Con gái ra trường hậu đại dịch

 Hôm qua, hai vợ chồng chở con gái lên trường USC để lãnh bằng sau khi ra trường đã hơn 1 năm. Năm ngoái ra trường thì cả nước bị cấm cung, đành dán mắt vào đài truyền hình qua Zoom để xem hình con gái khi họ đọc tên nhưng sau 20 phút thì mình chịu thua vì mấy ngàn sinh viên.

Trường đã gửi bằng năm ngoái rồi cũng chụp hình bận áo khoát đen, đội mũ bú xua la mua sau vườn với hai thằng cháu và cô cháu khác cũng tốt nghiệp, hai cử nhân và hai thạc sỹ. Năm nay, được cởi mở nên họ tổ chức phát bằng tốt nghiệp trễ nhưng phải giản cách xã hội 6 bộ nên khá lạ.

Hai vợ chồng và con gái lên xe, thẳng tiến L.A., đến nơi thì đậu xe ở vận động trường của đại học rồi đi bộ vào để con gái chụp hình với cô bạn học chung lớp. Mấy sinh viên khác ở Ý Đại Lợi và Hồng Kông thì không về tham dự.

Con gái theo học môn World Business Bachelor, tạm dịch cử nhân thương mại thế giới ở đại học USC. Môn này mới được thành lập từ 7 năm nay, thường thì họ dạy chương trình thạc sĩ nhưng nay, họ đốt giai đoạn nên dạy luôn môn này ở lớp cử nhân.

Chương trình gồm 4 năm, năm đầu tiên phải học tại USC, năm thứ nhì thì đại học Hongkong, năm thứ 3 tại đại  học Bocconi, Milan, Ý Đại Lợi và năm cuối thì tự chọn. Khi ra trường thì có 3 bằng cử nhân của 3 trường đại học danh tiếng này. Xem như học một được 3 cái bằng. Môn này được 3 trường kể trên tham gia.

Chương trình muốn giúp sinh viên học tiếng Quan Thoại, và Ý Đại Lợi trong thời gian học tại Hongkong và Ý Đại Lợi. Giúp sinh viên tìm hiểu đời sống, văn hoá, cách làm việc của nước sở tại để sau này dễ làm việc với các công ty ngoại quốc.

Trên sân vận động, các ghế đều được xếp cách 6 bộ, giãn cách xã hội nhưng khi chúng nối đuôi lên lãnh bằng thì như cái chợ hổm. 

Mình nghe con gái được nhận vào USC khiến mình tá hỏa Tam tinh. Lý do là trường tư nên rất đắt. Con gái được nhận vào trường UCSD ngành kỹ sư điện tử nhưng không chịu học. Mình hỏi lý do vì rẻ hơn phân nữa tiền học như thằng anh nó, tốt nghiệp kỹ sư. Nó kêu trường này không có đội tuyển banh bầu dục. Chán Mớ Đời 

Con mình rất mỹ nên thích xem banh bầu dục đủ trò còn mình thì ngọng, chả thích gì cả. Mình thì không quan tâm đến học trường nổi tiếng vớ vẩn, chỉ muốn học sao cho nhanh và rẻ tiền. Mình thấy nhiều người học trường nổi tiếng nhưng cũng không thành công lắm, cho thấy thành công hay không là do cá nhân chớ không phải trường nổi tiếng. Có anh bạn kể là có đứa cháu đòi học trường USC, sau ra đi bán giày trong khu thương mại.

Nhớ dạo mấy đứa con học trung học, chuẩn bị gần vào đại học, có người em bạn dì của đồng chí gái kêu: “mình ngu nên nghe lời bọn hắn”. Cô ta than là nghe lời con cái, tốn tiền học đai học danh tiếng UCLA thay vì trường thường lại có học bổng. Vào học lo chơi nên học mấy năm chưa xong nên phải học môn khảo cổ học để ra trường cho sớm vì đã 5, 6 năm. Ra trường kiếm không ra việc, đành làm tài xế xe cứu thương. Sau này, chạy qua tiểu bang nào, học về điện toán, kiếm ngay công việc. Xong om

Cô em bạn dì kêu chúng muốn học trường nổi tiếng nhưng chưa chắc là học nổi vì quá cạnh tranh. Thật ra trường tuyển chọn tuỳ theo địa phương. Mình có quen anh chàng gốc Đài loạn, bố làm giáo sư ở đại học New MExico, ông ta cho biết thằng con được nhận vào M.I.T., vì ở New Mexico, chớ ở Cali thì tết congo mới được nhận. Một học sinh ở Alaska, Wisconsin,…xứ khỉ ho cò gáy dễ được nhận vào các đại học danh tiếng nếu học bạ khá khá một tí. 10 năm nay, mất việc, đành làm quản lý ở phòng mạch của vợ.

Lúc đi viếng trường sau khi được nhận nhưng chưa chọn. Nhà trường tiếp đón nồng hậu, cho ăn với đồ pha lê, rồi cứ cho đi qua cái tượng của trường với cái chuông để rung lên, báo rằng mình đã chọn trường này. Mình thì phân vân, không biết có nên chọn vì tốn tiền, con gái thì cứ nhìn mình như muốn khóc. Mụ vợ thì hiểu hoàn cảnh của người em họ nên cũng phân vân nhưng rốt cuộc đàn bà phụ nữ rất thích được khen nên kêu mình nhất trí. Thôi thì lãnh đạo đã quyết, ra chỉ thị thì mình chỉ gật đầu, cho con gái dống lên tiếng chuông báo động mình phải kiếm tiền cho học phí. Trường này nổi tiếng đắt nhất Hoa Kỳ. Chán Mớ Đời 

Xem danh sách thấy có nhiều sinh viên gốc Ấn Độ và tàu ra trường một lúc với mấy bằng. Người nhiều nhất là có 4 bằng , 3 bằng cử nhân và 1 thạc sỹ. Kinh

Mụ vợ rên kêu cho nó chọn trường ở L.A. Để dễ đi thăm viếng, ai ngờ, nó lại bay qua Hongkong 1 năm rồi Ý Đại Lợi một năm. Hai vợ chồng lại khăn gói đi thăm con. Nó nghe nói tiệm ăn nào ngon là đợi bố mẹ đến, kêu đi ăn. Nhớ nó thèm ăn vịt bắc-kinh nên khi qua Hồng Kông nó dẫn đến một tiệm, giá vịt bắc kinh $150/ con bé tí tẹo. Chán Mớ Đời 

Nói tới vịt bắc kinh, có tên đồng nghiệp người Hongkong cho biết tiệm tàu ở Notting Hill Luân Đôn là vịt ngon hơn Hongkong. Khi đi làm ở Luân Đôn, mỗi tuần mình đều phải lại đây ăn một đĩa cơm với vịt bắc kinh. Ngon kinh hoàng.

Sang New York, thì có thằng phóng viên Tây mời đi ăn ở tiệm vịt nổi tiếng ở phố tàu mà các vị nguyên thủ trên thế giới đến, đều được mời đến đây dùng. Cứ mỗi tháng, là ghé lại làm một con vịt ngon cực. Thấy hình các vị nguyên thủ như Jacques Chirac,… họ chỉ róc mấy lát da vịt và đem ra da với bánh bao và hành chớ thịt vịt thì không. Ăn rất ngon. Lần sau trở về New York, mình phải ghé lại đây ăn. Có thể nói là món này ngon nhất ở đây, hơn cả $150/ con ở Hongkong.

Hình này lấy từ tiệm ăn tàu có món vịt bắc kinh kinh điển mà khi xưa, mỗi tháng mình đến đây làm một con. Dạo đó hình như $20/ con nay chắc $100.

Cô thủ khoa năm ngoái cũng là thủ khoa năm nay chương trình thạc sỹ, đọc diễn văn. Kinh. Con người ta đậu thủ khoa tùm lùm, con mình thì học chết bỏ mới ra trường. Bố là nông dân nên chịu. Rồi đến khách mời, bà nào làm chủ bút cho tờ báo Boston Globe. Xen kẽ có video các cựu sinh viên của trường nổi tiếng, nói vài câu động viên.

Không biết các sinh viên ra trường năm nay ra sao, chớ năm ngoái là te tua. Con gái mình trước khi ra trường đã có công ty Hilton nhận làm, lương cao, chuẩn bị theo học thực tập ở khách sạn Hilton nổi tiếng ở Palm Spring, trước khi được bổ đi làm quản lý khách sạn Hilton ở đâu đó. Con gái bàn mình sẽ được 50% khi nghỉ tại khách sạn Hilton, bú xua la mua. Thấy hấp dẫn, ra chương trình đi chơi khắp thế gian.

Đùng cái đại dịch đến, Hilton xé hợp đồng, con gái phải kiếm việc khác. Tìm được việc cho một công ty mới khởi đầu, ngành Sales. Cứ ở nhà làm việc, nói luyên thuyên, close được mấy cái deal vượt chỉ tiêu của công ty. Nghe nói họ sẽ mời nó sang miền Đông , tham dự lễ phát thưởng chi đó. Chiều tối Happy Hour thì đám đồng nghiệp mở zoom, tán gẫu vớ vẩn. Thời đại a còng đã thay đổi cách sống của chúng ta.

Cuối cùng thì đến phiên được kêu tên lên sân khấu, để nhận bằng chính thức. Mụ vợ kêu anh coi chừng nghe vì Phone tui gần hết pin rồi. Mình nhìn lại thì điện thoại mình cũng chỉ còn 20% pin. Khi lên xe, mình có cắm để tải điện nhưng khi hai mẹ con lên thì rút ra và tải điện qua điện thoại của hai mẹ con, nay mình còn ít. Điện thoại mình thuộc loại cũ nữa, chắc năm nay phải đổi cái mới.

Cuối cùng thì cũng thấy tên và hình con gái trên bảng vàng nên tuy pin chỉ còn 1% nhưng cũng ráng chụp vài tấm. May quá, dính vào được.

Ra xe thì con gái bảo chở nó đến tiệm ăn nào đó, họp mặt với bạn cùng lớp rồi đợi nó xong, chở về luôn. Mẹ nó thì lo ngày mai phải chuẩn bị trình bày phần mềm cho khách hàng. Tính kêu nó đi Uber về nhưng đêm hôm khuya lại sợ nên đành nán lại. Mình chạy vào, lên sân thượng để hỏi có chỗ để hai vợ chồng ăn. Có chỗ nhưng không có sưởi, ở ngoài trời lạnh. Các tiệm ăn ở L.A., loại sang sang đều ở trên sân thượng. Mình sợ đồng chí gái lạnh nên chở vợ đi chỗ khác.

Mụ vợ kêu đến tiệm ăn tây, đã từng ăn ở đây khi con gái còn đi học nên chạy đi đậu xe, bò lại thì thấy cái đuôi dài mút chỉ nên mình nói thôi vào xe ngồi, anh đi kiếm cái gì ăn, mua đem về. Mình mở điện thoại xem tiệm ăn, tính bò lại tiệm Ý nhưng đi một đoạn, gọi điện thoại không thấy trả lời nên thôi, quay lại các xe bán đồ ăn Mễ, mua hai cái burito và chai nước. Đem về lên xe, hai vợ chồng ngồi ăn, rất lãng mạn như những ngày đầu mới quen nhau.

Con gái gọi, chạy lại đón con rồi thẳng tiến về tổ ấm. Lái xe mình tính nhẩm tốn bao nhiêu tiền cho con ăn học. Vợ mình chả biết đã tốn bao nhiêu nhưng hãnh diện có con tốt nghiệp USC. Chán Mớ Đời 

Nhớ lúc mình chấp thuận cho con gái vào trường USC, con gái cảm ơn bố mẹ đã không bắt nó học y khoa như bạn học gốc á châu của nó. Mình không biết tương lai sẽ đi về đâu nhưng vẫn vui là đã giúp con thực hiện được niềm mong ước, học trường đại học nó thích, ngành nghề nó thích thay vì cứ lao đầu vào học các môn để thi vào đại học y khoa.

Hôm qua, mình xem Netflix, phim tài liệu nói về nhà văn Amy Tan, nổi tiếng với cuốn sách Joy Luck Club, sau được dựng thành phim. Bà ta kể, hồi bé, có một bà nào bắt bà ta làm test rồi sau đó đến nhà bà nói chuyện ra về. Bà ta thắc mắc hỏi thì mẹ bà ta kêu, con đã trải qua cái test, kết quả cho biết là sau này trở thành bác sỹ. Kinh

60 năm sau, tò mò bà ta tìm kiếm trên mạng về cái test  ngày xưa thì khám phá ra bà ta là một trong 60 đứa bé gốc tàu, đọc được anh ngữ thông thạo. Bà ta sống trong ảo tưởng là mình thông minh vì cái test đó. Nếu bà tin vào những điều mẹ bà ta thì có lẻ đi học y khoa và ngày nay, chúng ta sẽ không biết Amy Tan là ai trong mấy ngàn y sỹ gốc tàu.

Có cảnh quay khi bà ta ngồi ký sách của mình thì có 3 cô gái gốc á đông , chạy lại kêu đã giúp họ có ý tưởng khác về tương lai, học ngành gì. Bà ta vui vẻ, hỏi không theo học Pre-Med như bố mẹ bắt. Chuyện bà này hay lắm để mình kể trong bài khác đi vì rất hay. Chắc tuần sau vì đi Yosemite cuối tuần này với đồng chí gái.

Mình xót tiền nhưng cảm thấy vui vẻ là đã giúp con mình trải nghiệm những gì nó muốn. Trong bài tiểu luận khi nạp đơn vào trường đại học, con gái có kể một chút là nó muốn trải nghiệm cuộc sống như bố nó, biết nhiều ngoại ngữ, sinh sống làm việc tại nhiều quốc gia, học hỏi các văn hoá khác nhau.

4 năm ở đại học, nó đi 14 nước, Ba Tây, ở Hồng Kông, thì đi Nhật Bản, Nam Dương, Việt Nam, Phi luật Tân, Đài Loan, đi làm tại Thái Lan vào mùa hè, công ty đó muốn mướn nó luôn, đi Trung Cộng còn khi học ở Ý Đại Lợi thì Pháp, Tây BAn Nhà, Hung Gia Lợi, Đức quốc, và các tỉnh ở Ý Đại Lợi. Ngày nay, nó bặp bẹ được tiếng quan Thoại, Quảng Đông, ý,…

Tương tự khi xưa, tuy biết tốn tiền nhưng mẹ mình vẫn chịu tảo tầng, cho mình đi du học để thoả chí tang bồng của mình. Nay nhìn lại mới thương mẹ vì đã gánh tương lai của mình. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn