Đời là vô thường?

 Mình thường nghe mấy người quen lớn tuổi, khi nói chuyện với nhau, hay chép miệng bảo đời là vô thường, rồi gật gật cái đầu như tâm đắc về lời nói rất “vô thưởng vô phạt” của họ. Mình hay nghe mấy ông sư dùng cụm từ “vô thường” này khi thuyết pháp, khiến lơ mơ lơ mơ về cụm từ này.

Mình nhớ nhất lần đầu tiên, xem truyền hình tại Hoa Kỳ, ở nhà cô bạn mỹ quen từ khi còn ở Paris. Vận tốc nói chuyện của các xướng ngôn viên tại Hoa Kỳ rất nhanh, rồi quảng cáo ào ào, khác với các đài BBC tại Anh quốc khiến mình chới với không hiểu chuyện gì xẩy ra.

Sau này, sang Hoa Kỳ làm việc và định cư luôn thì mới hiểu xã hội Hoa Kỳ, được định hướng theo chủ nghĩa hưởng thụ, tiêu thụ vô tội vạ. Thiên hạ làm việc cực hơn, nhiều giờ hơn dân âu châu, để có tiền, mua sắm những thứ mà xét ra không cần thiết lắm. Họ như bị làn sóng lớn, cuốn họ theo cuộc chạy đua, mua sắm, để tạo ra chút hạnh phúc trong chốc lát mà Hà Nội hay tuyên truyền là phồn vinh giả tạo. Ở  Âu châu người ta ăn xong là lo tính đi nghỉ hè.

Cuộc sống tại Hoa Kỳ quá nhiều đòi hỏi khiến người Mỹ bị stress, đi mua sắm như thể kiếm chút Dopamine khiến họ bị nghiện luôn. Vợ chồng bỏ nhau vì tài chánh. Nghe báo chí kể, nữ giới đi mua sắm, phải làm giả các biên lai để chồng không bất bình,…

Trẻ em xem truyền hình cũng bị tẩy não bởi các món quà, đồ chơi đủ trò. Chính phủ có ra luật, cấm truyền thông, quảng cáo cho thiếu nhi trên truyền hình. Ngày nay, con nít mới 1 tuổi đã bấm loạn xạ, đầu óc cứ chăm chú vào cái iPad thì tương lai của chúng khó mà lường. Chúng ta càng ngày càng bị điều kiện hoá bởi cái điện thoại. Đã được gắn vào đầu tư tưởng hưởng thụ, tiêu thụ, mua sắm, đòi hỏi. Theo nhà Phật thì cái Dục là khởi đầu cho sự đau khổ. Người tây phương chạy theo lối sống hưởng thụ chốc lát nên hay bị khủng hoảng tinh thần, trầm cảm,… đọc báo chí á châu thì người dân ở các xứ này dần dần lâm vào tình trạng các nước tây phương, bận đồ hiệu, không đủ tiền thì bận đồ hàng nhái.

Người Mỹ bị truyền thông quảng cáo, tiếp thị khiến họ phải chạy đi sửa mông, sửa ngực đủ trò, để có cảm tưởng là cô đào nào trên phim bộ. Người ta lên mạng, chụp hình tạo dáng. Giới trẻ ngày nay nhất là phái nữ, gia tăng tỷ lệ tự tử hơn 168% vào năm 2014 so với 2008. Lý do là chụp hình tạo dáng, bỏ lên mạng bị chê là xấu hay điên,… ai có tỷ lệ năm 2021 thì cho em xin.

Mình sống tại vài nước ở âu châu trước khi định cư tại Hoa Kỳ. Sau 36 năm, có lẻ mình chưa bị hệ thống xã hội của Hoa Kỳ nhồi sọ hoàn toàn nhờ đã sinh sống tại các nước ở Âu châu. Khi gặp người quen, bạn bè tại nhà ai, mình không biết gì về xe cộ, thời trang hay bóng bầu dục, thậm chí không biết nhậu nên đám quen biết Chán Mớ Đời mình lắm. Không rành nên mình chỉ ngồi ăn, ít lên tiếng.

Tại Hoa Kỳ, người Mỹ hay nói đến quốc gia này là số một trên thế giới, Giấc Mơ Hoa Kỳ,… ra Bolsa, mình thấy người Việt đi xe chiến đấu, xịn, đeo LV giả, đủ trò để loè thiên hạ mình là người thành đạt.

Thế nào là thành đạt? Giàu có? Đi xe xịn? Bận áo quần hạng xịn? Tuỳ theo định nghĩa của mỗi cá nhân, ……….

Đúng Hoa Kỳ là một quốc gia mạnh nhất thế giới, có nền kinh tế mạnh nhất, có thể thua Trung Cộng vì người Tàu họ không cho tiền tệ của họ theo giá chính thức thị trường. Giấc mơ Hoa Kỳ có thể đúng với một thiểu số, còn lại thì khá châm. 

Ông Elon Musk, một người Nam Phi, thành công bậc nhất trên thế giới, nhờ sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Nếu ông ta ở lại Nam Phi thì chắc chắc sẽ không ngất đầu lên được vì đa số là người da đen, người Nam Phi da trắng là thiểu số. Hoa Kỳ hùng mạnh vì tôn trọng tự do, và cho phép người di dân một cơ hội để tạo dựng cuộc sống, thực hiện giấc mơ của họ. Ở âu châu, một người ngoại quốc, dù có quốc tịch của nước sở tại, cũng khó mà thành công như ông Elon Musk.

Lên Los Angeles thấy dân vô gia cư rất nhiều. Hôm trước, chạy xe mình thấy số người vô gia cư, trước đây ở Anaheim, nay bị đuổi, chạy về đây.

Xã hội Hoa Kỳ được định nghĩa bởi bọn con buôn qua sự trung gian của giới truyền thông. Truyền thông cứ rao rao các nhân vật của thế giới điện ảnh, truyền hình để bán áo quần, giầy dép, xe cộ,.. nói chung người Mỹ thích mua sắm hơn là chú ý về tinh thần.

Tấm ảnh này nói lên sự quảng cáo về tâm lý khiến người Mỹ chạy đi mua đồ mà họ không cần thiết nhưng vì thấy khuyến mải, nghĩ mình không mua là dại dột. Họ đâu có biết là công ty tăng giá rồi ghi hạ giá 50%.

Cứ thấy mỗi kỳ lễ Tạ Ơn và giáng sinh xong là có màn chen lấn, đứng đợi, đem lều ra ngủ qua đêm để được là những người đầu tiên vào các siêu thị đang rao khuyến mại. Người mỹ gọi là Black Friday. Việt Nam mình có Tháng Tư Đen, Hoa Kỳ có Thứ Sáu Đen mỗi năm, để các siêu thị bán tháo đồ trong năm còn ứ đọng. Hình ảnh thiên hạ, dành nhau để mua một món hàng, đủ trò. Mình nhớ có lần đi mua đồ chơi cho thằng con hồi nhỏ, đi không biết bao nhiêu tiệm vẫn không tìm ra. 

Mình nhớ khi dọn về căn nhà ở thành phố Orange. Mình thất kinh vì trong đời không bao giờ nghĩ sẽ ở trong căn nhà to đùng như vậy. Cái phòng đựng quần áo của hai vợ chồng, to hơn căn phòng ô-sin của mình ở Paris trong 8 năm. Mụ vợ kêu phía bên này, là đồ của tui, còn phía bên kia là đồ của anh. Quay đi quay lại, mình thấy đồng chí gái bành trướng, quần áo của mụ xâm lược qua phần của mình, đến nổi mình không còn chỗ, phải đem ra ga-ra treo mấy cái để đi vườn.

Chúng ta cứ đi mua sắm vô cớ, mua vì thấy bán khuyến mại, tự nghĩ là đã mua một món đồ rẻ, dù không cần thiết lắm. Sau đó, bỏ cả đống, không bao giờ đụng đến. Chúng ta sống với cảm tính nhiều hơn là so sánh, đắn đo những gì cần thiết cho cuộc sống. Chúng ta mất phương hướng của cuộc đời, chúng ta bị lôi cuốn bởi bạn bè, truyền thông, tự tạo ra cảm giác, đưa đến sự tha hoá về tâm thần.

Không cần ở nhà cao cửa rộng, chỉ cần một mái ấm là hạnh phúc.

Dạo mình mới sang Cali, nghe thiên hạ kể nhiều người lái xe cũ, không có máy lạnh nhưng vẫn đóng cửa sổ vào mùa hè, để thiên hạ tưởng đi xe xịn, có gắn máy lạnh. Tại sao phải tự làm khổ chúng ta? Sợ người ta chê cười? Không có mợ chợ cũng đông. Chả ai để ý chúng ta ngoài đường. Chúng ta sống trong sự hoang tưởng là người quan trọng, của thời cuộc. Trên thực tế thì chả ai để ý gì đến mình. Tại sao phải tự hoang tưởng mình là cái rốn của vũ trụ.

Mình nhớ đi chơi với đồng chí gái trên chiếc xe cũ, chỉ có một cuốn băng cassette của Út Trà Ôn hát bản “tình anh bán chiếu” khiến đồng chí gái kêu đi xe tui cho xong.

Dạo này, giới trẻ tìm về sự đơn thuần, tối giản mà họ gọi chủ nghĩa tối đơn giản (minimalism). Có ông kể rất thành đạt, làm quản lý trên 100 người. Một hôm, có điện thoại, thấy mẹ ông ta gọi nhưng bận quá nên ông ta nghĩ tối sẽ gọi lại. Không ngờ đó là lần cuối ông nghe giọng mẹ của ông ta. Bà mẹ bị lộn xộn ra sao đó, nên gọi ông ta sau đó bị đứng tim chết. Xong om

Những câu chuyện như trên như để cảnh tỉnh chúng ta cứ chạy đua với cuộc sống tiêu thụ. Chúng ta phải có cái điện thoại mới ra ra đời, phải có cái kính RayBan, cái ví Louis Vuiton, đủ trò. Tại sao? Để khẳng định chúng ta là người thành đạt? Nói như Việt Cộng là phồn vinh giả tạo. Đeo mấy cái này, có giúp chúng ta khá hơn hay không? Về mặt đạo đức? Về Tài chánh? Chắc chắn là mất một số tiền lớn, để đầu tư.

Ông anh cột-chèo của mình, nha sĩ kể là có người bà con hỏi cái đồng hồ Rolex của anh ta là thiệt hay giả. Anh ta kêu đồ thật. Người bà con là bác sĩ, nói anh cũng có một cái nhưng giả. Mình đeo giả nhưng thiên hạ tưởng đồ thiệt. Nghe tới đó, mỗi lần đi ăn uống ở đây, mình hết dám trầm trò thiên hạ bận đồ, trang sức. Nghe nói có cô ca sĩ nổi tiếng nào mua áo quần xong bận đi diễn rồi đem trả lại.

Hình này cho rằng, để râu không có nghĩa là nam giới khi để một phụ nữ mang thai đứng trong xe điện. Tương tự bận đồ hiệu chưa chắc giúp chúng ta có phong độ, thành đạt.

Mình nghĩ cái mặt cà-bưng, nông dân của mình thì bận đồ hiệu vào cũng lòi ra cái dốt, cái ngu, phong cách nông dân của mình. Cho nên chả cần bận đồ hiệu. Cứ vào tiệm Goodwill mua đồ phát chẩn có mấy đồng để bận làm vườn. Xong om

Có anh bạn linh mục kể với mình. Có ông nào bị ung thư nên người em gọi, nhờ ông ta đến nhà, an ủi chi đó. Ông bị ung thư kêu là con cảm ơn Chúa đã cho con bệnh ung thư để hiểu về cuộc đời. Con mãi mê làm tiền nên không để ý đến vợ con. Nay con lớn chỉ cho chúng tiền mua xe xịn, áo quần nhưng cha con không bao giờ nói chuyện với nhau. (Còn tiếp)


Bận quần áo hàng nhái. Nhà thiết kế thời trang Tây, nhắn tin cho cô người mẫu Việt Nam, nổi tiếng là không nên sử dụng hàng nhái của mẫu do chính ông ta thiết kế rồi bỏ lên cái hình người mẫu của ông ta bên cạnh.Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn