Mua tranh Nhị-Trạng-Nguyên Nguyễn Quỳnh

 Hồi mình mới dọn nhà, nhớ đến một anh bạn thời đi làm tại New York, tên Nguyễn Quỳnh. Dạo ấy anh đang giảng dạy tại đại học Columbia. Mình không nhớ ai giới thiệu mình cho anh ta. Hình như ông Võ Văn Ái của tờ báo Quê Mẹ, ở Pháp. Ông Ái và bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, sang Hoa Kỳ, mình có gặp nói chuyện thì họ rủ đi viếng một hoạ sĩ nổi tiếng người Việt tại New York.

Anh Nguyễn Quỳnh là hoạ sĩ đầu tiên, độc nhất, gốc Việt, được người mỹ mua tranh trong cuộc triển lãm tại New York năm 1984 và tặng cho bộ sưu tập thường trực của viện bảo tàng Guggenheim, Nữu Ước mà mình có xem khi sinh sống ở thành phố này. Ước ao gặp người tài hoa này. Các hoạ sĩ người Việt tại Hoa Kỳ, có dịp là nhờ anh ta xem tranh và phê bình. Lần trước anh ta sang Cali, có ngụ lại nhà mình nên được anh ta giới thiệu vài hoạ sĩ gốc Việt, được biết đến trong cộng đồng người Việt tại vùng này.

Mình thích nhất tấm này. Anh Quỳnh vẽ cô học trò, chị vợ cũng mê nên mình mua luôn
Lá thư mời gia đình anh Quỳnh được viếng miễn phí trọn đời

Mình có đọc đâu đó, nhà thơ Đổ Trung Quân, kể anh bạn nào di dân sang Hoa Kỳ, có để lại hai bức tranh của Nguyễn Quỳnh vẽ trước 75. Anh ta từng là hội viên của hội hoạ sĩ trẻ tại Sàigòn trước 75. Anh ta được học bổng của chính phủ Ý Đại Lợi, đi Roma để học thêm về hội hoạ nhưng bộ quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà cuối cùng cấm xuất ngoại, có lẻ vì lệnh tổng động viên. Số anh ta là đi Hoa Kỳ.

Theo lời anh kể thì khi xưa anh đậu vào trường kiến trúc Sàigòn, làm đồ án thì thầy khen nhưng hỏi về cấu trúc thì anh ngọng nên cuối cùng thi vào trường mỹ thuật Sàigòn. Anh có khiếu bẩm sinh về hội hoạ. Tranh của anh thường xuất hiện các kiến trúc, toà nhà. Anh nghiên cứu ánh sáng của hoạ sĩ Gustave Courbet rất cẩn thận nên tranh của anh chịu nhiều ảnh hưởng của ông Courbet này. Có thể loại Cuntology rất độc đáo nhưng đồng chí gái không cho mình treo. Chán Mớ Đời 

1 trong những tấm tranh mình mua, treo ở phòng làm việc của mình. Cuối cùng thì anh Quỳnh đồng ý bán hết bộ tranh của anh cho mình.

Nói cho ngay, tâm hồn nghệ sĩ của mình đã tắt lửa lòng từ khi thằng con ra đời, phải kiếm tiền thêm mua sữa và tả cho nó. Mình không liên lạc với mấy nghệ nhân tại đây, vì không còn muốn vẽ víu gì nữa, chỉ thích làm vườn, làm đầy tớ nhân dân cho mụ vợ sai bảo.

Tấm tranh này của anh Nguyễn Quỳnh là tranh sưu tập thường trực tại viện bảo tàng Guggenheim, New York. Ai đến New York, thích hội hoạ thì ghé xem bức tranh của người Việt đầu tiên tại đây. Khá trừu tượng nhưng phảng phất các motif về Việt Nam. Mình có một tấm tương tự, cũng được vẽ vào thời đó.

Mình nhớ lần đầu tiên, viếng nhà anh Quỳnh ở vùng Harlem phía Tây, gần cầu gì nối qua tiểu bang New Jersey. Được anh ta cho xem tranh. Có loại rất tây phương và có những đề tài về Việt Nam như Thuý Kiều nhưng ánh sáng rất lạ. Các motif rất Việt Nam nhưng ánh sáng rất lạ. Anh ta có cho xem một bức ảnh về Thuý Kiều với 15 năm làm gái lầu xanh. Thuý Kiều ngồi đánh đàn trăng (Nguyệt), mà anh Quỳnh có dịp được giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu khi anh sang Pháp tham dự hội thảo về triết học. Có 15 bình rượu, lấy màu của bình rượu Việt Nam, toả ra ánh sáng, tượng trưng cho 15 năm đời lận đận của Thuý Kiều, vỡ bay xuống dòng sông Tiền Đường, sóng cuồng cuộng. Người mẫu là chị Bích, vợ anh ta, rất đẹp. Hình như ông Võ Văn Ái mua tấm tranh này. Nghe đâu ông ta chưa trả hết tiền mua tranh. Lờ luôn. Ai quen ông ái nhắn tin dùm. Cho mình mua lại, để trả tiền cho anh Quỳnh. Chán Mớ Đời 

Tấm tranh Kiều với 15 bình rượu tượng trưng cho 15 năm ở lầu xanh. Bình thứ 15 bị vỡ bay xuống sông Tiền Đường , hết kiếp làm gái lầu xanh. Ánh sáng từ các bình rượu toả ra người của Kiều. Tấm này ông Võ Văn Ái mua nhưng chưa trả hết tiền thiếu. Nếu được mình sẽ mua lại và trả tiền cho anh Quỳnh. Mình có mặt hôm ông ta hỏi mua và đem về Paris. Bình rượu là theo mẫu của bình rựou Việt Nam. Ánh sáng được sử dụng theo lối “Rais” của Gustave Courbet.

Tấm 1 trong 4 tấm (khổ 28 inch x 80 inch) tại nhà mình

Sau đó, mình gặp anh ta thường xuyên đi ăn phở, nói chuyện về nghệ thuật. Viết về nghệ thuật Việt Nam. Có lẻ từ anh mình mới bắt đầu về nguồn, tìm sách báo việt ngữ để đọc, học hỏi thêm về Việt Nam. Dạo ấy tiếng Việt mình rất yếu, không bú xua la mua như ngày nay. Khi mình được gia đình phật tử ở Connecticut nhờ vẽ chùa thì anh ta có cho ý kiến về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, vào ngôi chùa.

Học rất nhiều từ anh. Anh ta là giáo sư về lịch sử mỹ thuật tại Columbia. Anh ta có hai bằng tiến sĩ: một về giáo dục và một về triết học. Học một cái bằng tiến sĩ là đã khó ở Hoa Kỳ nay anh ta chơi luôn hai cái, mình hay gọi anh ta là Nhị-Trạng-Nguyên. Mình có quen một anh khác, cũng có hai bằng tiến sĩ; một bên tây và một bên Hoa Kỳ. Đề tài luận án tiến sĩ của anh về triết học tại Columbia University năm 1982 là (Ludwig Wittgenstein: The Relationship Between Modern Logic and Art). Anh ta có dịch Tractatus của ông này nhưng khó đọc lắm.

Anh ta có một trí nhớ siêu việt. Mỗi lần gặp nhau, anh ta kể đủ chuyện ngày xưa bên tây bên tàu, chuyện nào anh cũng biết chứng tỏ anh đọc sách rất nhiều, không chụp hình tạo dáng câu Like. Anh kể khi xưa, sinh viên, anh ta mê một cô gái nhà giàu, đẹp lắm nhưng bị cô ta chê, bảo ngoài học vấn và hội hoạ, anh ta chết tiệt. 40 năm sau, anh gặp lại cô nàng, thì cô ta khóc, bảo anh đã thành danh, không chết tiệt như cô ta ngĩ. Anh ta có vẽ bức tranh của cô ta. Rất đẹp. Không biết anh ta còn bức này hay không. Chắc không vì anh ta đã tặng cô ấy.

Đây là bức tranh mà anh ta nghĩ đạt nhất, vẽ chị Bích, vợ anh ta. Đây chỉ 1 phần của tấm tranh, nay được treo tại nhà mình. Tấm đầu tiên mình hỏi mua là tấm này. Anh rất tâm đắc với tấm này, vẽ thuỷ mạc sử dụng chấm chấm như trường phái pointillisme. Cực đỉnh

Ở anh, mình học được cái tính học để tự trau dồi thêm, không phải bằng cấp. Anh ta nghiên cứu thêm về Emmanuel Kant nên ghi danh đi học thêm về Vật Lý tại trường đại học Columbia để hiểu rõ, có cái nhìn từ nhà vật lý học. Mình dính cái bệnh của anh ta nên hay đi học vớ vẩn để khỏi ở nhà bị vợ sai.

Tấm 2 trong 4 tấm

Theo mình hiểu khi gặp các hoạ sĩ được anh ta giới thiệu; anh ta khi xưa ở Sàigòn rất được giới trí thức trọng nể dù trẻ tuổi. Anh ta học đức ngữ nên hay lui tới toà đại sứ đức để thực tập đức ngữ và nói chuyện về văn hoá. Hình như anh ta có chân trong viện Goethe tại Sàigòn hay một hội văn hoá đức. Lâu ngày quá không nhớ.

Anh ta gốc Hải Dương, di cư vào nam. Là con một nên không muốn đi lính nên anh ta trốn quân dịch, ở nhờ nhà bạn bè. Bức tượng Trần Hưng Đạo ở Sàigòn là do anh ta vẽ. Một người bạn, em ông Chung Tấn Cang, hải quân được chỉ định vẽ bức tượng để đưa cho mấy ông lớn duyệt nhưng bí, nên tìm đến nhờ anh đang trốn lính. Buồn đời, anh vẽ giúp cho anh bạn kiếm được việc đúc tượng Thánh Trần cho hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Hôm ở nhà mình, anh ta thấy cái cốc in hình bức tượng của Trần Hưng Đạo ngoài bolsa nên kể cho mình câu chuyện này.

Anh kể có lần anh đi quân dịch, ra quân trường Dục Mỹ. Thượng sĩ già hỏi ai biết vẽ sơn, anh đưa tay lên. Thế là khỏi đi quân trường, anh ta vẽ sân khấu để tiếp đón tướng nào đến thăm. Đang vẽ thì ông tướng chỉ huy trưởng hình như Bùi Đình Đạm thì phải, lâu quá không nhớ tên, đi xe Jeep ngừng lại, kêu vô văn phòng. Kêu anh ta làm một “bas relief “ để mấy câu thơ cho quân trường. Cũng khắc tên đủ trò, được khen đủ trò.

Tấm 3 trong 4 tấm

Chỉ huy trưởng kêu anh ta không thích quân đội, anh trả lời vâng. Ông ký cho giấy đi phép mấy ngày thăm bố mẹ rồi anh ta trốn luôn, không trở lại trình diện. Anh ta học hàm thụ từ Sàigòn với một đại học tại Gia-nã-đại, tốt nghiệp B.A trước 75. Đến tháng 4/75, cả gia đình di tản sang mỹ. Nhờ có bằng B.A của Gia-nã-đại nên khi qua Hoa Kỳ, anh ta đi học lại lấy tiến sĩ. Chị vợ như vợ của ông Tú Xương, đi làm để nuôi anh đi học lại. Buồn đời anh ta học hai cái tiến sĩ. Chỉ có độc nhất một thằng con trai như bố mẹ anh ta.

Từ anh ta mình mới quen bác Huỳnh Sanh Thông ở Yale. Có lần tổ chức Á Châu nào mời chị Kiều Chinh đến nói chuyện với các nghệ sĩ lưu vong khác tại New York. Sau đó thì có đi ăn chung. Chị Kiều Chinh có lẻ biết anh ta từ Việt Nam. Vợ anh ta mê chị Kiều Chinh nên kêu anh ta vẽ chị Kiều Chinh. Mình có xem tấm tranh đó, rất đẹp. Anh ta có vẽ nháp đồng chí gái nhưng không đạt lắm vì ít thời gian. Lần sau gặp lại, hy vọng anh ta sẽ vẽ lại.

Tấm 4

Khi dọn nhà mới, có phòng khách rộng, tường cao. Nhớ đến anh ta nên hỏi có tấm tranh nào, bán cho em một tấm. Anh ta nói mình chụp hình cái bức tường muốn treo tranh, rồi gửi cho mình một tấm. Đồng chí gái nhìn vô chả hiểu gì cả, hỏi bao nhiêu. Mình nói giá làm mụ vợ muốn té xỉu, mặt xanh như đít nhái, kêu với số tiền đó, tui mua cả ngàn tấm. Mình mua là để sưu tầm còn mụ vợ mua tranh treo tường như quần áo. Không thích thì quăn, mua cái khác. Tranh mụ vợ mua giờ để chật ga-ra. Bán lạc-xoong không ai mua.

Tấm đầu tiên mình mua của anh treo ở nhà nhưng chả thấy ai hỏi khi đến nhà mình. Cách đây mấy năm, anh sang nhà mình chơi, có đem tấm tranh nhỏ, bảo là gắn thêm vào tấm trước. Anh ta nói phải mất 20 năm mới tìm được ý tưởng, cách kết thúc tấm tranh. Mình phải đem đi thay cái khung mới. Anh ta có mấy tấm vẽ thời New York, về 9/11 nhưng chưa xong. Mình mua mấy tấm đó, nói anh cứ tiếp tục vẽ. Khi nào xong em lấy như tấm đầu tiên.

Tấm tranh mình mua treo trên tường, chỉ có mình nhìn. Thú thật bạn đồng chí gái đến nhà, chưa có ai hỏi mình về tấm tranh cả. Họ chỉ khen mấy tấm tranh mụ vợ mua. Độc nhất hôm trước, có anh bạn ghé lại nhà lần đầu tiên, nhìn tấm tranh rất kinh ngạc. Anh ta sưu tầm một số tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng miền Bắc mà sau này tây sang mua rất nhiều. Anh ta nói có tấm nay người ta trả anh đến $500,000 nhưng không bán. Đấy là một cách đầu tư cho mai sau. Anh ta có một số tranh của một hoạ sĩ hiện đang ở Hà Nội, bị tai biến nhưng gia đình chưa dám báo tin. Đang lùng săn mua lại tranh của ông ta để đợi, khi ông ta ra đi.

Mình ngồi nói chuyện với anh ta về sưu tầm tranh, thấy có lý nên gọi cho anh Quỳnh, hỏi bán cho em thêm mấy tấm mà mình có dịp xem khi viếng thăm anh ở San Antonio. Anh Quỳnh mới bán nhà vì chị vợ qua đời, dọn về căn hộ nhỏ ở để khỏi phải chăm sóc nhà cửa như trước đây. Tranh đầy nhà, nay có người quen muốn sưu tầm nên đồng ý với điều kiện là khi Gallery ở New York triển lãm tranh của anh ta thì mình cho họ mượn để triển lãm về tranh của anh ta từ trước đến nay.

4 tấm ráp chung vào toàn bộ, treo trên tường ở phòng khách  96 inches x 82 inches. Mình chưa dám làm khung vì đợi sau triển lãm tránh của anh ở New York rồi làm.

Trước đại dịch, anh ta có sang Cali ở nhà mình mấy ngày thì đem theo một bức hoạ. Anh ta nói là tấm tranh anh bán cho em còn thiếu cái này. 10 năm qua anh mới có được ý tưởng để kết thúc bức tranh. Khiến mình phải đem ra cho thợ làm lại cái khung, khá lạ so với tranh thường.

Mình nghe lời anh bạn đề nghị, mua luôn một số tranh mình đã xem, làm Collector luôn. Anh ta vẽ thuỷ mạc rất chi tiết. Mất thời gian lắm, anh ta nghiên cứu về ánh sáng của Gustave Courbet nên bị ảnh hưởng khá nhiều của ông này.

Dạo anh ta ở New York, thì vài năm gallery-arts tổ chức triển lãm tranh của anh ta nhưng từ khi anh dọn về Texas thì không. Nay họ gọi anh ta để tổ chức triển lãm tranh của anh ta lại để xem anh đang vẽ loại nào. Khi nào họ tổ chức thì có dịp trở lại New York, luôn tiện thăm con gái luôn.

Tấm này vẽ về 9/11 tại New York,( Collection SƠn Đen)
Collection Sơn Đen
Collection Sơn Đen
Đây là 2 tấm tranh mà anh ta khởi đầu cách đây 15 năm nhưng chưa xong nhưng mình đã mua. Mình nói anh cứ tiếp tục vẽ. Khi xong thì mình sẽ lấy. Tranh nói về 9/11 tại Nữu Ước. Collection Sơn Đen

Gửi Sơn xem chi-tiết chưa vẽ xong của tấm trang 9-11 (9 feet by 40 inhces). Sẽ gửi Sơn xem mỗi ngày. Sang năm mình đi xe lửa với nhau. Và có lẽ sang năm xong tấm thứ hai cùng đề tài 9-ii

Mình dự định sẽ đi xe lửa với anh ta xuyên bang vùng tây Hoa Kỳ. Hy vọng năm tới vì anh ta nay sức khỏe cũng yếu rồi.

Mình viết lâu rồi, nay cập nhật hoá. Cuối cùng thì anh Quỳnh đồng ý bán hết bộ tranh còn lại của anh cho mình. Tổng cộng là 36 tấm. Với điều kiện là mình cho Gallery Art mượn để họ triển lãm tranh anh ta. Mình nhất trí. Mấy hôm nay, tranh gửi về nhận mệt nghỉ. Xem như mình có tranh nhiều nhất của nhị nguyên Nguyễn Quỳnh. Xong om

Đọc tin tức, có thể bị mưa, nghĩa là tuyết. Phải đeo cái ba lô nặng chưa kể 4 lít nước Chán Mớ Đời 
Bỏ vụ tranh ảnh, mình chuẩn bị leo núi Whitney ngày mai.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn