Cái hiếu tại Bôn Sa

Cái hiếu tại Bôn Sa

Tuần rồi, vợ mình có rủ vài người bạn đi ăn bánh xèo. Đi chung có chị bạn và người mẹ như bóng với hình. Chị này là con út nên được các anh chị trong gia đình, thương mến, giao cho trọng trách chăm nuôi người mẹ và thăm viếng ông bố ở viện dưỡng lão.

Chị ta là dược sĩ, làm cho nhà thương ở Loma Linda nên mỗi ngày tốn ít nhất 2 tiếng lái xe từ Bôn Sa. Về nhà lại chăm sóc mẹ, cho ăn uống rồi đưa mẹ vào viện dưỡng lão thăm bố. Nghe kể ông bố lớn tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn nhưng chị ta không có thì giờ chăm sóc cho cả hai nên đành để bố ở viện dưỡng lão.

Bà mẹ kể có lần chị ta bận làm việc nên đem mẹ vào bệnh viện, để tiện chăm sóc, bà mẹ sợ bị bỏ lại nên kêu nhân viên đưa về nhà. Bà ta sợ ở viện dưỡng lão. Thật ra, có nhiều người bận công ăn việc làm nên không thể chăm sóc bố mẹ về già. Chỉ biết chùi nước mắt, đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão.

Chị ta kể là từ ngày các anh chị bán cái người mẹ, chị ta cho mẹ ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khác nên đầu óc mẹ nay thấy minh mẫn lại, bớt trả nhớ về không. Chị cho mẹ ăn các loại trái Blueberry, Blackberry, walnut (óc heo?) mà y khoa cho rằng giúp giúp hệ thống não bộ. Chị nói thấy sự khác biệt rõ ràng.

Mình không biết chị ta có cho ăn cà ri Ấn Độ và nghệ hay không vì theo nghiên cứu thì mấy loại này giúp bổ não. Không trả nhớ về không. Có ông mỹ già 83 tuổi kêu là đã chữa được bệnh mất trí nhớ của ông ta, nhờ ăn cá, nghệ và cà ri,… hôm nào mình rảnh sẽ kể vụ này. Nhiều khi quên là một hạnh phúc, về nhà gặp vợ cứ càm ràm nên trả nhớ về không lại một điều hay. Vợ lâm râm tụng kinh còn mình thì trả nhớ về không, ngơ ngác như con nai vàng của Lưu Trọng Lư ngày nào. Cả hai đều hạnh phúc. Hạnh phúc được cam ram và hạnh phúc không hiểu mô ti răng rứa. Chán Mớ Đời

Mình phục chị ta. Nhớ dạo mẹ vợ mình còn sống, có nuôi hai người làm để chăm sóc bà cụ. Cuối tuần, họ nghỉ về thăm nhà là mình phải thay vợ đến nhà ngủ để canh mẹ vợ đêm khuya. Kinh

Mỗi sáng mình ăn “oat meal” với Blackberry với Blueberry. Mua loại đông lạnh ở Costco, có nhiều chất dinh dưỡng hơn là mua tươi ngoài chợ. Trái cây được hái trước khi đến chợ cả tháng thậm chí cả năm nên bao nhiêu dinh dưỡng đều bay về vùng trời bình yên cả. Loại đông lạnh thì họ làm ngay sau khi rữa nên còn giữ chút chất dinh dưỡng.

Trái cây hay rau cải được mua khi giá rẻ và họ bỏ phòng lạnh, đợi khi nào thời cơ chín muồi thì đem ra bán kiếm lời nên có khi cả năm. Theo mấy nhà dinh dưỡng thì 80% dinh dưỡng là lúc khi gặt hái mà ngày nay người ta hái khi còn xanh. Điển hình là cà chua, họ hái lúc còn xanh như đít nhái đến khi lên mâm cơm của mình là đỏ như lá cờ hồng.

Hôm qua có anh bạn kể là có một người bạn có vườn trồng cà chua. Họ cho máy gặt rồi bỏ vào chảo lớn để nấu cà chua làm ketchup bỏ hộp. Máy gặt cà chua vớt luôn chuột đồng nên phải vớt ra. Kinh.

Chị này, thuộc nhóm ca sĩ viện dưỡng lão. Thứ 6 nào cũng đổi giờ làm việc để đi với mấy người bạn vào các viện dưỡng lão để hát cho bố và các người cao niên nghe. Cuối tuần đi chơi thì phải đợi mẹ ngủ rồi mới dám đi nên lúc nào cũng đến muộn, nghĩa là tiệc sắp tan.

Hôm qua, có anh bạn nói phải có con gái thì sau này già nó thương mình, đem về nuôi còn không thì con trai nghe lời vợ tống cổ vô viện dưỡng lão. Đó là truyền hình thực tế của ngày nay.

Người Việt mình với phong tục nên chuộng con trai nhưng trên thực tế, con gái biết lo cho mình hơn khi về già. Có chồng nhưng có món gì ngon đều đem sang cho mẹ cha. Con trai về nhà bố mẹ, có gì ngon thì đem về cho vợ. Xong om

Vợ mình có cô bạn học Trưng Vương khi xưa. Nay sống tại Paris. Có lần chở đi chơi, cô ta kể về cuộc đời sau 75 khiến đồng chí gái khóc như mưa bấc. Tưởng mình đã khổ sau khi Việt Cộng vào nay cô bạn còn chịu đắng ngàn cay hơn.

Cô này là con gái đại sứ hay tham sứ Việt Nam Cộng Hoà ở Úc, đem gia đình về Việt Nam đợi sự vụ lệnh. Đi học là ngọng ngọng tiếng Việt nhưng nhà giàu nên ai nấy cũng xem là càng vàng lá ngọc.

Ông bố năm 1974, được bổ sang Paris nên đi trước để chuẩn bị nhà cửa đón gia đình sang vì đang học lỡ dở. Đùng cái 75 đến phải di tản. Ra phi trường Tân Sơn Nhất, không có vé cho cả gia đình. Bà mẹ quyết định cho người con trai và đứa con bé nhất đi với bà ta, còn hai cô con gái thì để lại cho chị giúp việc trông nom, với tiền bạc. Qua tây sẽ tìm cách đem 2 con gái sang sau.

Việt Cộng vô thì chị người làm ôm tiền về quê. Hai chị em 15, 12 tuổi lớ ngớ, tiếng Việt không thạo, phải bò ra chợ trời đi buôn tự nuôi nhau. Cái khốn nạn là mấy người bạn của bố đến thăm, hứa cho tiền nếu cô ta ngủ với họ. Chị ta cần tiền nhưng lòng căm thù chế độ mới vẫn cương quyết nói Không. Sau này được đi đoàn tụ ở pháp. Về pháp thăm gia đình và bạn bè, hai vợ chồng này nghỉ làm, dẫn tụi này đi chơi. Khá vui.

Chị ta kêu là khổ vì Việt Cộng mà cô em gái đi học về còn hát ”Việt Nam hồ chí mình” khiến cô ta điên tiết lên tát tai cô em nhớ đến già. Việt Cộng đòi đuổi lên kinh tế mới để lấy cái nhà đủ trò mà cứ đời đời nhớ ơn bác hồ. Cứ gặp một người Việt Nam là có một chuyện dài về hậu 75 mà người ta gọi dưới cụm từ khá giang mai “Giải Phóng”.

Người anh được mẹ cho đi, rốt cuộc là cái nợ cho bà mẹ. Anh ta lêu lỏng rượu chè, sì ke, chả học hành. Bà mẹ trước khi chết còn trối lại là phải ráng lo cho anh.

Chị ta kể là có trở lại Sàigòn một lần và không dám trở lại. Khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất là chị ta nhớ đến giây phút bị mẹ bỏ rơi của tháng 4 năm 1975, những ngày giờ lâm chung của Sàigòn. Hình ảnh đó, cảm xúc đó sẽ không bao giờ rời xa ký ức một đời người, một nạn nhân của cộng sản.

Chán Mớ Đời

Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt

Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt

Cách đây hai tuần trong buổi triển lãm tranh tại phòng khánh tiết của tờ báo người Việt, mình làm quen được với một cựu sinh viên đại học Đàlạt, cựu giáo sư trường Bùi Thị Xuân Đàlạt. Ngồi nói chuyện về Đàlạt khi xưa như thời sinh viên học sinh Đàlạt bị Việt Cộng nằm vùng giựt dây, xuống đường, đình công bãi thị, đóng đô ở chùa Linh Sơn mà từ nhà mình thấy cảnh sát dã chiến chạy vào sân chùa, quăng lựu đạn cay đủ trò,….

Mình nhớ tối chiều là mấy ông sinh viên hò hét kêu đưa Nguyễn Cao Kỳ lên đoạn đầu đài, hát hò đủ trò qua máy vi âm. Tới một hôm như chán ngấy, thấy cảnh sát dã chiên, vác dùi cui nhảy xuống xe GMC, rượt bắt đánh mấy người biểu tình đủ trò. Lựu đạn cay mờ mắt luôn.

Hôm qua mình đi học, anh ta chạy từ San Diego lên Tiểu Sàigòn có việc nhà, nhắn tin có đem theo cuốn sách về Đàlạt, Bên Dưới Sương Mù, của Nguyễn Vĩnh Nguyên, để cho mình mượn. Mình nhờ thằng con chạy ra Bôn sa lấy dùm. Đi học về, đói meo nhưng thấy cuốn sách thì mình đọc cái vèo trong một tiếng đồng hồ.

Về Đàlạt tháng 4 vừa qua, có anh bạn học cũ chở mình ra tiệm sách ở dưới hầm, cạnh hồ Xuân Hương, địa điểm sân vận động cũ Đàlạt khi xưa. Mình có mua một cuốn sách của cùng tác giả “Đàlạt, một thời hương xưa”. Hà Nội, sau 75 cho phá hết tất cả những gì mà chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã xây dựng khi xưa, như xoá đi tất cả vết tích của chế độ cũ vô hình trung lại phá hết di tích của lịch sử Đàlạt.

Đọc xong cuốn sách thì có một cái tên cứ lởn vởn trong đầu mình: Trần Văn Phước. Có lẻ ai thuộc thế hệ mình đã từng sinh sống tại Đàlạt chắc không nhớ ông thị trưởng Đàlạt dân sự, tại chức lâu nhất lịch sử Đàlạt trước 1975, nhưng thế hệ của bố mẹ mình thì chắc chắn là phải nhớ như thế hệ mình nhớ bà Nguyễn Thị Hậu, người mẫu đầu tiên của Cát Tường Le Mur và ông Nguyễn Hợp Đoàn từng làm thị trưởng Đàlạt và tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức. Mình có bà dì họ, làm thư ký cho bà Hậu.

Ông này sinh trưởng tại Nam Vang, thủ đô Cao Miên, làm thị trưởng Đàlạt từ năm 1956 đến 1963. Trong 8 năm trời, ông ta đã biến thị xã Đàlạt thành một thành phố đẹp, có nhiều công trình xây dựng như Chợ Mới, giáo hoàng học viện, viện đại học Đàlạt, Thao trường, lữ quán thanh niên, sân vận động,….được xem là đẹp nhất đông Nam Á. Nhất là các chương trình trồng cây ở Đà Lạt, khuyến khích người dân Đà Lạt trồng cây.

Điểm hay là ông ta sử dụng toàn là kiến trúc sư người Việt. Hình như dạo ấy tuy có chiến tranh nhưng Việt Nam có một thế hệ kiến trúc sư trẻ rất giỏi như Nguyễn Duy Đức, người thiết kế Chợ Mới Đàlạt, hay Tô Công Văn thiết kế Giáo Hoàng Học Viện, Ngô Viết Thụ thiết kế trung tâm Nguyên Tử Lực, Phạm Khánh Chù thiết kế nhà thờ Franciscaine,… có dịp mình sẽ kể về mấy người này.

Điểm nhấn của Đàlạt dưới thời ông ta làm thị trưởng là chợ Đàlạt mà thế hệ mình thường gọi Chợ Mới, để thay thế Chợ Cũ, địa điểm tại hội trường Hoà Bình.

Chợ Đàlạt được thành lập năm 1929, mình có tấm ảnh thời đó, Mà người ta gọi là Chợ Cây vì làm bằng gỗ, sau bị cháy nên năm 1937, công ty xây lại bằng gạch mà mình đã kể về Khu Hoà BÌnh xưa. Mình có tấm ảnh thời ấy và một tấm chụp từ cầu ông đạo lên khu Hoà BÌnh còn hoang sơ.

Đàlạt không có tiền nhưng ông Trần Văn phước đã đứng tên ký một khế ước với bộ trưởng tài chánh, mượn 30 triệu đồng của quỹ Hưu Bổng Văn Giai Việt Nam, để xây Chợ Mới và sẽ trả trong vòng 15 năm, đến năm 1973 thì trả dứt. Nội bán mấy hàng quán cho người buôn bán Đàlạt đủ lấy lại vốn.

Ngày 4-7-1958, có cuộc đấu thầu công khai diễn ra tại toà hành chính Đàlạt. Có 3 nhà thầu tham dự: công ty của ông Nguyễn Đình Quát, công ty của ông Nguyễn Linh Chiểu và công ty của ông Nguyễn Văn Hưởng-Tôn Thất Hường (người của Ngô Đình Cẩn). Ông Linh Chiểu thắng thầu với giá thấp nhất 30,326,000 đồng và thời hạn sẽ hoàn tất là 20 tháng. Ngày 10-10-1958, lễ đóng cây cừ đầu tiên Chợ Mới Đàlạt được khởi công.

Ông Ngô Đình Cẩn có cho đàn em đấu thầu nhưng không được. Ông Chiểu là người bỏ thầu rẻ nhất nên được thắng. Sau này ông Cẩn cho đàn em lên làm khó dễ ông Phước để xem có ăn bớt hay được thầu khoán lại quả nhưng không tìm ra điều gì cả. Ông thầu khoán Chiểu này cũng ma đầu lắm, ông ta xây khách sạn Mộng Đẹp thêm một tầng không được phép, che tầm nhìn từ khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương theo đường Lê Đại Hành. Khi xưa đi ngang qua đây mình thấy khó chịu không hiểu vì sao nay mới hiểu thêm có dạo lính Mỹ mướn khách sạn này, chất bao cát, hàng rào dây kẽm gai đủ trò khiến mình không ưa quang cảnh này.

Chợ Mới có chân móng dài 4,000 thước cừ bê tông cốt sắt, mỗi chiều 0.25 m x 0.25 m x 0.20 m. Chợ có 3 tầng, mỗi tầng có diện tích là 1,600 mét vuông, cao 19.45 m, dài 80 m, rộng 18 m. Tầng lầu 3 là thiên khai để ngỏ, dùng để tổ chức hoà nhạc,…nhưng dạo mình ở Đàlạt thì không thấy gì cả, chỉ đóng lại. Có lẻ vì an ninh nên họ không lên sân thượng. Nay thì có thấy quán nước chi đó hay công ty lụa nhưng mình không lên.

Ngoài ra, xung quanh chợ có mái hiên bằng xi măng cốt sắt, rộng 6 mét, để che nắng mưa, hàng bà cụ mình được che bởi tấm dalle xi măng này. 4 góc chợ có 4 cầu thang, từ tầng 1 lên lầu 2 thì có 51 bậc thang, lên lầu 3 thì có 34 bậc thang (hơi lạ vì thông thường các bậc thang đều số lẻ) và mỗi cầu thang đều rộng 4.70 mét. Ngay chỗ hàng bà cụ mình có một cầu thang, dưới cầu thang có bà người Tàu bán tương ớt.

Giữa năm 1959, tổng thống Ngô Đình Diệm có lên Đàlạt kinh lý và đề nghị kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế xung quanh Chợ Mới Đàlạt như dãy nhà hai bên chợ như tiệm Lộc Sơn, BÌnh Lợi, Nguyễn văn Ngạch ,…trước hàng bà cụ mình. Mình thấy bản vẽ của ông kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, xung quanh chợ Đàlạt ngoại trừ cái chợ . (Xem ảnh dưới)


Tổng thống Diệm cũng đề nghị cây xăng Caltex, bỏ tiền để làm bến xe đò, cạnh ấp Ánh Sáng. Mình có tấm ảnh chợ Đàlạt mới xây nhưng bến xe đò và cây xăng Caltex thì chưa.

Lễ Khánh thành chợ Đà Lạt. Phía trên khu Hoà Bình, thấy dãy phố bị kiến trúc sư, thiết kế phá bỏ, thấy căn phố của ông Tân  Lập và ông Nguyễn Văn Ngạch 2 tầng bị phá bỏ và đền bù hai căn ở Chợ dưới. 

Thiên hạ cứ lầm là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế chợ Đàlạt, ngay cả mình khi xưa. Người thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức, còn kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉ thiết kế lại cảng quang xung quanh chợ, cầu thang vào chợ và hai dãy nhà bên hông CHợ. Ông ta cho dẹp hai dãy tiệm bên tay phải của rạp Hoà BÌnh, nhưng sau này, họ lại bỏ mấy panneau quảng cáo hay tuyên truyền, lại che quang cảnh hồ Xuân Hương thêm ông thầu khoán Chiểu chơi khách sạn Mộng Đẹp thêm một tầng rồi chạy chọt cho thiên hạ im mồm nhất là quân đội Mỹ mướn khách sạn này nên hết cãi nhau. 

Thao Trường được xây cất thời Việt Nam Cộng Hoà. Mình không biết ai là kiến trúc sư nhưng mình nghĩ rất đẹp so với thời gian đó.

Ông Phước và bà vợ Nguyễn Thị Quới đều sinh ra tại Cao Miên. Ông sinh ngày 23-8-1918 tại Takeo còn bà vợ sinh tại Nam Vang. Khi ông Diệm bị lật đổ thì ông Phước cũng bị hội đồng cách mạng cách chức thị trưởng Đàlạt luôn. Ông ta còn bị mấy người của chế độ mới tố cáo tham nhũng, ăn bớt tiền xây chợ Đàlạt,… sau mấy tháng, cảnh sát của chế độ mới, không tìm được bằng chứng nên thả ông ra.

Được biết thêm bà vợ của ông trong thời gian tại chức, đã thành lập lữ quán thanh niên cho học sinh và sinh viên ăn trưa. Dạo mình học mấy tuần ở đại học Đàlạt, trước khi đi Tây có ghé đây ăn nhưng dỡ quá nên trưa chạy về nhà ăn cho khoẻ đời.

Nhìn lại Đàlạt trong thời đệ nhất cộng hoà, có ông Trần Văn Phước, thông minh và liêm chính nên đã xây dựng khá nhiều công trình lớn, đặc sắc cho Việt Nam Cộng Hoà. Nếu ông Diệm không bị truất phế thì Đàlạt chắc khá hơn. Còn ngày nay thì phải công nhận Đàlạt rất quái quái. Cái điểm nhấn của Hà Nội là toà hành chánh ngay đường Hùng Vương, xấu không thể tả.

Mình về Đàlạt thấy tan thương, nhà cửa mọc lên như nấm vô tổ chức. Nếu so điểm nhấn của Hà Nội với toà nhà hành chánh và những công trình như chợ Đàlạt, giáo hoàng học viện, viện đại học Đàlạt,… thì trình độ cách nhau quá xa, dù là 48 năm sau.

Chán Mớ Đời

Nhs

Rạp Ngọc Hiệp Đàlạt xưa

Rạp Ngọc Hiệp Đàlạt xưa

Tấm ảnh chụp ngay đường Minh Mạng, mình nhắm chừng chỗ khách sạn của ông chà và, chủ tiệm Saigonnais ở khu Hoà Bình, quên tên. Chỗ này cuối đường Minh Mạng, gặp đường Phan Đình Phùng. Ngay mấy thang cấp đi xuống, bên trái tấm ảnh là trạm biến điện.

Có cả chiếc xe ngựa mà báo Tuổi Hoa, gọi là xe thổ mộ mà hồi nhỏ thường thấy ở khúc này đi về Mả Thánh và trên khu Hoà Bình.

Từ đường Minh Mạng đi theo mấy thang cấp xuống đường Phan Đình Phùng, có bãi đậu xe, nhiều khi có taxi đậu. Băng qua đường Phan đình Phùng là đến rạp Ngọc Hiệp.

Mình có một kỷ niệm khá đau thương ở không gian này mà hồi đầu năm, bà cụ mình có giải thích lý do còn mình thì nhớ suốt đời.

Số là dạo ấy, Đàlạt có đoàn ca nhạc chi đó có ông Trần Văn Trạch lên Đàlạt biểu diễn. Ông này có trò làm giả tiếng xe lửa và phi cơ trên đài phát thanh rất hay, mình xin bà cụ dẫn đi xem vì họ trình diễn ban đêm. Bà cụ kêu Ừ, dặn mình ở nhà không được chạy ra nắng, ngủ trưa, tắm rữa rồi chiều mẹ về dẫn hai anh em đi xem Trần Văn Trạch.

Chiều mình và cô em kế, ăn cơm, tắm rữa xong không thấy mẹ về nên cả hai rũ nhau đi đón mẹ. Lúc đầu hai anh em xuống đường Hai Bà Trưng, ngồi nơi thang cấp chỗ nhà bà Quán. Đợi hoài không thấy mẹ về nên hai anh em dẫn nhau lại xóm cư xá địa dư, cũng không thấy. Hai anh em ngồi nơi thang cấp của xóm Địa Dư, nơi cái cầu khỉ, sau này hướng đạo Lâm Viên xây cái cầu chắc hơn.

Đợi hoài hai anh em không thấy bà cụ nên dắt nhau đi ra rạp Ngọc Hiệp vì nghĩ chắc bà cụ đi bán về trễ nên ghé rạp mua vé. Sắp đến giờ trình diễn nên tốt nhất là đi đến rạp đợi mẹ, rồi vào coi khỏi mất thì giờ. Ra tới rạp Ngọc Hiệp, không thấy mẹ, hai anh em ngồi xuống bên lề đường trước rạp Ngọc Hiệp, ngóng đợi mẹ đi xuống thang cấp từ đường Minh Mạng.

Láo nháo thiên hạ bu lại, chen lấn vào cửa, tiếng loa ngoài rạp kêu to, quảng cáo chương trình đại nhạc hội. Hai anh em lo ngại vì đến giờ trình diễn mà không thấy hình ảnh của mẹ ở dốc Minh Mạng.

Khán giả đã vô trong rạp, đèn đường sáng rực một trời, nhìn tấm ảnh mình nhớ y chang hai trụ điện hai bên rạp với mấy bóng đèn đường có đàn muỗi hay mối bu lại ve ve ngập trời.

Bổng mình nghe tiếng ai như mẹ mình kêu tên mình và cô em kế, quay lại thấy bà cụ. Bà cụ ôm cô em kế rồi tay kia nắm lấy tay mình. Mình tưởng đi vào xem Trần Văn Trạch, ai ngờ bà cụ dẫn hai anh em về nhà, chửi bới một trận.

Bà cụ giải thích vụ này sau 55 năm, cho rằng hôm ấy có họp ngoài chợ mới xây, để bốc thăm chỗ buôn bán nên bà cụ đi họp rồi về đường ngõ Cẩm Đô, rẽ sang đường Hai Bà Trưng trong khi hai anh em lại ngóng mẹ ở đường Phan Đình Phùng vì nghĩ mẹ mua vé ở rạp Ngọc Hiệp, sẽ đi về ngõ Phan Đình Phùng. Chán Mớ Đời

Mình thì nghĩ bà cụ gạt hai anh em, kêu ngũ trưa, không được phá xóm, ăn bận sạch sẽ nên mới hứa cuội dẫn đi xem kịch Trần Văn Trạch. Còn bà cụ thì nói đi về ngã Hai Bà Trưng, rồi không thấy hai anh em mình nên đi tìm mệt thở khiến trễ giờ đi xem. Chán Mớ Đời

Khi có con, mình không bao giờ phĩnh gạt chúng, khi mình hứa điều gì là mình sẽ làm với chúng. Những sinh hoạt ở trường mình đều tham dự.

Nhìn tấm ảnh, mình nhớ cái quán gỗ bên tay trái nếu nhìn vào rạp Ngọc Hiệp. Quán này của bà Tàu ở khu nhà phía sau rạp Ngọc Hiệp, bên hông trái, chỗ cột điện có đường hẻm nhỏ đi vào.

Quán bà này có bán mấy cái hộp nhựa mà khi mình lắc lắc thì nhìn vào cái gương thấy đủ màu. Mình mua hai ba cái này nhưng bị mất cắp, hàng xóm lấy. Bà ta cũng vớt tiền mình mấy tập xấp hình nhỏ để chơi dích hình. Mình thích nhất là mấy cuốn sổ nhỏ đầy trang hình vẽ hoạt hoạ mà khi mở nhanh thì bao nhiêu tấm hình nhảy múa khá vui kiểu xem phim hoạt hoạ ngày nay vậy.

Sau trụ điện bên tay phải của rạp thì có quán cơm tàu Như Ý, bên cạnh là tiệm Kim Linh. Gia đình mình có ăn ở đây được hai lần. Mỗi lần đều ăn món Tã pí Lù, loại lẩu ngày nay. Trước tiệm cơm Như Ý, có một xe bán bánh mì thịt của bà nào người Huế, ở trong xóm sau cây xăng Ngọc Hiệp, nơi quán mì quảng của ông bắc kỳ đi vào. Nhà của Nguyễn Đình Tài, Nguyễn HÙng, Lê Hùng Sơn, Lê Nam Sơn ở trong xóm này.

Sau lưng hai tiệm cơm tàu là bãi đậu xe hàng, có chỗ sửa xe, vá bánh xe, có một quán phở mà mỗi lần đi đánh quần vợt với anh Toàn, con ông Tô và Đinh gIa lành là ghé lại đây ăn.

Bên hông của rạp có 3 ông tàu bán đồ ăn: một ông bán xắp xắp, nhà ở đường Hai Bà Trưng ngay dốc trường Nữ Công Gia Chánh, ông tàu cụt ngón tay, bán thịt bò viên, thêm ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt. Ông tàu bán xắp xắp, mỗi sáng đẫy cái xe 4 bánh ra rạp Ngọc Hiệp, còn ông tàu bán thịt bò viên, ở phía sau rạp Ngọc Hiệp và ông tàu gầy gầy bán đậu đỏ bánh lọt.

Mình thích nhất là món xắp xắp, ông tàu dùng mấy cái đĩa nhỏ bằng nhôm. Ông lấy đủ đủ bào bỏ vào đĩa nhôm vừa nhúng vào xô nước để dưới xe đẩy, rồi lấy gan nướng, dùng cái kéo cắt từng miếng nhỏ, rồi lấy vài cọng rau húng quế, cắt nho nhỏ, rồi lấy chai nước mắm pha xịt lên đĩa nhôm rồi tương ớt mua của bà Tầu ở cầu thang chợ mới. Ông ta đẫy trước mặt mình rồi mình lấy đôi đũa đựng trong lon Guigoz. Dạo ấy chưa lấy vợ Huế nên ăn cay chưa được nên cay xé họng.

Bên cạnh ông xắp xắp thì có ông tàu bán thịt bò viên, ông này bị cụt ngón tay. Ông này khôn lắm, dụ con nít đổ hột xí ngầu. Nếu thắng thì ăn được gấp hai nhưng đa phần ông ta thắng. Lý do là nếu ông ta thua thì rũ khách hàng đỗ hột xí ngầu. Nhớ thằng Nghị, con bà Cáp bán hàng bên cạnh bà cụ mình. Mỗi chủ nhật, thằng Nghị, nhà trên số 4, ghé nhà mình rũ ra chợ dọn hàng cho bà cụ còn nó thì dọn hàng cho bà Cáp và dì Ngụ. Dọn xong thì hai thằng đi về, ghé lại chỗ này ăn quà. Mình chơi đĩa xắp xắp còn thằng Nghị, có lẻ mê đỗ xí ngầu nên cứ thua mệt thở.

Khi có tiền thì sau màn xắp xắp thì kéo ghế ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt bên cạnh. Ông tàu lấy cái ly, bỏ đậu đỏ rồi bánh lọt, lấy đá bào bỏ vào ly rồi lấy chai gì xịt vô ly thơm lắm. Thật ra chỗ này có một dãy hàng ăn nhưng mình chỉ nhớ 3 ông tàu này thôi.

Bên tay trái của rạp thì có cái hẻm đi vào trong khu nhà phía sau rạp Ngọc Hiệp. Có cái quán sinh tố của bà tàu, mình mỗi lần đến đây là kêu ly sữa tươi Hoà Lan. Bà này có món sinh tố trái cây, đu đủ xay rất ngon.

Rạp Ngọc Hiệp có 2 tầng, trên lầu giá vé đắt hơn. Hồi nhỏ hình như rạp Hoà BÌnh chưa được xây nên chỉ nhớ ông bà cụ hay dẫn mình đi xem ở rạp này. Chỉ nhớ mỗi lần đi xem là có màn chào cờ Ngô Tổng Thống, ai nấy đều đứng dậy. Mình nhớ có lần ông bà cụ dẫn đi xem đại nhạc hội, có màn vũ sexy. Khi trống nổi lên thì thấy một cô ở trong chạy ra lắc lắc rồi thiên hạ, đàn ông đều đứng dậy như chào cờ Ngô Tổng Thống, khiến mình bé chả thấy gì cả. Nhớ lại mới hiểu đàn bà nguy hiểm tới mức nào.

Để xem, khi đi vào thì bên tay phải là guichet bán vé vào cửa. Mua vé xong thì thì đi qua phía bên trái, có chỗ soát vé đi vào. Ai có vé trên lầu thì lên cầu thang, phía bên kia chỗ quầy bán vé thì có cầu thang đi xuống, tan tuồng.

Mình nhớ đi xem trên lầu 1 lần với Mệ Ngoại, phim Ấn Độ về cuộc đời của Phật Thích Ca. Mệ ngoại mình không biết đọc nên mình có bổn phận đọc, thuyết minh cho Mệ tương tự ở nhà, đọc mấy truyện phạm Công Cúc Hoa, Lương Sơn Bá Chú Anh Đài,…

Coi nhiều phim nhưng chỉ nhớ có xem phim hoạt hoạ Bambi khiến mình khóc như mưa bất. Sau này rạp này chuyên chiếu phim Hương Cảng như phim Độc Thủ Đại Hiệp do Vương Vũ đóng khiến mình nổi hứng đi học võ từ đó.

Mình nhớ mỗi lần bà cụ cho tiền đi xi nê với người em kế. Mình vào đứng gần ông soát vé rồi lén lén đưa tiền cho ông ta, thay vì mua vé. Thế là đỡ tốn tiền vé, cho ngồi hạng cá kèo. Chỗ cửa ra vào có mấy dãy ghế đóng bằng gỗ, như bậc thang. Hai anh em leo lên ngồi xem mệt thở. Ra về thì còn tiền của vé kia, chơi một đĩa xắp xắp chia đôi. Ngon nức nở.


Sau này rạp này xuống cấp, hôi lắm. Lâu lâu thấy chuột chạy vòng vòng. Kinh. Ghế ngồi thì có nệm, màu rượu đỏ. Hai bên hông có hai cửa thoát cháy. Bên phải chạy ra chỗ ông tàu bán đậu đỏ bánh lọt và bên trái thì chạy ra cái hẻm bên hông.

Rạp này được cái là có sân khấu rộng nên các đoàn cải lương lên Đàlạt đều đóng đô ở đây. Mấy xe hàng chất đầy mấy cái phông sân khấu đậu bên cạnh rạp. Mình có xem vài tuồng cải lương ở đây như tuồng Song Long Thần Chưởng có Út Bạch Lan đóng, thấy đánh chưởng khói xịt màu đỏ kinh hoàng. Một tuồng khác kể ông bác sĩ chữa mẹ không được nên khóc như mưa bất. Hình như đoàn Hương Mùa Thu thì phải.

Mỗi lần có gánh hát cải lương thì trước rạp họ gắn mấy tấm ảnh của đào kép trên tường thay vì mấy tấm ảnh của phim sẽ được trình chiếu trong tương lai.

Bây giờ về Đàlạt thì chỗ này hình như là một khách sạn thì phải. Tương tự rạp Ngọc Lan cũng được xây khách sạn. Đàlạt, hình như chỉ còn rạp Hoà Bình chiếu xi nê cho thiên hạ xem. Nay dân Đàlạt coi đài truyền hình, du tu be, internet nên chắc ít ai đi xem xi nê.

Chẳng bù khi xưa, mỗi lần đi xem xi nê, phim hay là phải chen lấn, dành giựt để mua vé nhất là mấy ngày Tết. Họ chiếu phim cực kỳ dỡ nhưng thiên hạ khắp nơi, thậm chí ở Tùng Nghĩa, Đơn Dương, mấy ấp xung quanh Đàlạt lên xem đông như kiến.

Tấm hình khiến mình nhớ lại một thời khi xưa. Chán Mớ Đời

NHS

Đường Minh Mạng Đàlạt xưa

Đường Minh Mạng Đàlạt xưa

Mỗi lần nhìn tấm ảnh này khiến mình cảm động vì thấy chiếc xe Traction, loại của ty Công Quản Nước Đàlạt cấp cho ông cụ mình sử dụng khi làm cai công trường, gắn ống nước cho thị dân Đà Lạt.

Mình có kỷ niệm về chiếc xe này mà đến nay vẫn chưa tìm ra đáp án của sự việc. Số là dạo ấy, Đàlạt có nhiều người làm cho chính quyền bị Việt Cộng đặt chất nổ hay gài lựu đạn. Thậm chí con gái của khách sạn Sàigòn và tiệm hủ tiếu Nam Vàng kể: sau 75, có ông nào nói với mẹ cô ta, chủ tiệm này. Khi xưa, ông ta nằm vùng, được lệnh đặt chất nổ tại đây vào cuối tuần khi sinh viên tường Võ Bị ghé ăn khi đi phép. Ông đem cái cà nên đến,có đặt chát nổ ở trong gà-mên. Trên nguyên tắc, ăn xong ông đi ra, để lại cái gà-mên co chất nổ ở tỏng nhưng thấy mấy đứa bé chơi tước tiệm nên không nở nên đem theo cái gà mên.

Mỗi sáng, mình có nhiệm vụ châm nước cho bình xe và xem nhớt của xe. Xe cũ không có bảng ghi trên xe như ngày nay.

(Có người cho biết là chiếc xe trong tấm ảnh, đậu tại đây thuộc gia đình Phòng Ngủ Sàigòn vào những năm 60-70. Còn xe ông cụ được ty công quản nước cấp sau này, có lẻ chiếc khác vào năm 1972. Dạo ấy hình như Đàlạt chỉ còn mỗi một chiếc do ty Công Dụng sửa chửa vì loại xe này quá cũ )

Mở cửa xe, đề máy không nổ nên lấy cái manivelle quay cho nổ máy, để máy chạy cho nóng máy. Bổng mình nghe tiếng tíc tắc tíc tắc tíc tắc trong xe như tiếng đồng hồ nhưng tìm khắp xe không ra. Ông cụ đi xuống đường với mấy đứa em, chuẩn bị đi học trường Hùng Vương. Mình báo cho ông cụ hay là có tiếng đồng hồ tíc tắc nhưng không tìm ra ở đâu. Mấy đứa em đứng lố nhố bên xe trong khi hai cha con cố tìm ở đâu tiếng đồng hồ.

Đồng hồ mà tên lạ mặt lấy đi tương tự như đồn hồ này.

Bổng ở đâu có một tên đi bộ đến xe, không nói không năn, thò tay vô xe lấy cái đồng hồ, dấu dưới tấm vải che mui xe, rồi bỏ đi về phía Số 4. Mình và ông cụ đứng như Từ Hải, nhìn tên này đi khá nhanh. Mình cứ đặt câu hỏi có phải tên này là đặc công đã bỏ cái đồng hồ vào xe vì cần có chìa khoá mới bỏ vào được. Rồi xe không nổ hay thấy mấy đứa em nên đến lấy cái đồng hồ đi. Có ai đọc mà biết vụ này thì cho em xin, không cần đưa tên tuổi ra. Chỉ muốn tìm ra đáp số của câu hỏi để khỏi lộn xộn đầu óc từ 50 năm qua.

Tấm ảnh này chụp ngay góc Tăng Bạt Hổ và Minh Mạng, đúng hơn là chỗ tiệm giặt ủi của cậu Châu, con bà Cai Thỏ, có cái am ở đường Nguyễn Công Trứ. Cậu Châu này khi xưa hay làm trọng tài đá banh với ông Năm Ngựa. Bên tay phải là một khúc của tiệm Vọng Nguyệt Lầu, tầng trên bán chè, còn tầng dưới bán hủ tiếu Nam Vang. Nghe kể là am bà Cai Thỏ ngày nay được sửa sang lại đẹp lắm. Con gái bà ta tiếp thu cơ sở này trong phong trào mê tín dị đoan đang phát nổ lại tại Đàlạt và cả nước.

Bên tay trái có chiếc xe van Volkswagen, đậu trước nhà ai không biết. Hình như của một ông luật sư từ Sàigòn. Chỉ biết trước căn nhà này có một cái hẻm đi xuống đường Phan Đình Phùng, ngay dốc Cẩm Đô, chỗ nhà của chú thím Lìn, bán hủ tiếu cà phê ngoài chợ, cạnh hàng của bà cụ mình. Xem như cuối đường Tăng Bạt Hổ thì có con hẻm đi xuống Phan Đình Phùng, góc Cẩm Đô, băng qua cầu Cẩm Đô, lên nhà thương Đàlạt và đường Hai Bà Trưng. Nghe nói chỗ này khi xưa có quán bán thịt dê. Dạo ấy nhỏ nên không đi ăn tiệm nên không nhớ.

Đi tới thì thấy phòng ngủ Sàigòn. Có dạo mình thấy họ đề lữ quán Sài Gòn. Mình có đọc đâu đó, chủ nhân căn nhà này bị người quen chiếm khi chạy tản cư lúc tây đổ bộ lại giải giới quân đội Nhật Bản, năm 1945. Gia đình ông ta bỏ chạy rồi khi hồi cư thì có người quen chiếm ở. Ông ta căm thù nhưng không biết làm sao kiểu 75, chạy di tản rồi trở lại Đàlạt bị thiên hạ chôm đồ, dọn vô ở nhà. Lạng quạng bị tố là chạy theo Việt Minh thì đi tù mọt gông.

Mình nghe kể, sau 75 ông thầy Bất, nằm vùng, dạy Văn Học, đem gia đình vào ở trong căn nhà của gia đình thầy Chử Bá Anh. May là gia đình chạy di tản qua Hoa Kỳ nếu không, trở lại Đàlạt thì không có nhà mà ở. Có người email cho mình :

(Không phải thầy Bất mà là thầy V. Thầy Bất đã mất từ lâu.
Thầy chỉ đem công an VC vào lục soát nhà cửa chứ không được ở đó.)


Đi tới bên cạnh thì có tiệm bi da Hồng Ngọc, lấy của mình khá nhiều tiền khi xưa, chơi banh bàn rồi bi da. Dạo ấy có thằng nào quên tên, nó mài dũa miếng thiết đẩy vô chỗ bỏ Token để đẩy cái chốt, làm banh rớt xuống. Sau bị ông Hồng Ngọc bắt được, bợp tai mấy cái. Sợ đến già , không bao giờ trở lại đây.

Đối diện tiệm bi da Hồng Ngọc có một ông già bán bắp rang. Nhà ông ta ở trong cái hẻm nhỏ, mỗi ngày ông ta đẩy cái xe làm bắp rang ra rồi rang và bán. Ông ta vớt tiền khi xưa của mình khá nhiều.

Bên cạnh là tiệm của ông thợ vẽ quảng cáo Đình Nghi. Mình hay đứng lại xem ông ta sơn mấy bảng hiệu các tiệm ở Đàlạt và mấy panneau phim xi nê như ở rạp Hoà Bình, Ngọc Lan và Ngọc Hiệp. Ông này xem như toàn vẽ mấy loại này nên chắc có tiền vì Đàlạt hình như chỉ có ông ta và một người khác nhưng không nhớ tên.

Bên cạnh là nhà sách Khai Trí không nhớ rõ mà mình hay mua thuốc tẩy mực khi làm bài, cần tẩy mực tím Sơn đen. Có tên bạn học cũ hay ra tiệm này mua hạt giống hoa Coquelicot hay tulipe.

Ngay bên tay trái của ông bán bắp rang là tiệm trồng răng Nguyễn Văn Nghi, hàng xóm đường Thi Sách của mình. Trước khi đi Tây, mình có đến đây trám mấy cái răng. Bên cạnh là tiệm chụp hình Hồng Thuỷ, sau đó là khách sạn của ông chà và, có tiệm bazar cạnh Đức Xương Long ở khu Hoà BÌnh. Ai nhớ gì thì bổ túc thêm.

Mình nhận được tin nhắn, xin bổ túc thêm. Hôm nào rảnh mình kể tiếp vì mới nhạn được thêm vài tấm ảnh của dân Đàlạt xưa.

(Hi anh Sơn em đã đọc bài của anh  cám ơn anh đã viết rất nhiều về Dalat m tên là Nguyệt Hồng nhà là tiệm chè Nguyệt Vọng Lầu và lữ quán Saigon cho đến năm 77 thì nhà nước tiếp thu tất cả khách sạn của Đalat

Chiếc xe Volkswagen đậu bên anh nhà là số 65 Minh Mang của gia đình ông luật sư nhà ơi Saigon lâu lâu lên Dalat nghĩ mát nhà có anh Tuyên sau này sống bên Pháp.


65 nhà của anh Tuyên , 67 nhà em , 69 bida HNgoc 71 nhà bác sĩ Hách và kế đó là nhà của cô Hữu)

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ga Đàlạt xưa

Ga Đàlạt xưa

Theo chú-thích thì tấm không-ảnh này được chụp năm 1968, Mậu Thân.



Nhìn tấm ảnh này cho mình lại nhiều kỷ-niệm Đàlạt của một thời. Thấy khói xe lửa khiến mình nhớ hồi nhỏ đi đâu với ông cụ thấy xe lửa, có lên hay không thì không nhớ. Có lẻ đi Trại Mát hay Trại Hầm chi đó, hồi đó còn bé nên chưa định vị được sự việc. Chỉ nhớ ống khói phun khói như trong xi nê.



Phía trước tấm ảnh là nhà ga xe lửa. Sau Mậu Thân, Việt Cộng phá đường rày nên mấy tuyến đường chạy xuống Phan Rang đều ngưng hoạt động. Nhà ga này được làm trụ sở của hãng hàng-không Việt Nam mà khi mình đi tây, có đến đây để cân hành lý, thủ tục rồi lên chiếc xe ca màu vàng, chở xuống phi trường Liên-Khương. Mình hay chạy ngang đây khi có tiền để ăn phở Phi Thuyền, ngay góc đi vào nhà ga từ đường Nguyễn Trãi.



Có lẻ mở hàng phở ở gần chỗ đưa ra phi trường nên ông hàng phở chơi cái tên Phi Thuyền để nhớ đến phi thuyền của mỹ bay lên mặt trăng thay vì tàu bay. Hình như quán phở này được thành lập sau Mậu Thân.

Trước nhà ga ta thấy có mấy mảnh vườn trồng rau. Nếu mình không lầm thì có con suối trước tấm ảnh chảy từ phía Chi Lăng ra hồ Xuân Hương. Có năm, thuốc sâu nhà vườn bị nước lụt cuốn trôi ra hồ Xuân Hương, khiến cá hồ chết nổi lơi bơi trên hồ, thiên hạ đi vớt ăn mệt thở.

Phía tay trái tấm ảnh là khu vườn nhà anh em sinh đôi Phi Long, học chung với mình ở trường Thanh Ngọc, gần Couvent des Oiseaux, nối tiếp những mảnh vườn rau trước nhà ga. Mình có đến nhà chơi một lần, sau về nhà bị bà cụ đánh quăn đít luôn. Mình nhớ có con suối chảy ra hồ Xuân Hương, qua cái cầu chỗ am Sohier.

Nhà ga này do hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế. Công trình khởi công năm 1932 do nhà thầu Võ Đình Dung thi công và được sử dụng vào năm 1936. Mình có đọc nhiều tài liệu của người Việt, họ lý giải là có 3 cái mái nhà tượng trưng cho 3 đỉnh Lâm Viên. Đó chỉ là giải đoán siêu thực nhưng kiến trúc của pháp thường có 3 mái hay cổng cửa ra vào ảnh hưởng của thiên chúa giáo mà họ gọi là “La trinité”. Kỹ-thuật xây cất chưa cao nên họ xây làm 3 mái còn ngày nay thì chơi một mái đều được.

Mình đọc đâu đó trong tài liệu của pháp, hai ông kiến trúc sư Tây thuộc người vùng Normandie nên vẽ tương tự cái nhà ga Trouville ở Deauville. Deauville là một thành phố có bãi biển nổi tiếng ở phía Bắc Paris tương tự họ thiết kế nhà hàng Thuỷ Tạ như La Grenouillère ở ngoại ô Paris. Chỉ khác là chỉ có mái giữa là có cái đồng hồ còn hai mái kia thì hai ông tây này không gắn hai cửa sổ, có thể Việt Cộng đã cho lấp vì trên nguyên tắc, cần có lỗ thông hơi để tránh bị ẩm nhất là Đàlạt khí hậu bị ẩm.


Trước nhà ga thì có đường Nguyễn Trãi, khúc này có trạm xe đò Chi Lăng, chạy về ấp Cô Giang, Chi lăng mà khi xưa, người tây gọi Saint Benoit, có bà Cháu bán gạo, chuyên thọt lỗ lấy bớt gạo. Bao gạo 1 tạ, họ lấy cái xăm rồi thọc vào bao gạo, rút bớt mấy ký gạo ăn gian làm giàu, dân trong nghề gọi là ỉa re.

Bên kia đường Nguyễn Trãi có rừng thông, lác đác vài biệt thự đời Tây, sau đó thì thấy một số nhà làm bằng tôn, thành cái xóm. Phía bên đường Yersin thì có Nha Địa Dư mà mấy năm trước bị đốt để phi tang mấy tài liệu bản đồ đời xưa có ghi Trường Sa thuộc Việt Nam.

Trước khi đến Nha Địa-Dư thì có hàng loạt cư xá Địa-Dư cho nhân viên ở. Ở đường Hai Bà Trưng cũng có 3 dãy cư xá cho công chức làm cho Nha Địa Dư nên mình đoán là cơ quan này có nhiều nhân viên nhất Đà-Lạt khi xưa. Trên bức hình ta thấy trường trung học Yersin mà tây gọi là “Grand Lycée », nơi mình có học vài năm trước khi qua Văn Học. Trường này sau này đổi thành trường Hùng Vương, dạy chương trình Việt-Ngữ.

Khung viên trường Yersin được bao bọc bời một rừng thông, chắc được trồng khi họ thành lập trường như để chắn gió, tạo một cái chắn thiên nhiên, để ngôi trường nhìn toả về phía hồ Xuân Hương.

Sau đến trường Grand Lycée Yersin rồi thấy hồ Xuân Hương phía xa và con đường dẫn lên Trung tâm Nguyên-Tử-Lực. Khúc này bèo lục bình nhiều.

Nhìn tấm ảnh thì mình thấy ngay sân đá banh Cô Giang, nơi mình hay cúp cua gần cuối niên khoá ra đây đá banh với đám trong lớp như thằng Khoa ở góc ngã ba chùa Linh Sơn. Hình như Hà Nội cho xây một sân động lại chỗ sân Cô Giang nhưng mình không ghé xem vì nhìn xa từ hồ Xuân Hương đã thấy chán.

Trường Yersin để hôm nào mình kể trong một bài cho đầy đủ hơn. Để mình xét lại xem có đúng hay không nhưng theo lối kiến trúc thì mình đoán Nhà Địa Dư và trường Yersin là do cùng một kiến trúc sư thiết kế. Mình đi khắp Âu châu nhưng chưa thấy kiến trúc nào đẹp như trường Grand Lycée Đàlạt. Có cái chuông cao nên hơi mường tượng đến Piazza San Marco của thành phố Venice của Ý Đại Lợi nhưng dãy nhà với vòm cung, thẳng bong trong khi ở Đàlạt thì lại cong rất hiện đại so với thời ấy. Các thành phố Âu châu đều luôn luôn có cái tháp chuông cao là điểm nhấn. Chỉ tiếc là ngày nay mấy ông Việt Cộng làm bê bối phong cảnh nơi đây. Lần chót về Đàlạt, tính vào đây xem nhưng gác dan không cho vào.

Theo chú thích thì có vườn Bích Câu trên tấm ảnh nhưng theo mình vườn này nằm phía tay trái của bức ảnh, phía bên kia hồ, không nằm trong bức ảnh.

Thôi ngưng ở đây, cả viết đến năm Bính Thìn cũng không dứt.
Chán Mớ Đời

(Hình ảnh lấy từ trên Internet. Không biết tác giả, cảm ơn)

Nhs

Đường Duy Tân (Rue Marechal Foch)



Bà cụ mình hay kể khi xưa, thời Tây, đường Duy Tân có cái tên là Maréchal Foch mà mấy người lớn cứ xổ tiếng tây khiến mình nghe thành Ma ri Xanh Phúc nên chả biết là ai để rồi khi sang tây mới biết là ông thống chế của quân đội pháp, người hùng trong thế chiến thứ 1.

Bà cụ hay nói có mấy cái kiosque trên đường này, đến nay mới tìm ra hình ảnh của thời đó.

Tấm ảnh này chắc chụp ngay góc đường Trương Vĩnh Ký. Xem mấy tấm ảnh chụp sau này khi mấy cái kiosque biến mất thì mình đoán là họ cho dẹp mấy cái kiosque này và cho nới rộng con đường Duy Tân ra. Xem hình thì đoán con đường này, dạo ấy có bề ngang bằng đường Minh Mạng hay Tăng BẠt Hổ nhưng đường Duy Tân sau này thì rộng hơn, xe chạy hai chiều còn đường Minh Mạng thì chỉ có chạy một chiều từ khu Hoà BÌnh xuống Phan Đình Phùng và chỉ đậu được một bên đường.

Thấy chiếc xe Traction, loại này được sử dụng khá nhiều trước 1945. Coi xi nê hay thấy mật vụ Gestapo đi xe này để lùng các kháng chiến quân của Pháp quốc tự do. Thấy xe đậu nhưng khoảng cách chiều ngang rất ngắn nên chắc là một chiều, từ dưới đường Cường Để chạy lên rồi đi một vòng khu Hoà Bình, xuống qua đường Minh Mạng.
Là đường MArechal Foch thời Tây, bên tay phải có mấy kiosk sau này họ cho nới đường này thành đường 2 chiều nên phá mấy khói để xây dãy nhà phía trong, chỗ người đàn ông đứng với đứa bé là địa điểm khách sạn Thuỷ Tiên sau này. Phía xa là Chợ Cũ, (chợ Cây)

Cái kiosque đầu tiên là tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh số 9 và 11 đường Duy Tân ngày nay.

Đường Duy Tân
Bên trái thấy tiệm may Đoàn Mừng
Đây hình chụp bà Tiềm, ông bà Phúng, cậu Miên, vợ chồng dì Thanh, dì Bá trước tiệm thuốc Tây Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân

Tấm ảnh thứ 2 này chụp sau khi họ giải toả mấy cái kiosque. Chắc chụp trước tiệm bánh mì Vĩnh Chấn. Có lẻ xưa lắm vì mình không nhớ tiệm sách bên tay phải. Hình như sau này là tiệm thuốc tây Minh Tâm. Thấy có bảng hiệu Minh Tâm, chắc sau này họ dẹp tiệm sách, bán thuốc có tiền hơn. Con đường rộng hơn trước. Trước mặt có tiệm thuốc Bắc Thế An đường của gia đình Hùng Con Cua.

Bên tay phải thấy tiệm uốn tóc Nhựt Tân và tiệm sửa đồng hồ của chú Lữ, bạn của ông cụ mình khi còn trong quân đội, nhờ chú này mà ông bà cụ mình mới gặp nhau, sau này chú dọn về Saigon. Hình như sau này tiệm Nhựt Tân đổi thành LiDo thì phải. Kế bên là bà Quãng bán tạp hoá rồi đến tiệm Đại Lợi làm liễn đám ma, đến tiệm thuốc Bắc Lộc Chẩy, cô Hoài và bà Cửu Viện bán ché cho người thượng để nấu rượu cần. Nhà mình có mua một cặp voi bằng đất, sơn màu để các chậu hoa ở đây.

Xa xa thì mình nhớ có tiệm Trung Việt, bán bánh xe Michelin. Gia đình này định cư tại Montreal, Gia Nã Đại. Rồi có con hẻm nhỏ đi xuống dốc Nhà Làng.

Mấy cột điện bên tay trái được dỡ bỏ, và bên phải họ xây các cột điện bằng sắt thay vì bằng xi măng như xưa, cao hơn mái nhà hai tầng.
Đầu đường Duy Tân, thấy khách sạn Thuỷ Tiên cao 5 tầng

Tấm ảnh thứ 2 chụp sau khi họ giải toả mấy cái kiosque, nới rộng con đường Duy Tân, xe chạy hai chiều. Hình chụp độ ngay khu phố 1, có cái đình An LẠc hay chi đó, nhìn lên khu Hoà Bình. Bên tay trái là nhà của thầy Khổng Vĩnh Thành, hội khổng giáo chi đó. Bên phải thì có con đường tên Thủ Khoa Huân đi lên đồi.

Bên tay trái, chỗ mấy chiếc xe Honda, mình nhớ có một con hẻm đi xuống Dốc Nhà Làng. Có nhà ông thần nào học Yersin, hơn mình một lớp mà hôm hội ngộ với cô Liên, anh chàng có đến tham dự.
Đầu đường Duy Tân, bên phải là tiệm thuốc 2 Con Cua bên trái là tiệm của ông Võ Quang Hàm

Nhìn rạp Hoà BÌnh trên đầu dốc thì có thể đoán tấm ảnh này chụp sau năm 1960 vì Chợ Mới đã xây xong và họ phá chợ cũ để xây rạp Hoà Bình với 3 cửa sổ to đùng.

Bên tay phải có nhà may Đặng Thi và Đoàn Mừng, có bác gái bán hàng xén trên lầu chợ mới. Bức ảnh tối quá nên không thấy rõ. Bên cạnh nhà may Đặng Thi, bà con chi đó bên bà cụ mình thì có tiệm bi da nhưng mình không dám chơi vì sợ ông Thi mách lại ông bà cụ mình. Đi lên một tí, có nhà bà Sáu Còm, bán hàng khô ngoài chợ.

Tiệm Lòng Hưng của ông bà Đàng số 9 Duy Tân
Khách sạn Thuỷ Tiên số 7 Duy Tân. Thấy chiếc Traction lại nhơ ông cụ khi xưa được ty Công Quản Nước đưa cho công xa chạy là chiếc Traction. Nhiều khi là xe ông cụ vì đậu trước tiệm ông bà Đàng và ông bà Phúng

Thôi ngưng ở đây vì nếu không kể tông tích thiên hạ ra lại bị chửi.

Thấy bà con có vẻ thích mấy bài mình kể về mấy con đường Đàlạt khi xưa. Bác nào có ảnh xưa thì gửi cho em rồi em mò ra tông tích ngày xưa cho.

Chán Mớ Đời
Nhs

Thấy thương anh

Thấy thương anh

Có lẻ một thiên thu đã đi qua, mình mới nghe đồng chí gái nói câu: "thấy thương anh ghê". Từ tết đến giờ mụ vợ bị đau cảm mà lại thích đi chơi. Mình nói ở nhà nhưng mụ cứ nằn nặc đòi đi ăn Tất Niên, xem mấy mụ già, béo phì thi hoa hậu áo dài hạng lão niên U80 rồi về bị đau nặng thêm, hành mình tơi bời.

Cái giống đàn bà quang vinh, luôn luôn sáng suốt, lãnh đạo không bao giờ sai nên hành mình mấy tuần lễ nay. Trước nhất mình bị lây vì lo cơm cháo, thuốc than cho mụ, sau mình phải trốn sang phòng bên cạnh ngủ ban đêm mới lấy lại sức.

Mình nói biết một ông tàu có nghề gia truyền day huyệt, đấm bóp, để mình lấy hẹn cho, mụ lại kêu thôi tốn tiền, anh đấm bóp đả hơn. Thế là tối nào, mình cũng phải tẩm quất mụ, xoa dầu, bóp chân mà lòng thẩn thờ như ông Ngô Thuỵ Miên "khi xưa mình thật chì, quyền uy trời là nhì, giờ thì đấm lưng em, giờ thì bóp chân em….Buồn". Cuối cùng đành mua cái ghế đấm bóp hoành tráng cho mụ vợ. Khỏe đời.

Mình dặn mang tất và đội cái mũ len khi ngủ để hàn khí không thâm nhập vào người nhưng cái giống đồng chí gái không bao giờ nghe lời người chồng Ô sin. Chơi thuốc tây, trụ sinh không khỏi nay ai mách chơi thuốc tàu. Hôm qua mình ra tiệm thuốc bắc, bốc 15 thang thuốc, bổ phế. Được cái là ngày nay, họ sắc thuốc cho mình luôn. Kêu 4 tiếng sau quay lại thì thấy họ sắc thuốc xong, bỏ vào bịch nylon, cho máy dán không bị oxy hoá, khoẻ ru. Khi đến giờ, lấy một bịch ra uống, mang theo vào sở. Khỏi phải sắc, canh lửa, chắc họ có máy để sắc thuốc cho mau. Hai cái siêu sắc thuốc bắc bị thất nghiệp, không biết cho ai.  Xong om!

Ai ở xa cứ đặt hàng, họ lấy thẻ tín dụng và gửi đi xuyên bang.

Hôm trước mụ vợ kêu là thấy thương anh khi làm cho mụ món chanh, mật ong nguyên chất trong vườn, nghệ, gừng, tỏi,…, học được của một bà ấn độ, làm cho mụ mấy thẩu nhỏ để đem vô sở pha nước nóng uống. Mụ vợ bị xì trét về công việc, đau lại không dứt thêm ham vui, cứ tối về là lo rũ mấy bà bạn tổ chức ăn uống cuối tuần khiến mình nổi điên. Đau không lo cứ lo ham chơi. Đúng là sông có cạn, núi có mòn song đàn bà không bao giờ thay đổi. Cuối tuần này mình đi Las Vegas học 3 ngày, không biết ai đấm lưng, xoa dầu cho mụ đây. Chán mớ đời!

Sovo89

Nhạc sĩ Nguyên Lê

Nhạc sĩ Nguyên Lê

Nhớ lần đầu tiên du lịch sang Hoa Kỳ, gặp anh bạn học cũ đang làm luận án tiến sĩ tại đại học MIT. Anh ta kêu mình rất khác lạ vì thông thường người Việt mình ra hải ngoại là học kỹ sư, y khoa hay nha khoa còn mình thì lại bò đi học kiến trúc.

Câu nói của anh bạn khiến mình nhìn lại thì quả đúng vì đa số bạn gốc Việt của mình, đều là kỹ sư, bác sĩ, Tiến sĩ,…còn về nghệ thuật thì hầu như không có, lẻ tẻ một vài người. Khi xưa đi học, thì có quen hai tên gốc việt nhưng là dân sinh trưởng tại pháp hay đã sang đây thời ông Diệm bị lật đỗ.

Mình hay theo dõi các nghệ nhân gốc Việt, ở thế hệ mình tại hải ngoại để xem họ đột phá ra sao. Các người làm nghệ thuật, thuộc thế hệ trước mình ở ngoại quốc thì chỉ làm chơi chơi, bán buôn không bao nhiêu. Nói chung là không có gì đột phá, toàn chạy theo, bắt chước người ngoại quốc. Người Việt ít học về nghệ thuật nên có một vài người là thiên hạ, báo chí bơm như điên nhưng nếu xét với người dân sở tại thì không có gì đặc sắc.

Bị ràng buộc trong nền văn hoá nho giáo nên khó mà làm nghệ thuật khi người ta kêu là bọn xướng ca vô loại. Ông đạo diễn Trần Văn Thuỷ làm cuốn phim “Người tử tế” phải họp hành đủ loại mới được cho đi chiếu ở đại hội phim ảnh Leipzig thời Đông Đức Cộng sản. Ông ta không được xem khi trình chiếu, lại chuẩn bị vượt tuyến qua Pháp tỵ nạn. May quá, phim ông ta được trúng giải nên cứu ông ta.

Mấy người thuộc thế hệ lớn hơn mình bị khủng hoảng bản thể, họ đứng ở gạch nối Việt-Mỹ hay Mỹ-Việt, hoặc Tây-Việt hay Việt-Tây,… họ làm nghệ thuật cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại thì có bao nhiêu người Việt đi xem hay biết thưởng lãm. Khó sống.

Văn hoá Bôn Sa chỉ quy tụ vào hát karaoke, lâu lâu mấy sòng bài gần gần tổ chức đại nhạc hội ca kịch thì họ đi xem. Tuần rồi có đại hội xi nê Việt Nam nhưng ít ai đi xem. Ngày đầu tiên, người già và sinh viên vào miễn phí thì đi gần đầy cái rạp còn mấy ngày sau thì phải trả tiền nên chỉ có ai thích lắm, hay quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam mới bò lại. Mình dẫn mụ vợ đi xem “hạnh phúc của mẹ” khiến mụ khóc như mưa bấc, kêu hay. Mình muốn đi xem nữa thì mụ kêu thôi đi shopping.

Vẽ tranh phải có người xem, làm kịch nói thì phải có khán giả,..nên gom lại chỉ vài người làm kịch giả gái, đồng tính, kiểu rẻ tiền chọc cười thiên hạ. Nếu đám đồng tính ngoại quốc biết được họ sẽ kiện hết tiền luôn. Người Việt hải ngoại cứ kêu tự do tùm lum nhưng lại cười những người đồng tính, không tôn trọng sự khác biệt hay quyền làm người. Chán Mớ Đời

Hồi đầu tháng mình có ghé phòng khánh tiết của tờ báo Người Việt để xem tranh triển lãm của vài hoạ sĩ trước 75. Thấy họ tốn tiền, mướn phòng làm triển lãm nhưng ít người xem, toàn là bạn bè, gia đình, không có người mua. Có bà bác sĩ nào thích một bức tranh của anh bạn, kêu để dành nhưng khi nghe nói giá $5,000 là bà ta hoảng hốt kêu thích tấm tranh của mình mua của anh ta khi xưa, cho mượn để làm triển lãm nên nhờ anh bạn vẽ theo thể loại này. Nếu bà ta biết giá tiền mình mua tấm tranh ấy thì chắc khóc. Chán Mớ Đời

Sau đó mình được đi xem tranh tại nhà hai hoạ sĩ khác. Mình thấy một ông hoạ sĩ làm cây cảnh bonsai, đục khoét đá phúng thạch rồi bỏ đất vào trồng mấy cây cảnh đẹp hơn là những tác phẩm của anh ta bắt chước người Mỹ làm như lấy mấy cái motherboard hay chip của các máy điện toán, bị phế thải rồi gán ghép gượng gạo lại. Ông này kể là học trò của cậu đồng chí gái ở trường Mỹ thuật Huế khi xưa, Tôn Thất Đào.

Paik Nam June là nghệ nhân người Mỹ gốc đại Hàn đã đi rất xa, có thể là tiên phong trên thế giới về nghệ thuật truyền thông média. Ông này làm từ thời mình mới sang Tây.

Rồi có một chị hoạ sĩ khác, học ở Việt Nam, sau 75 vượt biển rồi có học lại bên này nhưng giai đoạn đầu của chị ta chỉ vẽ lại những rúng động, hoàn cảnh khi đi vượt biển. Màu sắc đen tối nhưng nếu đưa cho người Mỹ coi thì chỉ là tự sự cá nhân khó được người thưởng lãm đồng thuận. Sau này chị ta chuyển qua mục bảo vệ môi trường nhưng phải được giải thích thì mới hiểu vì vẽ cái Iphone không giống. Có nhiều hoạ sĩ vẽ thực tế không được nên khó hiểu để thẩm nhận ra. Màu mè có tươi sắc hơn xưa.

Có lẻ về âm nhạc thì người Việt hải ngoại có nhiều tiếng vang hơn. Không biết vì âm nhạc rất đại chúng, dễ nghe, nối kết hơn là các môn như hội họa, cãi lương.

Ở pháp thế hệ trước mình có Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, Trần Văn Khê, Trần Quang Hải và Bạch Yến, Nguyễn Thuyết Phong còn thế hệ của mình  có ông Nguyên LÊ, tên là Lê Thành Nguyên, sinh tại pháp năm 1959. Bên mỹ có nhiều người cũng theo âm nhạc, có ông soạn Opera vở “Quán Âm Thị Kính”,… năm ngoái mình có đi xem ở đại học Chapman, toàn là mỹ hát không, có người nhật,...

Ông ta kể; nếu ông ta sinh tại Việt Nam thì chắc chắn không bao giờ trở thành người của ngày hôm nay. Lý do là ông ta chơi nhạc Jazz mà nhạc Jazz thì không được thẩm âm trong văn hoá âm nhạc Việt Nam, bị cấm từ bao lâu. Ít ai người Việt cảm được nhạc Jazz và hy vọng ông ta sẽ giúp thay đổi hiện trạng này. Mình không thích nhạc này lắm nhất là từ khi lấy vợ ngược lại mình rất mê Opera như khi xưa mê cải lương. Đến khi lấy vợ, mỗi sáng được nghe vợ mình ngáy giọng Mezzo Soprano bên tai. Chán Mớ Đời

Ông này học triết học được 4 năm và tự học guita nhưng dần dần ông ta đam mê về âm nhạc hơn. Ông cho rằng triết học là một kiến trúc tri thức khá lạnh lùng trong khi âm nhạc tạo dựng một sự kết nối giữa nghệ nhân và người nghe. Ông này tuyên bố câu xanh rờn là ông ta chơi đàn như Jimmy Hendrix dù xưa kia chưa biết ông thần này.  Trong nhạc Jazz có phần “interplay”, chơi tự phăng (improvisation) nên tạo ngay ấn tượng với người nghe tuỳ theo hoàn cảnh.

Mình nhớ có lần ở New York, có giáo sư Nguyễn Thuyết Phong chơi đàn tranh rồi bổng nhiên ông ta tự chế hứng lên (improviser) khiến cả phòng hưng phấn. Lúc đó mình mới hiểu nhạc dân ca hay cổ truyền có thể biến tấu qua chơi kiểu này.

Mình chỉ buồn cười là khi ông Nguyên Lê kêu ông bố có nhiều bằng cấp (beaucoup de diplômes) vì ông bố học khoa học chính trị (sciences Politiques) với ông Trần Văn Khê. Học môn này mà không về Việt Nam, ở lại pháp thì xem như đói nên mấy người này chuyển ngành như ông Khê chuyển qua âm nhạc dân tộc. Ông bố chắc học ngành khác kiếm cơm.

Ông Nguyên Lê có kể là người Việt chú ý đến sáng tác của ông ta vì ông ta sử dụng nhiều phần nhạc cổ truyền Việt Nam như dân ca mà ai cũng đều nghe khi còn bé. Họ nhận ra ngay dù nghe rất lạ tai. Một phần vì ông ta nổi tiếng trên thế giới, có lẻ dễ thành công hơn là chạy làm nhạc để thế giới chiêm ngưỡng. Nói chung thì ông ta là hình ảnh của sự tân tạo và trải rộng của văn hoá Việt Nam.

Mình rất ngạc nhiên khi thấy ông ta chơi nhạc và sáng tác nhạc cho các nhạc sĩ người Malgreb, Ả rập ở bắc phi, khiến mình nhớ đến ông kiến trúc sư người Việt, tốt nghiệp tại Paris rồi theo ông bạn là Hassan II về Maroc để vẽ dinh thự, nơi chôn cất của vua cha đủ trò. Mình có gặp ông này, và ông ta muốn mình ở lại làm việc cho ông ta. Ông ta trả rẻ như bèo nên mình trở lại Paris và sang Thuỵ Sĩ.

Điểm lạ là ông kiến trúc sư này có thể cảm nhận kiến trúc cổ truyền ma rốc để thiết kế cái lăng của vua Mohammed, sau này bạn ông là vua Hassan đệ nhị, chết cũng được chôn tại đây. Sau này mình làm việc ở Thuỵ SĨ cũng thắng một giải quốc tế cho công ty mình làm ở Saudi Arabia , một bộ lao động, cũng bắt chước nghiên cứu và vẽ rồng rắn của kiến trúc cổ truyền của xứ này thay vì vẽ loại mới.

Nghệ thuật không phải là một ngôn ngữ chính trị vì khi bị chính trị hoá sẽ diệt đi óc sáng tạo, kiểu đặt hàng. Những kiến trúc của Nazi, Phát xít của Mussolini quá tồi tàn. Năm ngoái mình ghé lại Milano, xem gần Duomo, có một toà nhà thời phát xít trông thô kệch hay ở Prague có những toà nhà được thành lập thời cộng sản trong thấy mất cảm tình. Khó chịu con mắt.

Nhạc sĩ Văn Cao trước cuộc kháng chiến chống pháp đã làm nhiều bài ca bất hủ dù bị thực dân cai trị, sau 1945 không còn thấy bài hát nào ra hồn.

Chúng ta thấy nhạc đỏ, sử dụng trong thời gian chiến tranh để đánh chiếm miền nam, nay không ai nghe, không ai hát. Thậm chí nhạc sĩ Trần Tiến kêu gọi bỏ loại nhạc này đi. Ngược lại ngày nay, người Việt tại Việt Nam lại hâm mộ nhạc tình Bolero hay nhạc được sáng tác trước 1975 tại miền nam mà họ gọi là nhạc vàng.

Ông Nguyên Lê này may mắn là được bà mẹ đồng cảm và được ông bố cho phép bỏ học để chơi nhạc cho dù hơi lo ngại lúc đầu. May mắn ông ta được mướn trong ban nhạc Jazz quốc gia pháp nên về kinh tế không lo lắm và từ đó sáng tác đến nay. Bà mẹ khuyến khích dùng âm hưởng Việt Nam trong nhạc Jazz của ông ta.

ông bố là bạn học với ông Trần Văn Khê nên được nhạc sĩ này khuyến khích về sáng tạo, dùng âm hưởng nhạc cổ truyền, dân ca Việt Nam. Mình thấy ông ta chơi với bà Võ Hồng Anh, đánh đàn tranh và Ngô Hồng Quang, chơi đàn của người Mường. Có lần bạn của vợ cho vé đi xem Thuý Nga, mình có thấy họ mời ông ta chơi nhưng thấy phản cảm khi khán giả ăn bánh mì, nhai rồi rầm, liêng bênh, ồn ào vô trật tự.

Ông ta chơi nhạc của Jimmy Hendrix với âm hưởng nhạc dân ca Việt Nam, ông ta làm nhạc cho ca sĩ ả rập hát, chơi nhạc cụ dân tộc của họ.

Ông ta cho làm một cây đàn gui-ta riêng cho mình được mệnh danh là ”Julien Gendre Tao”. Ông ta kể là nhạc Việt Nam theo ngũ cung nên ông ta hay tìm cách chơi từ nhiều điểm khởi đầu khác nhau với những note trưởng và note thứ mà nhạc sĩ Jazz rất thích sử dụng khi chơi.

Nhiều chương trình nhạc trên thế giới bị giới hạn về nghệ thuật vì chúng ta cần phải vượt qua chủ nghĩa du lịch và lạ kỳ. Chúng ta cần học hỏi và hội nhập với nền âm nhạc của người ngoại quốc.

Mình nhớ khi đến vùng Andalusia thì rất mê nhạc Flamenco, tối nào cũng đi nghe và nhảy dù chả biết gì cả hay khi sang Hy Lạp, được tụi bạn Hy Lạp dẫn đi nghe nhạc dân ca của họ, cũng chạy ra với đám bạn để nhảy Sirtaki được tài tử Anthony Queen làm bất tử trong phim Zorba the Greek.

Ông Nguyên Lê thành công nhờ đột phá làm nhạc, chơi nhạc theo tây phương, phi châu,…ông ta cố gắng gom những cái hay của người khác để kiến tạo cái mới. Nếu ở Việt Nam, thì chắc chắn ông ta không trở nên một nhạc sĩ của thế giới ngày nay.

Mình nghe nhạc sĩ Tuấn Khanh kể là khi xưa đang học ở nhạc viện thì công an vào lôi đầu một sinh viên xuất sắc ra khỏi lớp vì lý lịch gia đình. Muốn hát cái gì phải xin phép kiểm duyệt đủ trò,… có lẻ vì vậy Việt Nam sản xuất nhiều ”Thiên Tai” thay vì Thiên Tài.

Chán Mớ Đời
NHS

Có chí thì nên

Có chí thì nên

Nhớ hồi nhỏ mình làm luận văn tiếng Việt thì không bao giờ được trên 5 điểm còn Composition tây thì thua non. Nhớ có lần cô giáo dạy việt văn cho đề tài luận văn; em cho biết Có chí thì nên. Mình thuộc thành phần lí lịch 3 đời dọc ngang ngu lâu dốt sớm, con cháu bần cố nông, có nợ máu với nhân dân và phản cách mạng nên không hiểu có chí thì nên cái gì thì hỏi chị người làm. Chị này là gốc Quảng, sau Mậu Thân bỏ chạy vào Đà Lạt sợ Việt Cộng bắt làm hộ lý, cả đời chỉ biết làm ruộng ở quê, không bao giờ được đi học nên nhìn mình cứ như bò đội nón.
Hôm nay thấy tấm ảnh này khiến mình thấy thanh niên Việt Nam khi xưa ra trận quá sớm. Nhớ viếng thăm nghĩa trang Biên Hoà năm ngoái, thấy lính chết trẻ quá. Từ 19 tuổi-20 tuổi.

Chạy qua hàng xóm hỏi mấy đứa học trường việt, lại bị chúng chửi sao mà ngu lâu thế. Có chí thì nên Người chớ nên gì, giúp mình giác ngộ cách mạng là nếu con Kiki nhà mình có chí thì nó sẽ thành người nên mình chải đầu bằng lược dầy rồi bỏ chí lên người con Kiki để giúp nó biến thành người, khỏi cần đi đầu thai mấy kiếp như người lớn kể. Thế là mình viết luận văn, nói sẽ chải đầu lấy chí trên đầu mình bỏ lên lông mấy con chó và mèo hay gà vịt trong chuồng nhà mình thì sẽ biến chúng thành người nhất là mấy con chó Berger để chúng thành người dữ để đi lính đánh Việt Cộng.

Cũng từ đó mình không chải đầu bằng lượt dầy nữa vì lâu lâu chải đầu là chí to như hột mè đen, rớt xuống cuốn tập lộp độp, thi đua chạy chí choé trong khi mình lấy móng tay giết như Tố Hữu kêu gọi giết bọn cường hào ác bá, máu đỏ lêng lang để lại trên bãi chiến trường. HCC gửi cho tấm ảnh năm 10 ème khiến mình nhớ cô giáo bà đầm, cuối năm hay đè đầu mình xuống bắt chí. Nghĩ tới đó lại thương bà đầm Cavalier này.

Thế là tuần lễ sau bài luận văn của mình được 2 điểm với lời phê, chúc em thành người nông dân tốt. Không ngờ mấy chục năm sau, mình trở thành nông dân tốt như lời chúc của cô giáo dạy việt văn. Nay hứng đời viết kể chuyện tào lao thì hôm trước có cô láng giềng khi xưa, gặp mình thì tránh như hủi, không bao giờ nói chuyện lại phang trên diễn đàn là Bác Sơn viết bài này hay. Cuộc đời rất quái.
Mình thuộc thành phần ngu lâu dốt sớm nhưng được cái là mình có cái tính lỳ và chịu khó, có lẻ nhờ khi xưa học võ nên đã dạy cho mình cái tính tự kỹ luật. Nhớ dạo học trung học thì mỗi sáng, mình dậy độ 4 giờ sáng học bài rồi nấu nước sôi, pha trà cho ông cụ và để nước sôi trong bình thuỷ để khi mấy đứa em dậy, có nước sôi pha sữa Ông Thọ, ăn bánh mì điểm tâm.

Dạo ấy còn đun lò than nên châm. Phải bê cái lò than ra ngoài sân, chẻ mấy cọng ngo, bỏ trong lò rồi chặt mấy cục than chẻ nhỏ rồi xếp chồng nhau lên trong lò. Lấy cái đèn dầu, mồi que ngo, đợi khi nào than hồng, bớt khói thì bê lò than vào bếp chớ để trong nhà thì khói của ngo và than lúc đầu sẽ bay mịt mù nhà, ám khói đầy nhà. Nghe anh bạn bác sĩ đi theo phái đoàn y tế về Việt Nam cho biết là người Việt ở quê bị ung thư bệnh phổi vì ở quê vẫn nấu bằng lửa củi, khói om cả nhà bám vào mái tranh.

6 giờ sáng khi còi hụ báo hết giới nghiêm là mình chạy bộ qua đường Phan Đinh Phùng, đến Ngã Ba Chùa, chỗ hãng cưa của ông Xu Huệ, tập võ với đám bạn do anh Minh đai đen Không Thủ Đạo huấn luyện, có Minh Đen tam đẳng Hiệp Khí đạo cũng tập,…. Có hai tên học Yersin, Văn Học là NĐT, VHĐ,… Ngày nào cũng như ngày nào, mưa gió, bão cũng đi, cho đến khi đi Tây.

Có ông thần nào, nhắn tin cho mình, hỏi vì sao người ta gọi ông nội anh chàng là Xu Huệ, tương tự như mấy người khác ở Đàlạt như Xu Tiến,.. . Mình đoán là do từ pháp ngữ “surveillant”, có nghĩa là giám thị mà ra. Hôm qua có anh gửi cho bài báo, kể về ông Lê Đức Anh, khi xưa làm cai cho đồn điền cao su. Ông này cho biết là “surveillant” thì họ gọi là “xu” đến “cọp Rằng” (Corporal) mà ra. Những chước tước thời tây khi xưa ở công trường hay đồn điền,…

Sang Tây thì mình mướn cái phòng Ô sin ở Neuilly Sur Seine nên ngày nào cũng 6 giờ sáng, chạy ra rừng Boulogne để chạy bộ 3-4 cây số, dù mưa hay nắng, tuyết hay khô sau đó đứng tập võ. Ngồi viết lại mà mình vẫn còn nhớ hình ảnh 4 mùa thay lá, mùa đông chạy dưới tuyết rơi, mùa thu thì lá vàng với mưa rơi, mùa hè thì cây lá xanh còn mùa xuân thì hoa đơm nụ, đẹp không thể tả thêm lâu lâu thấy màn tây đực chơi chạy bị mấy cô gái giang hồ rượt đuổi rồi mấy tên ma cô trong xe nhào ra rượt theo. Có lẻ đó là những ngày tháng mình sống gần và cảm nhận về thiên nhiên nhất. Chủ nhật thì sau khi chạy bộ, mình đi vòng vòng xem có mấy thằng tây nào đá banh thì tới xin đá ké.

Sang Mỹ thì hết chơi thể thao, tập võ vì ở New York đến khi sang Cali thì đồng chí gái nghe ai gia nhập vào câu lạc bộ thể thao Bally, phải đóng $450 rồi bị dụ là nếu rủ ai làm hội viên thì được thêm 6 tháng miễn phí nên kêu dụ mình vô. Đang kiếm vợ nên phải chìu người đẹp nhưng mình chỉ trả có $150 khiến đồng chí gái không hiểu, nhưng đã gây ấn tượng cho đồng chí gái là lấy thằng đen đen này có lẻ ít tốn tiền hơn thằng khác đã dụ cô nàng vào.

Loại câu lạc bộ này có hồ tắm, máy móc tập cho bớt béo,… sau này dọn về vùng này thì ghi danh vào câu lạc bộ LA Fitness. Mình gặp thằng Manager hỏi tháng này mày đủ quota chưa, nó kêu chưa đủ nên mình vặn nó, đóng cho hai vợ chồng $299/ năm lại được công ty của đồng chí gái hoàn tiền lại vì họ khuyến khích nhân viên tập thể dục để bớt béo, đỡ tốn tiền tốn bạc của công ty.

Hôm trước, mình gửi cái chương trình hành động của mình trong 25 năm để về hưu cho mấy đứa con thì mới thấy mình lên chương trình dành trọn ngày mỗi thứ 6 cho mua nhà. Sáng mình đi ăn điểm tâm với mấy người lớn tuổi đã có nhà cho thuê để học nghề rồi sau đó, đi vòng vòng gõ cửa nhà thiên hạ hỏi họ trường học ở khu này có tốt không vì muốn kiếm nhà mua để cho mấy đứa con đi học chỗ có an ninh.
Đi ròng rả gần hai năm trời mỗi thứ 6 mới có người nhất trí bán nhà cho mình. Thứ 7, chủ nhật thì đi học thêm hay lái xe vòng vòng xem nhà nào hư thì gõ cửa hỏi. Không ngờ mình chỉ làm như vậy đúng 12 năm thì đã hoàn thành mục đích nên không thích đi làm nữa. Trong suốt thời gian này mình ít khi đi ăn sinh nhật con cháu bạn bè nên về ngôn ngữ xã giao thì mình rất dốt, không uống rượu bia, không cà phê đấu láo. Nay con vào đại học chán đời nên lò mò đi lại các buổi ăn trưa với đám mua nhà sửa bán.

Hôm trước dọn cái garage thì thấy máy cuốn băng cassette mà mình hay nghe khi xưa khi lái xe. Có cuốn nói về hàng tuần nên đi ăn với triệu phú để học nghề nên mình bắt chước, hàng tuần đi ăn sáng với đám triệu phú để học nghề ngoài ra còn ăn trưa thứ 4 với Rich Đad, thứ 3 thì ăn với ông Mic.

Nhìn lại thì phải công nhận là mình học rất nhiều điều hay nhất là những kinh nghiệm đau thương, thất bại của họ để tránh. Mỗi lần mình tìm được một người muốn bán nhà thì hỏi họ cách mua ra sao thì được họ chỉ dẫn. Từ hai năm nay, bận cái vườn nên ít gặp họ để ăn trưa, nay thì kiếm được tên Mễ phụ giúp nên mình rảnh rổi đi ăn cơm lại với họ.

Tuần này, gặp ông Mic với đám đệ tử ở tiệm ăn bao bụng tàu. Tiệm này bán đồ ăn đủ loại mà chỉ có $8.99/ người nên không hiểu nổi sao chủ tiệm sống hay chỉ muốn rữa tiền nhưng cũng đỡ vì mỗi lần đi ăn với ông Mic là mình trả tiền. Đa phần mấy người triệu phú lớn tuổi họ muốn kể chuyện đời họ cho người trẻ tuổi nhưng người trẻ tuổi lại nghĩ họ là triệu phú nên họ phải trả tiền cho người nghèo hơn họ trong khi mình thì ngược lại nên lâu lâu mình có vấn đề, gọi hỏi nhờ họ cố vấn thì họ lúc nào cũng sẵn sàng giúp mình. Mình dặn mấy đứa con là trong trường đứa nào học giỏi mà hay giúp chúng thì lâu lâu nên bao ăn cà rem hay uống nước để khi cần sẽ được họ giúp chỉ bài tập.

Hôm trước, ngồi nói chuyện thì mình nói đang nhờ chuyên viên địa ốc bán các vườn, ông Mic hỏi bán để làm gì, mày dùng tiền đó để mua nhà khác thì trong vòng 45 ngày, mày phải chỉ định căn nhà muốn mua mà mua lúc đó thì đâu có rẻ trong khi mày chịu khó xây thì chỉ có giá thành là 70% rồi ăn cả đời.
Mình nói chán xây nhà thì ông ta nói mướn một thầu khoán để lo, mày biết vẽ biết xây cất thì chỉ cần giám sát. Tốn $8.99 mà được ông này giải thích, tìm ra đáp án vấn đề của mình thì mừng quá nên đợi bán không được giá thì mình sẽ mướn kiến trúc sư vẽ và thầu khoán xây. Bây giờ thì chỉ đi kiếm đám bạn xem có ai muốn cho mượn tiền hay đầu tư vào. Xong om!

Hôm nay sẽ chạy lên bắc bộ Cali. Mụ vợ muốn đi đâu chơi sau mấy tháng Cali ngập lụt dưới những cơn mưa, xem hoa dại. Trong vườn mình thiếu gì hoa dại mọc cần gì phải đi xa. Con gái nghỉ một tuần nên cũng muốn đi đâu còn thằng con thì 3 tuần nữa mới nghỉ nên thôi chìu vợ con đi cho vui, tạo dựng những kỷ niệm. Hôm trước đọc bài báo nói là đi du lịch với con là một trong những cái hay nhất, giúp óc tò mò của chúng nẩy nở thêm trong môi trường xa lạ, gia đình gắn bó với nhau để đùm bọc nhau.

Gia đình vợ mình hay đi chơi chung với nhau vào mùa hè nên con mình và mấy đứa cháu có dịp gặp mặt nhau vài ngày vui đùa nên chúng có vẻ thân thiện, mến nhau. Về Việt Nam thì mình cũng hay mời gia đình mấy người em đi chơi xa vài hôm. Hôm tết nghe mấy cô em đi Thái Lan nên mình cũng gửi tiền vé cho mấy đứa cháu. Khi đi chơi  chúng sẽ có nhiều kỷ niệm chung sẽ giúp chúng gắn bó, giúp đở nhau khi lớn lên.

Con mình thì sướng hơn mình khi xưa. Mình 17 tuổi mới ra khỏi xứ Đà Lạt, xuống Phan Rang được vài ngày và 2 tiếng đồng hồ ở Nha Trang sau đó 18 tuổi thì đi tây. Lên máy bay cứ như bộ đội vào Sàigòn. Con mình thì đi Mễ 6 lần, đi Tây, đi Ý, đi Đức, đi Nhật, đi Trung Quốc, đi Nam Hàn, đi Việt Nam 5, 6 lần còn xứ mỹ thì đủ nơi. Hè này con gái đi Ba Tây học cái gì theo chương trình của trường. Hết hè thì con gái đi học một năm ở Hương Cảng sau đó lại bay qua Milano, Ý để học thêm một năm khiến mụ vợ lo kêu tại anh hết. Ai biểu anh đi giang hồ khi xưa, ở xứ này xứ nọ để con bắt chước.

Hôm qua Mệ BĐ gọi điện thoại kêu chủ nhật đi xe BART lên San Francisco, mệ ra đón, dẫn đi viếng vùng trên đó. Hôm qua ra Hương Giang, mua bánh nậm, bánh bột lọc, chả đông lạnh để đem lên San Jose. Bạn của đồng chí gái thèm ăn mấy món này.

 Xong Om!

Nhs

Dòng sông Mekong bị bức tử

Dòng sông Mekong bị bức tử

Dạo này thiên hạ bị định hướng đủ trò để tránh nghĩ đến vụ biển Đông, qua vụ nước bị xả dầu, hai phe chơi nhau để dân lãnh đủ. Có một điều hầu như báo chí không nhắc đến hay cố tình lơ đi ngoại trừ báo chí ngoại quốc và các chuyên gia về môi trường. Đó là dòng sông Mekong đã bị Trung Cộng vũ khí hoá khiến các nước Đông Nam Á khó có khả năng nhúc nhích, chống đối áp lực kinh tế và chính trị của họ.

Thiên hạ chống cộng cứ chửi Hà Nội đủ trò nhưng ít ai nhắc hay nói đến dòng sông Mekong và tương lai của nó, ngoại trừ một số chuyên gia còn lo ngại cho Việt Nam mai sau.

Cao nguyên Tây Tạng là nguồn cung cấp nước cho 2/3 dân số trên thế giới, (Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và các nước Đông Nam Á), do đó Trung Cộng phải chiếm và tìm đủ mọi cách để hán hoá quốc gia này, xoá bỏ lịch sử của dân tộc này.

Nước từ các dãy núi của Tây Tạng chảy về Trung Cộng qua nhiều nhánh sông, trong đó con sông Mekong, nắm vận mệnh của Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.

Con sông này chảy qua Trung Cộng, rồi đến các nước như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cao Miên rồi đỗ ra 9 nhánh sông của đồng bằng cửu long. Khi xưa, mình học địa lý với thầy Hứa Hoành thì hàng năm phù sa từ thượng nguồn sẽ kéo về và bồi đắp Mũi Cà Mau thêm vài tất đất và bón phân đồng bằng này giúp vùng này trù phú.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam, xuất cảng gạo từ nhiều năm nay. Khi xưa, mình không hiểu tại sao Pháp quốc lại chiếm đóng vùng Vân Nam của Trung Cộng, nay mới hiểu là họ kiểm soát được vùng Vân Nam, Côn Minh thì kiểm soát được toàn vùng hạ lưu của dòng sông Mekong. Hình như nhà Thanh có ký kết với Pháp quốc về vụ này nhưng lâu ngày quá, lười đi lục lại tài liệu pháp ngữ đã đọc từ lâu. Bác nào có thì cho em xin.

Các quốc gia trên thế giới ngày nay đều quan tâm, lo cho tương lai của xứ họ vấn đề  nước dùng. Môi trường bị ô nhiễm lây qua nước của suối, sông ngòi. Ở Cali cứ bị hạn hán, nước mà dân miền nam Cali dùng được mua từ tiểu bang Colorado. Lâu lâu tiểu bang này lên giá thì dân Cali đành phải trả thêm tiền mà dùng. Họ cho tiền để dân cư làm lại vườn tược, bỏ cỏ để tiết kiệm nước. Các chương trình biến nước biển thành nước ngọt đang được áp dụng như ở Do Thái.

Đi về Las Vegas, thấy mấy cái hồ nước bị cạn khiến mỗi người nhất là các nhà lãnh đạo phải chú tâm để lo nguồn cung cấp nước cho dân tình.

Trung Cộng có vấn đề rất lớn về nước uống ngày nay và trong tương lai.

Trong cuộc đối đầu với Trung Cộng, các chuyên gia tình báo Hoa Kỳ, nhờ Think Tank Asia Pacific Initiative nghiên cứu về những điểm yếu của Trung Cộng như tham nhũng, các cuộc nổi dậy của các chủng tộc,… nên gần đây hạ viện Hoa Kỳ ủng hộ đạo luật ủng hộ người dân Hongkong trong một kỷ lục nhanh chóng, mấy tuần sau khi hai người đại biểu biểu tình tường trình tại quốc hội Hoa Kỳ. Ai cũng đồng ý là trong tương lai, Trung Cộng rất cần đến nước ngọt để cung cấp cho 1.5 tỷ dân của họ hay 1/4 dân số thế giới.

Mình đọc đâu đó là không quân Đài Loan có mục đích là đánh phá các con kênh dẫn nước về Bắc Kinh nếu bị Trung Cộng tấn công. Những trái bom này có thể kèm theo các hoá chất làm nhiễm các dòng sông.

Theo Liên Hiệp quốc, thì hàng năm nước dùng của mỗi người dân là trung bình 1,700 mét khối (m3) nhưng nếu xuống còn 1,000 mét khối thì được xem là “water stress” (không biết dịch làm sao). Quốc gia nào mà chỉ có 500 mét khối hàng năm được xem là  “absolute water scarcity”.

Mấy ngày nay, thấy dân Việt Nam, đứng xếp hàng để xách nước thì không biết được xếp vào hạng nào theo tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc.

Trung Cộng ngày nay có 8 vùng miền bắc được xem là absolute water scarcity (500 m3) và 11 vùng khác được xem water scarcity (1,000 m3). Mình có xem mấy phim trên Netflix, các vùng này bị sa mạc hoá.

Được biết là dòng sông Hoàng Hà chỉ cung ứng được 1/10 nước so với thập niên 1940 khi cộng sản chiếm xứ này. Năm 1997, con sông này bị khô đến 226 ngày, ngưng chảy ra biển Bohai. Hình như con sông Tiền Đường trong truyện Kiều là nói đến con sông này, lâu quá không nhớ rõ. Xem tranh thời xưa thì thấy sóng to, ai té xuống là chết, nay xem truyền hình thì như cái hồ, nước không di chuyển hay thiếu.

Năm 2000, thủ tướng Trung Cộng có cảnh báo là trong tương lai, chính phủ Trung Cộng cần phải dời đô khỏi Bắc Kinh như Nam Dương muốn dời đô nhưng nguyên do ngược lại; Djakarta sẽ bị chìm xuống biển, kiểu đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu ngày nay.

Để có nước dùng Trung Cộng đã cho làm con kênh Nam - Bắc từ dòng sông Dương Tử dài 1,156 cây số và hoàn tất năm 2013, và một con kênh khác vùng ở giữa dài 1,432 cây số vào năm 2014. Thời nhà Minh, ông Nguyễn An, người Việt bị triều đình nhà Lê gửi cống sang tàu, đã xây dựng Tử Cấm Thành và coi vụ xây tiếp con kênh từ Hàng Châu về Bắc Kinh khi nhà Minh dời đô.

Con kênh này chuyên chở hàng hoá từ Giang Nam về Bắc Kinh. Ngày nay các ống dẫn nước chạy dọc con kênh về Bắc Kinh. Dự án con kênh Nam Bắc có thể giúp Bắc Kinh có thêm nước dùng nhưng vẫn ở cấp độ Absolute Water Scarcity và các vùng lân cận vẫn tiếp tục thiếu nước.
 
Dòng sông Dương Tử bị ảnh hưởng bởi dự án xây dựng con kênh Nam Bắc. Vùng Hubei, có 380,000 dân cư bị dời đi nơi khác. Để tránh bị ô nhiểm, các vùng trồng trọt, kỹ nghệ, nuôi cá,…đều bị cấm hết. Các lãnh đạo địa phương muốn có nước, phải xây các đập để giữ nước cho vùng địa phương của họ, làm cản thuỷ lưu.

Vào thế kỷ 21, Tây Tạng được xem là nóc nhà của thế giới, cung cấp nước cho 2/3 dân cư của thế giới qua mấy nhánh sông như Indus, Ganges và Mekong gồm Ấn Độ, Pakistan, Trung Cộng, Nepal, Bhutan ở vùng thượng lưu còn hạ lưu thì có Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và cuối cùng là Việt Nam.

Các nước trên đây, sẽ xây các đập để giữ nước để cung cấp cho dân của họ, bất chấp phá hại môi trường. Do đó cuộc chiến trong tương lai ở thế kỷ 21 là nước sạch. Hoa Kỳ có những dự tính, chuyên chở nước bằng tải qua các tảng băng từ các vùng Bắc cực, Nam Cực nên ý tưởng mua quần đảo Greenland của Thuỵ Điển, không phải do ông Trump đề nghị mà đã có từ lâu.

Đi vòng vòng để trở lại vụ đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

Dòng sông Mekong bắt nguồn từ Trung Cộng, và chạy qua 5 quốc gia vùng Đông Nam Á, và cuối cùng chảy ra biển ở Việt Nam, khởi đầu cho một cuộc tranh chấp không cần súng ống song song với biển đông, đường Lưỡi Bò. Theo mình nó còn nguy hiểm hơn là đường lưỡi Bò vì sẽ tiêu diệt đồng bằng sông cửu long nơi trú ngụ của 20 triệu người Việt (19% dân số Việt Nam).

Trung Cộng cho xây 11 cái đập và dự tính xây thêm 8 cái khác ở thượng nguồn con sông này.

Nếu chúng ta bỏ qua các hậu quả môi trường thì các đập này là khí giới mới của Trung Cộng để đe doạ các nước ở vùng hạ lưu phải nghe lệnh của họ. Với những con đập này, Trung Cộng có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường của các nước ở vùng hạ lưu, làm con tin 1/4 dân số thế giới mà không cần phải súng ống.

Năm 2016, các nước vùng hạ lưu năn nỉ Trung Cộng cho thoát nước để tránh hạn hán và Trung Cộng đã thực hiện như cảnh báo các quốc gia này là Trung Cộng có thể đòi hỏi lại một gì đó, sự thuần phục về chính trị và kinh tế,…

Đầu năm nay, Trung Cộng xả nước cái đập Jinghong, theo họ để tu sửa lại cái đập, khiến ngập lụt, gây tai hại mùa màn, lúa thóc ở vùng hạ lưu. Sau khi tu sửa thì Trung Cộng cho chận nước lại thì gây hạn hán khiến tháng 7 vừa rồi, mực nước xuống thấp nhất từ xưa đến nay. Một lần nữa, các quốc gia ở vùng hạ lưu lại phải năn nỉ xin Trung Cộng, cho xả nước . Đó chỉ là một cái đập và Trung Cộng có đến 11 cái và trong tương lai 19 cái đập.

Nước Lào, Miến điện, Thái Lan đều muốn xây đập nước để làm điện nhưng thật ra là để giữ nước để xài. Mấy ông Lào đang xây mấy cái đập để có điện và bán cho Trung Cộng. Nội ông Trung Cộng chận nước là đã làm các nước ở hạ lưu chới với nay, ông Lào muốn chơi cha, xây thêm đập để bán điện cho Trung Cộng. Nghe nói có nhà thầu Việt Nam trúng thầu để xây một trong mấy cái đập dự trù của người Lào. Người Việt giúp xây cái đập để giết dân của mình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.   Kinh

Mình nghe thầy Hứa Hoành nói về Biển Hồ Tonlesap nên có đi viếng. Khi mùa mưa thì cá chảy theo dòng nước, lọt vào Biển Hồ, khi mua khô đến thì cá bị kẹt trong hồ vì thấp hơn dòng sông Mekong. Dân Cao Miên tha hồ mà đánh cá, sống sung sướng. Nay thấy họ chỉ biết khóc vì cá không đến.

Người ta nói là xây dựng các đập ở các nước hạ lưu sẽ đem lại kinh tế cho vùng này trên 30 tỷ đôla nhưng gần đây báo chí cho hay là lỗ 7 tỷ đô la chưa nói đến nguy hại về môi trường. Cali bị hạn hán, nông dân như mình muốn xây đập dự trữ nước nhưng họ không cho xây vì tàn phá môi trường, phải mua nước ở tiểu bang khác.

Trung Cộng với chủ nghĩa tân thực dân, qua chương trình vòng đai và con đường, họ cho vay để xây dựng các con đập, hải cảng,.. để các lãnh đạo địa phương bỏ túi rồi họ cho nhà thầu của họ sang xây dựng nên rốt cuộc chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế địa phương. Tiền bạc do Trung Cộng cho vay và trả cho nhà thầu tàu nên tiền bạc không đến tay người dân địa phương. Dân sở tại không trồng trọt, bắt cá nên đói lại phải đóng thuế trả nợ dùm các lãnh đạo. Lần trước mình về Hà Nội thấy con đường sắt Cát Linh chi đó, của Trung Cộng làm mà chưa xong. Đó là hậu quả của chủ nghĩa “Tân Thực Dân” mà các nước tây phương đã đề ra sau thế chiến thứ 2, thay vì chiếm đóng các thuộc địa và ngày nay Trung Cộng áp dụng rất cực kỳ dã man hơn người tây phương.

Hoa Kỳ và Nhật Bản thành lập Japan-US Mekong Partnership, hầu giúp đỡ các nước ở vùng hạ lưu để bảo vệ quyền lợi của họ ở vùng này. Tháng 8 vừa qua, ở Thái Lan, ngoại trưởng Hoa Kỳ cho hay Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ chi 14 triệu đô la để giúp chống các vụ bán người qua biên giới, và thuốc phiện do người Tàu đem sang bán các nước này.

Số tiền này quá ít ỏi so với 1 tỷ đô la mà Trung Cộng đầu tư vào Cao Miên hàng năm.



Như phép lạ, gần đây báo chí Việt Nam đưa tin bắt người Tàu chuyên chở thuốc phiện ở Việt Nam. Mình đọc tài liệu của tây thời xưa, họ kể là khi người Pháp đến Việt Nam thì 45% người Việt bị nghiện á phiện, do các nhóm người tự kêu là Hảo Hớn với chiêu bài Phản Thanh Phục Minh. Họ đem thuốc phiện sang Việt Nam buôn bán để có tiền làm kháng chiến chống nhà Thanh, phục lại nhà Minh.

Ngày nay, Trung Cộng dùng kế này đem thuốc phiện, thuốc lắc bán đầy Việt Nam mà lần trước về Việt Nam, mình có thấy nhiều bảng panneau to đùng, kêu gọi người dân “nhiệt liệt” bài trừ ma tuý.

Nếu người Việt có đến 45% bị nghiện ma tuý như xưa trước khi thực dân tây sang thì chả cần đánh đấm gì cả, Trung Cộng sẽ tóm gọn Việt Nam như vài ba tên lính tây ngày xưa, cầm mấy khẩu Mousqueton bắn vài phát là quan triều đình nhà Nguyễn quỳ xuống quy hàng.

Thầy Hứa Hoành nói là đồng bằng sông cửu long giàu có, trù phú nên mình không hiểu khi đọc tin các cô gái miền tây phải đi lấy chồng bên tàu, Đài Loan hay HÀn quốc.

Cách đây mấy năm, mình có dịp đi miền tây hai ngày thì mới thất kinh. Hai ngày thì không thể quan sát nhiều nhưng mình thấy bờ kè, đất xụp, nạn cát tặc và nghe nói nước lợ, nước từ biển chạy vào hoà với nước ngọt khiến trồng trọt bị chới với.

Nghe nói đại học Cần Thơ đang có toán nghiên cứu để làm lúa trồng với nước lợ hay trồng loại khác, nuôi thủy sản,… theo mình thì quá muộn. Thật ra Hà Nội đã biết trước cách đây mấy chục năm vì có nghe kể là ông Võ Văn Kiệt dự tính sẽ đi Hoà Lan để nghiên cứu về cách làm đê của họ nhưng qua đời.

Đọc báo địa phương, họ chụp ảnh mấy lãnh đạo đi Hoà Lan để học cách làm xổ số, giúp người nghèo bán vé số để đóng thuế họ.

(Hình ảnh lấy trên Internet, không biết tác giả, cảm ơn)

Chán Mớ Đời
Nhs