Bến-xe Palace xưa

Ông thần N.K., lâu lâu lại gửi cho mình vài tấm ảnh Đà Lạt xưa, khiến mình phải xem lại để định vị địa điểm nào ở Đà Lạt xưa. Ông này là người có trên 800 tấm ảnh xưa về Đà Lạt. Nhiều khi xem mấy tấm ảnh của ông gửi lại khiến mình nhớ chút gì đó về Đà Lạt mà sau 75 biến mất một cách rẻ mạt như trường hợp tuyến đường rày xe lửa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt là một trong những tuyến đường ít ỏi của lịch sử nhân loại mà ngày nay chỉ còn sót lại ở Ấn Độ, được xem là di tích lịch sử văn hoá của nhân loại, giúp vùng này khai thác du lịch giúp dân địa phương có công ăn việc làm dù trên núi. 

Ông N. K. Gửi cho tấm ảnh này, nằm sau lưng của khách sạn Palace, nơi có một trạm xăng nhỏ của Esso mà mình đã kể trong bài “những cây xăng cũ tại Đà Lạt khi xưa.” Mình đoán tấm ảnh xưa trước khi trạm xăng được thành lập. Thấy 3 tài xế người Việt bận đồng phục đứng rất tây

Tấm ảnh cũ này cho thấy một công ty du lịch toạ lạc ngay trên đường Yersin, phía sau khách sạn Palace, đối diện chéo với khách sạn Hôtel du Parc. Thấy tấm bảng trước cửa tiệm thì cho thấy là công ty du lịch, có các tour đi viếng thăm chung quanh Đà Lạt. Chỉ có bảng tên S.T. A. L  Chemins de Fer de L’Indochine thì chịu, chỉ đoán là Société Transport còn A và L thì chịu. Ai biết thì cho em xin để bổ túc. Công ty du lịch này có đến 3 chiếc xe lớn để đưa du khách đi chơi, nằm ngay phía sau lưng khách sạn Palace để du khách ngụ tại khách sạn có thể lên xe gần đó. Chắc cũng được dùng để chở du khách từ ga Đà Lạt lên khách sạn luôn.

Tấm ảnh này chụp phía sau lưng khách sạn Palace, cho thấy Hotel du Parc được xây cất để các đoàn tuỳ tùng ngụ trong khi các gia đình, ông lớn ngụ tại Palace (có 26 phòng). Bên phải thấy một chút cây xăng ESSO (Shell). Xe hơi đậu có vẻ mới hơn so với 3 chiếc xe Van
Hình này chụp thời Việt Nam Cộng Hoà, (xe gắn máy Nhật Bản) không còn thấy công ty du lịch nữa. Nghe ông N.K. Cho biết là căn nhà này được dùng làm cư xá cho nhân viên hoả xa Đà Lạt. Có cây xăng nhỏ cho xe hơi của du khách ngụ tại Palace đỗ khỏi phải đi xa. Mình chưa bao giờ đỗ xăng ở chỗ này nên khi thấy tấm ảnh thì ngạc nhiên vì không nhớ.
Hình này chụp từ ngay mấy thang cấp của khách sạn Palace phía sau. Thấy Hotel du Parc và cây xăng nhỏ
Ảnh cho thấy cầu thàng phía sau khách sạn Palace, có trạm xăng nhỏ. Cận cảnh là phái sau khách sạn du Parc. Theo hình này thì mình đoán mái nhà của Hotel du Parc đã được sửa lại. Có thời Mậu Thân Việt Cộng đột nhập vào đây là trụ sở của đài phát thanh Đà Lạt, rồi đốt phá hay sao đó không rõ.

Đọc trên mạng ngoại quốc thì rất ngạc nhiên, nhiều người ngoại quốc tiếc nuối khi được biết khi xưa trước 1975, Việt Nam có đường xe lửa răng cưa của Thuỵ Sĩ, dài 84 cây số nối đường xe lửa từ Tháp Chàm đến Đà Lạt trên cao nguyên. Họ tiếc than và tạo ra các bờ lốc hay tài khoản trên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về con đường rầy này bị Hà Nội bức tử. Mình xin tóm lược những gì đọc trên mạng xã hội của người ngoại quốc. Ngay ông Robie từng tham chiến tại Việt Nam, người đã chụp rất nhiều hình ảnh Đà Lạt, gây quỹ giúp cho 2 học sinh Bùi Thị Xuân, 2 học sinh Trần Hưng Đạo. Cũng gốc viết một bài khảo cứu há chi tiết về con đường rầy răng cưa Tháp CHàm-Đà Lạt.

Hình ảnh cũ của đầu máy số 707 (SLM HG4/4 0-8-0T rack-and-pinion locomotive No 707)


Lược sử Đà Lạt được khởi đầu từ những năm cuối của thế kỷ 19, khi người Pháp đã quyết định xây dựng một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên ở độ cao 1550 mét. Người Pháp dự định kết nối đường xe lửa chính từ Nam chí bắc, xây dựng một tuyến đường từ Tháp Chàm, Ninh Thuận lên Đà Lạt. Con đường dài 84 cây số phải mất đến 30 năm mới hoàn tất. Phần 40 cây số đầu tiên từ Tháp Chàm đến Khrông Pha khởi đầu năm 1903 và hoàn tất năm 1919. Xem như mất 16 năm mà mình có kể, ít nhất có trên 30,000 người Việt lao công trên công trường này đã chết vì đói sức, bệnh sốt rét, tai nạn,… ai buồn đời thì đọc trên bờ lốc của mình.

Đầu máy xe lửa ở đèo Ngoạn Mục vào những năm 1930 (An SLM HG4/4 0-8-0T rack-and-pinion locomotive in the Bellevue Pass in the 1930s). Phải công nhận chỉ xem tấm ảnh này mà dân chuyên nghiệp vẫn nhận ra đầu máy loại gì.


Phần cuối 44 cây số từ 186 mét cao độ lên 1,550 mét cao độ trên mực nước biển với độ dốc cao đến 120mm/m, sử dụng đường rày xe lửa răng cưa của công ty Thụy sĩ Schweizerische Lokomotiv- und Maschinenfabrik (SLM) ở Winterthur, có đại diện tại Đông-Dương bởi Société d’entreprises asiatiques. Công trình khởi đầu ngày 20 tháng 3 năm 1923 và hoàn tất năm 1932. Đúng lúc năm ấy có trận lụt đã cuốn trôi khu vực người Việt và người Tàu ở hạ lưu suối Cam Ly, khiến người Pháp phải dời khu phố Việt lên khu Hoà Bình.


Theo tin tức cho biết công ty Schweizerische Lokomotiv- und Maschinenfabrik (SLM) bán 9 đầu máy 46-tấn HG4/4 0-8-0T (mang số 701-709) để kéo chiếc xe lửa trên tuyến đường này. 7 đầu máy này được chế tạo tại xưởng SLM Winterthur  (701-705, 708-709) còn hai đầu máy (706-707) được chế tạo bởi Maschinenfabrik Esslingen.


Con đường rầy răng cưa giúp phát triển ngành du lịch tại Đông-Dương, chuyên chở rau cải, trái cây và hoa từ cao nguyên Lâm Viên xuống vùng đồng bằng cũng như du khách. 

SLM HG4/4 0-8-0T đầu máy số 704 ở đèo Ngoạn Mục và Đơn dương năm 1927. 


Trong thời gian 1945-1946, đường rày răng cưa Lâm Viên bị Việt Minh phá hoại 4 đầu máy HG4/4, chỉ còn 40-302 (702), 40-303 (703), 40-304 (704), 40-306 (706) và 40-308 (708) còn khả năng xử dụng. Vào năm 1947 thì đường xe lửa này được sửa chửa và hoạt động trở lại. Công ty hoả xa Đông-Dương mua thêm 4 đầu máy ( số 31-201-31-204). Hồi nhỏ mình có đi xe này được 1 hay 2 lần xuống Trại Mát với ông cụ thăm ai.

Vào những năm dưới chính phủ đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, công ty hoả xa Việt Nam dự định điện hoá đường xe lửa này nhưng vì chi phí quá cao thêm vấn đề an ninh, phá hoại của Việt Cộng nên dự định này không được chấp thuận. Trước đó thì đầu máy chạy bằng hơi nước, nấu bằng củi. Quân đội mỹ sử dụng để chở rau cải cho binh lính họ ở Nha Trang. Cũng có thể lính đóng quân tại đài radar chỗ gần Đơn Dương. Không biết rĩ lắm, ai biết thì cho em hay. Do đó hay bị Việt Cộng phá hoại.

Nhà ga Đà Lạt với kiến trúc Art Déco năm 1948. Nhà ga này còn đẹp hơn mấy nhà ga bên tây

Đường rầy răng cưa vẫn tiếp tục hoạt động đến tháng 9 năm 1969 thì công ty hoả xa Việt Nam tuyên bố là không lời, bảo đảm an ninh vì Việt Cộng hay tấn công, phá hoài đường rày nên đã ngưng hoạt động.

Một trạm ga chụp thời Tây, nay bị bỏ phế hoang tàn
Cầu này được Việt Cộng tháo gỡ bán lạc xoong

Sau khi Việt Cộng chiếm đóng miền nam sau 30/4 thì đường rày được tháo gỡ để chở về bắc để sửa chửa đường rày ngoài bắc nhưng đường răng cưa khác với đường rày thường nên không sửa chửa được nên quăng hay bán sắt vụn. Đến năm 1990 các đầu máy còn thoát khỏi các cuộc phá hoại của Việt Cộng trong thòi gian chiến tranh được bán lại cho Dampfbahn Furka-Bergstrecke, DFB, để người Thuỵ Sĩ mở lại đường rầy lên núi ở Thuỵ Sĩ. 40-304 và 40-308 được trùng tu và lấy lại số 704 and 708. Xem ra thì Việt Cộng chỉ có biết phá hoại rồi không biết sử dụng khi chiếm được thì bán lạc xoong giúp người Thụy Sĩ làm giàu. Du khách muốn thương ngoạn trên núi với chiếc xe lửa đặc biệt này mua từ Việt Nam, nghe nói phải đặt chỗ từ cả năm trước. Tình cờ mình đọc được một bài của một anh ở Tây hay Thuỵ Sĩ kể rất chi tiết với hình ảnh của người Thuỵ SĨ chụp từ Việt Nam đến Thuỵ sĩ. Ai buồn đời thì tìm trên mạng để rõ hơn.

Việt Cộng bán đầu máy lạc xoong nên Thụy sĩ đem về Tân trang lại và sử dụng leo núi của họ cho du khách lời khẩm. (Rusting cog locomotives commencing their journey back to Switzerland in 1990….)

Năm 2004, cầu sắt bắt qua con sông Đa Nhim được Hà Nội cho phép tháo gỡ để bán sắt vụng. Cho thấy rất may là các đầu máy mà Thuỵ Sĩ mua lại nếu không chắc đã được bán ve chai. Việt Cộng tưởng bán ve chai cho người Thuỵ Sĩ, mừng quá vì được $500,000 vào thời đó nên ăn mừng hết lớn. Người Thụy sĩ khiêm nhường đến khi khám phá ra họ đem về tân trang lại, gắn mấy cái toa xe lửa là chạy lên núi, kiếm tiền du khách quá cỡ nên Việt Cộng mới nghĩ là làm lại tuyến đường này, nghe nói mấy tỷ đô la.


Bổng nhiên, gần đây đọc báo Hà Nội lại có ý định thành lập lại con đường rầy này. Nhà ga Đà Lạt theo lối kiến trúc Art Déco, được trùng tu lại và tuyến đường 7 cấy số từ Đà Lạt đến Trại MÁt được hoạt động lại nhưng nghe nói cũng ít du khách đi nên không biết Hà Nội tốn hàng tỷ đô để làm lại đường rầy này có thực thi hay không.

…. now restored to their former glory on the Furka Cogwheel Steam Railway (image copyright Dampfbahn Furka-Bergstrecke). Người Thuỵ Sĩ mua lạc xoong các đầu máy về, trùng tu lại, sơn phết nay làm tuyến đường leo núi, kiếm tiền bộn bạc nghe nói một vé giá 70 quan Thụy sĩ mà phải mua vé cả năm tước, chưa kể tiền họ tiêu xào và ngủ khách sạn.

Nếu đường rầy răng cưa Đà Lạt Tháp chàm không bị tháo gỡ bán ve chai thì ngày nay chắc chắn là điểm du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Á và sẽ được UNESCO công nhận di tích văn hoá thế giới như đường rầy lên núi Nilgiri bên Ấn Độ. Mình có xem phim Ấn Độ, có lần thấy họ quay chuyến xe lửa này. Sau này có dịp đi lại Thuỵ SĨ, chắc mình cũng ráng bò lên xe lửa này để Hoài niệm về một thời đi và thấy xe lửa này.


Nhiều khi không muốn kể chuyện Đà Lạt xưa vì càng kể thì so sánh với ngày nay, tan hoang hết nên Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


# quartier Latin (Paris có gì lạ không)

Dạo mình mới sang Paris được mấy tháng thì có một ca sĩ người Mỹ da đen tên là Josephine Baker qua đời khiến cả nước Pháp để tang và thi hài của bà ta được liệm trong Pantheon, nơi chôn các người có công với đất nước pháp như Victor Hugo, Pierre và Marie Curie, Voltaire,… Cô này có bài hát nổi tiếng “ j’ai deux amours“. Cho thấy tây khá hơn mỹ ở chỗ chọn một người ngoại quốc da màu, phụ nữ ghi nhớ công lao của bà ta cho nền văn hoá nước Pháp. Hình như trong đệ nhị thế chiến, bà ta có làm gián điệp cho quân đội đồng minh khi Đức quốc xã chiếm đóng Paris.

On dit qu'au-delà des mers

Là-bas sous le ciel clair

Il existe une cité

Au séjour enchanté

Et sous les grands arbres noirs

Chaque soir

Vers elle s'en va tout mon espoir

J'ai deux amours

Mon pays et Paris

Par eux toujours

Mon cœur est ravi…

Một con đường nhỏ trong khu la tinh không nhớ rõ tên đường. Nay họ cho trùng tu lại khá nhiều nên thấy sách sẽ. Theo ông Trần Xuân Như là đường Rue des Bernadins

Không ngờ sau này, rời Paris đi kiếm cơm ở các xứ khác, mình vẫn yêu Paris như bài hát của cô ca sĩ người Mỹ này. Dạo ở Thuỵ Sĩ, trong sở mình thường hâm hâm bài này và bản nhạc được Maurice Chevalier hát “ Douce france, cher pays de mon enfance,…”  Chỉ tiếc mụ vợ không thích tây, nếu không mỗi năm mình về đây thăm em út, bạn bè, ăn cơm tây như ngày xưa. Mụ vợ không thích tây vì mót tè không có chỗ đi tè. Thật ra khi mình mới đến Paris thì cũng Chán Mớ Đời lắm nhưng ở lâu thì mới nhận ra vẽ đẹp của Paris và mê luôn. Mình có ở Luân Đôn hai năm, New York 5 năm nhưng mình thích Paris hơn vì Luân Đôn rất nam tính, khác với Paris đầy nữ tính.


Hôm trước có anh bạn hỏi về nhạc bên Pháp. Anh ta hỏi về Christophe, Johnny Halliday,… mình kể là khi xưa ở Đà Lạt, mình có nghe mấy nhạc tây và rất mê mấy ca sĩ này nhưng khi sang Pháp thì khám phá ra có nhiều loại nhạc Pháp. Nhạc mà Christophe , Sylvia Vartan,…thường được xem nhạc cho giới choai choai mới lớn như mình khi xưa, giới đọc Salut les copains. Mireille Mathieu thì như Phương Hồng Quế, sến sến. Mình có kể vụ này rồi. Còn người Pháp trong giới sinh viên, họ nghe nhạc của Léo Ferré, Jacques Brel, Barbara, Georges Moustaki, Georges Brassens,… như thể loại nhạc Văn Cao, Trịnh Công sơn, Cung Tiến,…của người Việt.  


Dạo mình mới sang thì có một một ca nhạc sĩ hát những nhạc nói về giới lao động với ngôn ngữ chợ trời, toàn là tiếng lóng, ngôn ngữ của dân sinh sống tại Paris, tên Renaud. Nếu ở pháp lâu ngày sẽ nhận ra sự khác biệt dân vùng Paris và dân các thành phố nhỏ khác, lối sống, cách ăn nói, đệm tiếng lóng rất nhiều. Mình về Paris, mấy cô bạn kêu những từ mày dùng bây giờ cổ hủ rồi. Lâu lâu nhìn đồng chí gái thì nhớ đến bài hát của Georges Moustaki “la femme qui est dans mon lit n’a plus vingt ans depuis longtemps…” buồn 

Paris rất rộng lớn nhưng sinh hoạt thường ngày của mình đều loanh quanh khu la-tinh (quartier latin). Khu vực này nằm phía tả ngạn của sông Seine. Tây gọi là rive gauche của dòng nước chảy. Chỉ có khi thẻ cam (carte Orange) ra đời, có thể dùng xe điện ngầm và xe buýt đi chơi khắp Paris cùng giá tiền trả trong tháng thì mình mới hay leo lên xe buýt đi vòng vòng, chỗ nào thấy đẹp thì nhảy xuống đi viếng hay vẽ. Có dịp mình sẽ kể về các công viên , viện bảo tàng,… mùa xuân trời ấm thì đi xe buýt, viếng các công viên ,.. còn mùa đông thì chạy vào các viện bảo tàng. Mùa hè thì mình đi giang hồ, vẽ tranh bán kiếm tiền đi học vì tiền bán tranh 3 tháng nhiều hơn lương SMIC làm việc vớ vẩn trong mấy ngân hàng.


 Như mình đã kể, người ta gọi khu la tinh vì khi xưa các trường học đều giảng dạy bằng tiếng La-tinh tương tự ngày nay, đa số các đại học tại âu châu đều có những lớp giảng dạy bằng anh ngữ. Con mình học trường Bocconi, Milano, Ý Đại Lợi với các lớp anh ngữ. Giáo sư và sinh viên đều nói bằng tiếng la-tinh. Một sinh viên đến từ Đức quốc, Ba Lan, Hoà Lan,..không rành tiếng sở tại nên vào đại học đều có lớp giảng bằng anh ngữ và sinh viên của mấy quốc gia trong Liên Hiệp âu châu bắt buộc phải sử dụng anh ngữ để nói chuyện với nhau như khi xưa họ dùng tiếng La-tinh. Biết đâu mấy trăm năm sau, sẽ gọi quartier anglais. 


Nói chung đa số các đại học đều nằm trong khu vực này như Sorbonne, Y khoa, dược khoa, luật khoa, trường Hầm Mỏ, trường Cao đẳng Mỹ Thuật, trường cũ Bách Khoa, sau này họ xây một trường Bách Khoa mới ở ngoại ô Paris, quên ở đâu, mình có đi đến đây đá banh với trường của mình với đội tuyển Bách Khoa. Họ học giỏi nhưng đá banh dỡ.


 Có thể xem quartier Latin như một Campus như đại học mỹ nhưng trải rộng trong các phố xá. Nếu mình không lầm tiệm ăn ở trường y khoa là ngon nhất nhưng phải đi xa nên phải ăn ở Odeon. Ngoài ra còn có các trường học trung học danh tiếng cũng như các lớp luyện thi vào các trường lớn như Louis Le Grand, Henri IV, Saint Louis. Khi sang tây, mình có ghé lại những trường này để hỏi tin tức theo học để thi vào các trường lớn. Thấy mình học ngu nên không dám trèo cao. Nghe mấy ông thầy khi xưa kể về các trường ngày.


Sau khi ăn cơm, trước khi đi học lại thì mình hay vác bản vẽ đi vòng từng khu vực nhất là mấy nhà thờ để vẽ hay mấy dẫy phố. Điểm chính của khu la-tinh này là quảng trường Saint Michel được xây dựng dưới thời Napoleon đệ tam do ông Baron Haussmann thi hành, ngay bờ sông Seine. Có đại lộ Saint Michel rất quan trọng vì nối liền Nam Bắc của Paris. Đi băng qua sông Seine là thấy một khu vực cũ nhất Paris mà thời La MÃ họ gọi Lutèce.

Bể nước Saint Michel

Từ bể nước Saint Michel, đi về phía Nam, leo lên dốc đến đồi Sainte Geneviève, được xem là nữ thần phù hộ cho thành phố Paris tránh nạn giặc Huns của Attila. Ông Attila này bị bắt làm con tin ở La MÃ, như các hoàng tử ngày xưa bị bắt làm con tin để hai nước không xâm chiếm nhau. Ông này học nghề đánh nhau, quân sự của La Mã, giả bộ ngu nên sau này được thả về nước. Ông ta đem quân đội của ông ta đánh chiếm các vùng do quân la mã chiếm đóng. Sau này ông ta bị bại trận khiến đế quốc la mã sống sót thêm một thời gian ngắn. Ông ta đem quân đến Metz và Troyes nhưng dạo ấy Lutèce, tên cũ của Paris, còn nhỏ bé không quan trọng nên quân đội của Attila không thèm đến nhưng người Pháp cứ nói đủ trò là bà Geneviève, một trinh nữ giải cứu Lutèce khỏi bị chiếm đóng. Mình đoán là nhà thờ dùng những câu chuyện này rồi bơm thêm như bà Jeanne d’Arc để giúp người Pháp tin vào chúa nhiều hơn.

Đại lộ Saint Michel vào mùa thu 

Đại lộ Saint Michel khá quan trọng. Trong thời gian cách mạng văn hoá 1968 mà người Pháp thường gọi “Mai 68”. Sinh viên học sinh xuống đường, nạy đá lót đường lên để quăng vào cảnh sát cơ động. Cuộc biểu tình này đã khiến chính phủ De Gaulle suýt banh ta lông. Sau này ông ta hứa sẽ cải đổi giáo dục nước pháp và các thủ tục hành chánh nên mới sống sót. Ông ta lên làm tổng thống thì bị tổ chức OAS ám sát hụt nên cai trị như một người độc tài, bỏ tù đủ thứ người nên dân tình chán nản.


Mình hay lang thang vào đường La Huchette. Nhờ đi lang thang mà mình thấy văn phòng của lữ quán thanh niên (auberge de la jeunesse) mà sau này mình làm việc cho họ để dẫn tây đầm viếng thăm các nước Tây đức, Hoà Lan, Bỉ, Áo quốc. Khu này khi xưa có nhiều tiệm ăn Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Du khách đông. Họ nướng quay thịt cừu ngoài tiệm, đi ngang khiến thèm ăn Kebab. Tiệm ăn mình làm bồi vào cuối tuần ở trong khu vực này. 


Phía bên kia có đường Saint André des Arts cũng khá vui. Trong khu vực này có một nhà thờ tên Saint Séverin mà mình hay vẽ ở đây. Học lịch sử nhà thờ nên phải đi vòng vòng vẽ. Có một nhà thờ mà mình quên tên, khi xưa hay ghé lại nghe họ hát thánh ca gregoirien rất lạ. Hình như nhà thờ Saint Gervais. Lâu quá nên không nhớ nổi. Mình không phải con chiên nhưng nghe nói nên tò mò ghé lại để nghe ông cố đạo giảng bằng tiếng la-tinh rồi ca đoàn của họ hát nhạc thánh ca cổ. Chỉ là tò mò, sống một mình nên lang thang mò mò mấy thứ người Pháp kể.

Đại học Sorbonne

Từ đó đi về phía nam đại lộ Saint Michel sẽ đến đại học Sorbonne nằm bên tay trái. Đại học này được xây bởi một ông tên Robert de Sorbon, sinh tại làng nhỏ Sorbon, vùng Ardennes nên mình đoán là gốc Bỉ vào năm 1253, do ông vua pháp muốn xây một trường để 16 sinh viên học về thần học. Thế kỷ 17, ông cố đạo Richelieu nổi tiếng, mà khi xưa khiến mình điên đầu khi nghe ông tây giảng về ông này, kêu kiến trúc sư vẽ lớn thêm. 


Đại học Sorbonne nổi tiếng từ độ đó đến khi hoàng đế Napoleon đệ tam, cho xây dựng các trường lớn để đào tạo các nhân tài cho đế chế như các trường bách khoa, quốc gia hành chánh,… khi xưa, chỉ có con nhà giàu đi học đại học, nhằm nghiền ngẫm về giáo lý, triết học,… nhưng đến thời Napoleon đệ tam thì cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu nên người ta phải đào tạo các chuyên viên để giúp nghành công nghệ pháp cất cánh.


Hình như khúc này có chợ trời trên đường Mouffetarde. Mình có đến đây vẽ chợ búa, người bán người mua khi nghiên cứu mấy cái chợ trời. Đâu gần đây có rạp hát Maubert-Mutualité mà người Việt tổ chức Tết hàng năm. Có chợ Thanh Bình, và đường Monge có rất nhiều người Việt sinh sống và tiệm ăn Việt Nam.

Panthéon nơi các người nổi tiếng, có công với Pháp quốc được chọn cất ở trong 

Có một chỗ mà mình đến viếng khi mới đến Paris là Panthéon, chỗ họ liệm xác các người có công với người Pháp như vợ chồng ông Pierre và Marie Curie, Victor Hugo, Voltaire, Jean Jacques Rousseau,.. Mùa đông mình hay vào viện bảo tàng lịch sử tự nhiên, để vẽ mấy bộ xương của mấy con thú lớn như voi, khủng long,… mùa Xuân thì đến vẽ ở vườn Jardin des Plantes,..


Hình như có một tiệm ăn rất nổi tiếng cạnh bờ sông tên Tour d’Argent, chỉ nghe tên thôi, vô đây là tốn bộn bạc mà phải đặt chỗ lâu ngày. Nói cho ngay, thời ở Paris, sinh viên không có tiền nên chỉ ăn lặt vặt. Lâu lâu có charrette thì đàn anh kéo đi ăn trả tiền, bù lại mình phải thức đêm vẽ cho họ. Toàn là những tiệm gần trường rẻ. Cho nên cơm tây mình chỉ biết khi đến nhà ai đó ăn cơm. Họ nấu mấy món cũng bình dân còn tiệm ăn thường thì nấu mấy món như người Việt thích ăn ragout, bò nấu rượu, vớ vẩn. 


Mình nhớ hay ăn Croque monsieur, bánh mì baguette, họ bỏ cái xúc xích lượt rồi bỏ phô mát lên rồi nướng cho phô mát chảy ra, ăn ngon. Nhưng có lẻ món mình thích ăn nhất ở Pháp là món Couscous của người ả rập hay trên đường phố, họ có mấy xe bán đồ lưu động, họ nước merguez, một loại xúc xích bằng thịt trừu, bỏ trong baguette rồi trét một chút harissa, cay xé họng. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 






# phòng ô-sin (Paris có gì lạ không)

Sau khi làm việc hai tháng mùa hè tại thành phố Mantes-La-Jolie, mình về lại Paris, dọn về ở Neuilly Sur Seine, nằm ngay cổng Maillot (Porte de Maillot) trên trục đại lộ Champs Elysees đến La Defense. Trả cho bà Cayla 100 quan mỗi tháng nhưng độ 3 tháng sau thì bà ta kêu không nhận tiền mướn phòng, cho ở miễn phí. 


Thủ đô Paris được bao bọc bởi một hệ thống xa lộ mà người Pháp gọi là Boulevard de Péripherique. Mỹ gọi là Beltway. Tây ở Paris thường gọi tắc là Périph. Có hai đường: một để chạy vô trong thủ đô và một chạy ra ngoài thủ đô. Bên kia peripherique được xem là ngoại ô giáp giới với Paris. Mỗi chỗ ra người ta gọi là cổng (porte) nên dân tây muốn đi đâu là cứ lái xe lên Peripherique rồi chạy đến chỗ nào muốn ra thì chạy ra khỏi xa lộ thay vì chạy đường trong, lâu và kẹt xe. Có dịp mình sẽ kể lịch sử thành hình của périphériques vì có tính cách quân sự thay vì để xe chạy lòng vòng và có thể trong tương lai sẽ được biến thành công viên xanh và cây cối.
J’ai deux amours; mon pays et Paris.

Nghe tiếng Neuilly/ Seine là khu sang trọng nhất Paris nhưng mình ở lầu 7, nơi các phòng dành cho Ô-sin ở. Nghe nói đến Neuilly, ở Paris như ở Los Angeles, nói đến Bel Air nhưng mình thì ở Chambre de Bonne, mình dịch là phòng ô-sin cho có vẻ phim bộ toàn tập đời Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Nói chung thì khu phố rất sạch sẽ nhưng cũng đạp cứt chó nhưng ít hơn là các khu vực khác ở Paris. Ở Paris có vụ đi bộ trên đường thì lâu lâu nghe tây đầm kêu “merde” là biết có người mới dẫm phải kít chó. Rồi ghé lại lề đường, cà cà chiếc giày cho bớt kít chó. Chán Mớ Đời  


 Đến nhà ai hay trước khi mở cửa nhà thiên hạ phải đưa giày xem có đạp kít chó. Khu Neuilly/Seine có một bệnh viện nổi tiếng mà ai giàu có đều đến đây để chữa bệnh là bệnh viện Mỹ (hôpital americain de Paris). Tối đi học về khuya không sợ bị cướp bóc. Có một trường học dạy các lớp ngoại khoá, mình ghi danh học tiếng Ý Đại Lợi và anh ngữ. Nên tối đi học mất 4 tối. Đóng tiền tượng trưng nên mình học đủ thứ hết.


Phòng ô-sin cho thấy sự cách biệt ngăn cách các tầng lớp giai cấp xã hội theo chiều cao thay vì chiều ngang theo các khu vực riêng biệt. Dưới nhà thì căn hộ của chủ nhà to rộng có lò sưởi hay hệ thống sưởi ấm vào mùa đông còn leo lên vài thước thì chả có gì cả. Dân cần lao ở trên đầu dám tư bản chủ bốc lột. Chủ thì đi cửa trước, có cầu thang máy còn tớ đi cửa sau, leo cầu thang vô hình trung lại giúp sức khoẻ cần lao tốt hơn.

Một cô gái mi hoạ sĩ Picasso bên cạnh thuyền trưởng Cousteau

Mấy khu nhà giàu khi xưa bên tây đều có người giúp việc. Sau này vật giá leo thang nên họ không mướn mấy bà đầm nữa mà mướn mấy bà gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, bỏ chồng con ở xứ họ rồi qua pháp làm ô sin. Khởi đầu sau đệ nhị thế chiến, người Pháp cần nhân công để tái thiết nên cho người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà sang làm cu li cho họ. Hai nước này tước đây là bá chủ thế giới, đi xâm chiếm nhiều nước trên thế giới, Mỹ châu, Phi Châu , á châu. Vì không theo chế độ tư bản nên triều đình như bị phá sản vì các cuộc hải hành tốn kém, rất nhiều tàu bè không trở lại quê hương. 


Mấy người Tây Ban Nha và Bồ Đào nHa đi làm rồi về quê cưới vợ, đem con cái qua, con gái thì cho đi làm ô sin, con trai thì ra công trường. Hàng năm được nghỉ hè về quê thăm chồng con. Mình có ghé thăm gia đình bà gác dan ở Lisboa, có căn hộ to đùng. Bà Cayla không có tiền thuê ô-sin nên có phòng để trống, cho mình mướn. Ông Cayla làm cho IBM, bà ta ở nhà chăm sóc nhà cửa. Có đâu 5 người con.


Mấy căn hộ kia cũng vậy, họ dùng phòng ô-sin để đựng đồ cũ, áo quần hay bàn ghế cũ. Mình nhớ trên lầu chỗ mình ở hình như có 2 người ở, mình và bà người Tây Ban Nha làm ô sin cho ai ở dưới lầu. Bà gác dan thì có chỗ ngủ ở ngay cửa ra vào. Bà này tội lắm. Có lần bà ta thấy mình trời mùa đông đang giặt quần áo, tay lạnh buốt giá nên kêu để bà ta giặt dùm ở dưới nhà vì có máy giặt của chủ. Chắc lựa khi chủ đi vắng giặt dùm mình rồi ủi dùm luôn. Cuộc đời mình có quý nhân phù hộ. Sau này bà ta về Tây Ban Nha, quên hỏi địa chỉ để ghé thăm.

Đại khái một căn phòng ô-sin giống như vậy. Chiều ngang 2 mét, chiều dài 3 mét. Phòng mình thì cửa sổ bằng 1/2 cái này nên chả thấy nhiều bên ngoài. Bức tường nghiêng về phía trong cạnh cửa sổ nên choáng hết không gian 

Các nhà cao tầng đều có mái nhà theo kiểu ông kiến trúc sư tên Mansard thiết kế. Cái tên cửa sổ Mansarde đến từ ông này. Dưới mái nhà thay vì trống trơn, ông ta đột phá tư duy là có thể ngăn thành các tường để chống đỡ sức nặng của mái nhà và ngăn thành nhiều phòng. Những phòng này dành cho các bà giúp việc ở. Ban ngày họ xuống dưới các căn hộ của chủ làm việc và đêm về thì leo lên bằng cầu thang phía sau để ngủ. 


Lên tầng cuối thì thấy một cái hành lang đi từ đầu này đến đầu kia cầu thang, hai bên là phòng ngủ. Thường có nhà vệ sinh, gồm cái bàn cầu và một cái vòi nước lạnh. Cần nước thì múc vô phòng rửa mặt buổi sáng hay ban đêm, rồi sáng đem đỗ. Mình không phải ô sin nên phải leo lên lầu từ cầu thang nhỏ tròn từ sân trong chỗ để mấy thùng rác. Mùa đông thì phải bận áo ấm mấy cái ra nhà vệ sinh vì lạnh. Ở mấy lầu dưới thì các căn hộ bên dưới và bên trên được sưởi ấm nên tương đối cũng không lạnh. Tối ngủ là bao nhiêu măng-tô đem ra bận hay áo len, trùm hai cáo mền. Lạnh quá nên nhiều khi bị bón luôn, phải đợi vô trường có sưởi mới xả xú bắp được. Mùa hè thì sướng lắm, vì ở dưới mái nhà nên nóng kinh hoàng, tối bò ra đây lấy cái thau hứng nước rồi tắm nước lạnh đi ngủ.

Mỗi ngày mình leo 2 lần lên phòng bằng cầu thang này 7 tầng nên tương đối khi xưa, sức khoẻ mình tốt. Nhất là đi bộ đến xe điện ngầm. Nhiều hôm, đi xuống nhà lại nhớ quên đồ, sách hay gì đó là phải lộn lên lại.

Mỗi phòng có chiều ngang 2 mét và chiều dài 3 mét. Có một cái cửa phòng và một cửa sổ nhỏ nhìn ra đường. Vấn đề là cái tường phía đường làm theo mái MAnsard nên không thẳng mà lại nghiêng vào trong độ 60 độ nên choáng chỗ. Không có lò sưởi vì căn phòng nhỏ hay vòi nước gì cả. Mình mua một cái lò ga dùng để cắm trại và một cái xoong. Muỗng nĩa thì lấy ở Resto U xài hay chủ nhà có cho một bộ. Trong tuần thì mình ăn cơm ở đại học xá, cuối tuần thì đa số đóng cửa, muốn ăn thì phải bò xuống khu cư xá sinh viên, gọi là Cité universitaire xếp hàng ăn vì cuối tuần, bao nhiêu sinh viên đổ xô về đây ăn. Trời lạnh mà đứng ngoài trời thì không Đặng nhất là phải trả hai vé xe điện ngầm nên mình hay mua gạo về phòng nấu nồi cơm, khui hộp cá mòi ra ăn. Hoặc mua ổ baguette và thỏi chocolate ăn hay trét bơ. Mấy loại Jăm-bông cũng khá đắt.


Phòng có một cái giường đơn, một cái gương, một cái ghế và một cái bàn để ngồi học. Rất là minimalist, tối giãn cuộc đời. Có một cái tủ nhỏ để đựng quần áo. Cái Vali đem từ Đà Lạt sang thì để dưới gầm giường. Cuộc đời lưu vong mình khởi đầu như vậy và bây giờ cũng vậy, quần áo rất ít. Ngày nay, mụ vợ mua áo quần cho mình cũng ít bận.

Trạm métro thì chỉ cách nhà có 100 mét là tới. Đi học thì không phải đổi tuyến đường, chỉ việc lên xe chạy xuống đến trạm Louvres thì xuống, đi bộ qua cầu là đến trường. Tối thì học tới 8 giờ rồi đi ngược lại về nhà.


Sáng thì thức giấc vào 7 giờ sáng, bận đồ vào rồi chạy xuống lầu, chạy qua bên kia đường chính, chạy vào rừng Boulogne (bois de Boulogne). Chạy 2 cây số thì về nhà đi học. Trong tuần thì đi bơi ở hồ trung tâm thể thao của đại học hay đi đá banh cho đội tuyển đại học. Đá thì không hay lắm nhưng cốt ý để tắm nước nóng. Rồi cũng xong.


Đi học thì quen với đám sinh viên thì trình độ họ khá hơn thằng Francis và bạn nó quen trong mùa hè. Francis và bạn hắn đều làm công nhân nên cách giao tiếp khác với đám sinh viên. Đụng chạm với tây đầm thì khám phá ra chúng biết văn hoá nhiều hơn mình. Lịch sử, nhạc thơ đủ trò hay văn chương, toán thì mình không ngại lắm nhưng khi nói về hội hoạ, nhạc, văn chương là mình ngọng vì chúng đọc sách nhiều hơn mình. Thế là phải vào thư viện, mượn sách để đọc cho kịp chúng. Người Pháp đọc sách nhiều hơn người Mỹ. Cho nên gặp nhau là chúng cãi nhau mệt thở nhất là đám xã hội và cộng sản. Vào các dịp lễ, người Pháp tặng sách cho nhau thay vì áo quần, kẹo bán như người Mỹ. Một con đầm hay một thằng bạn tây tặng cuốn sách thì phải đọc cả lần sau gặp lại chúng hỏi thì phải đối đáp khi chúng hỏi.


Vào học thì có màn học vẽ. Có hai lớp vẽ: khoả thân và ngoài đường. Khi xưa vẽ bản đồ, tô màu thì mình đều đứng nhất nhưng vào học kiến trúc thì thấy mình vẽ chán như gián. Trưa đi ăn cơm ở đại học xá xong thì bọn học chung bò vào quán bistrot “Le Balto” ở đường Mazarine. Một ly cà phê giá 2 quan chưa kể tiền boa trong khi một phiếu ăn ở đại học xá chỉ tốn có 2.5 quan. Mình không có tiền nên bò đi vẽ trong khu quartier Latin, hay đi viếng mấy phòng triển lãm tranh nghệ thuật. Vẽ xong đem về cho ông thầy xem. Từ từ đến cuối năm thì mình vẽ khá khá hơn đám tây đầm trong lớp. Nhờ vậy mà sau này đi nước nào cũng kiếm được làm việc.

Nhớ lần đầu tiên, có lớp vẽ khoả thân. Mới đi ăn về thì vào lớp thấy có một cô đầm đứng trên một cái bục thấp. Ở truồng. Lần đầu tiên mình thấy một phụ nữ ở truồng khiến chim dế gì bay tùm lum hết. Vấn đề là người mẫu mà xấu thì vẽ dễ còn người mẫu mà có thân hình đẹp thì hôm đó khó vẽ. Sau này, có mấy cô quen cứ muốn mình vẽ khoả thân mấy cô. Vẽ chân dung thì dễ mà vẽ khoả thân thì khó mà cưỡng lại.(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Dân Đà Lạt thế hệ thứ 4

Hôm trước, có ông nào nhắn tin kêu là cháu nội của ông Phác Râu khiến mình thất kinh. Mình nhớ mấy người con của ông Phác Râu bé bé ngày xưa, nay đã sản xuất cháu nội cho ông Phác Râu. Hoá ra anh chàng đọc bài mình kể về “Am Cô 7” hay Am Sohier. Mình hay nhận nhắn tin của thế hệ thứ 4 của dân Đà Lạt xưa, hỏi đủ thứ trò, họ nghe mình kể chút gì về ông bà của họ nên tò mò hỏi mình như tại sao dân Đà Lạt gọi ông ngoại của họ là Xu Huệ. Có người hỏi có biết ông ngoại con ở trên số 4 khiến mình ngọng. Dân Đà Lạt xưa thời mình hay lớn tuổi nên viết kể về khu vực của họ cho thế hệ con cháu hiểu thêm về Đà Lạt xưa.


Những người đầu tiên đến lập nghiệp tại Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 là thế hệ ông bà của mình, như ông bà Võ Quang Tiềm, Nguyễn Văn Phúng, Võ Quang Hàm,… Bố mẹ mình là thế hệ thứ 2, thế hệ mình là thứ 3, sinh tại Đà Lạt, con của em mình là thế hệ thứ 4, còn cháu của chúng là thế hệ thứ 5.
Hình chụp thiết vương Trương Kim Hùng lên Đà Lạt tập dược trước khi lên đường đi dự thế vận hội ở Mexico ngay ngã 3 am Sohier.

Mình phải trả lời là khi xưa thời tây, có nhiều người Việt làm việc cho người Pháp, có người làm giỏi nên được cử nhắc lên chức “surveillant” xem như cai đội. Người việt mình đa số không rành tiếng pháp nên cứ gọi tắc ông Xu thay vì Cai. Đà Lạt có ông Xu Huệ khi xưa dạy thiên hạ vô thất, chữa bệnh, ông Xu Tiếng có hãng cưa gỗ, bán gỗ cho thiên hạ làm nhà ở đường Phan Đình PHùng, gần Mả Thánh, gần ga-ra Phan Xứng. Ông Xu -Tiếng từng là thầu khoán xây Nha Địa Dư. Ông Cai Sớm, từng tham gia xây cất khách sạn Palace, sau này làm thầu khoán tại Đà Lạt, là chủ rạp hát LangBiang, sau này bị cháy nên phá luôn để xây trạm xăng Ngọc Hiệp. Ông Cai Sớm là ông nội của một người bạn học ở đường Phan Đình Phùng.

Ông Phác Râu quen thân với bà cụ mình, làm chung với ông cụ mình tại ty Công Chánh, bên cạnh viện Pasteur ngày xưa. Cứ gặp ông ta là phải chào thưa cậu. Hình như ông ta lái xe cho ty công chánh. Đà Lạt khi xưa ít người, mẹ mình bán ngoài chợ nên xem như biết hầu hết những tiệm trên phố Hoà Bình, Minh Mạng và Duy Tân. Khi mình ra phố là gặp mấy người này nên phải chào. Chưa chào họ đã réo “cu mi đi mô rứa?” Do đó mình nhớ dân Đà Lạt là vì vậy. Còn mấy cô xinh xinh ngày xưa thì chịu. Có nhiều cô Đà Lạt khi xưa, gặp mình lại hỏi sao ông không biết tui khi xưa khiến mình ngọng. Mình đâu có nuôi ma xó như thầy Chiêm. Đà Lạt chỉ cần biết Cái Bớt Ngày Xưa là được rồi.


Ông Phác Râu, người béo phì vì ăn nhiều. Nhớ hồi nhỏ mình bị con chó berger của nhà bà Quán trong xóm cắn thì phải chích thuốc ngừa chó dại. Mỗi ngày, mình phải đi theo ông cụ theo xe chở công chức lên ty Công Chánh. Sau khi đem mình sang viện Pasteur bên cạnh chích hình như 21 mũi ngay bụng. Mất 3 tuần lễ hay 4 vì thứ 7 và chủ nhật nghỉ làm. Kinh


Sau đó, về lại ty Công Chánh thì có một ông đồng nghiệp của ông cụ, viết chữ đẹp, nên viết mẫu cho mình để tô lại và tập viết theo. Có dạo mình viết chữ đẹp lắm nhưng sau này đánh máy điện toán nên từ từ chữ như mèo cào. Ông này bắt mình viết tại sở rồi còn lấy mấy cuốn vỡ trong sở, bồi dưỡng thêm cho mình vài cuốn vở, viết thêm mỗi trang để về nhà mình phải tập viết nếu không là bị ông cụ khệnh. Chán Mớ Đời 


Một hôm, ông cụ hỏi ăn chè không, mình nghe tới ăn là gật đầu, đi theo ông cụ ra bên hông của ty Công Chánh. Thấy một đám người đứng xung quanh một bà bán chè gánh, đối diện là ông Phác Râu, mặt đỏ như Trương Phi, ngồi trên cái đòn, cầm một chén chè đậu ván. Ăn xong chén thì đưa cho bà bán chè múc thêm trong khi ông ta cầm chén chè khác lên và ăn khiến mình thèm nhỏ dãi.


Mình nhìn ông cụ như hỏi sao không kêu một chén cho hai bố con ăn. Ông cụ kêu họ đang cá cược xem ông Phác Râu ăn hết nồi chè. Thế là mình hụt ăn chè hôm ấy. Ông cụ dẫn vào phòng, ngồi viết tiếp a, b, c. Chán Mớ Đời Độ nữa tiếng sau, ông nào chạy vào phòng kêu, ông phác xơi hết nồi chè. Từ đó mỗi lần gặp ông ta là mình nhớ đến nồi chè đậu ván hụt ăn.

Hình ông Sohier với nhân viên tại viện nghỉ dưỡng, được xem là biệt thự đẹp nhất ngày xưa

Dạo ấy, ở ngã 3 đường Thống Nhất, BÀ Huyện Thanh Quan và Nguyễn Trãi, đối diện nhà của ông Sohier, có cái am mà dân Đà Lạt kêu linh lắm. Ai chạy xe ngang đều phải dỡ cái mũ ra và chạy chậm lại. Thằng Bảo, con bác Nhị, cạnh nhà ông Lào, học Yersin trên mình một lớp, chạy xe gắn máy đi học, chạy ngang am này bị ngã xe và gãy chân, băng bột mấy tháng. 


Buồn đời không đi học, ở nhà nó rủ mình nuôi vịt bán kiếm tiền. Mình đồng ý nên hai thằng mua trứng vịt của bà Cáp ngoài chợ, về để ấp trong lò điện. Sau khi nở thì mình lấy 2 con vịt của mình về nuôi. Đi học về, là chạy đi bắt trùng đem về cho vịt ăn. Mấy tháng sau, vịt lớn lên, mình cứ ngắm nghía mong chóng lớn để đem bán ngoài chợ cho bà bán bún vịt. Ai ngờ một ngày thu buồn, có ông nào quen ông cụ ghé nhà nói chuyện rất lâu. Chắc là bạn đồng ngủ trong quân đội khi xưa. Ông cụ kêu chị người làm, ra bắt một con vịt làm tiết canh rồi luộc chấm nước mắm gừng đãi khách. Mặt mình tái dần, tim mình thót lại, tâm hồn rướm máu. 


Nhìn chị người làm, vắt lông cổ con vịt rồi mài con dao trên hòn đá mài, nhát chém hư vô. Liếc qua liếc lại lưỡi dao rồi khứa cái cổ con vịt, máu cổ chảy ra xuống cái chén. Sau đó khi cơm chín, thịt vịt chín, chị ta đánh tiết canh, ra sau vườn bẻ vài ngọn rau răm. Cái mất dậy là ông quen ông cụ, vừa ăn vừa tấm tắt. Khen đáo để thịt vịt ngon béo quá. Mình tính tuần sau đem ra chợ bán cho bà bán bún vịt thì hai hôm sau, ông cụ ra lệnh chơi nốt con vịt còn lại. Sự nghiệp nuôi vịt kiếm tiền chấm dứt từ ngày ấy.


Hình như khi xưa, ông bác sĩ Sohier có căn nhà trên đồi rất to để làm viện nghỉ dưỡng cho ai yếu ớt, lên Đà Lạt dưỡng bệnh. Có lần đốt củi trong lò sưởi ra sao bị nghẹt khiến bệnh nhân, tối ngủ bị chết ngạt. Bị thưa kiện gì đó nên ông ta Chán Mớ Đời, bán căn nhà đó cho một dòng tu, thừa sai gì đó rồi về Tây an nhàn tuổi già nên khi mình bắt đầu lớn lên thì thấy mấy chủng sinh đi bộ về đây khá đông. Nay chắc họ tịch thâu, khỏi tu nữa.

Am Cô 7 khi xưa lúc sơ sài. Trước khi mình rời Đà Lạt thì có xây cất nhiều hơn. Thấy có hai cái trang nên đoán có 2 người chết tại cái cua này.

Có một lần khác mình gặp ông Phác Râu ở bùng binh Đinh Tiên Hoàng, gần nhà hội họp của hướng đạo Lâm Viên. Hôm ấy mình lái xe gắn máy với tên bạn, chạy vòng vòng sân cù rồi chạy xuống bùng binh thì thấy một đám đang bơi ở hồ, chạy lên la om sòm rồi từ đường Nguyễn Thái Học, có ai chở ông Phác  Râu đến. Có lẻ có ai chết đuối nên hô hoán, ai đó chạy đến am cô 7, chở ông Phác râu lại. Mình thấy ông này lấy chai nước mắm ra tu một ngụm rồi nhảy xuống hồ lặn. 


Khi xưa, ở ngoài chợ, mình thấy người ta bán nước mắm trong mấy cái tĩn bằng đất, rồi họ trét vôi lên cái nắp để tránh mùi nước mắm lọt ra ngoài. Họ có chứa nước mắm trong thùng thiết, ai mua lẻ thì họ lấy cái đồ bơm bằng nhôm, bỏ vào cái lỗ rồi kéo sợi dây kẽm lên xuống như bơm của giếng nước thì nước mắm phọt ra từ cái vòi vô chai không. Hình như họ cũng bơm dầu đậu phụng từ thùng thiết để bán. Bên cạnh hàng bà cụ, có bà Cáp bán tạp khô nên có cái bơm này. Bán kiểu này thì lời hơn. Mua thùng nước mắm to đùng rồi trích ra chai lời hơn. Nhà mình hay mua nguyên thùng nước mắm, để ăn cả năm. Mình nhớ nhà có cái bơm nước mắm, và mình là tên hay được chị người làm nhờ bơm nước mắm vào chai. Khi xưa ra chợ, lâu lâu hàng về, họ chuyền tay mấy cái tĩn nước mắm còn thùng thiết thì họ gánh vào hàng bà Cáp.

Đây là cái tĩn nước mắm Phan Thiết khi xưa, làm bằng đất nung rồi đắp lên cái nắp rồi trét vôi để bịt kín, sau đó lấy dây lác buộc lại.


Chả thấy ông ta đâu, lâu lâu, ông ta trồi lên, chắc hết hơi nên trồi lên. Lâu lâu ông ta lấy chai nước mắm nơi tay ông chở ông ta đến, nốc một ngụm nước mắm, thấy lạ vì nước mắm mặn mà ông ta tu như uống rượu. Rồi ông ta lặn lại. Mọi người hồi hộp, im thinh thít rồi cả đám la lên thì thấy ông ta trồi lên rồi kéo một thằng bé độ 12, 13 tuổi lên bờ. Thiên hạ bàn tán nói đủ trò. Mình chỉ thấy ông ta ngồi xuống, kêu ông cầm chai nước mắm, kêu bỏ hai chân thằng bé qua cổ ông ta, còn cái đầu và thân hình thì lòng thòng trên lưng của Ông ta. Sau đó ông ta chạy tới chạy lui với thằng bé sau lưng, tay thì cầm chặt hai chân thằng bé. 

Đám con nít khi xưa hay ra đây để tắm, trên đường Nguyễn Thái Học


Đâu 2, 3 phút sau thì nước từ miệng thằng bé ọc ra nhưng thằng bé vẫn bất động. Mình hoảng quá nên lái xe về với tên bạn ngồi sau xe. Sau này mình mới hiểu là nước mắm, có muối, có sodium nên ông Phác Râu tu vào để giúp ấm người để lặn xuống hồ vì nước hồ khá lạnh. Có anh bạn kể khi xưa, ở Lăng Cô, các người đi đánh cá ban đêm, đều ra hàng bà ngoại anh ta mua một chai nước mắm, đem lên tàu để uống ban đêm ngoài biển. Lý do là nước mắm có sodium và amino acid tức là protein, chất đạm giúp chống lạnh và có chất bổ chống đói.


Ông Phác Râu sau này hay đến chùi dọn cái am Cô 7 rồi từ từ khi phong trào thương phê bình cắm dùi đất, ông ta cũng làm một căn nhà gỗ tại đây để dễ cai quản cái am. Ông ta trở thành ông từ của am cô 7 từ đó. Mấy ngày rằm, thiên hạ đến đây cúng đông lắm. Mình đoán là lúc đầu có ai bị chết tại khúc này vì tai nạn nên gia đình làm cái trang để thờ. Mình nhớ ở đó đông người đến hơn am Mệ Cai Thỏ ở ấp Hà Đông, có lẻ gần nhà và trung tâm thành phố. Có thể ông Phác Râu chịu khó công quả, làm ông từ của am cô 7 nên ngày nay, con cháu của ông làm ăn khá. Mình nghe bà cụ kể như vậy, có miếng đất của am Cô 7, con cháu xây nhà xây nhà sau này.


Mình khi xưa học ngu nên khi thi tú tài, bà cụ mình hỏi phiếu báo danh đâu đưa cho mẹ đem xuống am Cô 7 cúng. Mình không chịu đưa. Tối ngủ mẹ mình lấy cái phiếu báo danh, đem ra am Cô 7 và am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ để cúng. Nhờ đó mình mới đậu và được đi du học.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn