Tuyên truyền xưa và nay?

Đọc sách và xem phim tài liệu về sức khoẻ và dinh dưỡng khiến mình thất kinh vì chúng ta sống trong một môi trường được đặt trên những giả thuyết, ý nghĩ, câu chuyện thần thoại, phỏng đoán mà thực tế chưa chắc đã đúng hay được kiểm nghiệm. Chúng ta tiến bước trong cuộc sống với những định đề như khi học hình học Euclid.

Thật sự lúc đầu, đọc tài liệu y khoa mình như bò đội nón nên phải đọc đi đọc lại thêm lấy mấy lớp về y khoa cơ bản nên dạo này, đọc không thấy nhức đầu như xưa nữa.

Hậu quả của những định đề cho thấy, những quốc gia như Đức quốc được chia ra làm hai. Một theo chế độ tự do và một chạy theo con người mới của xã hội chủ nghĩa, tiến lên thế giới đại đồng. 45 năm sau, hai định đề đưa đến kết quả khác nhau, cuối cùng thì họ nhận ra được sự ngu ngốc của họ, sát nhập lại một như xưa. Cận đại chúng ta thấy từ 70 năm qua, xứ triều Tiên được chia cắt làm hai. Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận sự khác biệt của hai dân tộc, một tiếng nói đã đưa người dân của họ đến Thiên Đường Mù, suy tôn lãnh tụ.

Con người biết phát minh ra chữ viết, giúp truyền tụng nhau những câu chuyện tiếp nối đến đời sau, thêu dệt, thêm bớt nên các câu chuyện được phong phú hoá, phi thường hoá, tạo thành một ký ức tập thể, dần dần chúng ta xem đó như là một sự thật, không chối cãi. Sự thật là những gì mà tập thể đồng ý, chưa hẳn là đúng. Để tôn vinh ký ức thập thể, họ còn cho xây dựng tượng đài để hậu thế nhớ đến họ.

Mấy năm trước, mình có dịp đi thăm các nước thuộc khối Liên Xô cũ ở Âu Châu. Thấy mấy tượng đài của họ bị đập phá sau khi hậu thế nhận thức rằng cha ông họ cực ngu, bỏ các tượng đài anh hùng mà cha ông họ bỏ tiền ra xây dựng dù thiếu bánh mì, đói khát dù đã làm người mới xã hội chủ nghĩa qua mấy chục năm. Ký ức tập thể của một thời đại nào đó, có thể sai và có thể đúng vào thời cuộc, mốc thời gian đó nhưng hậu thế lại cho là không.

Khi xưa, các trường học cho nghỉ học vào ngày Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu nhưng ngày nay, thế hệ trẻ ghê tởm, đả phá những gì Kha Luân Bố đã thực hiện, thậm chí còn muốn đập phá các tượng đài.

Đọc sử Việt, cuốn đầu tiên, chúng ta không thấy nói đến chuyện Hồng Bàng, 18 vị vua Hùng,… nhưng cuốn tiếp theo thì sử gia lại thêm vào mấy chuyện Sùng Lãm, bà Âu Cơ, Lạc Long Quân,… ở thế kỷ 20 thì chúng ta lại có những anh hùng như Lê Văn Tám,… chỉ là những chuyện bịa đặt hay phỏng theo sử của người Tàu, rồi chúng ta pha chế lại. Điển hình là chuyện Phù Đổng đánh giặc Ân. Giặc Ân trong lịch sử tàu, có đến đánh phá các vùng phía bắc Dương Tử, cách xa thủ đô Thăng Long đến trên 2,000 cây số. Người Tàu kể ông ta ăn một nồi bánh bao, rồi đi đánh giặc. Bổng nhiên lại xuất hiện trong sách sử Việt, chỉ đổi ăn nổi cơm thay vì ăn bánh bao, bắt chúng ta học chết bỏ, mơ thành ngọn đuốc cách mạng, giấc mơ Phù Đổng,…

Khi nước pháp cấm không cho uống rượu ở trường thì trình độ học lực học sinh xuống cấp.

Ông Nguyễn Du đi sứ sang tàu, ra chợ trời mua được vài cuốn sách, về nước ông ta dựa vào đấy làm lại theo chữ Nôm, khá hay, khiến thầy cô bắt chúng ta học mệt thở, rồi thầy bói, sử dụng làm bói Kiều,.. do đó mình đoán mấy ông viết sử Việt Nam, chắc cũng mò ấy cuốn sử tàu rồi chế lại để hãnh diện quá Việt Nam ơi.

Vấn đề là nếu có ai đó đứng ra kêu không phải, mấy chuyện này là xạo thì sẽ bị ném đá ngay. Họ dám phê phán ký ức cộng đồng, đã được dạy dỗ như thế. Hoá ra ký ức cộng đồng được công nhận là sự thật. Chúng ta sống trong những ảo tưởng, thuyết do ai đó dựng nên rồi chúng ta được dạy là sự thật, không sai. Tương tự ngày nay chúng ta đã chế ra được “đường mòn Hồ Chí Mình trên không gian”, được xem là quốc gia đầu tiên làm được đường mòn trên không trung như khi xưa, các phi công bắc việt, tắt máy máy bay, núp trong mây, đợi giặc lái đến bò ra bắn AK.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, có hai nhóm chính: chống và ủng hộ ông Trump, cứ lên mạng chửi bới nhau, giúp Facebook kiếm tiền quảng cáo. Họ dùng kỹ thuật toán để theo dõi những gì chúng ta đọc, ưa thích rồi bơm vào đó các tin bá vơ để chúng ta nhấn đọc. Càng đọc càng tin tưởng là mình đúng. Chán Mớ Đời 

Người bán hàng, lúc nào cũng đưa cho chúng ta hai loại để chọn lựa; A hay B. Các tay tài phiệt cũng đưa ra hai ứng cử viên mà họ đều bỏ tiền ra, để giúp cả hai tranh cử. Ai thắng cũng tốt, làm lợi cho các tay tài phiệt. Ông Biden lên, tiếp tục chống Trung Cộng, để bảo đảm quyền lợi của các tài phiệt Hoa Kỳ. Không có chi là đặc biệt.

Khi ông Gutenberg chế ra được cái máy in tạo dựng một ngành kỹ nghệ ấn loát, khởi đầu một cuộc cách mạng văn hoá, giúp tin tức, sách báo được truyền bá rộng rãi hơn. Sách bắt đầu được những kẻ biết đọc sử dụng như một công cụ, giúp họ cầm sự thật trong tay. Điển hình các sách báo được in thời đó toàn là sách nói về các mê tín dị đoan, phù thuỷ, tương tự ngày nay chúng ta yêu thích báo chí nói về các tài tử ly dị hay hoàng cung Anh Quốc. Người ta thích đọc mấy sách lá cải này nhiều hơn là đọc về Nikolas Copernicus để tìm hiểu về khoa học. Từ đó mới sinh ra một cuộc săn lùng các nhà phù thuỷ khắp âu châu.

Đa số nạn nhân là phụ nữ bị giết hại trong cuộc săn lùng phù thủy, đưa lên dàn hoả thiêu hơn mấy chục ngàn phụ nữ tại âu châu. Khi người ta hỏi lý do thì quan toà cho rằng trong sách đã nói vậy. Ai dám cãi vì dạo ấy sách tượng trưng cho sự thật. Tương tự ở á châu chúng ta tin vào hạ đồ, kinh dịch, tử vi bú xua la mua. Người ta thêu dệt về sự huyền bí của mấy món ăn tinh thần, giúp một số người thi rớt, kiếm ăn qua nghề bói toán, bốc thuốc. Nếu họ giỏi thì đã cải số của họ để đậu làm quan, giàu to. Bất khả lộ.

Ngày nay, người ta xem các hình ảnh trên YouTube rồi xem những gì người ta kể là sự thật. Khi ai kể về chuyện gì thì họ nói là đã xem trên YouTube. YouTube bổng nhiên trở thành trung tâm nắm giữ sự thật cho dù là người ta đóng kịch hay cắt ráp. Do đó mấy trăm năm trước người ta nói sách nói như vậy thì ai nấy đều tin. Phải mất khá lâu để người ta bắt đầu đặt nghi vấn ở sách vở khi trình độ tư duy dâng cao.

Người Việt chúng ta nói chuyện, hể bí là cứ đem Khổng Tử cỏn như thế này, MẠnh tử viết như thế kia cho dù họ chưa bao giờ đọc Tứ Thư Ngủ Kinh. Ngày nay, họ cứ đem Marx nói như thế nọ, Hegel nói như thế kia, để khoá mồm kẻ đối thoại. Mình đoán là mấy người này đọc, học tập sơ lược về chủ nghĩa mát xít chớ chưa chắc họ đã đọc “Tư BẢn Luận”, thậm chí bản hiến chương cộng sản…

Nhờ máy in mà đạo Tin Lành được phát triển mau khi ông Luther viết bản tuyên ngôn gắn trước nhà thờ và sau đó được in và truyền cho nhau đọc. Nhà thờ Vatican lo sợ nên đã ra lệnh làm cuộc “inquisition “ dò xét tư tưởng đức tin của giáo dân, đưa đến sự bức hại biết bao nhiêu người. Nếu không có vụ thanh trừng, củng cố niềm tin vào thiên chúa giáo thì có lẻ người âu châu đã theo đạo Tin LÀnh rất nhiều. Có những người tin vào thuyết Calvin, phải chạy trốn qua Thuỵ Sĩ hay Hoa Kỳ.

Ai lên tiếng đặt lại những vấn đề được ghi chép trong thánh kinh là phản động, bị tà yêu nhập, cần được trừ khử ngay. Thánh kinh là sự thật. Những câu chuyện không được kiểm chứng nhưng đã được ghi trong thánh kinh là chắc chắn đã trải qua. Ai ngớ ngẩn đặt lại câu hỏi thì sẽ bị trù dập. Trong cuốn “the name of  the Rose “, tác giả Umberto Eco, có kể những chuyện trong các tu viện khi xưa khá thật.

Cũng nhờ vào sự việc nhà thờ chống đối này mà con tàu Mayflower xuất hiện, đưa những người muốn có nơi yên bình để họ thờ phụng đức tin của mình, vượt biển sang đến Mỹ châu, tạo dựng một nền dân chủ trong đó ai cũng có sự bình đẳng và tin thờ đức tin của họ. Đạo Tin LÀnh ở Hoa Kỳ có trên 100 giáo phái.

Họa sĩ Goya, Tây Ban Nha có vẽ bức hoạ nổi tiếng về thời này tương tự sau này ở thế kỷ 20, Liên Xô đã bắt giam các nhà chống đối vào viện tâm thần. Anh không tin vào chủ nghĩa cộng sản là anh phản động, bị bệnh tâm thân, phải uống thuốc điên để chữa trị. 

Ngày nay, người dân âu châu không đi nhà thờ nhiều khiến các giáo xứ thiếu hụt tiền bạc phải cho thuê hay bán các nhà thờ và tu viện. Mình thấy ở Hoà Lan một nhà thờ mà mình có viếng thăm 35 năm về trước, nay biến thành một trung tâm bán sách báo như Barnes And Noble ở Hoa Kỳ hay FNAC ở bên tây.

Giới trẻ ngày nay, có tư duy khác, khi đối chiếu với kinh thánh và khoa học mà họ được giảng dạy tại nhà trường. Họ đã mất niềm tin vào kinh thánh và nhà thờ. Có lẻ họ đang theo một tôn giáo mới về bảo vệ môi trường, một định đề mới của nhân sinh quan ở thế kỷ 21.

Máy in đã giúp phổ biến đạo Tin LÀnh thì ngày nay Internet cũng đã đem lại cho thế giới một niềm tin khác.

Mấy năm trở lại đây, chúng ta thường nghe nói đến Fake News, các tin láo khoét. Trên thực tế các tin này đã có từ xưa, từ khi nhân loại biết tạo dựng những câu chuyện để kể cho nghe. Mình nhớ khi mấy đứa con còn bé, trước khi đi ngủ, chúng kêu mình mình kể chuyện cho chúng nghe. Mình kể hết chuyện thì phải chế thêm cho chúng nghe.

Fake News có từ thời loài người khởi đầu sử dụng ngôn ngữ để kể chuyện qua thi ca truyền khẩu. Ở âu châu người ta đồn về sự việc này, chốn kia, để dễ nhớ người ta tạo ra những câu văn thơ bình dân hay những bài hát dân ca để truyền tụng cho nhau. Ở Hy Lạp, Ông Homer có tài nên gom mấy bài vè, bài hát dân ca rồi tạo nên Illiad, Odyssee, khiến mấy ngàn năm sau, người ta vẫn đọc vẫn được dạy trong trường học.

Chúng ta không thể kiểm chứng được. Cứ lấy vấn đề tôn giáo xuất phát từ Âu châu. Lúc đầu, người Do Thái tự xưng mình là hậu duệ của thượng đế rồi bị quân đội Assyrie bắt làm nô lệ, đưa đi xứ khác. Tự nói sẽ có một ngày, một thiên sứ sẽ được thượng đế gửi xuống trần gian để dãn dắt họ về lại quê cha đất tổ.

Có ông người DO Thái, sinh ra tại làng Nazareth làm nghề thợ mộc, lớn lên đi giảng về đời. Có người DO Thái tin là thiên sứ nhưng có người không vì họ nghĩ trong đầu là một người nào cao sang nên từ chối. Nhóm người Do Thái tin ông Giê-su là thiên sứ nên viết lại kinh ước, gọi là Tân Ước, bỏ bớt khúc đầu. Sau này đến nhóm dân cũng sống tại Palestine, mà theo cựu ước là con riêng của Abraham, bị dòng con chính là người DO Thái ruồng bỏ nên khám phá ra một ông tên Mohamed, lại cắt một khúc đầu của Tân Ước để biên chế lại Koran, cho người theo đạo HỒi sau này.

Khi một chiếc máy bay cất cánh từ phi trường John Wayne để bay đi Hawai . Người phi công cần có lộ trình đường bay nhất là cái địa bàn. Lý do là khi bay trên không, sẽ có gió mưa thổi tạc máy bay sẽ khiến nó rời khỏi lộ trình. Nếu phi công không có lộ trình và địa bàn thì máy bay sẽ bị thổi dạt về một hướng khác và sẽ không bao giờ đến Hạ Uy Di được. Người phi công phải dùng địa bàn để điều chỉnh toạ độ, hướng đi.

Chúng ta sống trên dời, như chiếc máy bay, sẽ bị chao đảo bởi ngoại cảnh, bạn bè. Do đó chúng ta cần có một cái địa bàn, một lộ trình đạo đức, để giúp chúng ta không trở nên hung ác, làm những điều vô đạo đức,… do đó chúng ta cần thánh kinh, tân ước, Koran, kinh phật,..

Mỗi lần mình tìm kiếm một thứ gì để mua trên mạng, vị chi sau đó khi mở máy điện toán, lên mạng là thấy đầy các quảng cáo về những thứ mình đang tìm kiếm để mua. Nguy hiểm hơn là đồng chí gái sử dụng  trương mục của mình nên khi đồng chí gái tìm kiếm cái gì là mình biết ngay.

Đó là các công ty sử dụng kỹ thuật toán để theo dõi các hành vi của chúng ta để bán quảng cáo. Họ sử dụng các đấu óc thông minh để viết những phần mềm, giúp chúng ta phải nhấn để họ kiếm tiền vì mỗi lần chúng ta nhấn nút là công ty lãnh được một số tiền do quảng cáo.

Tại sao những bộ óc thông minh được chỉ định làm những phần mềm, khiến chúng ta phải nhấn nút, sử dụng avatar của họ làm ra để chúng ta lựa chọn. Dần dần kỹ thuật toán biết rõ về chúng ta hơn là cả chúng ta. Có lần mình thử trong xe, hỏi Siri “ai là vợ tao?”. Điện thoại thông minh trả lời : “đồng chí gái” khiến mình thất kinh và mừng. Nếu điện thoại trả lời là bà nào khác là chết với đồng chí gái, đang ngồi bên cạnh, mỉm cười. Bác này bắt chước em, hỏi Siri ai là vợ bác để xem nó trả lời ra sao.

Amazon biết mình đang đọc sách gì nên cứ bắn quảng cáo liên miên trên mạng. Kỹ thuật toán biết mình đọc bao nhiêu lâu thì ngưng rồi bao nhiêu thời gian mới đọc lại vì tự động chúng giữ trang mình mới đọc. Nếu mình đọc từ máy khác thì kỹ thuật toán sẽ hỏi bắt đầu trang đang bỏ dỡ từ máy kia hay là tiếp tục từ trang này,…

Trong cuốn 1984, tác giả có nói đến Big Brother, ai ngờ ngày nay còn kinh hơn nữa.

Chúng ta sống nhờ các câu chuyện do mẹ, cha kể, hay thầy cô rồi đến báo chí, tiểu thuyết, Internet,… từ đó những kẻ khôn ngoan muốn thống trị tư tưởng chúng ta nên cứ dùng những câu chuyện khiến chúng ta tin và làm theo những gì họ bảo. Họ tạo ra những thần thoại để chúng ta bắt chước theo gương ngọn đuốc cách mạng Lê Văn Tám, Phù Đổng Thiên Vương đủ loại.

Nguy hiểm là khi con người đã tin vào những thuyết và cho đó là sự thật. Điều đó mình không phản bác. Đó là quyền tự do tín ngưỡng hay niềm tin của họ. Chỉ khác là khi họ đã tin rồi quay sang tìm cách bắt mình theo ý kiến, tin vào những gì họ cho là đúng, nhất định ép buộc chúng ta phải tuân theo họ nếu còn muốn sống.

Có khi nào chúng ta tự sống cho chính bản thân, không cần muốn sống theo gương của ai, chẳng muốn học tập đạo đức của ai cả. Chúng ta sống như một người bình thường, không có một hình bóng của một vị “anh hùng “ nào đó để chúng ta phải noi theo. Chúng ta cứ lo cho chính bản thân, cơm no áo ấm. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì cuộc sống có lẻ sẽ bình yên hơn. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

21 Ngày, đơn độc trong rừng già

 Có ông lính mỹ từng tham chiến tại Đàlạt, trong trận Tết Mậu Thân gửi cho mình đường link của nhóm cựu phi công tại Việt Nam. Có một bài của ông mỹ tên Tony Spletstoser, viết về một người lính việt thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, tên Nguyễn Văn Cư hay Cứ vì không để dấu.

Ông ta kể một hôm ông Cư và ông ta nhìn mấy tấm không ảnh của rừng núi cao nguyên Việt Nam. Ông Cư đã chỉ cho ông ta biết những nơi ông ta đã từng nhảy xuống đi trinh sát. Đối với ông Tony thì rất là bao la. Ông ta hỏi ông Cư có bao giờ bị lạc trong rừng già này. Ông Cư kêu là “không” vì lực lượng đặc biệt đã huấn luyện rất kỷ về địa thế và di chuyển. Ông có thể thả tôi bất cứ ở đâu, tôi cũng có thể tìm về được. Chỉ có một lần tôi như Daniel Boone của người Mỹ, suýt bị lạc.

Ông Cư kể là cuộc trinh sát lần ấy được xem là một cuộc do thám bình thường, ở hướng tây của Vỹ Tuyến 17, cạnh Lào quốc. Mọi thứ đều bị lộn xộn ngay từ lúc mới thải quân. 

Ông Cư kể là năm 1972, đơn vị của ông ta được di chuyển tới một căn cứ mới, xa cách các tỉnh lỵ. Chỗ này trước đây là căn cứ của lữ đoàn di động 101 mỹ, thường được gọi là “LZ Sally”. Cách Huế độ 17 cây số. Họ không được rời căn cứ ngoại trừ đi hành quân.

Toán của ông ta chỉ có 4 người thôi. Sáng hôm ấy, họ được trực thăng vận để trinh sát một khu vực mà họ chưa bao giờ khám xét cả. Chỉ là rừng già và họ được cho 2 ô vuông trên bản đồ để xem xét có quân địch hay không. Mỗi toán có hai người, đi trinh sát 2 khu vực, toán của ông ta có Cường, bạn thân nhất từ thời mới vào lính, cùng được huấn luyện, xem nhau như anh em. Cả hai nghĩ chắc chỉ là một cuộc trinh sát bình thường như mọi khi.

Phi công của trực thăng “Slick” (UH-1H) phát hiện ra một hố Bom-52 trên cái đồi gần địa điểm nơi đi tuần. Phi công rất thích các hố bom này vì dễ đáp. Các hố bom này thường là 30 mét chiều ngang và 10 mét sâu. Bay trên cao chỉ thấy cây cao cả 100

Hình trên Internet

Thông thường thì các cuộc thải lính biệt kích đi trinh sát bằng trực thăng, có 2 trực thăng có súng hoả tiễn và súng đại liên để phòng bị khi có lộn xộn.

Các cấp chỉ huy không biết là bộ đội khám phá ra phi công thích những hố bom này để làm bãi đáp nên đã phục kích. Họ cho dựng một chòi canh và hoá trang với các cây bị đổ do B-52 công phá và đổ đất sét lên mái như đất phía dưới. Từ trên cao phi công không nhận ra ngay, mọi việc đều bình thường.

Khi trực thăng đáp xuống địa điểm hố bom, ông Cư vừa nhảy xuống đất thì súng từ chòi canh bắn xối xả vào trực thăng, khiến trực thăng phải lên lại, ông ta nhìn lên thì thấy Cương vẫn đứng trên cái cần  trực thăng để đáp, máu phun ra từ miệng. Các trực thăng hộ tống với súng đại liên và hoả tiễn bay lại tấn công vào chòi canh. Đó là lần chót ông ta nhìn thấy người bạn đồng đội Cương. Ông ta được đưa về bệnh viện nhưng qua đời. Sau này ông ta không có thời gian đi xuống miền nam để thăm viếng, thắp hương cho người đồng đội.

Ông Cư cho biết hồn ai nấy giữ, ông ta chạy tránh làn đạn còn phi công thì tìm cách bay ra khỏi làn đàn của địch. Ông ta bận đồ Việt Cộng nên có thể bị bắn lầm. Ông biết Việt Cộng sẽ đi lùng kiếm ông ta nên tìm cách rời xa địa điểm thải người. Công tác của ông xem như hết, chỉ còn cách trốn và đến địa điểm để trực thăng bốc đem về hậu cứ.

Các trực thăng đã đánh phá các mục tiêu nên không có ai báo cáo lại cho Việt Cộng là có ông ta đã nhảy ra khỏi trực thăng. Ông ta được huấn luyện sẵn sàng với mọi hoàn cảnh. Ông ta ở lại 2 ngày để xem động tỉnh, xem Việt Cộng có đang tìm kiếm ông ta nhưng chẳng nghe gì cả. Chỉ toàn là sương mù và ẩm ướt. 

Khi cảm thấy an toàn, ông ta bắt đầu đi theo dòng suối, vừa đi vừa nghỉ, vừa nghe ngóng. Đường rừng già rất dầy đặc khiến khó di chuyển. Ông ta di chuyển chậm trong vòng 6-7 ngày và mở đài truyền tin để bắt nối với chỉ huy.

Luật của lực lượng đặc biệt là trong trường hợp như vậy thì họ tìm kiếm 24 / 24 trong vòng 1 tuần lễ và sau đó thì 12 tiếng mỗi ngày trong vòng một tháng. Mình có anh hàng xóm đi biệt kích, bị mất tích khiến cả gia đình khóc nhưng mấy tuần lễ sau thì bắt được liên lạc với trực thăng đi lùng kiếm. Sau này đổi qua Biệt cách Nhảy Dù 81.

Sau 9 ngày thì ông ta hết lương thực và nước nên, chôn ba-lô chỉ đem theo súng đạn và máy truyền tin. Đói quá thì ông ta ăn chuối xanh và cây chuối con. Ông ta giữ áo sinh tồn? (Survival vest) . Dưới đây là chú thích của ông Tony về chiếc áo này.

The Vietnamese survival vest was of local fabrication. The Vn's built it into their `Harris Rig' harness. It had the usual pockets for AK/M16 mags, first-aid kits, pencil flares, mirror, wire saw, fishing kit, field dressings, PRC-90 radio, etc. (All of the things that came with the standard aviators survival pack.) As far as I know it wasn't an issue item for US forces, although, some of our men may have copied it.

3L-19, 0-1, "Bird Dog", a single engined Cessna fixed-wing observation aircraft. American Spec. Ops. had the luxury of having Army helicopters available for support and Team `CnC'. The Vietnamese Special Forces had to make do with the VNAF's L-19. Which really worked out quite well, with less expense.

Đến ngày 20 thì ông ta liên lạc được với cấp chỉ huy, trên máy bay Bà Già, L-19. Họ liên lạc được với nhau nhưng không định hướng được rõ vì sương mù. Ông ta báo cho chỉ huy biết là đang ở toạ độ góc của hình vuông. Cậu mình khi xưa đóng quân ở phi trường Quảng Ngải, đi trinh sát bằng máy bay Bà Già. Mình nhớ Tết Mậu Thân, máy bay Bà Già từ phi trường Cam Ly bay lên, vòng khu Số 4 rồi trút xuống bắn đạn khói rồi biến mất. Mấy phút sau thì 2 khu trục Skyraider bay lại và dội bom Napalm. Kinh

Vì sương mù nên không thấy nhau, cấp chỉ huy hỏi mật mả thì ông ta trả lời đúng, cấp chỉ huy trên không, kêu đi lại hòn đá. Sáng sau sẽ ghé lại. Mỗi tối khi đi ngủ, ông ta đều dăng dây xung quanh để ngủ vì sợ địch quân lại gần.

Hôm sau, máy bay bay lại địa điểm hẹn, rồi trực thăng thả dây cáp xuống để ông ta móc vào áo Survival rồi trực thăng bay lên kéo ông ta về căn cứ. 

Đây là cái đồ móc mà người mỹ gọi là Carabiner to từ Karabinerhaken của quân đội đức sử dụng để óc cây súng Carbine vào dây

Ông Cư cho biết quá mệt mỏi trong 21 ngày qua nên không thể đu thang được nên họ thả dây cáp xuống để móc vào áo để trực thăng bốc lên. Có một ông Biệt động Quân kể là từng được trực thăng bốc lên trong rừng già, rất nguy hiểm nhất là khi Việt Cộng bắn theo. Kinh

Ông ta phải che mặt để thở vì máy bay bay hơn 100 cây số/ giờ. Trong khi các trực thăng hộ tống quan sát để bảo vệ trực thăng cứu người. Máy bay về hậu cứ, ông ta được đưa vào bệnh viện, cởi áo quần và giày. Da thịt trong giày bị lóc ra. Được tin bạn đồng đội Cương đã hy sinh, sau này có con, ông ta đặt tên là Cương để nhớ đến người đồng đội.

Cưa bom kinh

Ông ta hỏi ông Cư là có nhớ đến các cuộc đi tuần trinh sát thành công và mọi người đều trở về an toàn. Ông Cư cười và nói chỉ nhớ những cuộc nhảy toán có bị lộn xộn còn những chuyến kia thì nhiều quá nhớ không hết.

Mình xem các phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, có nhiều người Mỹ nói lính Việt Nam Cộng Hoà này nọ nhưng khi xem các phim về các toán nhảy đường mòn Hcm thì người Mỹ rất nể sự gan dạ của người Việt. Thậm chí họ phải viết để kể cho đồng đội họ nghe.

Viết dựa theo lời kể của “con Cọp” Tony Spletstoser. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Hùm Xám vượt biển

 Nói chuyện với HÙm Xám thì anh có kể sau khi mãn tù 10 năm ngoài bắc, xuống Bến Tre tìm cách vượt biên thì tình cờ gặp lại Cò Giao. Trước 75, thanh niên Đàlạt rất sợ Cò Giao nhất là thời kỳ “Thanh Lọc” của chiến dịch Phượng Hoàng. Ông này hay đeo cái dùi cui nên thiên hạ sợ lắm. Con trai ra đường đều bị hốt về Thao Trường, để thanh lọc, xét giấy tờ và hớt tóc. Nếu mình không lầm khi đi thi tú tài, con trai phải đi khám sức khoẻ còn con gái thì không. Sau này được giải thích là họ bắt khám sức khoẻ để xem ai bị bệnh sốt rét,…đa số là từ trong rừng ra.

Thiếu tá Lê Xuân Phong, đại đội trinh sát 302, nhảy toán

Dạo ấy có nhiều học sinh ở đâu đâu về Đàlạt học, với giấy tờ giả như dân Phan Rang, Nha Trang, Đơn dương, Cầu Đất,.. nhiều tên hơn mình đến 4-5 tuổi nhưng giấy khai sinh lại nhỏ hơn đến 3 tuổi. Trong lớp có vài thần đồng như vậy, 14-15 tuổi học đệ nhất. Có tên học chung, lâu lâu thấy xuất hiện với vài tên mặt mày kinh hồn, không biết có phải nằm vùng trên rừng về. Kinh

Lính trinh sát 302 cải trang. Hình như có ông mỹ tên Cornett. Hình của Hùm Xám Đàlạt gửi.

Cò Giao và một ông khác hay lái xe mô-tô Harley Davidson, đậu trước rạp Hoà Bình để thổi xét giấy tờ thanh niên đi xe gắn máy, thẻ hoản dịch. Nhớ có lần mình chở tên hàng xóm, khai trụt tuổi chạy ngang khu Hoà Bình, bị CÒ Giao, chận lại rồi giữ tên hàng xóm lại vì giấy tờ từ xứ khác đến, chưa có giấy hoản dịch. Tên này mặt xanh như đít nhái, may mình thấy ông Ngô La, chủ tịch khu phố 1, quen ông cụ mình nên nói về gia thế tên hàng xóm. Ông Ngô La, biết bố mẹ tên này nên kêu cò Giao cho tên hàng xóm đi. Về nhà, mình bị bố tên hàng xóm chửi một trận. Không có mình là tên này vào Thao Trường, bị hỏi cung rồi. Chán Mớ Đời 

Mình nhớ lần đầu tiên thấy cò Giao, khi học 10 ème được bà cô, dẫn cả lớp ra đường Hùng Vương phơi nắng, để chào đón Ngô tổng thống đi kinh lý với đại sứ BUnker. Mình thấy hai xe mô-tô chạy trước chiếc xe huê kỳ đen, có gắn hai lá cơ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, rú còi e e , cò Giao và một ông cò khác, đeo găng tay da màu trắng, hình như tên cò Đào, chạy xe dẫn đường, mặt vênh vênh, vừa thổi còi. Sau này lớn lên thì hay thấy ông ta hay đứng ngay trước rạp xi-nê Hoà Bình, thổi phạt, xét giấy tờ thanh niên. Mình chạy xe hay tránh mấy chỗ này cho tiện cuộc đời theo tiêu chí tránh cảnh sát không xấu mặt Sơn đen. Chán Mớ Đời 

Phản hồi cho biết người đi chung với cò Giao là ông Trương Lài (Trương Lài là trung úy Cs đặc biệt ,là thẩm sát viên. Cò Giao (râu kẽm) LLTuần cảnh, nhưng thường đi với nhau để phối hợp. Ông Bài, sau này có ông Mạnh.)

Đàlạt dạo đó, tuần cảnh hay đậu xe tại nhiều địa điểm như rạp xi nê Hoà Bình, bùng binh Hải Thượng Việt Anh, bùng binh chỗ cầu Ông Đạo và trước rạp xi nê Ngọc Hiệp. Muốn vào phố là phải chạy qua những địa điểm này. Lạ là không chận phụ nữ. Mình nghe bạn học cũ Yersin cho biết có cô nào học chung khi xưa, tên Nguyệt Thu thì phải, người đặt chất nổ ở rạp xi nê Ngọc Lan, khi họ cho lính mỹ mướn. Một Võ thị Sáu Đàlạt. Kinh

Hình như khi xưa, có thời cấm ngồi xe gắn máy hai chân hai bên, phải ngồi như phụ nữ, để tránh mấy tên Việt Cộng khủng bố, quăng lựu đạn.

 Anh Phong hỏi CÒ Giao sao không đi vượt biên. Ở đây có đủ ghe thuyền mà. Cò Giao kêu và khuyên không nên vượt biên tại vùng này. Tui gốc Bến Tre mà Việt Cộng kêu là quê hương đồng khởi, công an bắt người vượt biên, gặp người thân tụi nó cũng đánh. Cò Giao khuyên tìm chỗ khác. Nghe kể dạo ấy vùng Đồng Nai có tên cán bộ công an nào bán bãi cho thiên hạ đi vượt biên. 

Mình có tên bạn tổ chức vượt biên, bị công an còng đầu rồi tên cán bộ này doạ nhốt tù, kêu hắn lên Sàigòn, cho 2 tên công an đi theo, kéo dân Sàigòn muốn vượt biên, đi ngõ hắn cai quản để bán bãi. Anh bạn kể, thiên hạ đưa vàng mua bãi, xe chở vàng nặng khiến xe 2CV bẹp xuống về đưa cho hắn. Nghe nói sau này tên này bị Hà Nội vào bắt, xử tử. Chắc không chia chác đều.

Anh chàng kêu là tên công an này làm cái giấy giả cho hắn là công an, để đi đường. Có hai tên công an thiệt, ôm súng đi kèm, sợ hắn bỏ trốn. Một hôm, hai tên công an chạy về kêu công an Sàigòn lấy súng của chúng. Hắn phải chạy đi kiếm công an Sàigòn, rủ đi nhậu để xin súng lại. Anh bạn kêu tao là công an giả mà lại đi chuộc súng cho công an thiệt. Chán Mớ Đời Lúc đi thì tên chúa trùm công an, kêu để gia đình nó đi trước, hắn ở lại, để làm thêm vài chuyến cho hắn nhưng anh bạn mình kêu ừ ừ rồi trốn dưới tàu khi đàn em hắn gọi tên. Chán Mớ Đời 

Anh Phong kể dạo ấy Liên Hiệp Quốc muốn chấm dứt chương trình tỵ nạn nên Mã LAi, Nam Dương không nhận người vượt biển nữa. Bên Mỹ, các cộng đồng người Việt biểu tình lên tiếng, chống dẫn độ về Việt Nam. May thay có tàu Cap Anamur của Đức quốc và Île de lumière của Pháp quyên tiền đi cứu người Việt vượt biển. Tàu anh được Cap Anamur cứu vớt, chở về hải cảng Hamburg, Tây Đức. Trước khi cập bến, họ có quay đài truyền hình, phỏng vấn anh Phong và được trình chiếu trên đài truyền hình đức. Mình có xem một chương trình đài truyền hình đức, kỷ niệm 20 năm con tàu Cap Anamur thấy mít và người hoa nói tiếng đức rặt.

Hai ông Cornett và Beckett đang đóng quân tại Đức quốc, xem đài truyền hình nhận ra anh ta và hai người lái xe chạy từ căn cứ quân sự mỹ lên đến cảng Hamburg. Khi tàu này cập bến thì 2 ông lính mỹ này nhảy lên tàu và ôm lấy anh Phong. Cảm động lắm! Họ kêu chính phủ mỹ bỏ rơi Việt Nam nhưng chúng tao không bao giờ quên bạn đồng đội, chiến hữu đã từng vào sinh ra tử tại chiến trường.

Tình đồng đội có cái gì thiêng liêng lắm. Bố mình khi xưa giải ngủ nhưng có mấy người bạn từng đi lính chung như chú Be, xóm Địa dư, chú Lữ, chú Thi, nhất là chú Ký, rất thân nhau, mỗi khi gặp nhau là nói chuyện với nhau từ năm Canh Thìn đến năm Kỷ Dậu. Chú Ký sau này đi tù cùng ngày và ra tù cùng ngày với bố mình.

Có lẻ vì vậy, khi đi tù, mẹ mình đi thăm nuôi, bố mình gánh thức ăn vào rồi đưa cho ai đó, chia nhau ăn khiến mấy đứa em mình rên, ở nhà đói, nhịn để thăm nuôi bố mà ông đem chia cho bạn tù hết. Có anh Mười, bạn ở tù, kể cho mình nghe là bố mình đã cứu anh ta thoát chết trong tù. Sau này anh hay lại nhà phụ giúp ông cụ mình, đấm lưng như thời ở tù. Có lẻ mình học được cái tính này của ông cụ.

Có lần một anh bạn người Hoà Lan, nói với mình là chúng ta không có quyền lựa chọn khi sinh ra. Anh ta muốn nói là xứ anh ta có hai tôn giáo: Tin Lành và Công Giáo. Nếu sinh ra ở cái đường bên tay trái thì được rữa tội theo đạo Tin Lành và bên phải thì theo Công Giáo. Cũng thờ chung một chúa nhưng cứ đánh nhau, tranh cãi cả mấy 100 năm qua. Đến xứ Ái Nhĩ Lan, phải cẩn thận thậm chí ở Hoa Kỳ. Nếu chúng ta gặp một người Ái NHĩ Lan, không bao giờ gọi thủ đô Belfast của họ là Londonderry, tên gọi của người Anh Quốc. Người ái nhĩ lan có thể đấm vào mặt chúng ta.

Những người sinh tại miền bắc mà thích nghe nhạc vàng thì bị đi cải tạo. Có ông nào tên Nguyễn Văn Lộc ở Hà Nội, có bí danh là Lộc Vàng bị đưa đi cải tạo 10 năm vì hát nhạc vàng. Khi mãn tù, về lại Hà Nội thì nghe nhạc vàng hát đầy đường. Bây giờ Hà Nội lại cổ võ phong trào Boléro . Khi xưa ai vượt biển thì gọi là phản quốc nay thì khúc ruột nghìn dặm. Chán Mớ Đời 

Mình muốn gặp lại mấy ông thợ của ty công quản nước, làm dưới quyền ông cụ mình, hay mấy ông thợ hồ, thợ mộc, làm nhà của gia đình mình trước 75, nằm vùng, để xem họ nói gì sau 48 năm, đã giúp Hà Nội trở thành bên thắng cuộc.

Dạo còn học sinh, mình nghe đám học chung sợ đại đội trinh sát 302. Kêu 302 đánh trận mới về phép, tránh ra đường. Ra hải ngoại, mình thấy tây đầm chúng tranh cãi bú xua la mua nhưng ít khi thấy chúng dùng vũ lực đánh nhau. Dân thợ thuyền thì có thể đánh nhau chớ học đường thì chả bao giờ thấy.

Thanh niên ở Việt Nam bị nhiễm văn hoá của tàu qua các truyện Thuỵ Hữ, Kiếm hiệp,…. Văn hoá bạo lực, võ biền. Có lần mình mua truyện Thuỷ Hử và Kim Dung dịch sang anh ngữ cho thằng con đọc để cha con có chuyện để nói. Đọc được vài trang thằng con kêu sao bọn tàu này, cứ gặp nhau là đánh nhau, không nói năng chi, chán quá. Nó chỉ thích truyện Tam Quốc Chí, bố con có chuyện để nói về Tào Tháo, Lưu Bị và Khổng Minh.

Mình thấy có nhiều phản hồi về đại đội trinh sát 302. Có người thương có người ghét. Mình đoán là lính ra trận đánh nhau, chiến hữu đồng đội chết trước mặt, về Đàlạt, thấy mấy tên để tóc dài, hô hào Make Love Not War thì cũng nổi điên lên, tẩn cho vài đá. Mình nhớ đa số mấy tên con nhà giàu hay để tóc dài, nhảy đầm, hút sì-ke rồi đánh lộn không được nên kêu 302 đánh dùm. Mình chả bao giờ dính dáng đến đánh lộn ngoài phố. Nhát!

Ban tam ca Sao Băng của Phương Đại, Thanh Phong và Duy Mỹ…có bài hát khá hay “tôi trở về thành phố” nói lên nổi niềm của người lính từ chiến tuyến về thành đô.

Nhờ đọc cuốn sách của ông mỹ, mình mới hiểu thêm về đại đội trinh sát 302 mà Việt Cộng rất sợ thời đó. Có một cuốn phim mỹ “Ride the thunder” kể về một người lính Việt Nam Cộng Hoà, bị đồng minh bỏ rơi sau khi người Mỹ về nước. Rất thấm. Được cái là người Mỹ biết lỗi nên nhận người Việt tỵ nạn, cho họ làm lại cuộc đời vì ở Việt Nam thì triệu người vui triệu người buồn.

Người Mỹ sang Việt Nam kêu Cộng Sản không tốt, rồi đưa súng đạn cho chúng ta đánh nhau. Sau họ bắt tay với Trung Cộng, bán coca cola và kem đánh răng thì họ rút về nước. Chúng ta phải tự lo cho thân mình, không tin vào ai cả.

Mình có coi một phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, có một ông người Nga giải thích lý do Hà Nội thắng. Dạo ấy Hoa Kỳ ủng hộ Do Thái khiến nhóm quân đồng minh ả rập bị Do thái đánh te tua nên nhóm Ả Rập mới cấm vận dầu hoả khiến Hoa Kỳ bị chới với. Một thùng dầu thô gia tăng gấp 3 lần trong 1 đêm. Bên mỹ, người ta xếp hàng để đổ xăng cả mấy dậm. Lạm phát gia tăng, ngân sách chiến tranh Việt Nam bị giảm quá cở khiến quân đội Việt Nam Cộng Hoà không được yểm trợ như trước. Thời đó người ta hô hào Kiệm Ước, thắt lưng buộc bụng.

Mình nhớ ông cụ được phát phiếu xăng khi xưa rất nhiều, nên cho bạn bè sau đó thì bị hạn chế đâu dám chạy xe khơi khơi. Tên lính an ninh quân đội hàng xóm, đêm qua nhà mình ăn cắp xăng ở xe ông cụ.  Ngược lại Liên Xô có dầu hoả nên tha hồ tiếp tế cho Hà Nội. Họ có mỏ vàng nên các sư đoàn bắc việt vào nam, họ đem theo vàng để mua thực phẩm để tiếp tế cho quân đội họ. Khỏi cần phải chuyên chở vì dân miền nam, nằm vùng sẵn sàng bán cho họ.

Mẹ mình kể cô BA Chỉ, tiệm Bình Lợi ở Đàlạt, có môn bài bán gạo, nằm vùng. Cô ta không dám bán thẳng cho Việt Cộng nên gọi mẹ mình vào kêu có 100 bao gạo trong kho, ai mua thì cứ vào lấy giá $3,000/ bao. 1 tiếng đồng hồ sau có một bà đến hỏi mẹ mình mua 100 bao gạo. Sau 75, mẹ mình gặp lại bà này, làm lớn. Ngoài ra cô Ba Chỉ lâu lâu kêu xe hàng bị Việt Cộng chận tịch thu hết hàng hoá, đánh thuế vì chở thẳng vô trong rừng cho Việt Cộng. Chán Mớ Đời 

Đàlạt khi xưa, có nhiều người giàu có làm ăn, phải nộp thuế cho Việt Cộng, sau này tưởng có công với cách mạng, ai nhè họ cho ra toà án nhân dân lên án tư sản, vớt hết tiền bạc. Cuối cùng đi vượt biển, làm lại cuộc đời.

Mình nhớ vụ tên khủng bố Carlos, từng bắn chết hai người Pháp thuộc cơ quan an ninh Pháp tại Paris, có tổ chức bắt các bộ trưởng dầu hoả của OPEC ở thủ đô Wien của Áo quốc. Mình đoán là Hoa Kỳ và đồng minh, mướn tên này để răn đe nhóm OPEC, xuống giá dầu lửa. Kissinger có tuyên bố, sẽ đổ bộ vào Saudi Arabia.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Nói chuyện với ông Hùm Xám Đàlạt

 Sau khi đọc bài “Thiếu tá Lê Xuân Phong, Hùm Xám Đàlạt”, có người bạn của mẹ mình gửi cho thiếu tá Phong, cho mình i-meo luôn. Mình hỏi có gì sai thì cho mình hay để sửa lại cho đúng sự thật. Nhận được hồi âm và số điện thoại thêm bản nhạc “em có về Đàlạt không em” khiến mình cảm động khi nghe ai đó hát với những hình ảnh thân thương của Đàlạt.

Mình sống tại Đàlạt 18 năm, xa nhà đã trên 50 năm, vẫn khắc khoải về xứ sương mù này, huống chi người Đàlạt sống lâu năm hơn, như mẹ mình sang Hoa Kỳ được một năm là đòi về: “cho Mạ về đi con”. Thậm chí có ông tây sinh tại Việt Nam, sống được 10 năm tại Việt Nam, cũng khắc khoải nhớ về Đà Lạt, viết sách Enfant de Đà Lạt.

 https://www.youtube.com/watch?v=EjA6-w64d0w 

Mình định tuần tới gọi thăm anh Phong vì cuối tuần này là Ngày Từ Phụ bên mỹ thì anh ta gọi. 2 người sinh trưởng tại Đàlạt, nói chuyện đến 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết chuyện. Cuối cùng đến 12:30 sáng bên miền đông nên phải tạm biệt nhau.

Mình có hỏi biệt danh “Hùm Xám” có từ đâu thì anh Phong cho biết, mấy thằng Mỹ nó đặt rồi người ta bắt chước gọi theo. Không có gì đặc biệt. Rất khiêm tốn như con trai Đàlạt chính gốc. Ra trận rất gan dạ và thông minh khiến cố vấn mỹ rất ngưỡng mộ. Mình nhận thấy con trai Đàlạt mà sinh tại Đàlạt thường rất khiêm tốn, ít muốn nói về mình.

The Grey Tiger , (con Hùm Xám) biệt danh do người Mỹ đặt cho thiếu tá Lê Xuân Phong, đại đội trưởng đại đội Trinh Sát 302

Mình hỏi về Mậu Thân thì anh cho biết dạo ấy anh đóng quân ở Phú Sơn, tên địa danh qua điện thoại khó nghe, hình như ở Blao đi vào, chỉ về hẳn ở Đàlạt vào năm 1969, sau Mậu Thân. Cho thấy ông Cornett kể không đúng lắm, khi nói đại đội 302 đã giải vây, đánh bậc lại Việt Cộng ra khỏi Đàlạt. Có thể đại đội 302 đã có rồi nhưng anh Phong chỉ chỉ huy sau Mậu Thân. Anh cho biết khi Việt Cộng tấn công Giáo Hoàng Học Viện thì đại đội Trinh Sát 302 có đến bao vây nhưng không được tấn công vào vì toà thánh Vatican, yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Lý do là sợ mấy ông thầy và linh mục giảng dạy bị Việt Cộng tàn sát. Trận đó đại đội 302 tử thương mấy người.

Theo sách của ông Cornett thì ông Beckett , CIA đóng tại số 3 đường Quan Trung Đàlạt là người liên lạc với bộ chỉ huy lính mỹ, để được yểm trợ máy bay, dội bom, thanh toán các Việt Cộng núp ở Khu Hoà BÌnh và Số 4. Công chính tái chiếm lại Đàlạt là nhờ ông này. Ai có tin tức về ông này thì cho mình xin. Có ông mỹ đánh trận Mậu Thân Đàlạt, có chụp hình đám lính mỹ ở cây xăng Kim Cúc, cho biết là ông ta đóng ở phi trường Cam Ly, chưa có yểm trợ của không lực Hoa Kỳ. Để từ từ mình hỏi thêm để kể lại. (Mình đang tìm được một số tài liệu về vụ này qua sách của người Mỹ).

Vì khi bị trực thăng mỹ bắn phá từ trên cao thì Việt Cộng rút lui, đi về Số 4, đi ngang khu nhà mình ở Hai Bà Trưng. Từ nhà mình thì không thấy, bị nhà bà Quán và bà Ngần che nhưng từ nhà Bà Thường, hàng xóm thì có con đường nhỏ từ Hai Bà Trưng đi lên thì nhìn xuống Hai Bà Trưng thì thấy bộ đội di chuyển về số 4 để tử thủ. Sau đó thì trực thăng bắn đại liên và hoả tiễn và khu trục cơ thả bom Napalm . Sau mình lên số 4, xem như bình địa luôn.

Đường Ngô Quyền sau khi Việt Cộng rút năm Mậu Thân

Hình ảnh trước rạp Xi-nê Hoà Bình năm Mậu Thân, nghe kể có tên Việt Cộng leo lên chỗ còi hụ bị trực thăng bắn. Còn khúc photo Hồng Châu thì không hiểu lý do, có thể máy bay bắn hụt bay tới đó không chừng. Ai biết xin cho biết. Có người ở khu vực này cho biết Việt Cộng đốt khi tẩu thoát. hình trên Internet

Sau Mậu Thân, Việt Cộng còn tấn công Đàlạt hình như hai lần nữa thì phải. Mình nhớ lần thứ 2, thì họ có làm mấy lô-cốt, xiềng chân lính của họ vào đó để tử thủ. Từ nhà mình, thấy sinh viên Võ Bị, chạy từ ấp Mỹ Lộc, cạnh chùa Linh Sơn, tấn công lên đồi, chạy vòng vèo như xi-nê. Nay về thì đồi trọc đã được thay thế bởi nhà và nhà. Kinh

Mình có hỏi về tiểu đoàn 204 thì mới hiểu là sau khi Hoa Kỳ rút quân thì đại đội trinh sát 302, được sử dụng để lấy tin tức Việt Cộng cho chiến dịch Phượng Hoàng, và những cái tên gì mình có đọc trong cuốn sách của CIA nhưng không ghi lại,.. được giải tán. Ai muốn thuyên chuyển về đơn vị nào thì làm đơn.

Dạo ấy đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng Đàlạt, rất thích đại đội này nên hỏi anh Phong thành lập tiểu đoàn 204 địa phương quân, giữ lại tất cả binh sĩ của đại đội này. Nghe ông Cornett  kể là đại đội có trên 300 binh sĩ, nhiều hơn số quân của một đại đội. Đại đội 2 của tiểu đoàn là đại đội 302 trinh sát cũ. Hồi tháng 3, năm 1975 khi Di Linh bị chiếm thì tiều đoàn của anh đã tái chiếm lại tỉnh lỵ này. Bắt sống được một tên thượng uý bộ đội và một chiếc xe Molotova , kéo xe này lên Đàlạt, đậu ở khúc cà phê Hạnh Tâm, để giữ tinh thần của người Đàlạt.

Một bài viết của một nhân chứng kể lại chiếc xe Molotova và thượng uý Việt Cộng bị bắt sống, cột ở xe để trước tiệm Hạnh Tâm, ngay góc Lê Đại Hành, nơi chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị rớt mà mình có kể. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc của mình. Anh bạn mình ở Đà Lạt, có kể cho mình vụ này.

Ông tuỳ viên tham mưu trưởng trường Võ Bị kể là tiểu đoàn 204 và tiểu đoàn 277 đánh cầm chừng để người Đàlạt có thời gian di tản. Anh Phong cho biết đã đánh thẳng vào và đã tái chiếm lại thành phố. Tiểu đoàn tổn thất khá nặng vừa bị thương và chết lên đâu cả 100 người. Ông này đi tù với anh, ông tuỳ viên cho biết là nghe ai kể lại, anh Phong nói sao không hỏi tui cho có bản gốc rồi cười.

Câu chuyện thăm dò qua các nhân vật Đàlạt khi xưa. Anh Phong nói về bá hộ Chúc thì mình kể là đọc đâu đó, cho biết ông này khi xưa lên Đàlạt, nấu nước sôi cho người Đàlạt tắm, sau trở thành giàu có, xây cầu Bá Hộ Chúc cho người Đàlạt sử dụng. (Có người phản hồi cho biết là tên bá hộ Chúc đã giàu có từ thời ở Bến Tre, ông bá hộ Chúc lên Đàlạt làm nhà thầu xây cất cho Pháp. Dạo ấy ít ai được pháp cho bằng lãnh thầu) 

Anh Phong hỏi biết thằng Nghĩa, hớt tóc đối diện rạp Ngọc Hiệp. Mình nói biết, anh ta kể khi xưa mỗi lần cắt tóc, váy tai là ra tiệm tên này hớt, phải đợi ông Việt Cộng nằm vùng này hớt. Khi cắt tóc thì tên Nghĩa này hỏi anh ta đi hành quân chỗ nào,… sau đó anh Phong cười. Ai ngờ nó là Việt Cộng gộc chớ không phải CM 30. Rồi cười to. Ông Cornett có kể ở Phan Rang, ông hay đi cắt tóc ở tiệm Việt Nam. Một hôm có Việt Cộng tấn công căn cứ của ông ta thì sáng hôm sau, thấy xác của ông thợ hớt tóc ngay hàng rào dây kẽm gai. Chán Mớ Đời 

Mấy người thợ làm Công Quản Nước, ông thợ mộc và thợ hồ làm nhà cho gia đình mình đều là Việt Cộng nằm vùng. Sau 75 mới khám phá ra. Thậm chí có một chị người làm gốc Quãng, một hôm biến mất. Mới khám phá ra Việt Cộng gửi vào Đàlạt rồi được lệnh đi đâu hay sợ chị Hoa làm chung, có ông anh bị chôn sống tại Huế nên sợ, không dám ở lại sợ bị bắt.

Anh ta cho biết là sinh năm 1942 chớ không phải 1940 như ông Cornett kể và bố ruột anh ta theo Việt Minh và bị Tây giết chớ không phải Việt Minh. Ông Cornett kể sai. Bố mẹ anh gốc người Bình Định, vào Đàlạt sinh sống. Bố anh ta bị tây giết khi mới lên 3. Người cha mà ông Cornett kể là ông bố nuôi, tây lai. Mình có kể là Domaine de Marie được thành lập để giúp đỡ các người có hai dòng máu nên Đàlạt sau đó có tây lai nhiều. Có kể vụ này rồi, tìm trên bờ lốc .

Mình có hỏi có bà con gì với Lê Xuân Ái, nhà ở Dốc Nhà Làng, tập kết ra bắc thì anh ta không biết Lê Xuân Ái là ai. Chỉ có thế hệ mẹ mình mới biết. Ông này đi theo Việt Mình rồi tập kết ra Bắc, bạn của tướng Tôn Thất Đính. Anh ta kể là hay nói với các niên trưởng là nếu anh ta sinh ra sớm hơn, 18 tuổi thời 1945 thì có lẻ anh ta đã đi theo Việt Minh, chống thực dân.

Việt Minh là viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, một tổ chức kháng chiến chống pháp gồm tất cả các đảng phái người Việt dạo ấy, kiêm cả đảng cộng sản. Dần dần đảng cộng sản cho thủ tiêu người của các đảng phái khác như nhạc sĩ Văn Cao kể là đại uý đặc công, đi với các đảng viên cộng sản khác vào nhà cô đầu để giết tên nào của đảng Đại Việt đang theo nàng tiên nâu. Như ông Nguyễn Hải Thần, chống pháp mà sang biên giới tàu tối ngày phê theo nàng tiên nâu nên không khá.

Xin nhắc lại là khi pháp sang đánh chiếm Việt Nam thì người Minh Hương đã bán thuốc phiện cho người Việt để kiếm tiền, để “phản Thanh phục Minh”. Dạo ấy 50% đàn ông Việt Nam đều hút thuốc phiện. Pháp làm chủ luôn vụ bán thuốc phiện và rượu tại Việt Nam, lấy thuế rất cao để sử dụng trong việc cai quản Đông Dương và đem về nước.

Điển hình ông Phạm Tuyên, tác giả bài “như có bác trong ngày đại thắng, chiếc gậy Trường Sơn,..” , em của bà tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, có bố là ông Phạm Quỳnh bị Việt Cộng thủ tiêu thả trôi sông vì không theo họ. Mấy người đi theo kháng chiến sau bỏ trốn về thành, thường được gọi là “Dinh tê” (rentrer) như nhạc sĩ Phạm Duy,… do đó mới có những trường hợp như anh theo Việt Cộng còn em thì theo Việt Nam Cộng Hoà.

Câu chuyện nói về du đảng Đàlạt khi xưa. Anh ta kể là khi về Đàlạt thì anh ta nói các du đảng nên đi lính, vào rừng đánh nhau với Việt Cộng như Sơn Beatles, Xí Rổ, Lai Thái,… Sơn Beatles thì đi lính biệt kích Mỹ, nay sống đâu ở Florida, Lai nay sống ở Texas . Anh nói Xí Rổ chém Đại Cathay để lấy tiếng nhưng nếu đánh tay đôi thì đại Cathay thua vì Xí rổ võ nghệ rất cao. Mình nhớ có lần xem Xí Rổ mở sòng bài Tài Xỉu vào Tết ở trước nhà, có ai trúng lớn, ông thần này rút con dao găm, thảy trên mặt bài. Mình quen Đào Văn Quý, hàng xóm của ông thần này. Hình như sau 75, nghe nói bị nghiện thuốc phiện, chết thì phải. Chán Mớ Đời 

Quay qua nói chuyện về một bác hàng xóm của mình. Anh ta kể là trước khi đi hành quân, hay ghé tiệm bánh này ở khu Hoà Bình mua đem theo. Bà này không bao giờ thấy bà cười. Mấy chục năm sau, anh ta đi ăn cưới con gái bà ta lấy con của đại tá Phạm Ngọc Thảo (có kể trong Boston có gì lạ không em). Anh ta đi theo nhà trai, gặp bà ta mới thấy bà ta cười lần đầu tiên. Bác này nay nghe nói bị Alzheimer, bác trai mới qua đời trước Cô-vi. Anh có kể có người thuộc đại đội trinh sát 302, sau này qua mỹ học, tốt nghiệp luật sư, hành nghề ở Bolsa. Mình có nghe nói đến ông luật sư này.

Anh Phong kể hồi nhỏ có học Petit Lycée nhưng bị đuổi vì hay đánh lộn, sau phải lên học trường Tinh Hoa ở gần Số 4. Anh kể trong quân bạ bị điểm xấu vì đánh lộn, bị đình chỉ lên lon cả năm trời.

Anh kể có lần xuống Chi Lăng (Saint Benoît ) uống cà phê, có chuẩn uý Phúc của đại đội anh, muốn vào PX nhưng có lẻ mới đi hành quân về nên đeo lon hơi xốc xếch quần áo nên quân cảnh không cho vào, đòi đánh. Ông chuẩn uý chạy ra nói nên anh hỏi quân số của chúng là bao nhiêu, nói 4 quân cảnh, bên anh có 6-7 chi đó nên anh và chuẩn uý đi vào trong khi mấy người kia ra xe lấy súng. Gặp quân cảnh hỏi chuyện thì quân cảnh lấy dùi cùi tính đánh anh ta và chuẩn uý Phúc. 

Khách sạn này khi xưa hình như CIA đóng quân tại đây.

Lính của anh đang ra xe để lấy súng thì thấy quân cảnh sắp đánh anh ta nên lấy đại liên bắn chỉ thiên. Hôm ấy tổng thống Thiệu lên Đàlạt, dự lễ ra trường của Võ Bị nên có tiểu đoàn Biệt Động Quân thiếp giáp đủ trò. Nghe súng bắn nên thiết giáp bắt đầu chạy ra, anh và đệ tử lên xe chạy về căn cứ ở Đức Trọng.

Vừa về hậu cứ là có truyền tin thông báo có tham mưu trưởng Võ Bị gọi. Anh ta biết ông này. Ông này hỏi có chuẩn uý Phúc không vì có nói cho Quân Cảnh biết khi muốn qua đồn canh. Sau vụ đó, chuẩn uý Phúc bị tù 6 năm, may không khai có anh ta dính dáng vào nếu không chắc cũng bị tù 3 năm. Anh chỉ bị tù treo vì thuộc cấp nhưng không được lên chức cả năm trời dù chiến công ào ào. (Còn tiếp)

Lần sau sẽ kể về Cò Giao, gốc Bến Tre.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Trai Saigon như chim anh vũ
Trai Hà Nội như con chuột chù 
Gái Saigon như cành liễu rũ
Gái Hà Nội như củ khoai môn 
Chim anh vũ (thì) đậu cành liễu rũ
Con chuột chù (thì) gặm củ khoai môn


Người cha anh hùng

 Chúc các bác một ngày từ phụ vui vẻ.  

Trong tuần, mỗi tối mình đi tập võ, cuối tuần đi câu lạc bộ thể thao với đồng chí gái. Mình bơi trong khi đồng chí gái tập kickboxing hay zumba. Nhìn đồng chí gái tập đấm đá làm mình lo ngại nên ở nhà không dám làm trái ý vợ, sợ bị đòn như trong phim "Enough is Enough".

 

Khi bơi, mình thường gặp hai hình ảnh rất đẹp về "người cha anh hùng". Một người gốc Pakistan, dẫn người con trai bị bệnh tâm thần vào bơi. Ông ta hay đứng mĩm cười, nhìn con tung tăng vùng vẫy trong nước. Sau đó, vào phòng tắm, dưới vòi sen kỳ cọ, tắm rửa cho con. Mình không dám gợi chuyện, chỉ đứng xa xa nhìn bức ảnh hiện thực về tình phụ tử mà mình từng ước mơ thời bé được ông cụ chăm sóc.

 

Tranh ảnh thường có nhiều đề tài về mẹ và con, ngay cả chữ Tàu cũng ghép chữ Mẹ và Con thành chữ Hảo . Có lẻ do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo với các hình ảnh thiên thu; đức mẹ Maria ôm khóc Chúa Giê Su chết cho nhân loại như bức tượng La Piéta của Michelangelo,…hay người con bị ràn buột bởi cuống rốn nối liền với người mẹ.


Chủ nhật, trong khi con sinh hoạt hướng đạo, vợ chồng mình đi câu lạc bộ gần đó để bơi thì thường thấy một người đàn ông gốc Tàu, ra hồ bơi để dành chỗ, sau đó có một cô huấn luyện viên đưa cô con gái bị bệnh ra bơi. Cô con gái bị khuyết tật nên phải ngồi xe lăn. Ông bố đứng trên bờ, nói nhỏ nhẹ để động viên cô con gái tập bơi với huấn luyện viên.

 

Tuần nào mình cũng thấy hình ảnh của hai "người cha anh hùng", thương con, bỏ cả buổi sáng để chơi, chăm sóc người con tật nguyền nên thường cám ơn Trời Phật đã cho vợ chồng mình hai đứa con lành lặn, thông minh như mẹ chúng. Hoạ sĩ Bé Ký chuyên vẽ tranh về hình ảnh người mẹ và con. Theo chữ Hán, hai chữ mẹ và con hợp lại thành chữ Hảo. Hoạ sĩ Bé Ký mồ côi cha mẹ sớm nên khắc khoải về người mẹ. Hồi nhỏ thường nghe nói rằng; ra đường gặp đàn bà có bầu là hên, có lẻ do chữ Hảo. Không biết nếu gom hai chữ cha và con thì theo chữ hán có nghĩa gì?

 

Trong văn hoá VN hình như chỉ nói, đề cao đến tình mẫu tử, tình thương của mẹ như bài ca bất tử "lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân, bài thơ "bông hồng cài áo" của ông Nhất Hạnh,... Ít khi nghe nói đến tình phụ tử, ngoài câu "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Có thể các nghệ sĩ, đa số là đàn ông nên hay nói về người mẹ hơn? Hay vì đất nước bị chinh chiến quá lâu trong lịch sử, nhiều thế hệ đàn ông phải ra trận nên ít có thời gian sống bên cạnh vợ con nên người mẹ phải gánh vác thêm vai trò của người cha vì "con không cha như nhà không nóc".

 

Có lần, một cô em nói với mình; tuy không muốn so sánh tình thương dành cho ông bà cụ nhưng cô thương bà cụ nhiều hơn. Một cô em khác kể, hồi nhỏ đi học thấy bạn học được cha chăm sóc nên cũng thèm được gặp mặt bố, có cha bên cạnh. Dạo đó, ông cụ mình đang ở trại cải tạo nên mấy đứa em mình lớn lên không thấy mặt cha trong vòng 15 năm. Khi ông cụ về thì chúng đã lớn, ra riêng nên thiếu vắng bóng cha trong những năm tháng ấu thơ. Có lẻ vì vậy, từ nhỏ mình và mấy người em, chỉ có bà cụ để nương tựa nên thương mẹ hơn. Dạo mình còn ở nhà thì sau cơm tối, ông cụ đi uống cà phê với bạn, hay đến sở để kiểm soát nhân dân tự vệ canh gác nhà máy, sợ Việt Cộng phá hoại đến gần giới nghiêm mới về nhà cho nên tuy sống chung nhà, mình và mấy đứa em ít có dịp tâm sự với ông cụ.

 

Mình sinh sống tại Đà Lạt 18 năm nhưng chỉ sống có 9 hay 10 năm với ông cụ. Hồi nhỏ thì ông cụ còn trong quân đội. Khi giãi ngủ thì có sống với ông cụ 1 năm sau đó ông cụ bị đỗi lên Ban Mê Thuột đến gần Mậu Thân mới trở lại Đà Lạt. Dạo ấy, ông cụ còn trẻ, học chữ Nho, rất liêm chính nên không ăn hối lộ, không nhận chia chát của các đồng nghiệp nên bị họ cố tình vu oan để bị thuyên chuyển. Bố Phạm Thành Nguyên kể cho mình: khi thanh tra từ Saigon lên thì các người làm chung cơ quan, bỏ cây thuốc lá 555, rượu tây trong hộc bàn của ông cụ nên bị đổi đi xa, ở Ban Mê Thuột. Khi ông cụ được chuyển về lại Đà Lạt thì mình bắt đầu lớn nên không gần ông cụ lắm. Mình không có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với ông cụ ngoài những trận đòn. 

 

Sau này có con, mình không muốn chúng thiếu thốn hình ảnh người cha như mình khi xưa nên đi làm về, chỉ muốn giúp con học, làm bài tập, hướng dẫn chúng chơi thể thao, nấu ăn cho con, lo điểm tâm buổi sáng và cơm trưa khi đi học. Mùa đông khi đưa con đi bơi, phải ngồi ngoài trời, mưa gió để xem con tập bơi, tuy lạnh nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có con để chăm sóc, chia sẻ niềm vui khi con đoạt huy chương hay an ủi con không phá kỹ lục cá nhân, của đội bơi,... 

 

Tối mình đọc sách, kể chuyện VN, đời xưa, kiếm hiệp, Tam Quốc Chí, Hạng Võ Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc,.. cho hai đứa con trước khi đi ngủ. Có lần mình đi học ban đêm về khuya, thấy hai đứa con nằm ngủ trước cửa phòng của mình, đợi bố về đọc truyện, hôn lên trán nên từ dạo đó đi đâu, mình phải về trước 9 giờ tối để đọc truyện cho con.

 

Có lần vợ đi công tác 4 tuần ở New York, mình hỏi con Bé có nhớ mẹ không thì rất ngạc nhiên về câu trả lời. Con Bé nói nhớ nhưng thật ra trong ngày, nó gặp mặt mình nhiều hơn là mẹ nó khiến mình phải báo động với đồng chí gái để xử lí vấn đề này. Sáng chúng đi học thì đồng chí gái còn ngủ, chiều khi đồng chí gái về thì chúng đã ăn tối và đang làm bài tập sau khi tập bơi hai tiếng. Có lần đồng chí gái dậy sớm để chào con Bé trước khi đi học, lăng xăng đem cái cặp của con ra xe nhưng nó vùng vằng như mình khi xưa, khi được bà cụ chăm sóc. Trong xe mình phải giải thích cho con Bé là không nên làm như vậy. Mình hiểu tính nó hơn mẹ nó. Khi bơi về, mình vẫn để nó vác hai cái sắc đựng đồ bơi và trợ cụ thể thao, đem ra xe.

 

Cuối tuần mình ráng kéo gia đình họp mặt, ăn uống để có thời gian đả thông tư tưởng với nhau. Mình đọc ở đâu, nói rằng, giờ tan học là lúc dễ đả thông tư tưởng với con vì chúng mới tan học nên có những gì điều muốn kể cho một ai đó nghe nên mỗi lần đón con là mình phải hỏi con xem trong ngày ra sao. Làm ăn của mình bị lệ thuộc và giờ giấc của con nên sau 2 giờ chiều thì coi như hết làm việc, chỉ dành thời gian sau đó cho con nên phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng để làm việc. Dù chúng có bằng lái xe, thay vì mua xe cho chúng như đa số bố mẹ ở Cali để khỏi đưa đón nhưng mình vẫn cố gắng đưa đón con để có thì giờ đả thông tư tưởng với con. Nay thằng con đầu đi học xa nên chỉ còn cô con gái nên thư thả hơn.

 

15 năm trước có người rao bán 5 mẫu đất cách nhà khoảng 2 tiếng lái xe. Thành phố cho phép mình xây 40 căn nhà. Mình tính xây xong thì cũng lời $50,000.00/ căn nên tính dọn lên đó, để gần công trường nhưng nghĩ con còn nhỏ. Sau 3 hay 4 năm chỉ gặp con vào cuối tuần thì khi xây và bán xong 40 căn nhà thì tuy có tiền nhưng con mình lại nối gót con bà Thiếu Phụ Nam Xương, chỉ cái bóng khi đêm về, kêu là bố thì mệt nên mình quyết định không thực hiện dự án xây nhà. Ngày nay, mình cám ơn đồng chí gái đã chấp thuận sống bình dị, cùng một lứa bên trời lận đận, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống giản dị thường nhật.

 

Có lẻ kỷ niệm về ông cụ mà mình nhớ mãi là lúc chia tay nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất, trước khi đi tây. Ông cụ chỉ nói được: " Từ nay con tự quyết định, tự đinh đoạt, Ba Má ở xa" rồi bật khóc. Có lẻ đó là lần đầu, mình thấy ông cụ khóc thật sự trước đám đông. Gần đây, mình có liên lạc được với anh của người bạn học cũ Đàlạt xưa, anh ta kể là sau khi mình đi du học, có lần anh ta gặp ông cụ mình lên nhà anh ta, nói nhớ mình quá.

 

Sau này, không được trao đổi thư từ với ông cụ trong thời gian 15 năm ông cụ ở trại cải tạo cho nên sự liên hệ của mình với ông cụ không được bồi dưỡng nghiệp vụ làm con. Mỗi lần gọi điện thoại về VN thì mình nói chuyện với bà cụ nhiều hơn vì ông cụ bị lãng tai nên trong điện thoại khó nghe. Sau này, con mình đi học xa, bên âu châu hay á châu, gọi điện thoại cho mẹ chúng thì mình cũng chỉ đứng bên cạnh để nghe, hai mẹ con nói chuyện đủ vui tương tự ông cụ mình khi xưa.

 

Thói quen của 15 năm trong trại cải tạo vẫn còn nên có mua cho ông cụ máy trợ thính nhưng ông cụ sợ tốn pin nên không sử dụng. Nghe kể ông cụ chắt chiu từng cái lưỡi lam để cạo râu, bàn chãi đánh răng,... thì thấy thương "người cha anh hùng" của mình, bị phe thắng cuộc đày đoạ sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

 

Trong bản nhạc "papa" của Paul Anka có câu " your children will live through you". Mình quan sát mấy đứa con thì nhận thấy: chúng có những tính, suy nghĩ cũng gàn gàn, bướng bướng như mình thì nghiệm lại những đức tính di truyền đó mình thừa hưởng từ ông cụ. Mỗi tối cả nhà tập Trạm Trang Công trước khi đi ngủ. Khi mỏi thì vợ ngưng nhưng hai đứa con vẫn kiên trì, có lần con bé khóc, mẹ nó bảo ngưng nhưng nó vẫn quyết đứng cho xong 15 phút khiến mình mĩm cười. Hổ phụ sinh hổ tử. Bọn chúng hay nói chuyện với mình về chính trị, kinh tế, văn chương tây phương. Mình nhờ khi xưa học trường tây, sau này sang Tây học về Mỹ Thuật nên biết nhiều về địa lí, lịch sử tây phương hơn đồng chí gái nên khi làm bài tập chúng đều hỏi mình.

 

Mình quen đọc sách báo từ nhỏ vì ông cụ mua báo hàng ngày. Khi giãi ngủ thì ông cụ đi học thêm ban đêm để thi bằng tiểu học để được vô ngạch. Sau này mình và mấy cô em gái cũng chịu khó đi học đêm thêm, thừa hưởng tinh thần cầu tiến của ông cụ. Trong nhà chỉ có một cô em làm cán bộ nhà nước, ty thuế vụ, thừa hưởng cái tính liêm chính của ông cụ nên nghèo, tuy giỏi nhưng vì lí lịch gia đình nên không được thăng chức, nhưng tổ trưởng hay giao đi công tác ở các thành phố xa để kiểm toán các công ty lớn, cần cán bộ có trình độ cao.

 

Có lẻ thời gian 15 năm, ông cụ ở trại cải tạo là thời gian mình nhớ và nghĩ đến ông cụ nhiều nhất. Khi ăn một bửa cơm ngon ở trời Tây thì nghẹn ngào khi nghĩ đến ông cụ trong trại cải tạo, đang chịu đựng sự trả thù của chế độ mới hay đàn em 10 đứa lầm than ở VN. Dạo đó có bản nhạc của Việt Dũng rất thịnh hành "Một chút quà cho quê hương" càng khiến mình te tua khi nghĩ về gia đình, quê hương. Mình đọc cuốn "trại Đầm Đùm" nhiều lần để mường tượng đến không gian mà ông cụ đang thoi thóp, mỏi mòn trên quê hương khốn khổ, hay hát "Ai về xứ Việt", thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh, người dạy mình đàn tranh, được Phan Văn Hưng phổ nhạc. 

 

---- 

Ai đi về xứ Việt, thăm dùm ta người ấy ở trong tù

Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc

Thay dùm ai màu trời Ngục âm u

Bố của ta ơi! Bao giờ được thả?

Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi?

Được lắng nghe tiếng chim cười?

Đến bao giờ? Đến bao giờ....

 

Sau này mình không đụng đến cái đàn vì những bài hát hoài cố hương, nhớ gia đình khiến mình chán nản, không thiết làm gì nên tránh các sinh hoạt của người Việt để chú tâm học cho xong. 

 

Có nhiều người sống vài năm trong trại cải tạo, viết sách kể về những năm tháng tù đày trong Quần Đảo Ngục Tù nhưng mình không thấy ông cụ nói gì về những năm tháng trong trại. Hình như ông cụ không muốn nhắc lại những tủi nhục của những năm tháng đoạ đày, trong sự trả thù, hả hê của kẻ chiến thắng. Như con thú bị thương chỉ muốn tìm một chỗ yên tịnh để tự hàn gắng vết thương. Cũng có thể đời sống 15 năm trong trại cải tạo, sự trả thù của quản giáo, kiểm điểm, sợ bị ăng ten chỉ điểm nên ông cụ quen dấu kín những suy nghĩ riêng tư, không cho người khác biết.

 

Mình nhớ lần đầu về VN, sau khi nghe tin ông cụ được thả. Mình bay về VN để thăm vì nghe nói khi họ thả là coi như gần chết. Tuy không muốn về nhưng phải khắc phục, bay về gặp ông cụ để sau này không ân hận như khi xưa ông cụ không gặp được ông nội sau 27 năm. Khi gặp ông cụ ốm gầy, đôi mắt vẫn sáng quắt như xưa. Ông cụ chỉ nói được câu: " sao giống Nhật Bổn thế". Ông cụ thích ăn m&m, khi hết thò tay lấy thêm một gói nữa thì cô em út kêu "7,000 đó Ba" khiến ông cụ hốt hoảng rút tay về như người bị phỏng nơi bếp. "Thế à" ngắn gọn như một người thất chí chấp nhận số phận nghiệt ngã mà ông trời dành cho mình. Mình vội nói cứ để ông cụ ăn. Có lẻ đó là giây phút đẹp, bức tranh hiện thực nhất nhìn ông cụ ăn kẹo m&m như đứa bé được thưởng kẹo.


 

Mình nghe mấy ông chú họ ở quê kể ; ông cụ không muốn làm ruộng, lại muốn giang hồ, đi đây đi đó nên đăng lính Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại. Có lần về quê thăm nhà, buổi chiều đi trên đê, nghe tiếng huýt sáo, kêu gọi nhau trên núi nên nghi ngờ. Tối đó nhóm du kích bao vây nhà, ông cụ chỉ kịp thưa bà Nội "con đi" rồi leo hàng rào nhà bên cạnh, băng ruộng trốn thoát vào nam. Ông bà Nội đinh ninh là ông cụ bị du kích giết đêm đó rồi thủ tiêu xác nên lấy ngày đó làm ngày giổ của ông cụ. May quá, ông cụ tránh được kết cuộc của “Người Anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, hàng xóm của mình ở Đàlạt xưa.

 

Sau 75, khi nhận thư của ông cụ gửi về quê, ông bà Nội mừng quá vì tưởng bị tuyệt tự nay nghe nói có đàn cháu 10 đứa. Ông cụ mình có hai người em trai; một người bị Tây giết trên đường đi học về khi mới 15 tuổi còn một người đi bộ đội bị B52 dập chết trên đường vào Nam. Sau ông cụ bị bắt nên không có cơ hội về thăm quê, ông Nội mình vào Nam nhưng chế độ mới không cho gặp mặt. Sau đó, ông Nội về quê rồi mất, không gặp lại người con trưởng xa cách trên 27 năm. Mình may mắn hơn ông cụ là được gặp lại người cha sau 20 năm cách xa. Sau này mình có dịp về thăm quê Nội thì phải cám ơn ông cụ đã thoát ly, bỏ lại làng quê vào nam vì nếu không cuộc đời mình chắc sẽ có một kết cuộc khác.

 

Mình không biết mặt ông bà Nội nên có mời hai ông bà cụ sang Mỹ chơi để gặp cháu Nội, sau này có đem tụi nó về thăm quê Nội. Nói với chúng là nếu ông Nội không thoát ly cuộc đời làm nông dân thì có lẻ ngày nay bố con mình cũng làm ruộng như mấy người bà con. Ngồi ăn cơm, ruồi nhặng bay đen đặc, ngoài sân có mấy ụ rơm thối mùi phân. 

 

Có người trách ông cụ là dại. Trước 75, ông cụ là đoàn trưởng Nhân Dân Tự Vệ, ngày Đàlạt bỏ ngỏ, ông cụ chôn dấu súng của các đoàn viên. Sau này, các người làm dưới quyền ông cụ là Việt Cộng nằm vùng, nên dụ ông cụ tổ chức phục quốc, chống chế độ bị bắt lên án 18 năm tù nhưng mình vẫn phục ông cụ, người cha anh hùng, làm người chân thật. Như bài Thơ "Lời Mẹ dặn" của nhà thơ Phùng Quán.

....

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 

Bút giấy tôi ai cướp giật đi  

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 

 

Cuộc đấu tranh vô vọng như Kinh Kha sang Tần của ông cụ tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn, hậu quả khá sâu đậm cho đàn con. Các em mình học khá nhưng vì lí lịch nên không được học tiếp đại học trong khi con cán bộ được ưu tiên dù dốt. Không được đi học nên mấy đứa em, đứa đi học thợ may, đứa học thợ rèn, đứa đan len,... Như nhà văn Albert Camus từng nói: "Khi một thiếu số, nhân danh công lí nổi dậy đấu tranh thì vô hình trung tạo nên một sự bất công khác.." Mình có một người em rễ vì lấy con gái của nguỵ quyền thêm phản động nên bao nhiêu năm được bầu làm đối tượng đoàn nhưng không thể nào được kết nạp vào Đảng dù gia đình hắn "Hồng 3 đời " có công với Cách mạng, được giấy khen của ông Hồ. 

 

Người Việt mình hay giữ các cảm xúc riêng cho mình, không để lộ ra ngoài, khác với người ngoại quốc, cho nên cha con lâu ngày gặp nhau thì qua ánh mắt trao cho nhau có thể nói lên những nổi nhớ, vui mừng khi hội ngộ. Mình hi vọng hè năm tới về thăm, luôn tiện tổ chức 60 năm đám cưới cho ông bà cụ, sẽ hỏi thêm về những trải nghiệm cuộc đời ông cụ. Tuy không nói ra nhưng qua ánh mắt, mình biết ông cụ rất vui khi gặp lại mình, hãnh diện về những thành tựu của mình. Những hi sinh của ông cụ, những đoạ đầy mà ông cụ đã chịu đựng trong suốt 15 năm trong tù, hy sinh đời bố để củng cố đời con cháu đã không bị lãng phí.

 

Có dạo mình hay hát bản nhạc "Anh Tôi" của Văn đoàn Lam Sơn, tổng hội sinh viên Paris nhưng mình đổi lời thành "Cha tôi". Có lần mình hát và đánh đàn chung với Chử Tam Anh trong đêm Văn nghệ ở M.I.T.

 

Cha tôi đã lớn lên trong niềm cay đắng

Tai tuổi thơ vang tiếng bom người Mỹ

Nay bàn chân xích gông xiềng Nga Tàu...

 

Cha tôi đã ước mơ những ngày tươi sáng

Mơ ngày mai sẽ sống đời tự do

Mơ cuộc sống sẽ thoát vòng lao tù...

 

Cha ơi! Đã có con lên đường thay cha

Con đường sáng chan chứa bao tình thương

Con đường mới dắt ta về tình người

Có có có có con

Có con đi xây niềm thương

Có con đi xây tình người...

ĐI XÂY TÌNH NGƯỜI!

 

Sơn đen

Chính phủ và chế độ dinh dưỡng

 Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ thì vào năm 1961, 1 trên 7 người Mỹ bị bệnh béo phì, hay 14% đến năm 2000 thì tỷ-lệ này gia tăng đến 33% người Mỹ bị bệnh béo phì mặc dù chương trình Health People được chính phủ đề ra vào năm 1990, với mục đích trở lại tỷ lệ của năm 1961. Ngày nay thì nhiều hơn, không dám ghi lại. Chán Mớ Đời 

Cũng trong những thập niên này, người ta nhận thấy số người Mỹ bị mắc phải bệnh tiểu đường gia tăng từ 1% lên đến 11% và 63% người Mỹ được xem là trong tình trạng Tiền Tháo đường. Kinh

Đau đớn nhất là người Mỹ tuân theo tiêu chuẩn do quốc hội đưa ra, hướng dẫn hệ thống y tế, học đường. Dạo con mình còn đi học, chúng không muốn ăn cơm trưa ở trường, chúng kêu dỡ lắm nên mình phải làm cơm để chúng đem theo đi học. Có lần mình thấy xe tải chở thức ăn trưa đến trường nên tò mò đậu xe rồi bò lại xem. Toàn là đồ ăn đóng từng khay như lên máy bay nhưng chán như con gián.

Hỏi thêm thì được biết, mỗi học sinh chỉ được ngân sách là $2.21/ bữa nên trường không có khả năng mướn đầu bếp để nấu thức ăn tươi cho học sinh nên họ cứ đặt các công ty giao thức ăn trưa, theo tiêu chuẩn của chính phủ ban hành.

Đây là bản chỉ dẫn thức ăn dinh dưỡng thường nhật dành cho người Mỹ từ những thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, đã khiến người Mỹ to béo lên và bị bệnh tiểu tiểu đường và các thứ bệnh khác.

Do đó mình không tin vào những gì chính phủ hoạch định, lý do là các công chức cứ theo chỉ thị mà làm trong khi tư nhân thì họ thấy không đúng chỉ tiêu thì sẽ tự điều chỉnh.

Lý do của sự việc là vào thập niên 70, trong cuộc chạy đua tranh dành ảnh hưởng của thế giới giữa hai khối cộng sản và tự do. Hoa Kỳ đã bỏ thể chế để thị trường cung cầu tự điều chỉnh, người ta sản xuất ra những gì người mua cần. Đây chính phủ ra chỉ thị trồng đậu nành, các ngủ cốc, nuôi gia súc và nông dân được hổ trợ. 

Các cánh đồng lúa Hoa Kỳ thì gặt một mùa rồi để không canh tác 1 hay 2 năm để thiên nhiên tự phân bón với bò ngựa, dê,…ăn cỏ hoang và thải phân. Đây với sự tiếp sức của chính phủ nên họ cho canh tác hết các đồng lúa, phân bón thì dùng hoá học,…để đánh bại Liên Xô và cuối thập kỷ 20.

Trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ bán lúa gạo cho Liên Xô, kẻ thù của mình. Nếu không có lúa gạo mua từ Hoa Kỳ thì Liên Xô đã gục từ lâu. Hoa Kỳ cứ kêu gọi tự do nhưng lại tiếp tế cho đảng cộng sản tiếp tục sinh sống vì họ làm giàu bán lúa gạo hay công nghệ cho Liên Xô. Tương tự ngày nay, Hoa Kỳ bán ngủ cốc cho Trung Cộng rất nhiều.

Thời ông Gorbachov mới lên ngôi, cho các cán bộ cao cấp Liên Xô ra hải ngoại tìm hiểu để thay đổi nền kinh tế của khối Liên Xô. Có một phái đoàn đến Luân Đôn, xin bỏ 1 số chương trình ngoại giao như đã dự định, và muốn đi xem các lò sản xuất bánh mì. Đòi hỏi này khiến các đối tác người Anh Quốc ngơ ngác như bò đội nón, trả lời chúng tôi không có hãng xưởng chế tạo bánh mì. Cán bộ Liên Xô cho rằng họ muốn dấu, cương quyết muốn đi viếng các lò bánh mì.

Lý do là tại Liên Xô, muốn mua bánh mì phải xếp hàng, với tem phiếu bú xua la mua như người Việt đã trải nghiệm sau 1975. Liên Xô có thể đêm người lên không gian, chế tạo bom nguyên tử nhưng người dân của họ vẫn thiếu thốn món ăn cơ bản hàng ngày là bánh mì. Đối tác Anh Quốc dẫn họ đi xem các tiệm bán bánh mì, họ xem nhu cầu của người tiêu dùng trong chu vi của tiệm họ để làm bánh nhiều hay ít tuỳ trường hợp, lễ lạc,… đó là hệ thống cung và cầu, tự quân bình khác với chính sách nhà nước Liên Xô.

Trong khi Liên Xô cứ ra chỉ thị chương trình ngũ niên, đủ trò nhưng dân Liên Xô vẫn đói, vẫn phải nhập cảng lúa mì từ kẻ thù tư bản đang dẫy chết.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, quốc hội Hoa Kỳ qua ông McGovern, ủng hộ bởi các công ty thực phẩm, khuyến cáo người Mỹ theo chế độ dinh dưỡng, nhằm tạo dựng một thế hệ thanh niên thiếu nữ mỹ mạnh mẽ trong cuộc chạy đua với khối Liên Xô.

Sự hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ tư bản, tuy thành công nhưng lại để lại hậu chứng cho người Mỹ. Vì sự hổ trợ của ngành canh nông khiến thức ăn rẻ, người Mỹ ăn nhiều hơn cơ thể đòi hỏi mỗi ngày, và gây nên bệnh béo phì, đưa đến đủ thứ bệnh như ngày nay.

Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì khám phá ra đi ăn tiệm rẻ hơn là mua đồ về nhà nấu ăn nhất là chỉ có một mình. Khác với Châu Âu, rất là đắt nhất là khi mình đi làm tại Thuỵ-Sỹ, đắt kinh hồn khi đi ăn tiệm. Em mình bên pháp sang Hoa Kỳ chơi, kêu ăn rẻ quá, giá 1/3 bên tây mà lại ngon.

Các hổ trợ canh nông của chính phủ giúp các công ty thực phẩm làm giàu thay vì nông dân. Nông dân bỏ nghề ra tỉnh kiếm việc rất nhiều. Được biết ngày nay chỉ 2% dân số Hoa Kỳ làm về nghề nông. 2% người Mỹ nuôi sống cả nước thêm các nước khác mua nông phẩm của Hoa Kỳ. Thậm chí ngày nay, Việt Nam cũng mua thịt gà của Hoa Kỳ vì rẻ hơn gà nuôi tại Việt Nam. 

Xem những phim tài liệu về canh nông, thí dụ dân nuôi gà bị các công ty thực phẩm biến thành nô lệ dù mình là chủ nông trại chăn nuôi. Họ cứ bắt thay đổi, trang bị máy móc mới để công ty làm giàu còn người nông dân chỉ biết đóng thuế, trả tiền nợ nần,…

Khi đệ nhị thế chiến khởi đầu, chính phủ Hoa Kỳ khám phá ra các thanh niên đến tuổi nhập ngủ bị ốm đói, không đủ tiêu chuẩn để vác súng ra trận nên sau đệ nhị thế chiến, chính phủ Hoa Kỳ ra chương trình ẩm thực tại học đường, bắt nhà trường phải theo qui chế chương trình dinh dưỡng do chính phủ đưa ra nhằm tạo dựng một thế hệ thanh niên vườn tráng để ra trận.

Hậu quả là ngày nay có đến 6 ông tướng về hưu đưa ra báo cáo là đa số thanh niên ngày nay, ngược lại với thế hệ ông nội, ông ngoại là không có khả năng ra trận. Lý do quá béo. Mình nhớ đi ăn sáng ở một quân cảng Mễ Tây Cơ trong một chuyến công du với thị trưởng thành phố Bellflowers. Hình ảnh các quân nhân nam nữ Mễ, to béo, chạy ướt ít khi chào cờ khiến mình thất kinh.


Bệnh béo phì là một nguy cơ cho đất nước vì khi đất nước bị gây chiến thì khó mà có đủ binh lính ra trận để bảo vệ đất nước. Chán Mớ Đời 

Có cái này mình đã kể rồi nhưng nhân bài này mình nhắc lại. Trước khi thử máu, người ta bắt chúng ta nhịn đói. Khi nhịn đói thì khi hết thức ăn đã được phân huỷ thì cơ thể tự động lấy chất béo trong người để phân huỷ, tạo năng lượng cho cơ thể. Do đó lượng cholesterol trong máu rất cao. Muốn cho chính xác thì chúng ta cần nhịn ăn mấy ngày trước khi đi thử máu (4-5 ngày). Bác sĩ bắt nhịn đói là muốn mình có thêm cholesterol, để cho uống thuốc statins. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Soni, el conquistador

062521

Hôm nay, mình leo núi Trọc (Badly) vì trên đỉnh không có cây. Mấy đỉnh núi khác trong vùng mà mình đã leo thì có lác đác vài cây thông tùng. Đỉnh núi này thì chả có gì cả. Được xem là đỉnh cao nhất của núi ở vùng Los Angeles , độ cao 10066 bộ, khoảng 3068 mét. Xem như cao hơn gấp đôi Đàlạt.

Vấn đề là đỉnh Whitney là 14,505 bộ. Kinh cần phải tập luyện thêm. Tháng 7 mình sẽ đi vòng vòng ở núi này có đến 10 đỉnh. Mình đã leo lên được 5 rồi. Sau đó sẽ qua đỉnh San Jacinto là chuẩn bị cho đỉnh Whitney.

Lần đầu tiên, dẫn đồng chí gái đi trượt tuyết là lên đây vì các piste dễ đi. Sau này mới lên núi Big Bear.

Mình rời nhà là 5:00 giờ sáng, đến nơi là 6:00 mà bãi đậu xe đã gần như chật kính. Cuối tuần thì chắc không có chỗ để đậu. Mình dành mỗi thứ sáu cho leo núi. Mất cả ngày vì đi lên đi xuống cũng 9-10 tiếng đồng hồ, hai tiếng lái xe.


Đây là ảnh chụp được khi mình lên tới đỉnh, sau 5:48:07 tiếng đồng hồ để leo 6.8 dậm. Độ cao leo lên là 7,059 bộ, thật ra không đúng. Điện thoại tính luôn là độ cao vừa lên vừa xuống. Lúc đi lên thì có những chỗ lại phải đi xuống theo đường mòn. Do đó máy tính luôn lúc mình xuống thì phải đi lên lại nên lên tới 7,059 bộ

Chụp xong thì chỉ còn 6% điện cho điện thoại. Khi lên mình có bỏ theo chế độ lên máy bay để bớt dùng điện nhưng phần mềm định vị của điện thoại vẫn chạy nên hết pin sớm. Mình có mang theo cục pin để cắm điện cho điện thoại nhưng cái dây lại quên ở nhà. Có đem theo máy chụp hình Chán Mớ Đời 

Mình có thấy 2 tên mỸ bỏ cuộc đi xuống, chúng hăm hở vượt qua mình còn thì đa số họ vượt qua mình hết. Có hai bố con leo núi, ông bố già vẫn leo nhanh như điên, họ lại chọn những dốc cao để leo. Có mấy bà độ tuổi mình vẫn leo.

Có gặp một bà mỹ khi đi xuống. Mình tránh đường cho bà ta đi lên nhưng bà ta dừng lại nói chuyện. Bà ta kêu “we are tough” khiên mình ngạc nhiên, tại sao lại kêu chúng mình, nghĩa là bà ta và mình. Bà ta hỏi mình còn leo núi với hướng đạo lúc đó mới hiểu. Mình bận áo của đoàn hướng đạo Chi Lăng, trong khi bà ta bận áo của đội nào Manhattan Beach. Mình nói từ khi thằng con lấy xong bằng Eagle Scout thì mình không dính dáng đến hướng đạo. Nay tập leo núi lại để leo đỉnh Whitney. Bà ta cho biết là đã leo 2 năm về trước. Mình đoán bà ta leo đến một chỗ nào rồi quay lại. Sau 12 giờ mà có người leo lên là họ chỉ đi nữa đường hoặc cắm trại qua đêm trên ấy.

Lên cao gió thổi kinh hồn. Nếu mà gặp gió Santa Ana chắc là bị thổi bay quá. Phong cảnh quá hùng vĩ, đẹp khó tả. Trên đỉnh, thấy có mấy đống ụ đá, được người ta xếp thành vòng cung để tránh gió. Ai leo lên đây cắm trại ngủ lại, chắc chắn là dựng lều sau mấy ụ đá này. Để lần sau, mình rảnh sẽ tải hình lên vì phải tải từ máy chụp phình nên lười.

Thường vào mùa thu, gió từ bắc Cali và Đông BẮc thổi về vùng Ló.A. Và quận Cam, được bao bọc bởi các dãy núi San Gabriel và San Bernardino. Khi gió xuống thấp ở các dãy núi, sẽ làm độ ẩm mất hết và hơi nóng bùng lên. người ta gọi là Compressional warming’ , heating nên gió thổi kinh hồn kèm theo hơi nóng.

Hình chụp 6:30 sáng từ điện thoại, khi mặt trời đã lên. Nếu ở gần leo lên đây sớm để xem mặt trời mọc là đẹp luôn.

Lúc đi xuống thì mình đi đường khác, ngắn hơn nhưng lại độ dốc lại cao nên khá chới với. Đồng chí gái muốn leo lên đây nên hỏi xem độ cao có khác với Yosemite. Mình nói Yosemite chả thấm béo gì cả. Để xem đồng chí gái có muốn leo lên đây. Có thể lên nữa đường cũng khá rồi.

Đây là biểu đồ nhịp tim của mình khi leo núi. Cao nhất là 142 nhịp mỗi phút nên cũng mừng. Nhớ lúc đầu mới tập thì trên 150 nhịp.

Có anh bạn nói là nên đem theo mật ong để ăn, giúp có sức. Mình lấy mật ong vườn bỏ vào con gấu, đem theo , mút mút rất phê. Ngoài ra có đem theo chà là của tên bạn trồng và đậu phụng, hạt điều để ăn

Tuần tước mình leo lên đỉnh Cucamonga nên sau đó chân mỏi quá nên chả đi đâu nhiều, chỉ có thứ 4 bắt đầu đi bộ với vợ lại buổi chiều và hôm qua thứ 6 leo được 15.3 dậm.

Tuần tới thì tính leo đỉnh này lại nhưng từ chỗ khác, khó hơn vì leo lên đến 5,000 bộ.

Hôm qua mình đem theo chai dầu xanh, xức nơi mặt thì ruồi không bu lại nữa. Mấy lần trước, leo núi đổ mồ hôi thêm tỏng ba lô có thức ăn nên ruồi bu lại. Dầu xanh tốt cho vụ chống ruồi.

Hôm qua tiêu mất 4,658 Calories chiều về phải đi ăn với vợ con, cơm Ba tư để lấy sức lại.

061421

Hôm nay tập đi gần nhà cả cuối tuần vừa rồi chả làm gì cả. Đi được 4.2 dậm

Mình đi thêm nữa dậm.
Hôm nay mò lên đỉnh Cucamonga mà 5 năm về trước, mình bị vọt bẻ khi còn 1.5 dậm đến đỉnh, đành phải ngồi đợi rồi quay về. Nay khôn nên ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi mỗi dậm đi lên để cái chân không bị lộn xộn.

Đỉnh Cucamonga mà mình bị vọt bẻ cách đây 5 năm.

Lâu lắm mới mất 4,702 calories. Nghe nói leo Whitney mất 5,000 cal/ ngày. Rút kinh nghiệm phải thêm
Tuần rồi đi có 30.8 dậm

Nhịp tim chỉ có 150 bom tối đa.