Nông dân xuống Sàigòn lần đầu tiên

 

Nhớ đậu tú tài, đạt tiêu chuẩn của bộ giáo dục cho sinh viên du học, mình về Sàigòn để xin đi du học, thực hiện giấc mơ ngày xưa. Cứ xin xem, số mình được xuất ngoại thì đi còn không thì ở nhà, học đại học rồi trước sau cũng đi lính. Đi vòng vòng báo tin cho tụi bạn thì đứa dặn phải như thế này, đứa dặn như thế kia dù chưa có đứa nào thấy mặt mũi Sàigòn là gì cả. Chỉ nghe thiên hạ đồn và nói lại. Mình thấy người Việt mình có cái vui là hay chỉ bảo thiên hạ. Trước khi đi Tây, mình gặp bạn bè hay người quen, họ đều chỉ bảo mình bên Tây ra sao, phải này nọ như ăn cơm xong thì phải ợ để báo cho chủ nhà biết là mình ăn một bữa cơm ngon….


Đứa nói nhìn cái mặt ngu ngu nông dân của mày thì ngay bến xe, chúng đã móc túi hết tiền của mày, đứa thì kêu đồng hồ phải đeo cái mặt phía dưới để chúng không giật được, ví thì bỏ trong túi quần phía trước… càng nghe mình càng sợ, hết muốn đi Sàigòn nhưng rồi nghe ông Cung Trầm Tưởng tả Paris có gì lạ không em thì lại hối thúc mình lên đường.


Tối đó, mẹ mình dặn dò đi đường làm sao, cẩn thận cả bị móc túi, cho địa chỉ của người dì để vào ở ké vài tuần để lo hồ sơ. Cho vài nghìn bỏ túi hộ thân.


Sáng ra, xách cái túi, đựng 2 bộ áo quần và mấy bịch trà Blao, mức dâu Đà Lạt để biếu bà dì, ra bến xe đò. Mua vé lên xong lên ngồi. Thấy thiên hạ đi Sàigòn chở theo xe Honda, gà, heo, bỏ trên mui xe. Kinh. 


17 năm trời sinh sống tại Đà Lạt mình đi xa nhất Đà Lạt, là quận Đức Trọng, cách Đà Lạt đâu 30 cây số trong vụ đi lạc quyên cứu lụt miền Trung. Đây là chuyến đi xa thật xa, khởi đầu cuộc đời giang hồ suốt 50 năm, từ Đà Lạt đến Pháp rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Thuỵ SĨ, Anh quốc rồi Hoa Kỳ. 


Sáng dậy sớm, mình ra xe đò Minh Trung để đi Sàigòn, thủ đô lần đầu tiên trong đời. Xe bắt đầu lăn bánh, chạy qua cầu Ông Đạo, rẽ trái chạy lên đường Nguyễn Trường Tộ, thấy xa xa nhà hàng Thuỷ Tạ, cây xăng Kim Cúc lộ ra và xe chạy xuống đường Nguyễn Tri Phương. Bổng thấy mấy người đứng lề đường, quơ tay cho xe dừng lại, xe ngừng để đón thêm hành khách giữa đường. Hành khách trả tiền cho lơ xe xem như chủ không ăn đồng nào.


Thấy nhà thầy Hứa Hoành bên tay phải mà mình có đến mấy lần. Mình bắt đầu thả hồn theo mây khi xe đến thác Datanla, nơi có nhiều kỷ niệm của thời học sinh, trước khi đậu lại trạm kiểm soát ở đèo Prenn. Dạo ấy ở đèo Prenn có trạm kiểm soát, tối họ đóng cửa, không cho xe chạy lên Đà Lạt.


Xe chạy không biết bao lâu thì bắt đầu thấy nóng, nên cởi áo ngoài ra. Mình thả hồn vô giấc mộng đi Tây, qua tây sẽ hát Paris có gì lạ không em nên chả để ý gì bên cạnh, tiếng gà vịt kêu cạp cạp, Cuối cùng thấy mấy tảng đá to lớn nằm chơ vơ, thiên hạ kêu Định Quán. Xe chạy chậm chậm lại thì từ đâu có một đoàn con nít, già trẻ, chạy theo xe, kêu mua dùm con đi cô, mua dùm con đi bác. Mình dáng bộ nông dân nên không thấy ai mời chào hàng cả. 


Nhớ về thăm Việt Nam lần đầu tiên, đi xe từ Sàigòn về Đà Lạt, cũng chạy qua chỗ này, xe ngừng lại để bà cụ mua quà về cho nhà. 20 năm sau, vẫn thấy con nít đi bán mía ghim, bánh trái như xưa, không khác gì cả. Thời cách mạng còn thua thời nguỵ. Chán Mớ Đời  Mẹ mình thì quen buôn bán nên trả giá. Có cô bé kêu Việt kiều mà cũng trả giá, quê 1 cục.

Xe tấp vào mấy quán ăn. Anh lơ xe kêu mọi người xuống đi tiểu, ăn uống, cho máy xe nguội. Định QUán, nghe kể gần Hố Nai, dân bắc kỳ di cư dữ lắm. Xe chạy qua đụng chết đứa bé là giết tài xế để đền mạng. Nghe kinh. Mình thận trọng đi xuống xe nhìn xung quanh xe. Có móc túi hay không.


Mình bò vào quán ăn, kéo cái ghế đẩu, kêu ly trà đá và đĩa cơm sườn. Ăn xong, phải nhìn quanh nhìn quất, xem có ai đang quan sát mình không, để móc cái bị ny lông ra, lấy tiền trả. Phải công nhận đồ ăn dọc đường ngon kinh hoàng. Sau này có lần mình về Đà Lạt với Nguyễn ĐÌnh Tài, chạy xuyên đêm lên Đà Lạt. Anh bạn đón mình ở Tân Sân Nhất khi máy bay hạ cánh vào lúc 11 giờ đêm, rồi kêu tài xế chạy xuyên đêm, thẳng lên Đà Lạt. 4 giờ sáng đến Bảo Lộc, chạy vào một quán phở. Trời lạnh lạnh, ăn hai suất phở ngon kể gì.


Xe bắt đầu vào Sàigòn, chỗ Hàng Xanh rồi chạy lòng vòng đến bến xe đò. Lúc này là ruột gan mình bắt đầu chới với. Những dặn dò của bạn bè, người thân từ đâu cuộng về, móc túi ở bến xe, du đảng,…


Xuống xe, thất thỉu sau 8 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, thấy một anh thần kêu đi xe ôm về đâu. Mình hất hàm làm như tài tử Hùng Cường trong Đại Ca Thay kêu cây xăng 113A Bà Huyện Thanh Quan. Câu nói này mình lập đi lập lại trong đầu từ tối hôm qua, để dân Sàigòn tưởng mình là Saigonnais. Mình được cái là đóng kịch rất dỡ nên thiên hạ tưởng mình là dân Sàigòn thêm rất đen, cái đen của dân miền thượng du. 


Anh ta kêu lên xe. Mình leo lên xe, anh ta chạy như bay, tay nắm chặt cái yên, tay kia thì cầm cái bịch đồ, đồng hồ đã được đổi xuống dưới. Đồng hồ Citizen ông cụ mua thưởng khi đậu trung học tây B.E.P.C. ở tiệm đồng hồ Tiến đạt. Bổng nhiên anh ta hỏi cây xăng nào. Mình nói cây xăng chính phủ đối diện Trung Tâm Chỉnh Hình đó. Mình chỉ nghe nói về nhà bà dì. Ông dượng trông coi cây xăng chính phủ, nơi các công xa đến đổ xăng, đưa phiếu của mấy bộ, trước trung tâm chỉnh hình thì lập lại chớ có bao giờ đến đâu. May quá cái cây xăng hiện ra ngay góc đường. Mình xuống xe trả tiền rồi vô nhà hỏi thăm. Gặp đúng lúc gia đình bà dì đang ngồi ăn cơm.

Nhà bà dì thì nhỏ mà con cháu thì đông. Con hình như 6 đứa, cháu bên chồng lên cũng cả chục mạng nên tối kéo nhau ra ngoài sân ngủ, lấy cái mùng dăng lên rồi chui vào nằm cả đám, xe cộ chạy ầm ầm đến giới nghiêm thì ngưng. Cháu bên chồng từ Đà Lạt kéo về và ngoài Huế nữa. Sau Mậu Thân, dân cố đô đã biết mùi Việt Cộng nằm vùng nên chạy tứ xứ để tránh điềm chỉ của nằm vùng.


Hôm sau, hai người em họ dẫn mình đi xi nê nghe nói rạp Rex hay Mini Rex gì đó. Đi xe buýt rồi. Lêu bêu theo hai người em họ đến một khu cực sang. Khu Hoà Bình Đà Lạt chả thấm béo gì cả. Mình cứ muốn làm dân Sàigòn, mà tính tò mò cứ nhìn trên nhìn dưới, cứ như Hai Lúa lên Sàigòn. Nhất là gái Sàigòn gầy gầy không béo tốt như gái Đà Lạt, bận áo quần rất lạ, ống loa, đeo kính mắt to đùng, to hơn cả cái mặt của họ. Đà Lạt lạnh ra đường các cô lúc nào cũng bận áo len, đây nóng nên họ hở hang, lộ hàng một tị thấy phê mé đìu hiểu.

 Khi không thấy hai đứa em leo lên cầu thang chạy ào ào lên tầng trên khiến mình khiếp vía, không dám nhảy lên. Thiên hạ đi sau kêu xít qua một bên cà chớn nên mình đứng một bên cho họ lên. Mặt xanh như đít nhái khi thấy cái cầu thang chạy ào ào. Hai người em lên trước, quay lại không thấy mình nên đi lại cầu thang, kêu nhảy lên khiến mình càng ngu không hiểu gì, đành leo cầu thang thường bên cạnh. Nhảy vèo vèo hai ba thang cấp một lúc như Vương Vũ là tới nơi.


Chúng lắc đầu thầm nghĩ không ngờ có tên anh bà con nông dân Hai Lúa. Vào rạp hát thấy mát lạnh, thằng em họ kêu máy lạnh, chỉ cho mình mấy chỗ hơi lạnh phì ra. Ghế thì loại to lớn, không như ở rạp Ngọc Lan mà đứng dậy thì tự động đóng lại nghe rầm ngầm. Không nhớ xem phim gì, chỉ nhìn máy lạnh ra sướng thiệt. Phen này về Đà Lạt tha hồ mà kể cho đám tỏng xóm nghe Sơn đen đại náo Sàigòn. Sau đó hai người dẫn mình đi viếng Thương Xá Tax. Lần này thì quen nên cũng ráng nhảy cái vèo lên thang cuốn để thiên hạ bớt khinh thường mình, dân tỉnh lẻ. 


Sau này, ở New York, mình có anh đồng nghiệp có vợ là con gái của rạp Rex khi xưa, cô ta kể là cháu của ông Tùng Thiện Vương. Cô này đúng là con cháu quan lại nên cao ráo, rất xinh. Mình có đến nhà ăn cơm rồi sau này anh ta bị sa thải nên hết gặp lại.


Tối đó, bà dì cho mượn cái xe đạp mini, kêu mình di tản về bên mệ ngoại ở Hàng Xanh, rộng rãi hơn, chỉ có điều là đạp xe đạp mệt thở. Thế là đạp mệt thở về đó. Được cái là ở với mệ ngoại. Nhà này của bà dì mua, để Mệ Ngoại ở và cho mấy ông độc thân, bà con bên chồng thuê phòng. Có một ông bác sĩ thú Y tốt nghiệp bên Thái Lan về, một ông thì làm chi ở toà đô chánh. Ông này là bạn học với một ông thầy dạy hóa Học mình khi xưa. Toàn là dân Huế. Ông ta kêu ông thầy hoá của mình là ba xạo, vì ông ta kể là bơi qua sông Hương. Ông thầy hay ăn đặc sản Quảng Trị nên cứ nổ. Con hẽm này thì buổi sáng là có họp chợ, mệ ngoại mình mở cửa bán hàng chi hình như gạo như ở chợ Đông Ba trước khi vào Sàigòn. Chiều thì nấu cơm tháng cho mấy ông độc thân về ăn cơm. Nay có mình và hai tên cháu của ông dượng.


Mình có nhiều kỷ niệm thời bé với mệ ngoại. Có lẻ hai người đàn bà có ảnh hưởng nhất về cuộc đời mình là mẹ mình và mệ ngoại. Mẹ mình thì tính chịu cực, ai nói gì cũng không để ý còn mệ ngoại thì về kinh kệ. Cả hai không được đi học vì nhà nghèo nên sau này mình học và đọc sách dùm cho hai người đàn bà yêu thương nhất.


 Mình nghĩ mệ ngoại thương mình nhất trong đám cháu. Có dạo mệ ngưng buôn bán ở chợ Đông Ba, vào Đà Lạt ở nhà mình. Tối mình hay đọc kinh Phật cho mệ nghe, Tề Thiên đại thánh Tây Du ký. Đi xi nê với mệ ngoại thì mình thuyết minh cho mệ vì mệ không biết đọc. Mình đọc phụ đề việt ngữ cho mệ khiến khán giả hay chửi thề. Rằm mệ dắt đi chùa lễ Phật và cúng tiền thầy. Không biết khi mệ về Sàigòn sống, có ai đọc kinh cho mệ nghe hay không. Khi xưa là Chú Đại Bi và kinh Pháp Hoa hàng ngày. Mình chỉ nhớ lần đầu tiên về lại Việt Nam, có ghé thăm Mệ, mắt bị loà, chắc bị cườm. Mệ đưa tay ra sờ đầu sờ mặt mình rồi mệ khóc, nói ráng học nghe con, thấy thương. Mình xem như cháu ngoại đầu tiên tốt nghiệp đại học. Mình nói nhỏ tiền con gửi Mệ, thì nhanh như chớp mệ đã bỏ tiền vào túi. Kinh


Mình nhớ Võ Hoàng Đa bò đến nhà Mệ ngoại mình ở Hàng Xanh để đưa mình đến nha Du Học, hình như đường Lê Thánh Tôn. Mình không phải dân Sàigòn nên không nhớ đường xá của thủ đô. Ra nha du học xin hồ sơ để biết cần gì để nộp. Sau khi xin được hồ sơ thì nó chở mình đi vòng vòng Sàigòn như đi ngang toà đô chính, đường Tự Do, nhà thờ Đức Bà,… ngồi sau xe nó, mình cứ nhìn lên trời, kêu u chau u chau hay hè. Đà Lạt chỉ có một căn nhà cao 4 tầng lầu là khách sạn Thuỷ Tiên, còn đây toàn là cao mút tầng mây.


Thằng Đa thì quê nội ở Long Xuyên, gia đình họ hàng ở Sàigòn đông như dân Sàigòn nên nó hay về đây chơi mấy tháng hè còn mình thì lần đầu tiên. Nó muốn mình bớt ngu nên giải thích chỗ này là chỗ nào, đây Quốc hỘi, đây chợ hoa đường Nguyễn Huệ mà mình hay thấy ảnh đăng trong các báo xuân của tờ Tiền Tuyến. Sau đó hai thằng ghé quán nước mía bên đường. Trời ơi ngon chi lạ. Nước mía Đà Lạt thì có ở bến xe CHi Lăng -Đà Lạt , chỗ vũ trường La Tulipe rouge nhưng không ngon lắm. Đây họ bỏ đá, và vắt thêm trái tắt. Uống sau khi chạy vòng vòng Sàigòn, trời nóng không lạnh như Đà Lạt.

Tòa nhà Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà mà mình đạp xe đạp với thằng đa. Nó giải thích các địa điểm tại Sàigòn. Mình chỉ ở Sàigòn đâu tổng cộng 2, 3 tuần lễ trước khi đi Tây nên không rành lắm.

Đa là một trong những người bạn mình quen ở Đà Lạt, được xem là lanh nhất. Chắc đi Sàigòn hoài nên lanh. Sau này nghe anh chàng kể cuộc sống sau 75, rồi tổ chức vượt biển ở Long Xuyên, rất cảm phục. Sau này, anh chàng hay về Việt Nam làm ăn nên ít gặp.


Về ở với Mệ Ngoại thì có thêm hai người con bác Cháu, bán mắm ở chợ Đà Lạt, chị dâu của bà dì mình. Bác này giỏi lắm, bán mắm mà cho con đi du học ở Nhật Bản. HÌnh như anh Phú, còn anh Mừng thì làm thuyền trưởng, sau này đi di tản có kêu ông cụ mình lên tàu nhưng ông cụ vì lý do cá nhân nên ở lại rồi 15 năm tù cải tạo với Việt Cộng.


Hai anh em học Trần Hưng Đạo. Người anh tên là Lê Công An, nghe tên là đã hết hồn, còn người em thì mình không nhớ tên, Lê Công Vui thì phải ... Có  gặp lại một lần tại đám cưới con bà dì mình ở San Jose. Ông công an thì đang luyện ôn để thi vào trường kiến trúc. Còn ông em thì đang luyện thi vào đại học Phú Thọ.


Hôm sau mình bò lại nhà thằng Nguyên, cũng đang tính chuyện du học. Tên này có anh đang du học tại Gia-nã-đại như anh của Hùng Con Cua. Hôm qua có ai trên mạng, cho biết là bạn học của anh nó. Nó ở nhà bà con gì đó, có cô con gái tên Tần thì phải, có lên Đà Lạt quen biết với tên Dân, hàng xóm chi đó. Thằng Nguyên kêu đi kiếm thằng Dân, hàng xóm. Hai thằng lại đạp xe ra Nguyễn Huệ. Tên này ở nhà bà chị trong một chung cư cao tầng. Mình đứng mà ngóng lên để xem nó ở tầng nào mỏi cả cổ. Sau 75, thiên hạ chê bộ đội vào Sàigòn rớt nón cối, chớ mình cũng đâu thua gì, từ Đà Lạt xuống Sàigòn là cứ như ông Nguyễn Bính khi xưa từ quê ra tới Huế là đã xanh mặt.


Thằng Nguyên về đây trước mình để lo hồ sơ du học nên có lẻ quen đường xá hơn mình. Xông xáo dẫn đường. Đi vào chung cư, mình hỏi thằng Dân ở tầng thứ mấy, vì thấy leo cầu thang là ớn đời. Đà Lạt vào nhà bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh có 3 tầng mà mình đã chới với. Thằng Nguyên lại kêu mày đúng là nông dân, ở đây người ta đi thang máy khiến mình đã ngu lại còn dốt bền vững. Rồi hai thằng đi vào chung cư. Trong hall, có hai người đàn bà xách đồ đứng trước cái cửa bé bé. Khi không mình nghe cái cạch rồi cánh cửa mở ra, có hai ba đứa bé chạy ra, hai người đàn bà bước vào thì chật ních nên mình chưa biết tính sao, đi vào ép mấy bà xít vô thì thằng Nguyên bảo đợi. Nó kêu mình phải lịch sự, nhường cho phụ nữ.


Nông dân như mình thì ai nói gì cũng tuân theo. Đợi một lúc thì cánh cửa mở ra thì thấy hai cô gái Sàigòn đẹp ra phết, bận quần ống loa đeo kính mắt đi ra, giày thì có cục u trước mũi giày khiến mình thất kinh. Không dám bước vào theo thằng Nguyên. 2 phút trước đó hai bà già đi vào, bổng nhiên lòi ra hai cô gái. Mình bò vào nó biến mình thành hai đứa bé hồi nảy là chết đời. Như hiểu mình, thằng Nguyên kêu vào đây sợ gì. Thằng Nguyên bấm nút số 9 bên cạnh cửa rồi vụt, mình như bị kéo lên trời rồi phụp. Cái thang máy chồng chành rồi cửa mở ra. Mình nhìn thằng Nguyên không thấy nó biến đổi dạng nên bớt lo. Thằng Nguyên dẫn mình đi theo hành lang rồi bấm chuông. Thằng Dân lò ra, chửi thề đủ trò.


 Dân và Đa là hai tên mình quen khi xưa ở Đà Lạt, được mình xếp vào hạng lanh lợi nhất. Mình chỉ muốn được độ 10% cái tài lanh khôn của hai tên này. Cuộc đời lạ. Cùng sinh cùng năm nhưng có thằng thì ngu ngu như mình lại có thằng lanh lợi như chiếm hết cái khôn của thiên hạ. Tên Dân này có biệt tài là nói rất nhiều. Gặp nó là nói từ năm Canh Dần đến Canh Khổ Qua. Nó nói cực nhiều. Nói như ban tuyên giáo, như cái loa phường ở quê nội mình từ 5 giờ sáng. Nếu không di tản chắc nó được cho vào ban tuyên giáo để nói. 


Mình nhớ nhất khi nó với anh thằng Nguyên cãi nhau về nhảy Cha Cha. Anh thằng nGuyên thì kêu nhảy Cha Cha phải như thế này, lắc mông qua lắc Mông lại còn nó thì kêu không, phải nhún như thế này như thế kia mới là nhảy đầm tây còn kiểu kia là nhảy đầm Latinh,…. Mình chỉ đứng nhìn hai ông thần đang ba-xi-lô con gái lấy chồng chà già, u chau u chau nhả đầm khó quá. Hùng con cua thì kêu để nó dạy mình nhảy đầm để đi boum với đối tượng một thời. Qua tây thì Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris đã biến mình thành tên nhảy đầm trứ danh. Đầm khi xưa, đi boum là réo mình đi theo để nhảy với chúng. Dạo ấy mê nhảy đến 3, 4 giờ sáng là thường. Nay thì chả muốn nhúc nhích.Chán Mớ Đời  


Tháng 2 vừa rồi về Sàigòn, có họp mặt đám Yersin, vẫn thấy hắn nói liên tu ti từ đầu bữa đến khi ra về. Hèn gì qua mỹ hắn đi học nghề thầy cãi. Hình như dạo ấy hắn cũng đang tính du học ở Úc vì có bà chị ở  bên đó thì phải. Hắn kêu đi phỏng vấn thì bị tên Úc ở toà đại sứ ghen tài nói nhiều nên đánh rớt. Cuối cùng hắn học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Kể sau. Hắn bận gì đó, hẹn ngày mai dẫn đi viếng Sàigòn, để cho nông dân như mình được chút hiểu biết về Sàigòn.


Hôm sau, mình rủ hai tên Ấp Ánh Sáng Đà Lạt đi chung, đến gặp thằng Dân. Kỳ này hết sợ thang máy rồi. Mình lại được dịp lý le với hai ông thần ấp Ánh Sáng, bấm số 9 đủ trò, cứ làm như nhà mình có thang máy. Hai ông thần này như mình hôm qua dưới sự hướng dẫn của thằng Nguyên, nhìn lên trời dưới đất miệng thì u chau ủ chau hiện đại hè. Đến nơi thì thằng nGuyên có mặt ở đó rồi. Hai thằng kéo mình và hai ông thần ấp Ánh Sáng đi uống nước ở quán Givral nghe cực sang. 

Tiệm Givral sang trọng một thời mà mình có lần được vào đây cùng mấy người bạn khi xưa.

Mình nghe nói đến tiệm này trong truyện của Dung Sàigòn. Nay lần đầu tiên mới được bò vào. Tiệm ở góc đường thì phải. Thằng Dân đi trước mở cửa đi vào như Đại Ca Thay trong điệu ru nước mắt, kéo ghế ngồi xuống. Mình, thằng Nguyên và hai ông thần ấp Ánh Sáng đi theo sau, kéo ghế ngồi theo. Thấy sang trọng thật, khá hơn mấy tiệm chè ở Đà Lạt. Ngồi trong thì thấy kính khắp nơi, cửa sổ to nên có thể thấy mấy cô đi ngang để ngắm.


Có cô nhân viên xinh đẹp đến hỏi dùng chi. Thằng Dân là tên thường đến đây nên hất hàm đề nghị kêu thêm một đĩa bánh Chou của tây mà nay ở Bolsa bán đầy đường không dám ăn. Mọi người kêu nước uống. Bánh này mình được ăn ở trường Lasan Adran, chỗ preau, có ông già đứng bán nơi quán. 4 thằng ngồi uống từng lời nói của đại ca Dân, nói về Sàigòn ra sao. Tên này móc trong túi trên được điếu thuốc, khỏ khỏ trên bàn cho điếu thuốc cứng lại, rồi châm lửa hút. Hắn rít một hơi dài rồi thả người sau ghế, thả khói lên không gian như Huỳnh Thanh Trà trong Loan Mắt Nhung. Đúng thật từ bé đến giờ tên này chuyên nói. Tháng 2 vừa rồi về Sàigòn, có họp mặt dân Yersin, niên khoá 74, vẫn thấy hắn nói chuyện từ đầu đến cuối bữa ăn. Mình thì cạy miệng không ra được một chữ mà tên này thì xuất khẩu thành thơ.


Đang nói thao thao bất tuyệt thì có thằng bé đánh giầy, bò vào tiệm, đi hỏi bà con đánh giầy. Khiến mình nhớ đến thằng Quý đánh giầy mà Duyên Anh kể trong truyện của ông ta. Đến bàn tụi này thì thằng Dân đưa dép của nó, kêu đâu có giầy. Thằng bé xin cho em cái bánh, nhìn trên bàn còn mấy bánh chou. Thằng Dân đưa cho nó một cái khiến nó vui mừng chạy ra tiệm. Tính hào hiệp của nó theo đến ngày nay. Nó và vợ thành lập hội từ thiện nuôi con người ta ở Huế.


Cùng lúc thằng Dân kêu, mỗi thằng lấy cái bánh ăn ngay. Thằng Dân giải thích thằng bé đánh giầy, chạy ra với cái bánh, khoe tụi bạn thì chúng sẽ chạy vào xin. Cùng lúc ấy cả đám đánh giày từ ngoài tiệm chạy vào thấy trên bàn mấy cái bánh đã được bỏ vào mồm, thằng nào thằng nấy đang nhai. ông thần Lê Công An nhai nhanh quá bị sặc, phun bánh tùm lum ra ngoài. Chán Mớ Đời 


Uống nốt chai nước, cả đám đi ra. Mình và hai ông thần Ấp Ánh Sáng đạp xe về Hàng Xanh, miệng cứ kêu thằng Dân này quá lanh lợi. Bái phục bái phục (còn tiếp)

Hình chụp để làm sổ thông hành đi tây.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Căn cứ Lima 85 (LS 85)

Hồi nhỏ, học lịch sử Việt Nam, được biết sau khi Trung Cộng giúp Việt Nam đánh bại quân đội viễn chinh của Pháp tại Điện Biên Phủ. Khi còn ở Pháp, mình được hội cựu chiến binh pháp cho học bổng nên cứ mỗi tháng mình ghé hội quán của họ để lấy tiền và ăn cơm trưa. Lâu lâu gặp và ngồi ăn cơm với ông tướng Bigeard, tướng Salan, bác sĩ Grovin, người bác sĩ tại Điện Biên pHủ. Họ kể về tướng Phạm Văn Phú, cũng tham gia trận đánh này. Mới biết đến vụ tổ chức quân đội bí mật (OAS), đã tìm cách ám sát ông De Gaulle nhưng số ông này chưa chết nên ra lệnh bỏ tù mấy ông thần này. Mình có ngủ lại mấy ngày tại Nimes, nhà ông Pierre, thường được bạn bè gọi “Le crabe tambour”. Được đạo diễn Pháp đưa lên màn bạc, kể về cuộc đời ông này đến khi bị tù vì trung thành với đế chế pháp.

 Khi các cường quốc, họp tại Geneva, đồng ý chia cắt Việt Nam thành hai phần Nam BẮc, biến Nam Việt Nam thành, thành trì chống cộng tại vùng Đông Nam Á, mà người Mỹ đưa ra thuyết Domino. Nếu Việt Nam Cộng Hoà thất bại thì khắp vùng Đông Nam Á sẽ bị nhuộm đỏ. Năm 1975 khi các xe tăng Liên Xô tiến vào dinh Độc Lập thì trái ngược với thuyết DOmino, các nước lân cận ngoài Cam bỐt và Lào, không ai muốn theo cộng sản. Chán Mớ Đời 

Căn cứ Lima 85 tại Lào

Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, Pathet Lào và Khờ me đỏ để có danh chính ngôn thuận, tiến đánh miền nam. Triều Tiên bị chia làm 2 nhưng bắc Triều Tiên không tấn công miền Nam được vì xung quanh là biển trong khi miền Nam Việt Nam bị bao vây, đối đầu phía bắc là Hà Nội, phía tây là Cam Bốt và Lào. Phía biển thì ít bị xâm nhập.

Trong cuộc chiến Việt Nam, hai nước láng giềng đã là nơi trú ẩn của bộ đội Hà Nội, sử dụng làm căn cứ, chuyển quân và tiếp liệu để tấn công Việt Nam Cộng Hoà. Việt Nam Cộng Hoà có tấn công Cam Bốt và Hạ Lào để cắt đứt đường tiếp tế của quân đội Hà Nội nhưng không thành lý do là hai nước trên có quân đội cộng sản, do Trung Cộng hậu thuẫn, gây nội chiến tại hai xứ này. Từ đó, khi Hoa Kỳ rút quân và ngưng viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà, đưa đến 30/4/75.

 Nhiều thập kỷ trước, vào ngày 12 tháng 3 năm 1968, một căn cứ bí mật của Hoa Kỳ trên một đỉnh núi ở Lào đã bị một lực lượng đặc công của Hà Nội tràn ngập. Chỉ có sáu trong số mười tám nhân viên CIA và Lực lượng Không quân đóng ở tiền đồn hẻo lánh thoát chết trong một cuộc tấn công này, và được giữ bí mật trong ba thập kỷ trước khi dc giải mã theo luật Hoa Kỳ. Các tin tức này được Ngũ Giác Đài công bố sau 30 năm vào năm 1998.

Lực lượng đặc biệt, CIA huấn luyện lính Mường

Lý do là do quân đội Hoa Kỳ bị cấm hoạt động hợp pháp tại Lào. Vương quốc này đã bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến giữa những người theo chủ nghĩa bảo hoàng cánh hữu chống lại những người cộng sản Pathet Lào do một người em cùng cha khác mẹ của ông vua Lào, quên tên rồi. Những người cộng sản được Hà Nội hậu thuẫn, đã sử dụng lãnh thổ Lào để bí mật đưa quân vào Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vào năm 1962, các phe của Washington, Hà Nội và Lào đều đã ký một hiệp ước hòa bình, trong đó các cường quốc nước ngoài đồng ý rút lực lượng của họ khỏi đất nước.


Tuy nhiên, Bắc Việt chỉ rút một số ít lực lượng của mình và Hoa Kỳ tiếp tục chuyển viện trợ quân sự rộng rãi cho phe bảo hoàng và thay vào đó bắt đầu một chiến dịch ném bom bí mật nhưng quy mô lớn vào vương quốc này được gọi là Chiến dịch Barrel Roll. Mặc dù các máy bay chiến đấu có trụ sở tại Nam Việt Nam và Thái Lan đã thực hiện các nhiệm vụ ở Lào, các nhà thầu đánh thuê do CIA điều hành và các 'hãng hàng không' như Air America đã bay các máy bay vận tải và quan sát từ các căn cứ của Lào. Các nhóm biệt kích được CIA huấn luyện, được thả từ các vùng này để xâm nhập vào Bắc Việt Nam, để móc nối và phá hoại. Đọc tài liệu của Mỹ về Lào khá đặc biệt. Mới hiểu rõ thêm về chiến tranh Việt Nam. Tại sao lại Khe Sanh năm 1968, được xem la một Điện Biên Phủ của Hoa Kỳ nhưng cuối cùng Việt Cộng rút lui.

Không ảnh căn cứ Lima 85 tại Lào

Nhân viên CIA cũng tuyển dụng người Hmong, do ông tướng Vang Pao lãnh đạo. Một dân tộc thiểu số hiện diện ở một số quốc gia Đông Nam Á, để chiến đấu trong một cuộc chiến tranh du kích chống lại Pathet Lào. Với mục đích này, nhân viên CIA lần đầu tiên thành lập một căn cứ trên đỉnh vách đá dựng đứng của núi Phou Pha Thi, một nơi linh thiêng trong tín ngưỡng vật linh của người Hmong, tình cờ nằm ​​ở vị trí chiến lược gần biên giới với Bắc Việt Nam.


Căn cứ này là một trong nhiều 'căn cứ Lima' ở Lào nhằm tạo điều kiện tiếp tế trên không cho các lực lượng đồng minh của Hoa Kỳ. Cơ sở chính nằm trên đỉnh núi cao 5.600 bộ anh, được bao quanh bởi những vách đá dựng đứng; Một con đường uốn lượn xuống dốc dẫn đến một đường băng ngắn dài 700 mét ở chân núi được sử dụng để tiếp tế và luân chuyển nhân viên, được trực thăng CH-3 thuộc phi đội trực thăng số 20 của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thực hiện các chuyến bay hàng tuần bí mật.


Vào mùa hè năm 1966, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã quyết định điều chỉnh căn cứ này với mục đích mới—để phục vụ như một hệ thống dẫn đường bằng radar, hay Tactical Air Navigation System (TACAN,) bằng cách lắp đặt một máy phát điện và đầu tiên là một bộ tiếp sóng. Trong thời đại có trước GPS, các địa điểm TACAN đã giúp máy bay chiến đấu tìm thấy mục tiêu của chúng, đặc biệt là khi bay trong điều kiện tầm nhìn hạn chế hoặc vào ban đêm. (Hệ thống định vị vô tuyến đầu tiên, được gọi là Knickebein, được phát triển bởi Đức Quốc xã, để cho phép ném bom ban đêm chính xác hơn vào nước Anh.) Năm 1967, hệ thống này được nâng cấp thêm thành ăng-ten TSQ-81 và hệ thống ném bom từ xa cho phép căn cứ điều khiển từ xa. kiểm soát máy bay ném bom của Mỹ. Đà Lạt khi xưa, có hai trạm; trên Núi Bà và gần Đơn Dương.


Hà Nội chỉ cách Lima 85, 135 dặm về phía đông bắc, vì vậy căn cứ bí mật có thể định hướng tọa độ rất chính xác cho máy bay Mỹ oanh tạc thủ đô Bắc Việt. Bởi vì những cuộc tấn công đó có thể liên quan đến bất cứ thứ gì, từ máy bay ném bom chiến đấu F-105 đến hàng chục máy bay ném bom B-52 khổng lồ, điều này khiến căn cứ trở thành một hệ số nhân lực rất quan trọng. Chỉ trong sáu tháng, căn cứ Lima 85 đã chỉ đạo từ 25 đến 55 phần trăm các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu Bắc Việt Nam và Lào.


Hoàng tử Lào Souvanna từ chối tiếp nhận nhân viên quân sự Hoa Kỳ tại Lào, các nhân viên Lực lượng Không quân Hoa Kỳ được gửi đến tới Lima 85 đã phải ký giấy tạm thời giải ngũ họ khỏi quân đội Hoa Kỳ trước khi được trực thăng vận tới Lima, một bản kịch khôi hài được gọi là 'nhúng cừu'. được cho là không có vũ khí, mặc dù cuối cùng họ đã mua được một số vũ khí nhỏ. Thay vào đó, an ninh của căn cứ được cho là sẽ được bảo vệ bởi một tiểu đoàn của quân Hmong - do các nhân viên CIA cố vấn - và các cảnh sát Tuần tra Biên giới Thái Lan được bố trí xung quanh chân núi.

Thống kê các cuộc hành quân từ căn cứ Lima 85

Tuy nhiên, căn cứ Lima 85 có thể đã được dấu kín để dân chúng Hoa Kỳ không biết đến, nhưng sự hiện diện và mục đích của nó không phải là bí mật đối với Pathet Lào và quân Bắc Việt (NVA). Các trinh sát đã thăm dò hệ thống phòng thủ của căn cứ vào tháng 12 năm 1967, và vào ngày 12 tháng 1 năm 1968, một chuyến bay gồm bốn vận tải cơ hai tầng cánh An-2 đã tấn công Lima 85 bằng tên lửa 57mm dưới cánh và đạn súng cối 120mm rơi ra từ cửa hông, giết chết bốn người Hmong. Một máy bay trực thăng UH-1 của Air America đã phải tranh giành để đánh chặn các phương tiện vận tải chạy chậm và bắn hạ một trong các phương tiện vận tải bằng cách sử dụng AK-47 bắn ra bên hông — một trong số rất ít vụ tiêu diệt trực thăng trên máy bay được ghi nhận. Một chiếc An-2 khác bị rơi do hỏa lực mặt đất hoặc do cơ động tránh né không thành công.

Bức ảnh họa lại trận đánh khi trực thăng Mỹ bắn máy bay AN-2 của Bắc việt.

Căn cứ sau đó bị trúng đạn súng cối vào ngày 30 tháng 1, sau đó vào ngày 18 tháng 2, lực lượng người Mường, Hmong đã phục kích và giết chết một đội quan sát viên pháo binh của quân đội Bắc Việt gần ngọn núi và phục hồi kế hoạch phối hợp bắn phá. Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ biết rằng căn cứ bị cô lập đang bị bao vây bởi lực lượng kẻ thù mạnh hơn và có khả năng bị tấn công, nhưng sự hỗ trợ TACAN của căn cứ được coi là có giá trị đến mức đại sứ William Sullivan chống lại việc di tản khỏi căn cứ. Không thể phát huy hệ thống phòng thủ quan trọng, thay vào đó, các kỹ thuật viên của căn cứ bắt đầu thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhắm vào các lực lượng cộng sản gần đó để bảo vệ vị trí của họ.


Các đặc công của Bắc Việt Nam từ tiểu đoàn 41 Lực lượng Đặc biệt đã leo qua các vách đá ở phía bắc của Phou Pha Thi mà không bị phát hiện vào ngày 22 tháng 1 và thiết lập lại các tuyến đường xâm nhập khả thi nhất. Đầu tháng 3 năm đó, một trung đội ba mươi ba người dưới sự chỉ huy của Trung úy Trương Mục tập trung gần núi, nơi họ được tăng cường bởi một đội đặc công chín người. Các biệt kích Việt Cộng được trang bị súng AK-47, súng carbine SKS, thuốc nổ, lựu đạn cầm tay và ba súng phóng lựu phóng tên lửa.


Vào lúc 6 giờ tối ngày 11 tháng 3, một trận pháo kích xuống chỗ ẩn nấp cho những người mở đường của Trương Mục rà phá mìn và bảo đảm các con đường xâm nhập vào Lima 85. Vài giờ sau, quân chính quy của Trung đoàn 766 Cộng quân và một tiểu đoàn Pathet Lào mở cuộc tấn công chốt giữ, hạ quân Hmong ở thung lũng quanh núi. Cuối cùng vào khoảng 9 giờ tối, người của Trương Mục bắt đầu mở rộng vách đá, những người điều hành chia thành năm “ô” để phát động một cuộc tấn công nhiều hướng. Ô Một và hai sẽ tập trung vào sở chỉ huy, ô ba và bốn sẽ lần lượt thu giữ thiết bị TACAN và đường băng, còn ô thứ năm sẽ ở lại dự bị.


Nhân viên căn cứ báo cáo về trận pháo kích, nhưng Đại sứ Sullivan quyết định không ra lệnh di tản trừ khi cuộc tấn công tỏ ra áp đảo. Đến 8 giờ sáng hôm sau, ông ta mới điều động trực thăng và không quân yểm trợ để giúp các nhân viên trốn thoát.


Điều này đã quá muộn. Đặc công của Trương Mục đã vào vị trí lúc 3 giờ sáng hôm đó và đánh sập các chốt canh gác của người Hmong cũng như máy phát điện và radar TSQ-81 của căn cứ bằng cách sử dụng lựu đạn phóng tên lửa. Khi chỉ huy căn cứ, Thiếu tá Clarence Barton và một số kỹ thuật viên của Lực lượng Không quân chạy ra ngoài để đánh giá tình hình, họ đã bị đặc công bắn hạ. Đến 4 giờ sáng, ba ô đầu tiên đã chiếm được tất cả các mục tiêu của chúng. Một số bị bắt ném xuống vực theo lệnh của Trương Mục. Chỉ có ô 4 buộc phải rút khỏi mục tiêu, không thể đánh bật lực lượng Hmong gồm hai trung đội bộ binh và một đội súng cối được bố trí xung quanh đường băng.


Các nhân viên Hoa Kỳ sống sót đã chạy trốn đến một mỏm đá ở một bên vách đá, nơi họ bị mắc kẹt khi lựu đạn và hỏa lực vũ khí nhỏ trút xuống họ. Bắn trả bằng súng trường, họ cố gắng thực hiện một cuộc không kích gần như trên vị trí của họ.

Khu trực cơ Skyraiders mà mình từng thấy dội bom Napalm trên Số 4 trong cuộc chiến Mậu Thân tại Đà Lạt.

Cuối cùng vào lúc bình minh, các máy bay trực thăng của Air America được bao phủ bởi các khu trục cơ cường kích A-1 Skyraider đã sà xuống núi. Quân đội Hmong, dẫn đầu bởi hai đặc vụ CIA và được hỗ trợ bởi Skyraiders, đã tham gia vào một cuộc đọ súng ác liệt khi họ cố gắng đánh bật các biệt kích quân Bắc Việt khỏi địa điểm TACAN. Mặc dù trung đội Bắc Việt Nam đã giữ vững vị trí của mình, nhưng sau cuộc hỗn chiến, có 5 kỹ thuật viên Không quân sống sót và 2 điệp viên CIA.


Ông Richard Etchberger, một trong những phi công bị mắc kẹt trên vách đá, đã từ chối lên trực thăng cấp cứu cho đến khi Ông ta đưa ba đồng đội bị thương của mình lên dây đai cấp cứu của trực thăng. Khi ông ta được đưa đi, đã bị trọng thương và qua đời sau đó. Các lực lượng cộng sản sẽ giữ quyền kiểm soát núi Phou Pha Thai và sau đó đẩy lùi một cuộc tấn công của người Hmong để chiếm lại nó.


Cuộc tấn công của Hà Nội vào Lima 85 đã làm suy yếu đáng kể chiến dịch không quân của Hoa Kỳ trên Bắc Việt Nam và Lào. Theo lời kể của Việt Cộng, họ chỉ mất một biệt kích và giết chết ít nhất 42 quân Thái và Hmong cũng như hàng chục phi công Hoa Kỳ. Những người đóng ở căn cứ này là kỹ thuật viên, chơ máy bay đâu mà bay. Tuy nhiên, vị chỉ huy Trương Mục bị cấp trên khiển trách thay vì tuyên dương một anh hùng; cấp trên của ông ta tức giận vì ông ta đã phá hủy thiết bị TACAN có giá trị và giết các kỹ thuật viên, quăng xuống núi thay vì bắt họ. Dễ sợ, bắn chết rồi vẫn chưa xong, phải quăng xuống núi để thú rừng găn thịt họ. Kinh Chắc Liên Xô đưa ý định này để xem xét kỹ thuật của mỹ sáng chế.


Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội đều giữ bí mật về cuộc chiến của họ ở Lào. Bắc Việt Nam cần duy trì và đảm bảo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua Lào, trong khi quân đội Hoa Kỳ buộc phải cố gắng ngăn chặn họ ở đó. Việc cả hai vi phạm một hiệp ước mà họ đã ký kết chỉ là một điều gì đó cần phải che giấu trước công chúng.


Ông Etchberger được đề cử Huân chương Danh dự sau khi qua đời, nhưng yêu cầu này đã bị Lực lượng Không quân từ chối do nhu cầu duy trì bí mật cuộc chiến trên không của Hoa Kỳ ở Lào, cuộc chiến sẽ thực sự leo thang dưới thời chính quyền Nixon và được tiết lộ với việc phát hành Hồ sơ NGủ Giác Đài sau 30 năm. Hoa Kỳ thả hàng tấn bom cho mỗi người sống ở Lào, trì hoãn nhưng không ngăn chặn được chiến thắng cuối cùng của cộng sản vào năm 1975.

Thượng sĩ Etchberger từ chối di tản trước hạ cấp của ông và bộ bắn tử thương, nhận được huy chương Danh Dự  trễ sau 33 năm.

Mãi 30 năm sau, Hoa Kỳ mới chính thức thừa nhận trận chiến tại căn cứ bí mật. Etchberger cuối cùng đã được trao Huân chương Danh dự trong một buổi lễ vào ngày 1 tháng 9 năm 2010. Trước đó vào những năm 2000, các cựu chiến binh Việt Nam trong trận chiến đã giúp các quân nhân Hoa Kỳ xác định vị trí hài cốt của các người Mỹ đã bị ném xuống vách đá, và sau đó của Thiếu tá Barton nữa.


Mình nhớ có lần đài radar trên Núi Bà bị Việt Cộng đánh nhưng không thành công, có lẻ họ bắt chước trận này. Đà Lạt có hai đài radar của mỹ; 1 trên Núi Bà, và 1 ở Lạc Dương.ai có tin tức về hai đài này không. Cảm ơn


Lâu lâu thiên hạ gửi mình tài liệu về chiến tranh Việt Nam, giúp mình hiểu chút gì ngày xưa, để hiểu lý do Việt Nam Cộng Hoà thua.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Tình yêu như thoáng râu

 Dạo đi làm ở New York, mình có quen một tên Bắc kỳ, sinh hoạt ở hội Thanh Niên Thiếu Niên, thường được mọi người gọi là Sơn Taxi. Hắn thua mình đâu 2 tuổi, cũng đang kiếm vợ. Hắn kể; đọc cuốn "Đời Phi công" của ông Nguyễn Xuân Vinh nên mê làm phi công nhưng dáng người nhỏ bé nên học kỹ sư hàng không. Khi hắn vào học đại học thì ngành này thịnh lắm nhưng khi ra trường thì đúng thời điểm, tổng thống Reagan và Gorbachov, kí hiệp ước về vũ khí hạt nhân nên ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ được cắt giảm, khiến mấy công ty làm về quốc phòng sa thãi nhân viên như rạ.

Ra trường, kiếm không được việc làm, hắn đi lái taxi ở New York, kiếm tiền tạm sống, đợi thời. Hắn có một tên bạn thân, cùng sinh hoạt với ca đoàn của nhà thờ ở quận Bronx, phía bắc Manhattan, tên là Hải Phòng, tên Hải nhưng gốc Hải Phòng. Tên này nhờ ở trại tị nạn Hồng Kông lâu năm, học được nghề thợ mộc nên sang New York, hắn làm nghề thợ mộc, đóng bàn, đóng tiệm, sửa nhà cho dân mít nên cũng kha khá.

Hắn hay nhờ mình vẽ hoạ đồ, nộp xin phép thành phố. Hắn xúi mình đi thi lấy bằng thầu khoán nhưng dạo đó mình chỉ muốn kiếm vợ, chưa cần tiền, không ngờ sau này, sang Cali, cuộc đời đưa đẩy mình làm thầu khoán. Hai tên này thân nhau từ khi còn ở trại tỵ nạn Whiteheads, Hongkong. Sơn Taxi thì thuộc thành phần con cháu của Bắc kỳ 54, còn tên Hải Phòng thì vượt biên từ Hải Phòng sang Hongkong, rồi được Mỹ nhận cho định cư.

Sơn Taxi kể là tên Hải Phòng, đang đi kiếm vợ nên có ai trong nhà thờ, giới thiệu một giáo dân nào đã một lần dang dỡ, anh ta hồ hởi, lên đồ hàng hiệu, đi đả thông tư tưởng. Khi về, Sơn Taxi hỏi người đẹp ra sao. Hải phòng chửi thề, một hồi sau mới rên: nó nấy chồng từ thủa 18, đến lay đã 5 con cùng chàng. Thằng chồng cày 3 job, đứng tim, dứt đường gãy cánh nên phải một thân một mình nuôi con. May có Oe-phe. Tao tưởng 1 hay 2 con thì không sao, nấy về khỏi cần đẻ, đằng lày mua 1 tặng 5 đứa thì luôi chết mẹ. Chỉ tiếc nà con Mụ rất còn tươi hơn cả ca sĩ YL.

Sang Mỹ xong thì Hải Phòng bảo lãnh mẹ và em sang. Hải Phòng có cô em, đang học ở đại học Connecticut nghành tâm lí học. Nghe nói đã có tên nào gốc Nguỵ đăng kí, sắp quản lí đời em rồi. Đợi ra trường  là cưới. Dạo ấy trai dư gái thiếu nên chốt được ai là cưới ngay. Cuối tuần đó, sau kỳ thi mid-term, cô nàng đi xe lửa về thăm mẹ, đang làm nhà hàng Việt Nam ở China Town đến khuya. 

Như mọi cuối tuần, sau khi chạy Taxi xong ca đêm, trả xe cho chủ xong, Sơn taxi ghé lại nhà Hải Phòng tập dợt đánh đàn vì là thành viên của ban nhạc của ca đoàn, rồi nhậu cho quên ngày tháng ế vợ. Khi hắn tới nhà Hải Phòng thì gặp Loan, em của Hải Phòng, rất xinh. Chỉ gật đầu chào từ xa xa, hắn đã ngửi được mùi gái thơm lừng lựng. Hải Phòng trừng mắt nhìn hắn, bảo mày đánh hơi như chó, rồi nói hàng nhà tao nà rau sạch, cấm mày phun thuốc sâu vào. Hải Phòng sủa thêm; cái mặt mày nhìn thấy gái, như cái mõm chó công an.

Cô em đang ngồi ở xa lông, xem phim bộ "dòng sông ly biệt" của Đài Loan, có Tần Hán đóng. Hải Phòng mở tủ lạnh lấy mấy chai bia, đem vào phòng hắn, lôi thêm phá lấu của Sơn Taxi, mua ở phố Tàu mang lại. Hai thằng ôm đàn hát những ca khúc vào đời, tình ca nhạc vàng, thay phiên nhau rống em hởi con đường em đi đó đến Bronx chưa em,...sau mấy chai bia, Hải Phòng mệt lăn ra ngủ.

Sơn Taxi thì chưa buồn ngủ nên ra xa lông, ngồi xuống bên cạnh cô em, mắt đang chăm chú xem Tần Hán khóc như mưa bất. Hắn hỏi đến đâu rồi thì cô em trả lời " đang chia ni". Hắn bảo gớm cái đám dân Hải Phòng sao chúng hay nói ngọng thế nhưng nghe em phát ngôn chữ ni, hắn lại nghe rất ư nà ấm nòng. Hắn nói đẹp trai như Tần Hán thì đâu có sợ bị bồ bỏ, mà phải khóc nóc. Đàn ông có nưỡng quyền như Tần Hán thì không thể nào khổ vì tình yêu được.

Cô nàng ngơ ngác như nai vàng, phảng phất dáng người con gái sông Gianh của Lưu Trọng Lư, xoè mắt tròn đen như 2 viên đạn đồng, nhìn hắn hỏi: Thật không? Anh bói vờ hay thật. Hắn nghe em thốt lên chữ vờ làm hắn đắm say trong một dung dịch không gian mây ngàn, nức nở bảo vờ là sao. Đưa tay phải cho Anh xem, cô nàng nhẹ nhàng, xoè bàn tay, đưa cho hắn như con thuyền nhỏ bé trao thân gửi phận trên dòng sông vô định. Hắn cầm bàn tay với những ngón tay búp măng mềm mại, nõn nà rồi khe khẻ, xoa xoa vùng nhô lên của ngón tay phải.

Này nhé vùng này dầy đều đặn là số sau này sẽ giàu lắm đấy. Cô Bé nhoẻn miệng, chu chu cái mõm, hỏi Thật à, hắn nói còn phải hỏi. Nàng khẻ nói thế thì thích Anh nhỉ, hắn lắc đầu, bảo không. Nghe tới đó cô nàng hốt hoảng, bảo sao cơ. Mắt cô nàng toàn ưu lo, nhìn hắn như kẻ tội đồ, van lơn tên đao phủ thủ của nhà văn Nguyễn Tuân, ráng chém lưỡi đao cho ngọt để chết cho nhanh chóng. Hắn bảo này nhé, vừa lấy ngón tay của hắn vân vê trên lòng bàn tay, chỉ những đường chỉ tay của cô nàng, bảo mấy đường này vụn, nên giàu thì có giàu thật nhưng lại lận đận về tình duyên, gia đạo trong tương lai rồi bắt chước Tần Hán thở dài, thở ngắn, chắt miệng như nuối tiếc một điều gì, như thương tiếc cho một số phận không may, như một thương gia đánh mất một cơ hội làm giàu hay Marguerite Duras đứng trên cầu nhìn người yêu đi lấy vợ, thầm thì “sous le Pont Mirabeau, l’eau coule », đưa sáo qua sông trong phim “L’ amant”.

Nhìn nét mặt lo âu của cô nàng, hắn lật lật bàn tay, xoay qua xoay lại, con mắt nhăn mày như người thua bạc, thò tay moi túi để xem còn đồng nào để đi xe subway về. Hắn cứ vân ve bàn tay tượng chừng như điều nghiên qua máy hiển vi, lâu lâu lại thở dài rồi bảo tại vì em lấy chồng xa gia đình cho nên bị vướng vào nghiệp như câu "mẹ ơi đừng gã con xa, chim kêu vượn hú tìm nhà Má đâu". Những người lấy chồng xa thường có chỉ tay, cắt ngang bàn tay rất rõ nét. Nếu cắt ngang từ trái qua phải là lấy chồng ngoại quốc, còn từ ngón trỏ chạy thẳng xuống thì lấy chồng Việt gốc Nam bộ. Nếu em muốn tình duyên gia đạo thôi lận đận thì phải lấy chồng gần thì mới cải số được.

Cô em có vẽ mông lung, đôi lông mi đen, cong vút nhấp nháy như nài nỉ, xin hắn nói rõ rõ thêm đi. Hắn hắng giọng, bảo xa là vì em lấy chồng ở Connecticut, xa mẹ, xa gia đình, còn gần thì rất gần trước mặt em đấy. Rồi hắn thầm thì 12 con giá em đây cầm tinh Quý Mùi,….

Vừa lúc ấy thì khúc phim bộ vừa hết nhưng không ai buồn đứng dậy, thay cuốn khác. Em cứ để cho hắn nắm bàn tay búp măng của mình. Một chút ngác ngơ rồi em chợt ngộ, đôi má lúng đồng tiền của em rung rinh, bổng đỏ ửng nhoẻn nụ cười đưa cái Răng Khểnh bảo; Anh lầy! Cứ trêu em không. Sơn Taxi mân mê bàn tay của em nhưng em không rụt tay về, khẽ bảo Anh bói tiếp đi nhưng phải bói thật nhé nhưng mà anh biết bói thật không chứ.

Hắn cau mày bảo biết thì thưa thốt, còn không biết thì dựa cột mà nghe, này nhé cái cằm chẻ của em là số được chồng yêu. Sơn căn Hạ như thế này, hắn lấy ngón tay hoạ lên khuôn mặt của cô nàng, Ấn đường này nhé, lưỡng quyền địa cước là ích tử vượng phu nhé. Nói tới đâu, hắn đưa tay thám hiểm vùng trời mênh mông đến đó cứ như khi đưa khách về trên Taxi, vào những khu Bronx. Cổ em có ba ngấn, sau này sẽ có 3 con, 2 ngấn sâu này là hai cô con gái còn ngấn nông là con trai. Hắn mân mê sợi dây chuyền, đeo hai trái tim của cô nàng, miệng lẩm bẩm chắc của tên khốn nạn, muốn đăng kí quản lí đời em tặng, tính sẽ đánh sâu xuống miền Nam, phía hai ngọn đồi Dakto, theo chiến dịch đại thắng mùa Xuân.

Điện bổng phụt tắt! Căn phòng khách bổng tối đen hẳn, ngoài cái máy truyền hình có lấm tấm chấm trắng đen, nhảy múa như một tác phẩm của nghệ nhân Park, của xứ Hàn nổi tiếng một thời được trung tâm văn hoá Pompidou của Pháp trưng bày các tác phẩm, chuyên sáng tạo những tác phẩm về truyền thông trong âm thanh rè rè, khe khẽ của đầu máy video. Vài giây yên lặng. Rồi hắn cảm thấy thân thể của cô em sát kề, hơi thở gần bên. Hắn lần tay để ôm cô bé, giọng cô bé, khe khẽ Ô kìa, ơ kìa, có phần hoảng hốt, khiến lòng hắn mềm nhũng như Lữ Bố trông thấy Điêu Thuyền.

Bất chợt hắn cảm thấy hơi là lạ, hình như cằm cô em hơi gai gai như râu thêm hơi bia nồng nồng của Heineken. Rồi có bàn tay nào thò vào quần hắn, khiến hắn mê mê tê tê rồi bóp một cái thật mạnh khiến hắn la thất thanh.

Thằng Hải Phòng, khát nước, bò dậy ra bếp thì thấy hắn đang bói lưỡng quyền, vượng phu ích tử cho cô em gái nên đợi đến lúc gây cấn thì tắt đèn, rồi sáp vào cái ghế, xô cô em ra, thò tay vào quần hắn, bóp hạ bộ của hắn, đang căng thẳng.

Ông đã bảo mày nà hàng nhà ông nà rau sạch không được phun thuốc sâu. Đúng nà nuôi ong trong tay áo còn con kia, cút xuống nhà bếp, nàm cơm, mẹ sắp về.

Mình qua Cali làm việc rồi lập gia đình, mất liên lạc với tên này. Chỉ nghe bạn bè chung kể thì Hải Phòng thích rau sạch, phung thuốc sâu cô goá phụ 5 con nhưng với điều kiện; lên chính sách chống đẻ còn tên Sơn Taxi, sau này lấy cô em của Hải Phòng, sinh được 5 con theo chủ thuyết Chúa cho bao nhiêu đẻ bấy nhiêu, vẫn chạy taxi ở New York và cuối tuần đi phụ thằng anh rễ. Rõ số hắn lấy vợ mạng "Vượn" phu "Đa" tử còn cô sinh viên U Conn trở thành một chiêm tinh gia khá nổi tiếng ở New York.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
NHS