Lần đầu tiên đi hạng thương gia


Năm ngoái, mình bay qua phi châu để leo núi Kilimanjaro 10 ngày. Theo lịch trình thì mình phải bay rất xa, đổi mấy chuyến bay mới đến Tanzania. Sợ mệt, leo núi cao nhất Phi Châu không được nên tư duy đột phá, sao không đi hạng thương gia, có ghế nằm như xe đò Thành Bưởi Đà Lạt-Sàigòn.


Thế là mình bắt đầu tìm những lý do để mua vé thương gia. Nào là mua vé này thì mình được trừ thuế trước, giá có thể rẻ hơn người đi làm bình thường. Để giải thích:


Lấy thí dụ, đồng chí gái đi làm lương $10,000/ tháng, phải đóng thuế 28% cho liên bang, 10% cho tiểu bang Cali, 7.3% cho an sinh xã hội, 3.8% cho Obamacare. Xem như 50%, còn lại $5,000 để tiêu dùng cho trong tháng. Trả tiền xe, tiền nhà, tiền bảo hiểm mất $4,000. Cô nàng còn dư $1,000. Muốn đi chơi, mua vé máy bay trả $1,000  xem như hết $10,000 tiền lương trong tháng. Còn lại zero.


Ngược lại, mình buôn bán. Hái bơ bán được $10,000. Mình tiêu xài cho công ty như trả tiền xe, tiền xăng, bảo trì, … tốn $4,000, còn lại $6,000, mua vé thương gia giá $2,000 gấp đôi vé thường, còn lại $4,000. Với lợi tức $4,000 mình đóng thuế thấp hơn là $10,000 nên chỉ đóng có 30% thay vì 50% như đồng chí gái. 30% của $4,000 là $1,200. Mình còn dư $2,800. Trong khi người đi làm công cho thiên hạ như đồng chí gái thì chả còn gì hết. Người đi buôn bán, làm ăn thì còn dư tiền chớ người làm công thì mãi mãi là người đóng thuế.



Trong khi đồng chí gái không còn đồng xu Teng nào. Do đó các thương gia đi hạng thương gia là vậy, để đóng thuế bớt lại chớ không ai điên khùng đi vé đắt tiền. Khác biệt là một bên đóng thuế trước khi tiêu xài, còn một bên thì tiêu xài trước khi đóng thuế. Vì vậy mà ông Warren Buffett kêu là đóng thuế ít hơn cô thư ký của ông ta.


Tháng 9 này, mình phải trả tiền cho con gái bay về cali, đi học lớp căn bản về tài chính mà mình muốn nó đi học từ lâu với thằng con nhưng nó cứ bay xa xa đâu đâu. Nay nó hỏi mình trả tiền cho nó được không. Mình nhất trí.


Mình mua vé hạng thương gia. Mình xem American Express Travel để xem giá đồng thời hỏi bọn chuyên bán vé thương gia để coi cái nào rẻ hơn. Cuối cùng mua vé được, bay từ Cali đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rồi bay qua Cairo, Ai Cập, từ đó mới có chuyến bay đến Tanzania. Tổng cộng là bay cả ngày.

Đồng chí gái ở chợ Istanbul


Đến phi trường, theo thói quen, tự động mình xếp hàng đứng đợi phiên mình làm check-in. Chuyến đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ nên hành khách gốc Thổ Nhĩ Kỳ đông như quân Thổ. Họ đẩy xe với 3, 4 cái vali to đùng trong khi mình chỉ có cái xách kéo tay. Người đứng trước mình có 3 cái Vali, còn người đứng sau mình thì 4 cái. Kinh


 Đang đứng đợi thì có người của công ty hàng không đến hỏi vé mình. Mình đoán họ thấy mình là nông dân nên chắc đi lộn máy bay nên hỏi. Mình là con nhà thuần nông nên ra đường, thiên hạ nhận ra ngay. Cô ta hỏi vé mình đâu, mình đưa điện thoại ra cho họ thấy. Cô ta xin lỗi rồi gọi mình bằng Mister Nguyen, chỗ này dành cho hạng bình dân, ông vui lòng qua hàng bên kia làm thủ tục. Rồi cô ta cởi dây hàng rào, cho mình đi ra trong khi cả hàng người nhìn mình với cặp mắt soi mói như thể mình tranh chỗ đứng của họ, đã đặt cục đá khiến mình ngại ngùng.


Hàng đứng đợi check-in cho hạng thương gia thì chỉ có cặp vợ chồng nên mình check-in rất nhanh. Cô ở quầy vé, rất xinh, ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ, một thưa ông Nguyễn, hai thưa ông Nguyễn, đưa cái boarding-pass cho mình rồi dặn dò lên lầu 5, vào lounge để ăn uống trước khi lên đường, không quên câu chúc ông đi đường vui vẻ,…khác với ngôn ngữ ở hạng vé thường. “Next” như mấy cô gái giang hồ ở xóm Saint Denis, Pháp. Chán Mớ Đời  


Qua an ninh cũng nhanh. Đi leo núi Machu Pichu về, mình bắt chước anh bạn làm giấy tờ cho TSA, Global Entry nên đi ngõ khác, chả cần phải cởi giầy gì cả, chỉ có con chó đứng nhìn mình đi qua. Nếu có đồ quốc cấm là con chó nhảy ra liền.


Mình lò mò đi vào trong khu vực đợi. Lấy thang máy lên lầu 5, bò vào phòng đợi thương gia. Họ xem cái boarding pass của mình xong, nói sẽ báo cho ông khi nào lên máy bay, cứ thoải mái. Từ đây đến cổng lên máy bay, đi bộ đúng 10 phút, nếu ông cần thì tôi sẽ báo người đem xe điện lại rước ông đi. Mình nói không cần. 


Mình đi vào phòng đợi thương gia, kéo cái vali đi vòng vòng. Xem thức ăn thơm mệt thở. Có quầy rượu, quầy bia. Mình nhìn xung quanh, thấy hành khách, họ chỉ ăn sơ sơ trong khi mình thì đi lấy mấy đĩa. Uống đủ thứ. Con nhà thuần nông có khác, so với dân trưởng giả. Chán Mớ Đời 


Ăn xong thì no nên mình lim dim, không đọc được chữ nào trên cuốn sách. Bổng nhiên nghe tiếng loa báo là chuyến bay đi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lên máy bay nên lật đật kéo Vali đi.


Đến cổng lên phi cơ thì thấy hành khách xếp hàng thì theo quán tính, mình tạt vô đứng, đọc sách. Bổng có cô nhân viên hàng không đến hỏi mình, boarding pass rồi kêu mình đứng lộn chỗ, rồi dẫn mình đi qua hàng khác bên trái, chỉ có loe ngoe vài người. Lại cảm ơn ông Nguyễn, chúc ông thượng lộ bình an.


Khi lên phi cơ thì mình cứ quẹo phải như thường lệ. Thường mua vé rẻ nên họ nhét mình sau đuôi. Mình kéo vali xuống đuôi máy bay rồi bắt đầu dò hàng ghế của mình thì không thấy. Thấy mấy tiếp viên hàng không ở phía sau đuôi, đang chuẩn bị thức ăn cho hành khách nên ghé lại hỏi. Họ xin lỗi là hàng ghế của mình nằm phía đầu phi cơ. Đúng lúc ấy các hành khách hạng thường, như ong vỡ tổ, chen lấn chạy kiếm chỗ, kêu nhau in ớ. Mở cửa phía trên để nhét mấy hành lý của họ vào. Thế là ngọng. Cô tiếp viên kêu mình ngồi tạm cái ghế của cô ta phía sau khi máy bay cất cánh hay đáp. Đợi hành khách đi qua đời tôi.


Sau khi mọi người an tọa, bớt nhốn nháo, cô tiếp viên nói mình có thể đi lên được. Mình đi qua cửa phi cơ, rồi vào buồng của thương gia. Phía sau đuôi phi cơ thì nhỏ mà có 3 hàng, mỗi hàng có 3 ghế. Phía trước phi cơ thì rộng gấp đôi, nhưng chỉ có 2 ghế cho mỗi hàng mà chỉ có lèo tèo vài người. Mình ngạc nhiên, nông dân lần đầu tiên đi hạng thương gia mà lị. Chỗ để hành lý thì mỗi ghế có một tủ riêng, không phải để nhầm vào chỗ ghế khác như ở dưới kia. Trên này không ai dành hay xí chỗ đựng đồ. Không nghe tiếng động, hầu như không hét la như ở xóm nhà lá. Mình đi lên gần chỗ cửa vào phòng lái rồi quay lại, mắt nhớn nhác, đến chỗ ngồi của mình thì thấy có tên Mỹ ngồi dãy bên kia, nhìn mình với cặp mắt khó chịu. Như thầm nói “you don’t belong here”.


Mình hỏi hắn, phía sau đông quá mà phía trước, có dư chỗ, ông nghĩ tôi ngồi đây có được không. Ông ta chau mày kêu no no no. Đúng lúc ấy, tiếng nói của tiếp viên hàng không trưởng, bắt đầu chào mừng hành khách trên chuyến bay, yêu cầu quý khách an toạ để chuẩn bị phi cơ cất cánh nên mình ngồi xuống ghế của mình. Mình không tưởng tượng được ghế êm ra sao, bằng da, như ghế rạp xi-nê Gaumont ở đại lộ Champs Elysees, Paris.


Mình nhìn quanh thấy nút đầy nơi nên bấm thấy cái ghế chạy xuống, bấm nút kia thì thấy cái cửa chạy lên che cái mặt tên Mỹ nhìn mình với đôi mắt khó chịu. Mình bấm cái nút thì cái ghế nằm xuống, biến thành cái giường xe đò Thành Bưởi hay Phương Trang. Đang nằm chưa phê thì có cô tiếp viên hàng không đến, xin lỗi kêu mình cho cô ta xem boarding pass. Mình đưa điện thoại cho cô ta xem. Cô ta xin lỗi kêu ông ngồi đúng chỗ. Mình biết tên Mỹ ngồi hàng dãy bên kia báo cáo với công an khu vực. Kinh


Mình bấm ghế lên lại rồi quay qua hắn đưa ngón tay kêu ok như báo hiệu là cô ta cho phép mình ngồi, khiến hắn không hiểu gì cả. Tưởng nông dân, dân cắt cỏ đi lạc vào khu nhà giàu. Nay lại được ngồi luôn trong khi hắn trả tiền chết bỏ mới lên. Hắn đóng thuế để nông dân như mình ngồi chung. Đả đảo bọn dân chủ, xã hội chủ nghĩa. Chán Mớ Đời 


Cô tiếp viên hàng không hồi nảy trở lại kêu. Xin lỗi ông Nguyễn, ông có muốn cởi áo ngoài ra không, tôi sẽ cất cho ông và trao lại khi máy bay đáp xuống phi trường Istanbul. Mình đưa áo cho cô ta đem đi mắc vào đâu. Sau đó cô ta đem lại cho mình cái áo khoác ngoài để bận trong trường hợp lạnh. Rồi đưa cho mình cái thực đơn. Nói đây là thực đơn chính, ngoài ra phần snack thì ông muốn ăn lúc nào thì gọi cho tôi. Bấm nút này, tôi sẽ đem lại cho ông ăn líp ba ga. Mình chọn thực đơn Thổ Nhĩ Kỳ cho chắc ăn vì đồ Mỹ thì ớn rồi. Mình thoáng thấy ông Mỹ bên cạnh không vui lắm. Sau đó lấy cặp vớ và dép của họ để đeo vào. Có cả hộc để đựng giày của mình. Đời vui thật nhất là ông Mỹ bên cạnh cứ nhìn mình khó chịu.

Thực đơn là do đầu bếp trứ danh nấu chớ không phải như hạng cá kèo. Họ chuẩn bị thức ăn trước khi đem lên máy bay.

Cô tiếp viên trở lại với cái khay đựng champagne và nước cam. Hỏi mình uống champagne hay nước cam. Nông dân như mình thì kêu cho tôi xin nước lạnh. Tên Mỹ đang nhâm nhi champagne trong khi mình uống nước lạnh. Mình chợt thấy nụ cười trên môi hắn. Nông dân không biết thưởng thức rượu tây. Ở hạng thương gia thì họ dọn cho mình muỗng nĩa, ly tách thiệt, không phải đồ nhựa như ở phía sau. Họ đưa mình khăn nóng để lau tay, lau mặt trước khi ăn. Họ cho mình ăn nhiều món khai vị chớ không đưa cho cái khay thức ăn. Mình ăn xong món này thì họ đem ra món khác. Trong thực đơn có đủ loại rượu, cứ một món khai vị là một loại rượu. Mình không uống rượu nên chỉ gọi nước. Chán Mớ Đời 


Ăn xong, mình xem xi-nê một tí rồi buồn ngủ nên bấm nút biến thành giường xe đò. Lấy khăn lót trên ghế để khỏi bị mồ hôi, rồi rồi ngủ. Đang phiêu lãng như mây bay ngàn đời trên trời tha phương, bổng nhiên nghe tiếng nói tiếp viên hàng không báo tin là phi cơ sắp sửa hạ cánh, mời quý hành khách cài dây an toàn. 


Rồi cô tiếp viên đến lay mình thức dậy để cài dây an toàn. Mình mở mắt ra thì thấy đồng chí gái đang day mình, kêu anh nằm mơ thấy ai mà cứ mớ vậy. Chán Mớ Đời


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Mưa phùn Đà Lạt

 

Mấy ngày nay, trời Cali vào buổi sáng có mưa lất phất như mưa phùn Đà Lạt khiến mình nhớ ra riết những ngày mưa Đà Lạt khi xưa. Mình được nghe nói đến cụm từ mưa phùn Đà Lạt, khi tham dự ngày giới thiệu trường đại học Đà Lạt, khi nghe lần đầu tiên bản nhạc “cơn Mưa Phùn” tại viện đại học Đà Lạt năm lớp 12. 


Hàng năm, viện đại học Đà Lạt có mở cửa một ngày cho các học sinh trung học lớp 12 của các trường tại Đà Lạt, và các vùng lân cận, đến viếng trường để được giới thiệu về các phân khoa, để năm sau, nếu đậu tú tài thì có thể chọn ngành để học tại trường. Hình như tháng 10 hay tháng 11. Tương tự, trường Võ Bị Quốc Gia cũng đưa xe nhà binh đến trường đón các học sinh lớp 12 để được giới thiệu trường, nếu thích thì nộp đơn sau khi đậu tú tài. Chỉ nhớ gặp vị chỉ huy trưởng của trường dạo ấy là tướng Lâm Quang Thơ. Mình không được trường Chiến Tranh CHính Trị mời viếng thăm trường. Nói chung thì mình không thích quân đội, kỹ luật đủ trò. Mình đi hướng đạo được 1 tháng thì ngưng vì bị bắt hít đất Hoài. Chán Mớ Đời 


Viện đại học Đà Lạt được thành lập từ năm 1957, thời ông Ngô Đình Diệm, lấy địa điểm của trường Thiếu Sinh Quân của Pháp xưa (enfants des troupes). Cổng vào nằm ngay ngã ba của 3 đường Phù Đổng Thiên Vương, Võ Tánh và Đinh Tiên Hoàng mà người dân Đà Lạt hay gọi Ngã Ba Đại HỌc. Phù Đổng Thiên Vương chạy vào sâu một tí thì có con đường đất dẫn vào Thung Lũng Tình Yêu. Nơi mình hay vào đây mỗi buổi chiều để bơi và dang nắng cho đen, giúp tâm hồn mình trong sáng. Nghĩ lại thì thời gian ấy là khoảng khắc đẹp nhất của mình tại Đà Lạt. Đà Lạt hoang sơ như lòng người Đà Lạt, nay thì về thăm nhà vài hôm rồi chạy, không dám đi đâu. Chỉ thấy hoang tàn của sự bê tông hoá như đã đánh mất bản thể, nguồn gốc của Đà Lạt một thời.


Dạo đó có anh Trương Chí Dũng, học Toán Lý Hoá tại viện đại học Đà Lạt, được thầy Chử BÁ Anh mướn để hướng dẫn học sinh Văn Học giải toán để thi tú tài. Anh ta dặn mình và tên bạn là khi đến cổng đại học thì tìm anh ta, đừng có nghe lời dụ dỗ của mấy cô sinh viên đẹp của Văn Khoa. Tiếng việt mình đâu có rành và văn với khoa. Được cái là dạo ấy mình rất mê gái, nay thì chỉ mê bơ và đồng chí gái. Sau đó, mình được gia nhập một nhóm gồm học sinh các trường Đà Lạt và vài sinh viên của đại học, đại diện nhiều môn để tìm cách thuyết phục mình và đám học sinh trong nhóm theo học ngành họ đang học.

Cổng trường đại học Đà Lạt lúc họ mở cửa là nhao nháo, sinh viên chạy ra kéo học sinh vào toán của họ. Như chợ cá.

Học sinh đứng ngoài cổng trường đợi, đến khi cổng trường mở thì được đi vào thì bị các sinh viên chụp cổ, bắt vô nhóm toán của họ. Vui không tả. Gặp anh Dũng réo lại đây. Mừng hết lớn, vô chỗ xa lạ mà gặp người quen là như gặp người yêu sau 1 tiếng đợi chờ. Dạo ấy học trung học nên vào đại học là thấy mấy sinh viên là khớp cơ ngay.


Mình chỉ nhớ trong nhóm có hai tên của lớp mình là Trần Thiện Tân và Phạm Thành Nguyên nhưng đặc biệt là một chị sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, rất xinh, cao và đánh guitar khiến mình nức nở, muốn theo học môn này nhưng cuối cùng đậu tú tài xong thì mình ghi danh học Toán Lý Hoá, để chuẩn bị đi Tây, đã ghi danh học kỹ sư Dệt ở Roubaix. Trần Thiện Tân rớt tú tài về Sàigòn học lại còn Phạm Thành Nguyên du học tại Gia NÃ Đại sau mình mấy tuần.

Mình có mấy tấm ảnh của trường đại học nhưng lười đi tìm nên xin của ông Nguyễn Kính. Mình đang định viết về đại học Đà Lạt. Hôm nào buồn buồn bị vợ la mình sẽ kể.

Sau này, qua Hoa Kỳ thì khám phá ra chị sinh viên của trường Chính Trị Kinh Doanh ngày xưa, là 1 nhạc sĩ nổi tiếng. Mình có mua đĩa nhạc của chị ta. Có đến ăn bún bò ở tiệm của chị ta nhưng không dám nhắc đến thời học sinh năm 1973, đi tìm lá Diêu Bông. Chán Mớ Đời 


Ngoài ra có một chị tên Hồng, học sinh Văn Học, người Huế, rất dễ thương, cũng thuộc hạng cao ráo. Có đi Phan Rang và Nha Trang chung với mình khi trường Văn Học tổ chức, học trên mình 2 lớp. Đó là hai nữ sinh viên Chính Trị Kinh Doanh xinh đẹp mà mình còn nhớ đến ngày nay. 


Lúc mình học đại học Đà Lạt, ban toán lý hoá được một hai tháng trước khi đi tây, thì có hai chị em rất xinh được sinh viên Chính Trị Kinh Doanh bu như ruồi, xin chở về nhà đủ trò. Không biết tên, chỉ nhớ tên Đổ Quý Dân rủ mình gia nhập nhóm kịch kiết gì của hắn, đến họp uống nước cam rồi về. Hắn kêu đóng kịch Thành Cát Tư Hãn gì đó của ông Vũ Khắc Khoan nhưng mình đi tây mất tiêu. Tên Dân dạo đó, làm nhạc đủ trò “tàn mùa mưa cũng tàn mùa hè, cùng nhau gặp lại giảng đường Spellman”, bú xua la mua, mùa hè mưa ná thở đến tháng 12 Giáng Sinh mới hết mưa mà hắn cứ phang bậy. Nhưng cũng vui. Tháng 2 về Việt Nam, có gặp hắn, đang kiếm đồng chí gái ở Việt Nam, nghe nói là một thi sĩ Hà Nội. Hắn rất nghệ sĩ. Hôm nào sẽ kể thêm về hắn.

Tình yêu đến dưới cơn mưa phùn Đà Lạt 

Các sinh viên thay phiên nhau giới thiệu trường của họ, mình chả nghe hay hiểu gì cả vì tiếng Việt dạo ấy còn tồi hơn bi chừ. Họ dẫn đi viếng lòng vòng rồi đến trưa thì cả toán ngồi xuống cỏ như trong các Campus đại học mỹ. Mỗi người được một ổ bánh mì thịt. Rồi hát hò với nhau cho vui sau đó thì được đưa vào giảng đường Spellman, tên của một đức hồng y mỹ, có công giúp đỡ sáng lập đại học Đà Lạt.

Nữ sinh viên đại học Đà Lạt . Ai ra nhận hàng dùm . Chị này thấy quen quen, đã gặp rồi tại Đà Lạt nhưng không biết tên.

Tại đây mình được nghe ông giáo sư Phó Bá Long, hát bài “Khoẻ vì nước” của ông Hùng Lân, khá vui.

Khoẻ vì nước bánh ướt tôm khô

Chè đậu đen năm cắc mười tô…


Ông thầy này được sinh viên yêu mến, trẻ trung, du học ở Hoa Kỳ về thì phải. Mình hay lộn ông giáo sư này với bố của Tú ANh, học Yersin. Hai người đều tên Long cả.


Mình nhớ có lần chạy xe ra Sân Cù chơi với mấy tên bạn, chạy vòng vòng xem các cặp đang thề non hẹn biển dưới mấy cây thông, thì bắt gặp một cô hàng xóm với anh bồ. Sau đó, chạy vòng vòng bổng nhiên nghe cái cóc rồi DƯơng Quang Trí la oái oái. Rồi thấy trái cù lăn bên tay phải. Hoá ra ông Phó BÁ Long, bác sĩ Đào Duy HÁch và một ông nữa đang đi bộ từ xa đến. Họ chơi cù, đánh làm sao trúng đầu thằng Trí. Mình lái Honda, nó ngồi sau rồi đến thằng Nguyên. Nó ngồi giữa lại bị trúng đầu. Số bị ăn trái cù. Mình có gặp lại Trí nhưng sau đó vài năm thì qua đời. Anh chàng này là con trai của ông Marcel ở đường Phan Đình PHùng, cạnh ga ra Phan Xứng.


Màn văn nghệ thì có anh chàng sinh viên nào để tóc dài, cao cao, gầy gầy, nhảy cái đùng như Vương Vũ phi thân lên sân khấu rồi hát bản “cơn mưa phùn”. Nghe quá đỉnh, sau đó mới nghe bạn bè nói là do ông Đức HUy nào, sinh viên đại học làm. Ông lên Đà Lạt thấy mưa phùn, buồn đời làm bản nhạc này khiến ông ta nổi tiếng từ đó. Ra hải ngoại mới có dịp nghe ông ta hát. Hàng xóm có một chị cũng hay hát bản này nên nhớ đời.


Sau này được nghe nhiều ca sĩ khác hát bài này. Dù âm thanh và giọng hát chuẩn hơn nhưng không hiểu sao lần đầu tiên nghe bản này tại đại học Đà Lạt vẫn đem lại cho mình nhiều cảm xúc hơn. Có lẻ dạo ấy mới bắt đầu ngắm gái, để ý cô này cô nọ hay chăng. Nghe thấy hay hay nhưng không hiểu lời ca lắm.



Thường thì độ tháng 4 thì bắt đầu mùa mưa tại Đà Lạt nhưng cũng có thể trước đó vì bão ở Biển Đông thì Đà Lạt hay bị ảnh hưởng. Đà Lạt lạnh nên quanh năm suốt tháng, người Đà Lạt ra đường đều bận áo len. Lâu lâu nắng lên một chút nhưng rồi lạnh lại.


Mùa hè mình nhớ nhất là những cơn mưa, hay đi ra đường Minh Mạng, đến hàng sữa đậu nành của bà Bẩy Quốc. Chiều bà ta mở quán bán sữa đậu nành trước tiệm vàng của ông Bùi Duy CHước. Khách đến ngồi nơi thang cấp, gọi ly đậu nành nóng, ai có tiền thì mua thêm cái bánh da lợn hay bánh chuối. Ngon cực Đỉnh. Thường hay bị ướt quần vì mưa có thể tạt vào nên bà ta căn thêm tấm tăng để khách trú mưa. Ngồi thổi ly sữa đậu nành, vừa thổi vừa uống. Phê thật.


Mưa là một cực hình cho người đi bộ vì bùn bắn lên ống quần. Nhiều nơi xình lầy nên hay bị ngã như đường từ Hai Bà Trưng băng qua Phan Đình PHùng, hay chỗ vườn ông Ba Đà. Trời mưa là ngập vườn hết, thấy tội, xem như mấy tháng sau là xà lách và bắp xú Đà Lạt lên giá.


Mình thì không thích mưa nên bỏ Đà Lạt đi Tây cho khoẻ đời. Một năm có đến 6 -8 tháng mưa dầm dề, cứ rú rú trong nhà. Trời tạnh thì chạy ra sân chơi hay vác xe chạy vòng vòng cho khỏi cuồng vì bị mưa cấm cung. Chỉ nằm đọc truyện cho qua ngày tháng. Phòng mình có 3 ổ thông hơi trên cửa sổ nên khi mưa gió thổi lùa qua mấy cục gạch càng thêm lạnh. Nhà làm bằng mái tôn nên nghe mưa rơi để não buồn.


Mình chỉ thích mưa khi mua cái vườn bơ vì một ngày mưa là mình đỡ trả $2,000 tiền nước. Kinh 

Có ông tây dạy pháp văn tại Đà Lạt, gửi mấy tấm ảnh này để cảnh cáo người Đà Lạt và du khách đừng phá môi trường Đà Lạt. Chán Mớ Đời 
Người ngoại quốc lo ngại môi trường cho Đà Lạt nhưng người Việt mình chả để ý gì cả. Đó là lý do khi về thăm Đà Lạt, thăm gia đình, mình không muốn đi đâu cả, chỉ ở 2 ngày là chạy mất dép luôn.


Để hôm nào mình kể thêm với mấy tấm ảnh về đại học Đà Lạt được xây dựng ra sao dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm.


Nguyễn Hoàng Sơn 







Tại sao phải cười khi về già

 

Sáng nay đến phiên mình được chỉ định đọc diễn văn 5-7 phút tại buổi họp Toastmaster. Thường mỗi lần họp, các hội viên thay phiên nhau làm toastmaster, điều khiển buổi họp, đưa ra một đề tài cho buổi họp và một table topic master, sẽ chuẩn bị đặt câu hỏi các hội viên dựa theo đề tài của buổi họp. Các hội viên phải trả lời trong vòng 2 phút. Ngoài ra, trong khi trả lời, các hội viên phải sử dụng một từ đặc biệt, được lựa chọn cho buổi họp nếu quên sử dụng sẽ bị loại. Hôm nay từ phải được dùng khi nói chuyện là “anamesis”. Ai nói quá 2 phút sẽ bị loại. Tập nói theo kiểu này thì lâu ngày mình quen, chỉ nói ngắn gọn, không lập lại. Mình có rủ đồng chí gái đi theo để tập nói ngắn gọn, không càm ràm tra tấn mình, chỉ nói một lần vừa đủ nghe nhưng cô nàng từ chối. 


Tương tự các diễn giả chỉ được nói từ 5 đến 7 phút tối đa. Buổi họp thường có hai người được chỉ định đọc diễn văn về đề tài tuỳ mình chọn. Để tập nói chuyện trước công chúng thay vì lóng cóng cà lăm khi được hỏi đến.


Mình chọn đề tài chuyến du hành đầu tiên sang Hoa Kỳ. Có người được chỉ định bình luận mình. Mình phải gửi đề tài mình nói cho người được chỉ định bình luận bài diễn văn của mình. Báo cho họ biết, mình cố gắng tập cách diễn đạt ra sao. Mình cho họ biết muốn chú ý đến cách diễn đạt với tay, ánh mắt và nhất là vui vẻ cho hợp với đề tài. Muốn bình luận, hội viên cũng phải học cách bình luận trong 3 phút phải đưa ra nhận xét, xem diễn giã có đạt mục đích của họ đưa ra,…và cuối cùng thì thêm ý kiến giúp diễn giã cố gắng học tập, sửa đổi thêm lần tới. Nếu họ nói quá 3 phút thì cũng bị loại. Cuối cùng mình được bầu bởi các hội viên là diễn giã hay nhất trong ngày. Chỉ có hai người mỗi buổi họp nên 50% là thắng nên chả có gì đáng kể.

Nếu thắng thì để dành để xem mỗi năm nhận được bao nhiêu cái như bảng danh dự khi xưa luôn tiện cho đồng chí gái biết là khác với tư duy cô nàng, mình biết nói trước công chúng. Vợ mình cứ chê mình là không biết ăn nói nên phải đi học nói. Ăn thì dạo này mình mình ăn một bữa một ngày nên chả càn học ăn nữa. Hôm qua đi soi ruột, không có thịt dư trong ruột như mấy lần tước nên bác sĩ kêu 10 năm nữa khám lại. Nhờ ăn uống đàng hoàng nên pulips không mọc bậy bạ trong ruột già vì nếu có để lâu ngày sẽ lớn to và chận phân thải. Chết
Ngoài bình luận viên đã được chỉ định, các hội viên có bổn phận phê bình, giúp ý kiến để diễn giã phát huy hay để ý khi nói chuyện cho lần tới. Khi bình luận, mình để ý đến cách người ta nói, sai chỗ nào để tự học hỏi luôn. Khác với dư luận viên người Việt, kêu nói như kít. Chấm hết, không đưa thêm cụ thể để người ta biết sai lầm của mình để sửa đổi.

Đề tài hôm nay là “tại sao phải cười”. Họ đưa ra những giải thích khiến mình nhớ đến hôm trước đi ăn tiệm với vợ chồng anh bạn. Anh ta kêu khi bác cười thấy hay ra phết. Mà đúng thật, mặt mình lúc nào cũng đăm đăm như hải quan phi trường Tân sân nhất. Bạn bè thân hay kêu mình cười lên, hay hỏi bị mất sổ gạo. Mình thích hóng chuyện thiên hạ để ghi nhận họ nói gì nên cái mặt lúc nào cũng đăm chiêu. Chán Mớ Đời 


Toastmaster đưa ra các nghiên cứu về hậu quả của cười như sau:


1. Tạo không khí cởi mở. Anh bạn kêu tôi vào vườn bác mà cứ thấy bác ngầu ngầu ra sao, nay thấy bác cười mừng quá. Khi chụp hình, đồng chí gái hay nhắc tuồng, bảo cười cười. Chán Mớ Đời 


Mỉm cười có thể cải thiện tâm trạng của chúng ta khi cảm thấy chán nản và có thể giúp cho những người đang phải vật lộn với chứng lo âu và trầm cảm. Một nghiên cứu năm 2010 của cơ quan y tế quốc gia Hoa Kỳ, cho thấy việc tự mỉm cười khi cảm thấy buồn sẽ giúp cải thiện tâm trạng và gia tăng những suy nghĩ tích cực. Vì vậy, nếu chúng ta đang có một ngày Chán Mớ Đời, dù sao thì hãy cố gắng mỉm cười, điều đó có thể dẫn đến một nụ cười chân thật và nâng cao tinh thần của chúng ta trong ngày.


2. Hạ huyết áp

Cười và cười nhiều hơn có thể giúp giảm huyết áp, đây là tin tốt cho sức khỏe tim mạch của chúng ta. Một nghiên cứu năm 2009 giải thích rằng tiếng cười ban đầu làm tăng nhịp tim, sau đó là giai đoạn thư giãn cơ bắp và giảm nhịp tim và huyết áp, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Lần sau đi khám bác sĩ, vào phòng khám phải cười hoài để khi đo áp huyết sẽ giảm nếu không bác sĩ bắt uống thuốc cả đời. Hay nhìn ảnh của em sẽ giúp các bác vui vẻ lại

Hình em thời còn độc thân vui tính khi xưa tại Đà Lạt 

3. Giảm căng thẳng

Khi chúng ta cười thường xuyên hơn, cho dù chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không, sẽ giúp cơ thể bạn đối phó với các tình huống căng thẳng hiệu quả hơn? Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý cho thấy rằng nụ cười có thể làm giảm nhịp tim trong các nhiệm vụ căng thẳng. Căng thẳng thường làm tăng nhịp tim và huyết áp. Vì vậy, duy trì nụ cười khi căng thẳng mang lại cho bạn những lợi ích về sức khỏe cả về tâm lý và thể chất.


4. Giúp mối quan hệ tốt đẹp hơn

Chúng ta thường bị thu hút bởi những người cười nhiều không? người Mỹ khi ra hải ngoại là người ta biết liền. Lý do họ hay cười vì đa số có hàm răng rất đẹp, trắng nên họ hay cười duyên dáng. Gene của gia đình mình là cái hàm nhỏ nên răng anh em hay mọc xiên như hàng rào ấp chiến lược. Đến đời con mình ở Hoa Kỳ, mới 12, 13 tuổi, nha sĩ đã khám phá ra vấn đề này nên nhổ bớt một cái để răng lớn dần ra, có không gian lớn dần. Thêm họ niềng răng từ tuổi dậy thì nên con gái mình thay vì có răng như bố hay mấy cô của nó, đều trắng như người Mỹ. Chỉ tội là phải trả tiền.


Theo một nghiên cứu năm 2014, những người hay cười được cho là đáng yêu hơn những người không cười như mình. Đồng chí gái hay cười nên được bạn bè ưa thích còn mình thì khiến họ Chán Mớ Đời. Trở nên dễ mến giúp bạn dễ dàng xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt hơn với mọi người, điều này rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của bạn. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy những người có cảm xúc tích cực có hôn nhân ổn định hơn và kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân tốt hơn những người có cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, hãy luôn nở nụ cười trên môi để giúp tạo ra các mối quan hệ xã hội bền chặt và lành mạnh hơn. Em hay kể chuyện tếu lâm cho vợ nghe nên vui vẻ cả làng.


5. Chức năng miễn dịch mạnh hơn

Dù chúng ta có tin hay không thì tiếng cười (thường bắt đầu bằng một nụ cười) dường như giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Mayo Clinic báo cáo rằng tiếng cười và những suy nghĩ tích cực giải thoát các phân tử tín hiệu trong não chống lại căng thẳng và bệnh tật, trong khi những suy nghĩ tiêu cực làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể bạn. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy liệu pháp cười làm tăng phản ứng miễn dịch ở phụ nữ mới sinh con. Vì vậy, có lẽ tiếng cười thực sự là liều thuốc tốt nhất.


6. Giảm đau

Giảm đau có thể là điều cuối cùng chúng ta liên tưởng đến với nụ cười và tiếng cười, nhưng thực sự, có những liên kết. Mayo Clinic báo cáo rằng tiếng cười khiến cơ thể bạn tiết ra thuốc giảm đau tự nhiên. Và một nghiên cứu năm 2012 cho thấy tiếng cười xã giao làm tăng ngưỡng chịu đau của bạn, tạo ra khả năng chịu đau cao hơn. Vì vậy, nếu ai đang bị đau do chấn thương, bệnh tật hoặc bệnh mãn tính, hãy xem một bộ phim hài hước, tham gia một chương trình hài kịch hoặc đi chơi với bạn bè và gia đình, những người khiến bạn mỉm cười.

Đồng chí gái có người anh họ làm bác sĩ, khi đỡ đẻ, anh ta khỏ khỏ cây viết xuống giường kêu cu cu ra đi khiến bà bệnh nhân đang rặng đau đẻ phì cười, đẻ cái rộp.


7. Sống lâu hơn

Hóa ra suối nguồn tươi trẻ có thể ở ngay dưới mũi bạn. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy nụ cười và những cảm xúc tích cực có liên quan đến việc tăng tuổi thọ. Nói về một lý do để mỉm cười! Một nghiên cứu của đại học Harvard từ 80 năm nay cho biết các người sống lâu nhờ có bạn bè, người thân bên cạnh. Về già, nếu chúng ta chỉ sống có một mình, không ai thăm hỏi sẽ khó sống lâu. Cuối đời người, chúng ta biết tiền bạc không nghĩa lý gì nhiều so với tình bạn, tình vợ chồng, con cái xum họp.


Hôm qua cả đại gia đình, ra tiệm ăn tổ chức sinh Nhật của đồng chí gái, anh em, con cháu mấy chục mạng kéo nhau lại ăn mừng. Về già mà có cháu, con của anh chị em thăm viếng là một may mắn hạnh phúc đời người.


Mỉm cười và tiếng cười có lợi cho tâm trí, cơ thể và sức khỏe tổng thể của bạn. Ngay cả khi bạn cảm thấy buồn, hãy nở một nụ cười và gặt hái vô số lợi ích sức khỏe từ việc mỉm cười.


Lâu lâu mình hay xem mấy chương trình hài của Mỹ, tây để cười còn Việt Nam thì có 2 ông thần nào trên San Jose, qua chương trình đọc báo vẹm, rất tếu.


Mấy bác buồn đời thì vào bờ lốc muctimsonden.com mà đọc để cười cho vui nhà vui cửa. Có người báo cho em biết là mỗi lần đọc bờ lốc của em là phải uống 3 ly nước sau đó thì đi tè mệt nghỉ. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn