Ý chí tự do


Dạo còn bé, ở Đà Lạt mình hay nghe người lớn nói về thế giới Tự Do, thế giới Cộng Sản. Dạo ấy chỉ nghe nhưng không hiểu, hỏi người lớn thì mình ăn tát, kêu ngu lâu dốt sớm hay mày ăn cơm hớt hay sao. Mình chỉ hiểu cộng sản là mấy ông kẹ bắn chết dân vào tết Mậu Thân hay chôn sống người Việt ở Huế như anh của chị người làm. Sợ quá chạy vào Đà Lạt. Tối tối họ hay về trên Số 4, bắt thanh niên đi theo họ và bắn chết trưởng ấp,… ngoài chợ, lâu lâu nghe nói đường bị tăng-bo, Việt Cộng đắp mô, đặt mìn.


Qua Tây thì thấy khắp nơi đề liberté, égalité và fraternité nhưng thấy dân Tây chửi mấy người gốc ả rập là bougnoules…, tây đen là nègres, Việt Nam thì kêu nhaques (nhà quê) hay chinetoques, chả có bác ái gì cả. Bò qua Hoa Kỳ sinh sống để thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ.

Từ khi rời Việt Nam, mình mới thâm nhập vào thực tế của nền văn hoá bị ảnh hưởng của thiên chúa giáo. Học lịch sử hội hoạ, thấy các tấm tranh trong các nhà thờ nói về vị thánh nào, hay điển tích tây phương là mình ngọng. Cuối cùng, để bớt dốt, hè phải đọc thánh kinh, Koran, Tora,… để hiểu thêm về những xung đột tại nơi mình ở.


Mình sống tại các quốc gia được xem theo chủ nghĩa tự do. Với ý chí tự do chúng ta có thể nói, làm những gì chúng ta mong muốn. Từ 2001, qua vụ khủng bố 9/11, cuộc sống người Mỹ đã thay đổi hoàn toàn. Tự do bị giới hạn nhân danh sự an ninh của cộng đồng. Đi máy bay, vào công sở bị rà máy, kiểm soát gắt gao nhất là ai có nguồn gốc ả rập, hồi giáo. Chủ nghĩa tự do bị các nhóm quá khích về tôn giáo và ái quốc lên án.


Hôm đi Nam Cực, trên tàu, vợ chồng mình có làm quen với vài người. Nói chuyện khi ăn cơm chung. Có lần ông Steve, cựu giám đốc ngân hàng nói về Buffalo Bill. Mình nói đó là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm diệt chủng người da đỏ. Họ cho mấy người như ông Buffalo bill giết bò rừng lấy tiền vì biết người da đỏ sống nhờ vào bò rừng từ thời tổ tiên họ mới ra đời. Người Mỹ càng giết bò rừng thì bò rừng càng chạy lên phía bắc về hướng Gia-nã-đại nên người da đỏ lại chạy về phía đó, bỏ lại đất đai của tổ tiên họ. Ông ta kêu lần đầu tiên được nghe đến sự giải thích này, khác với những gì học ở trường. Tháng sau, ông ta i-meo cho mình kêu sự giải thích của mình đúng vì ông ta tìm đọc tài liệu thêm. Cho thấy người Mỹ đàng hoàng thì họ không bảo vệ một cách mù quáng.


Mình có thể nói lên cảm nghĩ của mình trước đám đông hay là dấu kín. Mở miệng ra là phải cẩn thận vì nếu không bị chụp mũ là kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, phá hoại môi trường,… con mình cứ kêu bố , không được nói như vậy, kỳ thị chủng tộc, bố không được nói như thế kia vì kỳ thị giới tính,… hôm qua, mình bị đồng chí gái lên lớp giảng đủ thứ trò, không được viết như thế này, nói như thế kia vì sợ người ta chửi, kêu khinh họ,… rốt cuộc mình cảm thấy bị mất tự do ngôn luận.


Trưa nay, đi ăn cơm với mấy người bạn, họ cho biết có ông nào., chủ tịch một đại học ở Quận Cam bị lên án, ôm mấy cô sinh viên khiến họ khó chịu, không thoải mái. Vợ của anh bạn kêu ông ta thích ôm chớ không có ý gì cả vì đã được ông mỹ già này ôm nhiều lần khi gặp nhau. Người Mỹ có cái tật, gặp nhau là ôm bú xua la mua. Chả quen biết gì cũng ôm. Chán Mớ Đời. Nay thì chắc không dám ôm ai cả, đàn ông hay đàn bà. Cứ đưa nắm đấm ra đấm vào tay họ khi chào hỏi là xong.


Viết đến đây lại nhớ bên Tây có vụ bisou bisou . Gặp nhau chả quen biết gì cũng mi má. Đầu năm, đêm giao thừa thì họ có tục lệ ôm nhau chúc tụng năm mới dù không quen biết nhau. Ra đại lộ Champs Elysees, thấy mấy anh rệp, cứ đi kiếm mấy cô đầm để ôm hun khiến mấy cô này chạy mất dép. Vui.


Được cái là chủ nghĩa tự do rất uyển chuyển và không giáo điều như các chủ nghĩa khác. Thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do trải qua 3 thời kỳ khủng hoảng; thế chiến thứ 1, rồi đến sự tranh chấp với chủ nghĩa phát xít trước thế chiến thứ 2, và sau đó bởi chủ nghĩa cộng sản. Cuối cùng chủ nghĩa tự do vẫn thay đổi để uốn mình theo lịch sử tây phương.

Ngày nay, các nhà xã hội học đều cho rằng; chúng ta đang đi vào giai đoạn mà chủ nghĩa tự do đang bị thách thức như ở thế kỷ trước sau khi độc quyền suốt 30 năm từ khi Liên Xô sụp đỗ. Liệu chủ nghĩa tự do có thể cải tổ, vận chuyển theo thời đại mới hay bị tiêu diệt. Chế độ độc tài lên ngôi như ở Trung Cộng. Kỹ thuật toán hack đầu óc của người dân đang suy nghĩ gì. Tưởng tượng khi một người Tàu đi vào công sở, bổng  máy rà tư tưởng khám phá ra người này đang chửi hay bất mãn vì chủ tịch Tập Cật Bình. Thế là nhốt tù. Anh không ưa tập chủ tịch, vậy anh là phản động. Vào lớp, học sinh phải suy toon lãnh đạo, không suy tôn, vậy là thế lực thù địch. Đi tù.


Mình muốn hiểu thêm về cuộc chiến Ukraine và Nga nên có tìm xem trên Prime và Netflix, du tu be những phim về xứ Ukraine này và Nga thì càng xem càng chới với. Các khu vực do Nga kiểm soát, có người ủng hộ Nga, có người chống Nga rồi tình báo Nga, cho dội bom hay giết người Ukraine để đổ lỗi cho lính Ukraine,… cứ như chiến tranh Việt Nam khi xưa. 


Khi mình sang Pháp, được mấy người lớn tuổi hơn nói về Mai 68, họ cho đó là cuộc cách mạng văn hoá, thanh niên âu châu bắt chước cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông, sinh viên ai nấy đều mua cuốn sổ đỏ (le petit livre rouge de Mao), trích những câu nói của Mao CHủ Tịch, tương tự ngày nay họ học tư tưởng hochiminh ở Hà Nội. Mình tò mò ra chợ trời mua cuốn sổ tay đỏ đọc nhưng chả hiểu gì cả. 


Dạo ấy, mình bị cố định bởi văn hoá Việt Nam Cộng Hoà, khá bảo thủ, chống cộng có thể hơi cực đoan vì mình nhìn thấy Mậu Thân. Cãi lộn với tây đầm mệt thở. Dạo ấy mình chỉ cãi cố cãi chày, sau này phải đi học về cách nói trước công chúng, để học thêm về lập luận để cãi với ngoại quốc. Mình thì không cãi với người Việt vì “khôn Tây dại Việt”.


Sang Hoa Kỳ thì khám phá ra những năm 1968, cũng xảy ra nhiều khủng hoảng xã hội, đưa đến chiến tranh Việt Nam phải kết thúc để an dân. 

Thấy tấm ảnh này trên mạng, có đặt câu hỏi khiến mình suy nghĩ. Một khi thợ săn ngưng đi săn thì sẽ làm thịt chó săn vì tốn cơm

Nếu nhìn lại thì trong khi Paris, Hoa Thịnh Đốn, Chicago, người dân xuống đường, bạo loạn thì tại Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh,..rất yên bình, ngoại trừ Mùa Xuân Prague. Xem như các chế độ của khối cộng sản sẽ đời đời bền vững. Không ai có thể tiên đoán 20 năm sau, khối Liên Xô sụp đỗ. Ngược lại, các cuộc xung đột xã hội, văn hoá tại Hoa Kỳ và Âu Châu, giúp chủ nghĩa tự do tồn tại và mạnh hơn trước khi khối Liên Xô sụp đỗ. Khắp thế giới, ai nấy đều dương cao ngọn cờ tự do, ngoại trừ các nước vẫn còn theo chủ nghĩa cộng sản.


Ngày nay chủ nghĩa tự do đứng trước một vấn nạn, bị thử thách bởi các lò thí nghiệm, các công ty định hướng lối suy nghĩ, cách sống cho chúng ta, giúp họ làm giàu. Thậm chí chính phủ cũng sử dụng các dữ kiện của chúng ta để định hướng dư luận. Một lối tuyên truyền ngầm, khác với các khẩu hiệu trước đây.


Chủ nghĩa tự do được xây dựng trên sự tin tưởng vào tự do của nhân loại. Khác với các súc vật khác, con người có ý chí tự do. Ý chí tự do giúp con người cảm nhận, chọn lựa về đạo Đức và đường lối chính trị cho chính quyền. Chủ nghĩa tự do cho rằng cử tri là đúng, biết rõ mọi việc như chủ nghĩa tư bản kêu khách hàng luôn luôn đúng. Trên thực tế thì không.

Có bà mỹ kể ông chồng đi đổ xăng dùm cho bà. Đến trạm đổ xăng, bổng nhiên có bà mỹ da trắng, lo ngại nên gọi điện thoại kêu cảnh sát. Vài phút sau, cảnh sát tới hỏi ông chồng đủ thứ, suýt cồng đầu thì may thay, có ông mỹ trắng nào nhảy ra kêu không phải, can thiệp mới được cho đi. Cho thấy xứ Hoa Kỳ này, anh là người da màu là được định hướng vào tội phạm. Anh chống cự, cảnh sát có thể bắn hay đè đầu anh bị ngạt thở chết. Tương tự với người hồi giáo để râu ria là khiến thiên hạ lo ngại, lên máy bay gặp người Hồi giáo che mặt là sợ bị đánh bom. 


Tương tự năm ngoái báo chí có đăng tin một bà mỹ trắng chạy bộ ở công viên ở New York, thấy một ông mỹ đen, kêu cảnh sát rồi quay video đủ trò. Cuối cùng công ty bà ta đuổi bà ta. Trong thời covid, có nhiều video quay mấy tên mỹ trắng nói xấu người da vàng vì tưởng là người Tàu. Thậm chí còn đánh người da vàng. Nói chung thì Hoa Kỳ vẫn khá hơn các quốc gia mình đã từng sinh sống hay viếng thăm. Ở đâu cũng có kỳ thị. Ngay người Việt mình ở hải ngoại, còn kêu người Bắc sau 75, trước 75, đủ trò. Họ không nhìn như qua hình ảnh người Việt mà qua ký ức. Người việt sang Hoa Kỳ, từ miền Bắc, cũng chạy Việt Cộng, hạ cánh an toàn. Hợp thì chơi còn không thì khỏi cần.


Con người có tự do thì xã hội sẽ loạn vì không ai nghe ai. Từ đó mới có các thể chế, tôn giáo ra đời để ổn định xã hội. Lưu Bang khi xưa, không xem Khổng Tử ra gì. Nhưng khi lên ngôi vua, phải dùng đến Khổng giáo để trật tự xã hội sau biết bao nhiêu can qua và giữ triều đại họ Hán đến hơn 400 năm.


Ông Moise dẫn các nô lệ gốc DO Thái về quê hương, thấy họ ăn chơi, thác loạn, chả có trật tự gì cả nên ông ta phải mò lên núi, bỏ mấy ngày, đẽo đục 10 điều răn cấm, kêu là Thượng Đế hiện ra đưa cho ông ta đem về để giúp mọi người nương theo đó mà sống một cuộc đời hạnh phúc. Tương tự hoàng đế La mã, Constantine, vào đạo Thiên Chúa giáo để tìm cách cai trị đế chế của ông và tôn giáo này bền vững đến nay. Có lẻ trong tương lai nếu không cải cách thì Thiên Chúa Giáo sẽ lâm vào lộn xộn. Về Âu châu mình thấy nhà thờ bị bán cho các nhà đầu tư làm siêu thị hay nhà sách, tiệm cà phê.


Ý chí tự do không phải là một thực tế khoa học. Có người cho rằng ý chí tự do được mấy nhà thần học Thiên Chúa giáo tạo ra để giải thích lý do tại sao Thượng Đế có quyền phán xét và thưởng chúng ta vì các chọn lựa, quyết định của chúng ta phản ánh ý chí tự do của linh hồn Vĩnh cửu, vì khi rời cỏi đời này chúng ta sẽ lên thiên đàng. Nếu không sẽ xuống địa ngục. Họ phải tạo ra định đề này, dựa vào ấy mà giúp giáo dân sống theo những gì được giảng dạy. Tương tự người HỒi Giáo cũng từ nguồn gốc kinh Tora ra nhưng họ lại lập một giáo chủ khác. Thế là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo choảng nhau từ hơn ngàn năm nay.


Mấy người mỹ, muốn kêu mình trở về đạo vì khi chết được lên thiên đàng. Mình nói không muốn lên thiên đàng vì sẽ gặp mấy bà bồ cũ hay đồng chí gái, đánh nhau thì mệt. Họ nói trên đó sẽ không có vụ lấy nhau. Mình không muốn làm thiên thần, ở truồng bay vòng vòng trên thiên đàng, lạnh chết. Dưới địa ngục, ít ra còn có bia ôm, cà phê võng,..và Bolero.


Đúng. Con người chúng ta có ý chí nhưng không được tự do. Chúng ta không quyết định được những gì chúng ta muốn, không quyết định là người Mỹ, người Việt, bò đỏ hay bò vàng,.. chúng ta có thể lấy quyết định nhưng các chọn lựa này không bao giờ được độc lập. Các quyết định này đều dựa vào các yếu tố sinh vật học, xã hội, văn hóa, điều kiện cá nhân. Chúng ta không thể nói người da đen mà phải nói người mỹ gốc phi châu, người Mỹ gốc việt. Có rất nhiều ảnh hưởng đến sự quyết định của mình. Chúng ta không có độc lập trong sự chọn lựa. Một người việt ở Việt Nam, sẽ ứng xử khác với người Việt tại Hoa Kỳ hay Pháp quốc,..dựa theo địa lý và văn hoá của môi trường.


Hôm qua trên vườn, đang hái bơ mình thấy con rắn, không phải rắn chuông nên không ngại. Mình không đụng hay lấy xẻng đập đầu của nó. Lý do mình là phật tử, từ bé mệ ngoại dẫn mình đi chùa vào ngày rằm và mồng một, dạy mình không nên sát sinh. Mình không có độc lập lấy quyết định không giết con rắn, vì những ảnh hưởng khác tác động mà mình không thể kiểm soát được. Chỉ nhớ là mệ ngoại dặn không được sát sinh. Nhớ có lần đi ăn thịt chó ở nhà thằng bạn, về nhà mệ ngoại la quá cở nên chừa.


Cho nên khi người ta kêu gào dân chủ, thế giới đại đồng bú xua la mua, mình không tin. Nhớ có lần đi ăn tiệc gây quỹ ở New York, mình ngồi cạnh ông Dith Pran, Killing Fields. Nghe ông thượng nghị sĩ Ted Kennedy nói : ‘Nhân quyền khởi đầu tại nhà”. Nhà mình thì có dân chủ tập thể. Mỗi lần cả nhà đi ăn vào cuối tuần. Đồng chí gái hỏi mấy đứa con và mình muốn ăn ở đâu. Ai cũng nói lên nguyện vọng của mình nhưng cuối cùng đồng chí gái lấy quyết định ăn ở đâu. Khi ăn thì đồng chí gái hỏi mọi người muốn ăn gì rồi gọi những món đồng chí gái thích ăn. Mấy đứa con hỏi tại sao mất thì giờ hỏi chúng khi mẹ đã quyết định. Đồng chí gái kêu chúng ta sinh sống tại Hoa Kỳ, nên phải hỏi ý kiến mọi người theo tinh thần dân chủ tập thể. Mẹ là người quyết định. Chán Mớ Đời 

Trong cuốn sách Bố Già của Mario Puzzo, có nói đến nhân lễ cưới của con gái ông bố già. Một ông đồng hương làm nghề liệm xác, trại hòm, đến dự, để xin bố Già lấy lại công lý cho con gái ông ta bị bọn mỹ trắng đánh đập. Ông ta kiện ra toà, nhưng toà án toàn là bọn da trắng Angelo Saxon, xem thường người ý nên không bị tù tội gì cả. Ông Bố Già, cho đệ tử đi chận đầu mấy tên da trắng đánh đập con gái ông Trại hòm, đánh bể mặt, gãy chân để đòi lại công lý. Công lý thuộc về kẻ mạnh và định nghĩa khác nhau.


Đối với người da trắng không bị tù vì lỡ tay khệnh cô gái gốc ý, không muốn làm tình với họ là đúng. Đối với các tay xã hội đen thì đánh mấy tên xúc phạm đến cô gái ý là lấy lại công lý. Ai đúng ai sai? Khó trả lời.


Ý chí tự do là một huyền thoại. Cứ xem lịch sử về Inquisition được áp dụng bởi nhà thờ Thiên CHúa Giáo khi xưa, mà hoạ sĩ Goya có kể lại trên các tranh của ông ta hay KGB hay KKK. Anh không tin CHúa vậy anh bị ma ám, quỷ nhập. Anh không tin vào thế giới đại đồng là anh bị bệnh tâm thần cho anh vào nhà thương điên. Anh là da đen vậy anh là hiện thân của quỹ dữ mà thánh kinh đã nhắc đến, anh phải bị cột vào thánh giá để đốt cháy vì lửa sẽ thiêu hủy các quỹ dữ. Anh là da vàng, phải trừ khử anh vì anh đem bệnh covid đến cho chúng tôi. Chán Mớ Đời 


Ngày nay, tin tưởng vào ý chí tự do trở thành nguy hiểm. Nếu chính phủ và các công ty thành công việc hack con người thì họ càng dễ điều khiển những ai càng tin vào ý chí tự do.


Viết đến đây, mình nhớ đến một cuốn phim xem ở Luân Đôn. Một bà người anh, vào tiệm uốn tóc, đưa hình công nương Diane, và kêu làm tóc cho bà ta, biến thành công nương Diane. Đó là ý chí tự do. Vì nếu bà ta bị ảnh hưởng bởi bạn bè thì sẽ không dám nói câu đó vì bà ta rất béo tròn. Khiến cả rạp cười vỡ chợ.

Muốn hack con người, người ta cần 2 thứ: hiểu rõ về sinh vật học và máy điện toán cực mạnh. The Inquisition và KGB xưa kia không có hai thứ này. Ngày nay các công ty và chính phủ đều có hai thứ này.

Khi đã hack được chúng ta, họ có thể tiên đoán chúng ta sẽ chọn lựa món gì, và thay đổi sự cảm nhận của mình. Khi lên mạng, quảng cáo tới tấp khi mình dừng lại hay xem hay đọc cái gì là y chang lần sau lên mạng là nhận được quảng cáo về món này. Tuần rồi, mình muốn thay cái vòi nước ở nhà bếp, vị chi là cả tuần nay cứ thấy quảng cáo về vòi nước. Vợ mình dùng tài khoản Amazon của mình để mua hàng nên mình biết ngay là vợ đang hay đã mua cái gì vì quảng cáo chạy khắp trang.


Điển hình khi mình lên mạng, lướt mạng bổng thấy tin: “xe cán chó”, buồn đời mình nhấn một cái để xem cùng lúc đó vợ mình cũng cùng IP lên mạng thấy “tin đánh ghen” nên nhấn vào. Hai tin này đều fake news, nhiều tên muốn thiên hạ nhấn trang của họ để được ăn tiền quảng cáo nên làm tin giả để câu Like. Hai tin trên có thể do Nga làm, hay Hà Nội tung ra nhưng đó là bằng chứng chúng ta bị hack. Mình hay đọc nhiều tin trên mạng, thấy có nhiều người viết đủ thứ, ngày nào cũng 3, 4  status, thậm chí cả chục cái tin dật gân. Mới khám phá ra họ cứ phang tin bậy bạ để câu Like nhằm được trả tiền quảng cáo trên trang của họ. Đành phải chận họ, không cho nhảy vào trang của mình.


Bầu cử đều được kỹ thuật toán sử dụng để quảng cáo vùng nào, và tung tin giả. Anh thích Trump thì mỗi ngày, quảng cáo sẽ bắn tin về Trump cho anh. Anh đọc thấy hay quá, chia sẻ với bạn bè, họ sẽ bị hack. Để rồi đến ngày bầu cử, cử tri mới chới với khi đếm phiếu. Kêu gào là gian lận. Có thể đúng có thể sai. Không ai biết ngoài những người trong cuộc. Lên mạng, họ biết mình thích đọc gì là cứ bắn tin tức về mấy đè tài đó khiến mình phải nhấn đủ loại để máy chả hiểu mình muốn gì mới mong yên bình, tìm tin tức. Chán Mớ Đời 


Anh thích Biden, anh ghét Trump tương tự họ bắn quảng cáo, tin giả về Biden khiến anh chia sẻ với bạn bè. Anh thích Biden, họ sẽ bắn tin tức giả về Trump cho anh, thế là đối thoại xẩy ra, càng giúp họ làm giàu. Chúng ta được sự hả hê phe ta thắng, phe ta giỏi đến ngày bầu cử là Chán Mớ Đời.


Thôi để lên vườn hái bơ bán rồi về kể tiếp. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

4 năm đại học, một đời trả nợ

Sau đệ nhị thế chiến, các cựu quân nhân trở về từ chiến trường, chính phủ Hoa Kỳ ra đạo luật G.I. Bill, giúp cựu quân nhân, được mượn tiền đi học đại học, tạo dựng cuộc sống mới, có tương lai nhiều hơn. Nhờ học phí rẻ nên cựu quân nhân đi học thêm và tạo dựng giấc mơ Hoa Kỳ. Có bằng đại học, họ được lương cao, có cuộc sống khá hơn cha mẹ họ. Từ đó hình ảnh học đại học để thoát nghèo, vươn lên giai cấp trung lưu được sinh sôi nẩy nở trong xã hội Hoa Kỳ. Mình nghe mấy người Mỹ vào tuổi bố mẹ mình kể rằng lúc họ còn trẻ, nhà bố mẹ họ không có cầu tiêu trong nhà, phải đi ra ngoài và múc nước giếng để dùng,…

Hình ảnh giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) được phổ biến khắp thế giới trong cuộc chiến ý thức hệ với khối cộng sản. 1 gia đình mỹ sỡ hữu một căn nhà, một chiếc xe, tủ lạnh, máy truyền hình, điện thoại gắn trong nhà. Lái xe đi ăn hamburger ở MAcDonalds,…
Giấc mơ Hoa Kỳ và cuộc sống trong ác mộng Hoa Kỳ 

Từ tiểu học, học sinh đã được cấy vào đầu về giấc mơ Hoa Kỳ, theo đuổi mộng ước của mình Follow your Dream, để rồi sau khi tốt nghiệp đại học, chạm đụng thực tế. Bằng đại học được gọi là “bằng thừa”, phải kiếm việc làm vớ vẩn và trả nợ tiền đại học. Lúc đó mới gọi là Ác Mộng Hoa Kỳ.

Học hết trung học, người ta không hỏi đi học tiếp lên đại học hay không mà hỏi đại học nào, xem như học đại học là chuyện tất nhiên. Không ai nghĩ đến thay vì học chữ, học sinh có thể chọn một cái nghề để học, kiếm cơm sau này thay vì học chữ. Ở Âu châu, nếu không lầm, xong trung học đệ nhất cấp, thi trung học rớt thì chọn nghề, có trường lớp của chính phủ dạy ra làm thợ tiện, thợ ống nước,… ai học giỏi thì học tiếp lên đại học. Ở Hoa Kỳ, không có chương trình này, khiến giới trẻ không thích học chữ, chán nản, mất 3 năm học trung học đệ nhị cấp rồi không vô đại học. Mình có xem một chương trình đức ngữ, họ nói đến vấn đề này nên ở Đức có những trường huấn nghệ. Đà Lạt khi xưa, có trường dạy nghề này, gọi Lasan Kỹ Thuật.

Có sự ganh đua ở trường, để xem ai được nhận vào đại học danh tiếng, nên con cái từ bé đã phải theo chế độ học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm, chơi các môn ngoại khoá như thể thao, đàn địch, tham gia công tác xã hội. Không phải vì sự đam mê của mình mà để lấy điểm, nộp vào đại học. Tạo dần thói quen con nít ở Hoa Kỳ làm gì cũng với mục đích, không phải vì cái tâm hay sự yêu thích của mình. Đi giúp đỡ người nghèo vô gia cư là để lấy điểm để vào đại học. Nhất là những ai theo các ngành y khoa, nha khoa…. Rất giả tạo.

Như mình đã kể, tổng thống Obama ký sắc luật; chính phủ liên bang cho mượn tiền học đại học khiến các đại học nổi tiếng hưởng được nhiều lợi lộc hơn và tăng giá học phí vì họ không sợ bị xù nợ. Cựu sinh viên có xù thì chính phủ vẫn trả cho họ và nhiều hơn. Hàng năm mỗi trường nhận đâu 10,000 tân sinh viên mà có đến 40,000 đến 50,000 đơn xin vào trường.


Cái mất dạy là họ nhận khá nhiều sinh viên cho các môn vớ vẩn còn nhận sinh viên học kỹ sư thì rất ít, xem như lấy tiền của sinh viên được nhận vào các môn văn khoa, xã hội để trả tiền cho mấy tên học kỹ sư.


Các sinh viên không được dạy về tài chánh cũng như bố mẹ, ham muốn cho con mình được vào trường đại học danh tiếng nên gồng mình để trả nợ. Miễn sao là có thể đội cái mũ hay bận cái áo, cho mọi người biết con tôi học trường này trường nọ. Họ lại quên là khi người ta biết con mình học trường này trường nọ là cho mình ngu, tốn tiền. Còn khoe có học bổng, tưởng được nhà trường cho $5,000 học bổng, nhưng họ lấy $50,000 như bớt 10% giá hữu nghị. Mình gặp nhiều người quen, cứ kêu con tôi được học bổng, quên nói có mấy trăm hay mấy ngàn, so với 5, 6 chục ngàn phải đóng mỗi năm.


Năm 2019, tờ Business Insider và công ty Morning Consult làm một cuộc thăm dò. Họ hỏi 4,400 người Mỹ có nợ đại học từ tuổi 22 đến 37. Cuộc thăm dò cho biết 44% cho biết tiền đóng đại học không đem lại lợi nhuận như họ mong muốn, phí tiền. 53% cho rằng xứng đáng. Những người nào còn đang trả nợ thì càng te tua so với những ai đã thanh toán xong nợ đại học.


Theo giáo sư Richard Vedder, đại học Ohio, tiền bạc và thời gian đầu tư cho văn bằng đại học, giảm bớt giá trị so với trước đây. Lý do là lệ phí gia tăng, quá tốn kém so với lương bổng khi ra trường. Điển hình 4 năm đại học đóng $80,000/ năm, 4 năm là $320,000. Nếu không đi học, dùng số tiền đó để cho vay 12%/ năm thì mỗi tháng được $3,200, thuế ít hơn là đi làm, mỗi năm được $38,400, tương đương với số lương ra trường với ngành vớ vẩn.


Mình có người cháu, học không thông suốt lắm, không học đại học đi làm rồi mở một công ty bán cái đồ lượm kít chó, nhập cảng từ Trung Cộng. Người Mỹ nuôi trên 70 triệu con chó, mỗi ngày phải dẫn chó ra ngoài để đại tiện 2 lần. Họ lười cúi xuống bốt kít chó để bỏ vào thùng rác nên họ nghĩ ra cái đồ lượm kít chó. Thằng cháu cứ mua về bán. Sau có người mua giá 9 triệu đô. Nó mua một căn nhà 1.8 triệu. Nay 30 tuổi thất nghiệp, đi lòng vòng chơi. Đang nghiên cứu xem có cái gì hay để mua bán lại. Cô chị và chồng cũng mua bán trên mạng, mới bán công ty nghe nói đâu 27 triệu. Mua nhà cho thuê. Nay 40 tuổi thất nghiệp cứ đi chơi khắp thế giới. Trong khi mấy người bạn của mình học chết bỏ, ra trường nha sĩ, y sĩ than không đi đâu được vì phải mướn người mà mướn người thì xem là lỗ vốn. Chán Mớ Đời 


Nếu bỏ $80,000 mỗi năm mua được một căn nhà, giá $500,000, cho thuê được $3,100/ tháng. Làm tính ra sao. Mỗi tháng đóng $2,216.91, thêm thuế địa trạch và bảo hiểm là $600/ tháng. Tổng cộng là $2,816/ tháng. Sau 4 năm nhà lên $700,000 là ngon đơ.

Giấc mơ Hoa Kỳ được xây dựng trên tự do và cơ hội. Ngày nay, nợ nần đã phá vỡ tự do và hạn chế cơ hội. Sinh viên tốt nghiệp ngày nay kiếm việc không ra, lại mang nợ đầy đầu. Họ phải cạnh tranh với khắp thế giới. Làm sao một kỹ sư mới tốt nghiệp, có thể cạnh với lương một kỹ sư ở Trung Cộng hay Ấn Độ. Công ty mỹ chỉ mướn một số kỹ sư ở Hoa Kỳ, còn bao nhiêu việc chính, họ mướn kỹ sư ở Ấn Độ, về hành chánh thì chỉ cần nhất điện thoại lên gọi Phi Luật tân, rẻ.


Federal Reserve Bank của New yOrk có làm nghiên cứu thì khám phá ra từ 2009 đến 2017, thời gian ông Obama làm tổng thống, nợ đại học của sinh viên gia tăng gấp đôi, nhờ luật của ông ta ký. Số lượng người Mỹ vào tuổi 27-30 làm chủ căn nhà suy giảm rất trầm trọng, giảm 35%. Hoa Kỳ trở thành một nước như ở Âu Châu, chỉ đi mướn nhà giúp chủ nhà giàu thêm, đời này qua đời sau.


Federal Reserve Bank kết luận là nếu không bị mắc nợ đại học, sẽ có thêm 360,000 người Mỹ sở hữu chủ một căn nhà. Thế hệ con cháu mình sẽ khó mua được nhà vì giá nhà lên như điên và ngày nay, ở Cali, người ta xây chung cư cho thuê nhiều hơn.


Năm 2017, sinh viên nợ đại học lên đến 1.4 ức đô la và 4 năm sau lên đến 1.6 ức đô la. Có cặp vợ chồng quen, chồng là nha sĩ, vợ là dược sĩ, kêu tụi em có một căn nhà khác nhưng không được ở. Họ muốn nói đến cái nợ đại học của họ, mượn tiền để đi học, nay phải đi làm còng lưng ra trả trong vòng 30 năm như mua một căn nhà. Cái mất dậy là tiền trả nợ đại học chỉ được khấu trừ thuế có $3,000/ năm.


Ai mà chậm trễ hay thiếu nợ chưa trả được thì sẽ gặp nhiều vấn đề như bị rút bằng lái xe, hay bằng thành nghề. NEw York Times có Loan tin 8,700 trường hợp bị rút bằng vì không trả tiền nợ đại học như trường hợp một cô y tá ở Nashville bị bệnh, không đi làm được nên không đóng tiền trả nợ đại học, bị rút bằng hành nghề y tá. Thế là ngọng. Không có bằng thì làm sao đi xin việc.


Người Mỹ trẻ đi học đại học để có một tương lai sáng sủa hơn nhưng nợ nần đã che khuất nẻo tương lai của họ. Có chị bạn chuyên giúp thiên hạ mượn nợ ngân hàng cho khách hàng, kể một luật sư mới ra trường muốn mua một căn nhà nhưng có cái nợ đại học gần $300,000 nên ngân hàng từ chối. Mình có thằng cháu ra trường nha khoa với cái nợ $500,000. Vợ là y tá nhưng chưa mua được nhà.


Ông Biden ra tranh cử với khẩu hiệu xoá nợ cho sinh viên khiến mình nhớ đến trường hợp bà Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ ra tranh cử tổng thống cũng lên tiếng xoá nợ cho sinh viên. Chương trình của bà ta là xoá $50,000 tiền nợ đại học cho những gia đình nào có lợi tức dưới $100,000 trong khi ông Sanders thì xoá nợ hết, bất chấp lợi tức. Hoan hô chủ nghĩa cộng sản. Chỉ cho ai theo cộng sản đi học, còn thì đi cuốc đất.


Khi đang tranh cử ở Iowa, bà Warren được một cử tri đến hỏi. Con gái tôi mới xong đại học. Tôi để dành tiền để trả học phí cho con gái tôi. nay nếu bà cho xoá nợ vậy tôi có được hoàn tiền lại không. Bà Warren nói không. Ông ta nói, vậy bà chỉ xoá nợ cho những người không tiết kiệm còn những người chân chính, lương thiện như tôi thì ăn cám. Bà thượng nghị sĩ không có câu trả lời cho ông cử tri này. Hoan hô thế giới đại đồng. Người tiết kiệm đóng thuế nuôi người tiêu xài. Chán Mớ Đời 


Năm 2021, đảng dân chủ làm áp lực để ông BIden ký sắc lệnh xoá nợ cho mọi sinh viên, ngay cả ông Schumer chủ tịch thượng viện nhưng bà Pelosi, chủ tịch hạ viện lên tiếng là ông ông Biden không có quyền. May là bà này chống lại áp lực nếu không thiên hạ tha hồ mượn tiền đi học rồi không trả. Rồi họ mượn đủ thứ, bầu cho đại biểu quốc hội làm luật xù nợ hết và Hoa Kỳ trở thành phá sản.


Giá cả của nền giáo dục đại học quá cao. Các đại học tìm cách chiêu dụ sinh viên bằng cách xây đủ thứ trò. Thậm chí qua vụ Covid, sinh viên phải học ở nhà, phải đóng tiền đủ thứ cho đại học dù không được sử dụng như hồ bơi,… trong khi mấy người bỏ đại học như ông Bill Gates, Steve Jobs lại trở thành tỷ phú.


Năm 2020 đại học Temple Fox School of Business and Management bị phạt $700,000 vì đưa tin tức giả để giúp được lên hạng trong U.S. News World Report. Hàng năm, phụ huynh rất quan tâm và đọc bản báo cáo này để chọn đại học cho con mình.


Mình nghĩ nếu làm lại thì có lẽ mình sẽ cho mấy đứa con về Pháp học đại học. Các đại học có các lớp bằng anh ngữ cho các dân khác trong Liên Hiệp Âu Châu. Bên tây học không phải đóng tiền. Nghe anh bạn ở Ý Đại Lợi kêu có người cháu sang du học. Năm đầu thì đóng năm sau thì chính phủ Ý Đại Lợi cho học bổng luôn, không như thời anh ta đi học, chả được một xu. Mình thì may mắn được học bổng của chính phủ Pháp nên qua cầu được.


Vấn đề là học bên tây chỉ cho rớt một năm. Rớt thêm một năm là ra cửa. Mình có hai đứa cháu đều được nhận vào đại học Pennsylvania. Mình chúc mừng vợ chồng cô em nhưng thương cô em sẽ phải cày 2 job để củng cố đời con vì không được học bổng gì cả. Con mình được nhận vào trường danh tiếng là mình rầu. Nói học hai năm đại học cộng đồng, rồi xin vào trường lại nhưng chúng đâu chịu. Chán Mớ Đời 


Mình thì thấy học thầy không bằng tự học. Những gì mình học ở trường chả giúp gì mình cả, chỉ những kiến thức mà mình tự học sau này mới giúp mình thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn



 

Tiên học phí hậu trả nợ

Có chị bạn kể bà chị hy sinh đời mẹ củng cố đời con, đi làm công nhân, lấy tiền hưu trí để trả tiền cho cô con gái học đại học. Nay cô ta lấy chồng mỹ trắng nên cảm thấy mắc cỡ vì mẹ mình nói tiếng anh bồi với gia đình chồng. Chán Mớ Đời 

Mình nghĩ chỉ có người á đông mới làm kiểu này, hy sinh đời bố củng cố đời con, hy vọng sau này, về già con cái sẽ nuôi mình. Đến khi đọc báo Wall Street Journal, khám phá người Mỹ, tương tự hy sinh đời bố củng cố đời con. Nhiều người lấy quỹ hưu trí của mình để trả tiền cho con đi học mà nay đã qua tuổi hưu trí vẫn tiếp tục đi làm những việc tay chân để tiếp tục trả nợ cho con hay nợ đại học của mình. Không nên làm như vậy ở xứ này. Như thể bán lúa giống để nuôi con học đại học. Con học xong thì mình hết lúa giống. Xong om.

Con họ học mấy ngành vớ vẩn tốn tiền, ra trường không kiếm việc được hay làm nghề vớ vẩn, lương không đủ sống thì sao có thể giúp họ trả nợ. Ở đời có hai cái đầu tư lớn nhất là đi học kiếm cái nghề và mua căn nhà làm tổ ấm. Thường chúng ta không hiểu rõ, nên cứ nghe bạn bè, trường học quảng cáo nên chạy theo. Học ra cử nhân, kiếm không được việc, chúng lại kêu học cao học lại tốn thêm tiền. Học cao học thì không nhận được tài trợ chính phủ. Ra trường các ngành như y khoa, nha khoa còn kiếm tiền được để trả nợ còn các ngành khác thì ngọng. Nha khoa hay bác sĩ mà không chuyên khoa thì lương cũng không cao. Học chuyên khoa thì lại thêm tiền. Thằng cháu mình ra nha chuyên khoa về nha khoa, nợ gần nữa triệu đô. Chán Mớ Đời 


Báo cho biết là người Mỹ, mượn tiền đi học đại học vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, sau 30 năm vẫn chưa trả hết. Theo công ty Trans Union, trung bình họ mượn $33,800/ người. Có đâu trên 40,000 người Mỹ, về hưu, tiền an sinh xã hội của họ bị khấu trừ bởi những cái nợ họ mượn để học đại học. Tưng bừng lãnh bằng, âm thầm trả nợ.

Khi con mình lên lãnh bằng đại học, mình chỉ nghĩ về cái nợ của chúng phải trả, không tự hào gì cả. Chúng không nghe mình. Thay vì học 2 năm đại học cộng đồng, mẹ chúng cứ kêu được nhận vào trường danh tiếng nên cho học luôn, phải mượn nợ thêm 2 năm. Được cái là chúng chỉ mượn 25% học phí, còn thì được chính phủ trả vì con nhà thuần nông.

Họ đơn cử một trường hợp, một giáo sư trung học suốt 32 năm trước khi hưu trí. Khi con gái được chấp nhận vào đại học tư danh tiếng, rất đắt tiền, hai vợ chồng mượn nợ Parents Plus Loans. Vài năm sau, người con trai cũng được chấp nhận vào trường đại học khác. Họ lại mượn thêm nợ để cho con đi học.


Nay hai vợ chồng ly dị nhưng đều mắc nợ chung hơn $136,000 nợ đại học của con. Phải trả $1,100/ tháng sau khi trừ thuế và bà vợ trả $800/ tháng. Nhà cửa về lâu, cần phải sửa chửa nên ông ta phải ngưng hưu trí để đi làm lại, hầu có tiền để trả nợ cho đến khi nào ông ta đúng 80 tuổi.


Hiện nay, theo Consumer BAnkrucy Project, tỷ lệ người Mỹ trên 65 tuổi, khai phá sản đang gia tăng. Người ta có thể xù nợ thẻ tín dụng, nợ xe,… nhưng nợ mượn học đại học thì không bao giờ được xù khi khai phá sản, tương tự tiền trợ cấp cho vợ con ly dị. Do đó nợ này luôn luôn như hình với bóng đến cả đời. Ở Hoa Kỳ, có hai điều không nên làm; ly dị và trả nợ đại học cho con. Đừng bao giờ để vợ hát: “anh còn nợ em 3 tháng tiền nhà, ba còn nợ con tiền child support, anh còn nợ em…”.


Tiền học phí đại học ngày nay gia tăng nhanh hơn lạm phát. Học đại học ngày nay quá đắt nên ai đi học, đa số phải mượn tiền nợ để đi học, nhất là khi đi học về chuyên khoa như y khoa, nha khoa, luật khoa là xem như ra trường nợ ít nhất $300,000. Có anh bạn kể cô con gái mới tốt nghiệp y sĩ, anh cho biết nuôi cô ta ăn học mất cả triệu đô, nay phải mua một phòng mạch cho cô con gái nữa. Mình nghe đến là lạnh người, may là mấy đứa con không muốn học lên cao. Con nhà thuần nông, không học cao nổi.


Họ tính nuôi một đứa con tại Hoa Kỳ tốn từ khi đứa bé ra đời xong trung học là độ $300,000. Vớt thêm cái đại học nữa là ngọng. 4 năm $80,000 = $320,000 thêm 3 năm chuyên khoa nữa là đúng 1 triệu, thêm tiền ăn ở bú xua la mua.


Có cách hay nhất khi con đi học đại học. Để con mình mượn nợ, thay vì mình lấy tiền hưu trí để trả tiền học phí cho con, mượn tiền hưu trí của mình, đặt cọc mua căn nhà gần trường đại học. Để con mình ở khi đi học, cho thuê các căn phòng khác để lấy tiền đóng tiền mượn ngân hàng. Khi con học xong, bán căn hộ hay nhà, lúc đó giá nhà lên cao, lấy tiền lời trả hết món nợ con mượn đi học. Mình không thực hiện được vụ này vì nhà cali quá cao. 


Khi thằng con vào UCSD thì đúng lúc có vợ chồng anh bạn, mua nhà cho con ở đi học, nay con học xong thì mình kêu bán cho mình. Họ quên là để thêm tên con của họ, sở hữu căn nhà thì sau khi ra trường, đứa con bán thì tiền lời sẽ được khấu trừ $250,000 nên không phải đóng thuế. Mình đề nghị mua với điều kiện họ cho vay lại. Họ không phải đóng thuế tiền lời. Mình mới mua một khu thương mại với gái 4.1 Triệu, chủ bán cho vay 3.2 triệu để khỏi phải đóng thuế.


Đồng chí gái nhảy vào kêu không buôn bán gì với bạn bè cả. Đây là mình giúp hai bên được lợi nhưng mụ vợ là lãnh đạo nên phải tuân theo. Thằng con học mấy năm phải share phòng nhỏ xíu, trả $1,500/ tháng. Năm ngoái, anh bạn kêu thằng con nay học y khoa xong về thực tập ở San Diego, muốn mua nhà mà đắt quá. Phải chi cách đây 10 năm, bán cho mình thì nay mình bán lại với giá hữu nghị. Chán Mớ Đời 


Con gái đòi học USC , trường học đắt tiền nhất Hoa Kỳ, đồng chí gái nhất trí với con gái, mình chạy kiếm nhà để mua ở gần trường. Hỏi ra nó chỉ học ở Hoa Kỳ có một năm còn 3 năm kia là đi Âu. Châu và á châu học. Thế là ngọng, không thực hiện được giấc mơ học đại học Hoa Kỳ, không phải trả tiền.


Có đạo luật mang tên Bankrupcy Abuse Prevention and Consumer Protection Act of 2005 (BAPCTA) được ra đời trước khi khủng hoảng tài chánh 2008. Các ngân hàng chuẩn bị trước, không muốn bị thiên hạ quỵt nợ nên lobby cho ra đời cái luật này. Các cơ quan cho vay tiền lobby các đại biểu quốc hội để cản trở mọi người xù nợ, mượn của họ và được ông Bush con ký. Khi tốt nghiệp, bắt đầu trả tiền nợ thì người Mỹ gửi tiền cho những công ty “Loan servicing” như Navient, FedLoan, Sally Made,.. các công ty này được trả tiền để lấy tiền của người mượn nợ nên chả để ý gì cả về hoàn cảnh của người mượn nợ. Họ chỉ muốn lấy tiền để làm tiền. 


Năm 2010, tổng thống Obama ký luật chính phủ liên bang, bảo kê các vụ mượn tiền để đi học. Đạo luật này giúp đại học tăng học phí vì họ biết chắc chắn sẽ được chính phủ trả, không như xưa. Tương tự ngân hàng cho vay nợ mua nhà rồi vài tháng sau bán cái nợ cho chính phủ. Các đại học tha hồ tăng giá học phí nhất là các sinh viên ngoại quốc xin vào học và trả học phí rất cao. Các đại học, không nhận hay hạn chế nhận sinh viên của tiểu bang để nhận sinh viên ngoại quốc hay ngoài tiểu bang vì có thể lấy thêm tiền tối thiểu $20,000/ năm.


Được biết mỗi năm có đến 270,000 sinh viên du học từ Ấn Độ, 300,000 từ Trung Cộng, chưa kể mấy nước khác. Mỗi sinh viên ngoại quốc đóng $80,000/ năm. Kỹ nghệ giáo dục của Hoa Kỳ rất lớn và họ quảng cáo kinh hoàng. Đến viếng trường, khi con mình được chấp nhận, họ mời gia đình ăn uống sang trọng khiến mình, nông dân như mình cảm thấy tốn tiền, còn con và vợ mình thì thích lắm. Có cặp vợ chồng bạn, con muốn đi học tiểu bang khác, đóng $80,000/ năm. Kinh


Mình khi xưa, học trường kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới, làm việc cho các công ty kiến trúc danh tiếng thế giới từ Âu châu sang Hoa Kỳ, rồi cũng làm nông dân nên nghĩ học trường nào, miễn có kiến thức 1 chút rồi đi làm nông dân. Khoẻ đời.

Sinh viên cũng như bố mẹ ít ai hiểu rõ về mượn tiền đi học nên cứ nhắm mắt ký đại vì đã được nhận vào trường. Mình muốn con mình học 2 năm đại học cộng đồng, sau đó xin chuyển trường vào đại học danh tiếng. Xem như tiết kiệm được 2 năm học phí vẫn được tốt nghiệp đại học danh tiếng. Vấn đề là khó nói chuyện hay bàn vụ này với đồng chí gái hay con. Con mình đi học 4 năm, 3 quốc gia, đi viếng 14 quốc gia. Chỉ biết móc túi trả tiền, chỉ biết khóc cho vơi đi những nợ nần, đời cha đấy, không cần dĩ vãng, chỉ cần trả nợ cho con.

Có một bà mỹ kể là về mặt tài chánh bà ta có thể về hưu thoải mái nhưng một người bạn, ly dị. Mất nhà mất việc, ông chồng không chu cấp, lại dính cái nợ đại học trên $150,000. Bà ta sống với bố mẹ. Nay bố mẹ phải vào viện dưỡng lão nên phải bán nhà. Bà ta không có chỗ nào để ở nên năn nỉ cho bà về ở chung.


Vào tuổi 60 mà vẫn còn nợ $150,000 đại học. Tại sao bỏ một số tiền đi học vớ vẩn. Nếu để học ngành về kỹ thuật hay y khoa, nha khoa thì còn hiểu vì có khả năng làm tiền nhiều sau này. Mình nói chuyện với hai vợ chồng nha sĩ và dược sĩ quen trước khi lấy vợ. Họ nói tụi em có một căn nhà mà không được ở. Họ muốn nói đến mấy cái nợ họ mượn để học dược khoa và nha khoa tương đương nợ một căn nhà tại Cali. Trả 30 năm. Mình có thằng cháu tốt nghiệp nha khoa, nợ gần nữa triệu đô la. Chán Mớ Đời 


Có cặp vợ chồng quen, con được vào trường ở Seattle, là người ngoài tiểu bang nên phải trả thêm $20,000, khiến tiền học lên $80,000/ năm. Nay phải mua một căn hộ để sang năm có thể kêu là người của tiểu bang để bớt $20,000 cho mỗi năm còn lại. Kinh


Số báo Wall Street Journal tháng 7, 2021, cho biết các sinh viên đại học Columbia ở New York, về điện ảnh, mắc nợ trung bình mỗi người $181,000. Ra trường phân nữa tốt nghiệp có lương bổng đâu $30,000. Có một sinh viên mắc nợ đến $360,000, được một việc làm ở HOllywood, với lương $50,000/ năm. Thợ mình làm tối thiểu $200/ ngày, nhân 20 xem như làm $4,000/ tháng hay $48,000/ năm. Còn thợ mộc chính thì $350/ ngày, xem như $70,000/ năm. Chả học hành gì cả.

Tại sao phải ghi danh học đại học để mắc nợ. Vì muốn chứng tỏ mình xuất thân đại học danh tiếng. Cái tiếng nó kèm với cái nợ, càng danh tiếng càng nợ nhiều. Mình có mấy người bạn tốt nghiệp đại học danh tiếng Hoa Kỳ nhưng đa số không thành đạt lắm, mắc nợ đủ trò.


Mấy người thành đạt mình quen đều học chưa xong trung học. Nhớ có tên quen, người Phi luật tân kể, đời sinh viên hắn chỉ có một ngày. Vào lớp đầu tiên, giáo sư kêu phải học hành chăm chỉ, vào lớp vì ông ta ghi danh, làm bài tập,… hắn hỏi nếu tôi theo lời giáo sư thì chừng nào mới được lãnh lương một triệu đồng một năm. Ông giáo sư ngọng. Ngay ông ta làm chưa đến $100,000/ năm dù có tiến sĩ, cách đây 30 năm rồi. Thế là hắn bỏ học đại học, và tự hào đã quyết định đúng. Lúc mình gặp hắn, độ 35 tuổi mà đã làm $300,000/ năm đi buôn bán, cách đây 25 năm.


Đa số sinh viên đâu biết gì về tài chánh nên cứ nhắm mắt ký giấy nợ, lòng tự hào được vào đại học. Học điện ảnh, ai cũng mơ trở thành đạo diễn danh tiếng nhưng một triệu người mới có một người như Francis Coppola. Mơ rất tốn tiền. Cái mất dậy là họ cứ rao rãi kêu “follow your Dream, live your nightmare”. Chán Mớ Đời 


(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn