm nóng chảy mật ong vì dạo này, trời lạnh nên mật ong cứng như đá. 

Họ để độ nóng theo công thức nếu không thì mật ong sẽ bị cháy khét, rồi đưa vào phòng chiết ra chai hay bình. Họ kể là khi xưa, để cái bóng đèn 100 watts 1, 2 ngày thì thùng mật ong chảy ra, nay có hệ thống điện toán nên khỏe hơn.

Loại bình này phải được khử trùng, ngay cả cái nắp được làm theo phương cách tiêu chuẩn y tế của luật Cali. Phải gửi mua khá đắt, khác với những cái nắp mình thấy trên Amazon. Rẻ như bèo.

Ông nuôi ong này lấy bà vợ thứ 2, gốc đại hàn nên thấy bà này làm thêm đèn cầy, son môi, dầu gội đầu với mật ong,… mình thấy họ bán pollen mật ong 100%. Họ dùng cái bẩy để khi ong bay về tổ thì bị cạo các phấn hoa lại từ mấy cái chân của ong. Loại phấn hoa này thì có đầy đủ chất dinh dưỡng của mật ong. Ông ta cho mình một bình thêm mật ong với sáp và một hủ mật ong hoa lá chanh.

Phấn hoa của ong được xem là loại tổng hợp gồm phấn hoa, mật hoa, enzyme, mật ong, sáp và các dịch ong. Loại này khác với các loại với các sản phẩm ong khác như mật ong, sữa ong chúa hoặc tổ ong. Những sản phẩm này có thể không chứa phấn hoa hoặc có thể chứa các chất khác. Phấn hoa ong có trên 250 chất dinh dưỡng như amino acid (protein, chất đạm), sinh tố, chất mỡ,… nghe nói bộ y tế Đức quốc công nhận phấn hoa ong là một loại thuốc. Hôm nào rảnh mình kể về những cái hay của phấn hoa ong về y dược.


Vào tiệm coi thì thấy đủ loại mật ong, có điều họ bán cực đắt so với ông nuôi ong ở vườn mình. Mình có cô cháu đặt 50 bình, ông nuôi ong đã trên 74 tuổi nên giao cho người khác có máy móc cho khoẻ nên đòi thêm $5 tiền để trả cho người chiết vào bình. Nói chung vẫn rẻ hơn là cái công ty chiết ra bình này bán. Mình thấy giá đâu $75. Gấp 3 lần ông Mỹ bán cho mình. Kinh

Nghe cô cháu kể là trong sở có ông bác sĩ, lấy hành để thử mật ong của ông nuôi ong ở vườn mình thì hành lá bị cháy liền nên gọi là mật ong thật nên đặt 6 bình, rồi y tá, bệnh nhân đặt thêm nên nhờ mình mua dùm 50 bình. Kinh

Lý do là phải trả tiền bảo hiểm, nhân công và lời trong khi ông nuôi ong thì làm tại nhà rồi chở đến bán sĩ cho công ty này để họ vô chai,… mình mua của ông nuôi ong theo giá hữu nghị. Còn mật ong trên thị trường đều nhập cảng từ Trung Cộng, bị pha đủ thứ đường nên rẻ như bèo.

Xong màn thăm viếng thì mình nhớ là có một thùng bơ 50 cân anh, mới đem về hôm qua trong xe nên đem tặng hai ông thần nuôi ong, sau đó thì họ mời đi ăn sáng ở một tiệm rất cổ xưa thời James Dean. Được cái là ăn khá ngon. Mình muốn làm quen những người nuôi ong khác để lỡ ông nuôi ong già, thì có người tin tưởng để thay thế. Ông này sợ mình tìm người khác nên lâu lâu kêu không được giao cho người khác. Ông này đã 74-75 tuổi nên phải chuẩn bị trước.

Ngồi nói chuyện thì khám phá tên nuôi ong này, thời sinh viên có bồ với một cô sinh viên gốc việt nhưng ông bố Mít không chịu nên đành chia tay, lấy vợ da trắng rồi ly dị. Anh ta theo nghề của ông bố rồi mở công ty đến nay. Tên này trẻ bằng tuổi vợ mình.

Ông thần kể là có khách hàng gốc đại hàn rất nhiều, họ cứ tới mua mật ong nhưng cứ đòi bớt giá đến một hôm, có một bà đại hàn đến, kêu ông ta không đối xử đẹp với bà ta, rồi bị tiếng sét ái tình, quen nhau 8 năm trời rồi cưới nhau. Nghe ông nuôi ong ở vườn mình kêu là bà đại hàn này làm việc, nuôi ong còn nghề và tài giỏi hơn ông chồng.

Ông thần này kể ông bố gốc Ý Đại Lợi, bà mẹ gốc Anh Quốc, hai người này chịu không nổi chiến tranh thế giới 2 nên chạy qua Gia Nã đại sinh sống. Ông bố không biết tiếng anh nhưng vẫn cua được bà tóc vàng, người Anh Quốc. Họ lấy nhau rồi dọn qua Hoa Kỳ.

Ông bố không rành anh ngữ, làm công nhân rồi sinh bệnh đánh bài đến khi tìm ra nghề nuôi ong thì ông ta tin tưởng vào chính mình và tương lai. Ông thần nuôi ong kể là hồi còn bé rất sợ ông bố nhưng sau này đi nuôi ong với bố thì đâm ra thân nhau, mới hiểu thêm về người cha nhiều hơn rồi ông ta bật khóc.

Ông Ron, nuôi ong trong vườn mình kể là ông bố anh ta mới mất 6 tháng qua. Khi chúng ta có gì trong tay thì không trân trọng đến khi không còn nữa thì đâm ra hối tiếc. 

Ăn xong thì mình chạy lên vườn, đồng chí gái có bà bạn nào lên xin mấy cây bơ, quít rồi hái một thùng bơ và quít đem về. Năm nay mình cho hái sớm vì tên packing house, mua sĩ của mình nói, tháng 4 này thì bơ của Mễ, peru sẽ được nhập vào cùng lúc nên giá sẽ rẻ thêm mình muốn chặt cây, tỉa nhánh trước khi cây ra hoa, để bón phân cho năm tới, để xem có hiệu quả hơn hay không.

Mình có hỏi bán bơ trên amazon thì thấy khá phiền phức vì mình phải làm hết mà amazon vớt thêm 15%. Vấn đề là tiền cước quá đắt. Tuần rồi mình gửi thùng bơ cho mấy đứa cháu ở Philadelphia. Tiền cước cho một ngày đến là $205, 2 ngày là $125, 1 tuần thì $35.

Mình điện thư mấy ông bạn già tiến sĩ, có muốn lên vườn tuần tới không vì hai tuần nữa sẽ hái hết bơ nên họ muốn đem theo vợ nên mình nhất trí, chắc phải nhờ vợ lên nói chuyện với mấy bà. Làm làm picnic , mua bánh mì thịt lên ăn cho nhanh. Mai họ sẽ lên vườn, nghe nói sẽ đem bàn ghế lên để ngồi ăn cho vui.

Trước khi về, tên nuôi mật ong nói với mình là lần sau đến, đem cho hắn bánh mì thịt vì hắn mê loại này. Hôm qua ăn thử phấn hoa sau khi ở  vườn về thì thấy khỏe hết đừ. Trưa nay có đám trường Tây trường tàu rũ đi ốp-lai họp mặt chi đó. Nếu vợ không có mục gì thì ghé lại.

Mình có viết bài kể về những cái hay của phấn hoa ong và sữa ong chúa. Xem trên bờ lốc của mình. Hôm nào rảnh sẽ tải lên đây.

Xong om
Nhs

Sinh nhật tổng thống George Washington

Tuần này, mình được lãnh nhiệm vụ làm “toastmaster”, người điều khiển chương trình buổi họp, giới thiệu diễn giả, nên hơi ớn ớn vì mới vào được hai tháng đã được giao trọng trách này nhưng phải soạn thảo chương trình buổi họp. Thử lửa càng sớm thì càng học tập mau. Trên mạng của Toastmasters, có chương trình này nên tải về để soạn, thêm có một bà ở gần nhà mình, hướng dẫn nên cũng bớt lo.

Mình dùng tiêu đề của buổi họp là “President’s day”. Ngày Hoa Kỳ tưởng niệm sinh nhật của vị tổng thống đầu tiên là ông George Washington . Mới sang Hoa Kỳ, mình nghĩ là ngày tưởng niệm mấy tổng thống Hoa Kỳ nhưng đọc sách báo thì mới khám phá ra mình thuộc loại ngu lâu dốt bền.

Hoa Kỳ là xứ tư bản nên họ nghiên cứu ngày nghỉ liên bang phải làm sao bớt thất thoát sự làm việc và gia tăng đẩy mạnh thương mại nên năm 1968, quốc hội ra đạo luật là các ngày nghỉ đều nằm vào ngày thứ 2 để người ta bắt cầu từ cuối tuần luôn để họ đi chơi hay mua sắm. Cứ thấy khuyến mại vào những ngày lễ liên bang.

Chẳng bù ở âu châu thì lễ nghỉ nhất là ở Ý Đại Lợi, nghỉ các thánh nhà thờ thiên chúa cả mấy chục người. Đi làm mỗi năm nghỉ trên 30 ngày hay họ bắt cầu khi trúng ngày thứ 4 hay 5 trong tuần, khiến kinh tế bị đóng cửa.

Lý do dùng một tiêu đề để khỏi làm hội viên buồn chán. Bổn phận người điều khiển chương trình là giới thiệu diễn giả, và hỏi mọi người về nhiệm vụ của mình… để kết nối các tiết mục, trong khi các diễn giả chuẩn bị lên bục, thì có thể dùng thì giờ do để kể vai tích liệu về đề tài hôm nay, cho khỏi khô khan nên họ dùng một tiêu đề nào như tuần trước về “superbowl”, chung kết banh bầu dục Hoa Kỳ hay tình yêu nhân tuần lễ “Valentine”. Nói chung là giáo dục, giúp hội viên học được nhiều cái lạ mới.

Tuần này, người Mỹ nghỉ lễ sinh Nhật tổng thống nên mình sử dụng tiêu đề để tìm kiếm thêm những chi tiết thú vị để chia sẻ với các hội viên.

Điểm lạ là người Tây phương cứ tổ chức sinh Nhật cho người chết còn người Á châu thì kỷ niệm ngày chết. Lúc sống thì chả đoái hoài đến nhưng khi chết thì lại cúng kiến, chắc là để có cơ hội ăn một bụng cơm lá Bồ đề.

Điểm lạ là ông Washington sinh ngày 11 tháng 2 năm 1731 theo lịch Julian và được đổi thành ngày 22 tháng 2 năm 1732, theo lịch Gregorian. Chán Mớ Đời 

Lúc ông ta sinh ra đời thì còn dưới chế độ cầm quyền của Anh Quốc. Anh Quốc có nhà thờ riêng, không lệ thuộc vào nhà thờ Vatican nên vẫn sử dụng lịch của Julianus có từ thời Julius Ceasar và khi ông ta chết thì Hoa Kỳ đã được thành lập và độc lập với nhà thờ Anh Quốc nên sử dụng lịch của toà thánh Vatican mà người ta gọi là lịch Gregorian, do ông Đức giáo hoàng Gregory thứ 13, đề xướng.

Lúc đầu người Mỹ không chịu đổi lịch nhưng đến năm 1752, ông Washington đồng ý chấp nhận sinh Nhật ông ta là ngày 22 tháng 2 nên từ đó Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng lịch Gregorian nhưng trớ trêu thay là ngày nay người Mỹ không làm kỷ niệm sinh Nhật của ông ta là ngày 22 hay 11 tháng 2 mà là thứ hai của tuần lễ thứ 3 trong tháng 2. Chán Mớ Đời 

Ngày xưa đi học thì có nghe thầy giáo nói vụ này nhưng mình chỉ biết ngơ ngác, chả hiểu mô tê chi cả. Đã điên cái đầu với dương lịch và âm lịch. Bà cụ mình thì nhớ tất cả ngày sinh của mấy đứa con theo âm lịch còn dương lịch thì không nhớ. Mình đoán là mẹ mình không bao giờ được đến trường nên chỉ tính theo ngày ta như người Việt xưa.

Người âu châu sử dụng lịch được hoàng đế Julius Ceasar thành lập dưới thời cai trị của ông ta, tương tự có một tháng mang tên ông là tháng 7, hay Juillet tiếng anh là July. Có 31 ngày và sau này ông hoàng đế Augustus cũng chơi cha lấy thêm một ngày gọi là tháng Auguste hay August. Hai tháng đi kèm với nhau lại có 31 ngày, vì họ lấy 2 ngày của tháng 2 vì lẻ đó mà tháng hai không bao giờ có đến 30 ngày. 

Thời gian để trái đất quay một vòng thái dương hệ là mỗi 365.2422 ngày. Với 365 ngày và một ngày hơn mỗi 4 năm (0.2422 x4 =1). Lịch Julian (julius) được dùng từ thế kỷ 46 trước Chúa Giáng Sinh thì có 365.25 ngày mỗi năm. Sự khác biệt giữa 365.2422 và 365.25 ngày cho mỗi năm, sẽ khiến sự khác biệt đến 1 ngày cho mỗi 128 năm.

Theo lịch Gregorian được thành lập năm 1582, do đức giáo hoàng Gregoire 13 thiết lập thì 3 của 4 thế kỷ được chia đều bằng con số 100, là không bị nhuận. 1700, 1800, 1900 không bị chia, chỉ có năm 2000 mới bị chia, và 2100, 2200, 2300 sẽ không bị chia nhưng 2400 thì bị. 3 ngày được lấy mất cho mỗi 400 năm sẽ cho con số trung bình mỗi năm là 365.2425 ngày, giảm sự sai biệt 1 ngày cho mỗi 128 năm và xem như 1 ngày cho mỗi 3300 năm. Theo tình hình hiện tại thì lịch Gregorian có 13 ngày sớm hơn lịch Julianus. Bắt đầu ngày 14 tháng 3 năm 2100 (29 tháng 2 năm 2100 theo lịch Julianus), sự khác biệt sẽ là 14 ngày. Kinh

Sáng nay, làm toastmaster lần đầu tiên thì thấy cũng OK, không có chi là lo ngại cả. Chỉ có vấn đề là có vài người không tham dự nhưng lại quên không email cho mình biết nên phải nhờ mấy người khác thế họ.

Mình đề nghị là thành lập một email cho cả nhóm để khỏi bị thất lạc vào Spam nhưng có tên Mỹ, thuộc ban quản trị nói là nên để bán quản trị họp để bàn vì cần có người quản lý vấn đề này.

Trong ngày mình quen nói tiếng Mễ, sáng lại nói tiếng anh nên hơi bị ngọng lưỡi khi phát âm. Chán Mớ Đời 

Bác nào ở Hải ngoại, nên tham gia mấy hội này để học tập ăn nói trước công chúng. Nhờ tham gia nhóm này mà em hiểu sai lầm của mình khi phát biểu ý kiến và hiểu lý do vợ càm ràm vì khi chưa biểu đạt được ý của mình, người ta có khuynh hướng lập lại những gì đã nói trước đó vài giây nên không phiền hà khi vợ nói tới nói lui. Muốn nghe vợ lập đi lập lại chỗ nào để nghiên cứu nên gia đạo khá vui vẻ.

Xong om

Nhs

Sự phản bội của trí thức

Hồi nhỏ học lịch sử, ông Phan Chu Trinh đi Tây cổ động phát triển đất nước theo Tây phương, ông Phan Bội Châu với phong trào Đông-du, khuyến khích bắt chước theo Nhật Bản, vì xứ này đánh thắng Sa-hoàng năm 1905, rồi đến mấy ông khác như Hồ chí minh thì theo đệ tam cộng sản Quốc tế hay ông Tạ thu Thâu thì theo đệ tứ, troskyist chi đó khiến mình điên cái đầu vì chả hiểu gì cả.

Có chuyện ông Nguyễn Trường Tộ đi sứ sang Tây, trở về kêu bên tây có đèn treo lộn ngược khiến các quan kêu là khi quân, xem thường quan lại. Cho thấy tinh thần trí thức, quan lại Việt Nam như ếch ngồi đáy giếng đến ngày nay.

Có ông Nguyễn Thái Học bị bắt và bị xử tử ở Yên Bái với 12 người khác. Ông này có tuyên bố một câu: “không thành công thì thành nhân” khiến mình đã ngu lại càng ngu lâu vì mình hiểu thành nhân là thành người nhưng bị chém thì thành ma chớ sao lại thành người. Có hỏi bạn bè hay thầy giáo thì bị kêu là đồ ngu.

Lớn lên thì hiểu nhưng tại sao vào thời đó, ông Ghandi cũng là trí thức, được đào tạo bởi Anh Quốc lại dùng chiêu bài; không đòi lại độc lập bằng vũ trang mà bằng sự bất bạo động, bất tuân dân sự vì họ hiểu lý do chính của cuộc xâm chiếm cai trị của người Anh quốc là kinh tế. Nước Mỹ không có nô lệ được người Anh quốc bắt cóc đem sang Mỹ Châu làm nô lệ thì chắc chắn không bao giờ giàu có như ngày nay. Khi phong trào bất tuân dân sự do ông Gandhi khởi xướng và thuyết phục thì ai cũng theo. Cuối cùng Anh Quốc phải trao trả lại nền độc lập cho Ấn Độ. Họ may mắn có những người chống lại thực dân có học thức, được tây phương đào tạo như ông Gandhi, ông Lý Quang Diệu và Nelson Mandela.
Ngược lại các nước được Pháp cai trị, làm thuộc địa thì các trí thức của các xứ bị đô hộ, học từ người Pháp cuộc cách mạng 1789 nên chỉ biết đòi lại tự do độc lập bằng vũ lực  mà người Pháp gọi là Cách Mạng. Nhìn lịch sử các quốc gia thuộc địa của của Pháp quốc đều dùng vũ lực như Đông-Dương, Algerie,…

Biết bao nhiêu thuộc địa trên thế giới được trao trả lại độc lập mà không phải đánh nhau với người tây phương, trong khi Việt Nam cứ choảng nhau thay vì dùng cái đầu để đối địch, dành lại độc lập như họ. Chán Mớ Đời

Cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông-du

Xem hình thì thấy một ông bận âu phục, một ông thì áo dài khăn đóng, một ông thì bận áo quần như Stalin, ông thì bận đồ như Mao-Trạch-đông. Gần đây, Tết đi chùa hay ăn tân niên ở nhà bạn hữu thì thấy thiên hạ bận áo dài, vừa đàn ông vừa đàn bà. Không hiểu họ về nguồn hay chỉ là một thời trang thoáng qua rồi bay đi.

Tự hỏi tại sao người Việt lại cứ bắt chước người ngoại quốc. Chúng ta có thể học hỏi những cái hay của người ngoại quốc rồi phân loại cái nào hợp với cá tính dân tộc, địa dư, văn hoá mà dùng thay vì cứ bô bô theo người ngoại quốc, bắt chước hoàn toàn của họ.

Điển hình vào thời pháp thuộc, người Việt có nhạc cải cách mà Tây gọi là “la musique rénovée’, người Việt dùng âm nhạc, nhạc cụ của Tây phương cung bậc để tạo ra nét riêng của âm nhạc của mình như Bolero,… trước 75, nhờ chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cấm sử dụng ngoại ngữ đặt tên cho các hiệu tiệm nên xuất hiện một làn nhạc mới sau nhạc cải cách mà người ta gọi “nhạc trẻ”, nhớ nhất là ban nhạc Phượng Hoàng và Quốc Dũng,… đó là sáng tạo từ ảnh hưởng của nhạc Pop Tây phương.

Khi sang pháp, mình có đọc “La Trahison des Clercs“ của ông Julien Benda, thì khám phá ra các nước đánh nhau vì cho rằng đường lối của mình hay hơn hàng xóm. Ông ta nói lên sự phản bội của giới trí thức mà dạo ấy, các Đảng phái ở âu châu, tranh nhau cho mình là đúng để rồi đưa đến cuộc thế chiến thứ 2 tàn khốc, dẫn đến cuộc diệt chủng trên 6 triệu người do thái và bao nhiêu triệu người đói khổ lầm than.

Học sử năm lớp 11 về đức quốc xã, cho thấy sau thế chiến thứ 1, có hai Đảng chính ở Đức quốc tranh nhau để rồi đức quốc xã của Hitler lên cầm quyền dẫn đến thế chiến thứ 2. sau này thì đọc tài liệu thì được biết các nhóm tư bản thấy đường lối của Đức quốc xã giúp họ làm giàu hơn nên ủng hộ để Hitler lên cầm quyền.

Lý do mình nhắc lại sự tiên đoán của ông Julien Benda, người pháp gốc do thái vì ngày nay ở các xứ tây phương, lịch sử đang lập lại, sự phản bội của các trí thức như ông Benda đã giải thích trong tập “La Trahison des Clercs. Cao trào của chủ nghĩa dân tuý đang lên như điên; ở pháp người ta tiên đoán con gái của ông Jean Marie  Le Pen sẽ đắc cử tổng thống trong 2 năm tới, Brexit đã hoàn tất….. Chủ nghĩa tự do đã thoái trào, không đáp ứng được cho xã hội hiện nay.

Xem như 3 chủ nghĩa chính xuất hiện ở thể kỷ 20; cộng sản, phát xít và tự do đã cáo chung. Ngày nay, người ta xem bảo vệ môi trường như một tôn giáo hơn là một chủ thuyết chính trị. Các hình ảnh người đức trẻ ngồi ngoài đường, biểu tình bảo vệ môi trường rồi các người tài xế, bò lại lôi kéo họ vào lề đường.

Xét lại thì lịch sử đang lập lại, âu châu chém giết nhau trong 2 cuộc chiến ở thế kỷ 20 nên mới thành lập Liên Hiệp âu châu để giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển trong hoà bình nhưng khi Hy Lạp bị xem như phá sản thì người dân âu châu tự hỏi, tại sao phải đóng thuế để nuôi dân ở xứ khác nên các phong trào dân tuy ra đời.

Mấy năm trước mình ghé lại âu châu, các nước đều có các phong trào cực hữu lên mạnh, chống người ngoại quốc. Hồn ai nấy giữ, những ý tưởng cao đẹp sống chung hoà bình đã tự biến mất khi con người nghĩ đến quyền lợi của chính bản thân. Mấy tên bạn khi xưa, bầu cho Đảng cộng xã hội hay dân-chủ công giáo, đều hô hào, ủng hộ các Đảng cực hữu. Người Anh Quốc vừa rút khỏi Liên Hiệp âu-châu vì không muốn đóng tiền cho các nước khác xài nuôi các chương trình xã hội làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu.

Họ rêu rao giảng về thánh kinh nhưng không làm theo những gì chúa đã rao giảng, cứu người bị nạn như các tỵ nạn chiến tranh do chính các chính phủ họ đã gây ra khiến các dân ở phi-châu, trung đông chạy lánh nạn sang xứ họ.

Dù muốn dù không, nếu chúng ta chịu khó nhìn kỹ thì với mức độ ngày nay, các chính phủ Tây phương sẽ không có khả năng trả tiền hưu và y tế cho người dân của họ vì người ta sống lâu, 20, 30 năm sau khi về hưu. Họ đưa ra lý do vì người di dân ăn bám đủ trò.

Chúng ta đang trở về thời kỳ trung cổ khi chỉ có giới quý tộc và tá điền. Quý tộc thì sống sung sướng từ đời này sang đời khác như ông bá tước Alexis de Tocqueville, có viết cuốn sách ”De la démocratie en Amérique“  khiến mình phải đọc trước khi đi du lịch Hoa Kỳ. 

Ngày nay người giàu có thì càng ngày càng giàu hơn trong khi người nghèo thì càng ngày càng te tua, thậm chí máy móc sẽ thay thế họ trong tương lai, biến họ thành một giai cấp vô dụng vì không còn được xem là một đơn vị kinh tế trong dòng sản xuất. Các chương trình thuế vụ, xã hội, kinh tế đều để giúp người giàu, thêm của hơn. Đơn giản là chính họ chi tiền để các đại biểu, tổng thống vận động bầu cử. Obama được trả công 60 triệu sau khi rời chính quyền, đã giúp “bail-out” các ngân hàng sắp phá sản. Họ lấy tiền thuế của người dân để hỗ trợ các ngân hàng này sống mạnh.

Ra hải ngoại, mình có dịp so sánh đời sống các nước tây phương và Việt Nam, cũng muốn người Việt ở Việt Nam có một đời sống ấm no như các nước tây phương. Mình thấy bạn bè hay các người Việt khác ở hải ngoại, bên âu châu hay Hoa Kỳ cãi nhau về cách thức hay đường lối phát triển Việt Nam,… khiến mình lại liên tưởng đến thế hệ đi trước, các ông Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hồ CHí Minh, Tạ Thu Thâu,…

Nghĩa là cứ muốn áp đặt một thể chế của người tây phương lên xã hội Việt Nam để phát triển. Họ cãi nhau, cho mình đúng rồi về Việt Nam, choảng nhau như điên đưa đến cuộc nội chiến tương tàn, rốt cuộc Việt Nam vẫn bị thụt hậu so với thế giới dù mặt trời có toả nắng tại Hà Nội.

Ta thấy chủ nghĩa cộng sản, phát sinh từ cuộc cách mạng kỹ thuật ở âu châu, khác với người Việt vẫn còn trong thời kỳ canh nông, không dính dáng đến Việt Nam, đã đưa dân tộc vào hai cuộc chiến, giết không biết bao nhiêu người để rồi vẫn thuần phục, làm chư hầu Trung Cộng ngày nay.

Mỗi lần đi ăn cưới hay tiệc tùng trong cộng đồng Việt Nam, mình thấy mấy bà mấy cô gốc Việt hay á châu bận đồ đầm theo thời trang của người Tây phương. Nếu nhìn kỹ thì người Việt mình nhỏ con, lại to béo như người Mỹ nên khi bận áo đầm phải đi guốc giày 2 tất nhưng váy may cho người ngoại quốc vẫn dài lê thê quét nhà, ngược lại thấy mấy bà mấy cô bận áo dài Việt Nam trong các lễ hội tết vừa rồi thì lại thấy dáng thanh nhã hơn, có sắc thái riêng, đưa lên nét đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Mình có theo học vài lớp của trường đại học Lý Quang Diệu, Tân-gia-ba thì khám phá ra họ đang tìm cách, phát hoạ một chương trình phát triển của xứ họ trong vòng 50 năm tới. Họ xem thường Hoa Kỳ, vì cho rằng lợi tức cá nhân của dân họ cao hơn người Mỹ. Họ sử dụng người tài để thành lập một chiến lược 50 năm tới cho quốc gia nhỏ bé của họ, thay vì kêu mặt trời toả nắng ở Việt Nam dù dịch Corona.

Dạo mình theo học cao học ngành phát triển đệ Tam thế giới ở Thụy sỹ, có làm nghiên cứu về Nhật Bản phát triển dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng cũng dựa vào hoàn cảnh của họ, không làm theo hoàn toàn của người tây phương.

Nguy hiểm nhất của du học sinh hay ai ở hải ngoại, là những người bảo hoàng còn hơn vua, bị ảnh hưởng không khí chính trị, văn hoá của người sở tại nên cứ muốn áp đặt một đời sống kinh tế, văn hoá như nước họ cư ngụ tại Việt Nam, bất chấp những bất đồng văn hoá, địa lý, chính trị,…

Các người gốc việt Hải ngoại, cứ tưởng mình là người Mỹ hay là tây đầm nhưng vụ đại dịch Corona này đã giúp họ hiểu là da vàng mũi tẹt thì vẫn bị kỳ thị, cho dù họ có quốc tịch của nước sở tại.

Gặp mấy ông đồ khi xưa thì một là Khổng Tử cỏn như thế này, hai là Mạnh Tử viết như thế kia,… đến thời Tây thì các người theo Tây học, một là cứ Jean Paul Sartre nói như vậy, Marx nói như thế kia hoặc Kundera địt ra sao,… ngày nay, ai nấy đều đòi hỏi dân chủ như Tây, dân chủ như Mỹ nhưng phải nghe tôi, còn ai mà nói khác một tí, không bầu cho tôi là chụp mũ Việt Cộng. Chán Mớ Đời 

Hôm qua, gặp ông 8 Bôn Sa, hỏi diễn hành ngày Tết ra sao. Ông ta kêu mấy đàn anh kêu không đi vì sợ mếch lòng các nhóm, hội đoàn. Ông ta kêu ngày xưa, ra trận, đơn vị trưởng kêu xung phong là bỏ ba lô lại rồi tiến tới, chết thì có đồng đội lượm xác về, không bỏ lại trận địa. Nay Việt Cộng sang, chúng bỏ tiền, phá rối cộng đồng, mình không tham dự là trúng kế của Việt Cộng. Huynh trưởng không đi thì tui đi một mình. Thế là có vài chục người lính cũ đi diễn hành trong khi các huynh trưởng ở nhà. Chán Mớ Đời 

Ông Nguyễn Du đi xứ bên tàu, ra chợ trời thấy có cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, đem về đọc khi đi đường, về đến nhà, ông ta dựa theo ý của cuốn sách mới đọc để viết Thuý Vân Kiều, để đời. Ông ta sáng tác lại theo tinh thần văn hoá của Việt Nam. Nếu ông ta không đi sứ bên tàu thì chắc người Việt, chúng ta đã không có truyện Kiều.

Chủ nghĩa tự do của tây phương đang thoái trào vì không áp dụng cho phúc lợi toàn người dân và đáp lại các vấn nạn xã hội, kinh tế cảu ngày nay. Sự cách biệt lợi tức giữa người giàu và nghèo càng ngày càng cao. Người nghèo không có gì để phản đối cả như khi xưa, họ có các công đoàn lao động để bảo vệ quyền lợi của họ, nay máy móc thay thế hết. Thế là ngọng.

Một xã hội có đến 49% dân số được xem là giới vô dụng vì ăn bám vào công quỹ quốc gia, ăn trợ cấp, không còn là một đơn vị kinh tế sản xuất của kinh tế thị trường thì có thể hình dung tương lai đen tối ra sao nhưng các chính trị gia, cứ ăn tiền của các nhóm lợi ích để sống, để được kiếm phiếu, được tiền để tranh cử,…

Xem phim “parasite” trên AppleTV đã nói lên một phần nào tương lai của xã hội Hoa Kỳ hay các nước phát triển sẽ đi về đâu.

Khi xưa vào thời trung cổ, các giáo sĩ, đại diện cho giới có học, trí thức đã buộc người dân theo lối sống của nhà thờ đặt ra. Tương tự ngày nay, có một số trí thức hồi giáo, ép buộc người dân sống theo  luật Sharia một cách cực đoan.

May thay, khi đế quốc Thổ nhĩ kỳ được thành lập, các giới trí thức Hy-Lạp chạy sang Tây-âu đem theo những tư tưởng sống của các trí thức Hy-Lạp, đã gây ảnh hưởng cho giới trí thức âu châu và đã tạo nên thời đại Phục Hưng, đưa âu châu ra khỏi các bế tắc xã hội và tư tưởng.

Ngày nay chủ nghĩa dân tuý lên cao nhưng vụ dịch Corona đang chứng minh cho ta thấy thế giới đã được toàn cầu hoá. Hãng xe Huyndai phải cho thợ nghỉ vì không có đồ phụ tùng được chế tạo từ Trung Cộng. Nội ngành du lịch bị ngưng đủ thấy bao nhiêu dịch vụ ăn theo ngành này đủ ngất ngư. Một năm có đến 146 triệu du khách đến Trung Cộng. cứ xem con số để biết tổn thất của ngành du lịch của Trung Cộng cũng như các nước khác tiếp đón Số lượng tương đương số du khách tàu.

Trái cây, thực phẩm được bán qua Trung Cộng lâu nay, bổng nhiên ngưng lại. Kinh tế Việt Nam dựa vào Trung Cộng quá nhiều, gần đây Hoa Kỳ đưa các nước như Việt Nam, Trung Cộng lên hàng nước đã phát triển cho thấy Hà Nội chơi trò, lấy đồ của Trung Cộng bán cho mỹ là một cách ăn xổi không có tương lai. Đồ nhập cảng từ Việt Nam sẽ bị đánh thuế cao, sẽ phải cạnh tranh với các nước khác.

Các giới trí thức, chuyên gia cứ áp đặt những gì học ở tây phương hay Trung Cộng lên nước nhà để phát triển, không điều nghiên rõ hơn về địa lý, văn hoá của người Việt để phát triển theo mô hình riêng của Việt Nam như Tân gia Ba đã làm, đang làm và sẽ làm. Họ nghiên cứu làm sao phát triển cho 50 năm tới trong khi chúng ta chả có gì cả nhưng vẫn tự hào mặt trời toả sáng ở Hà Nội. 

Chán Mớ Đời
Nhs


Những người hàng xóm nổi tiếng

Mình ở cư xá của ty Công Chánh, ở đường Hai Bà Trưng, Đàlạt từ năm 1962 đến 1974 nên có nhiều kỷ niệm về thời còn bé ở khu này. Nhà mình nằm ở giữa đường Hai Bà Trưng và Thi Sách nhưng mình hay chơi với đám trẻ ở Thi Sách và Calmette hơn. Đám ở Hai Bà Trưng ít được bố mẹ cho chơi với mình, họ không cho mình vào nhà, chắc sợ cái mặt hơi gian gian, hay nhìn xung quanh của mình. Chán Mớ Đời 

Ở trên đường Thi Sách thì mình chơi với mấy tên như Đinh Gia LÀnh, học Yersin rồi qua Trần Hưng Đạo, thằng Hiệp con ông Tô, Khánh Ù, con ông Phúc, thổi kèn cho đội quân nhạc kèn đồng của trường Võ Bị,… qua thằng Lành (Bi), nay ở tiểu bang Washington, Hoa Kỳ thì mình quen thằng Nguyễn Đức Vinh, bạn bè hay kêu Vinh Kennedy, ở đường Calmette, số 33 thì phải vì nhà nó là căn thứ 2, hay 3 đi từ góc ngã 3 Thi Sách và Calmette. Căn đầu tiên là một biệt thự rồi đến nhà bà nào quên tên rồi mới đến nhà thằng Vinh Kennedy. 

Hình như hai tên này cùng đi hướng đạo Lâm Viên nên thân nhau. Tên này học trường Trần Hưng Đạo, em của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Mỗi lần đến nhà hắn là thấy hắn tập đánh đàn. Lớn lên một chút thì mới biết ông anh của hắn nổi tiếng trong giới du ca.

Mình quen tên Vinh Kennedy học chung với anh bà con mình, tên Thành, con dì Ba Ca, ở trên số 4, thường được gọi là “Bồn Lừa” vì anh chàng này đá banh hay ở trường Trần Hưng Đạo. Mậu Thân thì gia đình dì Ba Ca từ Số 4, chạy xuống ở trú tại nhà mình nên mới quen biết nhau, đá banh với nhau.

Dạo ấy trong xóm có màn đánh bóng bàn, ở nhà ông Nghi, trên đường Thi Sách, có phòng nhổ răng ở đường Minh Mạng. Trước khi đi Tây, mình ra đây trám răng và nhổ răng đủ trò. Hai tên Lành và Vinh dạy mình đánh bóng bàn, rồi sau này mình hạ chúng hết. Anh Toàn con ông Tô, nghe nói vô địch đôi trường Trần Hưng Đạo, mình cũng hạ nốt. Chán Mớ Đời 

Quen thằng Vinh Kennedy, mặt thằng này giống tây lai nên bạn bè kêu cái tên cúng cơm là Vinh Kennedy. Bố hắn làm chi ở nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi. Quen tên này mới nghe đến Nguyễn Đức Quang, anh của hắn. Hình như mình chỉ gặp mặt anh chàng này có một hai lần ở nhà hắn. Tuy có gặp mặt một hai lần nhưng khi ai nói đến Nguyễn Đức Quang thì mình đều vỗ ngực kêu là hàng xóm khi xưa. He he he

Trong những bài của Nguyễn Đức Quang, có lẻ bài “Việt Nam quê hương ngạc nghễ” là mình hay hát với đám bạn ngày xưa và “người anh Vĩnh Bình” khi nhớ đến vụ ông cụ mình, bị du kích vây quanh nhà ở quê, để xử tử vì không theo họ, may ông cụ trốn thoát đêm đó nếu không thì Sơn Đen không có mặt trên dương thế. Chán Mớ Đời 

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng cuộc đời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang!
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!
(…) Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên!

Có lần mình đang chơi trên đường Thi Sách với đám con NÍt thì có một ông sinh viên Võ Bị, bận đồ xuất trại vào cuối tuần, đi ngang rồi hỏi cả đám nhà của chị Lệ Khánh. Mình biết chị Khánh là con cậu Mân, không nhớ cậu Mân bà con chi đó bên ông ngoại hay mệ ngoại của mình nhưng chắc cũng loại xa vì không thấy đi ăn kỵ bên gia đình này. Cậu mợ hay ghé chợ thăm bà cụ mình khi đi chợ. Cậu Mân, hình như là phó trưởng ty cảnh sát Đàlạt thì phải, hay chạy chiếc xe jeep của ty cảnh sát. Nhiều khi cùng làng với mệ ngoại mình cũng có.

Cả đám kêu em biết, em biết rồi mình và thằng Đắc làm tài khôn, dẫn ông Võ Bị này lên đường Calmette, hình như nay Việt Cộng đổi tên Phạm Ngọc Thạch và nhà của cậu Mân, cách nhà Vinh Kennedy đâu 4 căn nhà, ở gần nhà dòng Domaine de Marie, nơi mấy bà sơ nuôi trẻ em mồ côi tây lai.

Mình và thằng Đắc thay nhau gọi chị Lệ Khánh ơi có người hỏi thăm thì một hồi sau, thấy chị mở cửa lầu trên ra đứng ở Ban-công, nhìn xuống. Thằng Đắc chỉ ông Võ bị rồi nói có người tìm chị. Mình không quên giây phút này. Khi ông võ bị nhìn thấy chị Lệ Khánh thì bỏ đi. Lâu quá mình không nhớ, đọc báo thì thiên hạ khen chị ta đẹp nhưng theo mình nhớ cái mũi của chị tẹt lét. Sau này nghe nói lấy chồng về Sàigòn thì phải. Mình chưa bao giờ vào nhà cậu Mân nên không rành lắm.

Lớn lớn, sang trường Việt thì được đám học chung nói đến tập thơ của chị Lệ Khánh “em là con gái trời bắt xấu”. Mình có mượn đọc cuốn tập thơ của chúng nhưng chả hiểu gì cả trong khi chúng chép lại theo để viết thư cho mấy cô trong lớp. Mình thấy thằng Sang viết thư cho gái, lấy cuốn tập mà nó chép theo đủ loại ra để lựa bài nào rồi viết nắn nót lại mấy câu thơ, thay lời để cho hợp với tâm trạng của nó đối với cô bạn học chung lớp:

Sang đứng đợi suốt chiều mưa chúa nhật
Lần sau nhé bận gì H cứ khất
Xin sẵn sàng đứng đợi vạn mùa đông
Bạn bè đi qua trao vội thiếp hồng
Sang vẫn mặc để chờ H trọn kiếp

Rồi hắn hỏi mình có hay không thì mình chỉ biết gật đầu như gà nuốt dây thung, miệng kêu u chau u chau, hay hay, thầm phục tên này, dám chờ đợi cô học chung lớp đến trọn kiếp. Kinh


Nếu mình không bị tiếng sét ái tình trong đời khi sang Hoa Kỳ chơi thì chắc sẽ không bao giờ mượn sách thư viện sách việt ngữ để đọc thì ngày nay tiếng Việt mình cũng trả nhớ về không. Nói tiếng Việt chắc cũng ngọng ngọng như con mình. Chán Mớ Đời 

Mình ra thư viện gần nhà ở Luân Đôn, không ngờ họ có một tủ sách việt ngữ nên xem như nguyên năm đó mình đọc hết sách báo việt ngữ của thư viện này trong đó có cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của ông Hoài Thanh. Có lẻ biết yêu nên mình bổng nhiên đọc thi ca thì thấy ngấm ngay đến khi lấy vợ thì chỉ biết tụng kinh Chán Mớ Đời.

Tối thứ 7 vừa qua, có mấy người bạn đến nhà chơi họp mặt, ngồi nói chuyện với mấy bà bạn thì mới khám phá ra họ cũng quên khá nhiều tiếng Việt như vợ mình. Mình cứ kêu vợ mình ở Việt Nam lâu năm hơn mình, học chương trình việt, tốt nghiệp đại học Việt Cộng mà lại quên tiếng Việt nhiều hơn mình. Hóa ra cái bệnh trầm kha của người Việt Hải ngoại.

Có chị bạn kêu “chánh địa” khiến mình buồn cười, nhắc chị ấy là “thánh địa” còn trong chùa thì phần chính là “chánh Điện”. Chị ta cứ nhớ mại mại nói lơi khơi lộn hai cụm từ với nhau. Cách tốt nhất để học tiếng Việt lại là đọc sách việt ngữ.

Nói vậy chớ, mình đọc thư của cậu Võ Quang Tri, con ông Võ Quang Tiềm thì cậu này viết tiếng Việt còn rành hơn mình dù đi tây vào lúc còn học trung học. Xem như học trường Tây, ở bên Tây từ bé đến đại học, ở bên tây hơn 60 năm mà viết tiếng Việt rất chuẩn. Kinh

Nhs


Chấp nhận hay nương theo

Hôm qua, có anh bạn linh mục lâu ngày không gặp, ghé vườn mình chơi với một linh mục khác ở giáo phận Riverside. Anh bạn linh mục có xin mình mấy cây bơ nhỏ để trồng trong khung viên nhà dòng nên mình có cấy cho mấy cây đem về.

Mình cho dạo quanh vườn, mỗi cha đem về một thùng bơ 50 cân cho giáo xứ ăn. Sau đó mình mời hai linh mục đi ăn trưa rồi nói chuyện, ôn lại những kỷ niệm của 30 năm về trước, khi mình với anh bạn linh mục cùng sát cánh với các sinh viên vùng đông Bắc, biểu tình chống cưỡng bách hồi hương các đồng bào ở các trại tỵ nạn ở đông Nam Á.

Anh bạn kể dạo ấy có một cô sinh viên Princeton, vượt biển lúc 12 tuổi, ngày nào cũng gọi văn phòng ông dân biểu gốc Do thái ở New York, để mời tham dự cuộc biểu tình với sinh viên và người Việt tại New York trên đại lộ số 5 (Fifth Avenue). Cuối cùng ông ta đành chấp thuận đến vì tò mò. Ông dân biểu kể tôi có biết đến một người họ hồ ở Việt Nam, đó là hồ chí minh, còn Tiffany Ho thì không biết nên phải bỏ hết các họp mặt khác để đến với cộng đồng người Việt, để xem mặt cô sinh viên gốc việt này. Chị này nay là bác sĩ ở miền Bắc Cali.

Nhớ nhóm “Bút Nhóm Lửa Việt”, dạo ấy tổ chức các trại hè với thanh niên và sinh viên vùng đông Bắc, khá vui, nhiều kỷ niệm, những đêm làm báo Lửa Việt ở đại học Princeton,… mình học lại tiếng Việt nhờ tham gia nhóm này, tìm sách báo việt ngữ đọc rồi tập viết cho báo Xuân, rồi sông có khúc người có lúc, mình sang Cali lập gia đình, lâu lâu có hỏi thăm nhau, mỗi năm gửi hiện kim cho nhóm để giúp các công tác thiện nguyện ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ như vụ bão lụt Katrina nhưng hết thời gian để vác ngà voi, lo tu thân tề gia còn bình thiên hạ thì để các người khác lo. Nay thì làm vườn trở về cuộc đời nông dân.

Ngồi kể chuyện những người bạn xưa đi biểu tình chống cưỡng bách hồi hương, nay có một số dựa vào những hoạt động của tuổi trẻ để trở thành các chuyên gia xã hội về cộng đồng người Việt, để xin tiền các hội đoàn nhất là các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các Foundation nên cũng không thiết tha gặp lại họ. Mình chống cưỡng bách hồi hương trong khi họ đồng ý để có việc làm cho họ khi đưa các người vượt biển trở lại Việt Nam, họ sẽ nhận tiền của chính phủ Hoa Kỳ hay các tổ chức quốc tế để quan sát xem các người này có bị Việt Cộng làm khó dễ, tạo công ăn việc làm cho họ….

Vợ mình có cô bạn học cũ, hai vợ chồng đều là kỹ sư, nay họ làm việc, gây quỹ toàn thời gian để giúp đỡ người Việt tại Việt Nam, có đời sống kinh tế khá hơn làm kỹ sư nên tụi này cũng hay tránh. Theo phương cách làm việc của các tổ chức vô chính phủ, thì phải trả lương cho người điều hành tổ chức, cứ muốn trả bao nhiêu thì trả,… có vài người mình biết nay đang bị tố vì lạm dụng tiền bạc ngân quỹ. Anh bạn linh mục kể là có ông mục sư nào đó bị một trong những người này dẫn đi xin tiền, nhưng ngân phiếu được ký cho tổ chức của họ nên mục sư đến nay không thấy đồng tiền nào để ông ta có thể giúp nhà thờ ở Việt Nam, dù bị Việt Cộng làm khó dễ.

Mình thì nhất quyết không tham dự mấy buổi gây quỹ của họ, vợ mình vì nể bạn chớ mình thì không. Mình biết có người mỗi năm xin được mấy triệu đô để tổ chức các chuyến du lịch, đưa các cựu chiến binh Mỹ thăm viếng Việt Nam vì đa số bị bệnh tâm thần sau khi từ Việt Nam trở về mỹ, không hoà nhập vào đồi sống dân sự. Ở Hoa Kỳ, làm từ thiện là một nghề chuyên môn, có thể kiếm rất nhiều tiền nếu hiểu biết luật lệ và xin tiền. Các công ty cho tiền để trừ thuế và tiếp thị cho công ty.

Xin tiền thì mướn một chuyên gia chuyên viết để xin tiền (Grant) các cơ quan từ thiện hay chính phủ,... sẽ chia trên số tiền nhận được.

Anh bạn kể là khi bão lụt Katrina xảy ra thì anh ta cùng các người Việt quyên góp áo quần, dụng cụ,... để chở tiếp tế cho nạn nhân. Sau đó thì có một anh chàng, mình có gặp khi xưa ở Boston nay làm luật sư, gọi điện và đề nghị cha cho biết số tiền, chi phí để anh ta khai lại với chính phủ liên bang và đề nghị chia 40/60 chi đó. Anh bạn kêu là muốn chấm dứt cuộc nói chuyện thì tên luật sư trở mặt, hết xưng cha con, đủ trò,...

Hôm qua, báo chí đăng có một tổ chức phi chính phủ ở Pháp quốc, bảo trợ một viện mồ côi ở Đà Nẵng từ bao nhiêu năm nay, nay nghe vụ dịch Corona, họ đột suất về Việt Nam để xem tình hình các cháu mồ côi ra sao thì viện mồ côi vắng như chùa Bà Đanh, hỏi ra thì các em đã được người thân đưa về nhà, vì sợ dịch. Chán Mớ Đời

Nhóm “Bút Nhóm Lửa Việt” có mướn một người đại diện toàn thời gian ở Việt Nam, để lo cho các công việc từ thiện của nhóm chủ trương. Anh bạn là đầu tàu. Người đại diện bị Hà Nội làm khó dễ, nhiêu khê lắm nhưng bảo đảm là xe đạp tặng đến tay các em học sinh nghèo, hay thuốc cho người nghèo, mỗ tim cho trẻ em nghèo,...

Làm việc từ thiện tại Việt Nam rất khó vì bị Mặt Trận Tổ Quốc, và công an theo dõi phá đám. mình có ghé thăm một giáo xứ ở gần Đàlạt, nơi mà tụi này có tặng học bổng cho học sinh Chu-ru và xe đạp. Các em đi học, phải lội bộ 10 cây số mỗi ngày, bụng đói. Khi xưa, mẹ mình đi thăm ông cụ ở trại cải tạo Đại Bình, có lần xe bị lật, các người Chu-ru mời mẹ mình và các bà đi thăm chồng vào ngủ lại nhà họ nên mình lo cho mấy em để trả ơn ngày xưa.

Nói chuyện với mấy cha thì được biết có lần, giáo xứ bên mỹ nào tặng cho 1 tấn gạo. Cha kêu mấy thanh niên thánh thể lên lấy bao nylon để đựng gạo rồi chở lên các buông để tặng gạo thì mới ra cổng nhà thờ đã bị MTTQ và công an chận lại, lập biên bản, kêu nhiệm vụ giúp người dân là của họ. Cha phải ký giấy tờ, cam kết là KHÔNG được tái phạm. Sau đó cha hỏi là nếu nhờ MTTQ và Công Ăn giao gạo cho người trên buông thì tốn bao nhiêu. Họ kê tính ra thì xem như đi đong nữa tấn gạo. Chán Mớ Đời

Chưa kể là lâu lâu công ăn đến nhà thờ để kiểm soát hay chi đó, cứ phải lo nấu ăn đủ trò, sau này cứ đưa tiền cho họ đi ăn ngoài phố cho tiện.

Ngồi nói chuyện về bệnh ung thư của anh bạn linh mục, đã trải qua giải phẫu. Bác sĩ nay kêu xạ trị, sau khi giải phẫu không hết. Anh bạn hỏi bác sĩ, ông là máy định vị của tôi. Ông bảo tôi giải phẫu thì tôi đã nghe lời, nay không hết ông lại kêu xạ trị, làm sao tôi có thể tin ông nữa. Anh bạn kêu; mày còn có gia đình, vợ con, còn tao thì chỉ có giáo xứ nên không có gì níu kéo tao lại như cô em của tao. Cô em cũng bị ung thư ngực, kêu phải phấn đấu để sống vì con, vì gia đình. Ông linh mục của giáo xứ ở Riverside cũng bồi thêm, ít ai hiểu cách suy nghĩ của mấy kẻ thừa sai, hiến dâng cuộc đời theo gương của Chúa.

Tập ở Đông Phương Hội từ 12 năm nay, mình bắt đầu hiểu tư duy của hai vị linh mục này. Khi giao thủ, mình ngại đối thủ lấn lướt, áp đảo mình nên có khuynh hướng chống cự hay tìm cách áp đảo đối phương. Hôm trước, Khoa nhấn hai cái huyệt cùng lúc trên cánh tay của mình, bất ngờ nên mình tự động phản kháng lại thì cảm thấy đau nhức nhối, không làm gì được. Đến khi Khoa kêu mình cứ nương theo như khi luyện tập với Khoa thì khi bị nhấn hai cái huyệt lại thì mình chỉ nương theo nên không thấy đau nhức nhối như lần đầu tiên.

Khi anh bạn linh mục chấp nhận là nương theo căn bệnh thì sẽ ít cảm thấy đau, còn nếu cứ tìm cách cưỡng lại chống chọi thì càng thấy đau hơn như mình đã bị nhấn huyệt lần đầu.

Mình có tóm tắc 5 cuốn sách đã đọc về ung thư trong bài “đừng sợ ung thư”, bác sĩ khuyên là tâm của mình trong thời gian điều trị cần phải bình tỉnh, không nôn nóng vì càng nôn nóng, chống lại thì các tế bào ung thư càng sinh sổi nảy nở, di căn đến khắp nơi. Đó là sự thử thách mà chúng ta cần phải vượt qua. Đông Phương Hội hướng dẫn các hội viên, luyện tập tinh thần để vượt qua các thử thách để khi đau ốm, chúng ta bình tỉnh, chấp nhận sự kiện để trị bệnh.

Anh bạn kêu: “that’s it “, tao đã đi khắp 4 châu theo tiếng gọi của bề trên, làm việc cho nhà thờ ở Do Thái, ở các châu khác, lo cho người Việt tỵ nạn, người nghèo khổ ở Việt Nam,…nay chỉ chấp nhận sự phán xét của Chúa”. Gần 30 năm qua, mình lâu lâu nhận được email, anh bạn linh mục kêu tao đang ở Florida rồi vài năm sau thì đang ở Do Thái rồi khi thì nghe đang ở Việt Nam,…

Mình thấy anh bạn rất can đảm vì ít ai nói đến dọn mình về đất chúa bình thản như vậy nhưng vẫn vui cười, tiếp tục con đường của kẻ thừa sai. Đa số là trách móc Chúa đủ trò,… lạ một điều là mình và anh bạn linh mục nói chuyện với nhau là cứ mày tao. Chán Mớ Đời

Khi xưa, ở Nữu Ước, mình bận bộ đồ vét đen và hay đi anh bạn linh mục nên thiên hạ cứ gặp mình kêu là thầy. Vô nhà giáo dân, họ kêu cha còn hỏi mình là thầy hay cha để họ tiện xưng hô khiến mình bị ế vợ nên phải thoát về Cali mới tìm được vợ.


Cuộc họp mặt ngắn ngủi với anh bạn, giúp mình ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, thời còn sinh sống ở Nữu Ước, một thời sống với đam mê của tuổi trẻ. Tham gia các hoạt động của tuổi trẻ, hát vang với bạn bè những bài hát tranh đấu cho người tỵ nạn, mất quê hương. Có một bài ca thuộc thể loại nhạc vào đời của người công giáo mình thích nhất là: 

Gần nhau, trao cho nhau yêu thương tình loài người 
Gần nhau, trao cho nhau tin yêu đừng gian dối 
Gần nhau, trao cho nhau ánh mắt nhân loại này 
Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người. 

Cho dù rừng thay lá xanh đi 
Cho dù bầu trời thiếu mây bay 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi. 

Cho dù đồi hay núi di đi 
Cho dù biển cạn nước bao la 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi. 

Cho dù mùa xuân thiếu hoa tươi 
Cho dù rừng ngàn thiếu muông chim 
Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi


Anh bạn nhắn tin kêu cảm ơn cho tình bạn và bơ, kêu là mấy người ở nhà thờ đòi đi viếng vườn bơ như anh ta kêu không vì mệt quá.

Mình cũng cảm ơn anh ta đã đồng hành với mình trong 5 năm khi mình làm việc tại Nữu Ước. Anh ta là một trong những người đã giúp mình mạc khải  rất nhiều trên con đường đời, có cái nhìn làm thiện nguyện vì cái tâm, giúp đỡ kẻ khốn khổ hơn mình, không vì danh lợi, nhiệm vụ của một người thừa sai dù mình không phải công giáo nhưng anh ta vẫn đón nhận tình bạn của mình.

Cảm ơn Chương.

Ai muốn viếng vườn bơ cửa rèm thì cứ nhắn tin rồi hẹn ngày giờ đến chơi.

Nhs

Tình láng giềng Đàlạt

Hôm qua, tình cờ mình nhận được hình ảnh Đàlạt ngày nay do một cô nào, kêu là láng giềng, ở xóm Địa Dư Đàlạt, con bà Chi bán bắp nướng và bánh căng ở xóm này. Cô nàng lên nhà mình, chụp vài tấm hình của nhà mình để gửi cho mình khiến mình rất cảm động. Không biết nhau nhưng qua tình láng giềng một thời, cô ta đã chịu khó giúp mình tìm lại một thoáng Đàlạt ngày nay.

Cô nàng kêu tên bố mẹ thì mình chịu thua vì cư xá Địa Dư chỉ nhớ gia đình ông Lào, chú Be hay ông Tước hay chạy chiếc Vespa, nay ở Gia Nã Đại mà mình có gọi điện thoại thăm hỏi một lần. Cô kêu bà mẹ bán bánh căng thì mình càng mù tịt, chỉ nhớ là có người bán bắp nướng, thì cô ta kêu đúng rồi, cùng bán bắp nướng và bánh căng.

Hồi nhỏ đi bộ thì mình hay đi ngang xóm này hay chơi đá banh với đám ở xóm này đến khi thương phế binh cắm dùi xây nhà ở bãi đất cày bên cạnh xóm thì hết. Sau này có xe Honda chạy nên ít để ý đến hàng quán ở cư xá này. Nay về thì toàn là nhà và quán nhậu.

Mình về Đàlạt, không thấy con nít chơi ngoài đường như mình khi xưa, chắc không có đất để chơi vì mọi nơi đều xây nhà, mấy cái sân hàng xóm khi xưa, con nít hay tụ tập để chơi đá banh, nhảy cò cò, bắn bi. Nay chỉ thấy nhà và nhà, cây cối đều bị chặt hết, không còn một con chim, không tiếng gà gáy,...

Thấy có ảnh chùa Linh Sơn, hồ Dankia, phố Hoà Bình, vườn hoa. Cô này là gốc Đàlạt nên vẫn giữ được nét hiền hoà của người Đàlạt muôn thủa.

Năm ngoái, có cô hàng xóm khi xưa, nay ở Sàigòn, lên Đàlạt họp mặt cựu nữ sinh Bùi Thị Xuân, có ghé nhà thăm bà cụ mình. Có nhiều người Đàlạt không quen cũng nhắn tin, email hỏi thăm mình khiến mình rất cảm động. Họ đến hỏi thăm bà cụ mình cũng giúp mẹ bớt nhớ các người con xa xứ.

Lâu lâu mình cũng nhận được tin tức của mấy người láng giềng, ở gần nhà mình cũng đường Hai Bà Trưng, trẻ hơn nên ngày xưa không biết. Họ  đọc những bài mình viết về Đàlạt khi xưa nên cũng thăm hỏi, kiếm dùm tài liệu cũ hay hình ảnh hoặc biết được tin tức gì mới về Đàlạt xưa, giúp mình cập Nhật hoá những bài viết về Đàlạt. 

Cô láng giềng còn hứa là lần sau mình về thăm gia đình, cô ta sẽ bê cái lò bánh căng lên nhà mình để đỗ cho cả nhà ăn. Hôm trước vào dịp Tết, có một chị gốc Đàlạt, liên lạc với mình rồi đem tặng chai rượu và hộp kẹo sô-cô-la cho vợ mình. Tình người Đàlạt ngày nay hay ngày xưa đều như nhau. Mình rất cảm ơn những cảm tình của người Đàlạt dành cho kẻ xa xứ trên 46 năm qua.

Không ảnh Đàlạt xưa, hôm nào rảnh mình kể các địa điểm trên ảnh này

Nhân ngày tình yêu, em xin chúc các bác nhất là người Đàlạt trên toàn thế giới một ngày vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình.

Nhs


May mắn

Nhiều khi gặp những người Việt di dân sang Hoa Kỳ khiến mình ngạc nhiên vì họ là những đại gia, tiền rừng bạc bể, đem ra Khỏi Việt Nam trên 20 triệu đô nhưng lại bỏ hết phía sau để đi định cư ở Hoa Kỳ, lú khú trong nhà vì ngại học lái xe hay giao dịch, xông xáo ngoài đời ở xứ người. Cứ lo thi quốc tịch Mỹ để về Việt Nam làm ăn.

Dạo này, nhân vụ dịch Corona ở Trung Cộng, thấy người dân vô tội, Trung Cộng không có phương cách ngừa dịch, bị bắt cách ly, xem như sẽ chết và sẽ được thiêu đốt. Bắc kinh không chịu báo tin hay cảnh báo người dân đến khi nội vụ banh tành tành, tìm cách dập tắt các người đưa tin. Nghe nói họ đều mất tích, kể cả người ngoại quốc.

Đọc tin tức ngoài luồng thì các chuyên gia ở đại học Harvard hay Yale cho rằng, vi-rút này là nhân tạo vì chỉ khác với vi-rút gây ra bệnh dịch SARS có 4 protein. Họ cho rằng muốn biến đổi từ vi-rút SARS sang vì-rút CORONA phải được biến dạng đến hơn 10,000 lần. Kinh

Họ cho rằng Trung Cộng thử nghiệm, chế vũ khí sinh học rồi có lẻ đám đàn em của Giang Trạch Dân rò rỉ ra ngoài để đánh cánh Tập Cật BÌnh như lần trước cho nổ bom để hạ sát nhưng bất thành. Họ xem quyền lợi của họ hơn cả người dân, ai chết mặc bây, ta phải nắm chính quyền. Lúc này mình mới hiểu vì sao người Tàu hay người Việt với tư duy “giết 3 đời” (tru di Tam tộc) vì sợ con cháu của người bị truất phế trả thù như Tập Cật Bình hiện nay, có mối thù người cha bị hãm hại trong thời cách mạng văn hoá.

Họ chận bắt người dân như xe bắt chó Đàlạt ngày xưa, người lái xe chạy vòng vòng các đường phố, thấy con chó nào chạy khơi khơi ngoài đường, họ ngừng xe lại, lấy cái cây có cái vòng tròng ở đầu, tròng vào cổ con chó chạy lòng vòng ngoài đường, bỏ lên xe, trong mấy cái thùng không biết có hơi thở hay không. Thấy cảnh hai vợ chồng ôm nhau từ biệt rồi được quăn lên xe trong cái thùng to đùng. Vệ tinh ảnh cho thấy các chỗ cháy có lưu Huỳnh cao nên đoán người tàu đốt xác người để tránh nạn vi trùng lây lan. Số người chết được thông báo đã nhiều mà người ta còn nghi ngờ là con số này có thể phải nhân cả 10 lần.

Nhìn những hình ảnh ấy mình cảm thấy may mắn sống tại Hoa Kỳ, các người bị nhiễm trùng, được cách ly nhưng không dã man như ở Trung Cộng. Mấy người trên tàu ở Nhật Bản, bị nhiễm trùng nhưng vẫn được ra ban-cong để hóng gió, chớ chịu sao nổi ở trong phòng cả ngày cả đêm.

Ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên văn chương Nobel hoà bình, chết trong tù, có nói về người Tàu hiện nay như sau trong ”On living with Dignity in China.”:

"Người Trung Quốc thường hay tự hỏi, tại sao phải cần nhân phẩm, lương tâm, lý tưởng, lòng trắc ẩn, tính chính trực, và một cảm giác tự biết xấu hổ?...Họ cho rằng, nếu nói cho vuông, thì những giá trị đó có ăn được đâu, có mang lại tiền bạc của cải gì cho họ đâu."

Có đọc bài tiểu luận của nhà văn này, chết trong tù cộng sản mới thấy chế độ cộng sản trồng người ra sao. Không như ông Quản Độ khi xưa, cần 100 năm, Trung Cộng chỉ cần một thế hệ đủ khiến người Tàu gạt bỏ hết “nhân nghĩa lễ trí tín”, những lời dạy của Khổng Giáo từ mấy ngàn năm qua.

Mình không quên khi xem video đoạn một chiếc xe tải cán một đứa bé, rồi de lại để cán thêm cho đứa bé chết. Nghe giải thích ở Trung Cộng, chủ xe dặn tài xế là nếu lỡ gây ra tai nạn thì phải cán cho chết vì chỉ trả tiền một lần trong khi bị thương thì phải trả tiền nhà thương phí rồi phải nuôi cả đời.

Hà Nội may mắn vụ Đồng Tâm đang gây sôi nổi thì vi rút Corona đã cứu được họ. Nếu đọc Tạp Chí Quốc Phòng, ngày 22 tháng 10 năm 2018, có một bài của tiến sĩ Nguyễn Trấn Thành, thuộc viện chủ nghĩa xã hội khoa học mang tiêu đề “Phong trào chống chủ nghĩa dân tuý trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, sẽ hiểu lý do Hà Nội ra tay quyết liệt với Đồng Tâm để dập tắt các mầm mống chống đối vì chẳng ai muốn chết như cụ Kình, dù đã có mấy chục năm tuổi Đảng. Thiên hạ lêu bêu vài câu rồi im luôn, vì cuộc đàn áp Đồng Tâm quá dã man và con người bổng thấy lo sợ. Chỉ có người ở Hải ngoại mới dám vớ vẩn vài câu.

Có nguồn tin cho rằng, người làm chính trị không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội khi có đại dịch như hiện nay. Họ cho biết Trung Cộng lợi dụng thời cơ địa dịch để tiêu diệt các đối thủ chính trị hay các cá nhân phản kháng chế độ. Họ cứ cho người đến nhà, bắt đi rồi giết đâu đó, xác thì đốt. Xong om

Đọc một bài của một người ở Vũ Hán kể là lãnh đạo đi thăm tình hình, vào bệnh viện, mọi người đứng xếp hàng để nghe bệnh nhân hát bài “không có đảng cộng sản thì không có đổi mới chi đó”. Kinh. Cái gì cũng chính trị hoá.

Có lẻ người Tàu cũng hiểu vấn đề nên có mấy video thấy họ chống trả dữ dội vì biết sẽ bị giết. Trung Cộng xây bệnh viện trong mấy ngày mà thấy người bị cách ly, bận áo lạnh. Nghe nói là vi-rút sẽ chết ở nhiệt độ cao thì tại sao trong bệnh viện, không gia tăng máy sưởi lên trên 30 độ C. Chán Mớ Đời 
Người Sàigòn vẫn còn tình người , chưa bị cộng sản làm mất tính người
 Trung Cộng đang ráo riết ngăn chận tin tức được thông ra ngoài nên có lẻ đám Giang Trạch Dân rò rỉ tin tức ra ngoài để đánh họ Tập. Chúng tranh dành quyền lực và dùng người dân vô tội thêm tin tức không chính xác nên khó mà thẩm đoán được tình hình.

Được tin là Hoa Kỳ sẽ hồi hương 368 du khách Mỹ bị kẹt trên chiếc du thuyền bị nhiễm vi-rút ở Nhật Bản. Các nước khác thì cứ để lì trên đó cho tiện việc, Nhật Bản chỉ tiếp tế thực phẩm hàng ngày và chiếc tàu khác được xem là Exodus của 2020, không ai cho cập bến vì sợ, được Cao Miên nhận. Chắc họ cho ăn mắm bò-hóc là giết hết vì-rút nhưng cho thấy Hun Sen là người lãnh đạo rất khôn ngoan, biết lợi dụng thời cơ để tiếp thị nước mình.

Mình thấy may mắn sống trong môi trường tương đối có tự do và được bảo vệ. Nay nghe nói học sinh á châu hay ai đi vào các khu thương mại, người da trắng tránh né người á châu chớ 100 năm trước thì có lẻ người da trắng đã xuống đường, bắt nhốt hết người á châu vào trại tập trung như người gốc Nhật Bản đã trải qua trong thời kỳ chiến tranh mỹ-Nhật ở thế kỷ trước.

Nhs

Cập nhật 02-16-2020: mình hay theo dõi tiến sĩ Andrew Saul, chủ trang nhà “doctoryourself.com. Tuần này, mình có chia sẻ một bài của tiến sĩ nói về chống vi-khuẩn Corona bằng cách sử dụng sinh tố C thì bị Facebook chận. Sau đó mình lại thấy tiến sĩ Saul kêu tài khoản của ông ta cũng bị chận nên ông ta mở tài khoản bên WEME.com, để mọi người theo dõi vì ông ta nói tin tức mà ông ta nhận được có thể sẽ bị Facebook khoá sổ.

Đọc bài mới này do một nhân viên cao cấp tình báo Trung Cộng tố cáo vụ vi-khuẩn Corona, chỉ là màn đạo diễn. Mình không dám kể lại vì ngại, chưa kiểm chứng được nhưng với những gì mình đã đọc các tin tức ngoài luồng, thì tất cả những gì trước đây về vụ này đều thấy hợp ý.

Nhân viên tình báo Trung Cộng này lên tiếng vì người con trai bị nhiễm vi-khuẩn này. Ông ta cho biết bác sĩ đã báo cho mọi người về vi-rút corona mới qua đời vì bị nhiễm vi rút. Trên thực tế thì ông ta bị nhân viên an ninh chích bạch phiến và Mercury chớ không vì nhiễm vi trùng.

You have of course read that he died of “coronavirus.”  You have been misinformed.  A sergeant of the People’s Armed Police injected him with a mixture of heroin and mercury that caused his lungs to deflate.

Mình sẽ kể lại vụ này qua bài viết bằng hoa ngữ nhưng chắc sẽ không dám tải lên đây hay Facebook. Lý do là blog của mình có rất nhiều người xem từ Trung Cộng.

Đế-quốc Trà

Từ bé đọc sách báo được biết là người Anh Quốc rất thích uống trà nhất là giới quý tộc nên mình cũng bắt chước làm quý tộc uống trà Bảo Lộc, trà có tên dòng họ bên ngoại. Dạo ấy còn nhỏ quá, chỉ nhớ mỗi lần xuống Bảo Lộc là đến nhà bà Tư, trà Nguyễn Đăng, thấy phơi trà,…nhưng không nhớ họ làm sao để làm trà khô, đem lên bán ở Đàlạt và đem về Sàigòn. Khi lớn một tị thì hết xuống Bảo Lộc vì an ninh.

Họ nói là khi uống trà thì phải cầm cái tách và cái đĩa để dưới cái tách rồi ngón tay út phải chìa ra,…. Đến khi qua Luân Đôn làm việc thì khám phá ra những gì sách báo nói đều bố láo. 

Chắc phóng viên đọc báo rồi thêm bớt để lấy tiền nhuận bút chớ chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống ở Anh Quốc hay uống trà quý phái của người Anh Quốc. 
Thế  giới nay cứ nghe đến vi-rút tàu là hoảng
Qua Anh Quốc làm việc, vào sở chỉ thấy dân anh uống cà phê như điên, chả thấy tên nào uống trà. Sáng vào sở là thấy họ dành nhau để pha cà phê ở bếp. Muốn uống trà phải đến mấy tiệm danh tiếng như Fortnum Mason hay Harrods, lên lầu vào phòng uống trà thì mới có. Có mấy chỗ khác sang trọng hơn nhưng mình thuộc loại đói nên không dám mò tới. Người Anh Quốc dặn vừa uống trà vừa ăn scones. Ở Anh-quốc mình chỉ thích có loại bánh scones này. Mình có đưa vợ con đến Harrods’, lên lầu trên ăn scones và uống trà. Đắt tiền nên phải ăn chậm chậm uống trà từ từ nhìn sang phải thấy du khách Nhật nhìn sang phải thấy du khách Mỹ. Chán Mớ Đời 

Tương tự sang Áo quốc đi ăn bánh ngọt ở các tiệm nổi tiếng chỉ thấy toàn là du khách tàu và Hàn quốc. Sau này mình đi chơi ở xứ người thì chỉ vào những chỗ nào có người địa phương còn trên sách báo, toàn là chỗ khai địa du khách, không có chi là đặc biệt.

Có thể mình không quen người anh loại quý tộc để xem họ uống trà ra sao còn dân bình dân thì cà phê. Dạo mình còn làm việc ở Anh Quốc thì có thấy người Anh Quốc uống trà nhưng đa số là người lớn tuổi.

Theo lịch sử thì người Anh Quốc có phong tục uống trà là từ một phụ nữ gốc Bồ Đào Nhà. Tương tự thế giới uống cà phê là từ các ông cha nhà dòng hay uống rượu Champagne cũng vậy, do các cha nhà dòng làm để làm thánh lễ….

Vào thế kỷ thứ 17, con gái của vua Bồ Đào Nha John đệ tứ là Catherine of Braganza, lấy vua Anh Quốc là Charles đệ nhị, đem theo của hồi môn là hải cảng Bombay và Tangier. Khi bà hoàng hậu này về xứ của chồng thì đem theo mấy thùng trà để uống. 

Từ khi đến Anh Quốc thì bà hoàng hậu này quen uống trà hàng ngày. Dạo ấy, ở Anh Quốc, trà được dùng như thuốc chữa bệnh, giúp cơ thể khoẻ mạnh nên khi hoàng cung thấy bà này uống trà mỗi ngày nên họ bắt chước uống trà luôn.

Thật ra người Anh Quốc đã uống trà trước khi bà hoàng hậu gốc Bồ Đào Nha đến. Trong cuốn “Empire of the tea: The Asian leaf that conquered the world”, Markman Ellis có nói đến việc uống trà ở Anh Quốc nhưng vì đắt quá nên người dân uống cà phê. Theo mình biết thì trà có trên 600 loại hiện được bán khắp thế giới còn cà phê thì chỉ có đâu 200 loại.

Trà được nhập vào Anh Quốc từ Hoà Lan, vì Anh Quốc chưa có liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Người Anh Quốc không biết uống trà ra sao vì không có muỗng, tách nên bắt chước cách uống trà của người tàu. Họ nhập cảng các bộ trà tàu bằng sứ từ Bồ Đào Nha vì xứ này có hải cảng Macau,.. Dần dần tạo nên phong trào uống trà trong giới quí tộc, thêm giới bình dân cũng bắt đầu uống trà khi có dịp.

Trong cuốn “a thirst for empire: how tea shaped the modern world”, giáo sư Erika Rappaport giải thích hiện tượng một loại thức uống được truyền bá khắp 4 châu và giúp tạo dựng nên đế quốc Anh. Anh Quốc đã sử dụng quyền lực của mình, luật và quân đội để chiếm hữu thị trường.

Trà được dùng tại Trung Quốc từ trên 5000 năm nhưng Anh Quốc đã giúp truyền bá trà khắp thế giới ngoại trừ Hoa Kỳ và làm giàu cho đế quốc họ. Tương tự ngày nay, nước mắm là do Việt Nam làm chính nhưng Thái Lan đã lợi dụng 20 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau 1975, đã bán chui cho Thái Lan để họ đem đi bán khắp thế giới và ngày nay được xem là bá chủ nước mắm trên thế giới.

Lúc đầu Anh Quốc không muốn chiếm đóng các thuộc địa nhưng vì trà nên họ tìm đất để trồng trà tại Ấn Độ, Sri Lanka và phi châu. Dần dần họ chiếm hữu 2/3 thị trường trà của thế giới.

Bác sĩ Nicolas Tulp, người Hoà Lan viết về những điểm tốt của việc uống trà như ngày nay, ta cứ nhận tin tức khắp nơi nói về ăn cái này tốt, uống cái kia hay cho sức khoẻ,… ông bác sĩ này là thành viên của hội đồng quản trị Dutch East India Company. Cuốn sách nhỏ này trở thành nổi tiếng khiến thiên hạ ùa nhau đi mua trà giúp Hoà Lan và Anh Quốc giàu có.

Lúc đầu, người ta uống trà như người Tàu, không có pha chế gì thêm, đến khi trà được người tây phương pha với đường thì bắt đầu được giới tiêu thụ ham thích. Khi mình sang phi châu thì khám phá dân ở đây uống trà pha với đường khác với người Việt mình. Có lẻ ảnh hưởng của Anh Quốc. Bên tây họ cũng uống trà với đường thì phải, khác bên phi châu là họ để người uống tự thêm đường như cà phê.

Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ được bắt đầu, các nông dân bỏ miền quê để vào làm việc tại thành phố. Họ không được uống rượu khi làm việc nhưng uống trà và đường giúp họ phấn chấn. Nay chúng ta biết trong trà có chất coffeine và đường giúp họ phấn chấn nên trà được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, công nhân thợ thuyền từ ấy.

Tiền thuế đánh vào đường đủ nuôi hải quân hùng mạng của Anh Quốc. Trà được phổ biến khắp đế quốc Anh, ngoại trừ tại Hoa Kỳ. Có lẻ người di dân đến Hoa Kỳ không ưa Anh Quốc, chế độ đã khiến họ bỏ nước ra đi. Họ uống bia và rượu mà mình đã có kể về lịch sử hình thành của Hoa Kỳ nhờ mấy vụ bia rượu này. Không phải vì bị đánh thuế trà như người ta dạy mình về lịch sử Hoa Kỳ. T.E.A. Là chữ tắc của Tax Enough Already chớ không phải là Tea (trà).

Nói chuyện với mấy tên bạn Ấn Độ, chúng chửi Anh Quốc mệt thở vì người anh đến xứ họ bắt tổ tiên họ trồng trà rồi ca tụng trà để dân họ uống, làm giàu cho đế quốc tương tự như người Pháp đến Việt Nam, bắt dân mình làm việc trong các đồn điền cao su, kêu gọi ăn bơ Bretel, loại bơ thường, bỏ rất nhiều muối mà người Việt cứ kiếm để mua mà ăn.

Tương tự ở thế kỷ 21, Hoa Kỳ với các công ty ăn uống như CoCa cola, pepsi cola, macDonalds, Burger King đã tạo dựng lên đế quốc Bắc mỹ này. Người tây phương vẫn dùng các thủ đoạn, các tiếp thị xưa của người anh để làm giàu cho đế quốc họ.

Muốn chinh phục một quốc gia thì cần nhất là chinh phục văn hoá, ăn uống, thời trang. Khi người địa phương ở á châu, phi châu,..cứ thèm muốn ăn uống theo kiểu mỹ, bận thời trang của tây hay mỹ thì họ đã bị nô lệ hoá và sẽ biến thành cái máy để các đế quốc làm giàu.

Ngày nào, người Tàu dù có chống mỹ vẫn còn thèm ăn hamburgers, uống CoCa, mua hàng hiệu thời trang, chạy xe hơi của tây phương thì ngày đó sẽ khó mà xây dựng “giấc mơ tàu”. Nô lệ về tinh thần, văn hoá mới đáng sợ, sẽ khiến con người nghĩ mình thua kém người ngoại quốc.

Tuần rồi, ở giải Oscar Hồ ly Vọng, phim “Kháng sinh trùng” của Nam Hàn đoạt giải nhất, cho thấy người á châu, về mặt nghệ thuật, tư tưởng đâu có thua người tây phương. Năm trước với phim làm tại Hồ Ly VỌng “Crazy Rich asians “ cho thấy người á châu cũng giàu có nhưng lại là nô lệ thời trang, văn hóa của người Tây phương.

Mình thấy người Việt cứ kêu “thoát Trung” nhưng văn hoá của họ chịu nhiều ảnh hưởng của tàu. Hôm trước đến nhà người quen ăn tết, chủ nhà cứ bô bô chống tàu nhưng thấy treo lồng đèn tàu màu đỏ, Made in China  có chữ ”song hỷ” khắp vườn. Lồng đèn người ta treo khi có đám cưới, chúng ta không đọc được chữ tàu, cứ vác về và nghĩ là làm lại hình ảnh quê nhà. Con cháu thấy vậy, cũng bắt chước, mình thấy chúng cũng bận đồ tàu, đội mũ thời Mãn Thanh, mua ở Bôn Sa hay chợ trời. Chán Mớ Đời 

Nhs